Báo cáo hoạt động của Ni giới HPKS

35 hp 16

Ni giới Hệ phái Khất sĩ được hình thành từ năm 1947, khi Tổ sư Minh Đăng Quang chấp nhận bốn vị nữ đầu tiên thọ giới xuất gia, gia nhập hàng Tăng Bảo để Hệ phái Khất sĩ có đầy đủ ngôi nhà Tứ chúng. Ni trưởng Huỳnh Liên được Tổ dạy làm Trưởng Ni, với trách nhiệm trực tiếp quản chúng Ni dưới sự dạy bảo của Tổ sư.

Khi Tổ sư vắng bóng năm 1954, Ni giới có tất cả là 53 vị, Ni trưởng Huỳnh Liên cùng sát cánh với 2 Ni trưởng Bạch Liên và Thanh Liên trực tiếp lãnh đạo hàng Ni chúng Khất Sĩ vững vàng vượt bao sóng gió.

Ngày 11/1/1958, Ni giới Khất sĩ chính thức có tư cách pháp lý, pháp nhân với danh xưng Gíáo hội Khất Sĩ Ni giới Việt Nam (thường gọi là Giáo hội Liên Hoa) trụ sở đặt tại Tịnh xá Ngọc Phương, nay là Tổ đình Ngọc Phương, quận Gò Vấp, Gia Định, TP. HCM. Quý Ni trưởng tiếp tục dẫn đoàn chư Ni hành đạo từ miền Tây Nam Bộ phát triển lần ra miền Trung, rồi các miền Cao Nguyên. Từ thành thị đến nông thôn, lớp lớp Ni được phát triển, đạo tràng tịnh xá được mở mang, thiện nam tín nữ qui hướng Tam Bảo ngày một đông đảo.

Trong khoảng 10 năm đầu (1954-1964), Giáo hội Khất sĩ Ni giới VN chuyên tu giải thoát, trì bình khất thực du hóa, thuyết pháp giảng kinh, hướng dẫn Phật tử tu học.

Mười năm kế (1965-1975), vì chiến tranh ngày một leo thang, bên cạnh việc hoằng dương giáo pháp, bản thân tinh tấn tu trì, chư Ni còn kiêm việc từ thiện tế bần: ủy lao nạn nhân chiến cuộc, lập nhà trẻ nuôi dưỡng cô nhi, tặng quà thương bệnh binh, giúp đồng bào tản cư tị nạn màn trời chiếu đất do thiên tai, bão lụt….

Đặc biệt vào cuối năm 1963 trở đi, Phật giáo gặp pháp nạn, Ni trưởng Huỳnh Liên tham gia phong trào đấu tranh bảo vệ Phật giáo rồi phong trào cùng cả nước đòi hòa bình. Đến cuối năm 1969, các phong trào đấu tranh tạm lắng xuống vì chính quyền đàn áp thẳng tay, chỉ còn giới phụ nữ kiên cường đấu tranh đòi chồng con, chống bắt lính, đòi thả tù học sinh, sinh viên… Lúc này, Ni trưởng Huỳnh Liên kết hợp với Luật sư Ngô Bá Thành và giới Phật tử cùng Gíáo hội tranh đấu và thành lập Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống, phối hợp thành đoàn thể xúc tiến đấu tranh cho đất nước hòa bình.

Năm 1975, Ni trưởng Huỳnh Liên là một trong những thành viên tham gia vào Ban vận động thống nhất đất nước Việt Nam sau chiến tranh; là một trong những thành viên trong Ban Vận động Thống nhất PGVN (1980-1981) và là vị Ni đầu tiên được bầu vào Quốc hội nước CHXHCNVN khóa VI. Vào ngày 7/11/1981, chín Hệ phái Phật giáo trong đó có Hệ phái Khất Sĩ (gồm Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam và Giáo hội Khất Sĩ Ni giới Việt Nam) thống nhất trong ngôi nhà chung GHPGVN. Lúc bấy giờ, Ni giới HPKS có 92 ngôi tịnh xá và 500 Ni chúng.

35 hp 7

II. THÀNH TÍCH GÓP PHẦN VÀO LỢI ĐẠO ÍCH ĐỜI, AN SINH XÃ HỘI

Nguy thì hộ nước cứu dân,

An thì khoác áo am vân tu trì.”

