Báo cáo tổng kết khóa tu Truyền thống Khất sĩ lần 17

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính bạch trên Đại lão Hòa thượng đạo sư chứng minh Hệ phái,

Kính bạch Hòa thượng Thiền chủ chứng minh,

Kính bạch chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái chứng minh,

Kính bạch chư Tôn đức Thượng tọa, chư Đại đức Tăng hành giả khóa tu,

Kính thưa quý Phật tử,

Hôm nay trong không khí trang nghiêm của lễ Bế mạc khóa tu Truyền thống lần thứ 17 do Giáo đoàn V đăng cai tổ chức tại Tịnh xá Ngọc Thạnh, chúng con đại diện Ban Thư ký thành kính đảnh lễ chư Tôn đức, xin báo cáo nội dung tu tập 7 ngày qua.

bmac 1

I. SỐ LƯỢNG HÀNH GIẢ

Số lượng cụ thể từng Giáo đoàn đăng ký như sau:

- G.Đoàn I có: 21 vị. Gồm: 1 vị Hòa thượng, 10 Tỳ-kheo và 10 Sa-di.

- G.Đoàn II có: 11 vị. Gồm: 1 vị Thượng tọa, 10 Tỳ-kheo.

- G.Đoàn III có: 26 vị. Gồm: 1 vị Thượng tọa, 20 Tỳ-kheo và 5 Sa-di.

- G.Đoàn IV có: 20 vị. Gồm: 2 vị Thượng tọa, 15 Tỳ-kheo và 03 Sa-di.

- G.Đoàn V có: 40 vị. Gồm: 4 vị Hòa thượng, 3 vị Thượng tọa, 20 Tỳ-kheo và 13 Sa-di.

- G.Đoàn VI có: 13 vị. Gồm: 1 vị Thượng tọa, 06 Tỳ-kheo và 06 Sa-di.s

Tổng cộng Khóa tu có 131 hành giả. Trong đó: 5 vị HT; 8 vị TT, 81 vị TK, 37 SD.

II. BAN CHỨC SỰ

Ban chứng minh:

HT. Giác Nhường – Phó Pháp Chủ kiêm Giám luật HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm chứng minh Hệ phái.

HT. Giác Tường – UV. Thường trực HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm chứng minh Hệ phái.

HT. Giác Phúc – Thành viên HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái

Ban Tổ chức:

HT. Giác Toàn – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Giáo phẩm thường trực Hệ phái: Trưởng ban Tổ chức khóa tu.

HT. Giác Giới – Phó ban Tăng sự TW. GHPGVN, Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái: Phó ban Tổ chức kiêm Thiền chủ khóa tu.

HT. Giác Cầu – Thành viên HĐCM GHPGVN, Tăng Trưởng Giáo đoàn V: Phó ban Tổ chức kiêm Phó Thiền chủ khóa tu.

HT. Giác Hà – Giáo phẩm Hệ phái, Tri sự trưởng Giáo đoàn V: Phó ban Tổ chức kiêm Hóa chủ khóa tu.

Ban Giám luật: Gồm 3 vị

HT. Giác Pháp – Giáo phẩm kiêm Chánh Thư ký Hệ phái: Đệ nhất Giám luật khóa tu.

TT. Giác Nhân - Giáo phẩm kiêm Phó Thư ký Hệ phái: Đệ nhị Giám luật khóa tu.

TT. Giác Minh - Giáo phẩm Hệ phái, Phó Tri sự Giáo đoàn II: Đệ tam Giám luật khóa tu.

Ban Giáo thọ: Gồm 3 vị

HT. Giác Giới - Phó ban Tổ chức kiêm Thiền chủ: Đệ nhất giáo thọ.

HT. Giác Hà - Phó ban Tổ chức kiêm Hóa chủ: Đệ nhị giáo thọ.

HT. Giác Pháp – Giám luật khóa tu: Đệ tam Giáo thọ.

Ban Kiểm soát: Gồm 2 vị

TT. Minh Lộc: Đệ nhất kiểm soát khóa tu.

TT. Giác Nhuận: Đệ nhị kiểm soát khóa tu.

Ban điển lễ: Gồm 2 vị

TT. Giác Minh – Giáo phẩm Hệ phái, Phó Tri sự Giáo đoàn II: Đệ nhất Điển lễ.

TT. Minh Nghiêm: Đệ nhị Điển lễ.

Ban Giám thiền: Gồm 2 vị

HT. Giác Trí: Đệ nhất giám thiền.

TT. Giác Năng: Đệ nhị giám thiền.

Ban Thư ký: Gồm 3 vị

TT. Giác Nhân – Giáo phẩm kiêm Phó Thư ký Hệ phái: Chánh Thư ký khóa tu.

ĐĐ. Giác Phương thuộc GĐ V và ĐĐ. Giác Nhuận thuộc GĐ III: Phó Thư ký khóa tu.

Ban ngoại hộ:

TT. Giác Thông: Tri sự khóa tu.

ĐĐ. Giác Phương: Trưởng ban Ngoại hộ.

