Báo cáo khóa tu Truyền thống lần thứ 21

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,

Kính lạy Đức Tổ sư khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam,

Kính lạy giác linh chư vị Trưởng lão, Đức Thầy,

Kính bạch Hòa thượng Thiền chủ cùng chư Tôn Hòa thượng chứng minh

Kính bạch chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa Giáo phẩm lãnh đạo Hệ phái,

Kính bạch chư Tôn đức hành giả khóa tu,

Kính thưa quý Phật tử,

Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ Bế mạc khóa tu Truyền thống Khất sĩ lần thứ 21 do Giáo đoàn II đăng cai tổ chức tại Tịnh xá Trúc Lâm, chúng con đại diện Ban Thư ký kính trình báo cáo nội dung tu tập 7 ngày qua.

bm 20 Copy

I. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM ĐĂNG CAI

Khóa tu được bắt đầu từ ngày 4-11/11/Bính Thân tại đạo tràng Tịnh xá Trúc Lâm, xã Tân Hà, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.

II. SỐ LƯỢNG HÀNH GIẢ

Tổng cộng có 92 hành giả. Số lượng cụ thể từng Giáo đoàn tham gia như sau:

Giáo đoàn I: gồm có 15 vị. Trong đó có: 1 vị Hòa thượng, 13 vị Tỳ-kheo, 1 vị Sa-di

Giáo đoàn II gồm có: 26 vị. Trong đó có: 2 vị Hòa thượng, 1 vị Thượng tọa, 20 vị Tỳ-kheo, 3 vị Sa-di

Giáo đoàn III gồm có: 21 vị. Trong đó có: 20 vị Tỳ-kheo, 1 vị Sa-di

Giáo đoàn IV gồm có:13 vị. Trong đó có: 2 vị Hòa thượng, 10 vị Tỳ-kheo, 1 vị Sa-di

Giáo đoàn V gồm có: 9 vị. Trong đó có: 1 vị Hòa thượng, 5 vị Tỳ-kheo, 3 vị Sa-di

Giáo đoàn VI gồm có 9 vị. Trong đó có: 7 vị Tỳ-kheo, 2 vị Sa-di

III. BAN CHỨC SỰ

BAN CHỨNG MINH

Đệ nhất CM : HT. Giác Nhường – Phó Pháp Chủ kiêm Giám luật HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái.

Đệ nhị CM :HT. Giác Tường – Ủy viên Thường trực HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái.

Đệ tam CM :HT. Giác Cầu – Thành viên HĐCM, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái

BAN TỔ CHỨC

Trưởng ban : HT. Giác Toàn – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Giáo phẩm Thường trực Hệ phái

Phó ban kiêm Thiền chủ : HT. Giác Giới – Phó trưởng Ban Tăng sự Trung ương, Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái

Phó ban Tổ chức : HT. Giác Hà – Phó ban Từ thiện xã hội Trung ương, Tri sự trưởng Giáo đoàn V

Phó ban : HT. Giác Sơn - Ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó Trị sự Giáo đoàn II

Phó Thiền chủ kiêm Hóa chủ: HT Giác Thanh – Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Đăk Lăk, Tri sự trưởng Giáo đoàn II

BAN GIÁM LUẬT

Đệ nhất Giám luật : HT. Minh Thuấn – Phó ban kiêm Trưởng ban Hoằng pháp BTS GHPGVN Bình Dương, Giáo phẩm Hệ phái

Đệ nhị Giám luật : HT. Giác Cảnh – Phó BTS GHPGVN TP. Đà Lạt, Giáo phẩm Hệ phái

BAN GIÁM THIỀN

Đệ nhất Giám thiền : HT. Giác Minh – Giáo phẩm Hệ phái, Phó Trị sự Giáo đoàn II

Trợ lý Giám thiền: ĐĐ. Giác Khánh

BAN KIỂM SOÁT VÀ ĐIỂN LỄ

Đệ nhất Kiểm soát: HT. Minh Chân

Đệ nhị Kiểm soát: TT. Giác Thạnh

Đệ nhất Điển lễ: ĐĐ. Giác Trực

Đệ nhị Điển lễ: ĐĐ. Giác Hậu

BAN THƯ KÝ

Chánh Thư ký: ĐĐ. Giác Hoàng

Phó Thư ký: ĐĐ. Minh Tuế và ĐĐ. Minh Phú

BAN NGOẠI HỘ

Trưởng ban: ĐĐ. Giác Phước ; Phó ban: ĐĐ. Minh Ký

BAN GIÁO THỌ

Gồm: HT. Giác Giới, HT. Giác Minh (II) và TT. Minh Thành.

