Ba ơi! Con đây Ba

Vu Lan đã về. Có những cơn mưa vô tình đến, như trêu ghẹo lòng người, sau những ngày nóng bức, oi ả. Trời Thu năm nay, cũng như năm nào, mỗi năm, lại thêm một lần đón Vu Lan.

Mùa Vu Lan năm nào lại chẳng có mưa rơi, những giọt mưa tuôn tràn, có khi là trận mưa rào, có khi là những cơn mưa nặng hột… Nhìn những giọt mưa rơi, ta cứ vô tình nghĩ rằng đó những con nuớc từ trên trời cao, không khều mà tự rớt.

Xin người là những giọt mưa

Rớt từ thượng cổ, sông ngòi năm xưa

Vì người là những tấm lòng 

Trẻ thơ ngơ ngác, Cha ôm vào đời.

Ôm con vào đời để dìu dắt con trên mọi nẻo đường và khi con đủ lớn khôn, buông tay để con tự bước. Mỗi bước chân con là mỗi nhịp đập của trái tim của Cha Mẹ. Câu thơ đó đủ phần nào nói lên ý nghĩa kỳ diệu, thánh thiện của tấm lòng Cha Mẹ. Có ai biết những giọt mưa - đó những giọt nuớc mắt ẩn chứa biết bao nhiêu là tình thâm của Cha và Mẹ, đã hình thành mùa Vu lan - Báo hiếu. Đó là những giọt nuớc mắt xót xa, âm thầm, cô đơn dõi theo bóng hình con từ lúc trong bụng, ra đời, truởng thành và vào đời. Những ánh mắt đó chưa bao giờ và không bao giờ dừng lại theo buớc chân của con, dù con có khôn lớn bao nhiêu hay dù con có vô tình hay cố ý quên cha mẹ. Ánh mắt đó vẫn không bao giờ thay đổi.

Ôi ! Con của Ba Mẹ và con là tất cả sự thương yêu và hy vọng.

Giật mình thức giấc giữa khuya. Tôi không biết giờ này là đã mấy giờ rồi, bụng hơi đói đói, ruột cào. Tuổi thơ của tôi là ăn, ngủ, đi học và vô tư mọi chuyện trên đời. Hơi đâu mà lo âu vì còn bé tí xíu, mới 8 – 9 tuổi mà và cũng chẳng biết phải lo gì và cũng chẳng ai thèm dạy cho biết phải lo ra sao.        

Tiếng gà gáy lâu lâu cất lên giữa đêm. Có tiếng dế reo vang, có bản hoà tấu đồng trình diễn. Gần nơi góc nhà bên phải, có kê cái bàn viết nhỏ. Trên bàn, có một vài quyển sách, vài quyển vở, cây viết và kế bên là chiếc radio nhỏ. Một cái đèn dầu, ánh sáng vàng vọt từ bóng đèn tròn chiếu hắt ra. Trong bóng tối lờ mờ, không soi tỏ. Bóng một người đang ngồi đó, trên chiếc ghế, lưng quay về hướng tôi, đầu gục trên bàn. Chiếc bóng lung lay, di động trên tường. Ai vậy cà! Hay là ma. Tôi vội kéo mền phủ kín đầu vì sợ con ma này sẽ thấy mặt và bắt tôi đi ăn thịt. Im thin thít, tim đập loạn. Ba đâu rồi? Tôi phải kêu ba tôi mới được, chỉ có Ba tôi mới không sợ ma và trị được con ma này. Tôi đưa tay sang bên cạnh. Không thấy ba đâu? Vì trong mấy chị em, tôi đuợc ưu tiên ngủ với ba.