Từ ngày GHPGVN được thành lập đến nay, Ni giới HPKS luôn đoàn kết, đóng góp xây dựng trong ngôi nhà chung của Giáo hội qua một số mặt hoạt động cụ thể như sau:

- Về Tăng sự, củng cố tổ chức

Ngay những ngày đầu tiên đến năm 1987, NGHPKS được sự lãnh chỉ đạo trực tiếp của Ni trưởng Huỳnh Liên và chư Tôn đức Trưởng lão Ni hàng Gíáo phẩm. Sau khi Ni trưởng đệ nhất viên tịch, Ni giới HPKS được sự lãnh đạo tập thể của hàng Giáo phẩm Ni, đứng đầu là chư vị Ni trưởng: đệ nhị Trưởng Ni giới: NT. Bạch Liên (1987- 1996), đệ tam Trưởng Ni giới: NT. Tạng Liên (1996- 2001), đệ tứ Trưởng Ni giới: NT. Tràng Liên, là vị Ni trưởng đương kim Trưởng NGHPKS từ năm 2001 đến nay.

Từ 28/4/2013, để tổ chức càng chặt chẽ và hoạt động có hiệu quả hơn, Ni giới HP Khất sĩ thành lập Ban Tổ chức gồm: Hội đồng Giáo phẩm, Hội đồng Điều hành và 11 Ban trực thuộc như: Ban Giám luật, Ban Tăng sự, Ban Giáo dục, Ban Hoằng pháp, Ban Nghi lễ, Ban Pháp chế, Ban Từ thiện, Ban Văn hóa, Ban Phiên dịch, Ban Kinh tế - Tài chánh và Ban Đời sống. Cho đến nay, hoạt động của các Ban chưa đồng bộ, chưa phát huy hết tiềm lực, khả năng của mình, còn có tính cách cá nhân, tự phát. Về mặt hành chánh, chưa thực hiện được tính chặt chẽ, hệ thống của tổ chức qua các cuộc họp báo cáo hai lần trong năm.

- Đến thời điểm hiện tại, NGHPKS có 1493 vị Ni (tính luôn 120 Tập sự), 259 ngôi tịnh xá, thiền viện và chùa. Trong đó có 43 cơ sở tịnh xá và 1 thiền viện đang làm thủ tục xin gia nhập Giáo hội.

Từ 1981 đến nay, Tổ đình Ngọc Phương với truyền thống tổ chức ACKH hằng năm, được sự cho phép của Ban Trị sự GHPGVN TP. HCM, Ban Tôn giáo TP. HCM, Ban Trị sự GHPGVN Q. Gò Vấp cũng như các cấp chính quyền địa phương, chư Ni Khất Sĩ tại các quận huyện trong thành phố cũng như chư Ni của Ni giới Hệ phái Khất sĩ các tỉnh hai miền Nam Trung đã tập trung về Tổ đình Ngọc Phương để An cư kiết hạ tập trung tu học miên mật. Chư Ni tham dự trung bình từ 150 - 200 vị. Ngoài ra còn có chư Ni tùng hạ tụng Giới trong ngày Bố-tát, số lượng trung bình mỗi tháng từ 100 đến 120 vị, thuộc nhiều trú xứ trong và ngoài quận Gò Vấp, trong thành phố và một số tỉnh lân cận.

Nhằm giúp hành giả An cư thăng hoa Giới-Định-Tuệ, chúng con đã cung thỉnh các bậc cao Tăng thạc đức như: HT. Thích Trí Quảng, HT. Thích Thiện Tâm, HT. Giác Giới, HT. Giác Toàn, HT. Thích Thiện Nhơn, HT. Giác Pháp, TT. Bửu Chánh, NT. Tố Liên và một số Ni sư, Sư cô trong Hệ phái tham gia giảng dạy. Ngoài ra, chúng con còn tạo điều kiện cho chư Ni hiểu thêm về tình hình đất nước, chủ trương chính sách hiện hành của Đảng và Nhà nước, đã mời các vị lãnh đạo Mặt trận Thành phố, Ban Tôn giáo Thành phố, Hội LHPNTP, Ban Tuyên giáo Quận ủy Gò Vấp triển khai trong mùa An cư kiết hạ.

