Báo cáo hoạt động Phật sự của Ni giới Giáo đoàn III

35 hp 6

Quá trình tu học của Ni giới Giáo đoàn III từ khi thành lập cho đến nay gần 50 năm và đặc biệt kể từ khi Ban Quản sự Ni thành lập vào năm 1982, đời sống tu học của Ni chúng đi vào nề nếp ổn định và từng bước phát triển đáng kể. Quá trình phát triển Ni chúng Giáo đoàn III có thể chia làm 4 giai đoạn:

I. GIAI ĐOẠN I (1968 – 1974)

Giai đoạn này còn được gọi là giai đoạn hình thành. Bắt đầu từ năm 1968, đức Thầy Giác An thu nhận chư Ni. Ni chúng lúc bấy giờ có khoảng 20 vị tu học trực tiếp dưới sự hướng dẫn của đức Thầy và chư Tôn túc. Chư Ni chuyên tu học, mỗi ngày đi khất thực, không lao động sản xuất cũng như không tham gia các hoạt động xã hội.

Vào khoảng năm 1972 – 1975, đức Thầy chuyển giao và cắt đặt chư Ni về trụ trì tu học tại 5 tịnh xá: Tịnh xá Ngọc Hải (Cam Ranh), Tịnh xá Ngọc Bảo (Phan Rang), Tịnh Độ Ni Giới (Nha Trang), Tịnh xá Ngọc Túc (An Khê) và Tịnh xá Ngọc Trung (An Khê).

II. GIAI ĐOẠN II (1975 – 1980)

Trong 6 năm đầu sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, chư Ni Giáo đoàn III có khoảng 50 vị và được chư Tôn đức Giáo đoàn phân bổ cố định về tu học tại 5 tịnh xá Ni của Giáo đoàn.

Ngoài việc tăng gia sản xuất, làm kinh tế tự cung tự cấp, chư Ni giữ giới tu hành và hướng dẫn Phật pháp, ổn định đời sống tâm linh cho Phật tử địa phương. Tuy số lượng Phật tử về tu học rất ít, mỗi tháng hai kỳ cúng Hội vẫn được tổ chức đều đặn để thuyết giảng giáo pháp cho Phật tử học hiểu.

III. GIAI ĐOẠN III (1981 – 1999)

Năm 1982, sau sự kiện thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Hệ phái Khất sĩ trở thành một trong chín thành viên của Giáo hội, đức Trưởng lão Giác Phải (Đệ nhị trưởng Giáo đoàn) và chư Tôn đức Tăng Giáo đoàn III đã khuyến khích và chứng minh cho chư Ni thành lập Ban Quản sự Ni chúng Giáo đoàn.

Sau 3 lần phân bổ điều động, đến năm 1990, Ban Quản sự Ni chúng gồm 4 Ni trưởng chính thức đưa hội chúng Ni Giáo đoàn đi vào quỹ đạo tu học ổn định. Ban Quản sự gồm có:

Ni trưởng Hiệp Liên – Trưởng ban

Ni trưởng Cảnh Liên – Phó ban kiêm Chánh Thư ký

Ni trưởng Tưởng Liên – Phó ban đặc trách Giám luật

Ni trưởng Thông Liên – Phó ban.

Số lượng Ni chúng trong giai đoạn này phát triển hơn 200 vị và quý Ni trưởng thành lập thêm nhiều tịnh xá, như: Tịnh xá Ngọc Ninh (Lâm Đồng), Tịnh xá Ngọc Thành (Gia Lai), Tịnh xá Ngọc An (Song An - An Khê), Tịnh xá Ngọc Hương (Buôn Ma Thuột), Tịnh xá Ngọc Chơn (Buôn Hồ - Đăk Lăk), Tịnh xá Ngọc Bửu (Eakar - Đăk Lăk), Tịnh xá Ngọc Chánh (EaHleo - Đăk Lăk), Tịnh xá Ngọc Xuân (Khánh Hòa), Tịnh xá Ngọc Thọ (Phan Thiết – Bình Thuận), Tịnh xá Ngọc Tuyền (Bình Thuận), Tịnh xá Ngọc Tân (Vạn Ninh – Khánh Hòa). Số lượng cơ sở tu học chư Ni đến thời điểm này có 11 tịnh xá.

