Báo cáo khóa trao đổi kinh nghiệm trụ trì PL.2559 tại PV. Minh Đăng Quang

phap vien 5Ngưỡng bái bạch chư Tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng

Kính bạch quý Ni trưởng, Ni sư, Sư cô,                                                                  

Kính thưa đại chúng,

Khóa “Trao đổi kinh nghiệm trụ trì” được tổ chức tại Pháp viện Minh Đăng Quang từ ngày 18 đến 24 tháng 4 Ất Mùi (nhằm 4 đến 10 tháng 6 năm 2015). Hưởng ứng lời kêu gọi và nhận thức được sứ mạng thiêng liêng của vị trụ trì, ngoài 143 vị hành giả An cư tại Pháp viện, chư Tôn đức Tăng của các giáo đoàn về tham dự Khóa Trao đổi kinh nghiệm trụ trì gồm có: Giáo đoàn I có 10 vị, Giáo đoàn II có 10 vị, Giáo đoàn III có 10 vị, Giáo đoàn IV có 10 vị, Giáo đoàn V có 11 vị, Giáo đoàn VI có 6 vị. Như vậy, tổng số Tăng tham dự Khóa Trao đổi kinh nghiệm trụ trì này là 57 vị.

Về phía chư Tôn đức Ni, Ni giới Hệ phái Tổ đình Ngọc Phương có 20 vị, Ni giới Giáo đoàn Phân đoàn 1 có 17 vị, Phân đoàn 2 có 22 vị, nhóm Ni trưởng TX. Ngọc Lâm (Long Hải) có 8 vị, nhóm cố Ni trưởng Cung Liên có 6 vị, Ni giới Giáo đoàn III có 21 vị, Ni giới Giáo đoàn I có 11 vị. Tổng cộng 105 vị.

Cùng với sự hiện diện của 143 vị Tăng đang An cư kiết hạ tại Pháp viện, tổng cộng cả Tăng Ni hiện diện mỗi ngày khoảng 300 vị.

Chương trình làm việc từ 7 giờ 30 và kết thúc lúc 10 giờ 30. Buổi chiều bắt đầu làm việc từ 13 giờ 30 đến 16 giờ 30. Mỗi buổi nghỉ giải lao giữa giờ 20 phút. Nhị vị Hòa thượng Giáo phẩm Giáo hội: HT. Thích Trí Quảng và HT. Thích Thiện Nhơn đã sắp xếp thời gian viếng thăm và chia sẻ đạo lý đến hội chúng. Trong Hệ phái có 11 vị giảng sư chư Tôn đức Tăng và 9 vị chư Tôn đức Ni thuộc hàng Giáo phẩm Hệ phái, đại diện của 6 Giáo đoàn. Có tất cả 19 tham luận, 12 bài thuộc chủ đề 1 bàn về tư tưởng Phật giáo Đại thừa qua các bài trong bộ Chơn Lý như “Đại thừa giáo”, “Đại Thái Thức”, Pháp Tạng”, “Vô Lượng Cam Lộ”, “Phật tánh” v.v…. Có 3 bài thuộc chủ đề 2 bàn về các vấn đề trụ trì (HT. Thích Thiện Nhơn, HT. Giác Pháp, NT. Mai Liên), một bài mang tính nhận thức chung về Phật giáo Khất sĩ (NT. Cảnh Liên), một bài phản ánh tinh thần tu học của chư Tôn đức Ni thuộc Tổ đình Ngọc Phương nói riêng và Ni giới Hệ phái Khất sĩ nói chung (NT. Khiêm Liên), và một bài phản ánh các hoạt động Phật sự và văn hóa của Hệ phái Khất sĩ (ĐĐ. Giác Hoàng). Nhìn chung, nội dung đa dạng, phong phú.

BDTT-6

Ngày đầu tiên, HT. Thích Trí Quảng – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng ban Trị sự GHPGVN kiêm Trưởng ban Chỉ đạo An cư kiết hạ tại TP. HCM quang lâm và khai thị Truyền thống Phật giáo qua các ý pháp trong kinh điển Phật giáo Đại thừa”. Bằng kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy và tu tập tự thân trên 60 năm trong Phật pháp, đặc biệt là Pháp Hoa, Hoa Nghiêm và Bát-nhã, Hòa thượng đã chia sẻ những ý pháp hết sức sâu sắc và trí tuệ. Một vị đi vào cuộc đời để hoằng dương Phật pháp, lợi ích chúng sanh, đầu phải đội Phật, mặt phải đẹp như chư thiên, hai vai phải có đế vương, thân thể của trưởng giả, và chân phải có quần chúng. Đó là một hình ảnh lý tưởng của một người dấn thân làm đạo phải được sự tín nhiệm của quần chúng, sự cúng dường của các vị có điều kiện, sự ủng hộ của giới chính quyền, phước tướng phải trang nghiêm, trí tuệ phải sáng ngời thì công cuộc hành đạo, mà chúng ta gọi là tư tưởng Phật giáo Đại thừa mới viên mãn. Nói chung, bài pháp để lại ấn tượng sâu sắc cho người nghe.

