Báo cáo trường hạ PV. Minh Đăng Quang 2016

TaPhap 2016 PV 5Thời gian quả là một sự diệu kỳ của tạo hóa. Hồi tưởng lại, vào thập niên 40-50 của thế kỷ trước, đức Tổ sư Minh Đăng Quang noi theo hạnh Phật chỉ dạy chư Tăng tu theo nếp sống Tứ Y pháp thanh bần đơn giản, thế mà thoắt chốc, Ngài đã vắng bóng hơn 60 năm. Đức Phật và các Tổ sư nhập Niết-bàn để lại cho hàng xuất gia ngày nay cả một kho tàng kinh điển đồ sộ cùng với biết bao truyền thống tu hành cao thượng. Một trong những truyền thống căn bản mà một người tu phải thực hành đó là việc Cấm túc An cư.

Nội dung tu tập, giảng dạy và sinh hoạt mùa An cư của Hệ phái Khất sĩ tại Pháp viện Minh Đăng Quang PL. 2560, DL. 2016 xin được tóm tắt như sau:

SỐ LƯỢNG HÀNH GIẢ & THỜI KHÓA TU TẬP

Giáo đoàn I: 9 Tỳ-kheo (TK), 1 Sa-di (SD). Giáo đoàn II: 3 TK, 3 SD. Giáo đoàn III: 15 TK, 24 SD. Giáo đoàn IV: 7 Hòa thượng, 3 Thượng tọa, 33 TK, 14 SD, 9 tập sự. Giáo đoàn V: 11 TK, 9 SD. Giáo đoàn VI: 3 TK, 6 SD. Tổng cộng là 150 vị: 84 Tỳ-kheo (7 Hòa thượng, 3 Thượng tọa và 74 Đại đức, Tỳ-kheo) và 66 Sa-di (57 Sa-di, 9 tập sự).

Ngoài ra, còn có chư Tôn đức Tăng trong 6 Giáo đoàn luân phiên về tham gia trong Ban Kiểm soát Hạ trường trong suốt mùa An cư. Giáo đoàn I có TT. Giác Hạnh và TT. Minh Phúc. Giáo đoàn II có TT. Giác Hạnh. Giáo đoàn III có TT. Giác Trong, TT. Giác Minh và TT. Giác Duyên. Giáo đoàn IV có HT. Minh Bửu và HT. Minh Thuấn. Giáo đoàn V có HT. Giác Trí và TT. Giác Luyện. Giáo đoàn VI có ĐĐ. Giác Minh.

Chương trình tu tập cũng giống như các năm trước. Thức dậy từ 3 giờ 45 và kết thúc một ngày tu lúc 22 giờ. Lịch trình tu tập căn bản mỗi ngày như sau: Công phu sáng, ngồi thiền, công quả, điểm tâm, học pháp, nghỉ trưa, học pháp, thiền tọa, tụng kinh, học pháp, thiền hành.

BAN CHỨC SỰ, BAN GIẢNG HUẤN & BAN QUẢN CHÚNG

Ban Tổ chức Hạ trường gồm có Ban Chứng minh, Ban Chức sự và Ban Giáo thọ.

Ban Chứng minh: HT.Thích Hiển Pháp, HT. Giác Nhường, HT. Thích Viên Giác, HT. Thích Tắc An, HT. Giác Tường, HT. Giác Ngộ, HT. Giác Lai. Ban Chức sự: HT. Giác Phúc - Thiền chủ, HT. Giác Giới – Phó Thiền chủ kiêm Giám luật, HT. Giác Toàn – Hóa chủ, HT. Giác Hà – Phó Hóa chủ, TT. Minh Hóa, TT. Minh Lộc và ĐĐ. Giác Hoàng: Ban Thư ký. Ban Giáo thọ gồm chư Tôn đức Giáo phẩm Trung ương Giáo hội và BTS GHPGVN TP. HCM: HT. Thích Trí Quảng, HT. Thích Thiện Nhơn, HT. Thích Thiện Tâm, HT. Giác Toàn, HT. Thích Minh Thông, HT. Thích Minh Chơn, TT. Bửu Chánh, TT. Thích Nhật Từ. Đồng thời, trong Hệ phái có: HT. Giác Giới, HT. Giác Pháp, HT. Minh Bửu, TT. Minh Ngạn, TT. Giác Nhân, TT. Minh Hóa, TT. Giác Tây, TT. Giác Duyên, ĐĐ. Giác Hoàng, ĐĐ. Minh Liên.  

