Báo cáo Tăng sự của Ni giới HPKS

I. Ni giới HPKS – Quá trình hình thành và phát triển

Ni giới Hệ phái Khất sĩ (HPKS) trước kia là Giáo hội Khất sĩ Ni giới Việt Nam, do Ni trưởng Huỳnh Liên sáng lập, đầy đủ pháp nhân pháp lý, được duyệt y theo Nghị định số 7/BNV/NA/P5 ngày 11.1.1958 của Bộ Nội vụ. Trụ sở của Giáo hội đặt tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (nay là số 498/1 đường Lê Quang Định, phường 1, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh).

Ni trưởng Huỳnh Liên là trưởng tử Ni của đức Tổ sư, buổi đầu xuất gia học đạo với chí nguyện “làm chiếc thuyền chở chuyên phái nữ”, vừa theo Tổ sư học đạo, vừa được sự ủy thác trọng trách tiếp Ni độ chúng, trực tiếp lãnh đạo hướng dẫn Ni chúng tu tập và hành đạo. Đến năm 1954, đức Tổ sư MINH ĐĂNG QUANG thọ nạn vắng bóng, Ni trưởng kế tục sự nghiệp Tổ thầy, trực tiếp lãnh đạo hàng Ni chúng Khất sĩ trong phận sự trưởng tử Ni từ năm 1947 đến năm 1987, tròn 40 năm. ([1])

nn11

Trong khoảng thời gian từ năm 1960 đến năm 1975, trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, Ni trưởng Huỳnh Liên đã có nhiều cống hiến cho đạo pháp và dân tộc. Ni trưởng đã tham gia vào các phong trào đấu tranh cho hòa bình, tự do và độc lập cho đất nước, đấu tranh đòi quyền sống, mong cầu đất nước và dân tộc sớm độc lập, đồng thời cũng góp phần bảo vệ đạo pháp được trường tồn, đòi tự do tín ngưỡng và các quyền dân sinh, dân chủ của Phật giáo. Ngoài ra , Ni trưởng còn tham gia các phong trào, như phong trào của sinh viên học sinh, phong trào phụ nữ đòi quyền sống, phong trào dân tộc tự quyết, ủy ban cải thiện chế độ lao tù, hoặc tổ chức biểu tình đòi thả tù nhân chính trị, phối hợp với phụ nữ quốc tế lên án chiến tranh, vận động hòa bình… Ni trưởng đã thể hiện tâm nguyện hy sinh vì đất nước, vì dân tộc qua lời thơ bất hủ như sau:

Nguyện xin hiến trọn đời mình

Cho nguồn đạo pháp cho tình quê hương.

35 1

Sau khi đất nước thống nhất, Ni trưởng Huỳnh Liên là đại biểu Phật giáo duy nhất cùng với bà luật sư Ngô Bá Thành đại diện nữ trí thức, trong số 25 đại biểu tiêu biểu của miền Nam tham gia Hội nghị Hiệp thương Thống nhất Đất nước vào đầu năm 1976. Tại kỳ họp Quốc hội khóa VI (1976 - 1981), Ni trưởng được bầu là Đại biểu quốc hội, Đại biểu Phật giáo đầu tiên tham gia Quốc hội. ( [2] )

35 2

Năm 1980, Ni trưởng Huỳnh Liên là thành viên trong đoàn đại biểu vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, cũng là vị Ni trưởng duy nhất trong thành phần nhân sự Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam.

Năm 1981, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam bao gồm chín tổ chức Phật giáo, trong đó có Hệ phái Khất sĩ (gồm Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam và Giáo hội Khất sĩ Ni giới Việt Nam) đã thống nhất, hòa hợp chung trong ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Ni trưởng đã đảm nhiệm các chức vụ:

- Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

- Đại biểu Quốc hội khóa VI.

- Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung ương

- Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh.

- Phó Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh.

- Ủy viên Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam.

- Ủy viên Kiểm soát Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

- Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hòa bình T hế giới Thàn phố Hồ Chí Minh.

Ni trưởng đã có những huân chương, huy chương, khen thưởng:

- Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng N hất.

- Huân chương Độc lập hạng Nhì.

- Huân chương Quyết thắng hạng Nhất.

- Huy hiệu Thành phố Hồ Chí Minh.

- Bằng khen 10 năm của Ủy ban TP. Hồ Chí Minh.

