Báo cáo tổng kết khóa tu của Phân đoàn 1 - GĐ IV

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,

Kính bạch quý Ni trưởng, Ni sư, Sư cô và đại chúng,

Kính thưa quý Phật tử hiện diện,

Nhằm thực hiện lời dạy của Tổ sư “nên tập sống chung tu học”, đưa tinh thần thiền học vào nếp sinh hoạt của Ni giới Hệ phái Khất sĩ, áp dụng pháp học vào pháp hành, quý Ni trưởng, Ni sư, hàng giáo phẩm của Phân đoàn không nệ tuổi già sức yếu, tổ chức khóa tu cho Ni chúng trong Phân đoàn, với chí nguyện “Tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”.

Hôm nay là ngày bế mạc, sau thời gian 7 ngày tu học, con xin báo cáo tóm tắt nội dung tu tập, kính dâng lên quý Ni trưởng, Ni sư cùng toàn thể đại chúng liễu tri.

Thành phần Ban Tổ chức khóa tu được hình thành như sau:

Ban Chứng minh:

- Ni trưởng Thông Liên, Trưởng Phân đoàn I kiêm trụ trì Tịnh xá Ngọc Bình, Dĩ An, tỉnh Bình Dương

- Ni trưởng Thắng Liên, Phó Phân đoàn I kiêm trụ trì Tịnh xá Ngọc Điểm, Bà Điểm, Tp HCM.

- Ni sư Liêm Liên, Phó trụ trì Tịnh xá Ngọc Điểm .

Trưởng Ban Tổ chức: Sư cô Thảo Liên, trụ trì Tịnh xá Ngọc Ban – TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk.

Thư ký: Sư cô Minh Liên

MC: Sư cô Đức Liên, SC. Thuận Liên

Ban Giảng pháp: gồm quý Ni trưởng, Ni sư và Sư cô.

Ban Hộ thiền: Chư Ni và Phật tử Tịnh xá Ngọc Ban.

Y tế: SC. Thuận Liên

Số lượng hành giả gồm 31 vị trong đó có: 2 Ni trưởng, 2 Ni sư, 21 Sư cô, 3 Thức xoa, 1 Sa-di-ni và 2 Tập sự.

CHƯƠNG TRÌNH TU TẬP

Gồm 7 nội dung chính chia đều trong thời khóa bắt đầu từ 3 giờ 45 và kết thúc lúc 21 giờ:

1. Thiền tọa ( 3 thời )

2. Thiền hành ( 3 thời )

3. Khất thực

4. Nghe pháp

5. Tụng kinh Dược Sư

6. Đọc Chơn Lý

7. Sám hối Hồng Danh

VỀ NỘI DUNG GIẢNG DẠY

Thể hiện tinh thần lục hòa cộng trụ và thực hiện lời dạy của Tổ sư “Cái sống là phải sống chung, cái biết là phải học chung, cái linh là phải tu chung”, mỗi hành giả dưới sự hướng dẫn của nhị vị Ni trưởng và Ni sư đều tinh tấn thúc liễm thân tâm, trau dồi Giới Định Tuệ qua từng ngày tu học:

Ngày thứ nhất, sau khi làm lễ khai mạc, Ni trưởng trụ trì Tịnh xá Ngọc Điểm đọc cho đại chúng nghe bài kệ Vô thường, vì  Ni trưởng đã cảm nhận từng sát na của tứ đại thay đổi, phút trước khỏe, phút sau đã bệnh, để nhắc nhở các thiền sinh nên tinh tấn trong mỗi lúc.

Ngày thứ 2, Ni trưởng trụ trì Tịnh xá Ngọc Bình giảng về công hạnh của ngài Địa Tạng Bồ-tát. Địa là dầy chắc, Tạng chứa đủ, là sự vững vàng, cứng chắc, không xao động trước mọi duyên, vì tâm đã được an trú trong thiền định, vắng lặng. Ni trưởng nói các cảnh địa ngục hay Niết-bàn không phải ở đâu, mà nó luôn hiện hữu trong hiện tại cuộc sống trong tâm của mỗi chúng sanh thể hiện qua hành động đối với những người chung quanh.

Ngày thứ 3, Ni sư Liêm giảng về cuộc đời và hạnh nguyện của Tổ sư Minh Đăng Quang chia làm 3 giai đoạn:

1. Bối cảnh của đất nước và sự ra đời của Hệ phái Khất sĩ.

2. Thân thế và sự nghiệp của Tổ sư Minh Đăng Quang.

3. Tổ sư bị nạn và vắng bóng.

Ni sư đã nhắc nhở đại chúng noi theo gương hạnh của Tổ và thực hiện 4 điều Tổ dạy là:

1. Biết chữ

2. Giữ giới

3. Tránh ác

4. Hành thiện.

Ngày thứ tư, Ni sư Nhàn đọc và giảng về bài học làm người. Đại sư Tinh Vân bảo học làm người là việc học suốt đời chẳng thể nào tốt nghiệp:

Điều thứ nhất là học nhận lỗi

Thứ hai là học nhu hòa

Thứ ba là học nhẫn nhục

Thứ tư là học thấu hiểu

Thứ năm là học buông bỏ

Thứ sáu là học cảm động

Và thứ bảy là học sinh tồn.

Những lời dạy học làm người của Đại sư Tinh Vân thật giản dị mà vô cùng thiết thực và lợi ích. Cuộc sống sẽ trở nên nhiệm mầu, an vui và hạnh phúc khi mỗi người đều quan tâm đến việc tự hoàn thiện mình bằng cách nổ lực trong việc học làm người.

Ngoài ra, Ni sư còn đọc và phân tích thêm bài Đức Phật dạy, nhấn mạnh cái khổ của con người là do tham dục mà ra, hãy dùng đức từ bi tắm gội tâm hồn, diệt đi lòng tự ái, bản ngã, đó là nền tảng đạo đức lễ nghĩa của con người như lời Phật dạy.

Ngày thứ năm, Sư cô Thuận giảng Phước Huệ song tu. Sư cô chia sẻ sự khác biệt giữa tu phước và tu huệ, sau đó phân tích phước gồm phước hữu lậu và phước vô lậu. Tu huệ gồm tu quán và tu chỉ, để Phật tử hiểu rõ trong quá trình tu tập của mình. Đúc kết bài giảng, Sư cô nhận xét người có “Tâm lượng càng lớn thì bản ngã càng nhỏ” và mỗi người phải quay về chính mình, phải học – hỏi – hiểu thì mới tiến bộ được.

Ngày thứ sáu, Sư cô Gương giảng đề tài Chữ Nhẫn. Ngoài đời khi bước vào trường học chúng ta thường thấy 6 chữ: “Tiên học lễ, hậu học văn”, và đối với trong đạo gom lại 4 chữ “Cửa lễ nhà hạnh” nhưng muốn học được thế, phải trải qua một thời gian dài, tức học chữ Nhẫn. Có nhẫn mới có chánh niệm tỉnh giác, vì vậy người tu phải thiền định trong mọi lúc để tăng trưởng trí tuệ, là thềm thang để tiến tu đạo nghiệp.

Ngày thứ bảy, Sư cô Chánh giảng về Tham Sân Si. Nguyên nhân gây ra phiền não, sai lầm là do tham, sân, si. Sư cô phân tách tham, sân, si là gì và dẫn chứng câu chuyện. Chúng ta có tu tập thì khi nghịch cảnh đến, tâm định, không chạy theo trần cảnh, chúng ta không sợ lòng tham sân si lôi cuốn, mà chỉ sợ vô minh làm cho ta chậm giác ngộ.

Kế đến, Ni sư Liêm kể chuyện có tựa đề là CTM, chúng ta rút ra bài học khi bước vào đạo phải qua cửa thiền môn, thì mọi thị phi... đều bỏ lại hết để làm cho tâm hồn thanh tịnh, hưởng được hương vị giải thoát.

ĐÚC KẾT CÁC MẶT TRONG KHÓA TU

KtuNgocBan 2

KtuNgocBan 3

KtuNgocBan 4

Buổi sáng, chư Thiền sinh đều đi khất thực hóa duyên, nhằm khơi lại hình ảnh của chư Phật Tổ trì bình khất thực, vì ba đời chư Phật đều là khất sĩ, thể hiện tinh thần xả kỷ lợi tha, làm ruộng phước cho Phật tử gieo bòn công đức.

Buổi chiều, đại chúng thay phiên đọc và nghiên cứu trong bộ Chơn lý của Tổ sư qua từng bài: Chánh đẳng chánh giác, Công lý võ trụ, Khất sĩ, Y bát chơn truyền, Ăn chay.

Trong suốt khóa tu, hình ảnh và ngôn từ của chư Tôn đức là tấm gương, là sự tiếp nối từ suối nguồn của Tổ, Thầy, những bậc tòng lâm thạch trụ của đạo pháp. Từ đó hành giả tăng trưởng niềm tin vào mạng mạch của Hệ phái Khất sĩ, là suối nguồn luân lưu mãi trong dòng chảy của cuộc đời.

KtuNgocBan 1a

KtuNgocBan 1b

Bên cạnh đó, trong mỗi thời khóa thiền hành, thiền tọa đã giúp hành giả kiểm soát được thân tâm trong sự tỉnh giác mà bấy lâu nay, sống trong vòng vô minh, lặn hụp trong đại dương luân hồi vô tận.

VỀ MẶT ẨM THỰC VÀ ĐỜI SỐNG

Nhờ hồng ân Tam bảo gia hộ, nhờ tấm lòng chí thành, chí kính, phát xuất từ tâm hộ trì xiển dương Phật pháp của Sư cô trụ trì Tịnh xá Ngọc Ban, vì tương lai của đàn hậu học, Sư cô và chư Ni trong tịnh xá với sự hỗ trợ của chư thiện nam tín nữ thành tâm lo chu đáo từng buổi cơm, thức uống cho thiền sinh yên tâm tu học.

TỔNG KẾT

Kính bạch quý Ni trưởng, Ni sư và đại chúng,

Dòng thời gian cứ mãi trôi qua, khóa tu đến hôm nay đã mãn, mỗi huynh đệ của chúng con sẽ trở về trú xứ khác nhau, nhưng tâm chúng con vẫn còn lan tỏa mãi hương vị tu tập, gương hạnh của chư Tôn đức mãi soi đường cho chúng con trên mọi nẻo đường tu học.

Chúng con xin thành kính tri ân nhị vị Ni trưởng, trưởng phó Phân đoàn và Ni sư đã vì tiền đồ Phật pháp, vì củng cố Phân đoàn, nên mặc dù tuổi già sức yếu, đường xá xa xôi, quý Ngài vẫn dấn thân cùng chúng con trong từng khóa tu, để làm tàng cây che chở và chỉ dạy cho đoàn hậu học quay về bến giác, xa lìa bờ mê.

Chúng con xin thành kính tri ân Sư cô trụ trì Tịnh xá Ngọc Ban, Trưởng ban Tổ chức khóa tu đã tạo điều kiện cho chúng con tu học trong 7 ngày qua được thập phần viên mãn. Nguyện hồng ân Tam bảo gia hộ cho quý Sư cô tại Tịnh xá Ngọc Ban pháp thể khinh an, đạo nghiệp viên thành.

Chúng tôi cũng xin tri ân các cấp chính quyền địa phương đã tạo thuận lợi về mặt pháp lý cho chúng tôi an tâm tu học. Kính chúc quý vị vạn sự kiết tường, muôn điều phúc lạc.

Cuối cùng, chúng tôi xin cảm niệm tri ân công đức thiện nam tín nữ gần xa, đã phát tâm hộ trì và công quả cho chư Ni hành giả suốt thời gian tu học. Nguyện cầu mười phương chư Phật gia hộ quý Phật tử thân tâm an lạc, tín tâm kiên cố, gia đình hạnh phúc.

Nam mô Hoan Hỷ Tạng Bồ-tát Ma-ha-tát, tác đại chứng minh.

KtuNgocBan 6