BDTT-7

Cùng trong ngày là bài giảng của HT. Giác Toàn – Giáo phẩm Thường trực Hệ phái, Trưởng ban Tổ chức, với đề tài “Chức năng và sứ mạng thiêng liêng của vị trụ trì”. Với nội dung sâu rộng, Hòa thượng trình bày theo 3 phần: (1) Chức năng thiêng liêng của vị trụ trì, (2) Sứ mệnh truyền trì mạng mạch Phật pháp, và (3) Sứ mệnh hoằng hóa độ sanh gắn liền với tư tưởng Đại thừa trong Chơn Lý của Tổ sư Minh Đăng Quang. Về thời lượng chia thành 2 buổi giảng: Buổi chiều ngày thứ nhất và buổi sáng ngày cuối cùng. Nội dung thứ nhất nhấn mạnh đến chức năng của một vị trụ trì trong việc xây dựng đạo tràng nên giữ lại kiến trúc truyền thống của Hệ phái, gìn giữ bản sắc của một tông môn. Hòa thượng tha thiết nhắn gởi đến các vị trụ trì rằng kiến trúc của một ngôi tịnh xá tự thân biểu trưng cho giáo pháp Khất sĩ, đồng thời thể hiện chiều sâu của một nền văn hóa tâm linh, nên dù thời cuộc có đổi thay như thế nào, chất liệu xây dựng có thể khác đều cần nên gìn giữ lại nét kiến trúc truyền thống xưa. Bên cạnh đó, khóa tu tập của một đạo tràng qua các lễ lạc, nghi thức cũng là điều Hòa thượng quan tâm. Nội dung thứ hai của bài giảng là sự khuyến khích các vị trụ trì nỗ lực tu tập, hành trì Giới Định Tuệ để làm cho ngôi nhà Phật pháp được vĩnh cửu ở thế gian. Điều đó mới thực sự là “Trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng”. Nội dung thứ ba, được triển khai vào sáng ngày cuối cùng là các tư tưởng Phật giáo Đại thừa được tìm thấy trong Chơn Lý, để từ đó hành giả thấy được tinh thần Bồ-tát đạo tích cực dấn thân độ sanh của Tổ sư qua các hình ảnh Địa Tạng, Mục-kiền-liên, v.v….

Cũng trong buổi chiều ngày thứ nhất, NS. Tuyết Liên – Giáo phẩm Ni giới phân đoàn 2 thuộc Giáo đoàn IV trình bày đề tài “Tư tưởng Đại thừa trong Chơn Lý “Đại thừa giáo”. Bài thuyết trình chủ yếu dựa vào Chơn Lý “Đại thừa giáo” và tác phẩm Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận của học giả Kimura Taiken (người Nhật, do Hòa thượng Thích Quảng Độ dịch sang Việt ngữ). Bài mang tính nghiên cứu, bắt đầu đi tìm khái niệm “Đại thừa” và “Tiểu thừa” ra đời từ hoàn cảnh nào, quan niệm Đại thừa của Tổ sư Minh Đăng Quang trong bối cảnh Phật giáo Trung Hoa và Việt Nam, rồi từ đó đưa ra định hướng hành đạo và tu tập của Tổ sư Minh Đăng Quang. Qua đó, chúng ta thấy cái nhìn tích cực và tin tưởng của Tổ sư Minh Đăng Quang về Phật giáo Đại thừa: “Quyển Đại thừa giáo này có ra, là để chỉ rõ một sự thay đổi của tiếng đạo Phật từ lâu, một tấn tới của trình độ dân tộc, một tiến cấp của trong hàng Phật tử, một vui mừng của đạo Phật, vì chẳng bao lâu nữa, đạo Phật sẽ là đạo Phật, con đường giác ngộ chúng sanh chung…”. Nhìn chung, bài viết có trình tự, mạch lạc, có tính dẫn dắt, nhưng chưa có đủ khoảng không gian để phân tích và nhận định.

Ngày thứ 2 (19/04/Ất Mùi) với 4 vị thuyết trình. Đầu tiên là HT. Giác Ngộ – Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái đã đến thăm, sách tấn và chia sẻ tư tưởng thiền của Tổ sư Minh Đăng Quang. Hòa thượng đã chia sẻ những giai thoại hành đạo của chư vị đức Thầy, đặc biệt là tư tưởng thiền “Tánh không” của Nhị Tổ Giác Chánh. Nói chung, Hòa thượng khích lệ hành giả tu tập thiền định và thiền quán, hầu đạt đến sự giải thoát ngay trong hiện tại.

