Báo cáo tổng kết khóa tu Truyền thống Khất sĩ lần 19

BM10Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính bạch chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái,

Kính bạch chư Tôn thượng tọa, chư Đại đức hành giả khóa tu,

Kính thưa quý nam nữ Phật tử xa gần.

Nhằm để hoàn thiện nếp sống thanh cao của một vị xuất gia phạm hạnh, đức Phật khi xưa đã khuyến tấn chư vị Tỳ kheo nên tu tập giới định tuệ sẽ mang lại kết quả thù thắng: “Này các Tỷ kheo, đây là Giới, đây là Định, đây là Tuệ, Định tu cùng với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ tu cùng với Định sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm tu cùng với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các lậu hoặc.”

Nối tiếp truyền thống tốt đẹp đó, đức Tổ sư Minh Đăng Quang cũng đã hành và hướng dẫn chư đệ tử Khất sĩ khi có đủ giới, định, huệ thì sẽ mang đến an lạc hạnh phúc: “Có giữ giới vạn vật mới tốt đẹp, có thiền định chúng sanh mới sống đời, có trí huệ các pháp mới trọn lành trong sạch.”

Vâng hành lời dạy thiêng liêng của Phật, Tổ, Thầy nên chư Tôn đức lãnh đạo đã tu tập và khai mở khóa tu truyền thống HPKS, phương pháp hành trì đi theo lộ trình giới, định, huệ để cho hàng Tăng chúng hậu học được nhiều kết quả tốt đẹp khi tham gia tu tập.

Vì lợi ích thiết thực ấy, 18 khóa tu đã trải qua từ các giáo đoàn và khóa tu lần thứ 19 được diễn ra do Giáo đoàn 1 đăng cai tổ chức từ ngày mùng 04 đến ngày 11 tháng 03 năm Bính Thân tại Tổ đình Minh Đăng Quang, xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Để tổng kết lại quá trình tu tập, chúng con xin đại diện cho Ban thư ký báo cáo quá trình tu tập của khóa tu truyền thống lần thứ 19 như sau:

I. SỐ LƯỢNG HÀNH GIẢ                                                                                                           

1. Giáo đoàn I: 51 vị

2. Giáo đoàn II: 15 vị.

3. Giáo đoàn III: 42 vị.

4. Giáo đoàn IV: 20 vị.

5. Giáo đoàn V: 20 vị.

6. Giáo đoàn VI: 14 vị.

Tổng cộng: 162 vị.

II. BAN CHỨNG MINH VÀ BAN TỔ CHỨC

1. Ban Chứng Minh

HT. Giác Nhường – Phó Pháp Chủ kiêm Giám luật HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm chứng minh Hệ phái: Đệ nhất chứng minh.

HT. Giác Tường – Ủy viênThường trực HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm chứng minh Hệ phái: Đệ nhị chứng minh.

HT. Giác Phúc – Thành viên HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái: Đệ tam chứng minh

HT. Giác Cầu – Thành viên HĐCM, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái: Đệ tứ chứng minh

2. Ban Tổ Chức

Trưởng ban: HT. Giác Toàn – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Giáo phẩm thường trực Hệ phái.

Phó ban kiêm Thiền chủ: HT. Giác Giới  – Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái.

Phó ban kiêm Hóa chủ: HT. Giác Dũng – Giáo phẩm Hệ phái.

Phó ban Tổ chức: HT. Giác Hà – Giáo phẩm Hệ phái, Tri sự trưởng Giáo đoàn V. 

Đệ nhất Giám luật: HT. Giác Thanh – Giáo phẩm Hệ phái, Tri sự trưởng Giáo đoàn II.

Đệ nhị Giám luật: HT. Giác Thành - Giáo phẩm Hệ phái, Tri sự phó Giáo đoàn III.

Đệ nhất Kiểm thiền: HT. Giác Minh  - Giáo phẩm Hệ phái. 

Đệ nhị kiểm thiền: TT. Giác Tây – Giáo phẩm Hệ phái.

