Báo cáo An cư kiết hạ tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Viên - 2017

Hằng năm cứ vào mùa An cư kiết hạ, chư Tăng Ni (gồm 83 vị hành giả; 49 vị Tăng và 34 Ni) trực thuộc trong Giáo đoàn I đồng trở về Tổ đình Tịnh xá Ngọc Viên để được học nghe lời Phật, lời Tổ qua sự giáo dẫn của chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức từ những kiến thức hiểu biết cho đến quá trình trải nghiệm tu học của chư Tôn đức, ngỏ hầu làm khơi dậy Thánh tâm vốn sẵn có và làm mờ nhạt lần những phàm tâm đã huân tập nhiều đời vốn bất ổn bất an mà tự thân chưa đủ sức hàng phục, chuyển hóa.

NVien 1

Sau mỗi giờ thọ trì pháp học, chư hành giả phải luôn nỗ lực thực tập thiền hành, thiền tọa, sống tỉnh thức trong các oai nghi theo như thời khóa đã ấn định của Hạ trường được diễn ra từ 3g30 và kết thúc lúc 22g00, gồm có: Thiền hành 4 thời, thiền toạ 4 thời, học pháp 2 thời, dùng cơm hòa chúng. Riêng ngày Chủ Nhật hàng tuần, chư Tăng Ni kiểm thảo và học luật Tỳ-kheo. Mỗi ngày, chư Ni tham gia tu học cùng với đại chúng Tăng từ 7g00 sáng đến 17g00 chiều, và sau đó trở về Tịnh xá Ngọc Chơn (Tân Hoà, Vĩnh Long) tiếp tục chánh niệm công phu cho đến trọn ngày.

Chính việc thực hành miên mật các thời khóa một cách trọn vẹn sẽ giúp đời sống phạm hạnh thêm vững chắc, lòng tin được kiên cố và tuệ giác được phát sanh tăng trưởng. Đó là hoài bão mà chư Tôn đức hằng mong muốn, và cũng là mục đích tu học của chúng con.

NVien 2

Học pháp tại giảng đường Pháp Vân

Thật hạnh phúc là sự không bỏ sót về thân giáo của chư Tôn đức dành cho chúng con! Thật hạnh phúc là những lời chỉ bày, nhắc nhở, sách tấn của chư Tôn đức! Bao nhiêu vị Giáo thọ sư là bấy nhiêu kinh nghiệm, kiến thức truyền đạt cho chúng con. Nhất là Hòa thượng Giác Tường, Hòa thượng Giác Nhường, Hòa thượng Giác Giới, Hòa thượng Giác Dũng, Hòa thượng Giác Toàn như là những bậc Đạo sư đầu đời của chúng con, tuy không trực tiếp đến lớp hằng ngày nhưng những lời sách tấn nhắc nhở của quí Ngài là động lực mạnh mẽ cho chúng con an trú và tinh tấn tu học.

Hòa thượng Giác Giới thường xuyên nhắc nhở chúng con: Người xuất gia phải tha thiết tầm tòi học hỏi để có định hướng cho mình, tức phải có Thánh chánh kiến rồi mới hạ thủ công phu. Hòa thượng trích dẫn những bài Kinh trong Tăng Chi Bộ để chỉ rõ lập trình tu học để sanh Chánh kiến cũng như từ sự đoạn tận tâm phóng dật, tâm không xấu hổ và tâm không sợ hải cho đến sự đoạn tận tham, đoạn tận sân và đoạn tận si chấm dứt khổ đau trong ba cõi.

