Báo cáo tổng kết khóa tu Truyền thống Khất sĩ lần thứ 22

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính lạy chư Phật Pháp Tăng mười phương ba đời chứng minh,

Kính lạy đức Tổ sư Minh Đăng Quang – Vị Tổ khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam chứng minh,

Kính bạch chư tôn Hòa thượng Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái,

Kính bạch chư tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng,

Kính thưa quý Phật tử.

Để tổng kết lại quá trình tu tập trong một tuần qua, Ban Thư ký chúng con kính trình chư Tôn đức một số điểm cương yếu về hành trình và nội dung tu tập của khóa tu Truyền thống Khất sĩ lần thứ 22 như sau:

1. THỜI GIAN VÀ ĐỊA ĐIỂM

Khóa tu Truyền thống Khất sĩ lần thứ 22 do Giáo đoàn IV phát tâm đăng cai tổ chức tại Tịnh xá Ngọc Thiền, Thác Prenn, Phường 3, TP. Đà Lạt, diễn ra từ ngày 04 đến ngày 11/3 năm Đinh Dậu (nhằm ngày 31/3 đến ngày 07/4/2017).

Tịnh xá Ngọc Thiền do Hòa thượng Giác Ngộ khai lập vào năm 1967. Trải qua thời gian tròn 50 năm (1967 – 2017) hình thành, ổn định và phát triển, qua những lần kiến tạo và trùng tu đến nay tịnh xá là một trong những đạo tràng tiêu biểu của Hệ phái và Giáo đoàn IV. Với khí hậu thoáng mát quanh năm, cùng quang cảnh hữu tình yên tĩnh, rất thích hợp cho việc tịnh tu thiền định, nên cách đây 4 năm, chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái đã chọn địa điểm này làm nơi tu tập của chư Tăng 6 Giáo đoàn trong khóa tu truyền thống lần thứ 10. Tiếp nối sự thành công đó, khóa tu Truyền Thống Khất sĩ lần thứ 22 một lần nữa được tổ chức tại nơi này. Đây là một niềm hân hạnh cho chư Tăng và tạo thắng duyên cho quý Phật tử tại tịnh xá tăng trưởng phước lành thông qua việc hộ trì khóa tu.

bm3

bm9

bm4

2. SỐ LƯỢNG THAM DỰ

Với 117 vị hành giả là chư Tôn đức Tăng trong 6 Giáo đoàn Khất sĩ. Trong khóa tu lần này hầu hết đều có các vị đại diện lãnh đạo từng giáo đoàn về tham dự, khích lệ, sách tấn chư hành giả. Số lượng hành giả tham dự cụ thể của mỗi Giáo đoàn như sau:

Giáo đoàn I: có 19 vị tham dự, gồm 1 Hòa thượng, 15 Đại đức – Tỳ kheo, 3 Sa di.

Giáo đoàn II: có 11 vị tham dự, gồm 1 Hòa thượng, 9 Đại đức – Tỳ kheo, 1 Sa di.

Giáo đoàn III: có 28 vị tham dự, gồm 2 Hòa thượng, 24 Đại đức – Tỳ kheo, 2 Sa di.

Giáo đoàn IV: có 30 vị tham dự, gồm 5 Hòa thượng, 23 Đại đức – Tỳ kheo, 2 Sa di.

Giáo đoàn V: có 20 vị tham dự, gồm 2 Hòa thượng, 2 Thượng tọa, 11 Đại đức – Tỳ kheo, 5 Sa di.

Giáo đoàn VI: có 9 vị tham dự, gồm 7 Đại đức – Tỳ-kheo, 2 Sa-di.

3. BAN TỔ CHỨC

Trước ngày khai mạc khóa tu, chư Tôn đức đã có phiên họp trù bị vào lúc 7 giờ tối để ổn định hội chúng, đồng thời cung thỉnh chư Tôn đức vào Ban Tổ chức khóa tu, thông qua thời khóa tu tập, nội quy và một số vấn đề liên hệ khác. Theo đó, Ban Tổ chức khóa tu lần này gồm có 3 ban chính:

BAN CHỨNG MINH

HT. GIÁC NHƯỜNG Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái: Đệ nhất chứng minh

HT. GIÁC TƯỜNG - Ủy viên Thường trực HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái: Đệ nhị chứng minh

HT. GIÁC PHÚC – Thành viên HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái: Đệ tam Chứng minh

HT. GIÁC NGỘ - Thành viên HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái: Đệ tứ Chứng minh

BAN TỔ CHỨC

HT. GIÁC TOÀN – Phó Chủ tịch HĐTS kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, Giáo phẩm Thường trực Hệ phái: Trưởng ban Tổ chức kiêm Giáo thọ

HT. GIÁC GIỚI – Phó Trưởng ban Tăng sự Trung ương GHPGVN, Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái: Phó ban Tổ chức, Thiền chủ kiêm Giáo thọ

HT. GIÁC HÀ – Phó Trưởng ban Từ thiện xã hội Trung ương GHPGVN, Giáo phẩm Hệ phái, Tri sự trưởng Giáo đoàn V: Phó ban Tổ chức

HT. GIÁC CẢNH – Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Kiểm soát GHPGVN tỉnh Lâm Đồng, Giáo phẩm Hệ phái: Phó ban Tổ chức

TT. MINH LỘC - Ủy viên BTS GHPGVN TP. HCM, Phó Thư ký Giáo đoàn IV: Tri sự

ĐĐ. GIÁC HOÀNG - Ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó Thư ký Hệ phái: Chánh Thư ký

BAN ĐIỀU HÀNH

HT. MINH BỬU - Ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Hoằng pháp tỉnh Tây Ninh, Giáo phẩm Hệ phái: Đệ nhất Giám luật kiêm Giáo thọ

HT. GIÁC THÀNH – Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Gia Lai, Giáo phẩm Hệ phái, Phó ban kiêm Trưởng ban Tăng sự GĐ III: Đệ nhị Giám luật

HT. GIÁC MINH – Giáo phẩm Hệ phái, Tri sự phó Giáo đoàn II: Đệ nhất Giám thiền

HT. GIÁC NHÂN - Ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, Giáo phẩm Hệ phái: Đệ nhị Giám thiền kiêm Thư ký

HT. GIÁC MINH – Giáo phẩm Hệ phái, Tri sự phó kiêm Phó ban Tăng sự Giáo đoàn III: Đệ nhất Kiểm soát

TT. GIÁC THÔNG – Giáo phẩm Giáo đoàn V: Đệ nhị Kiểm soát

ĐĐ. GIÁC PHƯƠNG và ĐĐ. GIÁC HẬU: Điển lễ

ĐĐ. MINH PHÚ và TK. MINH TRÚC: Thư ký

4. NỘI DUNG TU HỌC

Về pháp học: Mỗi ngày đều có 2 thời giảng vào buổi sáng và buổi chiều, mỗi thời 1 tiếng.

Buổi chiều ngày khai mạc, Hòa thượng Giác Toàn – Trưởng ban Tổ chức kiêm Giáo thọ đã trích giảng Chơn lý “Lục căn” và triển khai đề tài “Tu tập thiền định qua Chơn lý Bát chánh đạo”. Ý pháp đầu tiên mà Hòa thượng chia sẻ đến chư hành giả chính là sự tu tập ngay trong sáu căn. Bên cạnh đó, Hòa thượng nhấn mạnh đến sự tu tập 18 giới gồm: sáu căn, sáu trần, sáu thức ngang qua lời dạy của đức Tổ sư tuy ngắn gọn nhưng sâu sắc, mà mỗi hành giả cần phải soi quán, suy gẫm trong khi tu tập thiền định. Thời gian còn lại, Hòa thượng tiếp tục triển khai những ý pháp của Tổ sư trong Chơn lý “Bát chánh đạo”. Qua nội dung bài giảng, năm bài học mà Hòa thượng chia sẻ đã khẳng định lời dạy của Tổ sư tương ưng với lời dạy của Đức Phật, là con đường trung đạo, chánh đẳng chánh giác mà mỗi hành giả cần phải liễu tri, tu tập và thân chứng để thành tựu đạo nghiệp giải thoát. Theo Hòa thượng, một khi đã quyết tâm tu học, lúc nào cũng hành trì Bát chánh đạo đúng như lời dạy của Tổ sư thì nhất định con đường thân chứng đạo quả chỉ là vấn đề thời gian mau hay chậm. Ở cuối thời pháp, Hòa thượng một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của Bát chánh đạo trong sự tương quan giữa bài kinh “Nhật xuất”, số 748, thuộc kinh Tạp A hàm và phần cuối trong Chơn lý “Bát chánh đạo” của Tổ sư để chư hành giả thấy rằng Bát chánh đạo là con đường diệt trừ vô minh, thành tựu chánh trí và an trú Niết bàn mà Đức Phật đã dạy mà Tổ sư đã thân chứng và nương ý pháp này để chỉ dạy pháp tu cho chúng ta.

Hòa thượng Giác Giới – Phó ban Tổ chức, Thiền chủ kiêm Giáo thọ, mặc dù sức khỏe không được tốt nhưng với lòng bi mẫn Hòa thượng đã đọc và triển khai chuyên đề “Lược sử tưởng niệm Đức Tổ sư Minh Đăng Quang” do Hòa thượng biên soạn, giúp hành giả ôn lại và hiểu rõ hơn những điểm chính yếu về cuộc đời và đạo nghiệp của Tổ sư. Hòa thượng đã khéo léo trích dẫn một số đoạn trong kinh Trung Bộ để khẳng định con đường thân chứng đạo quả và phương châm lập đạo “Nối truyền Thích Ca Chánh Pháp” của Đức Tổ sư đó là: Ngài đã lấy Pháp làm đạo sư, tức là y chỉ nương tựa vào Kinh, cộng với suy tư, tầm tõi quán sát. Tổ sư có sở chứng, sở đắc nơi tự thân. Sở chứng, sở đắc của Ngài không phải như bậc Chánh đẳng Chánh giác (vô sự tự ngộ), không phải tự thân như bậc Độc giác, mà nhờ vào giáo lý của hai truyền thống Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền, Tổ sư đã xác chứng chơn lý pháp bảo của Đức Phật. Nội dung chính trong phần lược sử đã nhấn mạnh đến bốn đặc điểm về công hạnh của đức Tổ sư, đó là: 1. Xác chứng sự thật về Đức Phật và Phật pháp; 2. Phương châm lập đạo và hành đạo của Tổ sư là: “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp – Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”; 3. Khẳng định tầm nhìn “như thực, như thị” của Tổ sư phù hợp với giáo lý nhân duyên sinh khởi của ba đời mười phương chư Phật. 4. Tổ sư khẳng định chỉ có Giới – Định – Huệ là cần phải tu học. Trong khi giảng dạy, Hòa thượng thể hiện ưu tư trăn trở vì hiện nay chưa có một lược sử Tổ sư hoàn chỉnh thống nhất trong Hệ phái, đó là một sự chậm trễ và thiếu sót. Mỗi Giáo đoàn Tăng và Ni giới Khất sĩ đều có biên soạn các bài tưởng niệm về Tổ sư nhưng chưa thống nhất một số điểm về nội dung, thời gian và hoàn cảnh lịch sử. Tài liệu mà Hòa thượng cung cấp đến hành giả chỉ mang tính tham khảo, nhưng có thể nói đây là bản lược sử mang nhiều nét mới, tương đối hoàn chỉnh hơn các bản lược sử khác. Do vậy, Hòa thượng mong rằng sẽ được chư Tôn đức cùng nhau ngồi lại thảo luận, trao đổi, ghi nhận những điểm nào chưa đúng để hình thành một tiểu sử hoàn chỉnh về Tổ sư trong thời gian sớm nhất.

Hòa thượng Giác Ngộ – Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái đã thăm viếng và giáo giới chư hành giả. Nhân đây, Hòa thượng triển khai đề tài “Ý pháp thiền trong Chơn lý Tổ sư” mà Ngài được thọ học và tâm đắc từ Nhị Tổ Giác Chánh, đó là tu tập làm sao buông xả hết mọi ý niệm đối đãi, giữ tâm không không để trở về bản thể thanh tịnh tự tánh của chính mình. Để minh chứng lời dạy này, Hòa thượng đã trích giảng giải một vài đoạn kệ “Pháp” và bài “Huệ” trong luật Khất sĩ cho hành giả liễu tri. Sau cùng, Hòa thượng bày tỏ sự hoan hỷ, tán thán tinh thần sống hòa hợp, thanh tịnh của chư hành giả tham dự khóa tu.

Hòa thượng Minh Bửu – Giám luật kiêm Giáo thọ khóa tu đã trích giảng một số giai thoại công án thiền học Trung Hoa, đồng thời trích dẫn một vài lời dạy của Đức Tổ sư trong chơn lý “Lục căn” và “Nhập định”, chia sẻ đến đại chúng những điểm tương quan giữa lời dạy của Tổ sư với tư tưởng giáo lý Bắc truyền ngang qua một số kinh Đại thừa, giúp hành giả nắm bắt và hiểu sâu thêm về thiền đốn ngộ, khả năng trực nhận chơn tâm bản tánh của mình. Trong phần trình bày, Hòa thượng nhấn mạnh nếu tu hành mà không thấu đạt lý tánh thì sẽ rất dễ rơi vào vòng đối đãi sanh diệt của các pháp.

Bên cạnh đó, trong khóa tu Truyền thống Khất sĩ lần 22 này, một nội dung pháp đàm rất quan trọng được hành giả quan tâm đặc biệt đó là chuyên đề “Lược sử của đức Tổ sư Minh Đăng Quang – Vị Tổ khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”. Với nội dung này, chư tôn đức và hành giả luôn đặt ra nhiều vấn đề xung quanh tiểu sử của đức Tổ sư như: thời gian xuất gia, nơi xuất gia, Tổ sư đắc đạo năm nào, tại đâu? Và bắt đầu hành đạo khi nào?… Do thời gian pháp đàm chỉ có một giờ, không thể trả lời hết những vấn đề thắc mắc vừa nêu trên nên đại chúng đã xin phép Ban Tổ chức tăng cường thêm một giờ pháp đàm trong giờ thiền tọa và thiền hành vào buổi chiều cùng ngày để nghe Hòa thượng Giác Giới và Hòa thượng Giác Ngộ kể lại những giai thoại, dấu mốc thời gian về quá trình xuất gia tu học, tầm đạo và hành đạo của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang.

Về pháp hành: Chư tôn đức và hành giả đều tuân thủ theo thời khóa tu tập thiền định một ngày đêm gồm có:

Bốn thời thiền tọa, mỗi thời một tiếng và bốn thời thiền hành, mỗi thời nửa tiếng.

Một giờ sám hối ba nghiệp thân khẩu ý từ 8 giờ đến 9 giờ tối để chư Tăng tự kiểm điểm lại những lầm lỗi, kém khuyết xảy ra trong một ngày, từ đó phát lồ sám hối trước đại chúng để thân tâm được trong sạch. Kế đến, đại chúng được thọ nhận lời giáo huấn của Hòa thượng Thiền chủ và Hòa thượng Giám luật để thúc liễm tam nghiệp, gìn giữ bốn oai nghi trong mỗi lúc.

Khất thực, độ ngọ: hàng ngày vào lúc 10 giờ 30, chư Tôn đức đều đắp y, mang bát đi khất thực trong khuôn viên tịnh xá vô cùng trang nghiêm thanh tịnh. Vào giờ cúng ngọ, Hòa thượng Thiền chủ đã nhắc nhở đại chúng về các uy nghi, quy trình giữ chánh niệm trong khi ăn và sau khi ăn trong Luật Khất sĩ. Ăn cơm trong chánh niệm tỉnh giác, hòa chúng theo truyền thống Tổ Thầy đã được Hòa thượng sách tấn, khích lệ.

Đặc biệt, sáng ngày cuối khóa tu, toàn thể chư Tôn đức đã khất thực hóa duyên tại khu vực Hồ Xuân Hương, trung tâm TP. Đà Lạt tái hiện lại hình ảnh chư Phật và Tăng đoàn thuở xưa, tạo duyên lành cho phật tử hữu duyên phát khởi tín tâm, đảnh lễ cúng dường Tam bảo và hiện tiền chư Tôn đức. Hình ảnh này đã để lại ấn tượng vô cùng tốt đẹp trong lòng cư gia bá tánh tại địa phương, và đó cũng là phương pháp thiết thực đưa đạo và đời, vừa bình dị thân quen để giáo hóa chúng sanh.

kt1a

(Ảnh: FB Thích Hạnh Định)

kt1b

(Ảnh: Nguyễn Khánh Hoàng)

5. NHẬN ĐỊNH CHUNG

Nhận thức được rằng thời gian bảy ngày sống chung tu học trôi qua nhanh, cộng với không khí mát mẻ trong lành nên chư hành giả tham dự khóa tu đều nỗ lực tinh tấn tu tập, thúc liễm thân tâm, trau dồi tam vô lậu học Giới – Định – Tuệ, đúng như tinh thần, tên gọi của khóa tu mà Hệ phái đặt ra. Trong sự gia hộ của mười phương Tam bảo, cùng sự hướng dẫn tận tình của Hòa thượng Thiền chủ, chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái, sự hết lòng chu toàn công việc phục vụ của Ban Ngoại hộ, do Thượng tọa Tri sự làm Trưởng ban nên Khóa tu Truyền thống Khất sĩ lần thứ 22 được diễn ra trang nghiêm, thành công tốt đẹp.

Vì đây là lần thứ hai tịnh xá đăng cai tổ chức khóa tu, nên Ban Ngoại hộ đã có kinh nghiệm trong việc tổ chức, sắp xếp, điều phối công việc một cách phù hợp và linh động sao cho các thành viên trong ban hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất; ngoại trừ trường hợp bất khả kháng như một vài sự cố quá tải về điện nước trong buổi tối, cũng như một vài cơn mưa bất chợt vào buổi chiều và tối làm thay đổi lộ trình kinh hành của chư hành giả. Điều này đã được chư Tôn đức và hành giả khóa tu tán thán và ghi nhận.

Nhìn chung, suốt thời gian khóa tu diễn ra các hành giả đều thực hiện tốt nội quy của Ban Tổ chức, chấp hành thời khóa tu học tốt, tập sống nghiêm túc theo Tứ y pháp Trung đạo, tự giác thúc liễm thân tâm, không dùng điện thoại di động, không cất giữ tiền bạc, giữ sự yên lặng và chánh niệm tỉnh giác trong bốn oai nghi. Trong bảy ngày tu tập, hành giả luôn cảm nhận được sự an lạc và thanh bình, được chư Tôn đức Giáo thọ truyền trao những ý pháp của Đức Phật và lời dạy quý báu của Tổ sư. Đó là tài sản pháp bảo vô giá mà hành giả được thọ nhận từ nơi chư Tôn đức. Song song đó, thái độ tu tập của hành giả luôn nghiêm túc, thành khẩn và cầu tiến. Điều này được thể hiện rõ ở mỗi buổi tối, vào giờ sám hối chư hành giả luôn ý thức được những lầm lỗi, những điều kém khuyết của mình trong một ngày tu tập, trình bạch với Hòa thượng Giám luật cùng thiền đường đại chúng để các vị chứng minh, xả đọa lỗi lầm, nhờ đó mà thăng tiến trên con đường giác ngộ giải thoát.

6. KẾT LUẬN

Kính bạch chư Tôn đức,

Kính thưa quý Phật tử,

Khoá tu Truyền thống Khất sĩ lần thứ 22 đã diễn ra thành công trong phương diện tổ chức và trong phương pháp tu tập hành trì. Sự thành tự to lớn này trước tiên chúng con xin thành kính đảnh lễ tri ân chư Tôn đức Giáo phẩm lãnh đạo Hệ phái, chư Tôn đức trong Ban Chứng minh và Ban Tổ chức khóa tu đã thương tưởng đàn hậu học, tổ chức khóa tu này để chúng con được thắp sáng tâm linh nơi giáo pháp của Đức Phật và đường lối tu tập hành trì của Tổ Thầy. Thứ đến xin được niệm ân sự cố gắng nỗ lực tu tập của hành giả, sự ngoại hộ chu đáo của chư Tăng đơn vị đăng cai, sự cho phép tổ chức khóa tu của các cơ quan chức năng, cùng sự phát tâm cúng dường tứ sự của quý Phật tử các đạo tràng tịnh xá gần xa; nhờ vậy, khóa tu mới được thành công mỹ mãn.

Thành kính nguyện cầu hồng ân Tam bảo thùy từ gia hộ chư Tôn đức pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, mãi là chỗ dựa vững chãi cho chúng con và chúng sanh trên lộ trình giác ngộ giải thoát. Kính chúc chư hành giả nỗ lực cùng nhau thực hành chánh pháp để đạo nghiệp chóng viên thành. Kính chúc quý Phật tử được nhiều sức khỏe, bồ đề tâm tăng trưởng và thân tâm thường lạc.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.