Báo cáo tổng kết khóa tu Truyền thống Khất sĩ lần thứ 20

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính bạch trên Đại lão Hòa thượng đạo sư chứng minh Hệ phái,

Kính bạch Hòa thượng Thiền chủ chứng minh,

Kính bạch chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái chứng minh,

Kính bạch chư Tôn đức Hòa thượng, thượng tọa, chư Đại đức tham dự khóa tu,

Kính thưa quý Phật tử,

Trong không khí trang nghiêm của lễ Bế mạc khóa tu Truyền thống lần thứ 20 do Giáo đoàn III đăng cai tổ chức tại tịnh xá Ngọc Yên, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, chúng con thay lời Ban Thư ký thành kính đảnh lễ chư Tôn đức, xin báo cáo nội dung tu tập trong 7 ngày qua.

bm 18

I. SỐ LƯỢNG HÀNH GIẢ

Số lượng cụ thể từng Giáo đoàn đăng ký như sau:

- GĐ. I có: 25 vị. Gồm: 1 vị Hòa thượng, 22 Tỳ-kheo và 2 Sa-di.

- GĐ. II có: 16 vị. Gồm: 1 vị Thượng tọa, 13 Tỳ-kheo.

- GĐ. III có: 75 vị. Gồm: 5 vị Hòa thượng, 2 vị Thượng tọa, 58 Tỳ-kheo và 10 Sa-di.

- GĐ. IV có: 18 vị. Gồm: 3 vị Thượng tọa, 11 Tỳ-kheo và 3 Sa-di.

- GĐ. V có: 28 vị. Gồm: 5 vị Hòa thượng, 2 vị Thượng tọa, 15 Tỳ-kheo và 5 Sa-di.

- GĐ. VI có: 9 vị. Gồm: 7 Tỳ-kheo và 2 Sa-di.

Tổng cộng Khóa tu có 171 hành giả. Trong đó: 11 vị Hòa thượng; 8 vị Thượng tọa, 130 vị Tỳ-kheo, 22 sa-di.

II. BAN CHỨC SỰ

Ban chứng minh:

HT. Giác Nhường: Phó Pháp Chủ kiêm Giám luật HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm chứng minh Hệ phái – ĐỆ NHẤT CHỨNG MINH.

HT. Giác Tường: UV. Thường trực HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm chứng minh Hệ phái – ĐỆ NHỊ CHỨNG MINH.

HT. Giác Phúc: Thành viên HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái – ĐỆ TAM CHỨNG MINH.

HT. Giác Phúc – Thành viên HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái – ĐỆ TỨ CHỨNG MINH.

Ban Tổ chức:

HT. Giác Toàn – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Giáo phẩm thường trực Hệ phái: Trưởng ban Tổ chức khóa tu.

HT. Giác Giới – Phó ban Tăng sự TW. GHPGVN, Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái: Phó ban Tổ chức kiêm Thiền chủ khóa tu.

HT. Giác Hà: Giáo phẩm Hệ phái, Tri sự trưởng Giáo đoàn V - Phó ban Tổ chức khóa tu.

HT. Giác Hùng: Giáo phẩm Chứng minh Giáo đoàn III - Phó Thiền chủ khóa tu.

HT. Giác Thành: Giáo phẩm Hệ phái, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Gia Lai - Phó ban Tổ chức kiêm Hóa chủ khóa tu.

Ban Giám luật:

HT. Giác Pháp: Ủy viên HĐTS GHPGVN, Giáo phẩm phẩm Hệ phái – Đệ nhất Giám luật.

HT. Giác Nhân: Ủy viên HĐTS GHPGVN, Giáo phẩm phẩm Hệ phái – Đệ nhị Giám luật.

Ban Giáo thọ:

HT. Giác Toàn – Trưởng ban Tổ khóa tu: Đệ nhất giáo thọ.

HT. Giác Giới - Phó ban Tổ chức kiêm Thiền chủ: Đệ nhị giáo thọ.

HT. Giác Pháp – Giám luật khóa tu: Đệ tam Giáo thọ.

HT. Giác Thành – Phó ban Tổ chức kiêm Hóa chủ: Đệ tứ giáo thọ.

Ban Giám thiền:

HT. Giác Minh: Giáo phẩm Hệ phái, Tri sự phó Giáo đoàn III - Đệ nhất giám thiền.