Công hạnh của Ni trưởng đã góp phần làm cho lịch sử Phật giáo Việt Nam thêm đậm màu sắc về tấm gương tiêu biểu trong trang sử vàng Phật giáo ở thời đại mới, qua các hoạt động nhập thế thiết thực đúng với tinh thần “tùy duyên quyền biến” của Phật giáo. Chính gương sáng ấy, nên sau khi Ni trưởng viên tịch, đạo hiệu của Ni trưởng đã được nhà nước đặt tên cho một con đường tại quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, đường Ni sư Huỳnh Liên, để ghi nhận công lao của Ni trưởng đối với đất nước.

Để ghi nhận công lao của Ni trưởng cũng như Ni giới HPKS đã có nhiều đóng góp cho đất nước, năm 1994, Bộ Văn hoá Thông tin công nhận Tịnh xá Ngọc Phương là “Di tích lịch sử” cấp quốc gia theo quyết định số 2754/QĐ/BT ký ngày 15/10/1994.

Về việc tham gia các hoạt động Phật giáo, chư vị Giáo phẩm Ni giới Khất sĩ đã tham gia Hội đồng Trị sự qua các nhiệm kỳ: Ni trưởng Huỳnh Liên: Ủy viên Kiểm soát Ban Thường trực HĐTS GHPGVN nhiệm kỳ I, II (1981 – 1987); Ni trưởng Tạng Liên: Ủy viên HĐTS GHPGVN nhiệm kỳ IV (1997 – 2002); Ni trưởng Tràng Liên: Ủy viên HĐTS GHPGVN nhiệm kỳ IV, V, VI, VII (1997 – 2017); Ni trưởng Ngoạt Liên: Ủy viên Ban Thường trực HĐTS GHPGVN nhiệm kỳ II đến nhiệm kỳ VII (1987 – 2017); Ni sư Tín Liên: Ủy viên HĐTS GHPGVN nhiệm kỳ VI và VII (2007 – 2017) – (NS. Tín Liên còn là Đại biểu Quốc hội khoá XIV nhiệm kỳ 2016 – 2021); Ni sư Hòa Liên (VP2): Ủy viên HĐTS GHPGVN nhiệm kỳ VII (2012 – 2017); Ni sư Phụng Liên, Ni sư Tuệ Liên: Ủy viên (Dự khuyết) HĐTS GHPGVN nhiệm kỳ VII (2012 – 2017).

Trên đây chúng con đã trình bày quá trình hình thành và phát triển của Ni giới Hệ phái Khất sĩ qua công hạnh của Ni trưởng Huỳnh Liên là Người đã lãnh đạo Ni giới Khất sĩ suốt 40 năm qua. Song song theo đó, kế tục tinh thần phụng đạo giúp đời của Ni trưởng, chư vị Ni trưởng Bạch Liên, Ni trưởng Tạng Liên, Ni trưởng Tràng Liên, Ni trưởng Ngoạt Liên, cùng nhiều Ni trưởng và Ni sư khác cũng đã tích cực tham gia hoạt động Giáo hội, hầu góp phần tô điểm cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam được tốt đạo đẹp đời. Dưới đây chúng con xin phép được báo cáo phần an cư kiết hạ và các khóa tu của Ni giới HPKS.

II. An cư kiết hạ và các khóa tu

An cư kiết hạ :

- Tổ đình Ngọc Phương với truyền thống tổ chức An cư kiết hạ hằng năm, được sự cho phép của Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Ban Tôn giáo TP.HCM, Ban Trị sự GHPGVN Q. Gò Vấp cũng như các cấp chính quyền địa phương, chư Ni Khất sĩ tại các quận huyện trong Thành phố cũng như chư Ni của Ni giới Hệ phái Khất sĩ các tỉnh hai miền Nam Trung đã tập trung về Tổ đình Ngọc Phương để An cư kiết hạ.

Số lượng hành giả An cư kiết hạ của Trường hạ Ngọc Phương năm 2016 là 178 vị (109 Ni chúng Ngọc Phương + 69 vị từ các tỉnh về). Nếu tính luôn 20 vị tập sự thì tổng số hành giả tham dự hạ trường là 198 vị.

