Báo cáo khóa Bồi dưỡng trụ trì 2018

Kính bạch chư Tôn đức Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái,

Kính bạch chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái và các Giáo đoàn,

Kính bạch chư Tôn đức trụ trì,

Kính thưa đại chúng,

Khóa Bồi dưỡng trụ trì lần thứ 15, PL. 2562 – DL. 2018 được tổ chức tại Pháp viện Minh Đăng Quang từ ngày 18 đến 24 tháng 4 năm Mậu Tuất (1-7/06/2018) được diễn ra thành công. Thay mặt Ban Thư ký, chúng con xin kính trình lên chư Tôn đức bản báo cáo như sau.

1. Nhân sự Ban Tổ chức & cách tổ chức

Phần này cho phép con không đọc lại danh sách Ban Chứng minh, Ban Tổ chức, Ban Điều hành - Thuyết trình và Ban Thư ký, vì đã đọc trong Kế hoạch Bồi dưỡng trụ trì trong phiên Khai mạc, ngày 18/4 Mậu Tuất.  Ở đây, cho phép con có nhận xét: Một số vị trong các Ban vừa nêu, rất có tinh thần trách nhiệm như HT. Giác Hà, HT. Giác Pháp, mặc dù cũng bận nhiều Phật sự trong đầu mùa An cư, nhưng đã dành nhiều thời gian gắn bó, đồng hành với Ban Tổ chức. Hoặc một số vị ở xa, nhưng nán lại 3-4 ngày đầu để tham dự như HT. Giác Hùng, HT. Giác Trí, Giác Thành,… Một số vị ở gần như suốt khóa như TT. Giác Mạnh (GĐ II), TT. Minh Lộc (GĐ IV), TT. Minh Thông (GĐ V), thường xuyên tới lui, gần gũi và đồng hành với đại chúng tu tập. Đó là thân giáo về sự cộng tác, gắn bó với Hệ phái mà chúng con noi theo. Tuy vậy, vẫn còn một vài vị ở rất gần nhưng chưa thể hiện hết trách nhiệm, chức năng của mình được Ban Tổ chức giao phó.

Ban Thư ký khóa Bồi dưỡng trụ trì 2018, mặc dù có những vị đã nỗ lực thực hiện chức năng của mình được giao, nhưng bên cạnh ấy vẫn có vị chưa thể hiện hết chức năng nhiệm vụ của mình.

Về cách tổ chức, do vì điều kiện khách quan và chủ quan, các vị từ phương xa trở về nơi Pháp viện, chưa thật sự cảm thấy “trở về nhà”, đạo tình giữa người trụ xứ với khách Tăng, giữa các vị Khất sĩ trong Giáo đoàn với nhau vẫn còn khoảng cách, chưa tạo thành hình mẫu Tăng đoàn lý tưởng mà các vị trong Ban Tổ chức đã nhận ra.

2. Số lượng, đối tượng và tinh thần học tập

Giáo đoàn I: 15 vị. Giáo đoàn II: 8 vị. Giáo đoàn III: 30 vị. Giáo đoàn IV: 20 vị. Giáo đoàn V: 15 vị. Giáo đoàn VI: 13 vị. NGHPKS: 30 vị. NGGĐ I: 16 vị. NGGĐ III: 45 vị. NGGĐ IV: 57 vị (phân đoàn I 16, Phân đoàn 2: 30 vị, Ni giới thuộc NT. Ngân Liên: 11). NGGĐ VI: 10 vị.

Tăng 101 vị. Ni 158 vị. Tổng cộng: 259 vị. Ngoài ra, hơn 10 vị Tôn túc các Giáo đoàn đến chia sẻ đạo lý và cùng sinh hoạt với Tăng chúng mỗi ngày. Hơn một nửa chư Tăng Ni trong khóa này có tuổi đạo trên dưới 5 hạ, còn có một số vị tuổi hạ trên 20-30 hạ  

Về tinh thần học tập, có một số vị dù đã lớn tuổi, nhưng vẫn tham gia đầy đủ và đúng giờ trong suốt một tuần. Tuy nhiên, trong một số giờ cuối ngày, chư Tăng tham dự khóa học chưa đầy 50 vị. Qua đó cho chúng ta thấy, tinh thần cầu học và tính nghiêm túc trong việc học khóa Bồi dưỡng trụ trì này cần phải được chỉnh đốn.

