Báo cáo tổng kết khóa "Bồi dưỡng đạo hạnh" lần 9

 NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Kính bạch chư Tôn đức Giáo phẩm, Giáo thọ Giáo đoàn chứng minh,

Kính thưa đại chúng,

Khóa tu học BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH dành cho Sa-di, Sa-di-ni và tập sự lần thứ 9 tổ chức tại TX. Ngọc Tòng – TP. Nha Trang – tỉnh Khánh Hoà từ ngày 09 đến 19/01/2015 (nhằm 19 đến 29/11 Giáp Ngọ) đến nay đã viên mãn. Thay lời Ban Thư ký khóa tu, xin báo cáo tổng kết khóa tu như sau:

BAN CHỨNG MINH KHÓA TU gồm có HT. Giác Hùng – Đệ nhất Chứng minh Giáo đoàn: Chứng minh Khóa tu; HT. Giác Thuận – Tri sự trưởng Giáo đoàn: Chứng minh Khóa tu. BAN TỔ CHỨC gồm có: TT. Giác Phùng – Tri sự phó Giáo đoàn: Trưởng ban Tổ chức khóa tu kiêm Thiền chủ; TT. Giác Trong – Trưởng ban Hoằng pháp: Phó ban Tổ chức kiêm Hóa chủ; TT. Giác Trí – Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni: Phó Thường trực ban Tổ chức khóa tu; ĐĐ. Giác Hoàng – Phó Thường trực Ban Giáo dục Tăng Ni: Chánh Thư ký; ĐĐ. Giác Phổ – Phó Thường trực Ban Hoằng pháp: Phó Thư ký; ĐĐ. Giác Nhường – Phó ban Văn hóa: Trưởng ban Quản chúng; ĐĐ. Giác Nguyệt:  Phó ban Quản chúng; NS. Tỉnh Liên – Quản chúng Ni; SC. Hiếu Liên – Thư ký chúng Ni; BAN GIÁO THỌ gồm có 10 vị đảm nhiệm giảng dạy trong suốt 10 ngày của khóa tu học.

THỜI KHÓA BIỂU VÀ NỘI QUY

Thời khóa biểu và Nội quy của khóa tu học lần này giống như những khóa trước. Bắt đầu từ 3g30 và kết thúc lúc 22g00.

Nhìn chung, Tăng Ni cố gắng theo sát thời khóa biểu và nội quy, nhưng vì có nhiều vị tập sự mới xuất gia và tu tập lần đầu, nên cũng có một số vị hành giả không theo sát chương trình tu học và chưa thực hiện đúng nội quy của Ban tổ chức đưa ra. Phần còn lại đa số đều cố gắng tu học theo sát thời khóa biểu và nội quy của Ban tổ chức.

SỐ LƯỢNG HÀNH GIẢ

Tham dự khóa “Bồi dưỡng đạo hạnh” lần này gồm có 102 vị, chư Tăng có 61 vị, bên Ni có 41 vị (trong đó Tăng có 1 vị Tỳ-kheo, 28 Sa-di và 32 tập sự nam; Ni có 1 vị Tỳ-kheo-ni, 1 Thức-xoa-ma-na, 10 Sa-di-ni và 29 vị nhập chúng & tập sự nữ) thuộc 50 đơn vị Tịnh xá, tịnh thất trực thuộc Giáo đoàn III. Đa số hành giả là những Tăng Ni trẻ tuổi, có tâm ham học, ham tu.

NỘI DUNG TU HỌC 10 NGÀY

Như thường lệ, vào đêm trước khi chính thức khai mạc khóa tu, chư Đại đức trong Ban Quản chúng họp chúng và thông qua Nội quy, Thời khóa biểu và phân chúng. Sự hội họp trong tinh thần đoàn kết hòa hợp là một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển Tăng đoàn, làm cho Phật pháp được hưng thịnh.