Kéo mền lên một chút, chừa lại đôi mắt, nhìn hí hí bóng người đó và chuẩn bị. Nếu con ma đó mà đến tôi, tôi sẽ trùm kín mền lại, dĩ nhiên là qua khỏi đầu. Tôi sẽ ghì cái mền lại không cho giựt đi và tôi sẽ la hét lên và gọi ba tôi. Nhưng, con người đó vẫn im lặng, hay là ba mình. Tôi chun ra khỏi mền, vén mùng lên, chui ra ngoài và từ từ buớc đến bên người ngồi đó. Ba! Ba! Ông ngẩng đầu lên nhìn tôi, cười. Con ngồi đây với ba. Sao không chịu ngủ? Ông ôm gọn tôi vào lòng. Tôi rúc vào lòng ông, đầu dụi dụi. Một hạnh phúc tuyệt vời, an lành, êm dịu bao phủ khắp người tôi. Bản nhạc nhẹ sau thời tin tức, từ chiếc radio vang lên nhè nhẹ, du dương. Tôi… ngủ thiếp lúc nào không biết.

Ba tôi đã đi làm khi tôi tỉnh giấc, không thấy ba đâu. Tôi đã nằm trên giường, không biết mình đã được ẳm qua giường vào lúc nào. Thức dậy, đánh răng, rửa mặt, ăn một củ khoai lang sau đó đi học…

Và những ngày kế tiếp và nhiều ngày đều như vậy. Sao ba tôi không ngủ trọn giấc trên giường? Sao mỗi buổi tối, ông hay ngồi lặng gục đầu trên bàn để ngủ và để nghe tin tức,… Tôi cũng không hiểu nữa. Hình như trong ông có một trời tâm sự, cô đơn. Bên cạnh người vợ, bên cạnh 5 đứa con thơ dại. Ba đang lo lắng điều gì?

Ba trăn trở…

Tôi có linh tính như có gì không ổn và có niềm chua xót nhẹ nhàng đi vào lòng, vào đầu óc của tuổi thơ.

Rồi buổi sáng, Mẹ bảo Ba các con sắp bị thất nghiệp!

Tôi thực sự không hiểu thất nghiệp là gì, nhưng vẫn cảm nhận không khí như chùn xuống. Ba tôi lại ngồi gục đầu trên bàn nhiều hơn. Có lẽ ba tôi mất mát quá nhiều trong cuộc đời của ông…

Thế rồi, một ngày Ba tôi ra đi, rời khỏi vòng tay thân yêu của vợ và 5 con dại vì căn bệnh phổi… khi chỉ mới 50 tuổi.

Thời gian sau, vì gia đình khó khăn, tôi sang ở với người cô để được tiếp tục đi học… Dòng thời gian và sự rời xa này tôi thấy mình lớn hơn và để cảm nghiệm được tất cả tấm lòng của cha mẹ về mọi phương diện cư xử trong cuộc sống và để thương yêu hơn.

Giờ đây tuy Ba tôi đã vắng mặt hơn 44 năm trên cuộc đời này, nhưng hình ảnh, lời nói, việc làm v.v… của Nguời vẫn là chất liệu ngọt ngào, đơm bông, nở trái trong tôi. Không có bóng dáng đó, tấm lòng đó, cuộc đời tôi chắc sẽ nghèo nàn, thiếu sót, hoang dại.

Ai cũng có quyền hãnh diện về cha về mẹ mình.

Tôi cũng vậy. Ba tôi không phải là một nhà chính trị, một nhà nổi tiếng, đầy danh vọng hay là gì gì khác. Ông chỉ là con nguời bình thường và chỉ cho tôi tấm lòng của ông trải dài theo buớc chân của tôi. Theo thiên kiến của tôi, Ba tôi khác những người cha khác. Ông rất hiền từ, người xấu nhưng ông là người cha mà tôi thương kính. Đó là những gì đẹp nhất mà cuộc đời trao tặng cho tôi. Vì qua đó, trái tim tôi được mở rộng, hình ảnh khởi đầu của tình yêu và sự hiểu biết, là dòng sống mạnh mẽ của tâm Từ bi và Trí tuệ.

Có nhiều người kêu gọi Từ bi và Trí tuệ từ cõi đâu đâu, không ngờ cặp phạm trù này luôn hằng sống và thường hiện diện trong mỗi con người. Cha mẹ chính là duyên khởi đầu cho một thân người và là duyên để giúp cho chủng tử của kiếp sống người con hình thành.