Ngoài ra, chư Ni tham dự tùng hạ tại Trường Hạ Ngọc Phương là 102 vị (gồm chư Ni Khất sĩ một số quận trong TP.HCM như: chư Ni Q. Gò Vấp, Q. Bình Thạnh, Q. 10, Q. Thủ Đức; chư Ni Khất sĩ tỉnh Đồng Nai như Biên Hòa, Định Quán, Long Thành, cùng chư Ni Khất sĩ các tỉnh thành khác).

Ngoài Trường hạ Ngọc Phương còn có các trường hạ Ni giới HPKS:

- Trường hạ Ngọc Tâm – Long An, với số lượng hành giả an cư là 57 vị, tùng hạ là 43 vị.

- Trường hạ Ngọc Ninh – Ninh Thuận, với số lượng hành giả an cư là 30 vị.

- Trường hạ Ngọc Đức – Bình Thuận, với số lượng hành giả an cư là 45 vị.

Khóa Tu :

Khóa tu Truyền thống

Trong những năm qua, thực hiện theo lời dạy của Tổ sư là “nên tập sống chung tu học”, Ni giới HPKS tổ chức mỗi năm 4 khóa tu Truyền thống cho chư Ni, mỗi khóa một tuần lễ, đến nay đã được 23 khóa. Cụ thể trong năm 2016 có 4 khóa tu do 4 đơn vị đăng cai tổ chức, đó là: TX. Ngọc Kỳ (Tam Kỳ), TX. Ngọc Cầu – Cầu Kè (Trà Vinh) đã tổ chức xong. Thời gian tới là TX. Ngọc Tâm (Bình Tâm - Long An) và TX. Ngọc Trường (Trà Vinh) vào tháng 8 và tháng 11 năm Bính Thân sẽ tiếp tục tổ chức khóa tu.

Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh

Khóa Bồi dưỡng đhạnh được tổ chức vào thời điểm cuối khóa An cư kiết hạ tại Tổ đình Ngọc Phương cho tân Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa, Sa-di-ni và tập sự, khóa bồi dưỡng này bắt đầu thực hiện từ năm 2015-2016, mỗi khóa khoảng 250 vị.

Cúng hội, Sám hối, khóa tu Bát quan trai, Niệm Phật, lớp giáo lý…

Về truyền thống Cúng hội của Hệ phái Khất sĩ, mỗi tháng 2 kỳ hoặc 4 kỳ. Mỗi tháng 2-4 kỳ sám hối, mãi cho đến nay rất nhiều tịnh xá vẫn duy trì không hề thay đổi. Đặc biệt là trong những ngày lễ Cúng hội, Sám hối đều có thuyết giảng. Ngoài ra, trong tháng còn tổ chức khóa tu Bát quan trai, Niệm Phật, lớp giáo lý ở các tịnh xá để giảng dạy và hướng dẫn Phật tử tu học.

III. Thống kê tự viện và Ni chúng

Ni giới HPKS hiện có tất cả là 250 ngôi, trong đó 192 ngôi tịnh xá, 33 tịnh thất, 23 chùa, 1 Niệm Phật đường, 1 thiền viện. Trong số đó có khoảng hơn 20 cơ sở đang làm thủ tục đăng ký gia nhập Giáo hội.

Năm 1981, Ni giới HPKS chỉ có hơn 100 ngôi tịnh xá, thì hôm nay với con số 250 quả thật là sự phát triển không nhỏ. Đó là nhờ sự quan tâm giúp đỡ của Giáo hội và các cấp chính quyền đã tạo điều kiện cho Ni giới Khất sĩ phát triển trong ngôi nhà chung của Giáo hội.

Số lượng Ni chúng NGHPKS hiện nay là 1.373 vị, trong đó Ni trưởng là 48 vị, Ni sư 134 vị, Sư cô 672 vị, Thức-xoa 176, Sa-di-ni 218 vị, tập sự tiểu 125 vị.

Ni giới HPKS hiện đã tốt nghiệp 2 Hậu Tiến sĩ, 21 Tiến sĩ, 7 vị đang học Tiến sĩ, 11 Thạc sĩ, 7 vị đang học Thạc sĩ, 157 Cử nhân Phật học và các ngành, 87 Cao đẳng Phật học, 21 cao cấp giảng sư...