Cùng buổi sáng, HT. Giác Hà – Giáo phẩm Hệ phái, Tri sự trưởng Giáo đoàn V đã trình bày “Tâm đức và chức năng của một vị trụ trì”. Với kinh nghiệm trên 50 năm tu tập trong giáo pháp, Hòa thượng đã tha thiết kêu gọi các vị trụ trì nghĩ đến trách nhiệm của mình, không nên làm tổn thương Phật pháp và tổn thương tín tâm sơ cơ học đạo của hàng đệ tử học trò. Đệ tử có học tu tốt hay không là nhờ sự gia tâm dìu dắt của người thầy, đạo tràng được hưng thịnh hay không là nhờ vị trụ trì có tâm huyết hướng dẫn Phật tử hay không? Trách nhiệm của vị trụ trì đối với ngôi tịnh xá rất lớn. Không những thế, Hòa thượng còn nhắc nhở về sự chuyển hóa của một vị trụ trì, vì không phải tu lâu là chứng đắc mà đòi hỏi sự quyết tâm đoạn trừ các lậu hoặc và thực tập tinh cần. Nói tóm lại, buổi học đã để lại ấn tượng tốt về một bậc Tôn túc Giáo phẩm ưu hoài về đường lối Khất sĩ và bổn nguyện xuất gia tu hành và rộng hơn nữa là hạnh nguyện độ sanh của vị trụ trì.

Buổi chiều cùng ngày, TT. Giác Duyên trình bày “Tư tưởng Phật giáo Đại thừa với Hệ phái Khất sĩ”. Thượng tọa đã trình bày đề tài mang phong cách lịch sử phân phái và tìm hiểu tư tưởng Phật giáo Đại thừa trong Chơn Lý với kho tàng Kinh, Luật, Luận Phật giáo. Thượng tọa chứng minh rằng Giới luật mà Phật giáo Khất sĩ thọ trì theo tinh thần Phật giáo Đại thừa như Bồ-tát giới Phạm Võng Kinh, các khái niệm Đại thừa trong Kinh tạng như “Phật tánh”, “Chơn như”,… được tìm thấy trong nhiều bài Chơn Lý. Các vấn đề về vũ trụ được tìm thấy trong Chơn Lý “Vũ trụ quan”… Nói tóm lại, mặc dù Thượng tọa chưa soạn bài bằng văn bản để cống hiến đến hội chúng, nhưng cũng phác họa vài nét căn bản để giới thiệu và giúp cho hành giả có một góc nhìn về Phật giáo Đại thừa trong Chơn .

Buổi chiều cùng ngày, ĐĐ. Giác Hoàng – Phó Thư ký Hệ phái đã trình bày tóm tắt công tác Phật sự và văn hóa Phật giáo trong 6 tháng đầu năm và hoạt động Phật sự dự kiến để đại chúng có tầm nhìn tổng quan về các hoạt động Phật sự quan trọng mà chư Tôn thiền đức đã thực hiện, qua đó, rút tỉa những kinh nghiệm cho những Phật sự về sau. Bài báo cáo gồm 10 điểm chính, trong đó khóa tu là một điểm nhấn trong các Phật sự mà Hệ phái đã thành tựu. Mặc dù vẫn còn những điều chỉnh cần thiết để các khóa tu truyền thống Hệ phái từ Tăng giới, Ni giới, các khóa tu mỗi giáo đoàn tổ chức, hoặc lớp học luật Tỳ-kheo-ni của Giáo đoàn I, khóa tu Bồi dưỡng đạo hạnh của Giáo đoàn III là những bước đi vững chắc trong tiến trình hành đạo trụ xứ trong bối cảnh hiện nay. Điểm nhấn thứ hai là vấn đề giáo dục Tăng Ni trẻ thông qua lớp Sơ cấp Phật học mà hai trụ sở chính là Tịnh xá Trung Tâm – Q. Bình Thạnh và Tịnh xá Ngọc Phương – Q. Gò Vấp, thuộc TP. Hồ Chí Minh. Muốn đắp vững nền móng Phật pháp cho thế hệ trẻ, không gì hơn là giáo dục. Giáo dục có thể được tốt đẹp phải nhờ đến giáo tài, giáo án và chương trình giảng dạy. Bên cạnh đó, còn phải có sự kết hợp quản lý từ trú xứ gốc, trú xứ tạm trú và liên hệ đến vấn đề ăn mặc ở bệnh của Tăng Ni sinh. Ngoài các vấn đề đã làm, Đại đức còn giới thiệu một số Phật sự sắp tới như Khóa “Bồi dưỡng đạo hạnh” do Hệ phái tổ chức, tập trung vào chiều mùng 1, sáng mùng 2 khai mạc và kết thúc vào chiều mùng 8, để chiều mùng 9 cùng bế mạc khóa An cư với đại chúng hành giả. Nói chung, bản báo cáo mang tính tổng quát để đại chúng có cái nhìn tổng quan và định hướng cho các Phật sự trong tương lai.

