Báo cáo khóa tu truyền thống lần 8 - Phân đoàn 1

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Kính bạch Quý Ni trưởng, Ni sư, Sư cô và đại chúng

Kính thưa Quý Phật tử hiện diện,

Thể theo thông lệ hằng năm, cứ vào đầu tháng 3 âl, Ni trưởng Trưởng Phân đoàn tổ chức khóa tu định kỳ dành cho Ni chúng để thúc liễm thân tâm trau dồi “Tam Vô Lậu Học”. Với ý nghĩa ấy, năm nay khóa tu “Giới- Định -Tuệ” lần thứ 8 được tổ chức tại Tịnh xá Ngọc Bình - huyện Dĩ An – tỉnh Bình Dương (từ ngày 03/03 đến ngày 09/03 Đinh Dậu).

Hôm nay là ngày bế mạc, sau thời gian 7 ngày tu học con xin thay mặt Ban Thư ký báo cáo tóm tắt nội dung tu tập, kính dâng lên quý Ni trưởng, Ni sư, Sư cô chứng minh.

Thành phần ban tổ chức khóa tu được hình thành như sau:

BAN CHỨNG MINH

Ni trưởng Thông Liên, Trưởng Phân đoàn 1 - Giáo đoàn 4, Trụ trì Tịnh xá Ngọc Bình - Dĩ An.

Ni trưởng Thắng Liên, Trụ trì Tịnh xá Ngọc Điểm – Bà Điểm.

Ni sư Liêm Liên, phó Trụ Trì Tịnh xá Ngọc Điểm – Bà Điểm

Trưởng Ban Tổ chức: Ni trưởng Thông Liên, Trụ trì Tịnh xá Ngọc Bình -Dĩ An.

Ban Thư ký: SC. Minh Liên, SC. Hương Liên

MC: SC. Minh Liên

Ban Giảng huấn: NT. Thông Liên, NT. Thắng Liên, Ni sư Liêm Liên.

Ban Kiểm soát: SC. Gương Liên và SC. Nguyệt Liên

Ban Hộ thiền: Chư Ni và Phật tử Tịnh xá Ngọc Bình

Số lượng hành giả gồm 24 vị, trong đó có 2 Ni trưởng, 1 Ni sư, 18 Sư cô, 1 Thức xoa, 1 Sa di ni và 1 Tập sự.

tt

THỜI KHÓA TU TẬP

Chương trình tu học trong 7 ngày, từ 03 đến 09 tháng 03 năm Đinh Dậu - 2017 được tuần tự diễn tiến như sau:

Buổi sáng

3h 45: Thức chúng

4h - 4h40: Thiền tọa

4h45h - 5h: Thiền hành

5h - 6h: Chấp tác

6h: Điểm tâm

7h: - 8h: Khất thực hóa duyên

8h30 - 9h15: Thiền tọa

9h15 - 9 h30: Thiền hành

9h – 45 – 10h 15: Tụng kinh Thủy Sám

10h 30 - 12h30: Thọ trai- kinh hành

12h30 – 13h45: Chỉ tịnh

Buổi chiều

13h45: Thức chúng

14h - 16h: Đọc Chơn Lý- Sinh hoạt khóa tu

16h - 17h: Vệ sinh cá nhân

17h   - 17h40: Thiền tọa

17h 45 - 18: Đọc kệ

Buổi tối

18h30- 19h30 : Sám hối Hồng danh

20h – 20h40: Thiền tọa

21h: Chỉ tịnh

tt0

tt1

tt3

NỘI DUNG TU TẬP

Hằng ngày chư hành giả hành theo nội quy thời khóa đã ấn định gồm 6 nội dung chính trong 1 ngày như sau:

Thiền tọa: 3 thời: khuya, chiều, tối

Tụng kinh: 2 thời: sáng, tối

Thiền hành: 2 thời: khuya, sáng

Kinh hành: 1 thời trưa

Đọc Chơn Lý: 1 thời chiều

Khất thực

NỘI DUNG GIẢNG DẠY

Thể theo tinh thần cần cầu giáo pháp của Tổ thầy, quý Ni trưởng, Ni sư, Sư cô trong Ban Tổ chức đã tạo điều kiện cho thiền sinh trong 7 ngày tu tập, dành riêng buổi chiều để tuyên đọc và học Chơn Lý.

