Báo cáo tóm tắt khóa Bồi dưỡng trụ trì lần 14

Kính bạch chư Tôn đức Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái,

Kính bạch chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái và các Giáo đoàn,

Kính bạch chư Tôn đức trụ trì,

Kính thưa đại chúng,

Khóa Bồi dưỡng trụ trì lần thứ 14 PL. 2561 – DL. 2017 được tổ chức tại Pháp viện Minh Đăng Quang từ ngày 18 đến 24 tháng 4 năm Đinh Dậu (13-19/05/2017) với chủ đề: “Đường lối của Tổ sư Minh Đăng Quang và những giải pháp thực tiễn đối với thực trạng của Tăng Ni Khất sĩ ngày nay” được diễn ra trang nghiêm, trọng thể và thành công.

Về Ban Tổ chức, gồm có:

Ban Chứng minh: HT. Giác Nhường, HT. Giác Tường, HT. Giác Phúc, HT. Giác Ngộ, HT. Giác Lai.

Ban Chủ tọa - Điều hành: HT. Giác Giới, HT. Giác Toàn, HT. Giác Hà, HT. Giác Pháp, HT. Giác Phùng, HT. Giác Sơn, HT. Giác Nhân.

Ban Trị sự: HT. Minh Thuấn, TT. Minh Hóa, ĐĐ. Minh Liên, ĐĐ. Minh Đạo.

Ban Thư ký: ĐĐ. Giác Hoàng, ĐĐ. Giác Nhẫn, SC. Hòa Liên (Ngọc Túc), SC. Trí Liên (Ngọc Kỳ), SC. Hạnh Liên (Ngọc Phương), SC. Hoa Liên (Ngọc Trung).

Số lượng tham dự: Tăng 64 vị (Giáo đoàn I: 6 vị. Giáo đoàn II: 11 vị. Giáo đoàn III: 13 vị. Giáo đoàn IV: 8 vị. Giáo đoàn V: 18 vị. Giáo đoàn VI: 7 vị).

Ni giới Khất sĩ: Ni giới Tổ đình Ngọc Phương: 67 vị. Ni giới Giáo đoàn IV: 54 vị (Phân đoàn 1: 15 vị, Phân đoàn 2: 18 vị, Hội chúng cố Ni trưởng Ngân Liên: 16 vị, Hội chúng cố NT. Cung Liên: 6 vị). Ni giới Giáo đoàn III: 32 vị. Ni giới Giáo đoàn I: 16 vị. Ni giới Giáo đoàn VI: 16 vị.

Tổng cộng: 64 (Tăng) + 186 Ni = 250 vị.

Chương trình làm việc buổi sáng từ 7g30 đến 10g30, buổi chiều từ 13g30 đến 16g30.

Số lượng giảng sư: Có 16 vị giảng sư tham gia giảng giải, chia sẻ giáo pháp, và kinh nghiệm tu học, hoằng pháp, trong đó có 3 vị từ Trung ương Giáo hội, 13 vị trong Hệ phái (7 Tăng và 6 Ni).

Sau đây là bản tóm tắt nội dung theo trình tự thời gian mà chư Tôn đức giảng giải:

HTTriQuang a

Ngày thứ nhất (ngày 18/04 Đinh Dậu)

Đáp lời kiền thỉnh của Ban Tổ chức, sáng ngày 18/04, HT. Thích Trí Quảng (Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN) quang lâm chứng minh Lễ Khai mạc khóa Bồi dưỡng Trụ trì và sách tấn hội chúng. Mở đầu buổi nói chuyện, Hòa thượng đã nhắc lại một thoáng hồi ức về quá khứ của ngôi Pháp viện Minh Đăng Quang, trước đây chỉ là bãi rác của Thành phố, nay trở thành ngôi phạm vũ trang nghiêm. Từ sự thay đổi này, Hòa thượng sách tấn chư Tăng Ni về sự kỳ diệu của việc chuyển hóa nơi tự thân của mỗi người từ bất thiện trở nên hiền thiện, từ tham, sân, si trở nên giới, định, tuệ. Hòa thượng nhắc nhở vị trụ trì phải thực sự chuyển hóa như vậy mới có đủ phạm hạnh, trí lực, tài lực, bi lực để tự lợi, lợi tha. Lời nhắc nhở ân cần và gần gũi của Hòa thượng thấm vào lòng người để mỗi người đứng đầu ngôi già lam ý thức rõ hơn vai trò và trách nhiệm của mình đối với tự thân và tha nhân.