Vào buổi sáng ngày đầu tiên (19/11/Giáp Ngọ), khất thực hóa duyên như là một pháp truyền thống nhắc nhở hành giả – những người con của Đấng Đại Sa Môn Khất Sĩ, tạm xin vật chất để nuôi thân, xin tinh thần các pháp để nuôi trí. Sau giờ khất thực là lễ khai mạc, dưới sự chứng minh của HT. Giác Thuận – Tri sự trưởng Giáo đoàn, cũng như TT. Giác Phùng, TT. Giác Trong, TT. Giác Trí là những vị tôn túc Giáo phẩm của Giáo đoàn cùng với sự hiện diện của ĐĐ. Giác Phổ và Ni trưởng Đền Liên, Ni sư Tỉnh Liên, Sư cô Hiếu Liên và toàn thể hội chúng.

Lễ khai mạc diễn ra trong sự nghiêm trang và ấm cúng đượm nhuần lòng từ bi hoan hỷ của chư tôn đức lãnh đạo và hội chúng Tăng Ni.

NỘI DUNG CÁC BÀI GIẢNG

Buổi học đầu tiên của khóa Bồi dưỡng đạo hạnh, đại chúng được TT. Giác Trí hướng dẫn thực tập chánh niệm nơi thân - khẩu - ý. Hành giả phải trải qua một quá trình thực tập lâu dài và kiên trì mới có thể nhuần nhuyễn và thành thục. Theo Hòa thượng thì việc thực tập chánh niệm không giới hạn ở một cá nhân nào mà phải được áp dụng triệt để đối với mọi người, đặc biệt là đối với tu sĩ Phật giáo. Chánh niệm bao gồm 3 cấp độ là: chánh niệm đơn thuần, chánh niệm sâu sắc và chánh niệm chuyển hóa. Hòa thượng khuyến khích mỗi hành giả phải kiên trì thực tập ngay từ giai đoạn ban đầu mới xuất gia và phải cần nhiều nỗ lực để thuần thục, áp dụng Chánh niệm trong thập lục hạnh khi đó mới có thể chuyển hóa được những đau khổ chính trong bản thân mình.

Buổi chiều cùng ngày, Hòa thượng Giác Thuận, Tri sự trưởng giáo đoàn III, đã ân cần chỉ giáo đến hội chúng Sa-di, Sa-di-ni và tập sự nam nữ về tầm quan trọng của việc rèn luyện phẩm hạnh của Tăng – Ni trẻ thời nay để kế thừa và phát triển con đường đạo nghiệp mà chư Tổ Thầy đã dày công khai mở. Điều quan trọng cốt yếu là thế hệ xuất gia hôm nay phải luôn học hỏi theo gương hạnh của các bậc đi trước, phải nhẫn nại và kiên trì mới mong vượt qua được những khó khăn trở ngại trên đường tu, hầu đạt được mục đích cuối cùng của mình là quả vị giải thoát. Để nối tiếp con đường các bậc thầy đã đi, Hòa thượng đã hướng dẫn đại chúng thực hành chánh niệm trong oai nghi thiền hành, hình thức đi khất thực, cách thức ôm bình bát, và phương pháp nhiếp tâm trong lúc ngồi thiền. Để giữ tâm bất loạn thì hành giả tu tập nơi thân khẩu ý của mình cho thanh tịnh.

Bước sang ngày thứ hai của khóa tu, ĐĐ. Giác Viễn đến với đại chúng bằng nền tảng căn bản của Quy Y Tam Bảo thông qua cuộc đời của đức Phật với niềm tin chân chánh vào đức Phật, nương vào ánh sáng giác ngộ bằng việc thực hành Giới - Định - Huệ, để đoạn trừ tham – sân – si và diệt trừ bản ngã. Đại đức còn chia sẻ việc thực hành lời dạy của đức Phật trong đời sống tu học của mình để đến gần với con đường giảc ngộ và giải thoát. Một người xuất gia sống một cuộc đời thanh bần trong nhà đạo, không lo đến ba việc: không lo việc làm, không lo sự ăn và không lo chỗ ở, tất cả đều do cư gia bá tánh hộ trì.

