Báo cáo tổng kết Khóa tu truyền thống Khất sĩ lần thứ 13

 

22.daophatkhatsi.net

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch chư Tôn đức,

Để tổng kết lại quá trình tu tập trong 7 ngày qua, chúng con xin đại diện cho Ban Thư ký báo cáo tóm tắt về khóa tu học như sau:

1. ĐƠN VỊ ĐĂNG CAI VÀ TRÚ XỨ

Khóa tu truyền thống Khất Sĩ lần thứ 13 được Giáo đoàn I đăng cai tổ chức tại đạo tràng Tịnh xá Ngọc Liên (số 43/168 Cao Văn Lầu, khóm 4, P. 2, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). Tịnh xá Ngọc Liên là một trong 20 ngôi tịnh xá đầu tiên được Đức Tổ sư Minh Đăng Quang thành lập, có diện tích khoảng 2 hecta. Đến nay, trong khuôn viên tịnh xá vẫn còn lưu lại 3 dấu tích mà Tổ sư đã để lại: Cây Bồ-đề trước chánh điện, một núi đất phía sau nhà Tăng và một hồ sen. Trong giai đoạn đầu mới thành lập, tịnh xá có một khung cảnh hòa mình với thiên nhiên rất thích hợp cho chư Tăng trú ngụ để tu tập. Do thời duyên thay đổi cùng với sự phát triển của xã hội, nên đạo tràng được kiến tạo thêm, trở nên sạch đẹp và thông thoáng. Tịnh xá có ngôi chánh điện khang trang nằm ngay trung tâm khuôn viên, các khu nhà nghỉ và chỗ sinh hoạt của chư Tăng cũng bố trí hợp lý, tạo điều kiện cho đạo tràng sinh hoạt tu tập dễ dàng và thuận lợi.

2. MỐI QUAN HỆ GIỮA GIÁO HỘI, HỆ PHÁI VÀ CHÍNH QUYỀN

Được sự ưu ái, quan tâm của các cấp Giáo hội và Chính quyền, trước lễ khai mạc diễn ra, vào chiều ngày mùng 5 tháng 3 năm Giáp Ngọ, chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái đã về tịnh xá rất sớm, và đã đến Văn phòng Tỉnh ủy viếng thăm BTS GHPG Tỉnh và các cơ quan chức năng của tỉnh. Buổi thăm viếng với sự hoan hỷ, hòa hợp giữa Giáo hội và Chính quyền các cấp đã tạo nên sự gắn kết sâu sắc giữa Hệ phái với Giáo hội và các cơ quan chức năng địa phương.

Vào lúc 7 giờ sáng ngày mùng 6 tháng 3 năm Giáp Ngọ, chư Tôn đức hành giả khóa tu đã trì bình khất thực qua các trục lộ TP. Bạc Liêu rồi trở về tịnh xá lúc 8 giờ 30. Buổi khất thực đã tạo nên sự hoan hỷ cho Phật tử cùng bá tánh địa phương vì được gieo duyên cúng dường đến chư Tăng. Đúng 9 giờ 30, lễ khai mạc chính thức được diễn ra với sự hiện diện chứng minh của HT. Giác Nhường - Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM GHPGVN và HT. Giác Cầu - Thành viên HĐCM GHPGVN. Về phía GHPGVN tại tỉnh có sự quang lâm chứng minh của Ban Trị sự GHPG tỉnh Bạc Liêu: TT. Thích Minh Lành - Trưởng ban và sự hiện diện tham dự của ông Quảng Trọng Ninh - Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Bạc Liêu. Lễ khai mạc kéo dài khoảng 1 tiếng 30 phút đã tạo nên sự hòa hợp giữa Hệ phái với Giáo hội Phật giáo tỉnh Bạc Liêu và sự ấm áp thâm tình của các cấp Chính quyền. Với lời phát biểu chân tình và đầy cảm xúc, ông Quảng Trọng Ninh đã chia sẻ những thông tin về địa lý, giúp các hành giả biết thêm về cục đất miền Tây Nam Bộ thân thương, với cảnh trí thiên nhiên sông nước.

3. BAN CHỨNG MINH VÀ CHỨC SỰ KHÓA TU

Về Ban Chứng minh và Ban Chức sự khóa tu truyền thống lần này gồm có:

a. Chứng minh: HT. Giác Nhường - Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái Khất Sĩ (HPKS); HT. Giác Tường - Ủy viên Thường trực HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh HPKS; HT. Giác Cầu - Thành viên HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm HPKS.

b. Ban Tổ chức và hành giả tham dự:

- Trưởng ban: HT. Giác Toàn - Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm HPKS.

