Báo cáo tổng kết Khóa tu Truyền thống Khất sĩ lần thứ 14

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,

Kính bạch chư Tôn Hòa thượng chứng minh,

Kính bạch chư Tôn thiền đức Giáo phẩm Hệ phái chứng minh,

Kính bạch chư Tôn đức hành giả,

Kính thưa chư thiện nam tín nữ Phật tử,

Thế là bảy ngày trôi qua trong tĩnh lặng. Trong giờ phút trang trọng của buổi Lễ Tạ pháp mãn khóa này, con xin thay lời quý Đại đức trong Ban Thư ký tóm tắt đôi nét về hành trình khóa tu truyền thống Khất sĩ lần thứ 14, như một phẩm vật cúng dường lên Tam Bảo, Tổ Thầy và chư Tôn thiền đức Tăng.

Kính bái bạch quý Ngài,

I. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM ĐĂNG CAI & NGÀY KHAI MẠC

Khóa tu được bắt đầu chính thức vào buổi sáng ngày 18 tháng 9 năm Giáp Ngọ (nhằm ngày 11/10/2014) sau thời khất thực hóa duyên truyền thống và kết thúc ngày 25 tháng 9 năm Giáp Ngọ (18/10/2014).

Tịnh xá Trúc Lâm thuộc xã Tân Hà, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận là một trong 17 trú xứ trực thuộc Giáo đoàn II. Vốn là một A-lan-nhã cách xa thành thị và khu đông dân cư, bốn bề tịch lặng, rất phù hợp với cảnh trí của người tu tập thiền định, nên Tịnh xá được chư Tôn đức Giáo đoàn II chọn làm điểm đăng cai 2 lần. Lần thứ nhất vào mùa thu năm 2010 với cơ sở hạ tầng còn rất khiêm tốn so với thời điểm hiện nay.

Trong ngày khai mạc, ngoài những vị hành giả tham dự khóa tu, chư vị Tôn đức Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái hoan hỷ quang lâm chứng minh, có HT. Giác Tường, HT. Giác Ngộ, HT. Giác Toàn và HT. Giác Hà. Trong ngày bế mạc này, chư Tôn đức Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái cũng hoan hỷ quang lâm chứng minh và ban đạo từ, có HT. Giác Tường & HT. Giác Phúc.

II. BAN CHỨNG MINH, BAN TỔ CHỨC & SỐ LƯỢNG HÀNH GIẢ

Như thường lệ, vào đêm trước ngày khai mạc, chư Tôn đức tham dự khóa tu đã cùng ngồi lại và cung thỉnh chư Tôn đức vào các vai trò để đảm đương chức năng trong khóa tu như sau:

BAN CHỨNG MINH

HT. Giác Tường – Thành viên Thường trực HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái: Đệ nhất Chứng minh

HT. Giác Nhường – Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái: Đệ nhị Chứng minh

HT. Giác Phúc – Thành viên HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái - Đệ tam Chứng minh

HT. Giác NgThành viên HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái - Đệ tứ Chứng minh

BAN TỔ CHỨC
HT. Giác Toàn – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Giáo phẩm Thường trực Hệ phái: Trưởng ban Tổ chức

HT. Giác Giới – Phó Trưởng ban Tăng sự Trung ương, Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái: Phó ban kiêm Thiền chủ

HT. Giác Hà – Phó ban Từ thiện Trung ương GHPGVN, Tri sự trưởng Giáo đoàn V: Phó ban Tổ chức

HT. Giác Thanh – Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đăk k, Tri sự trưởng Giáo đoàn II: Phó ban kiêm Hóa chủ

HT. Giác Thuận – Trưởng ban Kiểm soát tỉnh Khánh Hòa, Tri sự trưởng Giáo đoàn III: Đệ nhất Giám luật

TT. Giác Pháp – Ủy viên dự khuyết HĐTS GHPGVN, Chánh Thư ký Hệ phái: Đệ nhị Giám luật

TT. Minh Chân – Giáo phẩm Giáo đoàn IV: Đệ nhất Giám thiền

TT. Giác Sơn – Ủy viên dự khuyết HĐTS GHPGVN, Tri sự phó Giáo đoàn II: Đệ nhị Giám thiền

TT. Giác Phùng – Phó ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa, Tri sự phó Giáo đoàn III: Đệ nhất Kiểm soát

TT. Giác Cảnh – Phó ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lâm Đồng, Giáo phẩm Giáo đoàn V: Đệ nhị Kiểm soát.