- Chiều ngày thứ nhất:

Ni chúng được thọ học với bài Chơn lý “Trường Đạo Lý”, sau khi Ni chúng luân phiên đọc xong, thì nhị vị Ni trưởng chứng minh đã triển khai ý pháp qua sự kinh nghiệm tu tập nhiều năm, qua 2 vấn đề cô đọng súc tích.

Lời chia sẽ đầu tiên, là Ni trưởng Thông Liên sách tấn và khuyên răn Ni chúng hãy tinh tấn và phải học hạnh khiêm nhường, biết cung kính bậc trưởng thượng, phải lấy gương hạnh của cố Ni trưởng để thúc liễm thân tâm, mỗi giờ mỗi khắc và phải biết kham nhẫn vui chịu mọi khổ cảnh. Sau đó Ni trưởng đặt câu hỏi: “Một vị xuất gia sau khi thọ đại giới, sự tu học và đạo đức có nên thay đổi những gì? Và ý thứ hai là sau khi thọ Tỳ-kheo-ni rồi, xem ngang nhau đồng phẩm hạnh, rồi không còn có tâm cung kính bậc trưởng thượng ? Qua câu hỏi gợi ý ấy, được Ni trưởng Thắng Liên phân tích tỉ mỉ về những gì nên thay đổi và những gì nên từ bỏ sau khi thọ giới. Ni trưởng chia sẻ là một vị tỳ-kheo sau khi thọ Đại giới phải biết gạn lọc thay đổi những tục tánh xấu ác, thay vào đó những thiện pháp và phải tự mình bước lên một bậc cao hơn về đạo đức và nắm lấy trọng trách thay thế chư vị tiền bối để mà dạy dỗ lại cho đàn hậu học. Còn những gì nên giữ lại đó chính là cái sơ tâm ban đầu của người học Phật, khi mới xuất gia người học trò ấy luôn luôn khiêm cung từ tốn kính trên nhường dưới, đó là một phẩm hạnh tốt nên duy trì không vì tuổi đạo ngày càng cao cho rằng giới phẩm bằng nhau mà quên đi tứ oai nghi của mình, quên đi cả cách bạch thưa kính trình khi tiếp chuyện cùng các bậc trưởng thượng. Đó là ý pháp Ni chúng được thọ học từ bài Chơn lý “Trường Đạo Lý”.

- Chiều ngày thứ hai:

Ni chúng được thọ học với bài pháp “Nguồn Đạo Lý”. Với buổi học này Ni chúng cũng tuần tự thay phiên tuyên đọc Chơn Lý của Tổ sư, sau khi đọc xong là giờ chia sẻ giáo lý. Giờ học thứ hai này, đại chúng được Ni trưởng Thông Liên chia sẻ qua ý pháp sở dĩ người xuất gia chúng ta may mắn hơn người thế gian ở chỗ là ta sống theo giáo lý của Tổ thầy, ít nhiều cũng tham hiểu được Nguồn đạo lý, nắm rõ được sự vận hành của vạn pháp, biết được nguyên nhân khổ đau nên chi khi đối cảnh trái ý nghịch lòng hay đau khổ về bịnh hoạn ốm đau người tu sĩ vẫn bình tĩnh chấp nhận, không như người đời thậm chí họ còn nghĩ tới việc quyên sinh thân mạng vì quá khổ, hay là họ than trời trách đất cầu cứu Phật trời rồi trở lại trách Phật không linh v.v... Bên cạnh đó, Ni trưởng còn khuyến tấn chư Ni nên tuyên dương chánh pháp cho mọi người giúp người thoát khổ, nếu chư Ni nào mà chỉ biết lo cho mình không tuyên dương chánh pháp thì cũng chẳng khác nào kẻ chết già trong chùa mà không đem lại lợi ích gì cho tha nhân.