Trong tinh thần hộ trì Tam Bảo, quí Ni trưởng, Ni sư trong hàng Giáo phẩm NGHPKS ở các tỉnh thành xa xôi của hai miền Nam Trung đất nước, mỗi tuần trung bình 2 đến 3 vị luân phiên về trực Hạ, phụ với quí Ni trưởng, Ni sư Ban Chức sự Trường Hạ Ngọc Phương dẫn chúng, kiểm soát, sách tấn chư Ni tu học trong các thời khóa tụng kinh, kinh hành, thiền tọa.

Tuần lễ đầu của ba tháng An cư, một số chư Ni trụ trì các trú xứ về tham dự khóa “Trao đổi kinh nghiệm trụ trì” do Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái chư Tăng tổ chức tại Pháp Viện MĐQ. Cuối mùa An cư là Khóa tu Bồi dưỡng Đạo hạnh được tổ chức cho các vị tân Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa, Sa-di-ni và Tập sự.Khóa tu Bồi dưỡng Đạo hạnh của Tịnh xá Ngọc Phương được hình thành năm 2015 và diễn ra vào tuần đầu mùa Thu mỗi năm. Trung bình mỗi khóa có gần 200 vị Ni trẻ tham dự.

Ni giới HPKS, ngoài Trường Hạ chính ở Tổ đình Ngọc Phương, còn có 3 Trường Hạ ở địa phương, đó là:

1/. Trường hạ Tịnh xá Ngọc Tâm – TP. Tân An, T. Long An. Mỗi năm, hành giả an cư trung bình từ 55- 100 vị.

2/. Trường hạ Tịnh xá Ngọc Ninh - TP. Phan Rang, T. Ninh Thuận. Mỗi năm, hành giả an cư trung bình từ 30 - 50 vị.

3/. Trường hạ Tịnh xá Ngọc Đức - H. Lương sơn, T. Bình Thuận. Mỗi năm, hành giả an cư trung bình 50 vị.

- Về Giáo dục

Thuở sinh tiền, NT. Huỳnh Liên đặc biệt quan tâm khuyến khích môn đồ học tập Phật pháp, văn hóa nâng cao trình độ. Hiện Tịnh xá Ngọc Phương là một Ni trường lớn, với khoảng 100 học Ni đang theo học các cấp lớp Phật học và thế học.

Ni giới Hệ phái đã có 9 vị Tiến sĩ Phật học tốt nghiệp từ Ấn Độ và Trung Quốc về đang tham gia giảng dạy tại Học viện PGVN TP. Hồ Chí Minh. Theo thống kê mới nhất, NGHPKS hiện có 2 Hậu Tiến sĩ ; 25 Tiến sĩ Phật học (đã xong: 19, đang học: 6); 20 Thạc sĩ (đã xong: 5, đang học: 15); 244 Cử nhân và Cao đẳng (157 Cử nhân, 87 Cao đẳng); 21 Cao cấp Giảng sư...

Đầu năm 2004, lớp Sơ cấp Phật học tại Tịnh xá Ngọc Phương được Gíáo hội PGVN TP. Hồ Chí Minh cho phép chính thức lập, đây cũng là lớp Sơ cấp Phật học của Phật giáo quận Gò Vấp. Đến nay lớp học đã trải qua 5 khóa (2004 - 2016), mỗi khóa 2 năm, hiện đang chiêu sinh khóa 6. Một thư viện được thành lập tương đối có nhiều đầu sách giá trị dành cho nghiên cứu, học tập. Ngoài ra, nơi đây còn dành một không gian rộng thoáng trang trọng làm Phòng Lưu niệm ghi dấu cuộc đời hành đạo, phụng sự Đạo pháp và Dân tộc của cố NT. Huỳnh Liên. Lớp Anh văn đàm thoại, Anh văn Phật pháp và lớp Luyện thi Học viện cũng được mở giảng dạy khi có yêu cầu. Chúng con đang chiêu sinh lớp Cử nhân Anh văn theo dạng dạy Đào tạo từ xa, mỗi khóa học là 3 năm rưỡi.

- Ni giới Hệ phái Khất sĩ thực hiện lời dạy của Đức Tổ sư là “Nên tập sống chung tu học” và noi theo gương hạnh chư Tôn đức Tăng của Hệ phái, từ 2011 đến nay, mỗi năm Giáo phẩm Ni tổ chức 4 khóa tu truyền thống cho chư Ni cùng sống chung học tập Chơn lý, thực tập thiền hành, thiền tọa để cân bằng pháp học và pháp hành, đến nay đã được 24 khóa .