TT. Giác Minh – Giáo phẩm Hệ phái, Tri sự phó Giáo đoàn II: Điển lễ

ĐĐ. Giác Hoàng  – Ủy viên dự khuyết HĐTS GHPGVN, Phó Thư ký Hệ phái: Đệ nhất Thư ký

ĐĐ. Giác Trực – Chánh Thư ký Giáo đoàn II: Đệ nhị Thư ký

TT. Giác Hạnh (Kiểm soát GĐ I), ĐĐ. Giác Châu (Kiểm soát GĐ II), ĐĐ. Giác Kính (Kiểm soát GĐ III), ĐĐ. Minh Tân (Kiểm soát GĐ IV), TT. Giác Thông (Kiểm soát GĐ V), ĐĐ. Giác Nghĩa (Kiểm soát GĐ VI).

ĐĐ. Giác Phước - Trụ trì Tịnh xá Ngọc Đăng, Q. Bình Thạnh, TP. HCM: Trưởng ban ngoại hộ

SỐ LƯỢNG HÀNH GIẢ

Khóa tu lần thứ 14 này có tất cả 115 hành giả tham dự, trong đó có 3 vị Hòa thượng, 10 vị Thượng tọa, 82 vị Đại đức Tỳ-kheo và 20 Sa-di. Giáo đoàn I tham dự 19 vị (trong đó có 1 vị Hòa thượng, 1 vị Thượng tọa, 15 vị Đại đức Tỳ-kheo, 2 Sa-di), Giáo đoàn II có 24 vị (trong đó có 1 vị Hòa thượng, 2 vị Thượng tọa, 16 vị Đại đức Tỳ-kheo, 5 Sa-di), Giáo đoàn III có 28 vị (trong đó có 1 vị Hòa thượng, 1 vị Thượng tọa, 22 vị Đại đức Tỳ-kheo, 4 Sa-di), Giáo đoàn IV có 14 vị (1 vị Thượng tọa, 13 Tỳ-kheo), Giáo đoàn V có 21 vị (trong đó có 4 vị Thượng tọa, 12 vị Đại đức, 5 Sa-di), Giáo đoàn VI có 9 vị (trong đó có 5 vị Đại đức, 4 Sa-di).

III. NỘI QUY VÀ THỜI KHÓA TU HỌC

Về 8 điều trong nội quy, khóa này đã thống nhất sửa lại điều thứ 4 để mang tính khả thi hơn: “Hạn chế nói chuyện khi không có lý do chính đáng”. Về thời khóa biểu tu học vẫn giữ như thường lệ. Bắt đầu thức chúng từ 3.30 và kết thúc thời sám hối lúc 21 giờ. Chỉ tịnh lúc 22 giờ. Mỗi ngày đều có 4 thời thiền tọa, 4 thời thiền hành, một thời học Chơn Lý, một thời thiền đàm và một thời sám hối, điểm tâm và thọ trai trong chánh niệm. Trong khóa này, giờ thiền đàm được chư Tôn đức đề nghị ngoài việc hướng dẫn căn bản về pháp hành từ Hòa thượng Thiền chủ, còn dành thời gian để hành giả trình bày nhận thức và sở tu của mình, từ đó Hòa thượng Thiền chủ có thể hướng dẫn và khích lệ tùy theo căn tánh của từng hành giả. Trong khóa tu này cũng giống như hầu hết các khóa tu trước, ngày đầu và ngày cuối đều có khất thực hóa duyên theo truyền thống ba đời chư Phật và chư Tổ. Phật tử địa phương và thập phương vô cùng hoan hỷ khi được đặt bát chư Tăng. Đó cũng là một trong những truyền thống quý báu mà Hệ phái cần gìn giữ và phát huy.

IV. NỘI DUNG GIẢNG THUYẾT VÀ THIỀN ĐÀM

Trong khóa tu này, hai vị Hòa thượng giảng chính yếu. Một là Hòa thượng Giác Toàn giảng vào buổi chiều khai mạc. Còn lại những ngày sau do Hòa thượng Thiền chủ đảm trách.

