Báo cáo trường hạ Ngọc Phú 2017

Trong thiên nhiên, sự sống ẩn mình ở những thay đổi vi tế của mầm cây, và trong một con người, sự sống ẩn mình ở những thay đổi vi tế của tâm người. Giữa bộn bề công việc Phật sự, người con Phật vẫn không ngừng trau tâm rèn trí. Chính vì vậy, việc cùng nhau sống chung tu học chuyên ròng trong ba tháng An cư để thúc liễm thân tâm, tấn tu Tam Vô lậu học là việc thiêng liêng và không thể thiếu của mỗi hành giả tu học Phật. Cũng như thế, hơn hai mươi năm qua đã trở thành truyền thống, được sự chỉ dạy của chư Tôn đức Ban Trị sự GHPGVN, Ban Chỉ đạo An cư kiết hạ THPG, Ban Trị sự GHPGVN quận Tân Bình và sự chứng minh của chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ, nên chư Ni Phân đoàn II Giáo đoàn IV đã tổ chức An cư kiết hạ cho chư Ni câu hội về cùng nhau tu học trong ba tháng từ ngày 16/05 đến ngày 12/07 năm Đinh Dậu, tại Tịnh xá Ngọc Phú, tọa lạc 64 Ni sư Huỳnh Liên, phường 10, quận Tân Bình, TP.HCM.

NgocPhu 9

1. VỀ MẶT TỔ CHỨC

Số lượng hành giả: Năm nay tổng số có 63 hành giả, bao gồm: 2 Ni trưởng, 2 Ni sư, 34 Tỳ-kheo-ni, 10 Thức-xoa, 9 Sa-di-ni và 6 tập sự.

Ban Chức sự trường Hạ gồm có: Ni trưởng Khoa Liên: Thiền chủ. Ni trưởng Vạn Liên: Phó Thiền chủ kiêm Hóa chủ. Ni sư Chiếu Liên: Phó Hóa chủ kiêm Giám luật. Ni sư Kiến Liên: Trưởng ban Quản chúng. Sư cô Trí Hiền: Phó chúng. Sư cô Tùng Liên: Tri sự. Sư cô Trúc Liên: Tri sự. Sư cô Giác Liên: Thư ký Tài chính. Sư cô Mẫn Liên: Thư ký Hành chánh. Sư cô Tín Liên: Thủ quỹ.

Ban Giáo thọ: Hòa thượng Giác Giới, Hòa thượng Giác Toàn, Hòa thượng Thích Như Tín, Hòa thượng Giác Pháp, Hòa thượng Giác Nhân, Thượng tọa Thích Thiện Quý, Đại đức Giác Hoàng, Đại đức Minh Nghi, Ni sư Tuyết Liên, Ni sư Tín Liên.

Thời khóa tu tập: Bắt đầu lúc 3g45, kết thúc lúc 21g30. Theo trình tự như sau: thức chúng 3g45, tụng kinh – ngồi thiền 4g – 5g, chấp tác, điểm tâm 6g, học pháp – tụng kinh, thọ trai 10g30, kinh hành 12g, chỉ tịnh 12g30, học pháp – đọc Chơn Lý 14g – 15g, tọa thiền 17g – 18g, tụng kinh 19g – 20g, tọa thiền 20g30 – 21g30, chỉ tịnh.

2 . PHÁP HỌC

Hòa thượng Giác Giới, đến với trường Hạ vào sáng Chủ nhật, trong sự an hòa trầm tĩnh, Hòa thượng ân cần nhấn mạnh phương pháp “khéo nghe, khéo tư duy” cho chư Ni cùng Phật tử thực tập. Đối với pháp Phật, người tu học cần chú trọng tư duy để tự thẩm thấu, thấy rõ sự thật bằng mắt trí để tự mình giải thoát mọi sự khổ, buộc ràng của thế gian, tiến đến giác ngộ bằng lòng tin theo tiêu chuẩn về lòng tin của chư Phật (thông qua Kinh Tăng Chi, phẩm Tùy Niệm).

