Báo cáo GĐ.II - 35 năm hội nhập và phát triển (1981 - 2016)

Giáo đoàn II HPKS được thành lập bởi đức Thầy Giác Tịnh và Trưởng lão Giác Tánh vào năm 1957, lấy Tịnh xá Ngọc Nhơn làm ngôi Tổ đình. Trên 20 năm du phương giáo hóa (1954-1975), đức Thầy Giác Tịnh cùng Trưởng lão Giác Tánh và chư đệ tử thành lập được 16 ngôi tịnh xá, làm chỗ nương tựa cho hàng ngàn người sinh hoạt tu học. Tăng chúng có gần trăm vị xuất gia thọ giới, trở thành Tỳ-kheo Thích tử, quảy bát mang y du hành giáo hóa. Bên cạnh đó còn có trên 30 vị Tăng trẻ cho theo học các trường Bồ-đề, gần 10 vị theo học Đại học Vạn Hạnh. Năm 1974, một số vị tốt nghiệp Cử nhân Phật học, sau đó được khuyến khích học tiếp Cao học. Đây là giai đoạn lớn mạnh của Giáo đoàn II.

TXNgocNhon 1

Các lĩnh vực Tăng sự, Hoằng pháp, Giáo dục… đều được quan tâm, hoạt động tích cực. Tổ chức các khóa tu, khóa học, luân phiên đi thuyết giảng kinh pháp các miền tịnh xá, có ngày thuyết giảng ba bốn điểm. Nơi nào có bước chân của Trưởng lão - Đức Thầy và chư Tăng hành đạo, nơi đó có đạo tràng tịnh xá được thành lập và hàng ngàn Phật tử quy y tu học, góp phần cải tạo nhân tâm, ổn định xã hội, góp vào “vườn hoa” Phật giáo những công trình kiến trúc mới lạ biệt truyền.

Gần hai thập niên (1956 – 1975), chư Tăng không bị ràng buộc về nơi ở, sự ăn, cái mặc nên rất thanh thoát nhẹ nhàng. Chỉ bắt đầu từ năm 1975 cho đến nay, vì hoàn cảnh chung của đất nước sau chiến tranh, chư Tăng trong Giáo đoàn đã dừng bước du hóa, tùy nhân duyên của mỗi trú xứ mà lưu trụ tu học, giữ gìn đạo tràng, xiển dương Chánh pháp.

Sau ngày 30/04/1975, hòa bình lập lại, giang san thống nhất nối liền một cõi, Bắc Nam sum họp một nhà, đất nước rất cần sức người sức của để xây dựng quê hương thời hậu chiến, nên rất nhiều chư Tăng trẻ Giáo đoàn II theo sự kêu gọi của gia đình xã hội đã hoàn tục. Giai đoạn này (1975-1981) Tăng đoàn chỉ còn 25 vị, 13 ngôi tịnh xá có Tăng trụ xứ, 2 ngôi bỏ hoang, 1 ngôi bị chiếm mất. Các sinh hoạt trong Giáo đoàn có tính chất nội bộ địa phương, nơi nào có đất canh tác thì lao động sản xuất, góp phần kinh tế cho nhà chùa. Có nơi giữ hạnh trì bình khất thực hóa duyên, đời sống tu học của chư Tăng thanh đạm, giản dị, luôn luôn gắn bó trong tinh thần lục hòa cộng trụ, giới hạnh tinh nghiêm.

Từ ngày thành lập GHPGVN (07/11/1981) đến nay tròn 35 năm, Giáo đoàn II chuyển mình cùng Hệ phái, Giáo hội và đất nước. Các sinh hoạt chuyển biến ổn định, tích cực theo sự phát triển chung của Giáo hội cả về số lượng lẫn chất lượng được thể hiện qua các mặt như sau:

1.Tăng sự

a. Tăng số

Hiện nay (2016), có 70 vị, trong đó có 53 vị Tỳ-kheo, 7 vị Sa-di, 10 tập sự. Giáo phẩm Hòa thượng: 4 vị, Trưởng lão: 1, Thượng tọa: 7 vị.

So với 35 năm trước Tăng số tăng gấp 3 lần. Chư Tăng trong đoàn hòa hợp, an trú phạm hạnh, trau dồi Tam Vô lậu học.

b. Tham gia các ban ngành của GHPGVN

Công tác Giáo hội là một trong những Phật sự quan trọng thể hiện tinh thần đoàn kết hòa hợp. Chư Tôn đức Giáo đoàn II đã đồng hành tham gia công tác tổ chức Giáo hội từ cấp Trung ương đến địa phương, đảm trách các chức vụ như sau:

1. Cố Hòa thượng Giác Thường: Nguyên Ủy viên Ban Nghi Lễ TW GHPGVN, Ủy viên BTS; Ủy viên Ban Hoằng pháp GHPGVN TP. Hồ Chí Minh.