3. Giảng sư và khách mời thuyết trình

Chư Tôn đức Giáo phẩm Tăng Ni trong Giáo hội và Hệ phái thuyết giảng và trình bày tham luận có 21 vị, trong đó 4 vị đại diện cho Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội và GHPGVN TP.HCM; về Hệ phái có 7 vị Tăng và 8 vị Ni; 2 vị khách mời: Ông TS. Bùi Hữu Dược – Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ và ông Lê Hoàng Vân – Phó Trưởng ban Tôn giáo TP.HCM đã đến thăm và báo cáo về Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2018.

Nhìn chung, chư Tôn đức giảng sư, khách mời phần lớn đều là những vị có năng lực, tâm huyết và có trách nhiệm với Giáo hội, Hệ phái, Giáo đoàn. Các Ngài đã thổi một luồng sinh khí mới vào đầu mùa hạ trên nhiều lĩnh vực.

4. Nội dung của các chủ đề

Chủ đề 1: Những vấn đề liên hệ đến trụ trì

Do 11 vị giảng sư phụ trách: HT. Thích Thiện Nhơn: “Trách nhiệm trụ trì”, HT. Giác Hà: “Tâm đức của vị trụ trì”, HT. Thích Minh Thông: “Tầm quan trọng của giới luật”, HT. Thích Huệ Thông: “Vai trò của vị trụ trì trong sự nghiệp hoằng pháp và quản lý tự viện”; HT. Minh Bửu: “Kinh nghiệm trụ trì”; HT. Giác Nhân: “Triển khai Hiến chương và Nội quy Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN”, ĐĐ. Giác Hoàng trình bày: “Các hoạt động Phật sự của Hệ phái trong năm 2017-2018 và các Phật sự trọng đại sắp tới”; ĐĐ. Thích Tâm Hải: “Cách ứng xử của một vị trụ trì với truyền thông hiện đại”; NS. Hằng Liên: “Trụ trì – Sứ mạng tiếp bước hạnh Khất sĩ – Tùy duyên hoằng pháp”; Ông Bùi Hữu Dược: “Triển khai Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2018”; Ông Lê Hoàng Vân: “Tăng Ni ứng dụng  Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2018 như thế nào và tình hình Phật giáo TP.HCM”.

Qua các đề tài trên, các vị thuyết trình, diễn giả đã nhấn mạnh đến kỹ năng, kiến thức cần có của một vị trụ trì, để đảm bảo sự thành công đem đạo vào đời. Một vị trụ trì, nếu không có tâm đức và kiến thức thì khó thực hiện được trọng trách “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”, đem ánh sáng Phật pháp phổ hóa khắp nhân sinh.

Nói chung, nội dung đa dạng, phong phú và bắt kịp với vận hội hiện đại, phù hợp với việc quản lý của một ngôi tự viện trong thời đại công nghệ 4.0.

Chủ đề 2: Tinh thần “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” của đức Tổ sư Minh Đăng Quang được 8 vị Tôn đức đảm trách. HT. Giác Toàn: “Tinh thần nối truyền Thích-ca Chánh pháp và sứ mạng thiêng liêng của vị trụ trì”; HT. Giác Pháp: “Ứng dụng Tứ y pháp trong đời sống hiện đại”; HT. Giác Trí: “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp trong cách ứng dụng Chánh niệm trong đời sống tu học”, TT. Minh Thành: “Cõi Phật và các cõi khác là một hay là khác?”; NT. Hiệp Liên: “Giới – Định – Huệ của Tổ sư Minh Đăng Quang với lời dạy của bậc Giác Ngộ”; NT. Yến Liên: “Giáo pháp của đức Phật và sự nối truyền của đức Tổ sư Minh Đăng Quang”; NS. Nguyện Liên: “Nghĩ về vấn đề tu –học – dạy của Tổ sư Minh Đăng Quang”; SC. Liên Thảo: “Tu tập tâm theo Chơn lý của Tổ sư Minh Đăng Quang”.