- Chiều ngày thứ ba

Ý pháp đại chúng được học là bài chơn lý “Con Sư Tử”. Với bài Chơn Lý này đại đa số chư Ni rất tâm đắc nên Ni trưởng Thắng Liên đã dạy cho Ni chúng chia ra hai buổi để tiện việc tham cứu khai triển kinh nghiệm học hỏi. Giờ đầu là lời chia sẻ của Ni sư Liêm Liên. Ni sư chia sẻ cho đại chúng qua 4 vấn đề thông qua bài học từ con sư tử. Thứ 1, là sức mạnh của con sư tử khi còn niên thiếu, thứ 2, là sự suy yếu tàn lụy của con sư tử “về vạn pháp”. Thứ 3, là sự ăn năn sám hối của chúa sư tử và thứ 4, là con sư tử trãi lòng từ ái đến với mọi người để chuộc lại lỗi lầm là lúc sư tử giác ngộ hoàn toàn. Tuy nhiên, thời gian có hạn nên Ni sư chỉ triển khai cho đại chúng về một vấn đề là sức mạnh của chúa sơn lâm, thông qua ý pháp Ni sư dạy: “Trong rừng loài thú có sức khỏe nhất đó chính là sư tử, còn con người của chúng ta thì cái bản ngã luôn là đứng đầu. Nên lời khuyên dạy của Ni sư đến với đại chúng là sống trong cuộc đời chớ nên tự cao tự đại, nâng cao bản ngã của mình mà phải biết thương yêu mọi người biết khiêm nhường cung kính.

Kế tiếp buổi học, sư cô Nguyệt Liên chia sẻ ý pháp cô đọng qua lời khuyên: “Mình tuy chưa được mệnh danh là chính nhân quân tử, thế nhưng, tối thiểu nhất mình cũng phải tu làm sao cho đúng chánh pháp, tu làm sao để khi nhìn vào một người khoác trên mình mảnh áo cà sa mà không hổ thẹn với lòng. Và sau cùng sư cô có lời khuyên sách tấn cho chư Ni tân học nên cố gắng nỗ lực cống hiến những gì với khả năng mình có thể để phục vụ Giáo hội.

- Chiều ngày thứ tư:

Cũng là buổi học tiếp theo bài chơn lý “Con Sử Tử”. Buổi học tiếp theo được sự chia sẻ ý pháp của Sư cô Bình Liên. Qua bài chơn lý con sư tử này, sư cô đã rút ra được ý pháp để chia sẻ cùng đại chúng là triết lý này chỉ rõ về cái tâm của mỗi chúng ta, sở dĩ con người nhiều tội lỗi nhiều khổ đau hay nhiều hạnh phúc đều do cái tâm này mà ra, hể tâm hiền thiện thì lời nói việc làm thiện, hể tâm xấu quấy ác tà thì đưa đến lời nói hành động ác đi theo. Kế tiếp là lời chia sẽ ý pháp của Sư cô Gương Liên, sư cô cũng trình bày về cái tâm là chính. Thông qua hình ảnh ẩn dụ con sư tử, lúc ban đầu còn trẻ người non dạ si mê lầm lạc, nên làm nhiều điều quấy ác, hung bạo ngang tàn, thụ hưởng dục lạc của thế gian không biết chán, không biết đủ. Thế nhưng, một khi tuổi hạn cao niên sức mòn hơi mỏi, thân thể tiều tụy ốm đau thì là lúc nó tự nhận ra được sự thịnh suy của vạn pháp. Đặc biệt sư cô còn liên tưởng đến ví dụ trong bài chơn lý “Trường Đạo Lý” qua ẩn dụ là một người khi mới sanh ra cho đến khi già nua phải trải qua 3 giai đoạn tu học, được ví như từ lớp dưới cho đến lớp giữa và tiến lên lớp trên là lớp dành cho ông già hoàn toàn thánh thiện. Tiếp theo là lời chia sẻ của Sư cô Tuyết Liên. Qua bài chơn lý con sư tử nói lên sự giáo hóa con người từ lúc còn ác quấy cho đến khi giác ngộ thiện lành hiền lương. Sư cô còn cho ví dụ: như một Phật tử tại gia giữ 5 giới khi họ giác ngộ đã biết được đường đi thì họ được giải thoát. Cũng vậy một vị tỳ kheo ở trong chúng là một vị lớn tuổi đạo đi trước chúng ta phải hết lòng thương tưởng đến các em nhỏ đi sau, phải thực hành hạnh từ bi hỷ xả với mọi người, sư cô còn ví một người xuất gia mặc chiếc y vàng thì được ví như một hạt cát vàng để nâng cao bước chân tiến hóa cho người đi sau. Cuối cùng là lời đúc kết của Ni trưởng Thông Liên. Ni trưởng chia sẻ một câu nói ngắn gọn lại súc tích “nhân vô hoạn nạn bất hồi đầu” nghĩa là trong cuộc sống nếu ai kia chưa gặp những khuất mắc khó khăn trong cuộc sống sẽ dễ làm đà tiến cho bản ngã tự do tung hành. Ni trưởng còn chia sẻ thêm, một khi tâm vương được thiện lành thì các tâm sở kia theo đó thuần phục, cũng như, người đi trước hiền lương thì quân binh tướng cũng theo đó mà tuân hành. Hình ảnh con sư tử trong bài chơn lý ấy là lời ẩn dụ cho một vị hôn quân vô độ.