Năm 2014, Lễ Tưởng niệm 60 năm đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, trong bài tham luận Hội thảo Hệ phái Khất sĩ: Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập, ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ, đã thống kê Tăng Ni "Hệ phái Khất sĩ hiện tại có 38 vị tiến sĩ, 16 vị đã tốt nghiệp thạc sĩ và đang học lên tiến sĩ. Số tiến sĩ của Hệ phái Khất sĩ chiếm 38% số tiến sĩ trong Phật giáo cả nước. Nếu tính tỉ lệ so với Tăng Ni của Hệ phái Khất sĩ (38/3200) là 1,18%. Tỉ lệ tiến sĩ trong Tăng Ni cả nước (100/45.000) là 0,22%. Như vậy, tính trong cả nước cứ 10.000 vị sư có 22 vị có trình độ tiến sĩ. Riêng Hệ phái Khất sĩ, 1.000 vị sư có khoảng 12 vị có trình độ tiến sĩ, tỉ lệ cao hơn 5 lần so với tỉ lệ tiến sĩ trong Tăng Ni cả nước".( [3] ) Năm nay 2016, chỉ riêng Ni giới Khất sĩ đã có 2 vị hậu tiến sĩ, 21 vị đã tốt nghiệp tiến sĩ, 7 vị đang học tiến sĩ; 18 vị đã tốt nghiệp và đang học thạc sĩ. Đây quả thật là thành quả của Hệ phái Khất sĩ dâng lên Tổ Thầy, dâng lên Đại lễ Kỷ niệm mừng 35 năm thành lập Giáo hội.

IV. Những khó khăn

Chúng con được nghe đức Pháp chủ GHPGVN có dạy:

… Trước đây chưa có Giáo hội, chỉ có các sơn môn, tổ đình, ai theo hệ phái nào thì cứ theo đó mà tu. Từng sơn môn học theo giáo lý của Đức Phật rồi lại truyền dạy cho mọi người theo Kinh, theo Luật, theo Luận. Luật thì nghiêm, luận thì sáng suốt, kinh thì thẳng thắn để đưa người tiến hóa. Từ nhiều năm nay, tất cả các sơn môn, các hệ phái Phật giáo nước nhà đã được thống nhất trong một tổ chức Giáo hội Phật giáo VN. Giáo hội đã đoàn kết được Tăng Ni cả nước để cùng thực hiện các Phật sự lớn không chỉ ở tầm quốc gia mà còn ở cả tầm quốc tế. Tuy vậy, việc duy trì luật lệ trong từng sơn môn có phần lơi lỏng, đó là nguyên nhân khiến một bộ phận Tăng Ni không được kiềm thúc vào khuôn khổ, xa rời giới luật. ([4])

Chính vì thế, Hòa thượng Pháp chủ đã đưa ý kiến chỉ đạo như sau:

… Theo tôi, nên đa dạng hơn nữa các hình thức giáo dục, đào tạo Tăng Ni, nhất là mô hình các tổ đình truyền thống. Nói như thế không có nghĩa là phủ nhận vai trò nhất thống của Quốc gia và Giáo hội. Thống nhất nên trên cơ sở sự đa dạng. ( [5])

Chúng con thành kính cảm niệm lời dạy của đức Pháp chủ. Trong nội bộ Ni giới HPKS mặc dù chưa xảy ra hiện tượng Ni chúng xa rời giới luật nhưng rõ ràng việc duy trì luật lệ trong Ni giới HPKS có phần lơi lỏng thật sự là điều không tránh khỏi.

Ni chúng sau khi xuất gia, học xuyên suốt chương trình Phật học từ sơ cấp, trung cấp lên đại học trong các Phật học viện cũng giảm đi sự gắn bó với Thầy Tổ. Vì 10 năm nội trú nơi tỉnh, thành có trường lớp Phật học, các Ni sinh phần lớn đều nương theo truyền thống Bắc tông để tu học, lý do vì Hệ phái Khất sĩ chưa được phép mở trường đào tạo Phật học riêng cho Ni chúng.

Như việc bổ nhiệm trụ trì, căn cứ Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chương V Điều 19-6( [6]) , Chương VI Điều 32-12( [7]), Chương VII Điều 40-8( [8]), Nội quy Ban Tăng sự Chương VIII Điều 43( [9]) đều yêu cầu “tham khảo ý kiến với hệ phái, sơn môn và phải được sự thống nhất của chư vị Giáo phẩm Hệ phái”, nhưng có nhiều cơ sở tịnh xá của Ni giới HPKS có công văn bổ nhiệm trụ trì mà không cần qua thông qua sự giới thiệu của Hệ phái.