Chủ đề này do quý chư Tôn đức Tăng Ni trong Hệ phái trình bày.  Một số tư tưởng và nhận thức tương đối quen thuộc nhưng mang tính ứng dụng trong đời sống thực tiễn như bài của HT. Giác Toàn, bài của NT. Hiệp Liên, và cũng có nhiều bài thuyết trình có góc nhìn mới như quan điểm của HT. Giác Pháp về tinh thần Tứ y pháp trong đời sống hiện đại của một vị Tỳ-kheo, hoặc cách nhìn đa chiều của Thượng tọa Tiến sĩ Minh Thành về vấn đề cõi Phật với các cõi với góc nhìn đối sánh với kinh tạng Nikaya, kinh điển Đại thừa và Chơn lý. Những bài mang tính chất truyền thống như bài của HT. Giác Trí, bài của Ni trưởng Hiệp Liên hoặc các bài nghiên cứu với góc nhìn rất riêng và sâu sắc như bài của Ni sư Nguyện Liên và Sư cô Thảo Liên.

Chủ đề 3: “Những công hạnh của chư Trưởng lão/ Đức Thầy / Ni trưởng” do 4 vị Tôn đức Ni đảm trách. NT. Khiêm Liên với đề tài: “Ni trưởng Huỳnh Liên: Đóa sen vàng từ miền Cực lạc”, NT. Ánh Liên, NT. Mai Liên, NS. Tuyết Liên đã tuần tự trình bày về “Cuộc đời và đạo nghiệp của Ni trưởng Bạch Liên, Ni trưởng Ngân Liên và Ni trưởng Trí Liên”. Bốn vị này có thể được xem là bốn vị tiêu biểu nhất trong sự nghiệp tu hành, nối chí Tổ Thầy, lợi lạc nhân sinh.  

Chư Tôn đức Ni đều cố gắng khắc họa hình ảnh cao cả của thầy mình, tán thán và tỏ lòng biết ân đến các bậc Ni trưởng đã xả thân hành đạo, đem ánh đạo đến quần chúng. Ngoài bài của Ni trưởng Khiêm Liên mang tính nghiên cứu chuyên đề, trình bày sự đóng góp của Ni trưởng Huỳnh Liên cùng với những áng thơ nhẹ nhàng và siêu thoát của Ni trưởng, còn 3 bài sau có thể được sử dụng như là các bài mô tả về hành trạng danh Ni Khất sĩ Việt Nam. Do đó, các bài vẫn còn mang dấu tích của bài tiểu sử nhiều hơn là tìm các góc độ đóng góp của các bậc Ni trưởng mà trong tiểu sử chưa trình bày.

Chủ đề 4: “Cuộc đời và đạo nghiệp của Tổ sư Minh Đăng Quang” do Hòa thượng Giác Giới và Đại đức Minh Điệp trình bày.

Hòa thượng Giác Giới nói lên thao thức của mình về một bản tiểu sử hoàn chỉnh của đức Tổ sư. Hòa thượng nhấn mạnh, đã đến lúc chư Tôn đức Giáo phẩm cần ngồi lại để đúc kết và xác quyết thông tin lịch sử về cuộc đời và đạo nghiệp của Tổ sư. Gần 65 năm trôi qua, kể từ ngày đức Tổ vắng bóng, song lịch sử thành văn của Tổ sư vẫn chưa được thống nhất và nghiên cứu tường tận, đó là một thiếu sót của những vị có trách nhiệm với Hệ phái. Hòa thượng mong mỏi, hy vọng Ban Tu thư của Hệ phái sẽ có một bản Lược sử tưởng niệm chính xác, và một Lịch sử chi tiết về cuộc đời đạo nghiệp của Tổ sư, để cúng dường lên đức Ngài nhân Đại lễ Tưởng niệm 65 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, được tổ chức tại Tổ đình Minh Đăng Quang, Vĩnh Long vào mùng 1 tháng 2 năm Kỷ Hợi – 2019.

Bài thứ 2, nội dung có mối liên hệ đến Tổ sư Minh Đăng Quang: “Đức Tổ sư Minh Đăng Quang: Sự giác ngộ tự thân đến xây dựng hội chúng giác ngộ”. Đại đức đã góp phần tái hiện cuộc đời của Tổ sư qua quá trình tầm đạo, xuất gia và hoằng hóa của Tổ sư, và các thiết lập một hội chúng giác ngộ của đức Tổ sư ra sao.