Ngày tu học thứ ba, ĐĐ. Giác Nguyệt, Phó ban Quản chúng khóa tu đã hướng dẫn đại chúng thự hành pháp tịnh tâm thông qua thân – khẩu – ý. Giữ Thân trong sạch, chuẩn mực tứ oai nghi trong đi, đứng, nằm, ngồi để trang nghiêm, tự thân. Giữ gìn cẩn trọng lời nói của mình, bởi vì “Bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất”. Hầu hết những đau khổ, phiền não đều xuất phát từ miệng mà ra, cho nên hãy nói những lời hay ý tốt phát khởi từ giá trị nơi tâm thanh tịnh của mình, luôn chú tâm cảnh giác những nhiễm ô trần thế có thể xâm nhập vào tâm ý của mình. Khi phiền não đến, chúng ta hãy bình tâm quán xét nguyên nhân của nó.

Ngày thứ tư của khóa tu học, đại chúng được thọ học với ĐĐ. Giác Nhường thông qua tiến trình tu học gồm 4 bước: Đạo lý, Đạo tâm, Đạo hạnh và Đạo quả. Đạo lý được thể hiện qua thân, khẩu, ý bằng việc ứng xử trong sinh hoạt hàng ngày, ứng xử với Phật tử, với huynh đệ đồng môn. Đạo tâm được thể hiện qua việc tu học trao dồi phạm hạnh, nuôi dưỡng tứ vô lượng tâm. Đạo hạnh được tu tập qua thân, khẩu, ý và thực hành thập lục hạnh. Đạo quả được kết tinh trong quá trình tu tập bồi dưỡng đạo hạnh.

Như vậy, người xuất gia tu tập trải qua 4 bước này thì sẽ giữ được đạo tâm, phát tiển đạo hạnh và thành tựu đạo quả.

Sáng ngày thứ năm của khóa tu học, đại chúng được thọ học với Hòa thượng Giác Phương, với phong thái đỉnh đạt của bậc trưởng lão đã 83 tuổi, nhưng ngài vẫn không từ nan, thương tưởng đến hàng hậu học, và trau dồi cho đại chúng nhận thức rõ ràng về thân ngũ uẩn này qua BÀI KỆ “THÂN” và sống khiêm hạ cung kính thông qua BÀI “KINH PHƯỚC THÍ”.

Người xuất gia phải nhận biết xác thân tứ đại này vốn tạm bợ và mang yếu tố vô thường, khổ và vô ngã. Khi nhận thức được chính con người của mình rồi thì hãy luôn tỉnh giác và đừng để tham sân si điều phối. Phải tu cho được ba nghiệp sáu căn thanh tịnh, được như thế mới đền đáp công ơn khai đạo của Tổ Thầy và trả được ơn cùa đàn na tín thí.

Trong khi tu tập hành giả phải biết rõ phước báu có được là nhờ thành kính. Thành kính cho cả vạn loài chúng sanh chứ không phải chỉ ở Tam Bảo, Thầy Tổ cha mẹ. Phải biết quên mình để cung kính người khác, xuất phát từ trong tâm lẫn bên ngoài hình tướng. Người đi tu cần phải diệt trừ tánh kiêu ngạo của mình và sống một cuộc đời biết khiêm hạ thì sẽ gặp thuận duyên trên con đường tu học giải thoát.

Bước sang ngày thứ sáu của khóa tu học, Hòa thượng Giác Thuận, Tri sự trưởng giáo đoàn III, thêm một lần nữa Ngài dành thời gian đến thăm và khai đạo cho đại chúng, khuyến khích tinh thần và nổ lực tu học cũng như làm tròn bổn phận của mình để kế thừa và phát triển con đường đạo nghiệp mà chư Tổ Thầy đã dày công khai mở. Muốn được vậy thì thế hệ Tăng Ni hôm nay phải luôn học hỏi theo gương hạnh của các bậc đi trước, phải nhẫn nại và kiên trì mới mong vượt qua được những khó khăn trở ngại trên đường tu, hầu đạt được mục đích cuối cùng của mình là quả vị giải thoát.