Ngày thứ 3 (20/04/Ất Mùi) có 4 vị thuyết trình. Đầu tiên, NT. Khiêm Liên – Giáo phẩm Ni giới Hệ phái, Đại diện Ni giới Hệ phái Khất sĩ thuyết trình đề tài “Con nhà tông”. Qua bài thuyết trình, Ni trưởng đã giới thiệu về Khóa tu Truyền thống Ni giới Hệ phái đến nay đã được 19 khóa. Qua đó, Ni trưởng kêu gọi tinh thần lục hòa cộng trụ, sống chung tu học, tha thiết với pháp hành. Ni trưởng cũng đã thấy ra, ngày nay có một số vị có bằng cấp, học vị nhưng sự tha thiết với đạo quả, với pháp hành chưa cao, nên không nhiệt tình tham gia các khóa tu. Không những thế, các khóa Bồi dưỡng trụ trì, nay được gọi là “Khóa Trao đổi kinh nghiệm trụ trì” cũng không được hưởng ứng nhiều. Cuối bài thuyết trình, bằng tất cả tâm huyết, Ni trưởng chia sẻ: “Là thành viên của Hệ phái, mang ơn nặng của Tổ Thầy, chúng ta phải hưởng ứng những Phật sự do Hệ phái tổ chức. Hệ phái có phát triển tốt đẹp, có duy trì được dài lâu là nhờ sự đóng góp tận tình cả tinh thần lẫn vật chất của từng thành viên trong Hệ phái; nhờ vậy, Hệ phái mới liên tục hoạt động và sống còn. Nếu Hệ phái suy sụp, trụ trì nương vào đâu mà tồn tại? Có tồn tại chăng chỉ là hình thức, còn nội dung đã ngoại hóa từ lâu”. Nói tóm lại, “Con nhà tông” là một bài thuyết trình vừa đánh giá tiềm năng tu tập của Ni chúng mà cũng vừa đánh thức hiện trạng Ni chúng nói riêng và đại chúng nói chung, chưa ý thức được tầm quan trọng tu tập và qua đó, một lần nữa hiệu triệu sự trở về nương tựa hải đảo tự thân, nương tựa Chánh pháp để đạt đến quả vị ngay trong kiếp sống này.

Cùng trong buổi sáng, NS. Tín Liên đã trình bày đề tài “Con đường toàn giác không có phân thừa”. Mặc dù, Kinh tạng Phật giáo Đại thừa, như Kinh Pháp Hoa có nói đến tam thừa, nhưng theo cái nhìn của Ni sư, đức Phật và Tổ sư lúc đầu không có phân Đại thừa và Tiểu thừa như một số nhà Phật học Ấn Độ và Trung Hoa, mà con đường đi đến giác chơn tùy vào tâm giác ngộ của mỗi chúng sanh trong mỗi lúc. Do đó, không có tông môn pháp phái, thừa lớn nhỏ - “Đạo đây là chơn lý võ trụ của chúng sanh chung, chớ không phải tông giáo tư riêng” (Chơn Lý “Tông giáo”). Tư tưởng Đại thừa mà trong diễn trình hệ tư tưởng Phật giáo xuất hiện là một hiện tượng không ai phủ nhận, nhưng đó chỉ là học thuyết, lý luận để chỉ cho tinh thần độ tha sau quá trình Phật giáo bị suy kiệt. Con đường tu tập đó, Tổ sư tạm gọi là đạo Phật, chứ không phải là đạo Phật gì cả, chỉ là danh xưng tạm để hiển lộ chơn lý. Con đường ấy cho tất cả chúng sanh chung, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc, màu da, đẳng cấp xã hội, không có phân thừa.

Tóm lại, Ni sư đã thể hiện sự đồng quan điểm của Ni sư về “Việt Nam Đạo Phật không có phân thừa” nhằm khẳng định con đường chúng ta đi đến quả giác chơn làm Phật mà không bị kẹt trong một truyền thống tông môn. Đó cũng là một nét chấm phá đầu tiên trong những bài tham luận.

Buổi chiều cùng ngày, NT. Thông Liên – Giáo phẩm Ni giới thuộc phân đoàn 2 Giáo đoàn IV, đã trình bày đề tài “Bài học Từ Bi trong Chơn Lý Tổ sư Minh Đăng Quang”. Với đặc trưng “từ bi”, một phẩm chất không thể thiếu để đi vào đời của một hành giả thực hành Bồ-tát hạnh. Ni trưởng đã chứng minh rằng, Tổ sư dựng lập Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam bằng Tứ y pháp Trung đạo vì lòng từ bi, cụ thể hành trì hạnh khất thực vì tinh thần đại từ bi, sống chung tu học cũng vì đại từ bi, và do có từ bi nên mới có thể lắng nghe và thông cảm với mọi người, v.v…. Với những lập cước dựa trên lời dạy của Tổ sư, Ni trưởng đã chứng minh cho đại chúng thấy rằng, Tổ sư quả là một nhà Đại thừa nếu chúng ta nhìn Phật giáo Đại thừa bằng tinh thần độ sanh rộng lớn dựa trên nền tảng từ bi và trí tuệ.

Cũng cùng ngày trên, NS. Tuệ Liên đã trình bày bài “Nghiên cứu tư tưởng ‘Phật tánh’ trong Chơn Lý của Tổ sư Minh Đăng Quang”. Ni sư đã vận dụng sở học Hán ngữ uyên bác, trích lục nhiều dẫn chứng trong Đại tạng làm nền tảng để dung hội những ý pháp mà Đức Tổ sư đã viết trong Chơn Lý “Phật tánh”. Bài viết mang tính học thuật cao, nhưng vẫn còn để lại khoảng trống cho người đọc khi bàn về khái niệm “Phật tánh” hoặc “tánh Phật” trong mỗi chúng sanh trong kinh điển Đại thừa và hệ kinh văn Phật giáo Nikāya.

