Báo cáo Tổng kết khóa tu Truyền thống Khất sĩ lần 26

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch chư Tôn Hòa thượng thành viên hội đồng chứng minh,

Kính bạch chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa lãnh đạo 6 giáo đoàn

Kính bạch chư Tôn đức hành giả khóa tu,

Kính thưa quý Phật tử,

Hôm nay trong không khí trang nghiêm của ngày Bế mạc khóa tu Truyền thống Khất sĩ lần thứ 26, chúng con đại diện Ban Thư ký khóa tu kính dâng bản báo cáo nội dung tu tập trong những ngày qua.

I. BAN CHỨNG MINH

1. HT. Giác Tường – Thành viên Thường trực HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái Khất sĩ.

2. HT. Giác Giới - Phó Thư ký HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái Khất sĩ – Thiền chủ.

3. HT. Giác Ngộ - Thành viên HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái.

4. HT. Giác Cầu - Thành viên HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái.

II. BAN TỔ CHỨC

Trưởng ban: HT. Giác Toàn - Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Viện Trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trưởng ban Ban Thường trực Hệ phái.

Phó ban: HT. Giác Hà - Thành viên HĐCM GHPGVN, Phó Trưởng ban Thường trực Hệ phái.

Phó ban: HT. Giác Hùng – Giáo phẩm Hệ phái, Chứng minh Giáo đoàn III.

Phó ban kiêm Hóa chủ: HT. Giác Thành – Chứng minh BTS GHGVN tỉnh Gia Lai, Tri sự phó Giáo đoàn III, Trụ trì Tịnh xá Ngọc Yên.

Giám luật: HT. Giác Pháp – Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó Trưởng ban Nghi lễ Trung ương, Chánh Thư ký Hệ phái.

Phó giám luật: HT. Giác Trong – Phó BTS GHPGVN tỉnh Khánh Hòa, Tri sự phó Giáo đoàn III

Giám thiền: HT. Giác Minh – Giáo phẩm Hệ phái, Tri sự phó Giáo đoàn II.

Phó giám thiền: TT. Minh Nghiêm

Trưởng Ban kiểm soát: TT. Minh Lộc – Phó trưởng ban từ thiện trung ương, Trưởng phân ban từ thiện HPKS, Chánh Thư ký Giáo đoàn IV

Phó Ban kiểm soát: TT. Giác Hiền – Phó BTS kiêm Trưởng Ban văn hóa PG tỉnh Gia Lai, Phó Ban kinh tế tài chánh Giáo đoàn III

Ủy viên kiểm soát: 1. ĐĐ. Giác Thuần, 2. ĐĐ. Minh Chuẩn, 3. TT. Giác Pháp, 4. ĐĐ. Minh Tân, 5. ĐĐ. Giác Phương, 6. ĐĐ. Minh Toàn.

Đệ nhất Điển lễ: TT. Giác Hạnh

Đệ nhị Điển lễ: ĐĐ. Giác Hậu

Chánh Thư ký: ĐĐ. Giác Hoàng – Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó Thư ký Hệ phái.

Phó Thư ký: TT. Giác Duyên – Phó BTS GHPGVN tỉnh Gia Lai, Chánh Thư ký Giáo đoàn III. 

Phó Thư ký: ĐĐ. Giác Phổ - Ủy viên Ban Hoằng pháp Trung ương, Phó Ban trị sự GHPGVN tỉnh Đăk Lăk, Phó Trưởng ban Hoằng pháp Giáo đoàn III. 

Ban Ngoại hộ: ĐĐ. Giác Khai, ĐĐ. Giác Khánh ,  ĐĐ. Giác Trung, ĐĐ. Giác Liêm và Phật tử TX Ngọc Yên, TX. Ngọc Phúc

III. BAN GIÁO THỌ

HT. Giác Giới, HT. Giác Toàn, HT. Giác Pháp, HT. Giác Thành, TT. Minh Thành.