HT. Giác Trí: Giáo phẩm Giáo đoàn V - Đệ nhị giám thiền.

Ban Kiểm soát:

TT. Giác Thông: Giáo phẩm Giáo đoàn V - Đệ nhất kiểm soát khóa tu.

TT. Minh Lộc: Giáo phẩm Giáo đoàn IV - Đệ nhị kiểm soát khóa tu.

Ủy viên Kiểm soát: ĐĐ.Giác Khánh (GĐ1), TT.Giác Thạnh (GĐ2), ĐĐ.Giác Hậu (GĐ3), ĐĐ.Minh Sang (GĐ4), ĐĐ.Giác Nghĩa (GĐ5), ĐĐ.Giác Nghĩa (GĐ6).

Ban Điển lễ:

TT. Minh Nghiêm (Giáo đoàn IV): Đệ nhất Điển lễ.

ĐĐ.Giác Phương(Giáo đoàn V): Đệ nhị Điển lễ.

Ban Thư ký:

TT. Giác Duyên: Giáo phẩm Hệ phái - Chánh Thư ký khóa tu.

ĐĐ. Giác Nhường: Phó Thư ký Giáo đoàn III - Phó Thư ký khóa tu.

Ban Ngoại hộ:

ĐĐ. Giác Hiền: Trưởng ban Ngoại hộ.

ĐĐ. Giác Pháp: Phó ban Ngoại hộ.

III. CHƯƠNG TRÌNH TU TẬP

Thời khóa biểu bắt đầu từ 3h30 sáng và kết thúc lúc 22 giờ. Gồm 6 nội dung chính:

1. Thiền tọa. 2. Thiền hành. 3. Khất thực lãnh cơm và độ ngọ. 4. Học Kinh Pháp. 5. Pháp đàm.

6. Sám hối.

IV. NỘI DUNG GIẢNG DẠY CỦA BAN GIÁO THỌ

1. HT. Giác Giới – Phó ban Tổ chức kiêm Thiền chủ khóa tu.

Hòa thượng đã giảng dạy cho đại chúng quyển Chơn lý “Học để tu”. Nội dung quyển chơn lý “Học để Tu” được Hòa thượng triển khai trong 3 thời thuyết giảng. Hòa thượng triển khai và nhấn mạnh từng ý pháp cụ thể mà Tổ sư đã dạy, như: Học là để biết đặng tu hành, chớ phải đâu học là để học, học mãi cho điên, cho chán, cho chết, cho hết thì giờ, tự vận. Trong đời kẻ học mà để hành, là phải đâu đi học lún cố mênh mông, đường nào cũng học, lập dập xa vời, để điên đầu rối ruột. Hoặc Tổ dạy: “…muốn đi, trước ta phải biết mục đích phương hướng… Từ xưa đến nay, cả chư Phật Thánh đều đi như vậy”, “Cho nên người tu trong đạo Phật cần phải biết rằng từ văn học là nghe nói để tiến lên tư học là suy gẫm, và đến hành học là học trong việc làm biết nơi sự đi thì mới mong đắc học.”

Từng ý, từng ý pháp được Hòa thượng triển khai tỉ mỷ, tường tận, Hòa thượng đã dẫn nhiều kinh trong tạng Nikaya để sáng tỏ ý pháp cho hành giả nhận rỏ ràng pháp tu, không còn lưỡng lự, mơ hồ trong phương pháp hành trì.

Ngoài ra, vào các buổi thiền đàm Hòa thượng đã trả lời giải nghi và truyền trao kinh nghiệm pháp hành, nhất là con đường Giới Định Tuệ ngang qua các kinh Nikaya khiến cho hành giả khóa tu tăng trưởng thêm niềm tin và vững bước trong phương pháp hành trì.

2. HT. Giác Toàn – Trưởng ban Tổ chức khóa tu.

Với đề tài “Tu tập thiền quán soi sáng và an định nghiệp thức qua Chơn lý Ngũ uẩn”, Hòa thượng đã triển khai chi tiết, rõ ràng, dễ hiểu bằng những hình ảnh thực tế qua các ví dụ như: Người học lái xe, người học thợ may, người làm vườn, làm ruộng,… để khẳng định con đường tu tập của tự thân mỗi người. Người học lái xe thì chắc chắn biết lái xe, người học may thì biết may, thậm chí còn dạy lại người khác, cũng vậy, là người tu thì thân phải hiền, miệng phải hiền, ý phải hiền. Hòa thượng dạy : “phải tự hỏi chính mình có thực sự muốn tu chưa? Bởi sự tu không thể nói chung chung, mà phải thực tế, phải thực hành, thực tập liên tục, chưa được, chưa nghỉ, chưa buông”; “chúng ta phải tự soi sáng nơi chính mình, để từ đó tu tập tiếng lên.”

Hòa thượng đã khai thị cho đại chúng bằng chính kinh nghiệm bản thân tu tập, với những lời giản dị, mộc mạc qua những hình ảnh rất gần gủi trong đời sống hàng ngày để cho hành giả rõ ràng ý pháp để hành trì tu tập. Với sự gần gủi, thân tình của người thầy, người đi trước, Hòa thượng vừa giáo huấn, vừa sách tấn nhẹ nhàn rằng: “Chư huynh đệ hành giả nên biết người có tu tập, có soi quán và thân chứng trong thiền định thì nhất định sẽ cảm nhận được từng bước đi, bước tiến của tâm thức nơi tự thân, không còn bị sự mê muội, lầm chấp của vọng thức trói buộc nữa”.

Kết thúc thời pháp, Hòa thượng dạy rằng: “Thân khẩu ý hiền hòa thì từ từ tự nâng đạo quả của mình”

3. HT. Giác Pháp – Giám luật khóa tu.

Hòa thượng đã giảng giải nội dung và ý nghĩa của quyển Chơn Lý “Trên mặt nước”. Với ý nghĩa: “Lời nói của người tu ví như hoa sen, việc làm của người tu ví như lá sen, ý niệm của người tu ví như gương sen” mà Đức Tổ sư đã dạy, Hòa thượng đã dẫn nhiều kinh để giảng trạch ý pháp này, như Hòa thượng đã dẫn kinh Trung bộ, bài kinh Ví dụ cái cưa về năm loại ngôn ngữ cần thực tập của người tu hành để sáng ý pháp “lời nói của người tu ví như hoa sen”, hay ý nghĩa của “Năm đức xuất gia” để nhớ lại chí nguyện ban đầu và nuôi dưỡng hạt giống bồ đề, giác ngộ để “ví như gương sen”,v.v..

Hòa thượng còn cảnh giác cho hành giả về lợi ích của việc sử dụng “phương tiện” trong đời sống tu tập, nếu biết dùng thì “phương tiện” sẽ trợ duyên cho hành giả, bằng không khéo thì “phương tiện” sẽ phản bội lại người dùng “phương tiện” đó. Vì thế, hành giả phải thường xuyên chánh niệm, tỉnh giác, khéo dùng phương tiện và phải biết thiểu dục tri túc, nhất là phải thường nhắc nhớ năm tịnh đức xuất gia ban đầu để giữ gìn và trưởng dưỡng hạt giống bồ đề, giác ngộ, giải thoát mà Đức Tổ sư dạy : “ý niệm của người tu ví như gương sen”. Thời giảng của Hòa thượng đã làm cho đại chúng vô cùng hoan hỷ.

4. HT. Giác Thành – Phó ban Tổ chức kiêm Hóa chủ khóa tu.

Hòa thượng đã giảng giải nội dung và ý nghĩa của ý pháp “Nên tập sống chung tu học, Phép tăng chẳng lìa đoàn”, Hòa thượng khẳng định tầm quan trọng của đời sống tu tập của trong đoàn thể, trong tăng đoàn. Nếu sống và tu tập theo tinh thần “sống chung tu học” thì sẽ phòng hộ được các căn, chế ngự sự phóng dật và nhiều nghiệp lực, tập khí của tự thân. Đây là một trong những điểm quan trọng của khóa tu truyền thống hệ phái khi hành giả về tham dự và cùng “sống chung tu học” của chư Tôn đức sáu Giáo đoàn trong hệ phái. Vì “Trường Giáo hội là nơi cực lạc”, bởi vậy “sống chung tu học”, phát huy tịnh đức hòa hợp là khả năng an toàn cao, nếu không đạo hạnh còn yếu, kinh luật chưa thông mà sống lìa tăng, lìa chúng, khi gặp chướng duyên, nghiệp lực trổi dậy thì e rằng khó an toàn, khó giữ lý tưởng, đường tu.

Trong thời giảng, Hòa thượng còn khẳng định muốn chứng thánh quả, thì không có con đường nào khác là tu tập và hành trì Giới Định Tuệ thuộc phần Đạo đế trong tứ Thánh đế. Thậm chí, nếu thấu triệt và hành trì nghiêm mật Tam vô lậu học thì ngay đời này chứng quả A La Hán là điều không khó.

5. Những thời Pháp đàm và Sám hối mỗi ngày:

Cùng với sự chứng minh chủ tọa của Hòa thượng Thiền chủ, HT. Giác Hùng, HT. Giác Pháp, HT. Giác Phùng, HT. Giác Thành, HT. Giác Nhân, HT. Giác Minh, HT. Giác Trong đã chứng minh, chủ tọa lắng nghe và giải nghi những vướng mắc, những nghi vấn của hành giả. Nhờ sự giảng giải, xác nhận các phương pháp hành trì, làm cho chúng hành giả rõ ràng và vững tin trong pháp hành.

Ngoài ra, trong sinh hoạt hằng ngày chư hành giả cũng có những điều sơ ý, thất niệm đã dẫn đến những sai lầm nho nhỏ cũng được sám hối mỗi cuối ngày. Được Hòa thượng Thiền chủ và Hòa thượng Giám Luật, chư Tôn đức chứng minh huấn thị, sách tấn cho chư hành giả.

VI. THÀNH QUẢ CỦA KHÓA TU

Với sự quan tâm của chư Tôn đức, Khóa tu lần thứ 20 đã đạt được nhiều thành quả. Trong đó nổi bậc có các thành quả như sau:

1. Đối với Ban Tổ chức: đã tổ chức thành công khóa tu 20 trang nghiêm như pháp.

2. Đối với khóa tu: Thực hiện đúng chủ trương là huân tu truyền thống Giới - Định - Tuệ mà chư Tôn Giáo phẩm đã đề ra.

3. Đối với Giáo hội: Khẳng định vị thế của Hệ phái trong lòng Giáo hội theo đúng tôn chỉ “Nối truyền Thích Ca Chánh pháp – Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”.

4. Đối với chính quyền: tạo được uy tín tốt đẹp bằng với phương châm tốt đời đẹp đạo.

5. Đối với hành giả: Thắp sáng tâm linh nơi chư hành giả một con đường giác ngộ theo ngọn đèn Chơn lý của tông phong Khất Sĩ. Giúp hành trải nghiệm đời sống thanh tịnh theo Tứ Y Pháp trung đạo không không trong sạch.

6. Đối với Phật tử: Được gieo trồng và tăng trưởng niềm tin nơi hàng Phật tử tại gia khi chứng kiến oai nghi và công hạnh tu tập của chư hành giả.

VII. KẾ HOẠCH KHÓA TU 21

Để chuẩn bị cho khóa tu truyền thống Hệ phái lần tiếp theo, Ban Tổ chức có kế hoạch khóa tu lần thứ 21 như sau:

1. Thời gian dự kiến: khoảng đầu tháng 11 năm Bính Thân - 2016

2. Giáo đoàn và tịnh xá đăng cai: Khóa tu 21 sẽ do Giáo đoàn II đăng cai và tổ chức tại tịnh xá Trúc Lâm, tỉnh Bình Thuận.

VIII. KẾT LUẬN

Kính bạch chư Tôn đức,

Kính thưa quý liệt vị,

Vừa qua, Ban Thư ký chúng con kính trình báo cáo tổng quát nội dung tu tập trong khóa tu lần thứ 21. Với những thành quả đạt được xin thành kính cúng dường lên mười phương Tam bảo, Đức Tổ sư và chư Đức Thầy thùy từ chứng minh. Xin cúng dường thành quả này lên chư Tôn đức đang hiện tọa trong đạo tràng tùy hỷ chứng minh cho chư Tôn đức Tăng tham dự khóa tu đã tinh tấn, nghiêm mật hành trì trong khóa tu.

Kính nguyện chư Tôn đức pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu để mãi là ngọn đèn Chơn lý soi đường cho chúng con đi trọn lộ trình giác ngộ và giải thoát. Kính chúc chư hành giả trang nghiêm tự thân, công hạnh tu hành được viên mãn. Kính chúc quý Phật tử thân tâm an lạc, tu hành tinh tấn.