Ngày thứ bảy của khóa tu học, HT. Giác Tần đến với hội chúng với chủ đề “NGƯỜI XUẤT GIA” và “ĐỜI SỐNG NGƯỜI XUẤT GIA”.

Mở đầu buổi giảng, Hòa thượng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của “sơ tâm xuất gia” tức là tâm xuất gia ban đầu của người tu hành là phải luôn luôn duy trì giữ vững trong suốt quá trình tu học để vượt qua thử thách.

Người xuất gia là người ra khỏi nhà thế tục, cắt ái từ thân, sanh vào nhà đạo sống đời phạm hạnh, nguyện thực hành theo giáo pháp của Như Lai.

Đời sống của người xuất gia tạm chia làm 2 phần: Đời sống vật chất và Đời sống tâm linh. Đời sống vật chất của người xuất gia Khất sĩ là mượn vật chất bên ngoài để nuôi thân, thanh bần thủ đạo, không xa hoa lợi dưỡng, không dong ruỗi hồng trần.

Đời sống tâm linh là chuyên tâm học đạo nhiệm mầu, thâm nhập văn, tư và tu. Thực hành Giới Định và Tuệ. Ứng dụng pháp học vào đời sống xuất gia của mình.

Sáng ngày thứ tám, TT. Giác Trong đến với đại chúng qua chủ đề thiết thực đối với người xuất gia là “BIẾT CHÍNH MÌNH”.

Người biết nhiều nhất không phải là người biết tất cả thiên nhơn, không phải là người biết quá khứ, hiện tại, vị lai, mà người biết nhiều nhất là người BIẾT CHÍNH MÌNH hiện hữu nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý được thực hành qua Lục độ Ba-la-mật.

Người nào có tâm bố thí là người giàu nhất.

Người nào có tâm trì giới là đẹp nhất.

Người nào có tâm nhẫn nhục là mạnh nhất.

Người nào có tâm trí huệ là sáng suốt nhất.

Người nào có tâm tinh tấn là đi nhanh nhất.

Người nào có tâm thiền định là kim cương bất hoại.

Buổi chiều cùng ngày, Hòa thượng giải thích cho đại chúng ý nghĩa của 10 giới Sa-di là 10 công án thiền.

Không sát sinh là từ bi. Không trộm cắp là đại phước đức. Không dâm dục là liên hoa lưu ly thanh tịnh. Không nói dối là diệu âm chân thật. Không uống rượu là trí huệ vô sư. Không trang điểm là diệu trang nghiêm. Không xem hát múa là vắng lặng định tĩnh. Không ngồi ghế cao là đoan chánh tĩnh tọa. Không ăn sái giờ là nhật nguyệt quang minh. Không giữ vàng bạc là đại bố thí.

Ngày thứ 9 của khóa tu học, ĐĐ. Giác Phổ đã tiếp nối bài học ở các khóa Bồi dưỡng lần trước liên kết với khóa tu học lần này qua chủ đề HẢO TÂM XUẤT GIA, cũng với phong cách mang tính sư phạm. Đại đức đã truyền đạt nội dung bài giảng một cách trực quan sinh động qua bố cục được trình bày trên bảng. Với những ứng dụng thực tiễn được rút ra ngay trong khóa tu học, đã làm sáng tỏ tâm hạnh xuất gia của mình.

Bằng việc trích dẫn lời giảng trong Sa-di Luật giải: “Người xuất gia không vì thế lực nhà vua ép bức, không vì tham cầu mạng sống, không vì lánh nạn, không vì thiếu nợ, người xuất gia Vốn vì mong cầu Chánh pháp, vì lòng chánh tín mà vào trong cửa Phật pháp nên gọi là HẢO TÂM XUẤT GIA.”

Người hảo tâm xuất gia như vậy có 5 tịnh đức.

-         (1) Người phát tâm xuất gia vì thiết tha với đạo pháp.

-          (2) Người phát tâm xuất gia vì xả bỏ hình tướng tốt đẹp để xứng hợp với pháp phục.

-         (3)  Người phát tâm xuất gia vì cắt đứt sợi dây thân ái, không còn thân sơ.

