Báo cáo tóm tắt "Bồi dưỡng trụ trì" 2016

 BÁO CÁO TÓM TẮT

KHÓA TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM TRỤ TRÌ PL. 2560 – DL. 2016

TẠI PHÁP VIỆN MINH ĐĂNG QUANG, Q. 2, TP. HCM

Kính bạch chư Tôn đức Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái,

Kính bạch chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái,

Kính bạch chư Tôn đức trụ trì và toàn thể các hành giả,

Khóa Bồi dưỡng trụ trì PL. 2560 – DL. 2016 được tổ chức tại Pháp viện Minh Đăng Quang (Q.2, TP. HCM) từ ngày 18 đến ngày 24 tháng 4 năm Bính Thân với sự chứng minh của HT. Thích Trí Quảng (Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN, Viện trưởng Học viện PGVN tại TP.HCM, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế, Trưởng BTS GHPGVN kiêm Trưởng ban Chỉ đạo An cư kiết hạ TP.HCM PL.2560 – DL. 2016), HT. Giác Phúc, (Thành viên HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái, Thiền chủ PV. Minh Đăng Quang), HT. Giác Cầu (Thành viên HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái), HT. Giác Toàn (Phó Chủ tịch HĐTS, Giáo phẩm Thường trực Hệ phái, Hóa chủ Hạ trường PV. Minh Đăng Quang), HT. Giác Giới (Phó Trưởng ban Tăng sự TƯ GHPGVN, Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, Phó Thiền chủ kiêm Giám luật Hạ trường PV. Minh Đăng Quang), HT. Giác Hà (Phó Trưởng ban Từ thiện Trung ương GHPGVN, Phó BTS GHPGVN TP.HCM, Giáo phẩm Hệ phái, Phó Hóa chủ PV. Minh Đăng Quang), HT. Giác Pháp (Ủy viên HĐTS, Phó Ban Nghi lễ Trung ương GHPGVN, Giáo phẩm kiêm Chánh Thư ký Hệ phái), HT. Giác Thành (Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Gia Lai, Giáo phẩm Hệ phái), TT. Giác Nhân (Ủy viên HĐTS GHPGVN, Giáo phẩm Hệ phái), cùng chư Tôn đức Tăng các Giáo đoàn: HT. Giác Trí, TT. Giác Mạnh, TT. Giác Tây, TT. Giác Xuân, TT. Giác Nhuận, TT. Giác Duyên... Các vị Tôn đức Ni là hàng Giáo phẩm Ni giới gồm có: NT. Phục Liên, NT. Tố Liên, NT. Ánh Liên, NT. Mai Liên, NT. Thông Liên, NT. Khoa Liên, NT. Hiệp Liên, NT. Cảnh Liên, NS. Yến Liên, NS. Tuyết Liên và nhiều Ni sư khác.

Số lượng chư Tăng và Ni hiện diện trong giảng đường mỗi ngày khoảng 270 vị (Tăng khoảng 150 vị, Ni khoảng 120 vị). Cụ thể, Giáo đoàn I: 8 vị. Giáo đoàn II: 8 vị. Giáo đoàn III: 5 vị. Giáo đoàn IV: 8 vị. Giáo đoàn V: 8 vị. Giáo đoàn VI: 4 vị. Cộng với khoảng 100 vị đang theo khóa An cư kiết hạ tại Pháp viện MĐQ. Ni giới Hệ phái Khất sĩ: 54 vị (24 vị trụ trì + 30 chư Ni hành giả), chư Ni phân đoàn 1 thuộc Giáo đoàn IV: 12 vị. Phân đoàn 2 GĐ IV: 17 vị. Hội chúng Ni trưởng Ngân Liên: 12 vị. Ni giới trực thuộc GĐ III: 19 vị. Ni giới GĐ I: 9 vị.

Thời gian bồi dưỡng trụ trì gồm 7 ngày (18 đến 24 tháng 4 Bính Thân), với sự tham gia giảng dạy, chia sẻ của 20 vị giảng sư, trong đó có 4 vị từ Trung ương Giáo hội, 15 vị trong Hệ phái (8 Tăng và 7 Ni), và 1 vị giáo sư từ Đại học bên ngoài.

Sau đây là bản tóm tắt nội dung được chư Tôn đức giảng dạy, chia sẻ:

Ngày thứ nhất (18 tháng 4 Bính Thân – 24/05/2016)

Kmac 0

1) HT. Thích Trí Quảng đã đáp lời kiền thỉnh của Ban Tổ chức quang lâm đến thăm và sách tấn hội chúng. Nội dung chủ yếu trình bày 2 phần: An cư và Bồi dưỡng trụ trì. Tuy nhiên, Hòa thượng đặt nặng về việc tu tập An cư, vì có An cư mới có sự tu tập và chuyển hóa để một người phàm phu trở thành một bậc Thánh. Hòa thượng lấy cuộc đời mình làm điển hình để chia sẻ với đại chúng về lộ trình tu học. Hòa thượng đặt nặng mục tiêu của người tu là hướng đến quả vị Tu-đà-hoàn trong hiện tại và quả vị Vô thượng Bồ-đề trong tương lai, và lấy đó làm mục đích tu học, còn trụ trì là công tác cũng vô cùng quan trọng, nhưng theo Hòa thượng đó cũng chỉ là một bổn phận của người xuất gia để duy trì mạng mạch và phát triển đạo pháp. Hòa thượng khéo vận dụng những hình ảnh cao quý của Tổ sư và đức Nhị Tổ để giáo hóa Tăng đoàn Khất sĩ, tạo nên sự gần gũi và thiết thực, tạo nên sự gắn kết quá khứ và hiện tại để phát triển giáo pháp.