- Về Du hành Hoằng pháp

Từ khi HPKS được thành lập 1944, Đức Tổ sư với Tôn chỉ “Nối truyền Thích Ca Chánh pháp” của Phật Tăng xưa, và hành trì Tứ Y Pháp, xem đây là phương tiện chính yếu để tự lợi - lợi tha.

Sau khi Tổ sư vắng bóng (1954), nối tiếp sự nghiệp, truyền thống của Thầy hiền, Ni trưởng Đệ nhất hằng năm tổ chức hai chuyến du hành hoằng pháp xuôi ngược miền Trung, Cao nguyên, sông Tiền, sông Hậu… Năm 1987, đệ nhất Ni trưởng viên tịch, truyền thống ấy bị gián đoạn 29 năm. Năm nay, nhằm phục hồi truyền thống tốt đẹp của chư Phật, Tổ, Thầy, hàng Gíáo phẩm NGHPKS quyết định tổ chức lại đoàn du phương mỗi năm hành đạo.

Mục đích các chuyến đi tạo điều kiện viếng thăm các bậc lão thành dày công với đạo pháp và dân tộc, sau lắng nghe tình hình sinh hoạt Phật sự của các trú xứ với những thuận lợi, khó khăn. Kế đó là viếng thăm đồng bào Phật tử địa phương, tạo tình đoàn kết gắn bó giữa Giáo phẩm, Tổ đình và chư Ni, Phật tử trong Hệ phái. Mỗi năm sẽ có hai chuyến du hành. Năm nay chuyến du hành lần I: tháng 2 âm lịch (từ 10/2 đến 4/3 AL), đoàn du hành thăm viếng 8 tỉnh miền Trung và Cao Nguyên với 37 buổi giảng pháp cho 25 đơn vị tịnh xá, tự viện. Lần II: từ 28/8 đến 12/8 âm lịch, thăm viếng 10 tỉnh miền Trung qua 20 tịnh xá, tổ chức đăng đàn thuyết pháp, thăm viếng Phật tử 12 thời.

- Để góp phần chung tay cùng xã hội xây dựng hoàn thiện mẫu người đạo đức, có văn hóa tâm linh, góp phần an sinh xã hội, thiết thực đem lại sự an bình, hạnh phúc, lợi lạc cho con người, chư Ni tạo điều kiện cho Phật tử học tập thấm nhuần lời Phật dạy về nhân quả - nghiệp báo, hành theo Bát chánh đạo Giới-Định-Tuệ, Tứ nhiếp pháp, biết bố thí cúng dường, xả kỷ, vị tha, tập hạnh cung kính, khiêm nhường. Qua giảng dạy, chư Ni lồng vào đó tình yêu quê hương đất nước, chấp hành tốt chính sách nhà nước, sống một đời sống có văn hóa đạo đức, biết thông cảm, tha thứ và thương yêu mọi người chung quanh, một đời sống xả kỷ, vị tha, xứng đáng là người Phật tử chân chính, một công dân tốt, góp phần vào sự an bình, hạnh phúc cho xã hội. Chư Ni trong Ban Hoằng pháp của Ni giới HPKS tại Tổ đình Ngọc Phương và các tỉnh cũng luân phiên đi thuyết giảng ở các tịnh xá lân cận trong và ngoài thành phố, khi được sự cho phép của Giáo hội và yêu cầu của các tịnh xá địa phương. Phong trào học giáo lý và tu tập của Phật tử ngày thêm khởi sắc.

Qua thống kê mới nhất năm nay, các tịnh xá có tổ chức Cúng Hội trong tháng là 107/ 259.

-   Có tổ chức cho Phật tử lạy Sám hối kết hợp với thuyết giảng:116/ 259.

-  Số lượng các đạo tràng thọ Bát quan trai: 45/ 259.

-  Số lượng các đạo tràng Niệm Phật: 43/ 259.

- Lớp Giáo lý : 13/ 259. Ở đây việc mở lớp Giáo lý rất đa dạng: Có khóa 4 buổi trong tháng, hoặc suốt 3 tháng hè, hoặc khóa 1 tháng 1- 2 ngày cho hàng trăm Phật tử, hoặc mỗi năm có tổ chức lớp Giáo lý cho Phật tử trong 2 tháng An cư.

-  Khóa tu thiền hằng tháng, mỗi khóa 10 ngày: 1/ 259 (Chùa Hồng Trung Sơn).