Ngày thứ tư (21/04/ Ất Mùi) có 4 vị thuyết trình. Đầu tiên là HT. Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN đã thăm, sách tấn và chúc lành đến đại chúng. Đồng thời, Hòa thượng cũng chia sẻ đề tài “Trụ trì và vấn đề trang nghiêm quyến thuộc”. Nội dung gồm 5 phần chính: 1) Tự tính quyến thuộc (Quan hệ về mặt bản thể), 2) Hành nghiệp quyến thuộc (Quan hệ về mặt hành động), 3) Thệ nguyện quyến thuộc (Quan hệ về mặt ước nguyện), 4) Tập hợp quyến thuộc (Quan hệ về mặt tập hợp, quy tụ), 5) Bồ-đề quyến thuộc (Quan hệ về mặt Trí tuệ). Với 5 nhóm quyến thuộc từ Tự tính đến Bồ-đề quyến thuộc, Hòa thượng nhấn mạnh từ quá trình thiết lập mối quan hệ sống trong đời sống thường nhật đến phương diện độ sanh. Qua đó, Hòa thượng nhắn nhủ đại chúng sự chuyển hóa tâm phàm thành tâm thánh, lấy tâm đại chúng làm tâm của mình, lấy chúng sanh làm quyến thuộc, để từ đó thiết lập thời khóa, hạ thủ công phu viên thành Phật đạo. Trước khi đi vào nội dung chính cũng như trước khi kết thúc, Hòa thượng thay mặt Trung ương Giáo hội PGVN chúc lành đến toàn thể hành giả An cư và hành giả tham dự khóa Trao đổi kinh nghiệm trụ trì được sức khỏe an khang, cát tường như ý, thành tựu vô lượng công đức để trang nghiêm đạo quả Vô thượng Bồ-đề trong mùa An cư PL. 2559 này.

Cùng buổi sáng, TT. Giác Nhân – Giáo phẩm kiêm Phó Thư ký Hệ phái, đã thuyết trình đề tài “Tư tưởng Đại thừa của Tổ sư Minh Đăng Quang qua các bài kệ pháp”. Với phương thức dùng các bài thi kệ trong truyền thống Khất sĩ, mang đậm chất văn học tôn giáo miền Nam, Thượng tọa đã trưng dẫn nhiều đoạn thi kệ trong các bài như: “Nhớ ơn Phật”, “Thuyền trí huệ”, “Tán tụng công đức Giáo chủ”, “Chúc mừng Chánh pháp”, “Ánh sáng”, v.v... để soi sáng các ý pháp mà Thượng tọa muốn trình bày. Mặc dù những điểm son đặc trưng của Phật giáo Đại thừa chưa được hiển lộ rõ nét trong các đoạn trích dẫn, nhưng Thượng tọa cũng đã gợi mở cho đại chúng cách tiếp cận đường lối của Tổ sư qua các bài kệ pháp.

Buổi chiều cùng ngày, TT. Giác Trong – Giáo phẩm Hệ phái, Phó Trị sự trưởng Giáo đoàn III, đã thuyết trình đề tài “Tư tưởng Phật giáo Đại thừa trong Chơn Lý ‘Vô lượng cam lộ’”. Bằng sự hiểu biết về tư tưởng Phật giáo Đại thừa, Thượng tọa đã triển khai một số ý pháp trong Chơn Lý “Vô lượng cam lộ”. Vô Lượng Cam Lộ là một trong những danh hiệu của Phật A-di-đà, mà trong các từ điển và sách vở của Phật giáo Đại thừa ít tìm thấy. Điều quan trọng không phải là tầm chương trích cú, tìm định nghĩa trong từ điển, mà quan trọng là tìm được ý pháp, diệu nghĩa ẩn mật trong kinh văn.

Phiên làm việc thứ 2 buổi chiều, NT. Cảnh Liên – Giáo phẩm Ni giới Hệ phái, Phó ban Quản sự Ni chúng Giáo đoàn III đã trình bày vài suy nghĩ về Hệ phái Khất sĩ. Với tinh thần cống hiến những nhận thức của mình để cúng dường đến đại chúng và góp phần vào cuốn kỷ yếu hội thảo “Đạo Phật Khất sĩ: Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập” nhân Đại lễ Tưởng niệm 60 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng (1954 - 2014), Ni trưởng đã chia sẻ 7 nội dung và cho rằng đó là những điểm ưu việt của một truyền thống mà tự thân được thọ học và trải nghiệm trong suốt hơn 40 năm tu tập. Mặc dù đề tài này chưa phản ánh đúng với nội dung của Ban Tổ chức đặt ra, nhưng điểm nổi bất đó là sự thể hiện nhận thức sâu sắc và biết ơn đến một dòng truyền thừa.

