Báo cáo khóa tu "Bồi dưỡng đạo hạnh" lần 2 do Giáo đoàn III tổ chức

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,

Ngưỡng bái bạch chư Tôn thiền đức chứng minh,

Với tinh thần truyền đăng tục diệm, Hòa thượng Trưởng giáo đoàn III cùng chư Tôn đức Giáo phẩm trong Giáo đoàn đã vạch ra đường hướng đào tạo, bồi dưỡng những mầm non trong giáo pháp để giúp cho hạt mầm này đâm chồi nảy lộc và phát triển vững vàng trong chánh pháp của đức Thế Tôn. Ban lãnh đạo Giáo đoàn đã quyết định tổ chức những khóa tu dành cho Thức-xoa, Sa-di, Sa-di-ni, cùng tập sự nam nữ tại Tịnh xá Ngọc Đà – Đà Lạt – Lâm Đồng vào ngày 18 đến 28 tháng 7 năm Nhâm Thìn (03 đến 13/9/2012), nhằm rèn luyện đời sống giới hạnh oai nghi, cũng như giúp cho Sa di nhận thấy rõ con đường cao đẹp mà mình đang đi, để từ đó hình thành nên đời sống chuẩn mực của phạm hạnh sa-môn.


Ảnh lưu niệm Khóa tu Bồi dưỡng đạo hạnh lần 2 do Giáo đoàn III tổ chức

Tiếp nối tinh thần trao truyền đó, quý Ngài đã tiếp tục mở khóa tu thứ hai. Giờ đây chúng con xin kính trình lên quý Ngài về tình hình sinh hoạt cũng như nội dung mà chư Tôn đức giáo thọ đã truyền trao cho hàng hậu học chúng con:

Khóa tu lần này có 120 Sa-di, Sa-di-ni và tập sự nam nữ về tham gia, đông hơn lần thứ nhất.

Ban tổ chức khóa tu gồm: HT. Giác Dũng - Trưởng giáo đoàn III làm Trưởng ban tổ chức; TT. Giác Thuận – Phó ban Tổ chức kiêm Giám luật, Giáo thọ; TT. Giác Minh – Trụ trì Tịnh xá Ngọc Đà – Phó ban Tổ chức kiêm Hóa chủ, Kiểm soát và Giáo thọ; TT. Giác Trí, TT. Giác Trong, TT. Giác Phương, ĐĐ. Giác Hoàng làm giáo thọ; TK Giác Đoan làm Tri sự; Bên Ni có NT. Hiệp Liên làm giáo thọ, SC. Hiếu Liên làm Kiểm soát Ni chúng.

Về thời khóa tu tập, không có thay đổi nhiều so với lần thứ nhất: sáng 3g30' thức chúng để 4g – 5g30' tụng kinh, thiền tập,… và kết thúc lúc 9g tối. Trong thời khóa này có 2 thời tụng kinh, 2 thời thiền hành, 2 thời chư Tôn giáo thọ giảng thuyết, truyền trao giáo pháp cho hội chúng, 3 thời thiền tập và cuối ngày vào lúc 7h30'- 9h00 là thời sám hối về những sơ sót trong một ngày tu tập.

Về nội dung: Ngày 18/7 Nhâm Thìn (nhằm ngày 03/9/2012) đã diễn ra lễ khai mạc cho khóa tu. Hòa thượng Giác Giới - Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái và Hòa thượng Giác Dũng - Trưởng giáo đoàn III cùng chứng minh, và sau đó Hòa thượng Trưởng ban Thường trực chỉ dạy cho hội chúng trong ngày khai mạc cũng như vào sáng ngày 19/7 làm thế nào phải xác định hướng đi của một vị Khất Sĩ cần phải có, và con đường làm thế nào để thành tựu chánh tri kiến, chứng được quả vị Tu-đà-hoàn, quả vị bảo đảm không bao giờ bị rơi đọa trở lại vào ác đạo. Ngài đã dẫn lời kinh Pháp Cú số 178 để minh chứng cho sự tối thắng ấy: “Hơn thống lãnh cõi đất/ Hơn được sanh cõi trời/ Hơn chủ trì vũ trụ/ Quả Dự Lưu tối thắng”. Bên cạnh đó, Ngài mượn lời kinh đề cập đến 3 hạng Thanh Văn, Duyên Giác và Chánh Đẳng Chánh Giác để khẳng định rằng chúng ta cần phải nghe giáo pháp với “như lý tác ý” để đi đến con đường thành tựu tứ quả Thanh Văn. Đồng thời Ngài khẳng định chỉ có mến pháp, thích pháp và suy tư về chánh pháp thì mới có thể lìa bỏ những cấu uế, thành tựu được tinh thần sống chung tu học mà Tổ sư đã chỉ dạy. Hòa thượng đã lấy bài “Tiểu Kinh Khu Rừng Sừng Bò” trong Trung Bộ Kinh để vạch ra mô hình sống chung hòa hợp, hay đường lối đi đến sự hòa hợp thanh tịnh trong tinh thần sống chung.