Một nhà văn nói rằng: “Có nhiều người khi cha mẹ còn sống thì thường hay lãng quên, cho đến khi cha mẹ nhắm mắt lìa đời, thì mới cảm thấy hối hận, ăn năn. Lúc đó thì quá muộn, vì cha mẹ không còn nữa”.

Khi viết về cha mẹ, theo thói quen, ai nấy đều cố gắng đưa lên những hình ảnh đẹp về đấng sinh thành của mình. Riêng tôi, cảm nhận về Cha mẹ với hai mặt trái và phải. Bởi vì cha mẹ tôi là con người. Cha mẹ tôi có thể có những cái xấu, có những việc không đẹp, nhưng cũng có nghĩa là có những việc rất ư là đẹp, nên thơ, tuyêt diệu. Hai người chính là khởi đầu của sự sinh thành trong tôi để khởi dậy mọi chủng tử. Cái xấu có mặt để tôi nhận diện và tu sửa. Cái đẹp có mặt để tôi làm sinh sôi, nẩy nở và chia sẻ với mọi người. Nhưng nếu không có cái xấu, làm sao tôi có thể biết được cái đẹp và sống với nó.

Hình ảnh đẹp nhất, nhân bản nhất mà mùa Vu Lan đem lại không phải chỉ tổ chức như là một ngày lễ kỷ niệm, mà chính là giá trị nhân văn đầy nội dung và ý nghiã - tấm lòng của cha mẹ và sự báo hiếu - là cội nguồn văn minh của nhân loại. Nếu hình ảnh của Mẹ như biển cả bao la, tuôn rơi mật ngọt, ôm ấp con thơ, thì bóng dáng người cha như là núi cao vời vợi, hiên ngang sừng sững giữa bầu trời, che chở cho con. Mùa Vu Lan là để sống với những thực tại này và tạo thành hạnh phúc cho con nguời, muôn loài nếu biết sống... Vì tình yêu này đi vào trái tim, vào da thịt, mạch máu và làm con người khác với loài vật. Đó cũng chính là ý niệm chân thật khởi đầu về Từ bi và Trí tuệ và tất cả nền văn minh nhân loại đích thực cũng bắt nguồn từ đây.

Trong lịch sử tôn giáo của nhân loại, duy nhất chỉ có Đức Phật là người nói đến chữ Hiếu. “Phụ mẫu tại tiền, như Phât tại thế”. Đó là chân lý tuyệt đẹp và cao siêu, nhân bản.

Trong nghĩa trang của người con Phật sau chùa Tân Hòa, thắp trên mộ ba một nén hương. Khói bay lảng đảng, xoay mình nhè nhẹ theo gió. Nhìn chân dung của người, lòng tôi xúc động… Ba ơi! Con đây ba… Thân tứ đại mượn đã hoàn trả lại. Tấm hình chân dung còn đó, tuy tàn phai nhạt nhoà theo năm tháng. Ba hiện ở đâu? Khói nhang làm tôi cay mắt hay giọt nước mắt vô tình nào đó, chợt rơi xuống. Một nỗi niềm cảm xúc khó tả.

Tôi im lặng thật lâu, thật lâu. Mong rằng Ba dù ở cảnh giới nào cũng luôn luôn được gần Phật, gần các Pháp lữ…

Ba ơi! Con đây Ba…Câu nói mà ngày xưa còn bé, con ngồi trong lòng Ba vào những đêm khuya khi ba cô đơn, gục đầu trên bàn và im lặng. Cái im lặng của bầu trời sâu thăm thẳm của nội tâm. Ba nói rằng: “Con à! Làm người cần nhất là trung thực, cần phải tự bước đi trên đôi chân của mình, đừng làm việc gì gây đau lòng cho người khác nha con!”.

Dòng nước mát một đời con uống cạn

Giọt mồ hôi, năm tháng chẳng hề vơi

Vì tình cha muôn thuở vốn không lời

Trong lặng lẽ âm thầm như chiếc lá”.

Ba ơi! Con đây Ba.

                                                   An Khê, mùa Vu Lan PL. 2559