Song song đó chư Tôn đức trong Giáo đoàn như: Thượng tọa Giác Hảo, Thượng tọa Giác Nguyên, Thượng tọa Giác Đăng, Thượng tọa Giác Hy, Đại đức GiácTín, Đại đức Giác Thuần, Đại đức Giác Cương, Đại đức Minh Chơn, cũng trích dẫn những bài kinh trong Tăng Chi Bộ, Trung Bộ, Bát Đại Nhân Giác, Kho Tàng Pháp Học nhằm chỉ rõ những pháp tu đoạn trừ lậu hoặc ngang qua Thánh Giới, Thánh Định và Thánh Tuệ cũng như những kinh nghiệm tu học hết sức sâu sắc và thiết thực của chư Tôn đức làm cho chúng con được gần gủi và dễ tiếp thu để ứng dụng trong đời sống tu học của mình.

Ngoài ra, Thượng tọa Giác Tây, Thượng tọa Giác Minh còn chỉ dẫn đường lối tu tập của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang ngang qua Kinh tạng Pali cũng như Kinh điển Đại thừa làm cho chúng con sáng thêm lời Phật, ý Tổ hầu tăng thêm sức mạnh tu tập.

Càng phong phú và dễ nhớ hơn nữa là với những vần kệ của đức Tổ sư được Hòa thượng Giác Nhân tâm đắc và chia sẽ cho chúng con ngang qua lời Phật dạy trong Tăng Chi Bộ Kinh.

Thật xúc cảm hơn hết là tấm lòng từ ái của Hòa thượng Giác Toàn, Hòa thượng Giác Pháp, Thượng tọa Minh Đạo, Đại đức Giác Hoàng vì lòng thương tưởng hàng hậu học chúng con, vì tiền đồ Phật pháp, chư Tôn đức dù Phật sự đa đoan, cũng nhín chút thời gian đến chia sẻ những kinh nghiệm tu học tự thân cũng như truyền đạt lời Phật, ý Tổ ngang qua bộ A-hàm và Pali tạng, để chúng con thâm hiểu hơn nữa con đường, pháp môn tu tập nhằm ứng dụng có lợi ích thiết thực, an lạc nội tâm. Đây là niềm khích lệ lớn lao trong đời tu học của chúng con, để chúng con có đủ niềm tin, sức mạnh và nghị lực, tinh tấn và vượt khó trong hành trình dài tu tập hướng đến mục tiêu tối hậu “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”.

Bên cạnh đó, chư hành giả cùng nhau ôn nhắc những lời dạy của đức Phật qua những bài kinh Trung bộ, và lời dạy của đức Tổ sư qua các bài Chơn lý để tác ý sâu hơn những lời dạy ấy nhằm làm cho con đường xuất gia không bị sứt mẻ theo năm tháng, như kinh Pháp Cú có nói:

“Vị Tỳ kheo thích pháp

Mến pháp, suy tư pháp

Tâm tư niệm chánh pháp

Không rời bỏ chánh pháp”

Ngoài những giờ công phu chính thức, chư Tăng còn ý thức được việc phục vụ Tam bảo với tâm chánh niệm tỉnh giác là một phần không thể thiếu cho việc xuất gia phạm hạnh, như chăm sóc ngôi Già lam, tiếp đón, hướng dẫn các phái đoàn viếng thăm, cúng dường trường hạ, cũng như tạo điều kiện kiện cho hàng Phật tử cận sự dâng thức ăn vật uống để sớt bát chư hành giả mỗi ngày. Chính những làm này sẽ giúp chư hành giả tăng trưởng công đức phước báu để trang nghiệm tự thân.

Tóm lại, những ngày sống chung tu học với sự nhiệt tâm tinh cần đúng theo tinh thần của Phật, Tổ, Thầy chỉ dạy sẽ giúp chư vị hành giả đẩy lùi các ác bất thiện, làm tăng trưởng các thiện pháp và sẽ hoàn thành mục tiêu phạm hạnh của người xuất gia giải thoát. Như lời dạy của đức Thế Tôn qua bài kinh Ví Dụ Cái Cưa: “Này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ bất thiện, hãy nỗ lực đối với các thiện pháp, như vậy các Ngươi mới thành tựu sự trưởng thành, hưng thịnh, lớn mạnh trong Pháp và Luật này”.

NVien 3

NVien 4