Báo cáo khóa tu Giới Định Huệ của Hệ phái lần thứ 9

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,

Ngưỡng bái bạch chư Tôn đức chứng minh,

Thưa quý thiện nam tín nữ Phật tử,

Khóa tu truyền thống Giới Định Huệ lần thứ 9 thuộc hệ phái Khất Sĩ được Giáo đoàn III đăng cai tổ chức tại Tịnh xá Ngọc Hưng – xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai đã diễn ra từ ngày mùng 4 đến 11 tháng 11 năm Nhâm Thìn (nhằm 16 – 23/12/2012). Hành giả trong khóa tu là 111 vị. Giáo đoàn I: 19 vị (17 TK. 2 SD), GĐ II: 11 vị (10 TK, 1 SD), GĐ III: 47 vị (39 TK, 8 SD), GĐ IV: 16 vị (13 TK, 3 SD), GĐ V: 12 vị TK, GĐ VI: 6 vị (5 TK, 1 SD).

Ban tổ chức gồm:

BAN CHỨNG MINH

HT. Giác Nhường – Phó Pháp Chủ Giám luật HĐCM GHPGVN, Chứng minh Hệ phái, trú xứ Tịnh xá Ngọc Minh, TP. Cần Thơ.

HT. Giác Tường – Ủy viên Thường trực HĐCM GHPGVN, Chứng minh Hệ phái, trú xứ TX. Trung Tâm – Q. Bình Thạnh – TP. HCM.

Hòa thượng Giác Phúc – Ủy viên HĐCM, Chứng minh Hệ phái, trú xứ TX. Trung Tâm, Q. Bình Thạnh, TP. HCM.

BAN ĐIỀU HÀNH

HT. Giác Toàn – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm hệ phái, Trưởng ban tổ chức, trụ trì Tịnh xá Trung Tâm, Q. Bình Thạnh, TP. HCM.

HT. Giác Giới – Ủy viên Ban thường trực HĐTS GHPGVN, Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm hệ phái, Phó ban tổ chức, Thiền chủ, trú trì Tổ đình Tịnh xá Ngọc Viên tỉnh Vĩnh Long.

HT. Giác Hà – Trị sự trưởng Giáo đoàn V, Phó ban Tổ chức, trụ trì TX. Trung Tâm, Q.6, TP. HCM.

HT. Giác Dũng – Ủy viên Thường trực HĐCM, Trưởng Giáo đoàn III, Phó ban Tổ chức, đặc trách Hóa chủ, Viện chủ TX. Ngọc Quang – Ban Mê Thuột.

HT. Giác Thanh – Trưởng Giáo đoàn II, đặc trách Giám luật.

HT. Huệ Tâm – Giáo phẩm Hệ phái - đặc trách Kiểm soát.

TT. Giác Thuận – Giáo phẩm Hệ phái, đặc trách Điển lễ.

TT. Giác Minh – Giáo phẩm Hệ phái, đặc trách Trưởng Giám thiền; ĐĐ. Giác Thuần: Phó Giám thiền.

TT. Giác Đăng, ĐĐ. Giác Trực, ĐĐ. Giác Hậu, ĐĐ. Giác Đạo, TT. Giác Xuân, ĐĐ. Giác Nghĩa: Kiểm soát. Mỗi vị tự kiểm soát đoàn mình.

Nhìn chung, chư Tôn đức hành giả trong 6 giáo đoàn đã gìn giữ giới luật và nội quy của khóa tu tương đối tốt. Sở dĩ được như vậy là nhờ không gian tại trụ xứ rộng lớn và được bảo bọc trong môi trường rừng xà cừ xanh mát, trong những cốc liêu tịch tịnh, phù hợp cho đời sống độc cư hoặc tịnh tu trong đại chúng. Khóa tu học này, toàn thể đại chúng đã theo sát thời khóa biểu đã vạch ra. Đây là thời khóa biểu tương đối chuẩn mực, lý tưởng, phù hợp với một khóa tu hòa chúng theo mô thức của hệ phái – một thời khóa biểu cân đối giữa việc học và việc tu; giữa thiền tọa và thiền hành; giữa Giới, Định và Tuệ; giữa tự giáo hóa và tha giáo hóa.

Nội dung giảng dạy, hướng dẫn của chư Tôn đức trong khóa này rất phong phú, liên hệ thiết thực đến việc hành trì của mỗi hành giả. HT. Giác Toàn đã trình bày đề tài: “Bát Chánh đạo – Phương pháp tu tập diệt tận khổ đau… an trú Niết-bàn” vào ngày đầu tiên của khóa tu. Hòa thượng đã trích dẫn những lời dạy của Đức Phật về Bát Chánh đạo trong Kinh Phân biệt về sự thật trong Trung Bộ 3, số 141 và những đoạn chủ yếu của Chơn Lý số 5: Bát Chánh Đạo để so sánh lời dạy của Phật và Tổ sư, giúp cho hành giả nhận thức được tầm quan trọng của Bát chánh đạo trên con đường tu học và thấy được những điểm tương ưng, khế hợp giữa lời dạy của Phật và Tổ sư.