HTGiacGioi

Thời gian còn lại của buổi sáng và buổi chiều, HT. Giác Giới đã trình bày với đại chúng tông chỉ: Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” của đức Tổ sư Minh Đăng Quang. Trước khi bàn về nội dung cốt lõi là con đường hành trì Chánh pháp, Hòa thượng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc định hướng trên con đường tu tập. Cũng như thuyền ra khơi cần la bàn, người xuất gia cần định hướng đúng với Chánh pháp. Để đại chúng hiểu rõ “Chánh pháp là gì”, Hòa thượng dẫn dắt lại lịch sử đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ khi rời cung vàng điện ngọc đi tầm đạo, thấy đạo, tu đạo và chứng đạo. Chánh pháp (Bát Chánh đạo) có hữu lậu và vô lậu (Đại kinh Bốn mươi trong Trung Bộ Kinh). Người tu học nếu không trạch pháp tường tận, thường nhầm lẫn Chánh pháp hữu lậu với Chánh pháp vô lậu. Hòa thượng cũng nhắc nhở đại chúng nên cố gắng tu tập Chánh pháp vô lậu để sớm đạt được tri kiến như thật (Nhập Lưu) để rồi giải thoát hoàn toàn.

HTHueThong 1

Ngày thứ 2 (19/04 Đinh Dậu)

Buổi sáng, HT. Thích Huệ Thông (Ủy viên Thư ký HĐTS kiêm Phó Văn phòng 2 Trung ương GHPGVN) viếng thăm đại chúng và chia sẻ đề tài Vai trò của trụ trì trong việc quản lý, điều hành, hoằng pháp trong thời hội nhập và phát triển”. Hòa thượng đã nhắc lại dòng chảy Phật giáo thế giới trong việc quản lý tự viện. Thời Phật tại thế, chư Tăng Ni chuyên tâm tu học, hành đạo tùy duyên, nghỉ dưới cội cây, cốc, hang, rừng vắng, nhà trống… thực tập thiền chỉ và thiền quán để đạt được bản thể chơn như, chứng thành đạo quả, truyền lưu mạch pháp, lợi ích chúng sinh. Đến thế kỷ thứ VIII, Tổ Bách Trượng ở Trung Hoa, vì số lượng Tăng chúng quá đông, đã chế thanh quy, tạo nên bản lề cho các vị trụ trì và Tăng chúng trong một tự viện của Phật giáo. Hòa thượng phân tích hai chức năng “Y báo trụ trì” và “Chánh báo trụ trì” để các vị trụ trì cũng như chư Tăng Ni hiểu rõ, xác định lại trách nhiệm của mình. Trong đời sống hiện đại ngày nay, vị trụ trì càng cần phải nâng cao trình độ và chức năng của mình hơn, cũng như vị bác sĩ đa khoa, tùy duyên hóa độ, hướng dẫn đệ tử xuất gia và tại gia tu học trong Chánh pháp của Phật, Tổ, Thầy. Đặc biệt, Hòa thượng nhắc lại “Bảy pháp diệt tránh” trong giới luật của Phật là những pháp tuyệt vời làm cho đời sống tu tập của đại chúng hòa hợp, an lạc mà hiện nay tổ chức Liên Hiệp Quốc tôn vinh và đang cố gắng thực hiện.

Trong buổi sáng cùng ngày, TT. Giác Duyên chia sẻ với đại chúng đề tài: Tìm hiểu Thiền trong Chơn lý của Tổ sư”. Thượng tọa giới thiệu 40 đề mục thiền định mà Tổ sư đã viết trong “Pháp học Sa-di 2”, và lịch sử truyền thừa thiền tông tại Trung Quốc. Thượng tọa cũng trình bày một số điểm tương đồng giữa thiền ý và thiền pháp của Phật giáo Phát triển và trong Chơn lý mà đức Tổ sư đã trình bày. Qua sự trình bày của Thượng tọa, chúng ta thấy phương pháp thực hành thiền của đức Tổ sư là một sự dung hợp, chắt lọc và tinh chiết từ truyền thống thiền nguyên thủy và thiền tông từ Trung Quốc truyền vào Việt Nam.