VI. CHƯƠNG TRÌNH TU TẬP

Gồm 6 nội dung chính chia đều theo thời khóa biểu bắt đầu từ 3 giờ 30 sáng và kết thúc lúc 22 giờ:

1. Thiền tọa.

2. Thiền hành.

3. Học Chơn lý

4. Khất thực lãnh cơm và độ ngọ.

5. Thiền đàm.

6. Sám hối.

V. NỘI DUNG GIẢNG DẠY CỦA BAN GIÁO THỌ

1. HT. Giác Giới – Thiền chủ khóa tu

chon 6 Copy

Với thời gian 4 ngày chia sẻ cùng chư hành giả khóa tu, Hòa thượng đã lý giải chuyên sâu về đường hướng tu tập qua bài Chơn lý Nhập định của đức Tổ sư Minh Đăng Quang. Vì muốn hành giả thấy rõ về Định để tiến triển hơn trên con đường tu tập, Hòa thượng đã giải bày vô cùng sâu sắc và khẳng định rằng việc đầu tiên để đi vào thiền định là phải có chánh tri kiến, phải có Giới. Nhưng Giới phải là Thánh Giới nghĩa là Giới của người xuất gia, từ đó phát triển Thánh Định và tăng trưởng Thánh Tuệ, để đi đến giải thoát. Như vậy mới thấy đời sống của vị Sa-môn cần phải có oai nghi tế hạnh, đó là bước đầu tiên để thành tự Giới và cũng là bước đệm ban sơ để đi đến lộ trình giải thoát giác ngộ. Tưởng như những điều thâm thúy trong bài học Chơn lý Nhập định ấy không thể nào hiểu được, vậy mà qua kiến giải của Hòa thượng thì thật gần gũi ngay trong đời sống của vị hành giả tu trì. Ngoài ra, Hòa thượng còn minh chứng nhiều bộ kinh trong Kinh tạng Pali, giúp cho mỗi người được mở mang thêm kiến thức cũng như thấy được dụng ý của Tổ sư trong bài học Chơn lý, đặc biệt là bài Nhập định.

2. TT. Minh Thành - Giáo phẩm Hệ phái

ttThanh n5 8

Thượng tọa chia sẻ với chư vị hành giả những điều tâm đắc ngang qua bài Kinh Bố dụ (kinh số 7 - Trung bộ kinh) và phẩm Phổ Hiền trong Kinh Viên Giác. Với kinh nghiệm tu tập lâu năm trong giáo pháp và khả năng học thuật chuyên sâu, Thượng tọa đã giải bày, dung thông tư tưởng hai bài kinh thuộc hai trường phái lớn Phật giáo Việt Nam. Từ đó đã giúp cho hành giả thấy rõ được đường hướng và mục tiêu mà mỗi hành giả cần phải thấy biết để định hướng tu tập. Để thấy rõ cấu uế của tâm và khi thấy rõ cấu uế của tâm thì cấu uế ấy được đoạn trừ, sẽ đi đến chơn hạnh phúc.

“Tấm vải dơ bẩn nhuộm màu

Màu nào cũng xấu, ôi chao khó nhìn

Cũng vậy, tâm ý tánh tình

Nhiễm ô phiền não thì sinh cõi hèn.

Tấm vải không còn lấm lem

Nhuộm màu đẹp đẽ đáng khen dễ nhìn

Cũng vậy, tâm ý tánh tình

Không còn phiền não thì sinh cõi hiền.

Làm người sống cõi thượng thiên

Cõi trần mà cũng cõi thiền ngay đây”.