Xuyên suốt khóa tu, Hòa thượng Thiền chủ đã hướng dẫn đại chúng tu học qua thời học Chơn Lý vào mỗi buổi sáng, vào giờ thiền đàm buổi chiều và vào giờ sám hối buổi tối. Qua bài “Thần Mật” số 29, Tổ sư đã khẳng định con đường chúng ta đang đi không ra ngoài con đường Giới Định Tuệ, không ngoài con đường điều phục thân khẩu ý. Tổ dạy: “phép thần thông có ra là do ba cái mật: Thân mật, khẩu mật, ý mật. Thân mật là không hay làm; Khẩu mật là không hay nói; Ý mật là không hay tưởng nhớ”. Thần thông, quả linh đều do sự thúc liễm, kiểm soát, chế phục ba nghiệp thân khẩu ý vọng động của chúng sanh. Muốn nhiếp phục thân, khẩu, ý không gì hơn là tu tập thiền định. Thiền định như là bí quyết để thành tựu được các pháp mầu. Tổ dạy: “Vì trong định thì có quả linh và đạo lý, trong yên lặng thì có trí huệ và thần thông. Mà muốn định, yên lặng thì phải nhớ niệm, có giữ một niệm, ghi nhớ một niệm, một chỗ thì thân, khẩu, ý mới định, phát sanh thần mật”. Qua đó, hành giả thấy được giá trị, hiểu được lý do tại sao chúng ta phải nhiếp niệm, ghi nhớ hơi thở hoặc là định trên mỗi lúc. Đồng thời, để thành tựu được những pháp mầu vừa nêu, Tổ dạy những pháp căn bản hơn, đó là cần phải giữ giới bổn của một vị Tỳ-kheo một cách nghiêm túc. Ngài dạy:“Tóm lại, muốn đắc sanh thần mật thì phải cần giữ giới, giới xuất gia Khất Sĩ của Tăng mới đúng giới thanh tịnh, thu thúc lục căn, tam nghiệp. Có giữ giới cụ túc 250 điều ấy, mới ngăn dứt được nghiệp trần, tạo nên người giải thoát ở cảnh vắng êm, nhờ cảnh vắng mới tạo sanh tâm vắng, tâm vắng là miếng đất của Niết-bàn kỳ diệu”. Qua lời dạy vô cùng căn bản và sâu sắc của Tổ sư, Hòa thượng đã khéo đối chiếu với những đoạn kinh văn trong truyền thống kinh tạng Nikaya giúp cho hành giả thấy được lộ trình tu tập. Ấn tượng nhất là qua bài kinh số 29 “Xóm ngựa” trong Trung Bộ Kinh, lộ trình đã được đức Phật khéo thuyết từ thấp đến cao, bắt đầu bằng chi pháp biết tàm, biết quý, thân khẩu ý hành thanh tịnh, mạng sống thanh tịnh, tiết độ trong ăn uống, chú tâm cảnh giác, chánh niệm cảnh giác, thành tựu được bốn thiền chứng, dẫn tâm hướng đến tam minh. Con đường này được hiện thực, cụ thể hóa ngay trong khóa tu, trong từng bữa ăn chánh niệm, hòa chúng trong mọi sinh hoạt.

Trong khóa tu học này, TT. Minh Thành đã đáp lời kiền thỉnh của Ban tổ chức, chia sẻ nhận thức tu tập qua bài biên dịch Những bước chân tỉnh thức. Với trình độ, kiến thức vốn có, Thượng tọa đã trình bày một cách có hệ thống, từng giai đoạn, từng bước tiến trong quá trình thiền hành. Thông qua đó Thượng tọa đã nêu bật được tầm quan trọng, ý nghĩa của việc thiền hành.

Trong các thời thiền đàm, chư hành giả của 6 giáo đoàn được khích lệ tự thể hiện nhận thức đối với con đường mình đang đi hoặc giải bày kinh nghiệm tu tập để chia sẻ với đại chúng, hoặc là những điều hoài nghi chưa đả thông cần sự hỗ trợ từ tri kiến của chư tôn đức. Nhìn chung, các vị đều cảm nhận được giá trị cao quý từ khóa tu truyền thống Giới Định Tuệ này, mặc dù thời gian chỉ 7 ngày sống chung tu học. Ngoài ra, các ý tưởng khác nhằm củng cố Tăng đoàn, bồi dưỡng đạo hạnh và pháp học cho các vị tập sự, sa-di trong Hệ phái, định hướng cho sự kế thừa và phát triển các khóa tu cũng được vạch ra, khẳng định pháp môn tu học của Hệ phái, tạo tiền đề cho niềm tin vững chắc vào một tương lai của Đạo Phật Khất Sĩ.