Buổi chiều, Đại đức Giác Hoàng trình bày: “Các hoạt động Phật sự Hệ phái năm 2016-2017” “Một số đề xuất về Nội quy các ban trong Hệ phái”. Trong phần 1, Đại đức đã khái lược và thống kê các hoạt động chính của Hệ phái trong một thời gian dài như Khóa tu Truyền thống Khất sĩ; khóa tu Bồi dưỡng Đạo hạnh; khóa Bồi dưỡng Trụ trì; trang web Hệ phái; tháp Hồng ân... Đại đức cũng nêu lên một số vấn đề cần khắc phục để các hoạt động Phật sự đi vào nề nếp và hệ thống hơn. Đồng thời, Đại đức thông báo đến toàn thể đại chúng các hoạt động Phật sự sắp tới của Hệ phái như Hội thảo Khoa học Quốc tế với chủ đề Vùng ASEAN và Nam Á: Nơi giao hòa của văn hóa và Phật giáo ở Đông Nam Á từ ngày 10-12 tháng 7 (nhằm 16-18/6 âm lịch) được tổ chức tại Pháp viện Minh Đăng Quang, tiếp theo là Đại lễ Khánh thành Pháp viện Minh Đăng Quang và lễ Đại tường Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên, được tổ chức vào ngày 18 -20 tháng 6 âm lịch. Sau phần báo cáo, Đại đức cũng đưa lên một số đề xuất về Nội quy các Ban dựa trên thực tế phát sinh trong Tăng đoàn Khất sĩ, nhằm ổn định đời sống tu học cho Tăng Ni Hệ phái.

Cũng trong buổi chiều cùng ngày, Ban Truyền thông Hệ phái chính thức ra mắt nhằm góp phần truyền bá giáo pháp Phật nói chung và đường lối của Tổ sư Minh Đăng Quang nói riêng, góp phần xương minh vườn hoa văn học và văn hóa Phật giáo ngày một rực rỡ hơn.

HTToan 2

Ngày thứ 3 (20/04 Đinh Dậu)

Buổi sáng, HT. Giác Toàn (Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, Giáo phẩm Hệ phái kiêm Trưởng ban Tổ chức) đến với đại chúng qua đề tài: "Trách nhiệm của vị trụ trì trong việc định hướng tu tập và hoằng hóa trước thời duyên”. Hòa thượng nhấn mạnh rằng người trụ trì cần làm gương cho Tăng Ni đệ tử, nam nữ cư sĩ qua thân giáo, khẩu giáo và ý giáo. Một vị trụ trì trong Hệ phái Khất sĩ cần phải thực hành đúng với tôn chỉ của giáo pháp Khất sĩ, lấy Giới Định Tuệ làm nền tảng của sự tu tập. Hòa thượng cũng nhắc nhở chư vị trụ trì và Tăng Ni về sứ mạng hoằng pháp lợi sinh trong thời kỳ công nghệ phát triển qua các lĩnh vực tu tập, tổ chức khóa tu, giáo dục, văn hóa, ứng dụng công nghệ... Với một bài giảng trích dẫn nhiều lời dạy của Tổ sư, Hòa thượng đã khẳng định đường lối của Tổ sư Minh Đăng Quang luôn tương hợp với giáo pháp Phật trong mọi thời đại. Một vị trụ trì ngày nay cần vận dụng uyển chuyển tinh thần vô chấp, vô ngã của nhà Phật để tùy duyên hóa độ, nhưng cũng không quên phần mục đích tối hậu là giải thoát của chính mình.

Buổi chiều, HT. Giác Sơn đưa ra vấn đề Khất sĩ và thời đại” để nhắc nhở các vị trụ trì ý thức vai trò hiện nay của mình. Dẫu xã hội thời cuộc biến đổi thế nào, việc tu học, hành trì giáo pháp của một vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni vẫn không hề thay đổi, vẫn đi trên lộ trình Giới Định Tuệ, vẫn luôn thuộc Chủng tộc Sa-môn, mới xứng đáng với chức năng thiêng liêng và danh hiệu: Khất sĩ, bố ma, phá ác.