- Phó ban Thường trực kiêm Thiền chủ: HT. Giác Giới - Phó Trưởng ban Tăng sự Trung ương GHPGVN, Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm HPKS.

- Phó ban: TT. Thích Minh Lành - Ủy viên HĐTS GHPGVN, Trưởng ban Trị sự GHPG tỉnh Bạc Liêu.

- Phó Thiền chủ: HT. Giác Dũng - Chứng minh BTS GHPG tỉnh An Giang, Giáo phẩm HPKS.

- Điển lễ: HT. Giác Thuận - Trưởng ban Nghi lễ HPKS, Trị sự Trưởng Giáo đoàn III.

- Trưởng Giám luật: HT. Giác Thanh - Trị sự Trưởng Giáo đoàn II, Giáo phẩm HPKS; Phó Giám luật: HT. Giác Giàu – Phó ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hậu Giang, Giáo phẩm HPKS.

- Giám Thiền: TT. Giác Minh - Giáo phẩm HPKS; TT. Minh Chân (GĐ IV).

- Hóa chủ: TT. Giác Đăng - Giáo phẩm HPKS. Phó Hóa chủ: ĐĐ. Giác Hy - Trụ trì Tịnh xá Ngọc Liên.

- Kiểm soát: TT. Giác Phùng - Giáo phẩm HPKS, Phó ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa, TT. Giác Năng (GĐ V), ĐĐ. Giác Tín (GĐ I), ĐĐ. Giác Minh (GĐ VI), ĐĐ. Minh Y (GĐ IV).

- Thư ký: ĐĐ. Giác Hoàng - Ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó Thư ký Hệ phái; ĐĐ. Minh Kiến (GĐ I).

Chư hành giả tham dự khóa tu: Giáo đoàn I có 48 vị; Giáo đoàn II có 11 vị; Giáo đoàn III có 33 vị; Giáo đoàn IV có 22 vị; Giáo đoàn V có 20 vị; Giáo đoàn VI có 9 vị; Tổng cộng có 143 vị.

4. NỘI DUNG THUYẾT GIẢNG VÀ THIỀN ĐÀM

Vào chiều ngày khai mạc lúc 13 giờ 30, HT. Trưởng ban Tổ chức đã có buổi pháp thoại trình bày đến đại chúng về kinh nghiệm tu tập. Kỳ này Hòa thượng đã chọn phẩm “Diệu Hạnh” trong Kinh Pháp Bảo ĐànChơn Lý “Thần Mật” để trích giảng nhằm giúp cho hành giả thấy được điểm tương đồng. Với kinh nghiệm pháp học và pháp hành, Hòa thượng đã diễn đạt rất cô đọng ý nghĩa thiết thực cho hành giả nắm rõ để tu tập, cụ thể qua phẩm “Diệu Hạnh” của Kinh Pháp Bảo Đàn là một hành giả tu tập tọa thiền làm sao để không còn trụ chấp, hay dính mắc vào cảnh, vào tâm và ngay cả không còn chấp vào tướng “tọa” hay tướng “thiền” nữa. Hòa thượng dạy dính mắc là do mê lầm, vọng động. Muốn hết mê lầm, vọng động thì phải thấy tâm vốn là huyễn thì vọng động không còn và không dính mắc nữa. Cái nhìn phân biệt tốt xấu, phải quấy… là do duyên cảnh khiến tâm ta vọng động. Cho nên, người không còn chấp mới trở về tự tánh vốn thanh tịnh, lúc đó mới gần với đạo. Đồng thời, Hòa thượng đọc giảng thêm một số đoạn trong quyển “Thần Mật” để thấy những điểm giống nhau giữa Lục Tổ Huệ Năng và Tổ sư Minh Đăng Quang trong nhận thức và trong tu tập. Việc tu đối với Tổ sư không ngoài giữ thân mật, khẩu mật và ý mật, mà Ý mật là không còn tưởng nhớ nữa. Hòa thượng dạy người tu nên coi thân này như đã chết, đến khi hết ý là không còn vọng động tạo nghiệp, là trở về với tự tánh thanh tịnh, tâm lúc đó chính là tâm Đức Phật.