3. HT. Giác Minh, Giáo phẩm Hệ phái.

Qua bài Kinh Công Phu Thực Tập Căn Bản (Đâu Lặc Phạm Chí Kinh) Nghĩa Túc Kinh, kinh thứ 13, Đại Tạng Tân Tu 198, với kinh nghiệm tu tập lâu năm trong chánh pháp. Hòa thượng đã chia sẻ rất thực tế, liên qua đến oai nghi tế hạnh trong đời sống của một vị Sa-môn cũng như thực tập công phu, quán chiếu các pháp vô thường, dẹp trừ bản ngã để đi đến tuệ giác. Ngoài ra, Hòa thượng cũng dành thêm thời gian buổi chiều để chia sẻ những kinh nghiệm phương pháp hành trì cũng như giải đáp thắc mắc của chư hành giả, nhằm tháo gỡ những bế tắc để thuận duyên hơn trên con đường tìm cầu giải thoát. Hòa thượng đã khéo léo kết hợp ý của đức Tổ sư Minh Đăng Quang qua các bài kệ trong Luật nghi Khất sĩ. Đó là diệu lý mà chỉ có những bậc thực nghiệm ngay trong đời sống phạm hạnh mới có được.

ttThanh n5 3

VI. BAN NGOẠI HỘ

Ban Ngoại hộ do ĐĐ. Giác Phước làm trưởng ban, kết hợp với ĐĐ. Minh Ký – trụ trì Tịnh xá Trúc Lâm nơi đây, cùng chung sức với chư nam nữ Phật tử gần xa trợ duyên cho chư tôn hành giả thuận duyên tu tập. Bảy ngày vừa qua, mặc dầu có những trận gió rất lớn, có những cơn mưa nặng hạt trái mùa, nhưng mọi việc vẫn rất chu toàn, chư hành giả cảm thấy an tâm và rất hoan hỷ tu trì, dù là trong thiền đường hay ngoài vườn cây thoáng mát.

Cũng như các khóa tu trước, dưới sự hướng dẫn của chư Tôn đức, quý Phật tử của các miền tịnh xá thuộc Giáo đoàn II đã về cúng dường, hỗ trợ khóa tu rất nhiệt thành, điều đó đã nói lên tinh thần đạo tình kết nối và cũng là niềm khích lệ đối với trú xứ nơi đây.

VII. KẾ HOẠCH KHÓA TU 22

Với tinh thần “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”, tiếp dẫn hậu lai, chư Tôn đức lãnh đạo Hệ phái Khất sĩ tổ chức khóa tu lần thứ 22 tại Tịnh xá Ngọc Thiền (Đà Lạt – Lâm Đồng), do Giáo đoàn IV đăng cai. Thời gian dự kiến từ ngày 4 – 11 tháng 3 năm Đinh Dậu (2017)

Với số lượng hành giả 120 vị

VIII. NHẬN XÉT CHUNG

Bảy ngày tu học vừa qua là bảy ngày chư hành giả được sống trong đời sống phạm hạnh của vị Sa-môn chơn chánh. Với sự tận tâm tận lực mà chư vị Hòa thượng giáo phẩm, đặc biệt là Hòa thượng Thiền chủ đã ra công chỉ dạy, nhằm giúp cho đàn hậu học còn sơ cơ định hướng được con đường đi đến tuệ giác. Tuy bảy ngày không dài nhưng chắc chắn sẽ có kết quả rất tốt trên con đường tu tập để sau khóa tu này về lại với trú xứ, Phật sự vẫn xoay vần chúng ta trong đời sống thiền môn, thì mầm Tuệ Giác của bảy ngày tu tập hôm nay vẫn là cội nguồn của giải thoát khi chúng ta ngồi lại xếp chân an tọa.

Kính nguyện chư Tôn đức pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu để mãi là ngọn đèn chơn lý soi đường cho chúng con đi trọn lộ trình giác ngộ và giải thoát. Kính chúc chư hành giả trang nghiêm tự thân, công hạnh tu hành được viên mãn. Kính chúc quý Phật tử thân tâm an lạc, tu hành tinh tấn.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.