Angulimàla và tinh thần chuyển hóa

Nhờ sự thăng tiến của khoa học kỹ thuật đã giúp cho xã hội hiện đại ngày nay phát triển vượt bậc và tạo nên sự sung túc đầy đủ về vật chất, làm cho nhu cầu đời sống con người thoải mái hơn. Tuy nhiên khi nhìn vào thực trạng của xã hội, ta thấy chúng vẫn chưa thể giải quyết được những vấn nạn của cuộc sống như bạo lực học đường hay những tệ nạn khác…, chúng được đăng tải khắp nơi trên các mặt báo. Chính vì vậy, những lời dạy của đức Phật nói chung và hệ thống Kinh tạng Nikaya nói riêng sẽ giúp ích rất nhiều cho xã hội hiện đại trên con đường định hướng lối sống để mọi người cùng đi đến hạnh phúc. Chính vì vậy ở đây người xin chia sẻ với mọi người phương pháp chuyển hóa mà đức Thế Tôn đã chỉ dạy cho Tôn giả Angulimàla.

Khi đọc vào bài kinh Angulimàla thuộc Trung Bộ Kinh, chúng ta thấy tinh thần nổi bậc nhất chính là sự cải hóa phục thiện của tên cướp nổi danh Angulimàla, người đã sát hại bạo tàn làm cho mọi người trong khu vực kinh hoàng khiếp sợ và biến thị trấn thôn làng thành những đồng không nhà trống mà kể cả vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) nước Kosala cũng phải e ngại lo lắng. Điều đáng nói ở đây chính là sự chuyển hóa tâm sát bạo tàn của tên cướp khi nhận được lời dạy qua câu trả lời của đức Thế Tôn: Ngài đã dừng trong khi chân vẫn đang bước đi, còn tên cướp kia đã mệt nhoài và đang đứng yên lại một chỗ nhưng vẫn gọi là chưa dừng. Chính câu nói này đã làm cho tên cướp thắc mắc nghi ngờ, để rồi tỉnh ngộ sau khi nghe bậc Chánh Biến Tri giảng giải cho hiểu ý nghĩa của việc đứng và chưa đứng:

“Angulimàlà,
Ta luôn luôn đã đứng,

Với tất cả chúng sanh,

Ta từ bỏ gậy trượng,

Còn ông đối hữu tình,

Chưa có tự chế ngự,

Do vậy Ta đã đứng,

Còn Ông thời chưa đứng”[1].

Câu nói làm cho Angulimàla tỉnh ngộ cũng chính là con đường giúp cho thế nhân chuyển hóa để đạt đến lối sống cao thượng. Phương pháp ấy chính là sự từ bỏ trượng kiếm, buông bỏ những bạo hành và vứt bỏ đi khí giới ở ngay trong tâm thức, để sống với tinh thần tự chế ngự những dục vọng nhằm hóa giải cấu uế, những bất thiện pháp và thanh lọc thân tâm. Để từ đó hình ảnh “hồi đầu thị ngạn” của Angulimàla càng sống động hơn và trở thành hình ảnh tiêu biểu cho sự chuyển hóa.

Sự chuyển hóa ấy lại là một trong những tinh thần giáo dục rất thiết thực được lưu lại khắp trong hệ thống giáo pháp của đức Phật nói chung và kinh Angulimàla của tạng Nikaya nói riêng, bởi sự chuyển hóa tâm là một phần quan trọng không thể thiếu trên con đường hoàn thiện lối sống Chân Thiện Mỹ của cuộc sống thế nhân. Ở đây bậc Thiện Thệ đã nhấn mạnh đến yếu tố tâm, chứ chỉ chuyển hóa trên thân không vẫn chưa đủ, khi mà cái gốc tà kiến gây nên đau khổ hư hoại vẫn còn hiện hữu thì làm sao cành ngọn xanh tươi cho được. Điều này được minh chứng qua hình ảnh Angulimàla: trước khi gặp đức Thế Tôn và giáo pháp, Ông cũng là học trò nổi danh với sự thông minh tài trí hơn người nên có sự ganh ghét của chúng bạn, vì thế Ông đã bị đầu độc bởi âm mưu tà kiến của người thầy đưa đến việc trở thành một người sát nhân mà ai ai cũng phải khiếp đảm kinh hoàng khi nghe đến tên. Thông minh tài trí như thế nhưng thiếu nhận thức chân chánh hay con đường chánh pháp, đã không làm chủ được chính mình và rơi vào vòng tội lỗi khổ đau. Để rồi đến khi gặp được chánh pháp, Ông liền nhận chân ra con đường và quyết tâm thực hành để chuyển hóa những lỗi lầm, nhằm thoát ra khỏi vòng tội lỗi khổ đau của dòng chảy bộc lưu:

Thưa Đại vương, nếu Đại vương được thấy Agulimāla cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ nói láo, ăn một ngày một bữa, sống phạm hạnh, giữ giới, hành trì thiện pháp, đại vương sẽ làm gì với Agulimāla?

Bạch Thế Tôn, con sẽ đảnh lễ, hay đứng dậy, hay đưa ghế mời ngồi, hay lo liệu bốn sự cúng dường Agulimāla, tức là y phục, ẩm thực, sàng tọa và dược phẩm trị bệnh, hay chúng con bảo vệ, hộ trì đúng pháp[2]

Tinh thần buông bỏ những ác pháp để thực hành lối sống phạm hạnh, nghiêm giữ giới luật, hành trì thiện pháp một cách mạnh mẽ ấy chính là tấm gương sống động, phản chiếu cho nhân sanh thấy được rằng: dù trước đây chúng ta có sống với ác bất thiện pháp như thế nào đi nữa, cũng hoàn toàn có khả năng chuyển hóa để trở thành người hữu dụng cho cuộc sống và rồi cũng được mọi người tôn kính. Tinh thần này rất có giá trị đối với thế nhân, bởi xã hội hiện đại ngày nay tuy văn minh nhưng vẫn còn rất nhiều vấn nạn mà chưa thể giải quyết được. Chính vì vậy mà phương pháp chuyển hóa của kinh Angulimàla lại càng trở nên hữu ích hơn. Chúng sẽ góp phần định hướng và bổ sung phương pháp chuyển hóa tận gốc rễ những ác bất thiện pháp, bởi đây cũng là yếu tố mà xã hội hiện đại ngày nay đang thiếu. Cho nên nền giáo dục thế nhân và con đường giáo dục tâm linh cần phải song hành với nhau thì mới có đủ khả năng chuyển hóa những thân hành bất thiện từ thân khẩu cho đến ý nghĩ được.

Vì thế con đường thanh lọc tâm thức để hoàn thiện nhân cách, chính là việc chuyển hóa những tâm phiền não tham, sân, si bên trong của chính tự thân. Khi chuyển hóa được những tham sân si thì sự an vui mới hiển lộ, nên trong tạng Nikaya đã đề cập: “Đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, đây gọi là Niết-bàn”, hay “Đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, đây gọi là A-la-hán[3], còn tôn giả Angulimàla đã diễn đạt bằng những vần kệ:

Ai trước phóng dật, sau không phóng dật

Sáng chói đời này, như trăng thoát mây.

Ai làm ác nghiệp, nhờ thiện chận lại,

Sáng chói đời này, như trăng thoát mây

Niên thiếu Tỷ-kheo, trung thành Phật giáo,

Sáng chói đời này, như trăng thoát mây.

Mong kẻ địch ta, nghe giảng Pháp thoại!

Mong kẻ địch ta, trung thành Phật giáo!

Mong kẻ địch ta, thọ lãnh chánh pháp!

(Thân tâm) an tịnh, san sẻ mọi người.….”[4]

Cho nên chuyển hóa tâm là trở về sống với đời sống chánh hạnh nơi thân, lời nói và ý nghĩ để đạt đến sự hoàn thiện của sự chuyển hóa. Đây cũng chính là giá trị cống hiến cho xã hội về mặt tinh thần chuyển hóa của bài kinh Angulimàla.


[1] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ 3-Trưởng Lão Tăng Kệ-Chương 16-Phẩm Hai Mươi Kệ, HCM: Nxb Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành, 1999. Tr.415.

[2] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 2 - Kinh Angulimāla, Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2012, tr.128.

[3] Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng tập 4-Thiên Sáu Xứ-Chương 4 Tương Ưng Jambukhàdaka, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam Ấn hành, 1991, tr. 404-05.

[4] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 2 - Kinh Angulimāla, Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2012, tr.131.