Đệ tam kiểm thiền: TT. Giác Trí - Giáo phẩm Giáo đoàn V

Đệ nhất kiểm soát : TT. Giác Cảnh – Giáo phẩm Hệ phái:

Đệ nhị kiểm soát: TT. Giác Năng

Ủy viên Ban Kiểm soát 6 Giáo đoàn: ĐĐ. Giác Thuần, ĐĐ. Giác Trực, ĐĐ. Giác Hậu, ĐĐ.Minh Sang, ĐĐ. Giác Nghĩa, ĐĐ. Giác Minh.    

Phụ trách Sa-di sám hối: TT. Giác Đăng (ĐĐ. Giác Nghĩa, ĐĐ. Minh Điệp)  

Đệ nhất Điển lễ: TT. Giác Hạnh 

Đệ nhị Điển lễ: TT. Giác Nhuận

Chánh Thư ký: ĐĐ. Giác Hoàng

Phó Thư ký: ĐĐ. Minh Khải và ĐĐ. Minh Điệp

Ngoại hộ: Trưởng ban: TT. Giác Hy. Phó ban: ĐĐ. Minh Viên

III. THỜI KHÓA TU HỌC

Thời khóa tu học hàng ngày được thiết lập rất chặt chẽ nhằm hướng cho chư vị hành giả an trụ trong chánh niệm, khai mở đạo tâm và hoàn bị về đời sống phạm hạnh. Thời khóa gồm có 4 thời thiền tọa, 4 thời thiền hành, học chơn lý buổi sáng, lãnh cơm – độ ngọ, thiền đàm buổi chiều, sám hối cuối ngày. Thời gian được ấn định từ lúc 3h30’, kết thúc vào lúc 21h00’ và 22h00 chỉ tịnh.

BUỔI SÁNG

03h30                         :         Thức chúng

04h00 – 04h30           :           Thiền hành

04h30 – 05h30           :           Thiền toạ

05h30 – 06h00           :           Chấp tác / vệ sinh

06h15 – 07h00           :           Điểm tâm

07h30 – 08h15           :           Thiền tọa

08h15 – 08h45           :           Thiền hành

09h00 – 10h00           :           Học Chơn Lý

10h30 – 12h00           :           Khất thực – Thọ trai

BUỔI CHIỀU

01h30                          :        Thức chúng

02h00 – 03h15           :           Thiền đàm

03h15 – 03h45           :           Giải lao

03h45 – 04h15           :           Thiền hành

04h15 – 05h00     :                 Thiền tọa

05h00 – 06h00           :           Vệ sinh

BUỔI TỐI

06h00 – 07h00           :           Thiền tọa

07h00 – 07h30           :           Thiền hành

08h00 – 09h00           :           Sám hối

10h00                         :         Chỉ tịnh

IV. LỊCH GIẢNG CỦA BAN GIÁO THỌ

Ngày 1 (mùng 4/3 Bính Thân): Sáng khai mạc, chiều Hòa thượng Giác Giới khai thị tổng quát.

Ngày 2 (mùng 5/3 Bính Thân): Sáng, HT. Giác Toàn giảng. Chiều trình pháp: HT. Giác Thành, TT. Giác Nhân đảm trách, HT. Thiền chủ chủ trì và đúc kết.

Ngày 3 (mùng 6/3 Bính Thân): Sáng, HT. Giác Giới giảng Chơn lý. Chiều trình pháp: HT. Giác Minh, TT. Giác Nhân đảm trách; HT. Thiền chủ chủ trì và đúc kết.

Ngày 4 (mùng 7/3 Bính Thân): Sáng, TT. Giác Tây giảng chuyên đề. Chiều trình pháp: TT. Giác Tây và TT. Giác Đăng đảm trách. HT. Thiền chủ chủ trì và đúc kết.

Ngày 5 (mùng 8/3 Bính Thân): Sáng HT. Thiền chủ giảng Chơn lý. Chiều trình pháp, HT. Giác Thành và TT. Giác Đăng đảm trách. HT. Thiền chủ trì và đúc kết.

Ngày 6 (mùng 9/3 Bính Thân): Sáng, HT. Thiền chủ giảng Chơn lý. Chiều trình pháp, HT. Giác Minh và TT. Giác Đăng đảm trách. HT. Thiền chủ trì và đúc kết.

