Ăn chánh niệm

Tất cả các sinh vật trên thế giới này đều phải ăn để sống, con người cũng không ngoại lệ. Đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc…là các nhu cầu sống của mỗi người chúng ta. Đặc biệt đối với một tu sĩ, chúng ta không những chánh niệm trong bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi; mà nhứt cử, nhứt động các tiểu oai nghi cũng phải trong chánh niệm tỉnh giác. Vì vậy, chánh niệm trong khi ăn, uống, nói, làm…sẽ giúp chúng ta tỉnh giác và làm chủ cái tâm của mình trong mọi lúc mọi nơi. Bài viết này trình bày chánh niệm trong khi ăn như là một trong các tiểu oai nghi mà người tu cần thực hành trong đời sống tu tập hằng ngày.

11

Các loại thức ăn mà con người có thể hấp thụ được là: Đoàn thực, xúc thực, thức thực, tư niệm thực, pháp hỷ thực và thiền duyệt thực.

Đoàn thực là loại thực phẩm vật chất được cấu thành bởi bốn đại chủng địa, thủy, hỏa, phong như cơm, rau, bánh, trái, nước uống...Đa số các loại chúng sanh hữu tình, hay vô tình gồm các loại noãn, thai, thấp, hóa con người và chư thiên trong Dục giới, kể cả chúng sanh trong địa ngục đều cần có đoàn thực để duy trì sự sống của mình.

Xúc thực: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của con người luôn tiếp xúc với sắc chất, âm thinh, mùi hương, vị, xúc chạm, pháp trần. Các đối tượng của các căn như sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp gọi là xúc thực.

Thức thực: Căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) và trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp) khi tiếp xúc nhau sanh ra hiểu biết, nhận thức, phân biệt gọi là thức. Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức là những cái biết khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần được gọi là thức thực.

Tư niệm thực: Là những hồi ức, suy nghĩ, tư tưởng, mơ ước và mong muốn con người gọi là tư niệm thực.

Pháp hỷ thực: Sự vui mừng (hoan hỷ) trong các thiện sự như làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo nàn,bệnh hoạn, hoặc hoan hỷ khi nghe giảng một bài pháp hay; sự an lạc tâm hồn trong khi giữ gìn giới cấm của Phật…gọi là pháp hỷ thực.

Trong các loại thức ăn trên, đoàn thực là loại thức ăn khá phổ biến cho mọi loài, vì nó trở thành những chất nuôi dưỡng thân và làm lợi ích trưởng dưỡng đạo tâm, nếu chúng ta tiếp nhận loại thức ăn này trong chánh niệm. Thông thường có ba trạng thái tâm trong khi ăn.

Trạng thái tâm tham: Nếu thức ăn thơm ngon, hấp dẫn, hợp khẩu vị, chúng ta ăn nhiều hơn, đặc biệt là những món ăn mình ưa thích.

Trạng thái tâm sân: Nếu thức ăn không thơm ngon, không hợp với sở thích của mình, chúng ta ăn trong trạng thái tâm bất khả lạc, bất khả ái, bất khả hỷ, và do đó chúng ta không muốn ăn thức ăn đó.

Trạng thái tâm xả (không tham không sân): Người ăn trong khi ăn không để tâm vào thức ăn ngon dở, không để ý vào hương vị của thức ăn mà chỉ để tâm quán chiếu hoặc chánh niệm tỉnh giác trong khi ăn. Mỗi hành giả chúng ta có thể thực hành chánh niệm tỉnh giác trong từng bữa ăn, góp phần làm tăng trưởng đạo tâm, tăng trưởng phước lành. Chánh niệm này phải được duy trì một cách liên tục và xuyên suốt, trước, đang và sau khi ăn và nó được thể hiện qua thân hành, khẩu hành và ý hành.