Ban Quản chúng gồm có: Trưởng ban: HT. Minh Thuấn; Phó ban: TT. Minh Hóa, ĐĐ. Giác Hoàng, Thư ký: ĐĐ. Minh Liên (trưởng), ĐĐ. Minh Điệp (phó), TK. Minh Thái (phó); Điển lễ: ĐĐ. Minh Đạo. Kiểm soát thọ trai: ĐĐ. Minh Hữu, ĐĐ. Minh Y. Kiểm soát giáo lý: ĐĐ. Minh Hải. Kiểm soát đi lại: ĐĐ. Minh Liên, ĐĐ. Minh Tân. Kiểm soát thiền hành, thiền tọa Tỳ- kheo: ĐĐ. Giác Khương. Kiểm soát thiền hành, thiền tọa Sa-di: ĐĐ. Minh Đạo. Chấp tác: ĐĐ. Minh Đạo. Quản chúng Sa-di tụng kinh sáng: ĐĐ. Minh Hành. Dẫn Kinh tối: ĐĐ. Minh Sơn, ĐĐ. Minh Nghĩa, TK. Giác Hải. Trực kẻng: TK. Minh Thưởng. Thị giả: TK. Minh Thọ, TK. Minh Hiếu. Thông tin: TK. Giác Minh Tôn, SD. Minh Nhân. Dẫn thỉnh: ĐĐ. Minh Điệp, ĐĐ. Minh Đức, TK. Giác Minh Tôn. Âm thanh, ánh sáng, vận chuyển: SD. Minh Hiểu. Y Tế: TK. Minh Thái. Thủ quỹ: ĐĐ. Minh Luận, TK. Minh Ngọc. Văn phòng: ĐĐ. Minh Sơn. Chúng 1: Trưởng chúng: ĐĐ. Minh Đức, Phó chúng: ĐĐ. Huệ Thành, ĐĐ. Minh Toàn. Chúng 2: Trưởng chúng: ĐĐ. Minh Bền. Phó chúng: ĐĐ. Minh Đạt, ĐĐ. Minh Nghĩa.

TaPhap 2016 PV 4

NỘI DUNG PHÁP HỌC

Gồm 14 vị giảng sư chính thức và một số vị thỉnh giảng.

1. HT. Giác Giới: Trong vai trò Phó Thiền chủ kiêm Giám luật Hạ trường, Hòa thượng quang lâm thuyết giảng cho đại chúng Tăng sư mỗi tháng hai lần. Mùa hạ năm nay, Hòa thượng nhấn mạnh về việc hành trì giới luật và tu tập để thành tựu Chánh tri kiến. Thông qua việc trích dẫn Kinh tạng Nikaya và Chơn lý, Ngài đã chỉ dạy nhiều bài học tu hành vô cùng sâu sắc. Trong đó, việc ý thức chánh niệm để gìn giữ oai nghi, thu thúc lục căn, tiết chế ăn uống là các bước căn bản để hỗ trợ cho việc trì giữ giới điều trở nên thanh tịnh. Từ chỗ thanh tịnh thân khẩu ý, hành giả dễ dàng thực hành thiền định phát sinh tuệ giác. Đây là lộ trình căn bản để tăng trưởng Giới, Định, Tuệ đúng tinh thần An cư của nhà Phật.

2. HT. Giác Toàn: Với vai trò là Hoá chủ, Hòa thượng hướng dẫn cho đại chúng an cư chủ đề “Tìm lại chính mình”. Đây là phần tổng quan chú giải bộ Chơn lý của đức Tổ sư Minh Đăng Quang. Công trình này được Hòa thượng định hướng biên soạn cho Hệ phái nghiên cứu, diễn giải nghĩa lý các tiểu luận mà Tổ sư đã dày công trước tác, tổng hợp tinh hoa các truyền thống Phật giáo lớn trong 10 năm hành đạo của Ngài.