Ngày 7 (mùng 10/3 Bính Thân): Sáng, TT. Minh Thành giảng chuyên đề. Chiều trình pháp, TT. Minh Thành đảm trách. HT. Thiền chủ trì và đúc kết.

V. NỘI DUNG GIẢNG DẠY CỦA BAN GIÁO THỌ

1. HT. Giác Giới – Thiền chủ

1b

Trong Khóa tu lần này, Hòa thượng đã triển khai và khuyến tấn chư vị hành giả về phần huệ trong Pháp học sa di để định hướng cho chư vị hành giả về mục đích của việc tu học.

Hòa thượng nói đến việc tu tập phải hiểu đúng, thấy rõ bằng chánh tri kiến thì mới có kết quả thù thắng, còn nếu không có tri kiến như thật thì việc tu trở thành luống công nhọc sức, như chiếc muỗng đối với vị canh mà chẳng biết hương vị chi cả.

Từ hình ảnh đức Phật, Hòa thượng gợi lên cho chư vị hành giả thấy được con đường tìm cầu chí thiện của đức Chánh Giác khi xưa, Ngài đã từ bỏ những dục lạc thế gian cho đến các thiền chứng để đạt đến cứu cánh Niết bàn, Ngài đã tuyên bố với chư đệ tử: “Ta đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn.”  Và sau khi chứng ngộ chân lý, Ngài đã công bố giáo pháp toàn thiện giai đoạn đầu, giai đoạn giữa và giai đoạn cuối chót để chúng sanh được giác ngộ, giải thoát. Người xuất gia phạm hạnh đang cần cầu đạo lộ giải thoát phải nghe và tác ý chân chánh đối với giáo pháp của bậc Thánh, bậc chân nhân, giống như hạng người bệnh thứ ba. 

Qua lời đức Phật, đức Tổ sư dạy và kinh nghiệm tu tập bản thân, Hòa thượng cũng đã minh chứng cho đại chúng thấy được mục tiêu việc tu học là phải đến chỗ rốt ráo, viên mãn.

2. HT. Giác Toàn - Trưởng ban Tổ chức khóa tu.

1

Hòa thượng đã hướng dẫn phương pháp sám hối với mục đích tiêu trừ hoặc nghiệp, vì mỗi vị đều có nghiệp báo riêng. Người tu chưa được thuần thục khi nói, lúc làm do ý nghĩ dẫn dắt khiến người khác buồn khổ thì phải nhận biết đó là nghiệp chướng nên phải sám hối cho thân tâm được trong sạch. Phương pháp sám hối từ thấp lên cao tùy theo căn cơ tu tập, sám hối tam nghiệp, lạy hồng danh sám hối, lạy ngũ bách danh, tụng kinh Lương Hoàng sám, Thủy sám, tự tâm sám,… để được thuần thiện hơn khi lời nói thốt ra như hoa sen thơm lừng, còn việc làm đem lại lợi ích cho người, cho mình và ý nghĩa luôn hướng về đạo lành. Về phương pháp thiền định, Hòa thượng ân cần khuyên nhắc chư vị hành giả nên “tìm lại chính mình” để thấy được tâm niệm xấu quấy ác mà chừa bỏ; còn điều thiện lành thì nên nỗ lực duy trì.

Qua phương cách giảng dạy của Hòa thượng đã mang đến cho hội chúng thiền đường được nhiều niềm vui và thêm phần lợi lạc.

3. TT. Giác Tây – Kiểm thiền

IMG 3363 Copy

Thượng tọa đã chia sẻ với hành giả khóa tu về chủ đề "Mục tiêu tu học của Phật giáo". Qua lời dạy của đức Phật, đức Tổ sư và kinh nghiệm học tu, thượng tọa khẳng định mục đích tối hậu của việc học tu là thấu rõ cội nguồn tánh giác hay thanh tịnh tâm ý, theo như lời đức Tổ sư dạy: “Chơn lý như mặt trời, pháp lý như đèn sao, thế sự như hang tối. Vậy nên cái học của chúng ta là học chơn lý, thấu chơn lý mới gọi là thật học.” Vì chơn lý là sự giải thoát rốt ráo từ nội tâm sau khi tất cả lậu hoặc đã vắng bặt, pháp lý là những phương cách hướng dẫn hành thiện, bố thí, trì giới, tu tập, … còn thế sự là những điều xấu quấy ác như hang tối khổ đau.

