Báo cáo tổng kết khóa "Sống chung tu học" lần thứ I

Để tiếp nối truyền thống tu tập của hệ phái, với sự mong mỏi cho chư Ni được phát triển, chư Ni trưởng đã thỉnh nguyện lên chư Tôn đức lãnh đạo Giáo đoàn III và được sự cho phép của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Gia Lai, khóa "SỐNG CHUNG TU HỌC" lần thứ nhất được mở ra tại Tịnh xá Ngọc Trung - thị xã An Khê - tỉnh Gia Lai do Giáo đoàn III tổ chức, từ ngày 17 đến 23 tháng 03 - Ất Mùi (nhằm ngày 05 đến 11 tháng 05 năm 2015).

Hành giả tham dự khóa tu gồm có: 65 vị, trong đó có 2 vị Ni trưởng, 7 vị Ni sư, 55 vị Sư cô, với 25 vị trụ trì, chư Ni còn lại trực thuộc các miền tịnh xá, tịnh thất, từ các tỉnh / thành về tham dự.

BAN CHỨNG MINH

HT. Giác Hùng – Chứng minh Giáo đoàn III: Đệ nhất chứng minh

HT. Giác Tần – Chứng minh Giáo đoàn III: Đệ nhị chứng minh

HT. Giác Thuận - Tri sư trưởng Giáo đoàn III: Đệ tam chứng minh 

BAN TỔ CHỨC

HT. Giác Thành – Tri sự phó Giáo đoàn III, Phó ban Tăng sự Giáo đoàn: Trưởng ban Tổ chức

HT. Giác Trí – Tri sự phó Giáo đoàn III, đặc trách Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni Giáo đoàn III: Trưởng ban Tổ chức

ĐĐ. Giác Hoàng – Phó Thường trực Ban Giáo dục Tăng Ni Giáo đoàn III: Phó ban Tổ chức

NT. Hiệp Liên – Trưởng ban Quản sự Ni chúng Giáo đoàn III: Phó ban Tổ chức, kiêm Hóa chủ

NT. Đền Liên – Phó ban Quản sự Ni chúng Giáo đoàn III: Phó ban Tổ chức

NT. Cảnh Liên – Phó Ban quản sự Ni chúng Giáo đoàn III: Phó ban Tổ chức kiêm Giám luật

NS. Lãnh Liên: Kiểm soát

NS. Hạnh Liên: Kiểm soát

NS. Tỉnh Liên: Giám thiền

NS. Thanh Liên: Giám thiền

NS. Hải Liên: Điển lễ

SC. Thùy Liên: Điển lễ

SC. Hiếu Liên: Thư ký

SC. Hoa Liên: Thư ký

THỜI KHÓA TU TẬP

Chương trình tu tập của khóa tu, hành giả phải thức dậy từ 3g30 và kết thúc vào lúc 22g. Với 4 giờ tu thiền, 2 thời chia sẻ ý pháp, 2 thời tụng kinh sáng tối và 1 thời sám hối lúc 20g.

NỘI DUNG GIẢNG DẠY VÀ TẬP CHIA SẺ GIÁO LÝ

Để mở đầu cho khóa tu và tạo sự hoan hỷ cho nam nữ Phật tử, chư Tôn đức Tăng Ni đã trì bình khất thực trong một tiếng đồng hồ. Đúng 9g30 lễ Khai mạc được chính thức diễn ra với sự chứng minh của chư Tôn đức trong Ban Chứng minh.

Vào buổi chiều ngày khai mạc lúc 13g30, Hòa thượng Giác Tần đã có thời pháp thoại đầu tiên trình bày về sự đồng nhất giữa thiền và tịnh. Thiền định là chánh niệm tỉnh giác, còn Tịnh độ là nhất tâm bất loạn.