-          (4) Người phát tâm xuất gia vì xả bỏ thân mạng, tôn sùng Phật pháp.

-          (5) Người phát tâm xuất gia vì chí cầu đại thừa, cứu độ chúng sinh.

Muốn được như vậy, người xuất gia phải phát tâm lập nguyện. “Nguyện có lập thì chúng sinh mới có thể độ, tâm có phát thì Phật đạo mới kham thành”. Được như thế mới xứng hợp với hảo tâm xuất gia, thiết tha với đạo pháp.

Ngày cuối cùng của khóa tu học, TT. Giác Phùng, Hóa chủ của khóa tu học đã đến với đại chúng bằng ngôn ngữ hiền lành như người cha già thương con dại. Ngài ân cần chỉ dạy cho các hành giả biết trọn lễ hầu thầy. Bước đầu bổn phận làm trò, cả thân tâm trí dâng cho người thầy. Nỗ lực tu tập vượt qua mọi thử thách bằng cách tập trung cả thân, tâm, ý vào thập lục hạnh để giữ gìn thân tâm trên bước đường tu học.

Buổi học cuối cùng của khóa tu học, TT. Giác Duyên đến với hội chúng qua chủ đề Đại cương các Tôn giáo trên thế giới.

Thượng tọa Trình bày khái quát cho hành giả hiểu được 2 hệ thống tôn giáo hữu thần và vô thần. Một là hệ thống Tôn Giáo hữu Thần như Do Thái giáo, Ba Tư giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi Giáo, chính thống giáo, tin lành , Bà La môn giáo. Hai là hệ thống tôn giáo vô thần như Đạo giáo, Khổng giáo, Phật giáo, Tân Bà-la-môn giáo. Qua đó, chư hành giả hiểu được mô hình tôn giáo thích hợp cho hiện tại và tương lai.

Đối với PGVN với 3 hệ phái Nam tông, Bắc tông và Khất sĩ, Thượng tọa trình bày những đặc sắc của Hệ phái Khất sĩ là không uống bia, không hút thuốc, hàng ngày đi khất thực hóa duyên, giảng kinh thuyết pháp… phù hợp với xã hội hiện tại.

Sáng ngày 29 (ngày thứ 11), chư Tăng Ni đi khất thực hóa duyên để ôn nhắc lại hạnh Phật – Tăng xưa, tự nhắc mình là một vị khất sĩ tập sống khiêm hạ giữa chợ đời. Sau thời khất thực là lễ bế mạc khóa tu. Buổi lễ diễn ra ấm cúng, thiêng liêng và thấm tình đạo vị. Sư Giác Minh Đan, tập sự Thiện đức, Sa-di-ni Liên Nhựt, Liên Hằng và Ngọc Điều là những vị danh dự được nhận phần thưởng “đạo hạnh”. Sa-di Giác Minh Mẫn và tập sự Huệ Năng nhận được phần thưởng cao quý do thuộc lòng những lời dạy của Tổ sư qua việc trùng tuyên Chơn Lý. Sư Giác Minh Thảnh và tập sự Thiện Tiến được tuyên dương là giữ được hạnh ít nói. Sa-di-ni Liên Khuyên, tập sự Ngọc Điệp và tập sự Minh Hoan được nhận phần thưởng có những bài cảm tưởng thật sâu lắng.

Thế là 10 ngày trôi qua trong sự rèn luyện thân tâm, trau dồi trí tánh. Mười ngày tuy là rất ngắn nhưng thật sự có ý nghĩa đối với những vị thượng cầu hạ hóa, hướng đến đạo quả giải thoát giác ngộ.

Cầu mong cho tất cả luôn tinh tấn và vững chãi trên con đường cao thượng.

NAM MÔ HOAN HỶ TẠNG BỒ TÁT MA HA TÁT TÁC ĐẠI CHỨNG MINH.

Những hình ảnh ghi nhận từ khóa tu:

01.JPG Copy
DSC 0806 - Copy Copy

 

DSCN5897 Copy

DSCN5899 Copy

DSCN5902 Copy

02 copy Copy