Buổi chiều cùng ngày, NT. Hiệp Liên trình bày đề tài: Tinh thần tu tập của người Khất sĩ và vấn nạn kinh tế trong tịnh xá ngày nay”. Đây là một đề tài nan giải và cấp thiết tại nhiều tịnh xá Khất sĩ ngày nay, rất cần có biện pháp khắc phục. Ni trưởng nhắc lại tinh thần tu học cao thượng mà đức Tổ sư tán thán như tinh thần khiêm cung, vô ngã vị tha, Văn Tư Tu, bố ma - phá ác được trình bày trong Chơn lý. Đứng trước một số ngôi tịnh xá quá chú trọng đến buôn bán làm ăn phục vụ cho xây cất, Ni trưởng đã trưng dẫn lại nhiều lời dạy của Tổ sư trong Chơn lý114 điều răn để truyền đến đại chúng một cảnh báo rằng, cách hành đạo ngày nay trong một số ngôi tịnh xá đi lệch với truyền thống của chư Phật ba đời và Tổ sư Minh Đăng Quang. Đó là những dấu hiệu Phật pháp suy vi, cần phải có biện pháp mạnh để kịp thời chấn chỉnh và khắc phục.

HTThienNhon a

Ngày thứ 4 (21/04 Đinh Dậu)

Tuy bận nhiều Phật sự, HT. Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN, vẫn dành thời gian đến thăm hội chúng và ban pháp từ qua đề tàiÝ nghĩa trụ trì”. Hòa thượng phân tích sâu sắc về vai trò trụ trì qua bốn phương diện: Cơ sở trụ trì, Phật pháp trụ trì, Quyến thuộc trụ trì Bản thể trụ trì. Với lối diễn đạt dễ hiểu và dùng nhiều thi ca để trình bày, Hòa thượng đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của một vị trụ trì trong thời đại. Người trụ trì không chỉ là người quản lý cơ sở vật chất, mà còn là vị “trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng”, duy trì mạng mạch của Phật pháp, thắp sáng đèn thiền của chư Tổ sư và tiền hiền đã dày công gầy dựng.

Tiếp theo, NT. Thông Liên – Trưởng Phân đoàn 1 GĐ IV trình bày Đường lối của Tổ sư trong Chơn lý và những giải pháp thực tiễn đối với thực trạng Tăng Ni Khất sĩ ngày nay”. Ni trưởng đã giới thiệu tinh thần “Sống chung tu học” của Tổ sư Minh Đăng Quang như là một trong những nếp sống lục hòa mà đức Phật đã từng chỉ dạy cho Tăng chúng. Đồng thời, Ni trưởng đã vạch ra đường lối của Tổ sư Minh Đăng Quang về hạnh du phương giáo hóa, khất thực trì bình để vừa tự lợi vừa lợi tha. Ni trưởng cũng đưa ra thực trạng Tăng Ni trẻ ngày nay thiếu pháp hành, không nghiêm túc trì giới, đang bị nhiễu tâm bởi những vật dụng không thích hợp với người tu, hoặc sử dụng trang mạng Internet không đúng cách, buông lung tự ý xây thất ở riêng... Ni trưởng cũng trình bày nguyên nhân và giải pháp thực tiễn là kêu gọi Tăng Ni hãy khép mình trong nếp sống thiền môn. Đồng thời, các bậc thầy và các vị có tuổi đạo lớn hơn cần phải yêu thương quan tâm đến các Tăng Ni trẻ hơn, chú trọng đến việc dạy pháp hành cho đệ tử ngay sau khi vừa mới xuất gia,.

HTPhap

Buổi chiều, HT. Giác Pháp đã chia sẻ với đại chúng đề tài: Các vấn nạn của Hệ phái Khất sĩ ngày nay và giải pháp”. Nhiều vấn đề nhạy cảm, tinh tế được Hòa thượng khéo léo trình bày nhằm nhắc nhở, cảnh tỉnh cho chư Tăng Ni Khất sĩ. Đời sống vật chất, kỹ thuật công nghệ hiện đại ngày nay đã tác động khá lớn đối với Tăng Ni Khất sĩ nói riêng và giới Tăng sĩ Phật giáo nói chung. Hòa thượng đưa ra một số thực trạng tiêu biểu như sự phát triển tư hữu cá nhân, cất thất ở riêng, tách rời giáo đoàn, không quan tâm đến việc chăm lo phát triển tịnh xá nơi mình đang tu học hoặc Giáo đoàn, Hệ phái. Có trụ trì theo khuynh hướng “gia đình hóa” ngôi tịnh xá, chuyên quyền, độc tài, mất đi ý nghĩa chữ “Tăng-già”, tức là hòa hợp chúng. Nhiều vị trụ trì không có khả năng quản trị ngôi tịnh xá của mình và tu học theo tà mạng, thiên về vật chất, tài sản thế tục... Ngoài ra, tình trạng Tăng Ni lệ thuộc vào mạng Internet, xao lãng việc tu đến mức báo động. Hòa thượng đưa ra một số giải pháp thiết thực để điều chỉnh lại những vấn nạn nguy hiểm, góp phần định hướng cho sự phát triển của Hệ phái.