Chính việc học tu đạt đến kết quả giải thoát viên mãn là mục tiêu tối hậu mà chư Phật đã dạy cho hàng đệ tử từ xa xưa qua kệ ngôn Pháp cú: “Đừng làm điều ác - Làm những việc lành - Giữ tâm trong sạch - Lời chư Phật dạy.”

4. TT. Minh Thành – Giáo thọ khóa tu

3b

Thượng tọa hướng dẫn chia sẻ với đại chúng về phương pháp tu tập tứ thiền trong hệ thống kinh Nikaya.

Tứ thiền là bao gồm tầng thiền thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ tư.

Thiền thứ nhất: là tầng thiền sơ cơ nên có nhiều nội hàm. Ly dục song song với các ác bất thiện pháp là nghiêm trì giới hạnh. Chư vị hành giả tu thiền muốn mang đến kết quả thiết thực là phải có tỉnh giác, tỉnh thức trong việc giữ giới trong cuộc sống hàng ngày.

Thiền thứ hai với công thức diệt tầm, diệt tứ vì còn phóng tâm, hướng tâm, vận hành cái tâm nhiều thì trở thành động niệm. Vì vậy, thiền thứ hai là không tầm, không tứ nhưng không được loạn tâm và thường xuyên nhắc nhở bởi sự tỉnh biết, đó gọi là nội tỉnh nhất tâm.

Thiền thứ ba: Khi tới tầng thiền thứ ba thì hỷ không còn mà chỉ có lạc. Hỷ là trạng thái thô hơn lạc, lạc là trạng thái hạnh phúc vi tế, nhu nhuyến hơn hỷ. Tầng thiền thứ ba đề cập có yếu tố xả “Ly hỷ trú xả”. Vị hành giả lấy xả làm cái trọng tâm và chánh niệm tỉnh giác thường xuyên có mặt. Xả niệm lạc trú là trú vào chỗ lạc, trú vào chỗ hạnh phúc và công việc phải làm là xả niệm.

Thiền thứ tư: Xả lạc xả khổ là nói về quá khứ vì người tu thiền thì bắt chân bán già, kiết già làm gì có khổ. Mà cái khổ hiện hữu là do từ trước nên kinh nói diệt hỷ ưu đã được cảm thọ trước. Người đạt được thiền thứ tư thì nhiêu bao cái oan khiên, đau khổ, hạnh phúc ở quá khứ được vắng bặt và thiền thứ tư là trạng thái an trú trong giây phút hiện tại. Nhưng ở thiền thứ tư thì quá khứ vắng bặt để hiện ra cái tinh khôi, mới mẽ. Đó chính là giá trị của người tu.

Qua kinh nghiệm tu học thâm niên, Thượng tọa đã giúp cho chư vị hành giả hiểu rộng, biết nhiều về bốn thiền được trình bày một cách vắn tắt theo chiều xuôi và chiều ngược nhưng đầy đủ nội dung và phong phú ý nghĩa.

Và trong thời thiền đàm, Bằng với kinh nghiệm tu học uyên thâm của chư Tôn đức lãnh đạo, chư Tôn đức giáo thọ đã tháo gỡ những bâng khuâng, thắc mắc cho chư vị hành giả trong quá trình thực hành bị chướng ngại. Thời thiền đàm đã mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho đại chúng khóa tu.

VI. BAN NGOẠI HỘ

Tổ đình Minh Đăng Quang đang trong giai đoạn xây dựng nên chưa ổn định về cơ sở hàng tầng nhưng với lòng quyết tâm của Hòa thượng trụ trì đã tạo điều kiện để khóa tu lần thứ 19 được diễn ra tại nơi sinh trưởng của vị Tổ sư khơi nguồn giáo pháp Khất sĩ. Vì vậy, Hòa thượng và Tăng chúng giáo đoàn đã nỗ lực chu đáo các khâu phục vụ cho khóa tu được tốt đẹp như ý.