Chư Ni tại các tịnh xá vừa tu học, hướng dẫn Phật tử, vừa làm kinh tế tự túc. Mỗi tháng, hai ngày cúng Hội vẫn được tổ chức thường xuyên. Phật tử về tu học ngày cúng Hội trung bình khoảng 50 – 70 vị. Chư Ni tại Tịnh xá Ngọc Bảo, và Tịnh Độ Ni Giới vẫn luôn hành trì pháp khất thực.

Từ năm 1990, nhiều trường Cơ bản Phật học được mở ra tại các tỉnh, Ban Quản sự cho phép chư Ni đã thọ giới Sa-di-ni, đầy đủ oai nghi đạo hạnh có thể tham học tại các trường nhằm nâng cao trình độ Phật học cho chư Ni trẻ.

IV. GIAI ĐOẠN IV (2000 – 2016)

Có thể nói đây là giai đoạn khởi sắc của Ni chúng Giáo đoàn III. Mặc dù, từ ngày Ni trưởng Tưởng Liên (24-04-2010), và Ni trưởng Huệ Liên viên tịch (26-08-2015), Ni chúng Giáo đoàn mất đi hai đại thụ tâm linh, song quý Ni trưởng vẫn sớm hôm hướng dẫn Ni chúng tu tập và phát triển liên tục.

Ban Quản sự Ni chúng hiện tại gồm có:

Ni trưởng Hiệp Liên - Trưởng ban Quản sự

Ni trưởng Đền Liên - Phó ban

Ni trưởng Cảnh Liên - Phó ban đặc trách Giám luật

Ni trưởng Thông Liên - Phó ban

Sư cô Hiếu Liên - Thư ký

Sư cô Loan Liên - Phó Thư ký

Sư cô Tuyền Liên - Phó Thư ký

Sư cô Hoa Liên - Phó Thư ký

Sư cô Chí Liên - Thủ quỹ

1. Số lượng Ni chúng

Tính đến nay, năm 2016, số lượng chư Ni có 372 vị, trong đó có 4 vị Ni trưởng, 16 Ni sư, 149 Tỳ-kheo-ni, 23 Thức-xoa-ma-na, 52 Sa-di-ni, 24 vị Nhập chúng và 84 Tập sự.

Được sự chứng minh của chư Tôn đức Tăng Giáo đoàn III, Hội đồng Tỳ-kheo-ni của Giáo đoàn hiện tại gồm có 30 vị:

1. NT. Hiệp Liên, 2. NT. Đền Liên, 3. NT. Cảnh Liên, 4. NT. Thông Liên, 5. NS. Dung Liên, 6. NS. Tỉnh Liên, 7. NS. Thức Liên, 8. NS. Lãnh Liên, 9. NS. Hạnh Liên, 10. NS. Luật Liên, 11. NS. Chuyên Liên, 12. NS. Mẫn Liên, 13. NS. Chính Liên, 14. NS. Tiến Liên, 15. NS. Ngộ Liên, 16. NS. Thanh Liên, 17. NS. Khánh Liên, 18. NS. Hải Liên, 19. SC. Ân Liên, 20. SC. Duyên Liên, 21. SC. Hiếu Liên. 22. SC. Chí Liên, 23. SC. Hòa Liên, 24. SC. Loan Liên, 25. SC. Hợp Liên, 26. SC. Hiền Liên, 27. SC. Chánh Liên, 28. SC. Thùy Liên, 29. SC. Tuyền Liên, 30. SC. Hoa Liên.

Ngoài ra, Ni giới GĐ III còn có 3 Ban để thực hiện các công tác của Ni đoàn tốt hơn:

Ban Giám luật (để xử lý các vấn đề liên hệ đến giới luật): NT. Hiệp Liên, NT. Cảnh Liên, NS. Dung Liên, NS. Tỉnh Liên, NS. Lãnh Liên, NS. Hạnh Liên, NS. Chuyên Liên, NS. Ngộ Liên, NS. Hải Liên, NS. Thanh Liên.

Ban Giáo thọ (để giảng trong mùa An cư và các khóa Bồi dưỡng đạo hạnh): NT. Hiệp Liên, NT. Cảnh Liên, SC. Hiếu Liên, SC. Hòa Liên.