Riêng Hòa thượng Thiền chủ đã chọn quyển Chơn Lý “Khất Sĩ” để giảng. Đây là một trong những quyển vô cùng đặc sắc trong 69 quyển, thể hiện nhận thức của Tổ sư về hai chữ “Khất Sĩ”. Một người tu trong truyền thống giáo pháp Khất Sĩ mà chưa đọc, tư duy về bài này thì xem như là chưa phải người con trò “Khất sĩ”. Một người khất sĩ đúng nghĩa là dưới xin phẩm thực để nuôi thân, trên xin giáo pháp để nuôi trí. Nhìn theo góc độ tuyệt đối, ai ai cũng là “khất sĩ” vì ai trong đời không xin, xin đất để đứng, xin nước để uống, xin khí trời để thở, xin lửa để có sự ấm, xin cỏ, cây, thú, người, trời, Phật để học hỏi… và học đến chỗ thấy biết rốt ráo để không còn vọng động chấp chặt khổ sở nạn tai. Chỉ có điều người “Khất sĩ” là người vừa xin lại vừa cho, xin vật chất và tinh thần để nuôi dưỡng thân tâm, nhưng cũng cho lại tinh thần pháp bảo cao quý để đền ơn chúng sanh vạn loại. Bên cạnh Hòa thượng triển khai nội dung thâm áo của bài Chơn lý “Khất Sĩ”, Hòa thượng còn trích dạy nhiều đoạn trong kinh tạng Nikaya, liên hệ đến Giới Định Tuệ để hướng dẫn hành giả sống đời sống phạm hạnh (giới đức), luôn chú tâm cảnh giác vào các cử chỉ oai nghi của mình, an trú tâm cho được kiên cố, để từ đó hành giả có thể khai mở trí tuệ, thấy rõ về khổ, về nguyên nhân của khổ và trên hết tu tập con đường đưa đến giác ngộ để đạt đến quả vị Niết-bàn ngay trong hiện tại.

Vào những giờ thiền đàm, nhiều vị Tôn túc đã chia sẻ kinh nghiệm tu tập của bản thân qua trong quá trình hành trì Giới Định Tuệ. HT. Giác Dũng, Ngài đã lưu ý về việc tu tập giới định tuệ đến với mọi hành giả cốt là để thanh tịnh thân tâm, nhưng có một số hành giả ngày nay giữ giới chút đỉnh lại rơi vào tự tán hủy tha. Còn tu tập Định là ngồi thiền để cho tâm thanh tịnh, nương vào những thời khóa tu để phát triển sự an tịnh của tâm thức, nhưng cũng có một số vị tự tán hủy tha. Và còn về tu Tuệ là hành giả có được tư huệ hay tu tuệ hay có chút kiến giải uyên bác hoặc ăn nói được lưu loát gì đó, rồi cho người khác là dốt nát, ngu si. Nếu tu Giới, Định và Tuệ như vậy thì không thể tiến bộ trên đường đạo. Hòa thượng còn nhắc nhở khi một hành giả khởi niệm, 6 căn tiếp xúc 6 trần mà bội giác hợp trần, chạy theo 6 trần cảnh là mê lầm, còn vị nào mà bội trần hợp giác thì hành giả lúc đó tâm được thanh tịnh giải thoát.

Ngoài ra, Đại đức Giác Tín cũng đã chia sẻ cách ứng dụng Giới Định Tuệ trong đời sống tu tập. Đại đức nhấn mạnh rằng một vị muốn bền vững trong tu tập và làm đạo phải tu tập thiền định làm nền tảng căn bản để tạo nội lực vững chắc. Vì tâm là chủ lực nên khi tâm có định tĩnh và nội lực vững chắc thì giới đức trang nghiêm, thân tâm thanh tịnh thì khi đối duyên xúc cảnh, giao tiếp sinh hoạt hay làm việc sẽ không bị dao động hay dính mắc. Và nhờ có thiền định chánh niệm thường xuyên, trí thần sáng suốt, tâm trí minh mẫn, làm cho người tu có nhiều an lạc hoan hỷ nơi nội tâm.

TT. Giác Nhân và TT. Giác Minh cũng chia sẻ kinh nghiệm tu tập của bản thân qua 2 điều căn bản của người xuất gia, đó là đức tính khiêm cung và nhẫn nại trước những thử thách gian khó khi mới vào đạo, để tạo động lực thúc đẩy trên đường tu được bền vững và lâu dài.

Với kinh nghiệm pháp hành được tu học ở Miến Điện, ĐĐ. Giác Nhẫn và ĐĐ. Giác Khiêm đã chia sẻ sự hành trì về phương pháp tu thiền chỉ, thiền quán trong các truyền thống thiền viện tại Miến Điện, về cách thực tập làm thế nào để cho tâm được an trú và định tĩnh và các pháp hành Ba-la-mật mà một hành giả cần phải trang bị.