IV. SỐ LƯỢNG CHƯ TĂNG THAM DỰ KHÓA TU

Tham dự khóa tu lần này, Giáo đoàn I có 30 vị, Giáo đoàn II có 16 vị, Giáo đoàn III có 53 vị, Giáo đoàn IV có 21 vị, Giáo đoàn V có 25 vị, Giáo đoàn VI có 8 vị, tổng số 153 vị (Trong đó có 7 HT, 8 TT, 118 TK, và 20 SD).

V. THỜI KHÓA VÀ NỘI DUNG TU TẬP

Chương trình tu học được diễn ra mỗi ngày đều có 4 thời thiền tọa, 4 thời thiền hành, 1 thời sám hối, 2 giờ học và pháp đàm Chơn lý của Tổ sư, 1 thời hành giả khất thực và độ cơm trong chánh niệm.

Khóa tu chính thức khai mạc sau giờ khất thực sáng ngày mùng 04/09/Mậu Tuất dưới sự chứng minh của Hòa thượng Giác Giới, Thiền chủ khóa tu, Trong 3 ngày 4/9, 6/9 và 8/9 Hòa thượng Thiền chủ giới thiệu pháp hành thông qua “Chơn Lý” và “Kinh Tạng Pali”

Hòa thượng giảng rõ về pháp tu theo đường lối khất sĩ. “người tu khất sĩ có ba pháp tu vắn tắt đó là Giới, Định, Tuệ”. Tu tập Tam vô lậu học là con đường thực hành của bậc Thanh văn, là bước đi của các bậc Thánh. Chúng ta không dám tự nhận mình giống như bậc Độc Giác, càng không dám so bì với bậc Chánh Đẳng Giác, tuy nhiên, chúng ta là sứ giả Như Lai, đang đi trên con đường mà Thế Tôn đã đi.

Phật ví có 3 hạng người bệnh:  

- Dù có thức ăn thích hợp, hay không có thức ăn thích hợp.

- Dù có thuốc men thích hợp, hay không có thuốc men thích hợp.

- Dù có người chăm sóc thích hợp, hay không có người chăm sóc thích hợp.

Người này vẫn đi đến mạng chung.

Cũng giống như vậy, có 3 hạng người xuất gia.

- Dù có thấy Như Lai, hay không thấy Như Lai.

- Dù có nghe Như Lai nói pháp, hay không nghe Như Lai nói pháp.

- Dù có ở gần Như Lai, hay không có ở gần Như Lai.

Vị này vẫn không khởi lên tánh quyết định, tánh chơn chánh đối với thiện pháp, vì tánh kiêu mạng vị này vẫn không đạt được Thánh quả.

Trong kinh A Hàm và văn hệ Pali, đức Phật có khuyến khích rằng: ‘hãy lắng nghe và khéo tác ý’ hoặc ‘nghe từ người khác với tâm suy tư’.

Phần đông chúng ta nghe rất nhiều, nhưng lại thiếu ‘như lý tác ý’ nên chưa sáng tỏ về chánh pháp. Do vậy, mỗi hành giả khi tham dự khóa tu Giới Định Tuệ cần phải nên “Như lý tác ý” và “Khéo suy tư”

Trong kinh Căn Bản Pháp Môn, đức Phật đã chỉ rõ cho chúng ta con đường đi đến Thánh quả.

Nội dung kinh này đức Phật nêu lên bốn hạng người: 

- Hạng phàm phu chỉ có tưởng tri

- Bậc thánh hữu học thì có thắng tri (còn gọi tuệ tri, chánh tri kiến)

- Bậc lậu tận Alahan thì đã liễu tri đối với 4 sự thật thông qua 24 pháp.

- Đấng Như Lai đã thắng tri 4 sự thật và liễu tri 24 pháp, đoạn tận khổ đau, đạt được giải thoát.

Hành giả tu tập mỗi ngày với tâm định tỉnh “khéo như lý tác ý”, “khéo suy tư thiện pháp” sẽ đạt được Thánh vị.

Ngày 05/09/Mậu Tuất, Hòa thượng Giác Toàn Trưởng Ban tổ chức khóa tu truyền thống Khất sĩ lần thứ 26 đã quang lâm và sách tấn chư hành giả qua bài pháp thoại “TU TẬP THIỀN ĐỊNH SOI SÁNG NHƠN VÀ QUẢ CỦA MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN, NGŨ UẨN VÀ LỤC CĂN”.