Ngày thứ 5 (nhằm 22/04 Đinh Dậu)

HT. Giác Giới tiếp tục chia sẻ với đại chúng đề tài Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”. Hòa thượng nói tiếp phần Ý nghĩa “Nối truyền Chánh pháp” vô lậu, trong đó “Quyết định tánh” có tầm quan trọng đối với việc định hướng và thành tựu đạo quả giác ngộ giải thoát. Hòa thượng trích lại kinh “Diệu Pháp” trong phẩm Năm pháp thuộc Tăng Chi Bộ Kinh, làm kim chỉ nam trong hành trình tu tập của đại chúng. Hòa thượng cũng nêu lên nguyên nhân dẫn đến thực trạng sút giảm đạo hạnh. Hòa thượng cho rằng, chỉ có chuyên tu là giải pháp khả thi nhất trong bối cảnh ngày nay.

Buổi chiều NT. Cảnh Liên trình bày vấn đề Tinh thần ‘Phép Tăng chẳng lìa đoàn’ của Tổ sư Minh Đăng Quang” dựa trên nền tảng kinh điển, bộ Chơn lý, Luật Khất sĩ114 điều răn của đức Tổ sư Minh Đăng Quang. Trong thời Phật, Tăng Ni hành đạo đều có sự chỉ dạy và cho phép của đức Phật. Đến thế kỷ XX, đức Tổ sư thiết lập thêm 114 giới điều trực tiếp giáo dưỡng cho Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ, trong đó có đề cập rất rõ ràng các quy định không được lìa đoàn. Ni trưởng cũng đưa ra các nguyên nhân thực tiễn về việc Tăng Ni, đặc biệt Tăng Ni trẻ lìa đoàn lập thất, cốc tu riêng. Bài thuyết trình của Ni trưởng thể hiện sự tha thiết, trăn trở, ưu tư của một Ni trưởng sống nhiều năm trong đạo và nhìn thấy những biến thái đáng lo ngại của Tăng Ni ngày nay. Mong rằng, chư Tăng Ni Khất sĩ quay về với giới luật Phật, giới luật của Tổ để trang nghiêm tự thân và trang nghiêm Giáo hội.

Trong buổi chiều cùng ngày, SC. Trí Liên trình bày Vấn đề sử dụng Facebook của Tăng Ni ngày nay”. Đề tài này mang tính thời thượng và là một trong những vấn đề nhức nhối khó giải quyết đối với Tăng Ni trẻ ngày nay. Ngang qua bài viết, chúng ta nhận thấy Sư cô đã dành thời gian nghiên cứu và đưa ra những luận cứ hết sức thuyết phục về những lợi ích cũng như những tác hại không lường của trang mạng xã hội Facebook. Sư cô đưa ra nhiều trích dẫn từ trong kinh văn Nikaya và 114 điều răn của Tổ sư liên hệ đến vấn đề này nhằm định hướng cho các Tăng Ni trẻ, những vị “đạo chưa thấm, đời chưa phai”, những vị còn đang trong tuổi học pháp, nên ý thức rõ về sự lợi hại của các trang mạng xã hội, để giữ cho Bồ-đề tâm được trong sáng. Sư cô cũng gợi ý một số giải pháp nhằm hỗ trợ cho Tăng Ni trẻ hạn chế việc lạm dụng facebook làm ảnh hưởng đến sự tu học. Đây là một bài viết công phu mang tính học thuật, mà cũng mang tính “trải lòng”, hết sức cần thiết đối với Tăng Ni Khất sĩ ngày nay, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, thâm nhập vào mọi ngõ ngách trong cuộc sống, mà Tăng Ni Khất sĩ là một bộ phận bị ảnh hưởng không nhỏ.