- Thống kê số lượng tự viện có mở tu Bát quan trai, khóa Tu, lạy Ngũ bách danh Phật, khóa tụng chú Đại Bi, khóa trì tụng kinh Pháp Hoa,... là 127/ 259.

- Về văn hóa

Với tâm nguyện: “Nghiêng vai gánh đạo vào đời / Cho người tỏ đạo, ta người đồng tu”, Ni trưởng đệ nhất đã chuyển tải ý đạo vào những áng thơ văn, nhất là Việt hóa kinh điển thành thơ, cho người tụng đọc dễ hiểu, dễ nhớ. 35 năm sau ngày Phật giáo thống nhất, nhiều tác phẩm, dịch phẩm của Ni trưởng đã ra đời như :

- Kinh Tam Bảo gồm: Kinh A-di-đà, Kinh Phổ Môn, Hồng Danh, Kinh Vu Lan, Kinh Báo Hiếu….

-Tập kệ Tinh Hoa Bí Yếu.

-  Chuyến Du hành miền Trung.

Những ấn phẩm do quý Ni trưởng Giáo phẩm NGHP sưu tầm về Tổ sư Minh Đăng Quang và Ni trưởng Huỳnh Liên, lưu hành nội bộ như sau:

- Di bảo, Những Lời dạy của Đức Tổ sư

- Kỷ yếu, Tập thơ, Đóa sen thiêng, Bút tích, Di bảo…

Những ấn phẩm khác:

- NT. Hạnh Liên: Thơ Ni trưởng Hạnh Liên.

Các tác phẩm văn xuôi viết về công hạnh của cố Ni trưởng Đệ nhất, v.v…

- NT. Khiêm Liên: Thơ Nhật Huy (1960-2013) (nhều tập thơ), NXB. Hồng Đức, TP. Hồ Chí Minh, 2015; Ni trưởng Huỳnh Liên: Cuộc đời và Đạo nghiệp

- NT. Thẩm Liên: Thơ (gồm 8 tập).

- NT. Giác Liên - Vĩnh Long: Thơ, 2 đĩa VCD.

Những năm gần đây, chúng con kêu gọi chư Ni hỗ trợ bài viết và hình ảnh cho tập san Đuốc Sen một năm 3- 4 kỳ, trang mạng internet của Hệ phái và Ni giới HP Khất sĩ; đóng góp bài và hình ảnh của Ni giới trong Lễ chào mừng Đại lễ Kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN (1981- 2016). Một vài tác phẩm dịch thuật và hiệu đính có giá trị đã được xuất bản như:

1/ Bộ Kinh Hoa Nghiêm do NS. Tuệ Liên, NS. Nguyện Liên và SC. Nghiêm Liên hiệu đính, Viện NCPH tại TP. Hồ Chí Minh xuất bản;

2/ Quyển “Phật giáo & Trí thức Ngày Nay” tập I & II do NS. Nguyện Liên và SC. Thoại Liên phiên dịch, NXB Hồng Đức;

3/ Quyển “Tâm và Đạo” (Hiểu sâu tâm mình và Con đường tâm linh) của Tỳ-kheo Thanissaro, SC. Liên Trí (TK) dịch, NXB. Đà Nẵng.

Chúng con cũng đang phân công nhau triển khai dịch 28 ngôi tịnh xá tiêu biểu của Ni giới có liên quan dấu ấn của Tổ sư và của cố Ni trưởng Đệ nhất đã đăng trong quyển “100 Ngôi tịnh xá tiêu biểu” của Hệ phái, NXB. Tổng hợp TP.HCM, 2014, sang tiếng Anh và Hoa ngữ.

(Chắc chắn phần thống kê nầy còn nhiều thiếu sót, xin chư vị hoan hỷ bổ sung).

