Báo cáo tổng kết khóa tu Truyền thống Khất sĩ lần 16

pVMDQ 12Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch chư Tôn Hòa thượng chứng minh,

Kính bạch chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa Giáo phẩm lãnh đạo Hệ phái,

Kính bạch Đại đức hành giả khóa tu,

Kính thưa quý Phật tử,

Hôm nay trong không khí trang nghiêm của lễ Bế mạc khóa tu Truyền thống lần thứ 16 do Giáo đoàn IV đăng cai tổ chức tại Pháp viện Minh Đăng Quang, chúng con đại diện Ban Thư ký đảnh lễ chư Tôn đức kính dâng bài báo cáo nội dung tu tập 7 ngày qua.

I. SỐ LƯỢNG HÀNH GIẢ

Số lượng cụ thể từng Giáo đoàn đăng ký như sau:

- Giáo đoàn I có: 32 vị. Gồm: 1 Hòa thượng, 1 Thượng tọa, 12 Đại đức, 4 Tỳ-kheo và 14 Sa-di.

- Giáo đoàn II có: 13 vị. Gồm: 1 Hòa thượng, 1 Thượng tọa, 11 Đại đức.

- Giáo đoàn III có: 51 vị. Gồm: 2 Hòa thượng, 48 Đại đức, Tỳ-kheo và 1 Sa-di.

- Giáo đoàn IV có: 53 vị. Gồm: 4 Hòa thượng, 5 Thượng tọa, 23 Đại đức, 11 Tỳ-kheo, 10 Sa-di.

- Giáo đoàn V có: 14 vị. Gồm: 1 Hòa thượng, 2 Thượng tọa, 8 Đại đức và 3 Sa-di.

- Giáo đoàn VI có: 18 vị. Gồm: 5 Đại đức, 3 Tỳ-kheo và 10 Sa-di.

TỔNG CỘNG KHÓA TU CÓ 181 HÀNH GIẢ

TRONG ĐÓ:HÒA THƯỢNG: 10 VỊ, THƯỢNG TỌA: 9 VỊ, ĐẠI ĐỨC - TỲ KHEO:     115 VỊ, SA DI: 47 VỊ

Nhưng trên thực tế tham gia tu tập chính có 154 vị, còn lại 27 vị nằm trong ban ngoại hộ chuyên lo phục vụ khóa tu.

II. BAN CHỨC SỰ

BAN CHỨNG MINH

HT. Giác Nhường – Phó Pháp Chủ kiêm Giám luật HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm chứng minh Hệ phái.

HT. Giác Tường – Ủy viên Thường trực HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm chứng minh Hệ phái.

HT. Giác Phúc – Thành viên chứng minh GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái

HT. Giác Lai – Thành viên HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm chứng minh Hệ phái.

BAN TỔ CHỨC

HT. Giác Toàn – Giáo phẩm thường trực Hệ phái, Phó trưởng Giáo đoàn IV,đương kim trụ trì Pháp viện Minh Đăng Quang: Trưởng ban Tổ chức kiêm Hóa chủ khóa tu.

HT. Giác Giới - Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái: Phó ban kiêm Thiền chủ khóa tu.

Về Ban Giám luật: Gồm 3 vị

HT. Giác Hà – Giáo phẩm Hệ phái, Tri sự trưởng Giáo đoàn V: Phó ban Tổ chức: Đệ nhất Giám luật.

HT. Giác Thanh – Giáo phẩm Hệ phái, Tri sự trưởng Giáo đoàn II: Đệ nhị Giám luật.

HT. Giác Truyền – Giáo phẩm Giáo đoàn IV: Đệ tam Giám luật.

Về Ban Giáo thọ: Gồm 3 vị

HT. Giác Giới - Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, đương kim thiền chủ: Đệ nhất giáo thọ.

HT. Giác Toàn - Trưởng ban Tổ chức: Đệ nhị giáo thọ.

TT. Minh Bửu – Giáo phẩm Hệ phái, Phó Trụ trì Pháp viện MĐQ: Đệ tam Giáo thọ.

Về Ban Kiểm soát:

HT. Giác Thông – Giáo phẩm Hệ phái, Giáo đoàn IV: Đệ nhất kiểm soát.

TT. Minh Thuấn – Giáo phẩm Giáo đoàn IV, Phó trụ trì Pháp viện MĐQ: Đệ nhị kiểm soát.

TT. Giác Thông - Giáo phẩm Giáo đoàn V: Đệ tam Kiểm soát.

Về Ban điển lễ: Gồm 2 vị

HT. Giác Thuận – Giáo phẩm Hệ phái, Tri sự trưởng Giáo đoàn III: Đệ nhất Điển lễ.