Ban Quản chúng (để làm Ban Quản chúng trong các mùa An cư và khóa tu “Bồi dưỡng đạo hạnh”): NS. Dung Liên, NS. Mẫn Liên, NS. Tỉnh Liên, NS. Lãnh Liên, NS. Hạnh Liên, NS. Chuyên Liên, NS. Ngộ Liên, NS. Hải Liên, NS. Thanh Liên, SC. Hiếu Liên, SC. Thùy Liên, SC. Loan Liên, SC. Hoa Liên, SC. Chánh Liên.

2. Trình độ Phật học và thế học:

a. Đã tốt nghiệp:

Trong nước:      Học viện Phật giáo VN tại TP. HCM và Huế: 28 vị; Thạc sĩ Văn học: 1 vị; Viện Nghiên cứu Hán Nôm – Huệ Quang: 2 vị; Cao cấp Giảng sư: 3 vị; Cao đẳng: 3 vị; Trung cấp Phật học 30 vị; Bác sĩ 1 vị.

Nước ngoài: Tiến sĩ Phật học (Ấn Độ): 3 vị; Thạc sĩ Giáo dục học (Trung Quốc): 1 vị.

b. Đang học:

Trong nước: Học viện Phật giáo VN tại TP. HCM: 14 vị; Cao cấp Giảng sư: 1 vị; Trung cấp Giảng sư: 1 vị; Trung cấp Phật học: 26 vị; Sơ cấp Phật học: 5 vị.

Nước ngoài: Tiến sĩ Phật học (Miến Điện): 2 vị; Cao học Phật học (Ấn Độ): 5 vị; Cao học Phật học (Miến Điện): 4 vị; Đại học Phật giáo (Miến Điện): 1 vị.

3. Tình hình xây dựng và trùng tu tịnh xá, tịnh thất:

Hiện nay, số lượng tịnh xá tịnh thất chư Ni trong Giáo đoàn có 48 cơ sở. Trong đó 4 tịnh xá đang xây dựng và nhiều tịnh xá đã được tu bổ và trùng tu; một số tịnh xá đang xây giảng đường, nhà Tăng, nhà Ni phục vụ cho nhu cầu Ni chúng, cho những khóa tu tập trung của Giáo đoàn và nhu cầu tu học của chư Ni Phật tử địa phương.

4. Chương trình tu học

Cúng Hội, thọ Bát Quan trai định kỳ

Tại các tịnh xá, tịnh thất, chư Ni đều có tổ chức Cúng hội theo truyền thống Khất sĩ mỗi tháng hai kỳ vào ngày Rằm và 30. Riêng Tịnh xá Ngọc Trung, mỗi tháng có 4 kỳ cúng Hội. Số lượng Phật tử về tham dự cúng Hội tại các tịnh xá trung bình hơn 100 Phật tử. Ngoài ra, mùng 8 và 23, hai ngày tu thọ Bát quan trai cũng thường xuyên được thực hiện hướng dẫn Phật tử tu tập và mỗi kỳ thường có khoảng 30 – 40 Phật tử tham dự.

Kiết hạ An cư

Hàng năm, Tịnh xá Ngọc Trung và Tịnh xá Ngọc Túc thay phiên tổ chức An cư Kiết hạ cho chư Ni trong Giáo đoàn cũng như cho chư Ni Hệ phái tỉnh Gia Lai. Số lượng chư Ni về an cư trung bình khoảng 70 – 90 vị.

Khóa tu Tâm tĩnh lặng

Để hướng cho chư Ni và Phật tử có tinh thần tinh tấn và tu tập đúng Chánh pháp, các khóa tu “Tâm Tĩnh Lặng” được tổ chức, tính đến nay đã trên 20 khóa. Số lượng tham gia mỗi khóa trung bình khoảng 80 -100 vị.

Khóa Bồi dưỡng Đạo hạnh

Cùng với chư Tôn đức Tăng, những tịnh xá Ni có điều kiện cơ sở hạ tầng tốt như Tịnh xá Ngọc Trung, Tịnh xá Ngọc Túc, Tịnh xá Ngọc Chơn, Tịnh xá Ngọc Chánh, Tịnh xá Ngọc Ninh đăng cai tổ chức khóa tu “Bồi dưỡng Đạo hạnh” giúp cho tinh thần tu học và đạo hạnh của Sa-di, Sa-di-ni, Nhập chúng, Tập sự kiên cố, vững chãi thăng tiến trên con đường đạo. Hàng ngày vào thời học pháp, chư Tôn đức Tăng điều động các vị giáo thọ đến thuyết giảng kinh pháp và hướng dẫn cho hội chúng. Mỗi khóa tu có khoảng 90 - 100 vị tham dự, phần lớn các Sư, Ni còn rất trẻ, tuy nhiên tinh thần tu học đại chúng rất tốt, kết quả đạt được rất khả quan.