- Về Từ thiện xã hội

Ni trưởng Đệ nhất luôn nhắc nhở chư Ni giới HPKS gắn Đạo vào Đời với tâm nguyện: “Nguyện xin hiến trọn đời mình/ Cho nguồn Đạo pháp, cho tình quê hương”, “Là tu sĩ cũng công dân đất nước”, cho nên, bên cạnh việc tu học giáo pháp, người tu sĩ còn có bổn phận đối với dân tộc, phải biết làm “lợi ích dân chúng đúng vừa khả năng” như lời di huấn tối hậu của Người. Trong tinh thần đó, Ni giới HPKS chúng con luôn hết sức quan tâm giúp người nghèo, bệnh hoạn, có hoàn cảnh neo đơn. Chư Ni đã kêu gọi những tấm lòng vàng, những nhà hảo tâm cùng chung tay hỗ trợ đóng góp ủy lạo tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành trong cả nước, xây nhà tình nghĩa, làm từ thiện nồi cháo tình thương, cấp sổ bảo hiểm Y tế, biếu gạo mì trong dịp Tết Nguyên đán; tặng tập vở, học bổng cho học sinh nghèo ngày tựu trường; cứu trợ, xây cầu, làm đường, đào giếng cho đồng bào dân tộc, đồng bào vùng sâu, vùng xa… để chia sẻ phần nào nỗi lo toan của chính quyền địa phương, chăm sóc cho quần chúng nhân dân khó khổ chung quanh mình. Trung bình tổng kết số tiền từ thiện của chư Ni và Phật tử của 130 / 259 đơn vị tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường, chùa, thiền viện của Ni giới HPKS trong cả nước trong 5 năm qua (2012 - 2016) khoảng 180 tỷ (một trăm tám mươi tỷ đồng) theo dữ liệu sau:

Năm 2012: 1 đơn vị (TX. Ngọc Phương) là 1.038.262.000đ;

Năm 2013: Tổng của 87/ 202 tịnh xá: 35.922.125.000đ;

Năm 2014: Tổng của 116/ 212 tịnh xá: 30.113.887.000đ;

Năm 2015: Tổng của 149/ 222 tịnh xá: 39.899.209.000đ;

Năm 2016: Tổng của 119/ 259 tịnh xá: 31.608.896.000đ.

Vậy trung bình (thống kê số liệu chưa đầy đủ) của khoảng 130/ 259 ngôi tịnh xá của Ni giới HPKS trong 5 năm là khoảng 180 tỷ đồng (Một trăm tám mươi tỷ đồng).

Một số Ni sư, Sư cô được mời tham gia giảng dạy tại Học viện PGVN TP.HCM, và trường Phật học của một số tỉnh thành. Chư Ni cũng tích cực tham gia vào các tổ chức, Ban Viện của Giáo hội Phật giáo từ Trung ương đến địa phương. Cụ thể như, chư vị Giáo phẩm Ni giới HPKS và chư Ni đã tham gia vào Hội đồng Trị sự GHPGVN qua các nhiệm kỳ như sau:

-  Ni trưởng Huỳnh Liên: Ủy viên Kiểm soát Ban TT HĐTS GHPGVN nhiệm kỳ I (1981 - 1987).

-  Ni trưởng Tạng Liên: Ủy viên HĐTS GHPGVN nhiệm kỳ IV (1997 - 2002).

-  Ni trưởng Ngoạt Liên: Ủy viên Ban TT. HĐTS GHPGVN từ nhiệm kỳ II đến nhiệm kỳ VII (1987 - 2017); Chứng minh Phân ban Ni giới TƯ. nhiệm kỳ VI, VII (2009 - 2017).

-  Ni trưởng Tràng Liên: Ủy viên HĐTS GHPGVN nhiệm kỳ IV - VII (1981 - 1987); Nguyên Phó trưởng Phân ban Ni giới TƯ. nhiệm kỳ VII (2012 - 2017).

-  Ni trưởng Ánh Liên, trụ trì TX. Ngọc Châu - Hội An: Ủy viên Ban Kiểm Soát HĐTS GHPGVN nhiệm kỳ VII (2012 - 2017).

-  Ni sư Tín Liên: Ủy viên HĐTS GHPGVN nhiệm kỳ VI và VII (2007 - 2017).

-  Ni sư Hòa Liên (VP2), Ni sư Phụng Liên, Ni sư Tuệ Liên: Ủy viên HĐTS GHPGVN nhiệm kỳ VII (2012 - 2017).

Thống kê sơ lược của 34 đơn vị (TP. Hồ Chí Minh và 33 Tỉnh trong nước) đã có 107 vị Ni NGHPKS tham gia vào BTS các cấp của Giáo hội.

- Chư Ni Ni giới HPKS cũng luôn chấp hành tốt chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia các cuộc phát động của Đảng và Nhà nước, Mặt trận… do vậy đã được cơ cấu vào Mặt trận, Hội LHPN, Hội Phụ nữ Từ thiện, Hội Chữ thập đỏ, … các nơi, cũng như được đề cử, đắc cử vào Đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa 6 (1976 - 1981) và nhiệm kỳ khóa 14 (2016 - 2021).