TT. Giác Cảnh – Giáo phẩm Hệ phái, Giáo đoàn V: Đệ nhị Điển lễ.

Về Ban Giám thiền: Gồm 3 vị

TT. Giác Minh - Giáo phẩm Hệ phái, Tri sự phó Giáo đoàn II: Đệ nhất giám thiền.

TT. Giác Nhân - Giáo phẩm Hệ phái: Đệ nhị giám thiền.

TT. Giác Đăng - Giáo phẩm Hệ phái: Đệ tam giám thiền.

Về Ban Thư ký: Gồm 3 vị

TT. Giác Nhân – Giáo phẩm Hệ phái, Phó Thư ký Hệ phái: Chánh Thư ký khóa tu.

ĐĐ. Minh Liên thuộc GĐ IV và ĐĐ. Minh Điệp thuộc GĐ VI: Phó Thư ký khóa tu.

Ban ngoại hộ: Gồm 3 vị

TT. Minh Hóa - Giáo phẩmHệ phái, Phó Thư ký Hệ phái: Tri sự khóa tu.

TT. Minh Lộc - Giáo phẩm Giáo đoàn IV: Trưởng ban Ngoại hộ.

III. CHƯƠNG TRÌNH TU TẬP

Gồm 6 nội dung chính chia đều theo thời khóa biểu bắt đầu từ 3 giờ 30 sáng và kết thúc lúc 22 giờ:

1. Thiền tọa.

2. Thiền hành.

3. Khất thực lãnh cơm và độ ngọ.

4. Học Chơn lý.

5. Thiền đàm.

6. Sám hối.

IV. NỘI DUNG GIẢNG DẠY CỦA BAN GIÁO THỌ

1. HT. Giác Toàn – Trưởng Ban Tổ chức.

HT-TOANHòa thượng đã giảng dạy cho đại chúng đề tài “Tu tập thiền định qua Chơn Lý: Bát chánh đạo”.

Bài pháp của Hòa thượng chia ra làm 3 thời thuyết giảng. Trong đó đại ý nói rằng: “Bát chánh đạo là con đường đưa đến đoạn trừ ái dục, nếu hành giả tu tập tinh tấn tám pháp này sẽ được pháp cam lộ, có khả năng điều phục, chế ngự ma quân phiền não, đoạn trừ vĩnh viễn tam độc tham sân si, giải thoát và cắt đứt mọi khổ đau, thẳng tiến đến quả vị Niết bàn an vui giải thoát”.

Kết thúc thời pháp trong niềm hoan hỷ vô biên, Hòa thượng sách tấn thiền đường đại chúng rằng: “Là Tăng Ni, Phật tử chúng ta phải cố gắng thọ học, trước hết là phải nhận ra bằng tâm tánh, bằng tri thức của chính mình. Sau đó, khi đã hiểu rõ những ý pháp này rồi thì hàng ngày chúng ta cần phải ứng dụng thực hành, tu tập từng giờ, từng phút không xao lãng, cho đến một ngày ta đã thật sự thẩm thấu, liễu tri Bát chánh đạo rồi thì từ cái thấy, cái suy nghĩ, nói năng, hành động… kể cả sự siêng năng, nhớ nghĩ… đều đúng theo chánh đạo, đúng theo những ý pháp mà Tổ sư đã dạy. Khi đã thân chứng, đã hiểu, đã ngộ đạo; tức là chúng ta đã không còn cái thấy biết phàm phu, chấp ngã mê lầm với những vui-buồn, mừng-giận, thương-ghét… nữa. Do vậy, dù đang sống trong đời nhưng không bị pháp đời chi phối bởi chúng ta sống bằng cái thấy biết của người có thân chứng Phật pháp; và mọi hành xử của chúng ta trong cuộc sống này đều được an vui giải thoát vì không còn khổ não tham sân si v.v… chi phối”.

2. HT. Giác Giới – Thiền chủ

HT-GIOIHòa thượng đã chỉ dạy kinh nghiệm tu tập Giới – Định – Tuệ trong đời sống hàng ngày qua các bài kinh Nikaya và một số đoạn Chơn Lý. Chơn lý Lục Căn là quyển được chọn giảng dạy trong khóa tu này.

Thông qua các buổi giảng thuyết ấy, Hòa thượng dạy rằng:

“Cốt lõi của sự tu tập đoạn tận khổ đau phải lấy Bát chánh đạo làm đầu. Đây được xem con đường độc nhất. Bởi thế cho nên người ta đánh giá rằng: nơi nào có Bát chánh đạo nơi đó của Tứ Quả Sa-môn. Trong đó, Giới - Định - Tuệ là sự cô đọng của Bát chánh đạo. Đức Tổ sư Minh Đăng Quang luôn dạy: Người Khất Sĩ chỉ có ba pháp tu học vắn tắt là Giới – Định – Tuệ hay: Người cư sĩ khi bước chân vào đời nhớ mang theo Giới – Định – Tuệ.