Kmac 2

2) Tiếp theo là bài giảng của Hòa thượng Giác Giới. Hòa thượng chia sẻ kinh nghiệm tu học của Hòa thượng, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Chánh kiến đối với người xuất gia. Dù là chánh kiến hữu lậu hay vô lậu cũng là điều cần thiết của người tu. Vì có chánh kiến mới có chánh tư duy, có chánh tư duy mới có chánh ngữ, có chánh ngữ mới có chánh nghiệp, chánh nghiệp mới có chánh mạng. Tóm lại, Hòa thượng thể hiện sự trăn trở của mình về đạo lộ tu tập đưa đến sự giải thoát, giác ngộ.

Ngày thứ 2 (19 tháng 4 Bính Thân – 25/05/2016)

HTThienNhon 3

Buổi sáng do Hòa thượng Thích Thiện Nhơn (Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam) chủ giảng với đề tài: “Nhân quả của sự đầy đủ” với 10 chi phần được rút từ Kinh Hoa Nghiêm, gồm: 1) Thọ mạng cụ túc, 2) Tướng hảo cụ túc, 3) Quyến thuộc cụ túc, 4) Phương tiện cụ túc, 5) Giới thân cụ túc, 6) Định thân cụ túc, 7) Tuệ cụ túc, 8) Đa văn cụ túc, 9) Ước nguyện cụ túc, 10) Niết-bàn cụ túc.

Hòa thượng vừa giảng lý thuyết, vừa vận dụng giáo pháp vào trong cuộc sống tu hành, giúp cho hành giả thấy được những lời dạy của đức Thế Tôn khi xưa rất thực tiễn và có giá trị vượt thời gian.

HTGiacToan VG2

Cùng buổi sáng, Hòa thượng Giác Toàn đã sách tấn đại chúng với đề tài“Suy nghĩ về phẩm chất căn bản của một vị trụ trì trước thời duyên”. Nội dung bài giảng gồm 4 phần (không tính phần kết luận với bài thơ), đi từ khái niệm đến ứng dụng. Bài giảng đã để lại cho thính chúng những bài học thiết thực, tự nhận thức lại trách nhiệm trụ trì của mình, không chỉ đơn thuần là một vị giữ một ngôi tịnh xá, một ngôi chùa mà phải là một vị Đạo sư tâm linh. Tuy nội hàm “trụ trì” hơi cao so với thực tế, nhưng đó là một nội hàm lý tưởng, và từ lý tưởng này, vị trụ trì cần phải cụ thể hóa các công việc của mình là “Trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng” trong việc ứng dụng thực tiễn là tu tập sung mãn Từ-bi-hỷ-xả, và vận dụng tứ vô lượng tâm này vào trong cuộc sống. Ngoài ra, vị trụ trì cần phải am tường Luật đạo cũng như Luật đời để ứng xử đúng với lẽ đạo và không sai với pháp luật của xã hội đương đại. Nhờ đó, vị trụ trì sẽ làm chỗ quy hướng cho học trò Tăng/ Ni và cư sĩ Phật tử.

Ngày thứ 3 (20 tháng 4 Bính Thân – 26/05/2016)

Ngay 26 5 2016 5a

1) TT. Thích Thọ Lạc (Ủy viên Thường trực HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN) đã đến thăm và chia sẻ về “Những thao thức về một nền văn hóa Phật giáo Việt Nam với bốn đề án: Pháp phục, kiến trúc, ngôn ngữ và di sản do HĐTS GHPGVN giao phó. Thượng tọa tán thán những nét đặc sắc của nền văn hóa Phật giáo Khất sĩ, rõ nét nhất là kiến trúc của một ngôi chánh điện, biểu trưng cho linh hồn của một ngôi tự viện, tịnh xá. Đồng thời, cư sĩ Quốc Việt cũng trình bày đề án “Số hóa các ngôi tự viện, tịnh xá” trong tương lai, nhằm giới thiệu các di sản văn hóa tinh thần của Phật giáo qua hệ thống 3D đến với quảng đại quần chúng, người có đạo hay không có đạo, để thấy được những nét thẩm mỹ, độc đáo trong kiến trúc, cũng như di sản vật thể và phi vật thể đến với mọi tầng lớp trong và ngoài nước.