Tóm lại, Ni giới HPKS trong 35 năm qua đã có những phát triển, đóng góp nhất định vào sự nghiệp xây dựng Đạo pháp và Dân tộc như sau:

a/. Về Đạo pháp:

+ Đào tạo nhiều Tăng Ni tài làm Tăng Bảo thêm vững mạnh.[1]

+ Xây dựng thêm nhiều tịnh xá, tự viện làm nơi tu dưỡng đạo đức con người.[2]

+ Hoằng truyền Phật pháp rộng sâu qua thuyết giảng giáo lý, hướng dẫn Phật tử tu học, làm Chánh pháp cửu trụ thế gian.

+ Tham gia vào các Ban Ngành của Giáo hội từ Trung ương đến địa phương. Nhiệt tình ủng hộ và chấp hành chủ trương đường lối của GHPGVN.

b/. Về Dân tộc:

+ Giảng dạy giáo lý Phật góp phần hoàn thiện con người đạo đức, giúp xã hội an bình, cá nhân và gia đình hạnh phúc.

+ Tham gia vận động đóng góp các mặt từ thiện, góp phần an sinh xã hội, lợi đạo ích đời.

Với tất cả sự nhiệt tình đóng góp trên, thời gian qua tập thể Ni giới HPKS đã được Giáo hội PGVN và Nhà nước tuyên dương khen tặng:

-  1 Bằng Tuyên dương công đức và 2 Bằng Công đức do BTS Thành hội PG TP. HCM tặng.

-  2 Bằng Khen do MTTQ TP.HCM tặng.

-  Bằng Khen hoàn thành tốt công tác phụng sự xã hội trong nhiệm kỳ IV (1993 - 1997) do UBND TP. HCM tặng năm 1997.

-  Giấy Khen do Câu Lạc bộ Truyền thống Kháng chiến TP.HCM tặng.

-  Bằng Khen do Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM tặng.

-  Được Ủy ban Giải thưởng KOVA tặng Bằng Khen năm 2012.

Tóm lại, từ những ngày đầu tiên thành lập Ni giới HPKS (1947) đến nay, với tấm lòng nhiệt tình yêu quê hương đất nước và Đạo pháp của Ni trưởng Huỳnh Liên và chư vị Ni trưởng Giáo phẩm lãnh đạo Ni giới Hệ phái; dưới sự quan tâm sâu sát chỉ đạo, hỗ trợ trực tiếp của chư Tôn đức Tăng Hệ phái Khất sĩ; và trên hết là sự trực tiếp chỉ đạo quan tâm của Giáo hội PGVN từ Trung ương đến địa phương các cấp; sự sâu sát quan tâm của Mặt trận, Đảng, Chánh quyền địa phương, chư Ni Ni giới Hệ phái Khất sĩ đã có những đóng góp tích cực cho Đạo pháp và Dân tộc. Đặc biệt 35 năm qua, Phật giáo Việt Nam được thống nhất trong ngôi nhà chung Giáo hội PGVN, Ni giới HPKS càng đầy đủ thuận duyên để phát huy một cách tích cực tinh thần, khả năng vốn có của mình để duy trì, xiển dương Phật pháp, đường lối của Tổ, Thầy, hòa nhập vào những hoạt động của GHPGVN, làm tốt Đạo, đẹp Đời.

Chắc chắn những thành quả trên của chúng con đạt được còn rất khiêm tốn so với những đóng góp và hy sinh to lớn của cả Dân tộc, của cả Giáo hội trong chặng đường dài 35 năm lịch sử. Chúng con chỉ mong những thành quả đó sẽ là những bông hoa tươi thắm góp phần tô điểm cho vườn hoa Đạo, Đời càng đượm tỏa ngát hương.

 


[1]Trước 1981, chỉ có 1- 2 vị Ni trưởng đỗ Cử nhân Đại học Vạn Hạnh; nay đã có nhiều vị Hậu Tiến sĩ,Tiến sĩ Phật học, Thạc sĩ, Cử nhân.

[2] Trước 1981, có 92 ngôi tịnh xá và 500 Ni chúng; nay có 259 ngôi với 1493 vị Ni.