Sáng ngày 18, Ni trưởng Hiệp Liên chia sẻ về nội dung Giới – Định – Tuệ, thể hiện trong mỗi cử chỉ của cuộc sống hằng ngày. Với ví dụ “Khúc gỗ” trôi từ sông Hằng trong kinh Tương Ưng, Ni trưởng đã trình bày 8 điều chướng ngại, nếu vị Tỳ-kheo vượt qua được với chánh kiến, nhất định sẽ được vào Niết bàn xuôi thuận. Ni trưởng còn chia sẻ thêm những tâm tình trong cuộc sống hằng ngày sao cho huynh đệ được hòa hợp trong sự thanh tịnh.

Chiều cùng ngày, Ni sư Lãnh Liên chia sẻ những giai thoại giúp cho người hải đảo xa xôi biết được Phật Pháp, nhấn mạnh sự tu tập của người xuất gia là phải nỗ lực, cần chuyên, ý thức rõ việc tu của mình, nếu không sẽ giống như những người ăn xin trong câu chuyện Ni sư đã chứng minh với ngụ ý: Người thì cầu mong được đầy đủ để cho, còn người thì ăn xin suốt đời.

Sau đó là Ni sư Hạnh Liên chia sẻ kinh nghiệm tu tập bản thân, nhắc nhở chư Ni trẻ phải giữ gìn oai nghi tế hạnh, tinh tấn tu hành để đền ơn Thầy Tổ. Đặc biệt Ni sư góp ý chỉnh đốn lại những nét đẹp truyền thống của hệ phái đừng để mai một.

Sáng ngày 19, chư Đại đức Giác Nhường, ĐĐ. Giác Đoan  và ĐĐ. Giác Khiêm có đến thăm và chia sẻ pháp lý. Đại đức Giác Nhường đã dẫn lời của Tổ dạy trong bài Chơn lý "Đi tu": "Hạnh phúc của ta là ở nơi tâm ta, sự nghiệp của ta lớn nhỏ là tùy nơi tâm ta lớn nhỏ". Từ đó liên hệ đến tông chỉ sống chung tu học để đạt được hạnh phúc đó, rồi Đại đức phân tích tinh thần sống chung tu học ngang qua lộ trình Giới Định Tuệ. "Cái sống là phải sống chung. Cái biết là phải học chung. Cái linh là phải tu chung", trong đó cái sống là Giới, cái linh là Định và cái biết là Tuệ.

Để phát triển sự giải thoát từ 3 yếu tố đó để thấy được mối tương quan trong cuộc sống thường nhật. Từ đó Đại đức đã dẫn lời dạy của Tổ: "Cái hành sinh ra cái học mới là chân tu thật học" để từ đây làm rõ ý nghĩa việc học và sống chung để giúp hội chúng dù thế hệ trước hay thế hệ sau vẫn thấy được vấn đề mà dễ dàng thực hiện tông chỉ sống chung tu học và đặc biệt là sự thanh tịnh của mỗi cá nhân để hòa hợp trong tinh thần sống chung, tránh hiện tượng hòa hợp trên bề mặt hình thức.

Đại đức Giác Đoan nói về ý nghĩa 2 chữ “Khất sĩ” theo tinh thần Tổ sư đã dạy, xin vật chất để nuôi thân, học pháp để giải khổ cho chính mình và người để tất cả đều được mục đích toàn giác. Từ chữ “Khất sĩ” của Tổ sư, Đại đức liên hệ đến chữ “Khất sĩ” của một nghĩa trong chữ Tỳ-kheo. Tỳ-kheo là thành viên để hình thành Tăng đoàn mà Tăng đoàn có 2 yếu tố là hòa hợp và thanh tịnh. Thực hiện được 2 yếu tố đó là đang thực hiện nếp sống chung tu học của Tổ đã đề ra.

Đại đức Giác Khiêm mượn lời dạy của chư Tổ về việc không thể nào "nấu cát thành cơm" để nhấn mạnh cái định hướng cho con đường tu tập ngay từ ban đầu. Nếu định hướng sai sẽ dẫn đến sự đau khổ, còn nhận biết có chánh kiến thì có thể dẫn đến sự an vui của thân và tâm. Từ đó Đại đức triển khai 4 lĩnh vực Tứ niệm xứ để chúng ta làm chủ trên mảnh đất tâm của mình, nhấn  mạnh cái thấy và cái biết để làm chủ thân hành của mình trong cuộc sống hiện tại, chẳng hạn như việc chấp tác, việc đi cúng ... tâm hành lúc đó thiện pháp hay bất thiện pháp khởi lên ta phải ghi nhận điều đó.