2. Hòa thượng Giác Dũng: Ủy viên BTS GHPGVN tỉnh Khánh Hòa.

3. Hòa thượng Giác Thanh: Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Đăk Lăk, Nguyên Phó trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Hoằng Pháp GHPGVN tỉnh Đăk Lăk.

4. Hòa thượng Giác Sơn: Ủy viên HĐTS GHPGVN – Phó BTS GHPGVN tỉnh Bình Thuận.

5. Thượng tọa Giác Mạnh: Ủy viên BTS GHPGVN tỉnh Bình Định – Phó BTS GHPGVN huyện Hoài Nhơn.

6. Thượng tọa Giác Hạnh: Ủy viên BTS GHPGVN tỉnh Đăk Nông.

7. Thượng tọa Giác Thạnh: Phó trưởng Ban Thường trực BTS GHPGVN huyện Bắc Bình.

8. Đại đức Giác Châu: Ủy viên Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ngãi; Phó ban Hướng dẫn Phật tử – Trưởng Phân ban Cư sĩ GHPGVN tỉnh Quảng Ngãi.

9. Đại đức Giác Trực: Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN TP. Quy Nhơn.

10. Đại đức Giác Ngạn: Ủy viên Ban Hoằng pháp GHPGVN TP. Đà Nẵng.

11. Đại đức Giác Đạo: Ủy viên Kiểm soát GHPGVN TP. Đà Nẵng,

12. Đại đức Giác Thủ: Ủy viên BTS GHPGVN tỉnh Quảng Trị.

13. Đại đức Minh Liêm - Ủy viên Thường trực kiêm Trưởng ban Pháp chế BTS GHPGVN quận Thanh Khê TP. Đà Nẵng.

14. Đại đức Minh Trí: Trưởng ban Kinh tế Tài chánh GHPGVN tỉnh Đăk Nông .

2. Giáo dục

Giáo dục là điều kiện tiên quyết, để có những thế hệ kế thừa có tài, có đức, thông hiểu pháp học, am tường pháp hành, nên chư Tôn đức lãnh đạo Giáo đoàn cùng chư vị trụ trì các đạo tràng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hàng Tăng trẻ theo học tại các trường Phật học. Hiện nay có nhiều vị đã tốt nghiệp các khóa học, đang tham gia công tác Phật sự địa phương, cũng như điều hành sinh hoạt các trú xứ. Một số vị đang theo các trường, các cấp học cao hơn.

Chư Tăng trong Giáo đoàn đã tốt nghiệp Thạc sĩ Phật học có 2 vị; Cử nhân 2 vị; Cao đẳng 1 vị; Trung cấp 6 vị. Đang học Thạc sĩ 3 vị; Cử nhân 4 vị; Trung cấp 2 vị.

Đã tốt nghiệp đang sinh hoạt ở các trú xứ: 9 vị

1. Đại đức Giác Trực: Tốt nghiệp Cao đẳng Phật học TP. HCM khóa II (1997 – 2001), trú xứ Tịnh xá Ngọc Nhơn.

2. Đại đức Giác Phước: Tốt nghiệp Học viện PGVN tại TP.HCM khóa V (2001 – 2005), trú xứ Tịnh xá Ngọc Đăng, TP. HCM.

3. Đại đức Minh Chuẩn tốt nghiệp Thạc sĩ Phật học tại Thái Lan (International Buddhist College - 2012), trú xứ TX. Ngọc Hương TP. Huế.

4. Đại đức Minh Liêm: Tốt nghiệp Học viện PGVN tại TP. HCM khóa VIII (2009 – 2013), trú xứ Tịnh xá Ngọc Giáng, TP. Đà Nẵng.

5. Đại đức Minh Nhẫn tốt nghiệp Thạc sĩ Phật học tại Ấn độ (GAUTAM BUDDHA 2014 - 2016), trú xứ TX. Ngọc Xuân, Bình Thuận.

6. Đại đức Minh Phất: Tốt nghiệp Trung cấp Đà Nẵng khoá III (2004 – 2008), trú xứ Tịnh xá Ngọc Sơn, Bình Thuận.

7. Đại đức Minh Trường: Tốt nghiệp Trung cấp Đà Nẵng khoá III (2004 – 2008), trú xứ Tịnh xá Ngọc Thiền, Đăk Nông.