TT Duyen Copy

2) TT. Giác Duyên với chuyên đề Trụ trì với vấn đề hành chánh”. Thượng tọa cho rằng một vị trụ trì ngày nay cần phải biết thủ tục hành chánh của Giáo hội và xã hội để dễ dàng hành đạo. Nội dung trình bày mang tính lý thuyết nhiều hơn là ứng dụng vào trong đời sống hành đạo của các vị trụ trì. Tuy nhiên, những vị khéo học có thể thấy được tầm quan trọng của khâu tổ chức như hồ sơ để ở đâu, cách giao thiệp ngang qua điện thoại, v.v... là điều mà các vị trụ trì cũng như tất cả chúng ta cũng nên biết để khéo giáo hóa mọi người.

Thay Dung Copy

Buổi chiều, TS. Trương Quang Dũng là một giảng viên kỳ cựu của Học viện PGVN tại TP.HCM giới thiệu về bộ môn quản lý học mà bất kỳ một tôn giáo nào, một tổ chức nào, một vị trụ trì nào cũng cần biết để vận dụng vào việc quản lý một ngôi chùa. Với kinh nghiệm giảng dạy của một vị đứng lớp trên 30 năm ở trường Đại học bên ngoài và Phật giáo, giảng viên đã đưa ra một số trường hợp điển hình mà người nghe tự đặt mình là người trong cuộc để giải quyết tình huống đó như thế nào. Dĩ nhiên, với tâm đạo và tâm đức dồi dào của một người tu, vị trụ trì có thể giải quyết các tình huống đó không cần phải có kỹ thuật được tích lũy từ các sách vở, nhưng dẫu sao các vị trụ trì cũng nên ý thức được tầm quan trọng của việc quản lý một cơ sở Phật giáo, vì việc quản lý này có cả con người và tài sản chung của Giáo hội. Ngang qua các đạo tràng quy mô, chúng ta phải thừa nhận rằng, vị trụ trì phải có tâm đức đã đành mà còn biết sử dụng con người và điều hành tốt, để từ đó đạo tràng mới có thể phát triển được sự tu tập và hướng dẫn mọi người tu học.

Ngày thứ 4 (21/4 Bính Thân - 27/05/2016)

HTHa TTTay TTThong 1 Copy

Đáp lời mời của Ban Tổ chức, TT. Thích Thiện Thống (Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2 Trung ương GHPGVN) đã Chia sẻ 6 quan điểm về sự thành tựu của 35 năm hoạt động Phật sự của GHPGVN”. Thượng tọa nhấn mạnh đến tầm quan trọng của một nền văn hóa truyền thống tâm linh Phật giáo. Còn văn hóa, còn truyền thống là còn tất cả. Mất văn hóa, mất truyền thống là mất tất cả. Thượng tọa lưu ý, trong những năm gần đây, nền văn hóa tâm linh của PGVN bị xâm thực một cách nặng nề. Các hình thức tu tập của Mật tông được giới Phật tử VN rầm rộ đi theo. Kèm theo đó là sự tốn hao sức người, sức của của Phật tử mà còn ở mặt khác là sự tổn thương về danh dự truyền thống tông môn của Hệ phái, của Giáo hội mà chư Tổ đã dày công gầy dựng. Tương tự, các phái thiền cũng đưa vào Việt Nam qua nhiều trung tâm. Qua đó, người tu sĩ trong Hệ phái cần phải nhận thấy và nhận lãnh trách nhiệm của mình trong sự tu tập và hướng dẫn Phật tử tu tập. Thượng tọa còn giới thiệu về 10 tiêu chí mà mỗi Tăng Ni cần thực hiện để thiền môn hưng thịnh, Phật pháp được trường lưu, làm chỗ quy ngưỡng cho Phật tử.

HTHa TTTay TTThong 6 Copy

Cùng buổi sáng, Thượng tọa Giác Tây trình bày đề tài Tâm chất của vị trụ trì”. Bài soạn với 3 phần chính. Phần một giới thiệu về Hệ phái Khất sĩ từ lúc Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập đến phát triển các Giáo đoàn. Phần 2 trình bày giai đoạn từ 1975 đến 1981 và về sau, đó là giai đoạn dừng chân trụ xứ hành đạo. Phần 3 là cốt lõi của bài giảng, trình bày bổn phận và các phẩm chất của một vị trụ trì như từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha, chân thật, cương nghị, biết cách dùng người, biết cách quan sát người, v.v... Tất cả những yếu tố này làm nên phẩm chất của một vị trụ trì.