Chiều cùng ngày, Sư cô Hiếu Liên trình bày về sự sáng lập của Ni đoàn. Qua đó nêu lên vai trò quan trọng của Tôn giả Ananda và Di mẫu Kiều-đàm-di. Sư cô còn nêu bật sự hạnh phúc của Ni đoàn Việt Nam nói chung và Ni đoàn Khất sĩ nói riêng.

Kế đó Sư cô Thùy Liên nhắc nhở chúng ta chớ nên cố chấp, tầm quan trọng của Tâm kinh Bát-nhã mà chúng ta đọc hàng ngày. Ngộ được lý nghĩa của tâm kinh, chúng ta sẽ bước được vào rừng thiền Phật pháp.

Sáng ngày 20, Ni trưởng Cảnh Liên đã trình bày về vấn đề tu tập thiền quán và phân tích rõ muốn tu thiền có kết quả, hành giả phải loại trừ 5 triền cái, đó là: Tham, sân, hôn trầm, trạo hối và nghi ngờ để phát triển 5 thiền chi. Bởi 5 triền cái rất nguy hại, nó làm suy nhược trí tuệ, tăng trưởng vọng tưởng và cản trở không cho ta bước vào dòng Thánh.

Buổi chiều cùng ngày gồm có Ni sư Tỉnh Liên, Ni sư Luật Liên và Ni sư Chuyên Liên. Ni sư Tỉnh Liên chia sẻ những câu chuyện vừa thực tế vừa dí dỏm, Ni sư đã khuyên chúng ta nên sống trong chánh niệm tỉnh thức, không nên nhớ về quá khứ cũng không nên tưởng tới tương lai mà quên đi phút giây hiện tại.

Kế đến là Ni sư Luật Liên đã đưa ra những kinh nghiệm thực tế để sách tấn chư Ni trẻ phải lo tu học, không nên thả tâm buông lung làm nặng lòng Thầy Tổ.

Và cuối buổi là Ni sư Chuyên Liên khuyến tấn chư Ni trẻ phải tinh tấn tu học, lo trau dồi tâm ý, không nên mãi lo cuộc sống bên ngoài mà bỏ quên nội tâm.

Bước sang ngày 21: Buổi sáng Ni sư Ngộ Liên chia sẻ những kinh nghiệm, những trăn trở đối với chư Ni trẻ, Sư cô nhắc nhở chư Ni phải dọn mình cho chân thật, sống hòa hợp theo tinh thần lục hòa. Điều quan trọng là phải kính trọng Thầy Tổ và sống tròn bổn phận trong mỗi lúc.

Sau đó Ni sư Hải Liên nói lên sự sống chung tu học theo tinh thần đức Phật đã dạy trong kinh Pháp Cú qua câu 194 – phẩm Phật Đà

"Vui thay! Phật ra đời

Vui thay! Pháp được giảng

Vui thay! Tăng hòa hợp

Hòa hợp tu vui thay!"

Buổi chiều ngày 21, Ni sư Thanh Liên chia sẻ đời sống tu tập lúc thiếu thời, với những kinh nghiệm cùng với sự rèn luyện ý chí trong chốn thiền môn để trở thành một vị Tỳ-kheo-ni tốt. Qua đó Ni sư muốn sách tấn chư Ni trẻ phải biết ơn và đền ơn Thầy Tổ, vì đây là cái ơn mà chúng ta không bao giờ trả được.

Sau đó Sư cô Pháp Liên chia sẻ những kinh nghiệm tu tập của bản thân. Sư cô còn trích câu chuyện của một người ở đợ trong Chơn Lý: "Tu và Nghiệp". Qua đó Sư cô nhấn mạnh người tu chúng ta phải trả nghiệp, vì dứt là dứt nghiệp mới, nhưng nghiệp quá khứ phải trả.