Hòa thượng Giác Toàn, luôn mang trong lòng những trăn trở suy tư cho tương lai của Phật giáo nói chung và Hệ phái Khất sĩ nói riêng, Hòa thượng là chuẩn mực cho đàn hậu học phấn đấu noi theo. Bằng bộ Chơn Lý được xem như là pháp bảo bên mình, với lời nói giản dị và ngôn từ trong sáng, Hòa thượng khuyên hàng chư Ni hãy học tu theo Chơn Lý. Như con thơ cần sữa mẹ để lớn, người con Khất sĩ cần Chơn Lý để hành trì. Như cha ông đã để lại nghề gia truyền cho con cháu mà con cháu không biết đến thì cũng kỳ; Tổ sư đã để lại bộ Chơn Lý pháp bảo cho hàng đệ tử mà đàn Tăng Ni con cháu không biết đến để hành trì thì không phải lẽ.

Hòa thượng Như Tín, vượt qua trở ngại của bệnh thân, Hòa thượng luôn đến với chúng bằng nụ cười từ ái. Trong tình tăng lữ và kinh nghiệm quý báu Hòa thượng hướng dẫn chư Ni hãy trở về với tự tâm của chính mình thông qua tư tưởng thâm sâu của Bát-nhã. Đó là quán chiếu vô ngã, ly tham ly dục, phá bỏ ngã chấp để trở về tâm chơn và sống trong đoàn thể Tăng-già cùng sự hộ trì của giới luật.

Hòa thượng Giác Nhân, hòa chung với tinh thần tu học theo Chơn Lý, Hòa thượng chỉ dạy chư Ni khéo kết hợp ứng dụng Chơn Lý cùng với kinh điển của Phật. Ngài so sánh những nét đặc trưng cơ bản trong pháp học và pháp hành, đồng thời chỉ ra ưu việt rất riêng mang tính đạo pháp gắn liền với văn hóa dân tộc trong truyền thống hành trì của Khất sĩ. Đó là điều đáng tự hào của con cháu Khất sĩ vậy.

Hòa thượng Giác Pháp, mỗi năm, Hòa thượng đều đến với trường Hạ với mỗi chủ đề khác nhau nhưng đều chú trọng đến pháp hành cho hàng Ni trẻ nhỏ, sơ phát tâm. Năm nay, tuy số lần lên lớp ít ỏi, nhưng Hòa thượng đã truyền đạt phương pháp tu tập quán chiếu thông qua bài kinh Phú-lâu-na trong Kinh Tạp A Hàm một cách trọn vẹn. Với những ví dụ dẫn chứng sinh động, Hòa thượng chỉ rõ các bước quán sát để thấy rõ vị của dục, tập của dục, diệt của dục, hoạn của dục và xuất yếu của dục, cho đến tu tập yểm ly, tháo bỏ và đạt đến an lạc do ly dục đem lại.

Thượng tọa Thiện Quý, giữ cương vị là Chánh Thư ký Ban Trị sự THPG, Thượng tọa đến trao đổi cùng chư Ni với chủ đề Thẩm mỹ học trong Phật giáo, nêu lên những nét đẹp trong đạo đức và đời sống phạm hạnh của hàng xuất gia hiện nay, đồng thời cũng chỉ ra những điều chưa được đẹp. Chính vì thế, vấn đề giáo dục thẩm mỹ trong đời sống tu tập để nâng cao cái đẹp, hoàn thiện cái đẹp là điều cần thiết để hoàn thiện nhân cách cao thượng cho người xuất gia chân chính.