HT. Giác Toàn đã đến với hội chúng bằng đề tài “Tâm pháp, ý pháp của đức Phật, Lục Tổ Huệ Năng và Tổ sư Minh Đăng Quang”. Trong bài giảng, Hòa thượng đã trích dẫn lời dạy của đức Phật “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh” trong Kinh Phạm Võng để khích lệ hành giả tu tập, phát triển tánh Phật đến viên mãn. Đối với Lục tổ Huệ Năng, Hòa thượng trích lời dạy của Tổ Kinh Pháp Bảo Đàn, phẩm “Định Huệ” (thứ tư) để hiển thị thế nào là “nhất hạnh tam muội” và thế nào là “thiền tọa”. Phần lớn hành giả xưa nay bị kẹt trong tướng ngồi và chỉ mong được nhất tâm trong khi tọa thiền. Do đó, để phá những quan niệm sai lầm này, Lục Tổ cho rằng nhất hạnh tam muội [mà chỉ có yên lặng không thôi] có khác gì vô tri giác, thành ra nhân duyên chướng đạo”“Nhất hạnh tam muội là đối với tất cả chỗ, đi đứng nằm ngồi thường thực hành một tâm ngay thẳng”, ... “đối với hết thảy pháp, chớ có tâm chấp trước”. Phẩm Diệu Hạnh (thứ năm), Lục Tổ dạy rằng “Ngoài lìa tướng tức thiền, trong không loạn tức định. Ngoài thiền trong định gọi là thiền định”. Nói các khác, thiền định là pháp môn để đoạn trừ phiền não cấu uế trong tâm thức, không chỉ giới hạn trong hình thức nghiêm trang hay là sự nhất tâm tạm thời trong khi thiền tọa.

Đối với bộ Chơn Lý, Hòa thượng trích các đoạn trong phẩm “Tâm” số 17 của Tổ sư Minh Đăng Quang. Nội dung quyển Chơn Lý này vô cùng uyên áo, chủ yếu là triển khai các dạng thức của “tâm” trong các dạng sống của vạn hữu vũ trụ từ cỏ cây, thú, người đến trời Phật đều có tâm. Tâm của Phật là chơn như không vọng động, là trạng thái yên lặng tuyệt đối trong thể tánh tịnh minh. Muốn đạt được chơn như thì phải nhập định, muốn nhập định thì phải có chơn như. Do đó, nhập định là yếu tố không thể thiếu trong lộ trình tu tập của hành giả hướng đến đạo quả giải thoát giác ngộ.

Hòa thượng Giác Giới, trong khóa tu này đã chọn bài “Bát Chánh đạo” (số 5) để triển khai trong thời giảng Chơn Lý. Đề tài tưởng chừng như quen thuộc, nhưng khi đọc lại mới thấy bao nhiêu điều mới mẻ và cần phải có thời gian tư duy để thẩm thấu. Với lối ẩn dụ nhiều hình ảnh trong mô típ giảng giải của Tổ đã để lại nhiều suy nghĩ cho người đọc. Trong quá trình giảng giải, Hòa thượng đã đối chiếu với một số kinh trong Nikaya để thấy những điểm tương đồng mang tính thừa kế và những điểm sáng tạo của Tổ sư. Đại Kinh Bốn Mươi (117) Trung Bộ Kinh được Hòa thượng viện dẫn như là một cứ liệu đáng tin cậy về nội hàm và các mối liên hệ hỗ tương giữa các chi phần trong Thánh đạo mà đức Phật đã thuyết.

Trong giờ thiền đàm, ngoài những hướng dẫn cụ thể về cách thở và cách đi như thế nào để cột tâm, phát triển tâm định, Hòa thượng Thiền chủ còn đáp ứng tâm nguyện của hành giả là trình bày sở nghi và sở tu của mình để Hòa thượng và chư Tôn đức trong đại chúng có thể chỉ dẫn hoặc chia sẻ pháp hành của mình trong từng trường hợp, nhằm khích lệ, động viên hành giả trong lộ trình này. Qua nội dung trình pháp, Hòa thượng Thiền chủ nhấn mạnh đến vai trò của thiền quán trong việc đoạn hoặc chứng chơn hơn là chỉ tu tập thiền chỉ. Vì thiền chỉ cũng là pháp hữu vi sanh diệt, nên chúng ta không lấy đó làm sở đắc mà dừng lại, nhưng chúng ta cũng không được xem nhẹ vì nó là điều kiện cần để phát triển thiền quán, để quán sát năm uẩn là vô thường, khổ não và vô ngã.

Với cách trình pháp chân thật và cụ thể từng trường hợp như thế, chắc chắn trong tương lai sẽ có nhiều hành giả mạnh dạn hơn, nêu lên những chướng ngại của mình đang vướng phải, và do đó hành giả sẽ được nhận sự khuyên bảo hữu ích khi tham dự khóa tu.

V. TÌNH HÌNH TU HỌC CỦA ĐẠI CHÚNG

Nhìn chung, sức khỏe và tinh thần tu tập của đại chúng ổn định. Mặc dù với số lượng hành giả là 115 vị và vốn là những pháp lữ đồng môn lâu ngày gặp lại, nên chắc chắn có nhiều điều để chia sẻ cho nhau nghe, nhưng vì tuân thủ nội quy và tạo điều kiện cho sự phát triển chánh niệm và chánh định, nên hành giả được yêu cầu im lặng đến tối đa. Hòa thượng lấy tiêu chí này làm thước đo thấp nhất cho sự thành công của khóa tu, do đó hành giả đã hầu như kiểm soát được khẩu nghiệp của mình.