Hòa thượng nhấn mạnh đến chư hành giả với ý pháp là phải biết rõ sứ mạng cao quý của người xuất gia là phải thừa hưởng được Kinh, Luật, Luận và thực hành Giới , Định, Tuệ cho sung mãn.

Nghĩa là “Thấy rõ pháp, biết pháp và sống theo pháp” sẽ giúp cho hành giả tự soi sáng vào 12 nhân duyên ngang qua ba thời (quá khứ, hiện tại, vị lai) để tu tập hướng đến giải thoát.

Qua chơn lý “Ngũ Uẩn” Hòa thượng đã chỉ rõ 3 cấp bậc từ thấp lên cao,

Ngũ uẩn Ác

Ngũ uẩn Thiện

và ngũ uẩn Trong Sạch.

Vì vậy, hành giả mỗi ngày tu thiền, cần phải nên soi sáng chính bản thân mình đang ở cấp bậc nào. Từ đó nổ lực tu tập, gạn lọc, loại bỏ dần thân hình đen (địa ngục) để tiến lên thân hình trắng (thiên đường) và thân hình trong sạch (an tịnh Niết bàn).

Trong Chơn lý “Lục Căn” Hòa thượng giảng rõ về các cảnh giới từ “Địa ngục” đến “Thiên đường” từ “Cõi Ma” đến “Cõi Phật”.

Lục căn không thanh tịnhác căn; lục trần nhiều hưởng thụác trần; lục thức chấp có cóác thức, tức là 18 cõi địa ngục.

Lục căn vọng độngma căn; lục trần cấu loạnma trần; lục thức mê nhiễmma thức, tức là 18 cõi ma.

Lục căn lành tốtthiện căn; lục trần ít xấuthiện trần; lục thức không khôngthiện thức, tức là 18 cõi thiên đường

Lục căn chơn nhưPhật căn; lục trần tịnh địnhPhật trần; lục thức không mê nhiễmPhật thức, tức là 18 cõi Phật.

Hành giả khéo tu tập, tỉnh giác trong mỗi lúc, giữ gìn lục căn không vọng động, lục trần không cấu loạn, lục thức không mê nhiễm. Nội tâm sẽ được yên lặng, chơn như, tịch tịnh, an lạc Niết bàn.

Sáng ngày 7/9 năm Mậu Tuất, HT. Giác Thành, Giáo phẩm Hệ phái, Tri sự Phó Giáo đoàn III, Trụ trì Tịnh xá Ngọc Yên, kiêm Hóa chủ Khóa tu đã chia sẻ với chư tôn đức hành giả khóa tu về Chơn lý 57 "Pháp Chánh Giác".

Đến với đại chúng tại khóa tu, vào buổi sáng Hòa thượng tuyên đọc chơn lý 57 (Pháp Chánh Giác) của Tổ sư. Hòa thượng cho biết: Trước đây có nhân duyên xuống thăm đức Nhị Tổ Giác Chánh ở dưới miền Tây. Hòa thượng đã cùng Chư huynh đệ được đức Nhị tổ hướng dẫn và hành trì theo thời khóa tu học và những phần căn bản của các pháp tu tập.

Trong giáo pháp khất sĩ, hành giả muốn nắm chắc điều cơ bản trong chơn lý của Tổ sư không gì hơn là phải thường xuyên trùng tuyên lại những điều mà Tổ đã chứng nghiệm. Từ những giáo lý đó mà mỗi vị Khất sĩ khắc sâu trong tâm khảm để mà tu tập.

Bước sang buổi chiều, Hòa thượng và chư Tôn đức đã có thời pháp đàm chia sẻ về bộ Chơn lý “Pháp Chánh Giác”, Hòa thượng đã đề cập đến các Thánh quả mà người tu tập có thể chứng ngộ. Từ sơ quả, lên nhị quả, lên tam quả đến tứ quả mà còn có thể lần lượt đạt các quả khác như Bích chi Phật, Bồ tát, cho đến đức Như Lai.