- Chiều ngày thứ năm:

Ni sư Liêm Liên chia sẻ cho đại chúng thời pháp với tựa đề “Ngũ Thời Bát Giáo”. Với chủ đề này được Ni sư dày công tham cứu phân tích tỉ mĩ qua tự mệnh đề của kinh để Ni chúng dễ dàng lãnh hội ý pháp, Ni sư giảng trạch về ngũ thời và bát giáo gồm những gì, về ngũ thời được Ni sư chỉ rõ qua 5 thời nói kinh được cô đọng qua bốn câu kệ “Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhật, A-hàm thập nhị Phương Đẳng bát, nhị thập nhị niên Bát-nhã đàm, Pháp Hoa Niết Bàn cộng bát niên”. Về bát giáo gồm có: “Tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáo, Đốn giáo, Bí Mật giáo, Bất Định giáo, Viên giáo, Tiệm giáo”. Không những Ni sư giảng về tựa đề của từng bộ kinh mà còn phân tích sâu sắc đưa ra ví dụ các mẫu chuyện duyên khởi khiến cho đại chúng chú tâm lắng nghe theo dõi không biết chán. Nhờ sự nghiên cứu thâm sâu về kinh điển nên Ni sư đã chia sẻ cho đại chúng một bài pháp vô cùng hữu ích. Để tiếp lời Ni trưởng Thông Liên cũng chia sẻ về một mẫu chuyện mang đầy triết lý Nhân quả báo ứng của Phật giáo để Ni chúng thọ học lấy đó làm bài học để lòng.

- Chiều ngày thứ sáu

Ngày thứ sáu chư Ni được thọ học bài chơn lý “Đi học”. Với ý pháp này được tất cả đại chúng tự đọc và tham cứu tự thảo luận trong sự hiểu biết của mình qua kinh nghiệm tự thân rút ra bài học như một gã cùng tử lang thang đầu đường cuối sóm chỉ vì miếng ăn manh áo tìm cầu sự ăn mặc ở bịnh mà không hay biết tự thân trong chéo áo của mình vẫn mang giữ một viên ngọc châu như ý trong sáng muôn ngần. Như lời đức Phật từng nói chúng sanh là Phật sẽ thành vì trong chúng sanh ai ai cũng có sẵn Phật tánh, hễ có tu là có chứng. Sở dĩ còn làm chúng sanh là ta còn ngủ mê trong ngôi nhà lửa. Tuy nhà sắp mục nát sắp cháy, thế nhưng, chúng ta vẫn mãi mê vui đùa trong nhà lửa tam giới ấy, đức Phật vì thương chúng sanh nên mới dụ những đồ chơi như xe dê, xe hưu… ấy chính là pháp bảo mà chúng ta ai ai cũng phải học mới biết. Cuối cùng là lời đúc kết của Ni sư Liêm Liên khuyên Ni chúng khi về tịnh xá có thời gian nên tham học và nghiên cứu giáo pháp và chơn lý, vì giáo pháp và chơn lý giống như dòng sữa pháp nuôi dưỡng mạng sống quý báu, Ni sư kêu gọi Ni chúng thường hằng trùng tụng chơn lý thúc liễm, kiểm điểm lại sự tu và học của mình mỗi thời mỗi lúc chớ có lãng quên. Để người con Khất sĩ có trách nhiệm luôn làm sáng tỏ lời dạy của Tổ sư ấy là kho tàng pháp bảo được gìn giữ trong bộ Chơn lý.