Khóa “Sống chung tu học”

Từ năm 2015 đến nay, chư Tôn đức Ni trong Ban Quản sự đã mở khóa tu “Sống chung tu học” để nhắc nhở việc tu tập cho các Tỳ-kheo-ni. Khóa tu diễn ra trong 7 ngày và mỗi khóa tu thường có khoảng 70 - 80 vị. Tuy khóa tu đặc biệt dành riêng cho Tỳ-kheo-ni, chư Tôn đức Ni vẫn cung thỉnh chư Tôn đức Tăng, các bậc trưởng thượng trong Giáo đoàn đến giảng pháp, giáo giới, chia sẻ kinh nghiệm tu học cho hội chúng Ni. Vừa qua từ ngày 22 – 28 tháng 7 năm Bính Thân (2016), khóa tu lần thứ 4 đã diễn ra thành công tốt đẹp tại Tịnh xá Ngọc Chánh – EaHleo, Đăk Lăk, với sự hiện diện của 70 hành giả.

Ngoài ra, tùy duyên phương tiện hóa độ chúng sinh, chư Ni tại các trú xứ có cơ sở hạ tầng ổn định thường xuyên tổ chức các khóa tu ngắn 3 ngày hoặc 2 ngày, như khóa tu Báo ân (vào tháng 7), khóa tu Cầu An (vào tháng Giêng), khóa tu Pháp duyên (nhân dịp nghỉ lễ của sinh viên các trường Phật học),… Vì khóa tu ngắn ngày nên chư Ni và Phật tử dành thời gian về tu học khá đông, thường có khoảng 120 - 150 hành giả tham dự.

5. Tổ chức lễ hội

Một số tịnh xá Ni sau khi xây dựng hoặc trùng tu làm lễ khánh thành đã xin phép chư Tôn đức Tăng đăng cai tổ chức Đại lễ Tự Tứ Tăng – Vu Lan Bồn cho Giáo đoàn. Các buổi lễ đều được diễn ra thành công. Đây cũng là một nỗ lực đáng kể đối với khả năng của chư Ni.

Ngoài việc hỗ trợ tổ chức 2 Đại lễ chính của Giáo đoàn: Lễ Tổ (Mùng 1 tháng 2) và Lễ Tự Tứ Tăng – Vu Lan Bồn, chư Ni còn tham gia, hỗ trợ tổ chức Lễ Phật đản, Lễ Vu Lan theo sự cắt đặt của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh nhà. Tại các trụ xứ, các vị trụ trì cũng tổ chức Lễ Phật đản, Lễ Dâng y trang nghiêm, đúng ý nghĩa để giữ gìn truyền thống Khất sĩ cũng như làm gia tăng tinh thần tu học, phụng sự Tam Bảo cho hàng Phật tử tại gia.

6. Tham gia công tác của GHPGVN và chính quyền địa phương

Từ năm 1982 cho đến nay, chư Ni trong Giáo đoàn đều có tham gia Phật sự trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam cũng như chính quyền địa phương cấp xã, huyện, thị xã, thành phố, tỉnh.

Ni trưởng Hiệp Liên suốt 35 năm qua giữ nhiều vị trí trong Giáo hội Phật giáo tỉnh Gia Lai:

- Ủy viên Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Gia Lai

- Phó ban Thường trực Phân ban Ni giới tỉnh Gia Lai

- Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai

- Ủy viên MTTQ thị xã An Khê

- Ủy viên MTTQ phường Tây Sơn thị xã An Khê

- Đại biểu Hội đồng Nhân dân thị xã An Khê.

Ni trưởng Cảnh Liên

- Ủy viên Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Gia Lai

- Chứng minh Phân ban Ni giới tỉnh Gia Lai,

- Phó ban Trị sự Phật giáo huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai.