Chiều ngày thứ hai (19/7), NT. Hiệp Liên đã nhắn nhủ đến hội chúng chư Ni về tinh thần bát kỉnh pháp nhằm mục đích diệt trừ ngã mạn, trưởng dưỡng công đức. Sau đó Ni trưởng đã trình bày tóm tắt nội dung bài “Kệ Giới” trong Luật Nghi Khất Sĩ để giúp cho hội chúng thấy được tầm quan trọng của giới luật đối với vị sa-môn khất sĩ: Nếu như không có trái đất thì muôn loài cỏ cây không thể sinh tồn, phát triển được, thì lấy đâu ra thành quả là trái ngon quả ngọt. Cũng như thế, vị khất sĩ mà không có giới hạnh oai nghi, không hành trì giới luật thì làm sao đắc định, phát sanh trí tuệ được. Nếu không giữ giới sẽ dẫn đến sự suy tàn của đạo Phật. Đồng thời Ni trưởng còn triển khai và nhấn mạnh ý pháp “Sự tu hành chẳng phải không chuyên mà thành, không hành mà đắc” để nhắc nhở sự tinh tấn tu tập đối với hội chúng. Và cuối cùng Ni trưởng đã trình bày, chính nhờ giới luật mới có thể khiến cho hàng sa môn khất sĩ trở nên bình đẳng, cùng giới phẩm và hòa nhập vào Giáo hội mà không có sự phân biệt giàu nghèo sang hèn... hình thành nên phạm hạnh của vị sa-môn. Hơn nữa, Ni trưởng còn nhấn mạnh người theo đạo Phật mà không tuân thủ hành trì giới luật thì sẽ dẫn đến sự khinh khi giáo pháp, cũng có nghĩa là khinh khi Phật.

Vào ngày thứ ba (20/7), TT. Giác Phương đã trình bày kệ “Ý” trong Luật Nghi Khất Sĩ. Ở đây Thượng tọa đã chỉ cho hội chúng thấy được ý nghĩa "vốn hai" của con người. Vốn hai ở đây không chỉ là sự thay đổi của tâm ý mà đó là hai thái cực, hai cặp phạm trù đối đãi: ưa thích, ghét thương, có không... Cái này là thuốc chữa bệnh cho cái kia. Thượng tọa đã triển khai tinh thần phá chấp trước, nhằm tháo gỡ cái ngã sở và cái tự ngã của ta bằng lời dạy trong bài Ý “đến khi vô chấp mới hòa thuận nhau”. Thượng tọa đã chỉ dạy chỉ có chánh niệm để kiểm soát hành vi trong mọi oai nghi mới thấy được bản chất giả tạm của các pháp, nhằm buông bỏ ngã chấp, chữa chứng bệnh mê lầm của chúng sanh, đi đến quả vị giác ngộ.

Đến ngày thứ tư (21/7), Hòa thượng Trưởng giáo đoàn đã trình bày về sự thành lập Đạo Phật Khất Sĩ của Tổ sư và đề cập pháp tu thiền định mà vị Sa-di cần phải đạt được trước khi thọ giới cụ túc. Hòa thượng đã dẫn lời của Tổ sư: “Sa di phải trọn lễ hầu thầy và tu thiền có ấn chứng mới được lên lớp tỳ-khưu. Hòa thượng đã hướng dẫn phương pháp thiền tọa qua 3 yếu tố: điều thân, điều tức, điều tâm và triển khai 5 thiền chi để giúp cho hành giả vượt qua chướng ngại của 5 triền cái, đoạn trừ những não phiền đang ẩn tàng trong tâm thức của mỗi hành giả. Sau đó Ngài còn chỉ dạy cách hành xử trong đời sống thường nhật sao cho tâm được bình thản, biết yêu thương và tránh chỉ trích lỗi người trong tinh thần bực bội. Không nên nhìn lỗi người mà nên quay lại nhìn chính mình. Chính từ đây Hòa thượng mới dẫn lời Tổ sư nói: “Pháp không có mạc hay thịnh, mà thịnh hay mạc đều do nơi con người có hành trì hay không mà thôi”.