Trong cuộc sống hàng ngày, hành giả phải cố gắng công phu thiền hành, thiền tọa để rèn luyện tâm mình. Đây là hai pháp hữu hiệu nhất để rèn luyện tâm. Trong tất cả các thời tu phải luyện cho được sự thận trọng, sự chú tâm và quán sát. Đó mới là hạnh tu đúng pháp”.

3. HT. Thích Trí Quảng

HT-TRIQUANG

Hòa thượng quang lâm thăm viếng và sách tấn chư hành giả bằng kinh nghiệm giảng thuyết qua mấy mươi năm hoằng pháp của Ngài.

Hòa thượng đã nhấn mạnh: Tổ sư Minh Đăng Quang ra đời trong giai đoạn Phật giáo Việt Nam xuống thấp nhất trong lịch sử. Lúc bấy giờ người tu tuy còn nhưng chất liệu đã mất. Trước tình hình đó, Ngài muốn phục hồi lại đời sống thanh tịnh của đức Phật ngày xưa nên thực hiện Y bát chơn truyền. Chư hành giả trong Hệ phái là những người đang kế thừa truyền thống đó trên đất nước Việt Nam. Đây là điều mà chư hành giả trong khóa tu cần phải suy gẫm. Và cần phải suy gẫm nhiều hơn nữa sự chứng ngộ, sự truyền đạo và công hạnh của Tổ sư để làm tấm gương tu tập.

Và cuối cùng, Ngài nhắn nhủ rằng: Chư hành giả khi tu tập phải quán xét việc tốt xấu rõ ràng minh bạch. Sau khi quán sát cái gì chấp nhận được thì hoan hỷ thọ trì, cái gì không chấp nhận được thì nên buông bỏ. Thực hành được như vậy, tâm hồn mới trở nên trong sáng và thanh thản. Đây là lúc hành giả tỏ ngộ chơn lý nhìn thấy những việc đáng làm để áp dụng tu hành và truyền bá Chánh pháp của Như Lai.

4. TT. Minh Bửu - Giáo thọ

Thượng tọa mang đến một làn gió Thiền qua các lời dạy của các Thiền sư Trung Hoa với các pháp tu đốn ngộ vô cùng sâu sắc.

5. Các buổi chia sẻ của 6 Giáo đoàn

Chư hành giả trong 6 Giáo đoàn đã luân phiên mỗi buổi chia sẻ kinh nghiệm tu tập, trình bày nhưng nghi vấn trong qua trình tu hành và đóng góp ý kiến để xây dựng khóa tu ngày càng hoàn bị hơn.

V. BAN NGOẠI HỘ

1. Đạo tràng Pháp viện Minh Đăng Quang

Là đạo tràng lớn nhất Hệ phái, ngôi Pháp viện đứng sừng sững uy nghiêm như ngọn Thái Sơn phủ bóng che mình cho chư hành giả cư ngụ. Trở về nơi đây, chư hành giả hoàn toàn được an tâm về nơi ăn chốn ở. Mặc dù đang là cuối xuân, giai đoạn đất trời đang chuyển mình vào hạ thời tiết có phần oi bức nhưng lòng người hành giả được dịu mát đi bởi mọi công tác phục vụ đều hết sức tốt đẹp. Với sự chuẩn bị chu đáo này của ban Ngoại hộ, khóa tu truyền thống lần thứ 16 đã diễn ra thành công viên mãn.

2. Chư Tôn đức Giáo đoàn IV

Mặc dù đang cán đáng trọng trách trùng tu Pháp viện Minh Đăng Quang và chuẩn bị đặt đá công trình ở Mũi Nai nhưng chư Tôn đức Giáo đoàn IV vẫn tạm gác các Phật sự để chăm lo cho khóa tu lần này. Với sự chỉ đạo của Hòa thượng trưởng Ban Tổ chức và chư Tôn đức lãnh đạo, huynh đệ Giáo đoàn IV đã bỏ nhiều công sức và tâm huyết phục vụ đại chúng từ nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt, nơi tu tập…

Đây là một ân phước vô cùng to lớn mà chư hành giả có được từ lòng từ bi và đức hi sinh của đơn vị đăng cai.