III. CHƯƠNG TRÌNH TU TẬP

Thời khóa biểu bắt đầu từ 3h30 sáng và kết thúc lúc 22 giờ. Gồm 6 nội dung chính:

1. Thiền tọa. 2. Thiền hành. 3. Khất thực lãnh cơm và độ ngọ.

4. Học Chơn lý. 5. Thiền đàm. 6. Sám hối.

IV. NỘI DUNG GIẢNG DẠY CỦA BAN GIÁO THỌ

1. HT. Giác Giới – Phó ban Tổ chức kiêm Thiền chủ khóa tu.

hoc 2

Hòa thượng đã giảng dạy cho đại chúng ngang qua quyển Chơn Lý “Tông giáo”. Nội dung quyển chơn lý “Tông giáo” được Hòa thượng triển khai trong 4 thời thuyết giảng. Hòa thượng đã giảng giải nguyên nhân dẫn đến sự ra đời các tông phái, tông giáo. Hòa thượng đã nhấn mạnh ý pháp Đức Tổ sư dạy: như “Tăng chúng tu học Giới Định Tuệ, kẻ cao người thấp, chứ không phải là khác đạo, khác giáo Pháp”; “Ai cũng phải cho được toàn học, toàn giác, toàn năng, chứ đừng giữ riêng cái sơ giác, độc giác, hay cái giác thiếu kém; chỉ có Giới Định Tuệ là phải tu học, chứ không có thừa gì cả”; “các sư là phải đoạn nhứt thiết ác, tu nhứt thiết thiện, độ nhứt thiết chúng sanh mới phải là người tu Phật đạo” v.v...

Ngoài ra, vào các buổi thiền đàm Hòa thượng đã giải nghi và truyền trao kinh nghiệm tu tập Giới Định Tuệ ngang qua các kinh Nikaya và bộ Chơn Lý cho hành giả. Hòa thượng đã tùy theo từng nghi vấn, từng vấn đề cụ thể của hành giả trình pháp, thỉnh vấn mà xác chứng, khai thị cho hành giả khóa tu rõ ràng trong pháp hành tu tập, khiến cho hành giả khóa tu tăng trưởng thêm niềm tin và vũng bước trong phương pháp hành trì.

2. HT. Giác Hà – Phó ban Tổ chức kiêm Hóa chủ khóa tu.

Hòa thượng đã khai thị cho đại chúng bằng chính kinh nghiệm bản thân tu tập, với những lời đơn giản, mộc mạc qua những hình ảnh rất gần gũi trong đời sống hàng ngày để sách tấn hành giả, như: “Tâm như mảnh vườn, nếu không khéo chăm sóc thì cỏ dại sẽ mọc nhiều và sẽ che khuất đi những cành hoa tười đẹp”; “Tâm mình như cốc ở; hàng ngày không quét dọn thì rác cũng đã sinh ra, vậy mà mỗi ngày còn mang thêm rác vào, thì thử hỏi lâu ngày sẽ ra sao… Cũng vậy, mỗi ngày không nghe được lời kinh, không xem đọc được trang kinh, thì sao có thể lợi ích trong đời sống tu hành”. Qua đó, Hòa thượng sách tấn hội chúng cần nên tinh tấn tu tập, đừng phụ chí xuất gia ban đầu, luống phí cuộc đời. Hòa thường nhấn mạnh: Vì khi xuất gia phần lớn là tự nguyện, tự phát tâm, có chí hướng; do vậy khi được xuất gia rồi thì phải tinh tấn tu tập, duy trì và trưởng dưỡng đạo tâm ấy, đừng vì lo phục vụ, lo làm việc mà quên tu, hoặc với ý tư riêng trong quá trình làm Phật sự, Pháp sự đã làm biến thể, mất gốc đạo Phật, phai mờ giáo Pháp Khất sĩ.

Để kết thúc thời pháp, Hòa thượng dạy rằng: Phải tìm nguyên nhân dẫn đến sự giải đãi, để từ đó mà kiểm soát, điều phục; phát triển tấn căn, an trú trong chánh pháp mà tu hành.

3. HT. Giác Pháp – Giám luật khóa tu

hoc 5

Hòa thượng đã giảng giải nội dung và ý nghĩa của danh xưng “Khóa tu Truyền thống Khất sĩ”. Thời pháp đã làm cho đại chúng vô cùng hoan hỷ, khi biết được khóa tu của Hệ phái hành trì Giới Định Tuệ là đều tất yếu, nhưng điều quan trọng nữa là trong khóa tu thể hiện rõ nét về truyền thống của Khất sĩ mà Tăng đoàn thời Đức Tổ sư và quý Trưởng lão đã sống và hành trì. Trong thời gian ngắn ngủi của buổi giảng, Hòa thượng đã trình bày những nội dung trong ý nghĩa “truyền thống Khất sĩ”: Thứ nhất là: Tính chất đoàn kết, hòa hợp sống chung mà Đức Tổ sư đã dạy “Nên tập sống chung tu học, phép Tăng chẳng lìa đoàn”. Thứ hai, về pháp hành trì giới, tức là phải giữ tâm trong mỗi hành vi, ở mỗi lúc, mỗi nơi chứ không phải chỉ giữ gìn giới điều, chấp trước giới tướng, mà giữ giới tức giữ tâm để phát triển thiện pháp, ngăn ngừa ác pháp, tịnh hóa thân tâm, đoạn trù lậu hoặc. Thứ ba, là pháp tu chánh niệm trong sự hòa hợp. Trong các thời khóa tu tập thông thường thì chú trọng về nuôi dưỡng chánh niệm, nhưng đối với trong khóa tu truyền thống, sự chánh niệm ấy được thể hiện trong hòa hợp, đồng bộ của từng oai nghi, thời khóa, như Đức Tổ sư đã dạy “muôn người hòa hợp như in một người”. Ngoài ra, Khóa tu truyền thống còn được thể hiện những nét đặc thù như: mỗi ngày đều trì bình khất thực; không giữ tiền bạc; ăn chay nhưng không phi thời; v.v…