Qua ngày thứ năm và thứ sáu (22 - 23 /7), TT. Giác Thuận đã quay lại với những oai nghi giới hạnh mà một vị Sa-di cần phải lưu tâm hành trì: từ việc ăn mặc làm sao cho trang nghiêm thân tướng, đến việc hành trì những câu chú nguyện nhằm thiết lập chánh niệm trong đời sống thường nhật. Tất cả đều xoay quanh việc thiết lập thân hành của vị Sa-di, làm như thế nào để hoàn thiện nhân cách, để một người tín chủ khi nhìn vào sanh tâm kính tin Tam bảo. Thượng tọa đã triển khai từ bài “Môn oai nghi” cho đến bài “Theo chúng ăn” và dạy cho hội chúng đời sống hòa chúng muôn người như một, như in một người.

Ngày thứ sáu và bảy (23-24 /7), TT. Giác Minh đã chia sẻ kinh nghiệm tu tập cũng như con đường hoằng pháp mà Thượng tọa đã trải qua, từ phong cách của một vị giảng sư như thế nào, thân tướng phải trang nghiêm ra sao cho đến việc cấp thiết là phải trau dồi nội lực tu tập cũng như việc nghiên cứu kinh điển để làm hành trang. Ở đây, Thượng tọa đã nhấn mạnh đến yếu tố nội lực, rằng ta phải rèn luyện sao cho tâm ta vững chắc như đá tảng kiên cố, khi tiếp xúc với những nghịch cảnh cũng không bị chúng kéo đi và nhấn chìm trong dòng thác đó. Chính yếu tố nội lực mới giúp cho vị giảng sư hình thành đời sống phạm hạnh, xứng đáng với vị trí người thầy dạy đạo từ ngôn thuyết cho đến thân hành. Và chính thân giáo mới tác động ảnh hưởng mạnh đến cuộc đời của người học trò cũng như bá tánh khi tiếp xúc với mình. Đồng thời Thượng tọa còn nhấn mạnh đến tinh thần bình đẳng trong con đường dạy đạo để tránh việc tranh cãi và nhiếp phục mọi người quay về với Phật pháp một cách dễ dàng hơn.

Sáng ngày thứ 8 (25/7), TT. Giác Trong đã nhấn mạnh với hội chúng về tầm quan trọng của giới luật trên con đường tu tập tìm về bản thể thanh tịnh của chính mình bằng cách dẫn lời của đệ nhất giới luật tôn giả Upali: “Ngoài thân không giới / ngoài giới không thân / thân giới không phân / tức thành Phật quả” để khuyến tấn hội chúng chuyên tâm hành trì giới luật.

Cùng ngày, ĐĐ. Giác Hoàng đã chia sẻ về những hành trang của một vị sa-môn Khất Sĩ cần phải trang bị. Đại đức đã dẫn dụ bài kinh nói về ba pháp: đó là pháp học, pháp hành, và pháp thành để nhắc nhở hội chúng Sa-di trẻ tuổi không nên quá sa đà vào việc học mà xao lãng, bỏ quên đi tinh thần tu tập. Bởi chính Tăng bảo là hình ảnh và là hiện thân của Tam bảo để nhiếp phục, khuyến hóa mọi người kính Phật, trọng pháp. Ở đây, Đại đức còn nói người tu sĩ không nên chỉ biết lo cho tự thân mà không lo trau dồi tri thức, tri kiến để giúp chúng sanh tháo gỡ những quan niệm tà kiến sai lầm. Bởi chỉ cần một vị Tăng sĩ có quan điểm sai lầm sẽ dẫn đến hàng ngàn người sai lạc, nên Đại đức đã khuyến khích hàng Tăng trẻ phải biết trau dồi cả hai: trí và đức để trở thành Thắng nghĩa tăng. Đồng thời để trở thành vị tỷ-khưu đúng nghĩa thì cần phải biết nhận ra đâu là não phiền và biến chúng thành đối tượng, chất liệu để nuôi dưỡng tâm tu tập. Để từ đây vị tăng sĩ mới có khả năng mở rộng trái tim thương yêu và giúp cho mọi người cùng thoát khổ.

Đến ngày thứ 9 (26/7), TT. Giác Phùng đã truyền trao tinh thần sống chung tu học của Tổ sư và con đường đi đến sự đoàn kết, hòa hợp để trang nghiêm Giáo hội. Con đường để thực hiện không ra ngoài giới luật nhằm thiết lập đời sống phạm hạnh của người xuất gia, mà đặc biệt là hạng người thân tâm xuất gia. Chỉ có hạng người thân tâm đều xuất gia mới có thể làm cho tốt đời đẹp đạo được. Và một lần nữa Thượng tọa nhắc lại giới hạnh oai nghi của người Sa di phải biết trọn nghĩa hầu thầy và nương tựa chúng tăng để tu tập.