HTHa TTTay TTThong 7 Copy

Buổi chiều, HT. Giác Hà đã đến sách tấn đại chúng bằng cả tấm lòng của người thầy đi trước, của người lãnh đạo Hệ phái. Với ngôn ngữ dung dị, Hòa thượng đã sử dụng nhiều hình ảnh để minh họa cho ý tưởng của mình, như hình ảnh mỗi người chúng ta là một cái cây trong đám rừng hoang, được người thầy làm vườn Phật pháp biết chăm sóc, tạo dáng để nó trở thành một cây kiểng trong vườn rừng công đức Phật pháp. Hoặc một hình ảnh khác, mỗi chúng ta chỉ là một vật dụng trong một ngôi nhà, nếu ngôi nhà sập thì vật dụng kia, như chiếc giường, cái tủ cũng không có chỗ dùng, không có chỗ che chắn. Một hình ảnh khác được sử dụng là cái thùng rác, nếu chúng ta không khéo chọn lọc, thì mỗi ngày chúng ta nghe điện thoại, nhận tin nhắn quá nhiều điều lôi thôi, những thứ linh tinh không hợp với đạo, chẳng khác gì chúng ta đem rác vào nhà chúng ta, hoặc vào thùng của chúng ta. Do đó, chúng ta phải khéo tu để thanh lọc các ác, bất thiện pháp, ô nhiễm khỏi tâm thức chúng ta. Một hình ảnh khác: người ông – cha – con. Không có ông làm sao có cha, nếu không có cha làm sao có con. Cũng vậy, nếu không có Tổ thì làm sao có được quý đức Thầy rồi đến chúng ta. Cũng vậy, đôi khi chúng ta chỉ biết có thầy mình, Ni trưởng mình rồi tôn vinh quá đáng thì e là không phù hợp. Hòa thượng cũng nhấn mạnh đến thái độ của vị trụ trì đối với ngôi tịnh xá, nên xem đó là của chung, của Hệ phái và của Giáo hội. Do đó, tinh thần vô chấp, vô trụ nên được hiện hữu trong lòng của một vị trụ trì.

GiacHoang Copy

Tiếp theo, Đại đức Giác Hoàng trình bày “Các vấn đề văn hóa và Phật sự Hệ pháinhằm chia sẻ các thông tin đến đại chúng để liễu tri và ủng hộ. Ngang qua 7 vấn đề trình bày trong bài, Đại đức đã khái quát hóa các hoạt động Phật sự đang được diễn ra và sẽ thực hiện trong thời gian tới.

Ngày thứ 5 (22/4 Bính Thân - 28/05/2016)

28 5 1 Copy

Buổi sáng, HT. Giác Pháp (Ủy viên HĐTS, Chánh Thư ký Hệ phái) trình bày phần cốt lõi của khóa Bồi dưỡng trụ trì này, tức là các bổn phận, trách nhiệm và tâm đức của một vị trụ trì ngang qua đề tài Đạo làm trụ trì”. Bố cục của bài có 3 phần chính: 1) Tâm đức, 2) Trách nhiệm, và 3) Tầm quan trọng của một vị trụ trì đối với sự tồn vong của Phật pháp. Các yếu tố tâm đức như nghiêm trì giới luật, bao dung/ độ lượng, phong thái trang nghiêm / điềm tĩnh, hoan hỷ và hòa đồng tạo nền tảng cho một tâm đức được thiết lập vững vàng. Trách nhiệm của vị trụ trì như: Tiếp Tăng độ chúng, giáo hóa cư gia, giữ gìn, phát triển cơ sở vật chất, tạo mối quan hệ tốt đẹp với quần chúng và các tổ chức xã hội. Từ 2 phần căn bản này, Hòa thượng đã dẫn dắt người nghe về tầm quan trọng của một vị trụ trì trong một ngôi tịnh xá/ ngôi chùa nói riêng và Phật pháp nói chung.

28 5 3 Copy

Buổi chiều, NT. Phục Liên (Giáo phẩm Ni giới Khất sĩ, trụ xứ tại Tổ đình TX. Ngọc Phương) đã trình bày đề tài: Sống chung tu học trong Giới luật của đức Tổ sư”. Ni trưởng đã trích bảy pháp bất thối trong Kinh Đại bát Niết-bàn thuộc Trường bộ kinh làm cho hội chúng hưng thịnh, để từ đó khẳng định lời dạy của Tổ sư “nên tập sống chung tu học” là điều vô cùng trọng yếu.

Ni trưởng cũng trích dẫn nhiều lời Phật dạy tương ứng giữa các truyền thống Phật giáo Bắc truyền với lời dạy của Tổ sư Minh Đăng Quang để khẳng định tầm quan trọng của giới luật, là nền tảng đưa đến giải thoát giác ngộ, là mạng mạch của Phật pháp, mà bất kỳ một Tăng Ni nào cũng nghiêm cẩn hành trì.

28 5 6 Copy

Chiều cùng ngày, Ni trưởng Hiệp Liên (Trưởng ban Quản sự Ni chúng Giáo đoàn III) đã trình bày tham luận đề tài: Trụ trì với Pháp học và pháp hành qua Chơn lý Tổ sư”. Đây là đề tài đúng với một phần cốt lõi của khóa “Bồi dưỡng trụ trì” với chủ đề mà năm nay chư Tôn đức Giáo phẩm nhắm đến, tức là vị trụ trì phải nắm vững pháp học và pháp hành. Điều này, các truyền thống Phật giáo, dù Nam truyền hay Bắc truyền đều cộng thông. Nội dung có 3 ý chính: 1) Người trụ trì phải am hiểu pháp học, phải tinh thông pháp hành để kiện toàn nhân cách và thành tựu được giới thân huệ mạng; 2) Người trụ trì phải ra sức đ ào tạo và giáo dưỡng thế hệ kế thừa; 3) Thiết lập đạo tràng, thuyết giảng kinh pháp để hóa độ chúng sanh. Với những trích dẫn từ kinh Phật như Kinh Tăng chi và những lời dạy của Tổ sư như là một sự so sánh để khẳng định con đường chúng ta đang noi theo Tổ cũng là đang thực hiện lời dạy cao quý của Phật.