Hòa thượng chia sự tu hành thành hai giai đoạn chính:

a. Giai đoạn 1: Hãy nhìn lại chính mình. Giai đoạn này là bước đầu tu tập, hành giả cần phải soi rọi lại nhân duyên chúng ta được hiện hữu trên cuộc đời là nhờ nghiệp quả nhiều kiếp trước. Sự hình thành cá tính, biệt nghiệp, thân thể… mỗi người mỗi khác là do nhân quả kiến tạo. Do đó, cần phải quán sát đúng pháp các nhân duyên tác thành thân tâm con người.

b. Giai đoạn 2: Tiến trình tu tập thân chứng thiền định. Giai đoạn này là sự tu hành nghiêm mật, lấy thân khẩu ý làm đối tượng chính. Trước tiên, hành giả cần phải thực hành các pháp sám hối để tam nghiệp được thanh lọc trở nên trong sạch. Tiếp theo là soi sáng thân tâm để điều phục các nghiệp chẳng lành nơi thân khẩu ý. Bước cuối cùng là luôn biết giữ gìn an tịnh ba nghiệp này trở nên diệu dụng.

Như trong Chơn lý “Thần mật”, Tổ sư dạy:

Thân mật là không hay làm,

Khẩu mật là không hay nói,

Ý mật là không hay tưởng nhớ.

Ngoài ra, trong suốt mùa An cư, Hòa thượng lần lượt giảng giải phần đầu bộ Chơn lý như Võ trụ quan, Ngũ uẩn, Lục căn, Thập nhị nhơn duyên, Bát chánh đạo…

Từ những quyển Chơn lý trên, nhận thức giác ngộ của hành giả được nâng cao và thúc đẩy đại chúng tinh tấn tu hành theo tông môn Hệ phái, xứng đáng là lớp kế thừa của người con Khất sĩ.

3. HT. Thích Minh Chơn: Hòa thượng hiện là Phó ban Hoằng pháp Trung ương, Trưởng ban Hoằng pháp GHPG TP.HCM nên có bề dày kinh nghiệm giảng dạy. Nội dung giảng dạy của Hòa thượng xoay quanh chủ đề Giáo dục Phật giáo.

Hòa thượng nhận định, Phật giáo không phải là triết học để lý giải các vấn đề mang tính học thuyết tương đối. Giáo lý của đạo Phật mang tính chuyển hoá khổ đau nên giáo dục của Phật giáo luôn hướng con người bằng việc hành trì các pháp giác ngộ. Hòa thượng đã phân tích nhiều trường phái triết học và khoa học trên thế giới để minh chứng rằng chỉ có giáo dục Phật giáo mới đưa con người từ phàm phu lên Thánh nhơn. Sự chuyển hoá này không phải tầm cầu ở bên ngoài mà nằm ngay ở tâm mình. Chỉ cần ngộ đạo, thể nhập chân tâm, hành giả lập tức đạt cảnh giới Niết-bàn an lạc. Như bài kệ Tuệ Trung Thượng Sĩ đã viết:

Mịt mờ học giả hướng nào dong,

Gạch ngói mài chi uổng phí công,

Thôi chớ cửa người nương tựa mãi,

Ánh xuân một điểm khắp trời đông.

4. HT. Thích Minh Thông: Trong mùa Hạ năm nay, Hòa thượng đã quang lâm giảng dạy cho chư Tăng về các điều luật định về pháp An cư của vị Tỳ-kheo. Nội dung căn bản của buổi pháp thoại nhấn mạnh về các khía cạnh:

a. Pháp An cư do chính đức Phật chế định do 3 yếu tố:

- Do người thế gian phàn nàn chư Tăng không có sự an trú mùa mưa.

- Vì lòng từ bi đối với chúng sanh và các chồi non sanh sôi trong thời tiết ẩm thấp.

- Để chư Tăng đồng tu phạm hạnh, tăng trưởng giới đức.

b. Thời gian An cư:

- Từ đầu tháng Tư đến hết ngày 16 tháng Bảy âm lịch.

- Hành giả đến trễ đúng 50 ngày vẫn được nhập chúng An cư nhưng phải thực hiện pháp hậu An cư, ai quá trễ quá 50 ngày không tính An cư.

c. Pháp An cư thực hiện như sau:

- Tâm niệm An cư dành cho trú xứ chỉ có 1 Tỳ-kheo.

- Đối thú An cư dành cho trú xứ có 2 đến 3 Tỳ-kheo.

- Tác pháp An cư dành cho trú xứ có 4 Tỳ-kheo trở lên.

d. Trường hợp phá Hạ:

- Rời khỏi cương giới Hạ trường cách đêm mà không bạch chúng Tăng.

- Xin rời khỏi cương giới đến chỗ này mà lại đi chỗ khác.

5. HT. Giác Pháp: Từ khi Hạ trường Hệ phái được thành lập đến nay, HT. Giác Pháp luôn giữ vai trò quan trọng trong Ban Giáo thọ Hạ trường. Đến với Hạ trường, Hòa thượng tiếp tục giảng dạy cho chư hành giả một số kinh như Kinh“Tất cả lậu hoặc” trong kinh Trung Bộ.