5. Các hoạt động khác trong khóa Bồi dưỡng Trụ trì

5.1. Định hướng hoạt động 2 Ban trong 8 Ban của Hệ phái

Trong thời gian khóa Bồi dưỡng Trụ trì diễn ra, hai Ban của Hệ phái đã họp bàn và định hướng cho các hoạt động: 1) Ban Giáo dục – Tu thư do TT. Minh Thành làm Trưởng ban đã có phiên họp đầu tiên của Ban, hoạch định kế hoạch biên tập Lược sử Tưởng niệm và Lịch sử Tổ sư, cũng như lên kế hoạch biên tập Tuyển tập những bài tham luận về đường lối của Tổ sư Minh Đăng Quang mà chư Tôn đức đã khảo cứu trong khóa Bồi dưỡng Trụ trì trong 5 năm qua để dâng lên đức Tổ nhân lễ Tưởng niệm 65 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng. 2) Ban Văn hóa – Truyền thông do Đại đức Giác Hoàng làm Trưởng ban cũng đã thống nhất phương hướng hoạt động với các thành viên và bổ sung nhân sự cho Ban, nhằm kiện toàn 3 phương diện: 1) Văn hóa Hệ phái, 2) Thông tin online của Hệ phái; 3) Quay và dựng phim các lễ hội và pháp thoại của chư Tôn đức.

5.2. Quỹ Pháp học Khất sĩ thuộc Ban Giáo dục – Tu thư

Được sự ủng hộ của chư Tôn đức Tăng Ni, Quỹ Pháp học Khất sĩ đã hoạt động được 5 năm. Năm 2017, Quỹ đã trợ duyên cho 92 vị đang du học ở nước ngoài, 104 vị đang học trong nước.

- Số tiền đã trao năm 2017 là 816 triệu đồng. Số tiền còn lại (do Đại đức Giác Phước báo cáo trong ngày 17/4 âm lịch vừa qua): 115,654,871đ.

Trong thời gian qua, một số chư Tôn đức trong các Giáo đoàn đã ủng hộ: 96.160.000đ (chín mươi sáu triệu, một trăm sáu mươi ngàn đồng).

6. Kết luận

Khóa Bồi dưỡng Trụ trì PL. 2564 – DL. 2018 được diễn ra tương đối thành công và được khép lại trong tinh thần hoan hỷ của đại chúng. Mặc dù vẫn còn một số thiếu sót từ Ban Tổ chức, Ban Thư ký, nhưng đó là điều khó mà khắc phục hoàn toàn trong hoàn cảnh hiện tại, rất mong chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái, chư Tôn đức trụ trì từ bi hoan hỷ lượng thứ.

Hy vọng rằng, khóa Bồi dưỡng Trụ trì năm 2019 sẽ được tổ chức quy mô và chặt chẽ hơn, nhằm đảm bảo thời gian tu tập của đại chúng trong đầu mùa Hạ, mà cũng đáp ứng nhu cầu tu nghiệp, tập huấn của một vị trụ trì đang làm nhiệm vụ, hoặc sẽ làm nhiệm vụ trong tương lai.

Do đó, chúng con xin kiến nghị: Khóa Bồi dưỡng trụ trì 2019 nên lập Ban Kiểm soát và thời khóa tu học như thời khóa tu Truyền thống Khất sĩ. Các vị Tăng Ni nên tập trung ở một nơi, hạn chế đi lại, để nối kết tình thân, và giải quyết tất cả những vấn đề còn tồn đọng mà Hệ phái cần phải ngồi lại. Đây là thời gian lý tưởng mà tất cả chư Tôn đức Giáo phẩm đều có mặt cho nhau, và sống vì lợi ích và sự phát triển của Tăng đoàn.

Thay lời Ban Thư ký, kính chúc chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái, chư Tôn đức Giáo phẩm các Giáo đoàn, chư vị trụ trì và đại chúng sức khỏe dồi dào, đạo lực tăng trưởng, đủ sức gánh vác sứ mạng trọng trách, thiêng liêng “Trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng”, thực hiện nguyện ước cao cả tự độ và độ tha, góp phần cho sự phát triển bền vững Phật giáo Khất sĩ Việt Nam nói riêng và Giáo hội Phật giáo Việt nam nói chung.   

NAM MÔ HOAN HỶ TẠNG BỒ TÁT MA HA TÁT TÁC ĐẠI CHỨNG MINH