Đại đức Giác Hoàng, là vị thuộc hàng Tăng trẻ đầy tâm thành và nhiệt huyết, cùng chính kiến kiên định, Đại đức luôn thổi luồng gió mới về cái nhìn, nhận định, đánh giá thực tiễn tu tập cho Tăng Ni trẻ ngày nay. Tuy trong xã hội hiện đại, nhưng pháp hành để chuyển hóa thân tâm không bao giờ xa rời chánh niệm và tỉnh giác. Thông qua bài Kinh Niệm Xứ, một lần nữa, khẳng định con đường đưa đến thanh tịnh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu ở đời, chỉ có một, đó là Bốn Niệm xứ.

Đại đức Minh Nghi, đều đặn mỗi tuần, Đại đức đều đến chia sẻ cùng chúng Ni những kinh nghiệm, cảm xúc tu tập thông qua những năm tháng được học tu cùng những bậc Tôn túc lớn. Bằng thân giáo, các Ngài đã chuyển hóa được tâm người đệ tử sâu sắc dường nào mà không cần một lời huấn thị. Những bài học đạo đức đó đã trở thành hành trang cho người đệ tử trong suốt cuộc đời sau này. Và hơn thế, thông qua Đại đức, nó được lan rộng đến mỗi con người có duyên nghe pháp học đạo.

Ni sư Tuyết Liên, trên cương vị là một Phó đoàn và là Giáo thọ chuyên nghiên cứu, hành trì và tu học theo Chơn Lý, Ni sư đến với chúng Ni trong tình thân thuộc gần gũi, như người chị đi trước chỉ dẫn cho đàn em thân thương. Ni sư đã cùng chúng Ni ôn lại những năm tháng tu học thưở ban đầu, những năm tháng gian truân mà thắm tình đạo vị, trong đó có hạnh hành trì khất thực, hạnh giữ giới nghiêm mật, hạnh nương nhau vượt khó, đoàn kết khắng chặt… Đó quả là những câu chuyện sách tấn cho chư Ni nhỏ sơ tâm vững vàng trong đời sống tu tập. Bên cạnh đó, Ni sư cùng chúng Ni đọc và phân tích hai bài Chơn Lý – “Thập nhị nhân duyên” và “Bát chánh đạo”. Mặc dù, ý pháp sâu xa nhưng với kiến giải rất riêng cùng ngôn từ dễ hiểu của Ni sư, làm cho bài Chơn Lý bỗng trở nên hấp dẫn, mới mẻ và mang tính thực tiễn gần gũi với cuộc sống tu tập biết bao.

Ni sư Tín Liên, luôn xuất hiện với dáng vẻ hiền hòa và đức độ khiêm cung kính mến, Ni sư tận tình truyền đạt những bài pháp thoại mà Phật đã dạy cho hàng chư thiên trong Kinh Tương Ưng Chư Thiên, đồng thời Ni sư từng bước giảng giải giáo pháp bao gồm những pháp học và pháp hành cho người hành giả muốn đạt được an tịnh tâm và phát triển trí huệ giải thoát lên đến bậc Thánh.

Giờ đọc Chơn Lý, ngoài những giờ học pháp, hội chúng còn có giờ cùng nghe và đọc Chơn Lý với nhau, vào buổi chiều. Với cách thức luân phiên nhau đọc từng đoạn một cách chậm rãi, một người đọc và mọi người cùng dò theo sách, cùng chú tâm lắng nghe theo dõi. Phương pháp này vừa tăng phần tập trung, vừa tập rèn cho Ni chúng kỹ năng đứng trước hội chúng, cách phát âm ngắt hơi chấm phẩy sao cho dễ nghe dễ hiểu.

NgocPhu 1

NgocPhu 2

3. PHÁP HÀNH

Song song với pháp học, việc thực hành pháp trong đời sống An cư được sắp xếp theo thời khóa như sau:

Ngồi thiền: Có 3 thời. Buổi sớm mai, buổi đầu hôm và buổi tối. Đây là thời gian cho hành giả lắng đọng tâm tư, ngồi ngay yên tịnh, theo dõi hơi thở ra vào, thực tập quán sát trên hơi thở. Sau khi xả thiền xong, trước khi đứng dậy, hội chúng cùng nhau đọc Kinh Từ Bi, cầu an, đọc các bài kệ rải tâm từ cho chúng sanh.