NTKhiem

Ngày thứ 6 (nhằm 23/04 Đinh Dậu)

Sáng, NT. Khiêm Liên thuyết trình đề tài:Giải pháp thực tiễn đối với thực trạng của Tăng Ni Khất sĩ ngày nay”. Ni trưởng nêu lên một số vấn nạn mà Tăng Ni trẻ đang học ở các học đường, làm cho uy tín của Tăng đoàn bị ảnh hưởng. Ni trưởng cũng nêu rõ ở một số tịnh xá trong Hệ phái, tình trạng các vị trụ trì cúng sao, giải hạn, truyền bá mê tín dị đoan, Phật tử tại gia hoài nghi, mất niềm tin với Tam bảo... Ni trưởng cũng đề cập đến những giáo pháp căn bản về Tứ đế, Bát chánh đạo, Tứ Niệm xứ, Chánh niệm... để người con Phật không lạc vào tà pháp, mà tu theo đúng Chánh pháp, góp phần xương minh Chánh pháp.

Buổi chiều, HT. Giác Nhân đã “Đóng góp một số ý kiến về các vấn nạn và giải pháp mà chư Tôn đức đã trình bày và thảo luận”. Hòa thượng nói, làm thế nào không bị lạc hậu trước sự phát triển của khoa học kỹ thuật như vũ bão hiện nay, nhưng vẫn giữ được bản sắc (hình thức và nội dung) của một vị Tăng Ni trẻ (hay là một vị đã ở trong giáo pháp nhiều năm).

Hòa thượng đưa ra một số giải pháp đối với một số vấn nạn mà chư Tôn đức trăn trở. Ví dụ, vẫn cho Tăng Ni sử dụng điện thoại, nhưng Tăng Ni nào mới được sử dụng và loại điện thoại nào cho đối tượng nào. Tương tự như vậy, các Tăng Ni phải được đào tạo để bắt kịp tri thức thời đại và phải uyên thâm Phật pháp để truyền lưu cho thế hệ sau, nhưng điều đáng nói là đối tượng nào được đi học, bao nhiêu hạ và phẩm hạnh ra sao... mới là điều cần yếu mà một vị trụ trì hoặc chư Tôn đức Giáo phẩm nên quan tâm để đào tạo người kế vãng khai lai mà vẫn giữ được bản chất đạo của vị ấy.

HT.GiacHa

Ngày thứ 7 (ngày 24/04 Đinh Dậu)

Buổi sáng, HT. Giác Hà – Giáo phẩm Hệ phái đã thăm, ban những lời khích lệ và sách tấn vô cùng có giá trị. Hòa thượng trình bày những trăn trở ưu tư, khắc khoải về tương lai của Hệ phái Khất sĩ. Cơ sở tự viện của Hệ phái ngày nay cũng đã nhiều. Cơ sở Pháp viện Minh Đăng Quang thì khang trang, đồ sộ; nhưng nếu sau này Hòa thượng Giác Toàn trăm năm theo Phật, ai là người gánh vác Phật sự lớn lao này?

Hòa thượng cũng trăn trở về trách nhiệm của các vị trụ trì nhận nuôi đệ tử như thế nào để chúng Tăng có thể quý kính và nương tựa tu học. Hòa thượng tha thiết kêu gọi các vị trụ trì nên suy nghĩ về trách nhiệm cao quý của mình đang đảm trách, phải làm sao vừa lo xây dựng cơ sở vật chất, mà vẫn giữ được tinh thần tiếp chúng độ sanh, không quên bổn hoài xuất gia của mình mới đúng nghĩa một vị trụ trì.

Cùng buổi sáng ngày 24, NT. Mai Liên – Trưởng ban Quản chúng Ni giới Giáo đoàn IV với đề tài: “Nghĩ gì trước thực trang của Tăng ni Hệ phái Khất sĩ hiện nay trong giáo pháp Khất sĩ?” Nội dung đề tài gồm 4 phần: 1) Quan điểm đường lối tu tập của Tổ sư; 2) Tăng Ni phải y theo đường lối của Phật- Tổ tu tập; 3) Tầm quan trọng của giới luật đối với hàng xuất gia; 4) Những giải pháp khả thi. Trong phần thứ 4, Ni trưởng nhấn mạng đến tình trạng các Tăng Ni ra ngoài cất thất riêng, khiến cho Tăng đoàn không còn hòa hợp như xưa là một nỗi đau mà chúng ta cần xem xét để hạn chế bớt tình trạng bất ổn này. Trong bài trình bày này, Ni trưởng đã trích dẫn nhiều đoạn Chơn lý để minh định lời dạy của Tổ sư là “nên tập sống chung tu học”.