28 5 7 Copy

Tiếp theo là tham luận của NS. Yến Liên với đề tài: Nói gì với trò hôm naycủa Ni sư Yến Liên (Giáo phẩm Ni giới thuộc Giáo đoàn I). Nội dung của bài trình bày về những bổn phận, trách nhiệm của một vị thầy như thế nào đối với thế hệ trẻ trong bối cảnh xã hội ngày nay. Qua đó, Ni sư cũng thể hiện sự ưu tư, trăn trở về một con đường đào tạo Tăng Ni trẻ để đủ khả năng tài đức, đảm đương các Phật sự trong tương lai. Làm thế nào một vị trụ trì và các thế hệ kế thừa đủ Thánh Giới uẩn, Thánh Định uẩn, Thánh Tuệ uẩn để đi vào đạo lộ giải thoát. Đó là một phần tâm huyết của người thầy muốn nói với trò hôm nay.

28 5 8 Copy

Bài thuyết trình cuối cùng trong ngày được NS. Tuyết Liên (Giáo phẩm Ni giới Phân đoàn 1 GĐ IV) trình bày với đề tài: Trụ trì và trách nhiệm”. Ni sư đã đưa người nghe trở về quá khứ thời mở đạo vàng son của Tổ sư và khẳng định khái niệm “trụ trì” không được Tổ sư đặt nặng, vì thời kỳ đó là thời kỳ du phương, vô trụ xứ. Ni sư cũng chỉ ra những khó khăn của một vị trụ trì trong thời hiện đại, phải tham gia các Ban, Ngành, Viện của Giáo hội và xã hội. Từ đó việc tu tập dẫn đến giải thoát, giác ngộ ngay trong kiếp này quả thật là một việc vô cùng gian nan.

Ngày thứ 6 (23/4 Bính Thân - 29/05/2016)

NTTo

Trước nhất là bài Đoàn kết tu học vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Hệ phái của Ni trưởng Tân Liên (Giáo phẩm Ni giới thuộc TX. Ngọc Phương). Nhưng vì lý do sức khỏe, Ni trưởng không tham gia trình bày được, NT. Tố Liên đại diện đọc thế. Đây là lời kêu gọi tha thiết từ một bậc Ni trưởng xuất gia thời Tổ sư. Ni trưởng nhận định vì nhân duyên hóa độ, nên sau khi Tổ sư vắng bóng, các vị đức Thầy và Ni trưởng đi khắp nơi hóa độ, từ đó lập ra các Giáo đoàn hoặc Phân đoàn để tùy duyên tu tập và hóa độ. Dẫu vậy, tất cả đều là người con chung trong lòng Hệ phái, nên đoàn kết một lòng để củng cố Tăng đoàn và phát triển Hệ phái. Không nên vì tư kỷ, cất thất ra riêng, tách khỏi Hệ phái, v.v... làm chia rẽ sức mạnh đại đoàn kết của Hệ phái. Ni trưởng lưu ý, ngày nay nhiều người xuất gia, học đủ bằng cấp, nhưng mấy vị đủ tài đức kiêm ưu, gánh vác trọng đại của Phật pháp. Quả thật là lời cảnh sách của một bậc Ni trưởng.

NTThong

Tiếp theo là NT. Thông Liên (Giáo phẩm Ni giới Phân đoàn 1 Giáo đoàn IV) đã thuyết trình với đề tài: Hệ thống tổ chức và phương thức hoạt động Ni giới Phân đoàn 1 – Giáo đoàn IV”. Ni trưởng khái quát về nhân duyên Phân đoàn 1 Giáo đoàn IV hình thành và phát triển. Phần còn lại trình bày tổ chức và cách vận hành Ni đoàn. Hưởng ứng tinh thần tu tập của chư Tôn đức Tăng Ni trong Hệ phái, Ni giới phân đoàn 1 GĐ IV đã tổ chức khóa tu Truyền thống Ni giới đến nay là khóa thứ 5. Dựa vào nhu cầu thực tế, Ni chúng Phân đoàn 1 có một số dự kiến làm cho Ni đoàn được hưng thịnh: Mở lớp Luật nghi và giáo lý cho tập sự, Sa-di; Lớp Luật cho tân Thức-xoa và Tỳ-kheo-ni; Hoán đổi trú xứ mỗi 3 tháng (trong điều kiện cho phép); Mở Lớp giáo lý định kỳ cho Phật tử tại gia. Dẫu biết rằng việc dổi chỗ trụ là khó làm, nhưng có làm là có những bậc căn tu sâu dày hưởng ứng.