Tụng kinh: Có 2 thời. Buổi khuya và buổi tối. Với nghi thức rất riêng của Hệ phái theo như cuốn Nhật Tụng Hàng Ngày. Các bài kinh, kệ thường tụng là Kệ Xưng Tụng Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo, Kinh A Di Đà, Kinh Phổ Môn, Kệ Cầu Nguyện Hòa Bình, v.v…

Độ ngọ: Cũng là hình thức sinh hoạt riêng biệt của Hệ phái. Ngồi thứ lớp dưới đất, độ bát, ăn hòa chúng từng muỗng một, thức ăn được trộn lộn xộn, giờ ăn diễn ra trong chánh niệm tĩnh giác, oai nghi, êm nhẹ, không khua chạm lớn tiếng, không nói chuyện, thanh tịnh…

Kinh hành: được sắp xếp ngay sau giờ độ ngọ. Trong vòng 15 phút, mỗi hành giả với mỗi bước chân chánh niệm bước đi theo tiếng hòa âm niệm Phật Nam Mô A Di Đà Phật, ai nấy như nhau, đồng điệu đồng hành.

NgocPhu 5

NgocPhu 8

4. ĐỜI SỐNG - SỨC KHỎE

Họp chúng: Mỗi nửa tháng định kỳ, Ban Chức sự tổ chức họp chúng một lần nhằm báo cáo giải trình tình hình tu học của Ni chúng trong nửa tháng, đánh giá chuyên cần, các ưu điểm và khuyết điểm cần khắc phục hoặc nâng cao. Chư Ni được sách tấn đều hoan hỷ phụng hành.

Hòa hợp: Ni chúng tu học y theo nội quy của trường Hạ trên tinh thần hòa ái, cung kính khiêm nhường, yêu thương lẫn nhau như ruột thịt, nghĩa pháp lữ đại đồng như sữa hòa với nước.

Sức khỏe - y tế: Mặc dù đang giữa giao mùa, tiết trời oi bức, mưa nắng thất thường nhưng nhờ có Ban Y tế của hội chúng và Phật tử tận tình chu đáo chăm sóc Ni chúng được đảm bảo sức khỏe an tâm tu học.

Ngoại hộ: Nhờ hồng ân Tam bảo gia hộ Phật tử xa gần thăm viếng cúng dường nên tứ sự đầy đủ.

Cúng dường: An cư là duyên cho Phật tử, đạo tràng tín tâm gieo trồng ruộng phước điền, vì vậy chư Tôn Thiền đức các nơi đã hướng dẫn Phật tử ghé thăm Ni chúng an cư và cúng dường tịnh tài tịnh vật góp phần chu viên cho khóa An cư kiết hạ năm nay.

KẾT LUẬN

Trên đây là những nét sơ lược về sinh hoạt tu học của Ni chúng trường Hạ Ngọc Phú trong ba tháng An cư kiết hạ PL. 2561 – DL. 2017. Xin kính trình lên chư Tôn đức Tăng Ni liễu tri. Mặc dù, chúng con đã rất cố gắng trình bày, nhưng không sao tránh khỏi những thiếu sót, rất mong chư Tôn Thiền đức từ bi hỷ xả cho.

Ngưỡng cầu hồng ân Tam bảo gia hộ cho chư Tôn Thiền đức được pháp thể khinh an tuệ đăng thường chiếu, mãi là tàng cây đại thọ che mát cho chúng con trên con đường giải thoát giác ngộ.

Kính chúc quý Phật tử được vô lượng an lạc, tín tâm kiên cố, tu hành tinh tấn.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.