Trước khi ăn, khi vào hội chúng phải chậm rãi, khoan thai không nên vội vàng vì đi vội vàng tâm sẽ bị xao động; không nói chuyện vì khi nói chuyện tâm phóng dật; không nhìn ngó liếc xung quanh, vì khi nhìn ngó liếc tâm xao động. Tâm xao động khiến thần tan khí tán. Khi đến nơi, theo thứ lớp tuổi đạo mà ngồi vào vị trí của mình, ngồi kiết già hoặc bán già, lưng thẳng, thân tướng trang nghiêm, mắt nhìn chăm chú phía trước mặt độ khoảng năm tấc tính từ bắp chân ra phía trước. Nếu lấy mắt làm hệ quy chiếu thì phương nhìn của mắt và thân tạo thành một góc 45độ là vừa.

Sau khi ăn, trụ thân một cách oai nghi, tề chỉnh; người ăn bắt đầu hòa chúng tụng kinh cúng dường Tam Bảo theo nghi thức cúng dường. Nên nhớ rằng giọng đọc kinh vừa phải, không lớn, không nhỏ, không trước, không sau, khi xá phải cho đều, hòa chúng.

Điều tâm trong khi ăn, đây là giai đoạn quan trọng đối với người tu. Tất cả chúng ta đều có tâm, khi các căn tiếp xúc với đối tượng (cảnh trần), vọng tâm phân biệt khởi lên. Tâm không hình tướng nhưng nó thể hiện qua các giác quan của chúng ta trong khi ăn. Chúng vận hành theo chức năng của chúng: Mắt nhìn thấy thức ăn, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, ý khởi phân biệt tốt xấu, ngon dở. Điều tâm trong khi ăn cũng giống như điều phục một con ngựa đừng cho nó giẫm đạp lúa mạ của người nông dân, nếu khéo thì thành công còn không khéo thì thất bại. Để thực hành chánh niệm, điều phục tâm trong khi ăn, chúng ta cần phải quán nhân duyên, đoạn trừ tham chấp bằng tam đề ngũ quán. Thức ăn này có được là kết quả công khó nhọc của những người nông dân chân lấm tay bùn, cày sâu cuốc bẩm, nắng táp mưa sa làm ra hạt lúa, công của những người thợ nấu mồ hôi nhễ nhại, vất vả trong nhà bếp…sau đó quán xét mình có đủ đức hạnh để thọ dùng phẩm thực của đàn na thí chủ không, quán xét cơm như món thuốc chữa bệnh đói của thân, chỉ ăn để có sức khỏe tu hành, từ đó đoạn trừ tham ái chấp trước thức ăn.

Cơm như món thuốc linh chữa bệnh,

Ta người đau phải tính phương châm,

Tạm dùng nhưng chẳng luyến tâm,

Đã không tham nhiễm nào lâm tội tình.

Giờ thọ thực nhắc mình tinh tiến,

Lập đạo thành chí nguyện mới thành”.

Vì thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh nên tạm dùng món ăn với tâm không tham đắm,người ăn nguyện trong tâm khi dùng ba muỗng cơm đầu hòa chúng:

Muỗng thứ nhất với tâm nguyện: “Nguyện đoạn tất cả việc ác”.

Muỗng thứ hai: “Nguyện làm tất cả việc thiện”.

Muỗng thứ ba: “Nguyện độ tất cả chúng sanh”.

Quán từ bi trước khi ăn, người ăn rải tâm đến tất cả chúng sanh ta có được thức ăn mỹ vị ngon ngọt trong khi chúng sanh địa ngục ăn hoàn sắt nung cháy đỏ, uống nước sắt nóng chảy sôi.Chúng sanh cõi ngạ quỷ, không được ăn uống gì vì thức ăn khi đưa vào miệng liền hóa thành than lửa. Chúng sanh cõi súc sanh ăn uống dơ bẩn (dùng phân, đất…) và những người nghèo khổ cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc mà khởi lòng thương xót.