Cuối cùng Sư cô Hoa Liên chia sẻ về vấn đề tu tập của chư huynh đệ trẻ để tâm ban sơ của mình được gìn giữ và học tu cho đúng chánh pháp, nếu không sẽ phụ lòng Thầy Tổ và mắc nợ áo cơm của đàn na tín thí để rồi phải luân hồi đền nợ.

Ngày 22, Thượng tọa Giác Trong đến thăm và chia sẻ những kinh nghiệm tu tập. Thượng tọa còn trình bày con đường "Học và tu" sao cho đúng pháp để "Cái tôi" của mình mất đi trong Giới, mất đi trong Định và mất đi trong Tuệ, vì người tu là mô phạm cho tín đồ Phật tử nên mỗi lời nói, mỗi ý nghĩa, việc làm đều phải thể hiện được pháp khí của người con Phật.

Đặc biệt ngày cuối khóa, Đại đức Giác Hoàng phụ trách. Đại đức đã giới thiệu một vài ý pháp liên hệ đến việc củng cố Tăng đoàn sống chung tu học trong Kinh Đại-bát Niết-bàn. Buổi chiều, Đại đức chia sẻ ba loại trình độ: Trình độ văn hóa (kiến thức), trình độ ứng xử và trình độ tâm linh (tu tập), những thực nghiệm tu tập, góp phần cho Ni đoàn ngày một hưng thịnh và lớn mạnh.

Sáng ngày 24 chư Tôn đức và chư hành giả dành một tiếng đồng hồ để đi khất thực trên quốc lộ 19.  Lúc 9g30 lễ bế mạc kết thúc khóa tu với sự chứng minh của HT. Giác Tần, HT. Giác Thành, ĐĐ. Giác Hoàng, ĐĐ. Giác Đoan và ĐĐ. Giác Phước.

NHẬN XÉT

Đây là khóa tu đầu tiên của Ni giới Giáo đoàn III, hành giả tham gia đã bám sát thời khóa và không được sử dụng điện thoại, hạn chế nói chuyện. Những điều này đã trợ duyên đắc lực cho tâm hành giả ổn định, không bị ngoại duyên chi phối. Nhờ vậy mà 7 ngày qua, chư hành giả đã tu tập tốt, mặc dầu thời tiết có hơi nóng, nhưng chư hành giả vẫn tinh tấn tu tập trong niềm hoan hỷ.

Như vậy, khóa tu lần đầu tiên đã diễn ra thành công tốt đẹp và đây cũng chính là điểm khởi sắc của Ni giới Giáo đoàn III. Thành tựu này là do sự hoan hỷ đồng thuận của chư Tôn đức Tăng lãnh đạo Giáo đoàn, sự hoài vọng thiết tha của chư Ni trưởng, đặc biệt là sự thỉnh nguyện của chư vị lãnh đạo Ni đoàn.

Trong sự thành công khóa tu, ngoài sự đóng góp của chư Tăng Ni, còn có sự nhiệt tâm hộ trì của chư Phật tử về tứ vật dụng để chư hành giả yên tâm tu học.

Chúng con xin kỉnh nguyện hồng ân Tam bảo gia hộ cho chư Tôn đức pháp thể khinh an, cửu trụ Ta bà, mãi là tàng cây bóng mát che chở cho Ni giới chúng con và chúng sanh nương nhờ.

Kính chúc chư Tôn đức Ni trong khóa tu này được dồi dào sức khỏe, tinh tấn tu tập hơn nữa để không phụ sự quan tâm lo lắng của chư Tôn đức.

Cuối cùng, cầu nguyện Tam bảo gia hộ cho thiện nam tín nữ Phật tử được đầy đủ sức khỏe, tâm Bồ-đề kiên cố và mãi là những người hộ trì Tam bảo đắc lực.

Nam-mô Hoan Hỷ Tạng Bồ-tát Ma-ha-tát tác đại chứng minh.

♦ Khai mạc khóa “Sống chung tu học”

Bế mạc khóa "Sống chung tu học"

Cảm niệm hành giả