NTMai

Tiếp nối chương trình, NT. Mai Liên thuyết trình bàiTrụ trì với sứ mạng hoằng pháp trong thời hiện đại”. Nội dung chủ yếu nhấn mạnh đến chức năng của người trụ trì là tiếp chúng độ sanh, do đó, vị trụ trì phải học hỏi cách vận chuyển bánh xe pháp, đưa lời dạy của Phật vào đời sống thường nhật, làm lợi ích cho đời. Bài tham luận khẳng định, một ngôi chùa to với những pho tượng Phật lớn và quý đi nữa, nhưng thiếu vắng những bậc thầy có khả năng hoằng pháp lợi sinh thì ngôi tịnh xá/ ngôi chùa đó chỉ là cơ sở tín ngưỡng của quần chúng, cũng chỉ là nơi tạo phước nghiệp nhân thiên tạm bợ, không bao giờ chấm dứt khổ đau, chấm dứt luân hồi cho chúng sanh. Muốn giảng pháp thuyết kinh, người trụ trì phải nắm vững pháp học và hành trì nghiêm mật mới có thể am tường nghĩa lý lời Phật dạy một cách chân xác và từ đó mới có phương tiện rộng độ quần sanh.

NSTin

Bài thuyết trình cuối cùng làQuan niệm của sự học, sự tu và hành đạo của Tổ sư Minh Đăng Quangdo Ni sư Tín Liên (Ủy viên HĐTS, Giáo phẩm Ni giới Hệ phái) trình bày. Ba trụ cột chính của bài là pháp học, pháp hành và cách hành đạo với nhiều trích dẫn từ các bài thuyết giảng của Tổ sư. Bài mang tính học thuật hơn là ứng dụng, tuy nhiên, đó là bài nghiên cứu sâu sắc thể hiện sự nhất quán giữa lời dạy của Phật và Tổ sư.

Ngoài ra, còn có bài tham luận do TT. Giác Nhuận và ĐĐ. Minh Điệp soạn thuật với tiêu đề: Mô hình tu tập các tịnh xá Giáo đoàn VI”. Bài giới thiệu sơ lược quá trình hình thành Giáo đoàn VI và những nét đẹp, mô hình tu tập của một số ngôi tịnh xá thuộc Giáo đoàn VI có thể được sử dụng tham khảo, góp phần cho hệ thống quản lý của các Giáo đoàn được ổn định.

SAU ĐÂY LÀ MỘT VÀI NHẬN XÉT

1. Ban Tổ chức Hội thảo

1.1. Chưa có Ban Kiểm soát nhân sự tham gia khóa học này. Chư Tôn đức Giáo phẩm của từng giáo đoàn tham gia chưa đồng bộ. Có ngày được 5-7 vị, có ngày chỉ 1-2 vị.

1.2. Hệ phái và Giáo đoàn chưa có quy định để kiểm soát và phân bổ các vị trụ trì phải đi bồi dưỡng hoặc chia sẻ kinh nghiệm của mình cho những vị vừa làm trụ trì hoặc những vị tương lai sẽ làm trụ trì.

2. Chư Tôn đức Giáo phẩm Giáo hội và Hệ phái thăm và thuyết trình

2.1. Các vị đều hoan hỷ đến tham dự và sau khi trình bày xong, các vị đều tán thán sự tổ chức của Hệ phái. Do đó, Hệ phái nên duy trì cách tổ chức này.

2.2. Mời một vị tôn đức từ miền Bắc vào thuyết trình đề tài liên hệ, tạo nên sự hòa hợp giữa các tông môn Hệ phái và vùng miền, và nhờ đó chúng ta có cơ hội lắng nghe các vị khác nói về Hệ phái.

2.3. Các vị thuyết trình trong Hệ phái đều tiêu biểu và phát tâm, không có cưỡng ép theo chế độ đại diện bắt buộc, đáp ứng nhu cầu học của học chúng.

3. Hội chúng

3.1. Số lượng trụ trì các giáo đoàn Tăng về tham dự quá ít. Có vị dự được 1 ngày, 2 ngày, có vị dự được 5 ngày, có vị dự trọn vẹn 7 ngày.

3.2. Hội chúng chư Ni tương đối ổn định hơn. Các vị đi dự hầu hết đúng theo danh sách đã gởi cho Ban Tổ chức.

3.3. Hội chúng hành giả an cư tại Pháp viện chưa tham gia đầy đủ như danh sách An cư (ngoại trừ một số vị có bổn phận).

4. Nội dung khóa học

4.1. Đúng với mục đích của Ban Tổ chức hoạch định: Nghĩa là bồi dưỡng cho các vị trụ trì đường lối tư tưởng của Hệ phái, và trang bị cho các vị trụ trì những điều cần thiết và bổ ích để các vị chưa trụ trì trở thành một vị thầy, một vị trụ trì đúng nghĩa.

4.2. Nội dung phong phú: Đề tài đa dạng và được nhìn dưới nhiều góc độ. Tuy nhiên, nhiều vấn đề liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp đến trụ trì vẫn còn bỏ ngỏ.

4.3. Các bài thuyết trình nên đưa ra những khó khăn không giải quyết nổi, hoặc là giải quyết được cái này thì mất cái kia. Đứng trước phương tiện và cứu cánh, tự lợi và lợi tha, xã hội và Hệ phái/ Giáo hội, điều nào được điều nào mất, chúng ta phải làm sao? Hy vọng rằng, khóa Bồi dưỡng trụ trì sang năm sẽ có nhiều tình huống mà tất cả chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết.