Và ngày cuối cùng của khóa tu (27/7), TT. Giác Trí đã triển khai ba hạng người xuất gia: đó là do mến đạo, do hoàn cảnh, và do lý tưởng giải thoát. Ở đây ,Thượng tọa chỉ cho hàng Sa-di phải nhận định và xác định rõ lý tưởng xuất gia. Sau khi xuất gia phải sống đời sống trải lòng để buông bỏ những não phiền, tiến đến con đường giải thoát. Đồng thời hành giả phải biết nhìn lại chính mình để thể nghiệm đời sống tu chung, học chung nhằm mang lại niềm vui cho mình và người. Để đạt được việc sống chung tu học đó, Thượng tọa trình bày phương pháp chánh niệm để ghi nhận rõ ràng cái biết hiện hữu trong giây phút hiện tại. Đồng thời, Thượng tọa trình bày về 5 việc làm trong ngày của đức Phật như sáng trì bình khất thực, chiều thuyết kinh giảng pháp, tối nhập định, khuya trả lời cho chư thiên, sáng sớm quán sát nhân duyên và làm bài học sống động cho hành giả noi theo.

Bên cạnh những thời khóa thuyết giảng, chư tôn đức giáo phẩm như TT. Giác Thuận, TT. Giác Phùng, TT. Giác Minh, ĐĐ. Giác Hoàng đã tận tình chỉ dạy, khuyến tấn cho hội chúng trong những giờ sám hối nhằm giúp cho Sa-di ngày một hoàn thiện hơn về đời sống phạm hạnh. Đây cũng chính là hành trang mà chư Tôn đức đã truyền trao cho hội chúng. Chính sự tận tình trao truyền ấy đã giúp cho hành giả nhận được món quà tinh thần vô cùng quý giá và đánh thức được tâm tinh tấn tu tập của hội chúng. Ngoài ra, còn có ĐĐ. Giác Nhường cũng tranh thủ thời gian đến với đại chúng cùng tu tập ngày cuối, góp thêm năng lượng tinh tấn cho toàn thể hội chúng.

Qua 10 ngày của khóa tu, hội chúng đã thu được những kết quả khả quan về sự chuyển hóa khá rõ nét trong đời sống phạm hạnh của vị Khất Sĩ. Điều này minh chứng qua lối sống chung tu học, qua cách ăn hòa chúng, đồng oai nghi trong khi xá chào, v.v… Và đặc biệt là nhận thức, ý chí tu tập được nâng lên khá cao, vượt qua những chướng ngại như lạnh lẽo, mệt mỏi... Đây cũng chính là điều mà hàng Sa-di đã thể hiện để đền đáp lại công ơn mà chư Tôn đức đã lao tâm, mở khóa tu dành cho hàng Sa-di, Sa-di-ni. Đáp lại sự nỗ lực chuyển hóa đó, một số Sa-di, Sa-di-ni tiêu biểu được biểu dương: Giác Tân (TX. Ngọc Hải – Cam Ranh), Giác Minh Từ (TX. Ngọc Vạn – Khánh Hòa), Giác Minh Tôn (TX. Ngọc Quang – Ban Mê Thuột), Tường Khiêm (Tu viện Hạnh Nghiêm – Bà Rịa Vũng Tàu), Liên Phiên (TX. Ngọc Kỳ - Chư Phả - Ban Mê Thuột), Liên Thái (TX. Ngọc Chánh – Eahleo – Ban Mê Thuột), Liên Thắm (Tịnh Độ Ni Giới – Nha Trang), Ngọc Thơ (TX. Ngọc Đức - Đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi).

Ngày bế mạc khóa tu đã diễn ra trong không khí trang nghiêm và thấm tình đạo vị. Nhờ sự khích lệ, động viên của Đại đức Giác Hoàng mà tất cả hành giả đều thể hiện nhận thức của mình qua những vần thơ, những bài văn đong đầy chất liệu tri ân và hướng thượng. Qua 3 thời “nói lời tri ân” từ đêm trước ngày bế mạc mà những trang ký sự của những ngày tu tập nơi trú xứ Ngọc Đà vẫn chưa thể hiện hết. Điều đó cũng minh chứng cho khả năng vô tận đang tiềm tàng trong mỗi hành giả và khi có cơ hội nó sẽ được diễn bày trong cung cách mà người nghe như là lời thỏ thẻ của người con đối với cha mẹ, như là lời réo gọi của những đồng hành đang hướng về phía trước vì lý tưởng giác ngộ, và cảnh tỉnh biết bao tâm hồn đang say mùi tục lụy. Tiếng lòng đó đã được chư Tôn đức Tăng giáo phẩm Giáo đoàn hoan hỷ, tán thán và đáp lại là những lời ngưỡng mộ của các Phật tử.

Và cuối cùng, chính sự trang nghiêm cùng sự chuyển hóa của hội chúng tu tập đã làm cho Phật tử phát tâm hộ trì khóa tu thêm phần kính tin Tam bảo cũng như hoan hỷ với thiện sự hộ trì khóa tu.

Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát tác đại chứng minh.