Theo tinh thần Hiến chương, Thông tư hướng dẫn tổ chức Đại hội PG đều nhấn mạnh “Tiêu chuẩn cơ cấu nhân sự BTS GHPGVN tỉnh, thành, quận huyện là Tăng Ni, cư sĩ Phật tử của các Hệ phái thành viên GHPGVN tại địa phương - Khi dự kiến nhân sự BTS GHPGVN tỉnh, thành, quận, huyện cần tạo sự đoàn kết, hài hòa giữa các Hệ phái tại địa phương - phải có đầy đủ các Tăng Ni, cư sĩ, Phật tử đại diện cho các Hệ phái thành viên GHPGVN tại địa phương…”, nhưng vẫn có một số địa phương Ni giới Khất sĩ không được cơ cấu vào các ban ngành để cống hiến khả năng và công sức của mình để biểu hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất và hài hòa trong ngôi nhà chung của Giáo hội.

Nội quy Ban Tăng sự được Ban hành kèm theo Quyết định số 243/2013/QĐ.HĐTS ngày 17 tháng 7 năm 2013 của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chương VII Điều 34, 35: Đối với Tăng, Ni giới tử Hệ phái Khất sĩ, về phần khảo hạch Giới luật và Kinh tụng, Ban Giám khảo nên chú ý đến tính biệt truyền của Hệ phái.

Nhưng thật sự trong nhiều giới đàn, khi tổ chức thi và khảo giới, việc thi tụng 4 quyển Luật trường hàng cũng chưa thật sự quan tâm cho phép giới tử Khất sĩ tụng phần nghĩa; phần câu hỏi cũng hỏi về chú Lăng Nghiêm, tam đề ngũ quán,… đáp án là phần âm Hán Việt, giới tử xin trả phần nghĩa, giám khảo không đồng ý…

Việc thọ giới trước kia, giới tử cũng không cần phải thông qua ý kiến của Hệ phái, nhưng ngày nay HT. Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS kiêm Trưởng ban Tăng sự T.Ư đã ấn ký thông tư số 005/2016/TT.HĐTS về hướng dẫn thi hành một số điều Nội quy Ban Tăng sự Trung ương vào ngày 15-1-2016 gởi đến Ban Tăng sự GHPGVN tỉnh, thành phố. Trong công văn, về việc xét duyệt và quản lý hồ sơ có chỉ đạo là Ban Trị sự GHPGVN tỉnh chuyển bản sao hồ sơ Giới tử Ni cho Phân ban Ni giới cấp tỉnh có ý kiến, quá trình đóng góp ý kiến phải có đủ thành phần Hệ phái (Bắc tông, Khất sĩ) tại địa phương. ( [10])

Trong năm 2016, cũng có nhiều tỉnh tổ chức Đại giới đàn, nhưng vấn đề xét duyệt giới tử vẫn chưa được thực hiện theo tinh thần công văn số này.

Năm 2013, thể theo tâm nguyện của Tăng Ni Hệ phái, Hòa thượng Giác Toàn, Giáo phẩm Thường trực Hệ phái, đã đại diện HP làm đơn xin phép tổ chức Phân đàn truyền giới biệt truyền cho Hệ phái và đã được Ban Thường trực HĐTS GHPGVN và Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM cho phép truyền giới tại 2 địa điểm: TX. Trung Tâm (Giới tử Tăng) và TX. Ngọc Phương (Giới tử Ni).

Trong công văn số: 122 /CV.HĐTS do Hòa thượng THÍCH TỪ NHƠN ấn ký đã viết: Trong hơn 30 năm qua, kể từ ngày Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, Hệ phái Khất sĩ luôn sinh hoạt hài hòa trong Giáo hội và có nhiều đóng góp tích cực cho các mặt hoạt động Phật sự của Giáo hội, là điều đáng trân trọng. Do tính đặc thù của truyền thống tu tập và truyền giới của Hệ phái Khất sĩ, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN nhận thấy việc Hệ phái Khất sĩ xin phép được tổ chức Phân đàn Truyền giới Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa, Sa-di, Sa-di-ni cho Tăng Ni Hệ phái đủ điều kiện thọ giới, là yêu cầu chính đáng, không có gì trở ngại, như lời nói đầu Hiến chương GHPGVN đã khẳng định “Sự thống nhất Phật giáo Việt Nam xây dựng trên nguyên tắc: Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức. Đồng thời, vẫn tôn trọng và duy trì các truyền thống Hệ phái, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng Chính pháp”.

