Báo cáo khóa tu truyền thống 12 - Phân đoàn 2 GĐ IV

Nhận thức được sự lợi ích vô cùng lớn lao cũng như giá trị thiết thực của việc cần sống chung tu học mà Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã khuyên dạy trong Chơn Lý

“Cái sống là phải sống chung

Cái biết là phải học chung

Cái linh là phải tu chung”

Chư Ni Phân đoàn 2 tiếp tục mở khóa tu truyền thống lần thứ 12 tại Tịnh xá Ngọc Hiệp, Châu Thành, Tiền Giang do Ni sư Tuyết Liên trụ trì.

Kt12 pd2 1

Khóa tu được khai giảng vào lúc 18h00’ ngày 30/09/ Bính Thân (30/10/2016) và kết thúc vào lúc 16h00’ ngày 07/10/ Bính Thân (06/11/2016) với số lượng 25 hành giả (17 Tỳ-kheo-ni, 2 Thức xoa, 4 Sa -di-ni, 2 Tập sự) đến từ 15 trú xứ. Dưới sự chứng minh của Ni trưởng Lan Liên và Ni trưởng Khoa Liên.

Chương trình tu học một tuần được sắp xếp như thời khóa biểu đã ấn định như những khóa tu trước. Mỗi ngày tu tập gồm có 5 thời thiền tọa (mỗi thời 60’), 2 thời thiền hành (mỗi thời 30’), 1 thời tụng kinh Di giáo và 1 thời Sám hối. Đặc biệt có thời tọa thiền vào lúc giao thời buổi khuya theo Luật Khất Sĩ. Sáng có 90’ học Chơn Lý, chiều có 90’ đọc Luật và 60’ pháp đàm.

Kt12 pd2 3

Nội dung tu học:

- Các thời tụng kinh, thiền tọa, thiền hành được chư hành giả khóa sinh chấp trì nghiêm mật như những khóa tu trước

- Chương trình học Chơn Lý trong tuần

Những quyển Chơn Lý được trùng tuyên trong khóa tu lần này gồm Chơn Lý: Chơn như, Nhập định, Thần mật, Sanh và tử, Y bát chơn truyền, Trên mặt nước và Tâm.

Chư Ni tự chọn cho mình một quyển Chơn Lý để trùng tuyên. Sau đó quí Ni trưởng và Ni sư sẽ trả lời những câu hỏi mà khóa sinh thắc mắc trong quyển Chơn Lý ấy, đồng thời giảng giải sâu thêm để đại chúng am tường.

Đặc biệt, qua quyển Chơn Lý “Y bát chơn truyền” và “Trên mặt nước” sau khi được trùng tuyên chư Tôn đức Ni và các khóa sinh đã luận bàn sâu rộng nhờ vậy đã đánh động được tâm thức của mỗi khóa sinh trong việc nhìn lại chính mình. Các vị đã cảm thấy rất hổ thẹn với những khiếm khuyết trong việc “an bần thủ đạo” mà Tổ sư đã dạy trong Chơn Lý.

Từ ý thức đó nhằm nâng cao giá trị đạo đức của chư Ni, nhân đây chư Tôn đức Ni dự kiến sẽ chỉnh đốn lại nội qui của phân đoàn, thêm vào một vài quy định trong việc sử dụng phương tiện, đồ dùng cá nhân của Ni chúng như dép, giỏ xách, xe cộ… sao cho phù hợp với người xuất gia. Đồng thời cũng sẽ xét kỹ tiêu chuẩn đạo hạnh của giới tử trước khi cho thọ giới Cụ túc để dần chấn chỉnh lại oai nghi tế hạnh của lớp Ni chúng trẻ tuổi.

- Chương trình học Luật:

Mỗi chiều trong ngày có 90’ đọc Luật. Khóa tu lần này, Ni sư Tuyết Liên đã trùng tuyên các nguyên tắc trong Bộ Yết Ma Yếu Chỉ (HT. Trí Thủ) như: Giới Cụ túc, Tư cách người Giới tử, Tư cách làm Thầy, Bố tát và Kiết giới, An cư và Tự Tứ, Vấn đề phân chia tài vật… để cho đại chúng am hiểu tu học và tùy thuận hành xử cho đúng phép. Ni sư cũng đã giành riêng 1 buổi chiều của ngày cận cuối khóa tu để trùng tuyên lại 114 Điều răn của Đức Tổ sư, phân tích, giảng rộng giúp cho Ni chúng cảm nhận được giá trị cao quí của giới luật là dần đưa người xuất gia đến quả vị tuyệt đối giải thoát Niết bàn, đại chúng rất hoan hỷ lắng nghe, thọ nhận.

- Đời sống & ẩm thực:

Tuy Tịnh xá ở gần Quốc lộ 1A nhưng lại có không gian tĩnh lặng, kiểng hoa đa dạng xinh tươi mát mắt, khí hậu ôn hòa rất thuận lợi cho đại chúng tu tập. Ni sư trụ trì cùng đại chúng tại trú xứ đã nhiệt tình quan tâm, chăm sóc sức khỏe cho đại chúng qua những bữa ăn tươm tất và nước giải khát với các loại đầy đủ dinh dưỡng. Do đó các hành giả luôn được an vui và đầy đủ sức khỏe để tham dự suốt khóa tu học.

Kt12 pd2 4

Kt12 pd2 5

Nhận xét:

- Ưu điểm: Mọi sự thắc mắc và tâm đắc đều được các khóa sinh trình bày cặn kẽ. Quí Ni trưởng và Ni sư đã giải đáp thoả đáng, chia sẻ tận tình và truyền trao tận tâm kinh nghiệm tu học của mình khiến cho hội chúng đều hoan hỷ.

- Khuyết điểm: Còn một ít trao đổi riêng ngoài giờ

Tóm lại: Trong suốt khóa tu, tinh thần hòa hợp thanh tịnh được thể hiện trọn vẹn. Bảy ngày trôi qua nhanh nhưng để lại trong tâm mỗi hành giả những bài học quí giá và kỉ niệm êm đềm. Đó là tư lương để Chư ni ngày một tinh tấn hơn bước tới thảnh thơi.