4.4. Đề nghị: Khóa học sang năm tăng cường các vấn đề của Hệ phái: Văn hóa, Giáo dục, Nghi lễ, Truyền thông... góp phần cho 13 Ban, Viện Trung ương được hoàn thiện trong phạm vi Truyền thống Hệ phái.

5. Phân bổ thời lượng và thảo luận

5.1. Phân bổ thời lượng hợp lý. Mỗi vị tối thiểu 30 phút. Có những vị Tôn túc được ưu tiên 1 tiếng hoặc 1 tiếng 30 phút, hoặc nhiều hơn nữa, đáp ứng mong mỏi của đại chúng được nghe ý kiến, chỉ đạo từ các vị.

5.2. Thời gian thảo luận: Hợp lý. Đây là thời gian để đại chúng không có tham luận có cơ hội trình bày quan điểm của mình qua cách đặt vấn đề và chia sẻ cách giải quyết vấn đề. Còn nhiều vị Tăng Ni có câu hỏi, trăn trở nhưng chưa mạnh dạn đặt câu hỏi. Có vị cho rằng nên có thời gian thảo luận nhiều hơn nữa, nhưng khi có thời gian, các Tăng Ni lại im lặng.

5.3. Thảo luận nhóm và đúc kết: Cách làm này mới, tạo cho chư Tăng đóng góp ý kiến của mình cho từng Giáo đoàn trong Hệ phái và tạo điều kiện cho chư Ni ngồi lại với nhau khi không có chư Tăng, thể hiện sự đoàn kết và nhất trí trong quá trình thực hiện các hoạt động Phật sự trong Hệ phái.

6. Một số đúc kết

6.1. Thống nhất một số danh xưng:

+ Không sử dụng khái niệm “Sư trưởng” cho quý Đức Thầy/ Trưởng lão của các Giáo đoàn hoặc cho Đệ nhất Ni trưởng Huỳnh Liên. Danh xưng “Sư trưởng” chỉ được dùng cho Tổ sư Minh Đăng Quang, hoặc trong cách tôn xưng quý kính trong Hệ phái “Sư trưởng Minh Đăng Quang”.

+ Vì chúng ta là thế hệ con cháu, không dùng từ “Tôn sư” để chỉ cho Tổ sư Minh Đăng Quang. Nhưng cũng không xưng tán quá mức “Đức Tổ sư Minh Đăng Quang - Giáo chủ cõi Ta-bà”.

+ Không sử dụng khái niệm “Đức Sư Bà” trong văn bản hành chánh, hoặc trong văn nói mang tính trịnh trọng. Nên dùng Ni trưởng + tên của vị đó. Ví dụ cố Ni trưởng Ngân Liên (hay Ni trưởng số 5 cũng là cách riêng của Hệ phái để khẳng định vị trí của Ni trưởng trong Ni đoàn Hệ phái Khất sĩ Việt Nam).

6.2. Chúng ta cần nên phân lập rõ ràng về thứ lớp trong thờ tự. Đức Tổ sư không thể thờ ngang bằng với chư Đức Thầy/ Ni trưởng.

6.3. Một số ý kiến đóng góp không giải quyết được, các vị Thư ký trong Hệ phái (Tăng và Ni) cần ghi lại cụ thể và sẽ trình lại chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái trong phiên họp sắp tới.

6.4. Cần nên thống nhất tiêu chí một vị Tỳ-kheo có đủ tư cách được Hệ phái bổ nhiệm:

- Bao nhiêu giới lạp?

- Bao nhiêu hạ lạp?

- Tư cách (được Đại chúng tín nhiệm bao nhiêu phần trăm? )

- Trình độ học vấn?

- Trình độ Phật học?

- Tham dự bao nhiêu khóa “Bồi dưỡng trụ trì” ?

- Tham dự bao nhiêu khóa tu “Truyền thống Khất sĩ” ?

- Đánh giá đúng mức (về vị sắp trụ trì) về sự am tường của vị ấy về giới luật, kinh văn và luận thư?

- Sau khi được bổ nhiệm trụ trì rồi, nhưng nếu vì những vấn đề sau thì Hệ phái phải xử lý như thế nào?

+ Làm mất uy tín Tăng đoàn (tiếng xấu đồn xa).

+ Không thể hiện sự hòa hợp với Đại Tăng Hệ phái Khất sĩ và Giáo hội.

+ Không có người đến cầu pháp làm đệ tử.

+ Không có người đến quy y (Cần phải thống kê mỗi năm được bao nhiêu người quy y gởi về Ban Lãnh đạo Giáo đoàn).

+ Không xây dựng, tu bổ đạo tràng Tam Bảo.

-          Có nên chăng, chúng ta phải liên kết với Giáo hội để một vị được bổ nhiệm trụ trì, ngoài thủ tục hành chánh của Giáo hội phải làm, cần được sự thống nhất, thông qua của Giáo đoàn và Hệ phái?

-          Thời gian bổ nhiệm trụ trì khoảng 5 năm. Nếu làm tốt thì gia hạn lên?