8. Tỳ-kheo Minh Trung: Tốt nghiệp Trung cấp Bình Thuận, khoá V (2007 – 2010), trú xứ Tịnh xá Ngọc Thiện, tỉnh Bình Thuận.

9. Tỳ-kheo Minh Nhứt, Tốt nghiệp Trung cấp Bình Thuận, khoá VIII (2011 – 2015), trú xứ Tịnh xá Ngọc Thiện, tỉnh Bình Thuận.

10. Tỳ-kheo Minh Thúc, trú xứ Tịnh xá Ngọc Giáng, tốt nghiệp khóa V Trung cấp Đà Nẵng (2012 – 2016).

11. Tỳ-kheo Minh Vân, trú xứ Tịnh xá Ngọc Thiền, tốt nghiệp khoá V Trung cấp Đà Nẵng (2012 – 2016).

Đang du học: 4 vị

Thái Lan: 3 vị

1. Đại đức Minh Tuế, trú xứ Tịnh xá Ngọc Thuận, tỉnh Ninh Thuận.

2. Đại đức Minh Duyên, trú xứ Tịnh xá Ngọc Hội, tỉnh Bình Định.

3. Tỳ-kheo Minh Bảo, trú xứ Tịnh xá Ngọc Hội, tỉnh Bình Định.

Singapore: 1 vị :

Tỳ-kheo Minh Long, trú xứ Tịnh xá Ngọc Đăng, TP. HCM.

Đang học trong nước: 4 vị

Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM: 3 vị

1. Tỳ-kheo Minh Đức, trú xứ Tịnh xá Ngọc Xuân, tỉnh Bình Thuận.

2. Tỳ-kheo Minh Hưng, trú xứ Tịnh xá Ngọc Xuân, tỉnh Bình Thuận.

3. Sa-di Minh Nhân, trú xứ Tịnh xá Ngọc Nhơn, TP. Quy Nhơn.

Trung cấp Phật học: 2 vị:

1. Tỳ-kheo Minh Lạc, trú xứ Tịnh xá Ngọc Hương, đang học Trung cấp Phật học tại chùa Báo Quốc, TP. Huế.

2. Tỳ-kheo Minh Thành, trú xứ Tịnh xá Ngọc Nhơn, đang học Trung cấp Phật học TP. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh việc Giáo đoàn cho chư Tăng theo học tại các trường Phật học, 5 năm qua định kỳ vào tháng 6 mùa Hạ mỗi năm, còn tổ chức các khóa “Giáo dưỡng đạo hạnh” kết nối tình huynh đệ trong chúng Sa-di, Tập sự tân học xuất gia.

3. Hoằng pháp - Hướng dẫn Phật tử

Hầu hết các tịnh xá trong Giáo đoàn đều có cúng Hội 1 tháng 2 kỳ, thuyết giảng kinh pháp ngày Trai Hội. Các tịnh xá tổ chức dạy Giáo lý, khóa tu Thiền, tu Bát Quan trai, tu Niệm Phật:

1. Tịnh xá Ngọc Đăng:

Dạy Giáo lý: 1 tháng 4 buổi chiều Chủ Nhật, trung bình 50 học viên.

Hướng dẫn tu thiền: 1 tháng 4 buổi sáng Chủ Nhật, trung bình 40 học viên.

2. Tịnh xá Trúc Lâm:

Tu Bát Quan trai: 2 ngày, trung bình 30 Phật tử.

Dạy Giáo lý: 1 tháng 4 buổi chiều Chủ Nhật, 12 học viên thiếu nhi 6-10 tuổi.

3. Tịnh xá Ngọc Sơn: 2 ngày tu Bát Quan trai trung bình 50 Phật tử.

Tịnh xá Ngọc Thiện: 1 ngày tu Bát Quan trai, trung bình 50 Phật tử; 1 ngày Niệm Phật trung bình 50 Phật tử.

5. Tịnh xá Ngọc Xuân: 2 ngày tu Bát Quan trai, trung bình 50 Phật tử: 1 ngày Niệm Phật; trung bình 60 Phật tử.

6.Tịnh xá Ngọc Trang: 2 ngày tu Niệm Phật, số lượng trung bình 50 Phật tử.

7. Tịnh xá Ngọc Nhơn: 1 ngày tu Niệm Phật, số lượng trung bình 50 Phật tử

8. Tịnh xá Ngọc Hội: 2 ngày tu Niệm Phật, số lượng trung bình 50 Phật tử.

9. Tịnh xá Ngọc Nghĩa: 1 ngày tu Bát Quan trai, số lượng trung bình 30 Phật tử.

10. Tịnh xá Ngọc Giáng: 2 ngày tu Bát Quan trai, số lượng trung bình 50 Phật tử. 4 buổi học Giáo lý, trung bình 40 học viên.