Buổi chiều, HT. Giác Toàn, Trưởng ban Tổ chức, đã đến thăm và giải đáp một số trăn trở ngang qua những câu hỏi của đại chúng. Với 5 câu hỏi và đề xuất tiêu biểu liên hệ đến nội dung chủ đề như: 1) Xin thành lập trung tâm chuyên tu của Hệ phái, 2) Xin Hệ phái nên quy định rõ về một số nội quy liên hệ đến việc sử dụng điện thoại, điện thư, facebook... đối với các vị còn nhỏ hạ hoặc mới tu; 3) Một số vị trụ trì không có năng lực lãnh đạo và hướng dẫn Phật tử thì Giáo đoàn và Hệ phái có biện pháp gì không?; 4) Một số vị có trong danh sách Giáo phẩm Hệ phái, nhưng không làm gương cho đại chúng, vậy Hệ phái có biện pháp gì không?; 5) Trong trường hợp Ban Tăng sự (Giáo đoàn) xử lý không công bằng, vậy người bị xử oan biết phải thưa với ai để giải quyết vấn đề.

Với cách trả lời dung thông có tình có lý, có trước có sau, vì lợi ích cho số đông, vì sự phát triển Bồ-đề tâm của hành giả mới tu, vì sự phát triển của Hệ phái đúng theo tinh thần của nhà Phật, Hòa thượng lần lượt nêu ra giải pháp cho tất cả các vấn đề nêu trên, khiến cho đại chúng vô cùng hoan hỷ. Sự trả lời của Hòa thượng trong buổi đúc kết này đại diện cho tiếng nói chính thức của chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái, làm nức lòng đại chúng.

MỘT VÀI NHẬN XÉT

1. Ban Tổ chức khóa Bồi dưỡng

- Các vị Giáo phẩm Hệ phái có trách nhiệm đều quan tâm sâu sát, tham dự hầu hết 7 ngày khóa Bồi dưỡng trụ trì diễn ra, ngoại trừ Phật sự quan trọng và bệnh duyên.

- Một số vị Giáo phẩm Hệ phái vì bận quá nhiều Phật sự, nhưng không nỡ bỏ lỡ Khóa Bồi dưỡng này, đã thể tinh thần với Tổ Thầy qua việc tranh thủ thời gian tham dự lễ Khai mạc và Bế mạc, là một điều đáng quý.

- Các vị được Giáo đoàn đề cử thuyết trình gởi bài về Ban Thư ký quá muộn hoặc tùy tiện thay đổi nội dung sau khi Ban Thư ký đã biên tập rồi. Việc này gây khó khăn cho Ban Thư ký trong việc biên tập lại, và do đó, vẫn còn sót một số lỗi trong cuốn Kỷ yếu lưu hành nội bộ.

- Một số vị trong Ban Thư ký của Giáo đoàn chưa có tính phối hợp và trách nhiệm cao trong việc nối kết với Ban Thư ký của Hệ phái, do đó, bộ phận Văn phòng của Hệ phái làm việc không thể tốt hơn.

- Điều kiện và tiềm năng ngoại hộ tứ sự tại Pháp viện Minh Đăng Quang rất lớn và rất tốt, nhưng cần tăng cường nhân sự và nối kết chặt chẽ hơn, để đảm bảo thành công trong khóa Bồi dưỡng trụ trì nói riêng và trong mọi Phật sự nói chung.

bemac2

2. Tình hình học tập trong hội chúng

- Số lượng chư Tăng của mỗi Giáo đoàn hơi ít và tham dự không đều so với chư Ni. Số lượng chư Ni thuộc Ni giới Hệ phái và chư Ni trực thuộc các Giáo đoàn Tăng hưởng ứng đông hơn dự kiến, và sinh hoạt rất ổn định.

- Số lượng trụ trì, Phó Trụ trì, Tri sự, hoặc những vị có chức năng trong từng tịnh xá về tham dự không nhiều. Đông hơn vẫn là Tăng Ni ở chúng, trong đó có một số vị còn rất nhỏ hạ.

- Một số vị bận Phật sự không dự được 3 ngày trở lên để đủ tiêu chuẩn của một vị tham gia khóa “Bồi dưỡng trụ trì”. Tuy nhiên, những vị này đáng khích lệ tán thán về tinh thần vì đại chúng và tinh thần học hỏi.