Qua đó cho thấy quan điểm của Tổ sư rất tích cực. Ngài cũng khẳng định sự tu tập có thể đạt đến quả vị Phật trong 1 đời 1 kiếp mà thôi. Nếu nổ lực tu tập thì có thể thành tựu quả Phật, giác ngộ trọn vẹn…

Sáng ngày 9/9 năm Mậu Tuất, TT. Minh Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, đã chia sẻ về chủ đề “Học - Tu thiền” đến hành giả Khóa tu.

Chủ đề này có 2 mảng: học và tu.

Ở mảng học: chúng ta có thể học nhiều thầy, nhiều nguồn, gọi là trăm bạn ngàn thầy. Nhưng tu thì chúng ta chắt lọc lại sở học để đưa cái tinh yếu vào trong đời sống thực tiễn của mình.

Việc tu thiền không bị hạn chế vào hình thức ngồi, mà phải được lan tỏa vào trong tứ oai nghi đi, đứng, ngồi, nằm, khi ăn cơm, lúc chấp tác và cả khi làm các pháp sự khác...

Ngồi là tinh hoa kết tụ của những hành trạng, là đỉnh cao của sự tập trung tâm ý, mà những hành trạng khác mình khó làm được.

Trong Chơn lý số 14, quyển “Nhập Định” Tổ sư Minh Đăng Quang dạy rằng:

Định là yên Lặng; Chơn lý của võ trụ là yên lặng. Yên lặng là lẽ thật, là huyền bí, là không vọng động, nên cũng gọi là chơn như hay sự kín đáo. Định tức là mật, trong mật định có chứa linh, giác và thần. Cho nên gọi định năng sanh chơn huệ và giới. Định là chánh, loạn là tà, nên mới có tên chánh định; và cũng là có chánh mới có định, chánh định là Niết-bàn, tâm người trở lại chánh định chơn như sau khi toàn giác, gọi là Như Lai hay là Phật. Thế nên chánh định là chỗ sanh ra tất cả chúng sanh, vạn vật và các pháp, mà cũng là chỗ trở về hay chỗ đến nghỉ ngơi hưu trí của chúng sanh, vạn vật và các pháp

Về mặt chữ nghĩa chúng ta thấy, đức Tổ sư đã sử dụng ngôn ngữ rất bình dị để truyền đạt những ý tưởng, nhiều tầng, nhiều lớp thâm sâu khác nhau.

Sau khi kết thúc bài giảng chủ đề Học tu thiền, Thượng tọa đã hướng dẫn đại chúng thực tập 20 phút tu thiền theo phương pháp đang được thực hành trên thế giới.

Đầu giờ chiều, đại chúng chia sẻ pháp đàm với những kiến giải, xoay quanh chủ đề Học Tu Thiền, và giải đáp những thắc mắc của hành giả còn băn khoăn trong quá trình tu học.

Vào ngày tu cuối của Khóa tu Truyền thống Hệ phái Khất sĩ lần thứ 26, HT. Giác Pháp,  Uỷ viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, Chánh Thư ký Hệ phái Khất sĩ, Trưởng ban Giám luật Khóa tu đã có buổi chia sẻ về chủ đề quán chiếu ngũ uẩn trong đời sống tu tập.

Trong bài kinh số 58, kinh Tạp A Hàm, Kinh Bà La Môn, đức Phật dạy Tỳ Kheo muốn nhàm chán, muốn ly dục, muốn giải thoát, thì phải quán năm uẩn. Năm uẩn trong đó gồm có sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Hoặc quá khứ, hiện tại, vị lai. Hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc thô, hoặc tế, hoặc tốt, hoặc xấu, hoặc xa hoặc gần. Tất cả chúng đều chẳng phải là ngã, chẳng phải thuộc về ngã. Ai thấy như vậy gọi là thấy đúng

Hành giả quán được như vậy, sinh ra tâm nhàm chán thì mới có thể gọi là ly dục, ly ác bất thiện pháp. Và có thể chứng và trú thiền thứ nhứt. Một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh mà chứng đắc sơ quả.