3. Các phái đoàn, các đạo tràng Phật tử cúng dường

Góp phần cho sự chu viên của khóa tu, các đạo tràng tịnh xá đã hướng dẫn Phật tử khắp nơi trong và ngoài thành phố trở về phát tâm cúng dường tịnh tài, tịnh vật để hộ trì khóa tu. Mỗi ngày ban ngoại hộ đều tiếp nhận rất nhiều lễ phẩm cúng dường nên việc phục vụ khóa tu càng thêm chu đáo.

VI. BÁO CÁO TÌNH HÌNH THU CHI

Trong khóa tu này, ban Ngoại hộ đã nhận được sự phát tâm cúng dường từ các đạo tràng: PV. Minh Đăng Quang, TX. Trung Tâm – Bình Thạnh, TX. Ngọc Hòa – Biên Hòa, TX. Ngọc Thuận – Tân Bình, TX. Ngọc Minh – Thủ Đức, TX. Ngọc Thịnh – Lái Thiêu, TX. Ngọc Khánh – TPK, TX. Ngọc Lâm – TPK, TX. Ngọc Phú – Tân Bình, TX. Ngọc Lâm – Q.6, TX. Ngọc Thành – Thủ Đức, TX. chư Ni phân đoàn I, TX. Ngọc Quang – Sa Đéc, TX. Ngọc Tường – Mỹ Tho, TX. Ngọc Chánh – Bình Thạnh, và một số Tịnh xá trực thuộc Giáo đoàn I. Phật tử khắp các miền tịnh xá cũng góp phần rất lớn trong công tác ngoại hộ của Ban Tổ chức.

VII. THÀNH QUẢ CỦA KHÓA TU

Với thời gian và công sức bỏ ra như vậy, Khóa tu lần thứ 16 đã đạt được nhiều thành quả to lớn. Trong đó nổi bậc có các thành quả như sau:

1. Đối với Ban Tổ chức: đã tổ chức thành công khóa tu 16 trang nghiêm như pháp.

2. Đối với khóa tu: Thực hiện đúng chủ trương là huân tu truyền thống Giới - Định - Tuệ mà chư Tôn Giáo phẩm đã đề ra.

3. Đối với Giáo hội: Khẳng định vị thế của Hệ phái trong lòng Giáo hội theo đúng tôn chỉ “Nối truyền Thích Ca Chánh pháp – Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”.

4. Đối với chính quyền: tạo được uy tín tốt đẹp bằng với phương châm tốt đời đẹp đạo.

5. Đối với hành giả: Thắp sáng tâm linh nơi chư hành giả một con đường giác ngộ theo ngọn đèn Chơn lý của tông phong Khất Sĩ. Giúp hành trải nghiệm đời sống thanh tịnh theo Tứ Y Pháp trung đạo không không trong sạch.

6. Đối với Phật tử: Gieo trồng và tăng trưởng niềm tin nơi hàng Phật tử tại gia khi chứng kiến oai nghi và công hạnh tu tập của chư hành giả.

VIII. KẾ HOẠCH KHÓA TU 17

Để khóa tu truyền thống được nối dài sức sống, Ban Tổ chức có kế hoạch tổ chức khóa tu lần thứ 17 như sau:

1. Thời gian dự kiến: khoảng đầu tháng 9 năm Ất Mùi - 2015

2. Giáo đoàn và tịnh xá đăng cai: Khóa tu 17 sẽ do Giáo đoàn V đăng cai và tổ chức tại một Tịnh xá Ngọc Thạnh – Núi Dinh, Bà Rịa – Vũng Tàu.

IX. KẾT LUẬN

Kính bạch chư Tôn đức,

Kính thưa quý liệt vị,

Vừa qua, chúng con đã thay đại diện Ban Thư ký kính trình phần báo cáo nội dung tu tập trong khóa tu lần thứ 16. Với những thành quả đạt được xin thành kính cúng dường lên mười phương Tam bảo, Đức Tổ sư và chư Đức Thầy thùy từ chứng minh. Xin cúng dường thành quả này lên chư Tôn đức đang hiện tọa trong đạo tràng tùy hỷ cho chư huynh đệ trong 6 Giáo đoàn đã thực hiện trọn vẹn duy nguyện và yếu chỉ của Tổ thầy.

Kính nguyện chư Tôn đức pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu để mãi là ngọn đèn Chơn lý soi đường cho chúng con đi trọn lộ trình giác ngộ và giải thoát. Kính chúc chư hành giả trang nghiêm tự thân, công hạnh tu hành được viên mãn. Kính chúc quý Phật tử thân tâm an lạc, tu hành tinh tấn.

ky 16- VG 4

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Lễ Bế mạc khoá tu 16

Video HT. Giác Toàn - Tu tập thiền định qua Chơn lý "Bát chánh đạo"