Những buổi học Chơn Lý và thiền đàm đã giúp chư vị hành giả sáng tỏ hơn về lộ trình Giới Định Tuệ. Hòa thượng Thiền chủ luôn khuyên nhắc đại chúng tu tập đúng theo phương pháp của Tổ hướng dẫn và luôn kèm theo là những đoạn trích trong các kinh tạng Nikaya để cho tất cả mọi hành giả đều có thể an trú những đề mục và pháp hành khác, nhưng không ngoài Giới Định Tuệ. Điều căn bản mà Hòa thượng nhấn mạnh ở người Khất sĩ là “học trò xin ăn tu học”, nên mỗi hành giả phải cầu tìm Chơn lý từ những bậc chân sư. Hòa thượng khích lệ phải “vạn lý tầm sư” và học cho thấu đạt Chơn lý.

5. BAN HỘ KHÓA

Trực tiếp lãnh đạo điều hành Ban Hộ khóa là ĐĐ. Giác Hy. Đại đức rất chu đáo trong công tác chuẩn bị từ những tháng trước khi khóa tu diễn ra. Ngoài ra, chư Tăng và Phật tử trong Giáo đoàn I cùng tham gia phục vụ trong Ban Hộ khóa, các khâu như sắp đặt chỗ ở, khu vực hành thiền, học Chơn Lý, thọ trai… đều được sắp xếp chu toàn để đảm bảo đúng với thời khóa tu học.

Tham gia hộ khóa có một vị Đại đức và 8 Sa-di, tập sự thuộc Giáo đoàn I, cùng quý Phật tử các đạo tràng tịnh xá như: TX. Ngọc Viên, TX. Ngọc Liên, TX. Ngọc Trung.

6. NHẬN XÉT CHUNG

Khóa tu lần này, các hành giả được nhân duyên trở về tu tập ở một trong những nơi Tổ sư khai lập, tu tập và hành đạo. Khóa tu được diễn ra trong những ngày vào hạ, không khí nóng bức đã làm cho một số hành giả không sao tránh khỏi sự khó chịu, nhưng nhờ sự quan tâm chăm sóc từ Ban Tổ chức và Ban Hộ khóa, chư hành giả vẫn tinh tấn tu tập. Chất liệu làm cho chư hành giả thêm hoan hỷ, tinh tấn tu tập là những bài pháp, những kinh nghiệm quý báu và lòng từ bi từ chư Tôn đức Giáo phẩm, đã làm cho các hành giả không bị trở ngại bởi bất cứ chướng ngại gì.

Với thời gian bảy ngày không đủ để một hành giả mới tham gia hiểu được tường tận về lộ trình tu tập Giới Định Tuệ, nhưng cũng là thời gian tạm đủ để hành giả kết duyên lành sâu sắc với con đường giác ngộ cao thượng này, đủ để các hành giả có thêm một ít hành trang khi trở về trú xứ thêm sức tinh tấn trên con đường đã chọn. Đối với các hành giả đã tham dự nhiều khóa, bảy ngày qua là những ngày vô cùng quý giá vì đã sống trọn vẹn với lộ trình của một bậc hữu học trên con đường giải thoát.

7. KẾT LUẬN

Khóa tu truyền thống lần thứ 13 được diễn ra một cách thuận lợi theo kế hoạch dự kiến ban đầu. Thành tựu này có được là do sự lãnh đạo sáng suốt của chư Tôn đức Giáo phẩm Thường trực Hệ phái, chư Tôn đức đơn vị đăng cai, Ban Hộ khóa, và sự nhiệt tâm tu tập của hơn 140 hành giả.

Thành kính tri ân chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái, Ban Tổ chức khóa tu và toàn thể chư vị hành giả. Kính nguyện chư Tôn đức pháp thể luôn được khương an, đạo hạnh viên mãn, Phật quả viên thành. Xin được tri ân các cấp Chính quyền lãnh đạo tại địa phương đã quan tâm, ủng hộ cho khóa tu diễn ra được thành tựu tốt đẹp. Sau cùng, xin nguyện cầu Tam bảo chứng minh công đức quý nam nữ Phật tử tại Tịnh xá Ngọc Liên cùng quý nam nữ Phật tử xa gần đã tùy hỷ phát tâm cúng dường, ngoại hộ cho khóa tu. Kính chúc quý vị thân khỏe, tâm an, giữ trọn niềm kính tin Tam bảo.

Cầu mong đại chúng luôn sống an lành trong ánh sáng của Chánh pháp.

Kết thúc viên mãn khóa tu truyền thống lần thứ 13