7. Một số ý kiến của chư Tăng tham dự thảo luận nhóm

7.1. Đưa các vấn đề Tăng sự như xin mở Giới đàn riêng, Tăng tịch mang tính nội bộ, khi được Giáo hội tấn phong giáo phẩm được Hệ phái thông qua để Hệ phái dễ quản lý, từ đó Giáo hội quản lý nhân sự Hệ phái tốt hơn.

7.2. Chúng ta sẽ làm Tăng tịch, bên trái do Giáo đoàn ký, bên phải do Hòa thượng Giác Toàn đại diện ký (bên Ni cũng tương tự, một bên do chư Tôn đức Ni ký, bên phải do HT. Giác Toàn ký).

7.3. Giấy thông tin (nếu không có gì thay đổi) sẽ được gởi về các vị trụ trì và sẽ gởi lại cho Ban Thư ký.

8. Một số ý kiến của chư Ni đã đưa ra thảo luận nhóm

Nội dung thảo luận nhóm có nhiều vấn đề, vừa mang tính hướng giải quyết, vừa mang tính gợi mở thảo luận. Vì là đầu tiên, nên chư Tôn đức Ni phần lớn im lặng, nhưng chưa được sự đồng thuận của tất cả. Đó cũng là quy luật tất yếu của tổ chức.

9. Các nhận xét và kiến nghị trong Phiếu nhận xét và góp ý

Với tinh thần đóng góp để tổ chức Hệ phái mỗi ngày một kiện toàn, tốt hơn, các vị trụ trì và cả các vị hành giả An cư ở các Hạ trường đã đóng góp ý kiến để chư Tôn đức Giáo phẩm tham khảo. Có nhiều ý kiến rất xác đáng và Ban Tổ chức sẽ rút kinh nghiệm để cho khóa Bồi dưỡng trụ trì sang năm tốt hơn. Song, cũng có một số ý kiến mang tính duy lý và không thực tiễn trong giai đoạn hiện nay của Hệ phái. Tuy vậy, đó là các tâm nguyện, thể hiện niềm mơ ước về một Hệ phái Khất sĩ chân tu thật học, và là niềm tự hào khi nghĩ về và khi được sống chung.

10. Quỹ Pháp học Khất sĩ

Quỹ được sự tham gia ủng hộ của một vài vị thành viên mới. Trong những ngày qua, Quỹ Pháp học Khất sĩ đã nhận được sự ủng hộ 150.000.000đ (một trăm năm mươi triệu đồng). Cộng với số tồn còn lại từ năm 2015 là 181.000.000đ (một trăm tám mươi mốt triệu đồng). Như vậy thiếu khoảng 250.000.000đ (hai trăm năm mươi triệu đồng chẵn). Dựa theo số liệu chúng con đã gởi năm ngoái, năm nay Quỹ sẽ gởi đến huynh đệ Tăng Ni Khất sĩ đang du học ở các nước và đang học ở trong nước là 600 triệu đồng. Dự kiến, ngày 20/9/2016, Quỹ sẽ phát học bổng cho Tăng Ni. Rất mong nhận được sự ủng hộ của chư Tôn đức Tăng Ni.

THAY LỜI KẾT

Kính bạch đại chúng,

Một tuần trôi qua trong sự hòa hợp giữa chư Tăng và Ni, tái khẳng định đường lối Y bát Chơn truyền của Phật Tăng xưa, ngang qua những lời dạy của Tổ sư Minh Đăng Quang, được chư Tôn đức Tăng Ni trân trọng trích dẫn trong các bài thuyết trình. Điều đó nói lên tâm đạo dồi dào, nhiệt tâm tha thiết của chư Tôn đức Tăng Ni Khất sĩ tham dự khóa Bồi dưỡng trụ trì này.

Những biểu hiện của tâm đức từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha, bao dung, độ lượng, tùy cơ giáo dưỡng để đào tạo thế hệ kế thừa tương lai, đền ân Tam Bảo mà một vị trụ trì cần huân dưỡng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những vị trụ trì đã làm hoặc sẽ làm trụ trì. Thật là một nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng.

Những kiến thức thế gian để ứng cơ tiếp vật, nhậm vận tùy duyên, thuyết giảng kinh pháp, để hoàn thành nhiệm vụ được giao đối với xã hội mà vẫn giữ được đường lối tông chỉ của Phật -Tổ - Thầy, đòi hỏi vị trụ trì phải có trí tuệ để giải quyết, là việc làm không phải dễ đối với mọi người.

Một Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát triển tốt đẹp là nhờ sự phát triển đồng bộ của các Hệ phái. Một Hệ phái phát triển là nhờ sự phát triển đồng bộ của các Giáo đoàn. Mỗi Giáo đoàn phát triển là nhờ sự phát triển của từng tịnh xá. Tịnh xá phát triển là nhờ các vị trụ trì. Nói tóm lại, trụ trì đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển Đạo pháp.

Kính chúc chư Tôn đức Giáo phẩm mãi là những tàng cây thạch trụ của Phật pháp, là hải đăng định hướng cho những con thuyền Bát-nhã vượt trùng dương cập bến bờ giải thoát, phụng sự chúng sanh, đền ơn Phật – Tổ.

NAM MÔ HOAN HỶ TẠNG BỒ TÁT MA HA TÁT