Trong ngày đầu và ngày cuối, Tăng đoàn theo truyền thống Phật Tăng xưa khất thực hóa duyên trên quốc lộ 1A. Hình ảnh uy nghiêm, chậm rãi, khoan thai từng bước trên phố, giữa dòng đời xe cộ náo nhiệt là một việc hy hữu của khu dân cư phần lớn theo Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Đó cũng là một bài pháp không lời mà chư Tôn đức đã thuyết bằng âm thanh “vô ngôn” trong những bước chân lặng lẽ, đại hùng. Những ngày còn lại, chư Tăng thứ lớp lặng lẽ chánh niệm nhận cơm trong khuôn viên Tịnh xá.

Trong suốt 7 ngày, hành giả được thân cận với các bậc Tôn túc trong Hệ phái, thân cận với các bậc thiện hữu tri thức để cùng nhau sách tấn tu hành là một phúc duyên lớn trên lộ trình tu tập. Tuy nhiên, khóa tu này cũng báo động cho chúng ta thấy rằng, sức khỏe của các bậc Tôn túc đã đến thời suy kiệt, các Ngài một lúc nào đó rồi cũng sẽ theo Phật, theo Tổ. Chúng ta phải tự nỗ lực tu tập, trước là để cứu lấy tự thân, sau có khả năng duy trì mạng mạch của Phật pháp, có khả năng kế vãng khai lai, báo Phật ân đức.

Về ẩm thực, mặc dù trú xứ không phải là nơi thị tứ, nhưng do sự khích lệ của Hòa thượng trưởng Giáo đoàn, nên một số Phật tử trong các tịnh xá thuộc giáo đoàn III như Ngọc Quang, Ngọc Cát, Ngọc Bình, Ngọc Lương, Ngọc Thiền, Ngọc Ninh, Ngọc Chơn đều vận động Phật tử phát tâm cúng dường. Ngoài ra, Ngọc Thiện do TT. Giác Sơn trụ trì thuộc Giáo đoàn II, Phật tử đạo tràng Liên Hoa Tuyết đến từ TP. HCM, Phật tử Câu lạc bộ Tấm Lòng Vàng đều góp phần ủng hộ, tạo điều kiện cho chư Tôn đức Tăng có sức khỏe, thảnh thơi tu học. Một số Phật tử nấu ăn, hộ bát, hành đường đến từ TP. HCM, Phan Thiết, hoặc từ Đà Nẵng vào cũng góp phần với quý Phật tử tại địa phương, tạo nên sự ổn định trong ẩm thực và khâu ngoại hộ.

Nói tóm lại, một tuần trôi qua trong tĩnh mặc của vườn rừng trú xứ Tịnh xá Ngọc Hưng, xã Xuân Lộc, huyện Xuân Hưng, tỉnh Đồng Nai là một tuần trải nghiệm tinh thần sống tu học của Tăng đoàn Khất Sĩ, một tuần trở về với nếp sống giải thoát thanh cao, rũ bỏ mọi thế sự duyên trần, một tuần cộng trú với những bậc Thầy khả kính, những pháp lữ thiện hữu tri thức kính quý, một tuần thọ hưởng “cơm thiền sữa pháp” cao quý của chư Tôn đức Tăng, đã gieo vào vườn tâm màu mỡ của Phật tử địa phương và thập phương hạt giống Bồ-đề giải thoát qua gương hạnh sống động của quý Ngài. Hình ảnh ấy, pháp mầu ấy sẽ mãi là hành trang vô giá cho những bậc tịch tịnh, thượng cầu hạ hóa, đem đạo vào đời, vì sự thanh tịnh cho tự thân, vì lợi ích cho chư thiên và loài người.


Chư tôn Hòa thượng chứng minh

 Hòa thượng Giác Giới - Thiền chủ khóa tu

Chư tăng thiền tọa

Sau khi đảnh lễ Tam Bảo, chư tôn đức Tăng bắt đầu đi thọ nhận thực phẩm bá tánh cúng dường

Chư thiện nam tín nữ trang nghiêm để cúng dâng thực phẩm

Chư tôn đức Tăng thọ nhận thực phẩm cúng dường

Chư ni hướng dẫn Phật tử dâng lời tác bạch cúng dường ngọ trai

Chư tôn Hòa thượng cùng đại chúng Tăng chuẩn bị cúng ngọ trai