Để cho việc sinh hoạt của đại chúng được thuận tiện, một số cơ sở đã chuẩn bị như nhà thọ trai, giảng đường, thiền đường là nơi học pháp, thiền hành, thiền tọa và sám hối. Ngoài ra, phía dưới là ao sen thật đẹp với những bông hoa tươi thắm tỏa ngát hương thơm, và khu vườn tràm thoáng mát, thiên nhiên, yên tịnh hỗ trợ chư vị hành giả thiền tọa. Tịnh cốc và nhà đại chúng là nơi hành giả tịnh dưỡng sau giờ sinh hoạt.

Ban ngoại hộ cùng với Phật tử tại các Tịnh xá trực thuộc giáo đoàn 1 đã tận tâm chu đáo phục vụ, cúng dường thức ăn vật uống đủ dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe cho chư Tôn đức hành giả tu tập.

Và được sự quan của nhóm y bác sĩ đã tâm thường xuyên túc trực để chăm sóc sức khỏe cho chư Tôn đức hành giả khi cần thiết.

TT. Giác Hy và ĐĐ. Minh Viên trực tiếp điều hành phục vụ khóa tu. Ngoài ra, chư Tăng, Phật tử trong Giáo đoàn cùng chung tay góp sức tham gia phục vụ chu toàn các mặt để chư vị hành giả an tâm tu tập.

VII. NHẬN XÉT CHUNG

Khoá tu có nhiều điểm thuận lợi là được diễn ra tại quê hương đức Tổ sư, vùng đất thiêng liêng đã hội tụ các bậc Thầy xuất chúng (Địa linh nhân kiệt), lại thêm khung cảnh yên bình, không gian thiên nhiên khoáng đạt. Và được sự phục vụ tận tình, chu đáo của Ban ngoại hộ nên chư Tôn đức hành giả chuyên tâm chánh niệm thực hành pháp được an lạc trong từng oai nghi, cử chỉ. Nhờ vào chánh niệm tỉnh giác thuần thục chư hành giả thấy được các lỗi nhỏ nhặt mà phát lồ sám hối để được thanh tịnh. Đặc biệt, với những lời hướng dẫn tận tình bằng kinh nghiệm sâu dày của chư Tôn đức giúp đại chúng hiểu được con đường chân chánh mà Phật, Tổ, Thầy đã giáo hóa.

Bên cạnh những thuận lợi vẫn có những cái tồn động là do khí trời tương đối nóng cũng làm trở ngại ít nhiều nhưng với tâm chuyên cần, sự kham nhẫn nên chư vị hành giả dễ dàng vượt qua để an trú trong chánh pháp.

VIII. KẾT LUẬN

Tóm lại, khóa tu Truyền thống HPKS lần thứ 19 đã diễn ra thành công, tốt đẹp là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của chư Tôn đức lãnh đạo Hệ phái, chư Tôn đức giáo đoàn, Tăng chúng đơn vị đăng cai và sự chuyên cần tu tập của chư vị hành giả, cũng như sự phát tâm trong sạch cúng dường hộ khóa của hàng Phật tử các nơi.

Thành kính tri ơn chư Tôn Giáo phẩm lãnh đạo Hệ phái, Ban chức sự khóa tu và toàn thể chư hành giả. Nguyện từ lực Tam bảo gia hộ cho quí Ngài tứ đại nhu hòa, thân tâm thường lạc, quí Ngài luôn là ngọn đuốc sáng soi đường cho chúng sanh và chúng con. Xin được tri ơn các cấp chính quyền lãnh đạo địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khóa tu được diễn ra thành công tốt đẹp. Cuối cùng xin cầu nguyện Tam bảo chứng minh công đức phát tâm của toàn thể chư thiện nam, tín nữ Phật tử trong và ngoài nước cúng dường khóa tu. Kính chúc quý vị vạn sự an lành, muôn điều phúc lạc.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật