Báo cáo tổng kết khóa tu Truyền thống Khất sĩ lần 6

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch Hòa thượng Thiền chủ chứng minh,

Kính bạch chư Hòa thượng lãnh đạo các giáo đoàn chứng minh,

Kính bạch chư Thượng toạ, Đại đức Tăng chứng minh,

Chúng con đại diện cho Ban thư ký Khóa tu xin khái lược về tình hình tu học và kết quả tu học trong một tuần qua.

 

1. Đơn vị đăng cai và thời gian

Khóa tu lần thứ 6 này được Giáo đoàn VI đăng cai tổ chức từ mùng 2 – 9/ 11 Tân Mão (nhằm 26/11 - 3/12/2011), tại Tịnh xá Ngọc Nhơn, xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận do ĐĐ. Minh Nhơn trụ trì.

Tịnh xá Ngọc Nhơn do ĐĐ. Minh Nhơn sáng lập năm 1988 dưới sự chứng minh của cố HT. Giác Đức. Trải qua hơn 22 năm với gió cát Phan Thiết và miền thôn quê còn nhiều khó khăn về kinh tế, nên từ ngôi Chánh điện đến tịnh cốc chư Tăng trụ xứ còn mang dáng dấp của Tăng đoàn Khất Sĩ thuở hành đạo du phương. Song, khi được chư Tôn đức trong Giáo đoàn VI quyết định chọn làm địa điểm cho khóa tu hệ phái, Đại đức trụ trì, toàn thể chư Tăng trong giáo đoàn và Phật tử tại địa phương, không ngại gian lao, cùng nhau chung sức chung lòng, chạy đua với thời gian 2 tháng để kiến tạo cơ sở vật chất. Thiền đường, 12 cốc cho chư Tôn đức lãnh đạo 6 Giáo đoàn, khu thất dành cho chư Tăng, các khu vệ sinh, đường thiền hành, hệ thống nước, v.v… đều cấp tốc được thực hiện. Duy chỉ có trai đường là công trình còn dang dở.

Với nét đẹp tao nhã thanh bần, không cầu kỳ kiểu cách, tự nhiên như núi rừng vốn có, thấm đẫm chất liệu của Khất Sĩ thuở nào, Tịnh xá Ngọc Nhơn là môi trường tu tập khá lý tưởng dành cho hành giả có chí nguyện viễn ly và tha thiết với đạo quả Bồ Đề.

2. Ban tổ chức và số lượng

Vào lúc 7 giờ ngày mùng 1 tháng 11 năm Tân Mão, chư Tôn đức lãnh đạo các Giáo đoàn và hành giả tham dự khóa tu đã có mặt đông đủ, chư Tôn giáo phẩm hệ phái đã tập chúng và chính thức cung thỉnh chư Tôn đức vào các vai trò như:

HT. GIÁC NHƯỜNG - Uỷ viên Giám luật Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái, Chứng minh khóa tu.

HT. GIÁC TƯỜNG - Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái, Chứng minh khóa tu.

HT. GIÁC TOÀN - Phó Chủ tịchh HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, Trưởng ban Tổ chức.

HT. GIÁC GIỚI - Phó ban Tăng Sự TƯ. GHPGVN, Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, Thiền chủ.

HT. GIÁC HÀ - Phó ban Từ thiện TƯ. GHPGVN, Giáo phẩm Hệ phái, Trị sự Trưởng Giáo đoàn V, Phó ban Tổ chức.

HT. GIÁC TUỆ – Giáo phẩm hệ phái, đặc trách Kiểm soát.

HT. GIÁC DŨNG - Uỷ viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, Giáo phẩm Hệ phái, Trưởng Giáo đoàn III, đặc trách Giám thiền.

HT. GIÁC TUẤN – Trị sự trưởng Giáo đoàn V, Phó ban Tổ chức khóa tu kiêm Giám luật.

TT. GIÁC THUẬN - Uỷ viên Kiểm soát Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Phú Yên, Trưởng ban Nghi lễ Hệ phái, đặc trách điển lễ.

ĐĐ. GIÁC NHUẬN và ĐĐ. MINH NHƠN: Tri sự.

ĐĐ. GIÁC HOÀNG và TK. Minh Điệp: Thư ký

ĐĐ. GIÁC HẠNH (GĐ. I), ĐĐ. MINH TÂN (GĐ. IV) và ĐĐ. GIÁC NGUYỆT (GĐ. III): Uỷ viên kiểm soát.

Số lượng hành giả tham dự khóa tu lần 6 đông hơn các khóa trước, tất cả có 99 vị bao gồm: đoàn I có 24 vị, đoàn II 6 vị, đoàn III 19 vị, đoàn IV 14 vị, đoàn V 12 vị, đoàn VI 25 vị; trong đó Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tỳ-kheo gồm 82 vị, và 17 vị Sa-di. Ngoài ra, còn có một số chư Ni và nhiều Phật tử tham gia hộ trì xuyên suốt khóa tu trong 7 ngày.

3. Nội dung giảng dạy

Ngày đầu cũng như ngày cuối, HT. Thiền chủ đã khái quát hóa lộ trình tu tập Giới - Định - Huệ theo đường lối của Đức Phật và Tổ sư Minh Đăng Quang như bài “Y Bát Chơn Truyền” trong Chơn Lý “Người Khất Sĩ có 3 pháp tu học vắn tắt, đó là Giới Định Huệ”. Thế nào là Giới – Định – Huệ trong một hành động, một lời nói của một hành giả tích cực tu tập đã được Hòa thượng Thiền chủ triển khai. Qua đó, Hòa thượng khẳng định đường lối pháp môn mà chư hành giả hành trì không chỉ trong 7 ngày tại khóa tu, mà 7 ngày trong khóa tu chỉ là một cách hâm nóng, làm sống lại tinh thần tu học của chư Thánh đệ tử khi xưa, khích lệ sự tinh cần tu tập của hành giả để hướng đến ly tham, đoạn diệt, chứng đắc Niết-bàn.

Một số ý pháp trong kinh Khu Rừng Sừng Bò, Kinh Bẫy Mồi, Kinh Thánh Cầu… thuộc Trung Bộ Kinh được trích dẫn, giảng giải trong quá trình chia sẻ pháp để giúp hành giả thấy được sự dung thông giữa lời dạy của Phật và lời dạy của Tổ sư.

Chơn Lý “Pháp Chánh Giác” là pháp chân chánh đưa đến Giác ngộ do đức Tổ sư Minh Đăng Quang giảng giải, được Hòa thượng trùng tuyên và giảng rộng để thấy mối liên hệ giữa Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề, Bát Chánh Đạo Phần. Các chi phần làm nhân, làm duyên cho nhau để đưa đến đạo quả Vô thượng Bồ Đề với một ngôn ngữ và văn phong rất ấn tượng. Đây cũng là một hình thức khẳng định đường lối tu tập của một vị hành giả thuộc truyền thống Khất Sĩ.

Vào giờ thiền đàm, một số trăn trở của chư Tôn đức Tăng được Hòa thượng Thiền chủ chia sẻ dựa theo lời dạy của đức Thế Tôn trong kinh tạng Nikaya và kinh nghiệm thực tế tu tập của Ngài, gợi ý cho hành giả tiếp tục suy tư và tự đưa ra giải pháp phù hợp với căn cơ và hoàn cảnh của chính mình. Cách trả lời “gợi ý” và trưng dẫn tư liệu trong kinh tạng Nikaya như bài kinh Thành Trì trong Trung Bộ Kinh để hành giả tự suy nghĩ, tự tìm ra giải pháp phù hợp nhất cho mình, là đặc điểm nổi bật của Hòa thượng thiền chủ trong suốt quá trình hướng dẫn và chia sẻ pháp.

HT. Giác Toàn – Trưởng ban Tổ chức đã chia sẻ nhận thức và kinh nghiệm tu tập qua “Phương pháp tu tập thiền định theo kinh Pháp Bảo Đàn của Lục Tổ Huệ Năng và chơn lý Nhập Định của Tổ sư Minh Đăng Quang” vào chiều ngày thứ bảy. Lục Tổ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quá trình chuyển hóa tự tâm hơn là các biểu tướng bên ngoài. Ngài nói: “Ngoài lìa tướng là thiền, trong không loạn là định”. Còn Tổ sư Minh Đăng Quang trong bài “Nhập Định” trình bày về thể tướng dụng của Định, về quá trình tu tập để đạt đến trạng thái Định “sắc giới” và Định “Chơn Như”. Tổ còn đưa ra rất nhiều cách để nhập định qua 10 nhóm chính. Mỗi nhóm còn có nhiều chi pháp mà một hành giả tu tập có thể sử dụng một trong các chi pháp này để đạt đến định.

4. Tình hình hành giả tu học

Hành giả tham dự khóa tu phần lớn đều miên mật theo sát thời khóa. Hành giả thức dậy từ 3 giờ 30 sáng và chỉ tịnh lúc 9.30 tối. Mỗi ngày 4 thời thiền hành, 4 thời thiền tọa, 2 thời thọ trai (điểm tâm và độ ngọ) trong chánh niệm - hòa chúng, 1 thời nghe Chơn Lý, 1 thời thiền đàm và 1 thời sám hối. Trưa ngày thứ năm, toàn thể Tăng đoàn độ ngọ dưới cội cây trong vườn rừng thiên nhiên như một biểu trưng cho đời sống Tứ Y Pháp, quay về nguồn cội thời Phật, thời Tổ thuở nào.

Bên cạnh đó, có 2 buổi khất thực hóa duyên vào 2 ngày cuối, theo gương hạnh của Đức Phật và chư Thánh đệ tử xưa, tự nhắc lại mình về đạo lý “xin” vô cùng sâu sắc của Tổ sư trong quyển Khất Sĩ:

“Tiếng ‘Khất’ có nghĩa là xin. Lẽ xin là chơn lý của vũ trụ, mà chúng sanh, kẻ thì xin vạn vật để nuôi thân, người thì xin các pháp để nuôi trí. Ai ai cũng đều là kẻ xin cả thảy, hoặc đi xin, hoặc đứng xin, hoặc ngồi xin, hoặc nằm xin, hoặc ở một chỗ xin, hoặc đi cùng khắp xứ xin. Xin cái ác, xin điều thiện, xin đạo đức, xin quả người Trời, Phật; xin vật chất, xin tinh thần; xin địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Đất xin nước, đất mới sống khỏi chết khô. Cỏ cây xin đất nước mới sanh chồi mọc nhánh. Thú xin đất nước cỏ cây mới có đi chạy. Người xin thú cây tứ đại mới sanh thức trí. Phật lại xin nơi Trời người thú cỏ cây tứ đại mới được giác chơn.”

Đồng thời, trong khoá tu này, chư Tôn đức đã chú trọng nhiều đến cách sinh hoạt và hành đạo theo truyền thống Khất Sĩ mà quý đức Thầy, chư vị Trưởng Lão đã gìn giữ. Điều này, một mặt giúp các hành giả tham dự khoá tu nhìn lại giới hạnh của mình, trau dồi thêm giới đức để làm nền tảng cho định và tuệ tăng trưởng; mặt khác, đã giúp cho hành giả có thể hình dung được nếp sống Tăng đoàn thời Tổ Thầy.

Trong giờ thiền đàm, những bậc Thượng tọa giáo thọ cũng tích cực tham gia, bày tỏ niềm hoan hỷ khi tham dự khóa tu với những nội quy nghiêm túc và thời khóa hành trì như vậy, khẳng định đây là con đường mà mỗi hành giả cần phải đi, là bản sắc của hành giả cần phải khôi phục. Những hạn chế của bản thân, nếu không có công phu tu tập, thấm nhuần hạnh vô ngã, thì khó mà nói lên lời trước sự hiện diện đông đảo của đại chúng như vậy.

Ngoài ra, qua các phiếu góp ý, nhận xét của chư Tôn đức tăng, thấy rằng hầu hết các hành giả đều hoan hỷ với thành quả tu học trong khóa thứ 6 này. Sức mạnh của tinh thần hòa hợp như nước với sữa của chư Tôn đức Tăng đoàn VI đã tạo nên kỳ tích trong khóa tu này. Ngoài ra, cảnh quan môi trường tu tập nơi Tịnh xá Ngọc Nhơn là cảnh quan thù thắng, đáp ứng được lời dạy của Tổ sư trong Chơn Lý “Nhập Định”: “Muốn nhập định cũng phải cần cảnh tịnh. Tâm cảnh phải y nhau, thời duyên phải hạp lúc, sanh chúng chớ cho gần, hoặc gần thì phải phải thuận hạp, hoặc hộ trì tán trợ”.

Đặc biệt, trong thời sám hối, với tâm tàm, tâm quý, chư Tăng, hội chúng Sa-di, chư Tôn đức Tăng đoàn VI đã thể hiện sự cầu tiến, khiêm tốn nên mạnh dạn phát lồ về các hành vi và ngôn ngữ còn khiếm khuyết, mong cho tâm được thanh tịnh hơn, cõi lòng thanh thản hơn, nhờ đó tâm định và tuệ giác có cơ hội phát sinh.

5. Ngoại hộ

Với lòng thành kính ba ngôi báu, Phật tử tại Tịnh xá Lộc Uyển - Q. 6 - TP. HCM, quý thiện tín tại địa phương, chư Tăng Ni tại tỉnh nhà như ĐĐ. Giác Viễn – trụ trì TX. Ngọc Bình – Phan Thiết, SC. Chùa Châu Quang, Sư cô trụ trì TX. Ngọc Sanh, SC. Dung Liên trụ trì TX. Ngọc Lương, SC. Mẫn Liên trụ trì TX. Ngọc Thiền hướng dẫn quý Phật tử về Tịnh xá Ngọc Nhơn thiết lễ cúng dường, và nhiều Phật tử thuộc đạo tràng khác như TX. Ngọc Viên – Vĩnh Long, Phật tử TX. Ngọc Giáng – Đà Nẵng cũng về TX. Ngọc Nhơn thiết trai cúng dường, cầu phước và hộ đạo.

Được biết, từ khi Ngọc Nhơn được chọn làm điểm tu tập cho hệ phái, nhiều gia đình Phật tử địa phương, đã ngày đêm công quả để cho công trình kiến tạo cơ sở hạ tầng sớm được hoàn mãn. Trong suốt khóa tu, một số Phật tử đã bỏ cả công việc gia đình và công tác xã hội để hộ trì trong mọi sinh hoạt, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho chư Tăng tu tốt nhất. Không những thế, việc ăn bận áo giới nghiêm trang và thành kính lễ bái của Phật tử đối với chư Tôn đức cũng nói lên tấm lòng vì đạo và mến mộ đạo pháp của Phật tử.

6. Các đóng góp ý kiến cho các khóa sau                 

- HT. Thiền chủ và chư Tôn đức dự kiến sẽ sắm những nhu dụng cho khóa thiền hệ phái như mùng ngồi thiền, bồ đoàn. Khi khóa tu được kết thúc, các nhu dụng đó được chuyển giao lại cho đoàn đăng cai tiếp theo.

- HT. Thiền chủ và chư Tôn đức nhất trí thông qua, các khóa sau hành giả không những tự lo về y, bát, muỗng mà còn nên mang theo ca, tọa cụ, mùng cá nhân.

- TK. Minh Điệp đề nghị trong chương trình lễ khai mạc, Ban tổ chức nên đưa thêm vào Lời phát nguyện của hành giả tham dự khoá tu.

- Các ý kiến khác về thời khóa biểu, Ban tổ chức, v.v… đã được phản ánh trong PHIẾU GÓP Ý và sẽ được Ban Thư ký tổng hợp và báo trình đến chư Tôn đức Giáo phẩm lãnh đạo hệ phái sau.

7. Nhận định chung

Nhìn chung, khóa tu lần thứ 6 này được tổ chức rất thành công. Thành công trước nhất là số lượng tham gia đông hơn các khóa trước mà vẫn tuân thủ đúng giới luật của Tăng già và thiền môn quy củ. Thành công thứ hai là cảnh quan môi trường rộng, thoáng, cách xa cư dân thôn làng, phù hợp với truyền thống Khất Sĩ. Thành công thứ ba là Ban tổ chức chu đáo trong mọi mặt, nhất là ăn mặc ở bệnh nhưng vẫn giữ được chất đơn sơ của người con Khất Sĩ. Thành công thứ tư là Ban giáo thọ và các vị phụ trách trong Ban kiểm soát, kiểm thiền đã làm trọn chức năng của mình. Thành công thứ năm là cư sĩ hộ đạo thể hiện được tấm lòng và cung cách của Phật tử thuần thành.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những khiếm khuyết không sao tránh khỏi mà mỗi hành giả và Ban tổ chức tự chiêm nghiệm và rút ra để tự thân trang nghiêm và trang nghiêm Giáo hội để Tăng đoàn mỗi ngày hòa hợp hơn, trang nghiêm hơn và thanh tịnh hơn, xứng đáng là ruộng phước điền cho chúng sanh gieo trồng hạt giống thiện lành và giác ngộ, giải thoát.

Với kết quả tu tập thù thắng, khả quan trên xin thành kính dâng lên cúng dường mười phương chư Phật, Đức Tổ sư và liệt vị đức Thầy. Ngưỡng mong chư Phật, Tổ sư và chư Đức Thầy thùy từ chứng giám.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.