Đại giới đàn Quảng Đức PL. 2557 – DL.2013, do Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM tổ chức, là một giới đàn có ý nghĩa lịch sử trong các giới đàn do Ban Trị sự tỉnh thành Phật giáo tổ chức, vì đã có sự quan tâm đến các nghi thức truyền giới biệt truyền của các Hệ phái. Điều này đã thể hiện được tinh thần hoà hợp đoàn kết thống nhất trong Giáo hội, và cũng hoàn thành được nguyện vọng của Tăng Ni Hệ phái sau hơn 30 năm gia nhập Giáo hội và đã có những đóng góp tích cực trong các Phật sự chung của Giáo hội.

Về mặt công tác tổ chức, điều hành, hồ sơ xét tuyển đều theo quy định và lịch trình thời gian chung của Ban Tổ chức Đại giới đàn đề ra, nhưng các giới trường biệt truyền của mỗi Hệ phái đều có những đặc thù riêng, giữ gìn được truyền thống tu học truyền thọ giới pháp của Hệ phái.

Chúng con thật sự vô cùng hoan hỷ khi được sự quan tâm của TW Giáo hội và Giáo hội TP.HCM về việc cho phép mở phân đàn truyền giới từ năm 2013, 2015. Vì trong 2 giới đàn này, giới tử của Ni giới HPKS thật sự được thọ giới đúng theo tinh thần tu học của Hệ phái từ phương diện trả bài, làm bài, truyền giới, thọ giới…

Về việc tấn phong giáo phẩm, cũng từ thông tư số 005/2016/TT.HĐTS đã nói ở trên, ([11]) HT. Trưởng ban Tăng sự đã chỉ đạo “quá trình đóng góp ý kiến phải có đủ thành phần Hệ phái (Bắc tông, Khất sĩ)”. Điều này đã thể hiện được sự quan tâm của TW Giáo hội đối với Hệ phái, đáp ứng nguyện vọng của Hệ phái, chúng con thành kính cảm niệm sự quan tâm của lãnh đạo Giáo hội dành cho Hệ phái.

V. Kiến nghị:

Trên đây là một số nội dung trong bài báo cáo dâng lên hội nghị Tăng sự, kính trình lên chư Tôn đức chứng minh. Và nhân dịp trong buổi hội thảo hôm nay, Ni giới HPKS chúng con xin có một số kiến nghị kính trình lên chư Tôn đức như sau:

- Xin phép mở giới đàn chính thức hàng năm cho Hệ phái.

- Giới thiệu giới tử, bổ nhiệm trụ trì, tấn phong giáo phẩm đều nên có ý kiến của thường trực giáo phẩm Ni giới HPKS tại Tổ đình Ngọc Phương.

- Xin được mở trường Sơ-Trung Phật học riêng cho Hệ phái theo chương trình của Ban Giáo dục Tăng Ni TW, có bổ sung một số môn học riêng của Hệ phái.

- Tự viện là tài sản chung của Giáo hội, nhưng những tịnh xá, tịnh thất trực thuộc Hệ phái cũng là tài sản của Hệ phái dưới sự quản lý của Giáo hội, Hệ phái và Nhà nước.

- Hiện nay Ni giới HPKS còn hơn 20 cơ sở với tên chùa, kính mong TW Giáo hội và các cấp Giáo hội quan tâm giúp đỡ cho các cơ sở này được đổi tên thành tịnh xá cho đúng với truyền thống của Hệ phái.

- Qua thống kê, Ni giới HPKS còn hơn 20 cơ sở đang làm thủ tục gia nhập Giáo hội, kính mong được sự quan tâm giúp đỡ của Giáo hội cho các cơ sở này được chính thức sinh hoạt tôn giáo.

Trên đây là phần báo cáo Tăng sự của Ni giới Hệ phái Khất sĩ, và một số kiến nghị kính trình bày trong buổi hội thảo. Trong bài báo cáo này nếu có chỗ nào sơ sót, kính mong quý ngài từ bi hoan hỷ, đồng thời chúng con cũng mong mỏi được sự quan tâm đóng góp ý kiến bổ sung của chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội, quý quan khách, các nhà nghiên cứu và chư học giả.