4. Những thời Thiền đàm và Sám hối mỗi ngày

thiendam 3

Cùng với sự chứng minh chủ tọa của Hòa thượng Thiền chủ, HT. Giác Pháp, HT. Giác Trí, TT. Giác Nhân, TT. Giác Minh đã chứng minh, chủ tọa lắng nghe và giải nghi những vướng mắc, những nghi vấn của hành giả. Nhờ sự giảng giải, xác nhận các phương pháp hành trì, các diễn biến của tâm, các hiện tượng phát khởi trong quá trình thiền tập, làm cho chúng hành giả rõ ràng và vững tin trong pháp hành.

Ngoài ra, trong sinh hoạt hằng ngày chư hành giả cũng có những điều sơ ý, thất niệm đã dẫn đến những sai lầm nho nhỏ cũng được sám hối mỗi cuối ngày. Được Hòa thượng Thiền chủ và chư Tôn đức chứng minh huấn thị, sách tấn cho chư hành giả, các hành giả mỗi ngày đều hoan hỷ và an lạc trong tu tập.

kthuc 8

VI. THÀNH QUẢ CỦA KHÓA TU

Với sự quan tâm của chư Tôn đức, Khóa tu lần thứ 17 đã đạt được nhiều thành quả. Trong đó nổi bậc các thành quả như sau:

1. Đối với Ban Tổ chức: đã tổ chức thành công khóa tu 17 trang nghiêm như pháp.

2. Đối với khóa tu: Thực hiện đúng chủ trương là huân tu truyền thống Giới - Định - Tuệ mà chư Tôn Giáo phẩm đã đề ra.

3. Đối với Giáo hội: Khẳng định vị thế của Hệ phái trong lòng Giáo hội theo đúng tôn chỉ “Nối truyền Thích Ca Chánh pháp – Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”.

4. Đối với chính quyền: tạo được uy tín tốt đẹp bằng với phương châm tốt đời đẹp đạo.

5. Đối với hành giả: Thắp sáng tâm linh nơi chư hành giả một con đường giác ngộ theo ngọn đèn Chơn lý của tông phong Khất sĩ. Giúp hành trải nghiệm đời sống thanh tịnh theo Tứ Y Pháp trung đạo không không trong sạch.

6. Đối với Phật tử: Gieo trồng và tăng trưởng niềm tin nơi hàng Phật tử tại gia khi chứng kiến oai nghi và công hạnh tu tập của chư hành giả.

VII. KẾ HOẠCH KHÓA TU 18

Để khóa tu truyền thống được nối dài sức sống, Ban Tổ chức có kế hoạch tổ chức khóa tu lần thứ 18 như sau:

1. Thời gian dự kiến: Mùng 4 đến 11 tháng 11 năm Ất Mùi – 2015.

2. Giáo đoàn và tịnh xá đăng cai: Khóa tu 18 sẽ do Giáo đoàn VI đăng cai và tổ chức tại Tịnh xá Ngọc Như, huyện Hảo Đước, tỉnh Tây Ninh.

VIII. KẾT LUẬN

Kính bạch chư Tôn đức,

Kính thưa quý liệt vị,

Vừa qua, chúng con đã đại diện Ban Thư ký kính trình phần báo cáo nội dung tu tập trong khóa tu lần thứ 17. Với những thành quả đạt được xin thành kính cúng dường lên mười phương Tam bảo, Đức Tổ sư và chư Đức Thầy thùy từ chứng minh. Xin cúng dường thành quả này lên chư Tôn đức đang hiện tọa trong đạo tràng tùy hỷ cho chư huynh đệ trong 6 Giáo đoàn đã thực hiện trọn vẹn duy nguyện và yếu chỉ của Tổ thầy.

Kính nguyện chư Tôn đức pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu để mãi là ngọn đèn Chơn lý soi đường cho chúng con đi trọn lộ trình giác ngộ và giải thoát. Kính chúc chư hành giả trang nghiêm tự thân, công hạnh tu hành được viên mãn. Kính chúc quý Phật tử thân tâm an lạc, tu hành tinh tấn.

toa 12

Khai mạc khóa tu Truyền thống Khất sĩ

Bế mạc khóa tu Truyền thống Khất sĩ

Chùm thơ kỷ niệm khóa tu Truyền thống Khất sĩ