- Trong suốt khóa học, nhìn chung, đại chúng có tinh thần học hỏi và phát biểu chân thành. Một số Tăng Ni nhiệt tình phát biểu và đóng góp ý kiến. Một vài vị phát biểu hơi xa rời với nội dung và đề tài mà vị diễn giả vừa thuyết trình, dẫn đến quỹ thời gian của đại chúng không được sử dụng đúng mực.

3. Nội dung khóa học

Chủ đề: “Đường lối của Tổ sư và những giải pháp thực tiễn đối với thực trạng của Tăng Ni Khất sĩ ngày nay” là một chủ đề nhằm củng cố đường lối của Tổ sư Minh Đăng Quang, đồng thời nhằm chấn chỉnh những vấn nạn, thách thức mà các vị trụ trì đang đối mặt trước thời kỳ hội nhập và phát triển. Làm thế nào vừa giữ được tông chỉ, truyền thống của Giáo pháp Tổ thầy, vừa hành đạo độ sanh trong thời đại ngày nay, vẫn không vong thất Bồ-đề tâm và chí nguyện giải thoát, độ sanh của mình là một nỗ lực lớn.

Các giải pháp đã được các vị thuyết trình nêu ra khá nhiều, nhưng chưa được các vị Chủ tọa đoàn đúc kết bằng sự chỉ đạo miệng hoặc bằng văn bản để ban hành để các vị trụ trì có thể linh động áp dụng cho ngôi tịnh xá mình.

4. Ba vấn đề xin đề xuất

4.1. Hệ phái đã tổ chức các khóa tu 7 ngày Truyền thống Khất sĩ đã dần ổn định và hệ thống hơn so với trước đây, tạo điều kiện cho Tăng Ni nắm vững pháp hành và đường lối của Tổ sư Minh Đăng Quang, song ước mơ Hệ phái trong tương lai có một trung tâm chuyên tu, nơi đó có các bậc thầy am tường về pháp học lẫn pháp hành, có các pháp lữ chuyên tu có lý tưởng và hiểu biết, mới có thể dìu dắt và tế độ các vị có đồng nguyện và đồng hạnh.

4.2. Mong chư Tôn đức có những văn bản hướng dẫn căn bản và những quy định cụ thể để các vị trụ trì, ngoài giới luật và 114 điều răn, sau khi trở về từ khóa Bồi dưỡng trụ trì sẽ dễ điều hành, quản lý một ngôi tịnh xá hơn.

4.3. Nhằm định hướng việc nghiên cứu cho đề tài những năm về sau, Ban Thư ký kính đề nghị đại chúng đầu tư nghiên cứu về: Giới luật Bắc truyền, Nam truyền và Khất sĩ để khi đủ điều kiện, chúng ta có thể so sánh và tìm ra những giải pháp tối ưu trên nền tảng luật tạng đối với thực trạng ngày nay.

bemac1b

Kết luận: Khóa Bồi dưỡng trụ trì lần thứ 14 đã diễn ra từ ngày 18 đến 24 /4 Đinh Dậu tương đối thành công. Sự thành công này: 1) Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt và đúng pháp của chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái, chư Tôn đức Giáo phẩm các Giáo đoàn; 2) Nhờ sự đoàn kết hòa hợp giữa các Giáo đoàn; 3) Các vị trụ trì biết gác lại một số Phật sự không quan trọng để cùng tham gia và đóng góp, xây dựng một Tăng đoàn vững chãi.

Trước khi dứt lời, chúng con xin thành kính đảnh lễ, kính chúc chư Tôn đức Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái, chư Tôn đức trong Ban Tổ chức khóa Bồi dưỡng trụ trì, pháp thể khương an, đạo thọ diên trường, làm hải đăng định hướng cho các thủy thủ đưa lữ khách vượt trùng dương, cập bến bờ Giác ngộ, giải thoát.

Kính chúc chư Tôn đức tham dự khóa Bồi dưỡng trụ trì năm nay vô lượng an lạc, vô lượng kiết tường, thâu hoạch được nhiều đóa hoa thơm quý trong khóa Bồi dưỡng trụ trì này để làm hành trang tu học và hoằng hóa độ sanh.

Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ-tát Ma-ha-tát tác đại chứng minh.