Tại sao chúng ta không nói nhiều về các vấn đề khác mà lại nói Quán Năm Uẩn? Bởi vì năm uẩn là cái gốc, là cái cội nguồn sinh tất cả các phiền não, các khổ đau, những hệ lụy ở trong cuộc đời này, khởi sinh từ 5 uẩn mà có.

Cho nên, nếu chúng ta không dành thời gian tu tập, không quán sát để thấy rõ thực chất của 5 uẩn thì xem như đã quên đi cái gốc, cái cội nguồn của nó, bởi chính 5 uẩn này, là cội nguồn sinh ra các phiền não từ thập triền, thập sử cũng từ năm uẩn này mà ra.

Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Lục Tổ Huệ Năng đi tới Ngũ tổ Hoằng Nhẫn ở Hoàng Mai để xin xuất gia. Rồi khi ngũ tổ muốn trao truyền y bát lại cho người kế tục. Tổ mới bảo trong đại chúng mỗi người hãy làm 1 bài kệ để trình.

Buổi sáng ra, Ngũ Tổ đi qua hành lang thấy bài kệ của Thần Tú viết trên tường, mới dạy đại chúng là đốt nhang lễ bái và y như bài ấy mà tu hành. Bởi vì “thân là cây bồ đề, tâm là đài gương sáng, thường thường phải lau chùi, đừng để cho bụi bám".

Lúc đó Ngài Huệ Năng nghe trong chúng đọc bài kệ này, và cảm thấy bài này chưa thấy tánh. Ngài nói tui cũng có bài kệ và nhờ người viết: "Bồ đề bổn vô thọ, minh cảnh diệc phi đài, bổn lai vô nhất vật, hà xứ nhá trần ai? (Bồ đề vốn không phải là cây, cái gương sáng cũng chẳng có đài, xưa nay không một vật, thì bụi bám chổ nào?).

Mỗi hành giả chúng ta đều có năng lực soi thấy 5 uẩn là không. Cái đó là Quán Tự Tại chứ không phải có 1 ngài Quán Tự Tại nào khác, có nhiều người hiểu lầm Quán Tự Tại là Quán Thế Âm, mà là năng lực nhận thấy được 5 uẩn đều là không. Cái này là Quán Tự Tại. Khi nhận ra được 5 uẩn này là không thì lúc bấy giờ tất cả các khổ ách đều vượt qua hết.

Trong buổi chia sẻ, Hòa thượng đã dẫn dắt đại chúng hướng đến phương pháp quán sát để thấy rõ 5 uẩn này là vô thường, là khổ, là vô ngã. Đây thật là những kinh nghiệm quan trọng cho các hành giả trên bước đường tu tập hướng tới giải thoát giác ngộ.

Kính bạch chư tôn đức,

Trải qua 7 ngày tu tập, khóa tu được kết thúc trong niềm hoan hỷ vô biên, toàn thể hành giả chúng con tăng trưởng niềm tin thanh tịnh, chúng con thành kính cảm niệm ân đức hy sinh của chư tôn đức hàng giáo phẩm lãnh đạo Hệ Phái.

Qúy Ngài luôn là tấm gương mẫu mực cho chúng con noi theo để răn nhắc tâm mình tiến tu đạo nghiệp. Kính nguyện hồng ân Tam Bảo hằng gia hộ quý Ngài phước trí nhị nghiêm, bồ đề quả mãn.

Hành giả chúng con cũng không quên công đức hộ trì Tam bảo của ban ngoại hộ và nam nữ Phật tử tịnh xá Ngọc Yên, trong những ngày qua đã thức khuya dậy sớm, quét dọn sắp xếp, sắt gọt nấu nướng cho chúng con có được chén cơm ngon, bát canh ngọt, nhờ đó mà chúng con có đầy đủ sức khỏe theo suốt khóa tu.

Trước lúc rời khỏi ngôi tịnh xá Ngọc Yên thân thương này, chư hành giả chúng con xin hẹn gặp nhau trong khóa tu sau với tinh thần “sống chung tu học” để thăng tiến trên con đường giải thoát giác ngộ.

NAM MÔ HOAN HỶ TẠNG BỒ TÁT.