Ngày thứ 5 (22/04 Ất Mùi) có 3 vị phụ trách thuyết trình. Buổi sáng, TT. Giác Tây – Giáo phẩm hệ phái, trình bày đề tài “Tư tưởng Phật giáo Đại thừa trong Chơn Lý ‘Sanh và tử’”. Thượng tọa đã kê cứu kinh văn Phật giáo Đại thừa và các sớ luận để chứng minh rằng “cái biết” mà Tổ sư Minh Đăng Quang đã thuyết minh trong Chơn Lý “Sanh và tử” đồng với các khái niệm “Chơn tâm”, “Phật tánh”, “Bản lai diện mục”, “Chủ nhân ông” v.v…. Mặc dù vấn đề này đã được một vị trình bày trong bài tham luận Hội thảo “Cái biết trong Chơn Lý của Tổ sư Minh Đăng Quang”, nhưng ở đây, Thượng tọa trình bày một lần nữa để đại chúng suy nghĩ thêm về khái niệm “Cái biết” nhằm tìm ra một mẫu số chung trong Chơn Lý.

Cùng buổi sáng đó, NT. Hiệp Liên – Giáo phẩm Ni giới Hệ phái, Trưởng ban Quản sự Ni chúng Giáo đoàn III, đã trình bày đề tài “Đức Tổ sư Minh Đăng Quang và phương tiện đi đến nhất thừa”. Ni trưởng đã sử dụng các bài Chơn Lý “Trường Đạo lý”, “Chư Phật”, ‘Chánh pháp”, v.v… trích dẫn các ảnh dụ trong phẩm Phương tiện trong Kinh Pháp Hoa để chứng minh rằng ý pháp trong Kinh Pháp Hoa và các ý pháp của Tổ sư Minh Đăng Quang chỉ là phương tiện để giúp cho chúng sanh tiến hóa đi đến nhất thừa là thành Phật, còn quá trình tiến hóa từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn cần phải có phương tiện. Tất cả đều là tạm giả như hóa thành chứ chưa phải là bảo sở.

Buổi chiều cùng ngày, HT. Giác Pháp – Giáo phẩm kiêm Chánh Thư ký Hệ phái, chủ giảng cả hai phiên với hai nội dung. Phiên thứ nhất triển khai Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Nội quy Ban Tăng sự Trung ương. Vì thời gian hạn chế nên Hòa thượng chỉ triển khai một cách tổng quát bản Hiến chương GHPGVN được ra đời năm nào, được tu sửa mấy lần và đến nay gồm có bao nhiêu điều, v.v…. Đồng thời, Hòa thượng cũng đọc qua những điểm quan trọng liên hệ đến trụ trì để triển khai nhằm khích lệ các vị trụ trì nên đọc để thực hiện, không những không vi phạm hiến chương và nội quy Ban Tăng sự mà điều đó còn có lợi ích cho bản thân tự viện, tịnh xá của mình. Phiên thứ hai, Hòa thượng triển khai đề tài “Lý tưởng người xuất gia”. Đây là đề tài mang tính dẫn đạo, lý tưởng cả một đời người phấn đấu. Người mới xuất gia rất có thể có lý tưởng, nhưng lý tưởng đó có đúng với tinh thần Phật dạy hay không là điều chúng ta cần xem lại. Hoặc ban đầu chúng ta xuất gia có những lý tưởng rất cao đẹp, nhưng quá trình năm tháng thời gian bào mòn, lý tưởng đó còn rực sáng nữa hay không? Trong bài thuyết trình, Hòa thượng đã chia thành 5 phần, bắt đầu từ định nghĩa “xuất gia” là gì, đến phần thứ tư phương thức gìn giữ lý tưởng và phần cuối cùng là đúc kết các vấn đề. Bài thuyết trình mang tính giáo dục đánh thức để các vị trụ trì và hành giả tự nhận diện lại chính mình trên con đường giải thoát giác ngộ.

IMG 0971 Copy

Ngày thứ 6 (23/4 Ất Mùi) có 3 vị thuyết trình. Buổi sáng, HT. Giác Giới – Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái đã trình bày đề tài “Tư tưởng Phật giáo Đại thừa trong Chơn Lý”. Hòa thượng đã khái quát hóa Phật giáo Ấn Độ từ thời Nguyên thủy khi Phật còn tại thế, cho đến khi Phật giáo bị phân phái tại Ấn Độ và sau này sự phân phái còn mạnh hơn nữa ở các nước. Do thời duyên đó, khái niệm “Đại thừa” mới xuất hiện. Khái niệm này mang hàm nghĩa là tinh thần dấn thân, hoằng truyền Phật pháp, vì lợi ích chúng sanh mà hành giả phát tâm hành Bồ-tát đạo để viên mãn Phật quả. Tinh thần này Tổ sư Minh Đăng Quang đã tiếp nhận, và chúng ta tạm gọi là “Đại thừa”. Kỳ thực, Phật giáo từ thuở ban sơ không có phân thừa “Đại” hay “Tiểu”, tông hay phái như Phật giáo Ấn Độ hay ở một số nước sau khi Phật giáo được truyền bá. Trong Chơn Lý “Đại thừa giáo” hoặc trong một số bài trong Chơn Lý, Tổ sư có đề cập đến khái niệm “Đại thừa” hoặc “Tiều thừa”, đó là các khái niệm được giới học Phật sử dụng mang tính quy ước để chỉ cho một thực trạng Phật giáo đang diễn ra. Đó là chơn lý quy ước hay còn gọi là tục đế. Còn chơn lý tuyệt đối, vượt lên trên khái niệm quy ước, hay còn gọi là chơn đế, là không có một thừa nào, hay không có một tông phái nào, tất cả chỉ là danh xưng tạm, mà trong Chơn Lý “Tông giáo” Tổ sư đặt ra “Đạo Phật Việt Nam không có phân thừa”, tức là một Phật giáo không bị kẹt trong hình thức chủ nghĩa hay là một tông phong, mà chỉ là con đường để đến giác ngộ rốt ráo, gọi là Phật.

Phiên buổi chiều, NS. Yến Liên trình bày đề tài “Tư tưởng Phật giáo trong Kinh Vu-lan-bồn qua Chơn Lý “Đại Thái Thức’”. Với cách viết có tính nghiên cứu, tham chiếu từ nhiều nguồn như Kinh Trường Bộ, Kinh Trung Bộ, Đức Phật và Phật Pháp, v.v…, Ni sư đã triển khai từng đoạn trong Chơn Lý để tìm sự dung thông giữa cách lý giải của Tổ sư và kinh văn mang tính thẩm quyền, từ đó thấy rằng mặc dù Tổ sư chấp nhận kinh điển Đại thừa dưới dạng thức nhận thức và ngang qua đó chúng ta tìm được các nguyên lý ứng dụng tu hành trong tinh thần Đại bi cứu khổ, thương xót hữu tình mà phát tâm cầu quả vị Vô thượng Bồ-đề, thành tựu Chánh đẳng Chánh giác.

Tiếp theo đó, NT. Mai Liên – Giáo phẩm Ni giới thuộc Phân đoàn Cố Ni trưởng Ngân Liên đã trình bày đề tài “Nhân cách và tâm đức của vị trụ trì”. Đây là bài có tính chuyên biệt luận giải về tư cách và tâm đức của một vị có trách nhiệm đối với ngôi tịnh xá, tiếp chúng độ sanh. Với 4 phần chính trong nội dung, Ni trưởng đã đi trình tự: 1) Định nghĩa “Trụ trì”; 2) Nhân cách trụ trì (gồm có tinh thần thủ xả, phải có nhân, minhdũng; 3) Chức năng của người trụ trì; 4) Đạo đức trụ trì. Thiết nghĩ, với một bài mang tính vừa tổng quát, vừa chuyên biệt, giúp cho người trụ trì có tâm huyết sẽ tự nhận thức lại tư cách của mình và trách nhiệm thiêng liêng của mình trước Tam Bảo và chúng sanh vạn loại.

Ngày cuối cùng (24/4 Ất Mùi) có 2 phần. Buổi sáng, HT. Giác Toàn tiếp tục giảng giải chia sẻ đến đại chúng những mục còn lại của đề tài “Chức năng và sứ mạng thiêng liêng của vị trụ trì”. Đồng thời, Hòa thượng cũng xoáy sâu và phân tích kỹ hơn các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt, tu tập của người xuất gia ngày nay mà mỗi vị mang sứ mệnh trụ trì cần đặc biệt lưu tâm. Thời gian còn lại là thuyết trình của TT. Giác Minh – Giáo phẩm Hệ phái, Tri sự phó Giáo đoàn II với đề tài Tư tưởng Phật giáo Đại thừa trong Chơn Lý “Pháp Tạng”’. Thượng tọa đã tìm được tư liệu gốc mà Tổ sư trích dẫn trong Chơn Lý “Pháp Tạng”, đồng thời trình bày kiến giải của mình. Với tinh thần dung hòa hai hệ tư tưởng, Tổ sư lý giải hình ảnh tiền thân của Phật A-di-đà và lý nghĩa để từ đó xem như là một hạnh nguyện và pháp tu của một hành giả trên cầu Phật đạo, dưới nguyện độ chúng sanh.

Kính bạch chư Tôn thiền đức,

Kính thưa đại chúng,

Ngoài giờ thuyết trình, còn có giờ thảo luận dưới sự chủ tọa của chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái và các Giáo đoàn. Mỗi thời đều có thảo luận, tùy theo đề tài mà các vị đặt câu hỏi. Các câu hỏi này có thể được chính vị thuyết trình trả lời, giải thích hoặc bổ túc, hoặc được các vị trong hội chúng hỗ trợ ý tưởng giải đáp, hoặc được chư Tôn đức chủ tọa giải thích, nhằm làm cho nội dung sáng tỏ hơn. Nhìn chung, một số vị trong hội chúng rất tích cực lắng nghe, suy tư và đặt câu hỏi, tuy nhiên cũng còn nhiều vị dè dặt khi đặt câu hỏi trước hội chúng.

Buổi chiều ngày cuối, gồm 2 phần: Phần 1 là những cảm tưởng, nói lên lòng tri ân sâu sắc của chư hành giả. Có tất cả 5 vị:

1) ĐĐ. Giác Phổ phát biểu. Trong nhiều ý phát biểu, trong đó có một đề nghị mà Ban Tổ chức quan tâm là tăng cường thành viên Ban Thư ký để việc phục vụ khóa Trao đổi trụ trì nói riêng hoặc các hoạt động Phật sự Hệ phái tốt đẹp hơn. Liên hệ đến một số vấn đề liên quan đến giới luật bắt đầu xuất hiện theo chiều hướng tiêu cực trong giới tu sĩ ngày mà ĐĐ. Giác Phổ trình bày, Hòa thượng Giác Toàn khích lệ hành giả nên cố gắng giữ đúng theo giới luật Phật – Tổ chế định và khẳng định việc tu tập và thọ trì giới luật là bổn phận của mỗi tu sĩ. Nếu hành giả cảm thấy khó sống đúng với tinh thần giới luật của nhà Phật thì nên trở về đời sống tại gia để sống một đời cư sĩ. Được như vậy thì xã hội và Tăng đoàn sẽ ổn định hơn.

2) NT Khiêm Liên, đại diện Ni giới Hệ phái Khất sĩ phát biểu. Ni trưởng vô cùng tán thành khóa “Trao đổi kinh nghiệm trụ trì” và các khóa tu tập truyền thống 7 ngày của chư Tăng và chư Ni. Ni trưởng cho rằng, nếu một năm có 2 hoặc 3 khóa, thì Hệ phái chắc chắn phát triển tốt hơn. Tuy nhiên, Ni trưởng cho rằng những gì trình bày cũng mang tính lý thuyết, nhưng chưa trình bày được sinh hoạt Phật sự hoặc tu tập tại địa phương. Ni trưởng cũng cho rằng Hệ phái nên có giáo chế để khắc phục tình trạng giải đãi của một số Tăng Ni trụ trì. Ni sư kể một câu chuyện đạo để kết thúc bài phát biểu của Ni sư.

3) ĐĐ. Minh Điệp thuộc Giáo đoàn VI nêu lên 4 ý: 1) Một số bài viết rất sâu sắc, nhưng cũng có một số bài có thể chưa đi đúng vào nội dung của chủ đề, hoặc nhiều bài chưa có dẫn nhập. 2) Tri ân chư Tôn đức từ thân hành đã dạy cho hội chúng bài học oai nghi, phạm hạnh. 3) Khi tiếp nhận câu hỏi học Tăng trình bày, thay vì nghiêm khắc trong cách trả lời, kính thỉnh chư Tôn đức hoan hỷ nâng đỡ bằng nhiều cách để nuôi dưỡng tâm đạo của Tăng trẻ; 4) Thành kính tri ân chư Tôn đức đã tạo duyên cho chư Tăng trẻ được tiếp cận và học hỏi quý Ngài từ nếp sống đạo hạnh đến nhận thức hành trì pháp môn.

4) NT. Khoa Liên – Đại diện Ni giới Giáo đoàn IV phát biểu rằng, trong nếp sống tu hành, nhẫn nhịn là giới hàng đầu của mỗi hành giả và trụ trì để tiếp chúng độ sanh. Ni trưởng cho rằng, muốn tiếp chúng độ sanh tốt đẹp thì chính mình phải khiêm hạ, khích lệ hơn là la rầy.

5) NT. Mai Liên – Đại diện Ni giới Phân đoàn Cố Ni trưởng Ngân Liên, kính cảm ơn đến chư Tôn đức tổ chức, vì các Ngài đã lo lắng từ vật chất ăn mặc ở bệnh cho đến tinh thần của đại chúng. Qua các bài tham luận, đối với Ni trưởng, đây là một nguồn tài liệu tham học vô giá. Ni trưởng phát nguyện cố gắng tu học tốt, dìu dắt chúng Ni thành tựu trên con đường Phật đạo.

HT. Giác Phúc – Trưởng Giáo đoàn IV hoan hỷ với những phát biểu của chư Tăng Ni, nên có lời đạo từ chứng minh. Hòa thượng dạy chúng ta may mắn sống trong giáo lý của Đức Phật, Tổ sư, do đó, hãy cố gắng sống trong tinh thần hòa hợp, đoàn kết. Phiền não là biểu hiện của khổ đau, vô minh, vậy nên, chúng ta cố gắng hàng phục phiền não, viễn ly tất cả ô nhiễm, trần lụy, sớm giải thoát, giác ngộ. Hòa thượng nhấn mạnh đến hạnh viễn ly và hạnh hòa hợp trong Tăng chúng.

Đại diện Ban Thư ký, chúng con xin thành kính dâng lên chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái, quá trình diễn ra Khóa Trao đổi kinh nghiệm trụ trì và nội dung của mỗi bài thuyết trình. Kính mong chư Tôn đức Giáo phẩm, chư vị trụ trì và hành giả An cư từ mẫn hoan hỷ.

Kính chúc quý Ngài vô lượng an lạc, thọ mạng diên trường, thành tựu viên mãn các Phật sự trong mùa An cư kiết hạ PL. 2559 – DL. 2015.

Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ-tát Ma-ha-tát tác đại chứng minh.