- Chiều ngày thứ bảy:

Ngày thứ 7 cũng chính là ngày cuối của khóa tu, vào buổi sáng Ni chúng vẫn hành theo thời khóa khất thực, tụng kinh, tọa thiền… riêng buổi chiều giờ đọc Chơn lý được thay vào buổi sinh hoạt bế mạc khóa tu, chư hành giả nói lên những cảm tưởng của mình. Sau đó, nhị vị Ni trưởng, Ni sư sách tấn toàn thể đại chúng. Sau cùng là hồi hướng bế mạc trong không khí thanh tịnh hài hòa vui vẻ của đại chúng từ cử chỉ thân thiện trước giờ phút chia tay cũng làm cho không gian trở nên lắng dịu trong thâm tâm của mỗi hành giả đều thoát lên ân tình pháp lữ vẫn luôn như sữa hòa với nước, cứ như thế thời gian vẫn lặng lẽ êm trôi, khóa tu lần thứ 8 được khép lại để mở ra một trang sử mới cho khóa tu sau.

pd1 ky8 7

pd1 ky8 8

ẨM THỰC VÀ ĐỜI SỐNG

Mặc dù Tịnh xá Ngọc Bình Phật tử công quả rất ít, tuy nhiên quý Sư cô tại tịnh xá rất vén khéo trong việc lo từng bữa ăn, từng thức uống chư chư Ni hành giả tham dự khóa tu rất chu đáo và đầy đủ bổ dưỡng trong suốt thời gian tu học.

Về thời tiết có phần khắc nghiệt, nhưng sức khỏe của chư Ni cũng tương đối khá ổn định, mặc dù có một vài vị tuổi cao sức yếu đi lại khó khăn, tay chân nhức mỏi, vẫn theo chúng tinh tấn đều đặn không bỏ một thời khóa nào.

TỔNG KẾT

Kính bạch nhị vị Ni trưởng, Ni sư, quý Sư cô!

Thời gian cứ lặng lẽ êm trôi, thấm thoát đã một tuần lễ trôi qua đến nay khóa tu đã hoàn thành viên mãn, rồi đây mỗi huynh đệ chúng con cũng sẽ trở về mỗi trú xứ khác nhau, nhưng tâm chúng con vẫn còn lan tỏa mãi hương vị tu tập, gương hạnh của chư tôn đức mãi soi đường cho chúng con trên mọi nẻo đường tu học.

Thay mặt Ban Thư ký, chúng con xin thành kính tri ân Ni trưởng Tịnh xá Ngọc Bình, Trưởng ban tổ chức khóa tu, và chư Ni trong Tịnh xá đã tạo đủ điều kiện cho đại chúng tu học trong 7 ngày qua được thập phần viên mãn. Chúng con cung kính ngưỡng cầu hồng ân Tam Bảo gia hộ cho Ni trưởng, quý Sư cô tại Tịnh xá Ngọc Bình luôn được pháp thể khinh an, đạo nghiệp viên thành, mãi mãi là tàng cây đại thọ che mát cho chúng con trên lộ trình giác ngộ và giải thoát.

Chúng tôi cũng xin tri ân các cấp chính quyền địa phương - tỉnh Bình Dương đã tạo thuận lợi về mặt pháp lý cho chúng tôi được đi khất thực và an tâm tu học. Kính chúc quý vị vạn sự kiết tường, muôn điều phúc lạc.

Sau cùng, chúng tôi cũng không quên tán dương công đức vô lượng của chư Phật tử đã dâng cúng tịnh tài, tịnh vật trong suốt thời gian 7 ngày tu học, trợ duyên cho khóa tu được hoàn thành viên mãn. Nguyện cầu mười phương chư Phật gia hộ quý Phật tử thân tâm an lạc, tín tâm kiên cố, gia đình hạnh phúc, thăng tiến tâm linh cho đến ngày viên thành Phật đạo.

Nam mô Hoan Hỷ Tạng Bồ tát ma ha tát, tác đại chứng minh

pd1 ky8 5

pd1 ky8 13

pd1 ky8 6