Ni sư Dung Liên

- Ủy viên BTS GHPGVN tỉnh Bình Thuận

- Phó Phân ban Ni giới tỉnh Bình Thuận

- Ủy viên MTTQ tỉnh Bình Thuận

- Ủy viên MTTQ huyện Bắc Bình

- Ủy viên MTTQ xã Sông Lũy.

Ni sư Tỉnh Liên

- Ủy viên Ban Từ thiện huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Ni sư Lãnh Liên

- Ủy viên BTS GHPGVN tỉnh Đăk Lăk

- Phó Phân ban Ni giới tỉnh Đăk Lăk

- Ủy viên Thường trực BTS GHPGVN thị xã Buôn Hồ.

Ni sư Hạnh Liên

- Thành viên Phân ban Ni giới tỉnh Đăk Lăk.

Ni sư Chuyên Liên

- Phó Phân ban Ni giới tỉnh Gia Lai.

Sư cô Hiếu Liên

- Phó BTS Phật giáo huyện Eahleo, Đăk Lăk

- Trưởng ban Hoằng pháp Phật giáo huyện EaHleo, Đăk Lăk.

- Ủy viên MTTQ huyện EaHleo

Sư cô Duyên Liên

- Ủy viên BTSPG huyện Hàm Thuận Bắc.

7. Hoạt động từ thiện xã hội

Vào mỗi dịp Phật đản, Vu Lan, hầu hết các tịnh xá đều có phát quà cho gia đình có người khuyết tật, neo đơn. Ngân quỹ này do các hội từ thiện và Phật tử hữu tâm đóng góp hỗ trợ. Tịnh xá Ngọc Trung, từ năm 2004 đến nay đã xây 6 ngôi nhà tình thương tặng cho gia đình nghèo và đã làm một con đường kinh phí 70 triệu cho người dân. Một vài tịnh xá, hàng tháng còn nấu cơm từ thiện biếu cho các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện tỉnh hoặc huyện, thị xã. Tuy số tiền từ thiện không nhiều nhưng nêu cao lòng từ bi trong đạo Phật, “lá lành đùm lá rách”, an ủi chia sẻ với các gia đình còn khó khăn của người con Phật. Tổng trị giá, mỗi năm khoảng 100.000.000đ (một trăm triệu đồng).

V. KẾT LUẬN

Gần 50 năm đã đi qua, nhìn lại chặng đường tu học của chư Ni Giáo đoàn III, đặc biệt từ giai đoạn 1982 trở đi, dưới sự hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng, chư Ni trưởng trong Ban Quản sự Ni chúng đã có nhiều trăn trở ưu tư và nhiệt tình hoạt động đưa Ni chúng Giáo đoàn III lớn mạnh dần. Chư Ni xuất gia hàng năm gia tăng, đồng thời số lượng tịnh xá, tịnh thất cũng được mở mang khá nhiều.

Việc tổ chức đều đặn các khóa tu học cho Tỳ-kheo-ni, Sa-di, Sa-di-ni, và Phật tử tạo sinh khí tinh tấn tu học cho hàng xuất gia cũng như tại gia. Không những kiến thức Phật học của người con Phật được tăng trưởng mà tinh thần Lục hòa trong đại chúng càng ngày càng hoan hỷ, thắt chặt hơn, và đáng trân trọng nhất đó là Tôn chỉ “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, chư Ni và Phật tử ý thức, hiểu rõ và duy trì bền vững hơn.

Quý Phật tử vô cùng hoan hỷ hỗ trợ vật chất cúng dường khóa tu và hoạt động từ thiện xã hội, đây là cơ duyên gieo thêm hạt giống thiện duyên vào ruộng phước và nuôi dưỡng tâm từ bi cho hàng bạch y.

Tất cả những thành tựu khiêm tốn đạt được cũng chỉ vì mục đích của đạo Phật mang lại an lạc hạnh phúc cho chính mình, cho chư thiên, loài người và hết thảy chúng sinh.

Trên đây là những nét tổng quát về các sinh hoạt của Ni chúng trực thuộc Giáo đoàn III từ trước đến nay, kính trình chư Tôn Thiền đức Tăng Ni chứng minh.

NAM MÔ HOAN HỶ TẠNG BỒ TÁT MA HA TÁT.