Trong khi ăn, người ăn cần phải “Ăn chẳng chấp mùi vị, chẳng đặng hiềm trách đồ ăn ngon dở, chẳng đặng lấy đồ ăn liệng quăng bỏ cho mèo cho chó ăn. Đem đồ ăn thêm chẳng nên nói không dùng.Nếu no lấy tay nhường đi, chẳng đặng lấy tay gãi đầu, khạc nhổ hỉ mũi làm văng bụi nước vào bát người.Chẳng đặng ngậm cơm mà nói chuyện.Chẳng đặng nói cười quơ tay trong khi ăn.Chẳng đặng nhai có tiếng, nhai hở môi và há miệng lớn, muốn gỡ răng mắc đồ ăn, phải che dấu, chẳng đặng cho người thấy mà sanh lòng nghi phiền.Chẳng đặng lấy cơm vò viên bỏ vào miệng.Chẳng nên ăn trám vàm đến nỗi rớt ra.Chẳng nên lấy tay lượm cơm rớt mà bỏ vào miệng (phải bỏ vào bát). Chẳng nên ăn mau hoặc chậm quá.Chẳng nên thấy đồ ăn chưa đến mà sanh lòng phiền muộn.Chẳng nên tham nhiều quá.Chẳng nên đưa đồ ăn từ má bên này qua má bên kia.Chẳng đặng cố ý lựa đồ ăn mỹ vị. Chẳng nên múc muỗng lớn, phải tém cho gọn. Chẳng đặng khua chén bát lớn tiếng.Phải ngồi ăn một lượt một.Chẳng đặng đứng dậy đi lìa chỗ (trừ trường hợp đặc biệt) mà ngồi lại ăn nữa.Chẳng đặng đứng dậy trước người sái phép chúng, nếu có việc riêng đi ra ngoài phải bạch hỏi xin phép.Gặp cơm có thóc phải lột vỏ mà ăn, không đặng phun nhổ.Ăn rồi trước một vài phút phải ngồi chờ.Chẳng đặng cầm đến bình uống nước mà uống trước đại chúng.Phải ăn theo thứ tự thức ăn cơm, canh, bánh, trái, thức uống.Chẳng đặng quên rửa miệng trước khi ăn.Dùng nước (rửa ba lần và uống ba lần hòa chúng). Ăn uống xong đậy nắp bát lại và sắp xếp bát cho ngay ngắn thẳng hàng trước khi hồi hướng”.

Ăn hòa chúng, hòa chúng ba muỗng đầu tiên hoặc hòa chúng từ đầu đến cuối bữa ăn. Ăn hòa chúng từ đầu đến cuối bữa ăn là phương pháp rất hay, giúp hội chúng dễ dàng thiết lập và duy trì chánh niệm ở mức cao nhất. Múc cơm đưa lên ngang miệng, xoay mũi muỗng cơm, rồi đưa muỗng cơm vào miệng, xong để muỗng xuống, nhai nuốt xong múc tiếp muỗng thứ hai, cứ thế người ăn thực hiện từ đầu cho đến cuối bữa ăn. Từ vị chứng minh cho đến vị cuối cùng đều làm một lượt như vậy. Hành giả hướng tâm đến các hoạt động múc, đưa lên, nhai, nuốt một cách rõ ràng là cách thiết lập chánh niệm trong khi ăn. Nhờ tâm có đối tượng tầm sát nên vọng tâm tham sân không khởi sanh, đó là cốt lõi của chánh niệm trong khi ăn. Ăn uống xong đọc kinh hồi hướng trong sự trang nghiêm thanh tịnh để kết thúc bữa ăn trong chánh niệm tỉnh giác trọn vẹn. Ăn chánh niệm không những giúp cho người ăn đoạn trừ được tham sân lậu hoặc, trong khi ăn mà còn phát sinh phước báu cho những ai phát tâm cúng dường bữa ăn. Như vậy cả người thí và người thọ thí đều được lợi ích.

Với tinh thần của người con Phật là lục hòa cộng trụ sống chung tu học, người viết không ngại tài hèn, trí non mạo muội chia sẻ những hiểu biết còn hạn chế của mình, nhưng chí ít cũng là một giọt nước trong biển cả mênh mông, một hạt cát trên sa mạc bao la, một ngôi sao nhỏ trên bầu trời lấp lánh của trí tuệ, mang lại lợi ích cho người tu học, rất mong chư độc giả hoan hỷ cho.