(Nhân Hội thảo Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN, ngày 25/09/2016)

Ni trưởng Ngoạt Liên

Uỷ viên Ban Thường trực HĐTS

Giáo phẩm Thường trực Ni giới HPKS

Trụ trì Tổ đình Ngọc Phương

 


[1]. Ni giới Hệ phái Khất sĩ, Kỷ yếu Ni trưởng Huỳnh Liên.

[2]. Kỷ yếu Hội thảo Hệ phái Khất sĩ: quá trình hình thành, phát triển và hội nhập, TS. Bùi Hữu Dược, Hệ phái Khất sĩ góp phần xây dựng đất nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tr.922.

[3]. Kỷ yếu Hội thảo Hệ phái Khất sĩ: quá trình hình thành, phát triển và hội nhập, TS. Bùi Hữu Dược, Hệ phái Khất sĩ góp phần xây dựng đất nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tr.922…

[4]. Đức Pháp chủ GHPGVN Trưởng lão HT. Thích Phổ Tuệ, “Muốn sống lâu trước hết phải sạch sẽ từ thân đến tâm!”, http://giacngo.vn/thoisu/cauchuyentrongtuan/2016/02/02/56469A/

[5]. Đức Pháp chủ GHPGVN Trưởng lão HT. Thích Phổ Tuệ, “Dáng tùng vững chãi giữa tuyết sương”, http://giacngo.vn/tetbinhthan2016/muaxuanvaphatgiao/2016/02/09/56449B/

[6]. Quyết định bổ nhiệm trụ trì các cơ sở do Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp Trung ương và cấp tỉnh thành lập, quản lý trên cơ sở tham khảo ý kiến với hệ phái, sơn môn (nếu có liên hệ) và cơ quan có thẩm quyền.

[7]. Quyết định bổ nhiệm trụ trì các cơ sở Giáo hội do Ban Trị sự cấp tỉnh thành lập và quản lý trên cơ sở tham vấn Ban Trị sự cấp huyện, hệ phái, sơn môn (nếu có liên hệ) và trao đổi với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền..

[8]. Đề xuất việc bổ nhiệm trụ trì các Chùa, Tổ đình, Tịnh xá, Thiền viện, Tu viện, Tịnh viện, Tịnh thất, Niệm Phật đường, tổ chức thành viên cơ sở lên Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh phê duyệt, quyết định sau khi được sự thống nhất của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại địa phương. Nếu cơ sở có liên hệ đến hệ phái, sơn môn thành viên, cần được sự trao đổi, thống nhất trước.

[9]. Chỉ có Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh mới có thẩm quyền ra quyết định bổ nhiệm trụ trì, thông qua ý kiến đề xuất của Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện sau khi tham khảo ý kiến nội bộ cơ sở Tự viện đó; nếu có liên quan các Hệ phái, thì phải được sự thống nhất của chư vị Giáo phẩm Hệ phái.

[10]. chương II. Truyền giới, thọ giới: phần 3. Xét duyệt và quản lý hồ sơ: … b. Ban Trị sự GHPGVN tỉnh chuyển bản sao hồ sơ Giới tử Ni cho Phân ban Ni giới cấp tỉnh có ý kiến, quá trình đóng góp ý kiến phải có đủ thành phần Hệ phái (Bắc tông, Khất sĩ) tại địa phương; quản lý hồ sơ Giới tử Ni khi Phân ban hội đủ tiêu chuẩn về Văn phòng..

[11]. Tấn phong Giáo phẩm thực hiện theo điều 53, 54, 55 Chương IX Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ V; Điều 46 Chương IX Nội quy Ban Tăng sự Trung ương. 2. Thủ tục tấn phong theo quy định theo Điều 56 Chương IX Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ V; Điều 47 Chương IX Nội quy Ban Tăng sự Trung ương… 4. Xét duyệt và quản lý hồ sơ: b. Ban Trị sự GHPGVN tỉnh chuyển bản sao hồ sơ tấn phong của Ni giới cho Phân ban Ni giới cấp tỉnh có ý kiến, quá trình đóng góp ý kiến phải có đủ thành phần Hệ phái (Bắc tông, Khất sĩ) tại địa phương; quản lý hồ sơ tấn phong của Ni giới khi Phân ban hội đủ tiêu chuẩn về Văn phòng