11. Tịnh xá Ngọc Nguyên: 4 ngày tu Niệm Phật trung bình 50 Phật tử.

4. Xây dựng và trùng tu

Giáo đoàn có tổng cộng 18 cơ sở, 17 tịnh xá và một tịnh thất, ban đầu bằng vật liệu thô sơ như cây lá, tre gỗ. Hiện nay hầu hết các tịnh xá đều được đại trùng tu, hoàn thiện toàn bộ hạ tầng cơ sở bằng vật liệu kiên cố bê tông cốt thép, như TX. Ngọc Đăng TP. Hồ Chí Minh (trùng tu 2006); TX. Trúc Lâm ở Tân Hà - Bình Thuận (trùng tu 2006); TX. Ngọc Sơn ở Tánh Linh - Bình Thuận (trùng tu 2012); TX. Ngọc Thiện ở Ma Lâm - Bình Thuận (trùng tu 1995); TX. Ngọc Xuân ở Chợ Lầu - Bình Thuận (trùng tu 1994); TX. Ngọc Thuận ở Phan Rang - Ninh Thuận (trùng tu 2001); TX. Ngọc Trang ở Nha Trang - Khánh Hòa (trùng tu 1991); TX. Ngọc Nhơn ở Qui Nhơn - Bình Định (trùng tu 1995); TX. Ngọc Giáng - TP. Đà Nẵng (trùng tu 2002); TX. Ngọc Hà ở Đông Hà - Quảng Trị (trùng tu 2014); TX. Ngọc Nguyên ở Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk (trùng tu 2001); TX. Ngọc Thiền ở Gia Nghĩa - Đăk Nông (trùng tu 2008).

5. Từ thiện xã hội

Thể theo tinh thần tương thân tương ái, chia ngọt sẻ bùi, mỗi cơ sở địa phương đều vận động tổ chức phát quà từ thiện định kỳ, hằng tuần, hằng tháng, hằng năm, cụ thể như:

1. Tịnh xá Trúc Lâm: Phát quà từ thiện đồng bào nghèo một năm 3 lần, mỗi lần 200 phần quà, tương đương 120 triệu đồng/một năm.

2. Tịnh xá Ngọc Sơn: Một năm phát quà từ thiện 3 lần, mỗi lần 250 phần quà, tương đương 150 triệu đồng/một năm.

3. Tịnh xá Ngọc Thiện: 1 tháng phát cơm 2 lần, 100 phần/lần; một năm 2 lần; mỗi lần 200 phần quà, tương đương 100 triệu đồng/một năm.

4. Tịnh xá Ngọc Xuân: Phát quà từ thiện một năm 2 lần, mỗi lần 250 phần quà, tương đương 100 triệu đồng/một năm.

5. Tịnh xá Ngọc Nhơn: 1 tháng 1 lần phát cơm từ thiện (300 phần/ lần), tương đương 50 triệu đồng/ một năm.

6. Tịnh xá Ngọc Nghĩa: 1 tháng có 2 lần phát cơm (1.000 phần/lần); 4 lần phát cháo (800 phần/ lần); phát quà từ thiện cho các huyện vùng sâu tỉnh Quảng Ngãi một năm 2 kỳ, mỗi kỳ 300 phần quà, tương đương 200 triệu đồng/một năm.

7. Tịnh xá Ngọc Giáng: 1 tháng 2 lần phát cơm từ thiện, 500 phần/lần, tương đương 200 triệu đồng/một năm.

8. Tịnh xá Đức Niệm: Phát quà từ thiện một năm 3 lần, mỗi lần 200 phần quà, tương đương 120 triệu đồng/một năm.

Các đạo tràng đều có tặng quà cứu trợ cho đồng bào nghèo, các vùng thiên tai bão lũ…

Tóm lại, Giáo đoàn II HPKS gần 60 năm thành lập, với 35 năm sinh hoạt chung trong ngôi nhà GHPGVN được ổn định phát triển nhiều mặt tích cực khả quan như Tăng sự, Giáo dục, trùng tu xây dựng... Đây là thành quả chung sức chung lòng của cả Tăng đoàn và thiện nam tín nữ gần xa góp phần, nay chúng con xin báo trình chư Tôn đức Giáo phẩm lãnh đạo Hệ phái và toàn thể đại chúng liễu tri.