Một điểm thành công khác là nhiều hành giả đã hiểu sâu sắc về giá trị của Pháp bảo, về cách hành trì Pháp và giá trị sống chung tu học hơn sau nhiều khóa tham dự. Cái bản ngã với những định tính sẵn có như tham chấp, sân giận hoặc si mê được hành giả nhận diện và từ từ điều phục chúng. Đó là khởi đầu cho những bước chân thảnh thơi vào đạo lộ thênh thang, vào phương trời cao rộng hướng đến chân hạnh phúc, Niết-bàn.

Điểm thứ ba là đại chúng làm quen với cách trình pháp. Ai cũng có một bản ngã để “tôn thờ” và có những điều ẩn kín bên trong dành cho riêng mình. Nhưng với không khí cởi mở và thành thật, với sự hoan hỷ và bao dung của đại chúng, sự trình bày chân thật về tâm hành với những tâm niệm bất thiện của mình sẽ là điều kiện cần cho một hành giả đối diện với chính mình. Đó cũng là điều kiện tiên quyết để hành giả có thể rủ bỏ những chướng ngại sau lưng.

Bên cạnh ba điểm thành công đó vẫn còn nhiều vấp váp, vụng về từ oai nghi tế hạnh, cho đến những nhận định lệch lạc hoặc những ảo tưởng của hành giả. Dầu rằng có vị đã thọ Tỳ-kheo 5 năm hoặc lâu hơn nữa, nhưng những tập khí lâu đời vẫn còn đó, vẫn cần sự chăm sóc và gọt giũa để đạo nghiệp của mỗi hành giả mỗi ngày được tăng trưởng hơn.

VI. BAN NGOẠI HỘ

Ban ngoại hộ do Đại đức Giác Phước làm Trưởng ban, dưới sự đoàn kết hòa hợp của chư Tôn đức trong Giáo đoàn II. Mỗi ngày hai hoặc ba tịnh xá được quý Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức hướng dẫn về góp phần cúng dường. Từ miền tịnh xá xa nhất của Giáo đoàn II ở Đông Hà (Quảng Trị) đến miền Cao nguyên Đăk Lăk đều đổ về góp phần cúng dường. Điều đó thể hiện tinh thần trách nhiệm của một ngôi tịnh xá trong Giáo đoàn và cũng là đạo tình gắn bó với nhau mà Giáo đoàn II đã làm được. Trong khóa tu này, Tổ đình Tịnh xá Ngọc Viên từ Vĩnh Long do Hòa thượng Thiền chủ làm trụ trì cũng hướng dẫn Phật tử về cúng dường, góp phần khích lệ cho Phật tử địa phương cảm thấy ấm áp hơn về sự chia sẻ trách nhiệm này.

VII. NHẬN XÉT CHUNG

Kính bạch chư Tôn thiền đức,

Thưa quý Phật tử,

Hơn 7 ngày trôi qua chư Tôn đức Tăng trong 6 Giáo đoàn tập sống chung tu học trong tinh thần “Phép Tăng chẳng lìa đoàn”. Dưới mái đạo tràng Tịnh xá Trúc Lâm này, năng lượng từ sự tu tập của chư Tôn đức đã lan tỏa và tác hưởng tích cực đến những chồi non Phật pháp và đến quý Phật tử ngoại hộ.

Đây là lần thứ hai khóa tu TRUYỀN THỐNG KHẤT SĨ được thực hiện tại nơi này, và chắc chắn trong tương lai hai năm một lần, những người con của đức Phật kính quý đường lối Khất Sĩ sẽ gặp lại nhau cũng tại địa điểm Trúc Lâm thân thương để tận hưởng những hương vị ngọt ngào của giáo pháp mang lại.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Hình ảnh khóa tu được ghi nhận:

BeMac-IMG 1893

Chư Tôn đức tham dự khóa tu

TX-TrucLam-K14-DSC 0086

Chư Tôn đức khất thực hóa duyên

TX-TrucLam-K14-DSC 0105

KT14-8

KT14-Cly-3

HT. Giác Toàn sách tấn, khích lệ hành giả tu tập

KT14-Cly

Chư Tôn đức trong giờ học Chơn Lý

KT14-Cly-1

 MG 8676-HocCLy

KT14-3

Giờ thiền hành trong khu vườn rợp bóng cây xanh

KT14-1

 MG 8624-ThienHanh

KT14-5

Phật tử trang nghiêm cúng dường ngọ trai

KT14-10

>> Khai mạc khóa tu truyền thống lần 14

>> Tịnh xá Trúc Lâm