Bài kinh này dạy hành giả nhận diện bản chất của phiền não lậu hoặc là sự trở ngại lớn trên con đường tu hành. Người vô văn phàm phu do không gần gũi và học pháp với bậc Chân nhân và Thánh nhân nên bị lậu hoặc chi phối, còn vị đa văn Thánh đệ tử gần gũi và cầu pháp với bậc Chân nhân và Thánh nhân nên thoát khỏi lậu hoặc. Kinh này dạy 7 phương pháp trừ lậu hoặc như sau: lậu hoặc đoạn trừ bằng tri kiến, lậu hoặc đoạn trừ bằng phòng hộ, lậu hoặc đoạn trừ bằng thọ dụng, lậu hoặc đoạn trừ bằng kham nhẫn, lậu hoặc đoạn trừ bằng tránh né, lậu hoặc đoạn trừ bằng trừ diệt, lậu hoặc đoạn trừ bằng tu tập. Tùy theo từng lậu hoặc mà áp dụng pháp tu phù hợp. Tất cả 7 pháp này đều có công năng giúp lậu hoặc chưa sanh không sanh và lậu hoặc đã sanh bị tiêu diệt.

Ngoài ra, Hòa thượng còn khuyên nhắc mạnh mẽ, đánh thức chư hành giả cần phải chấn chỉnh oai nghi, nghiêm trì giới luật, chí hướng giác ngộ, tinh tấn tu hành, tăng trưởng đạo lực để xứng đáng là hàng kế thừa mạng mạch Phật pháp.

6. HT. Minh Bửu: Cũng như hàng năm, nội dung giảng dạy của Hòa thượng luôn mang tư tưởng của thiền học Trung Hoa. Năm nay, Hòa thượng trích giảng những đoạn đối thoại mang đầy chất liệu pháp tu đốn ngộ, đi ngay vào tâm để hành giả ngay lập tức kiến tánh.

Các Thiền sư Trung Hoa đã từng dạy: Nếu không kiến tánh thì tu hành luống công vô ích. Do đó, người tu hành trước nhất phải du phương cầu đạo, tìm cho được một thiền sư khai ngộ cho đến chỗ kiến tánh. Hòa thượng kể lại rất nhiều câu chuyện của các thiền sinh đến cầu học với các thiền sư đương thời và rất nhiều người đã đạt đến chỗ kiến tánh.

Cuối cùng, Hòa thượng nhắn nhủ: Nếu tu hành mà không thẩm thấu lý tánh sẽ rơi vào vòng đối đãi sanh diệt của cuộc đời.

7. TT. Bửu Chánh: Đến với đạo tràng, Thượng tọa trích dẫn những đoạn kinh văn trong tạng Pàli để giảng dạy cho đại chúng. Theo Thượng tọa, đây là những tài liệu gốc rất chuẩn xác những lời Phật dạy.

Những buổi tiếp theo, Thượng tọa khuyên hành giả nên buông bỏ những oan trái nghịch lòng khi sống chung trong tập thể. Tránh những hành động bất hòa hay lời qua tiếng lại vì chúng chẳng mang đến an lạc mà chỉ tạo ra đấu tranh và đau khổ. Cần phải tinh tấn tu hành để thành tựu đạo quả giải thoát Niết-bàn an lạc.

8. TT. Giác Nhân: Với kinh nghiệm trong nhiều năm trên ghế giảng sư, những bài giảng của Thượng tọa Giác Nhân mang nhiều giá trị ứng dụng sâu sắc. Năm nay, đến giảng dạy cho Hạ trường, Thượng tọa đã trích giảng một số bài kinh thuộc hệ Nikaya. Ví dụ, kinh Tư Lượng và Kinh Người chăn bò (Mục đồng). Mười một đức tính của vị Tỷ kheo là những gì mà một vị Tỷ kheo cần học hiểu và thực hành để có đủ nhân duyên phát triển Giới học, Định học và Tuệ học, hay phát triển Tâm giải thoát và Tuệ giải thoát. Đây là nội dung giáo dục một tu sĩ mà Thế Tôn chỉ dạy, và cũng là một nội dung giáo dục cơ bản mà Ban Giáo dục ở các tự viện cần tham khảo và thực hiện. Làm được như thế thì Tăng-già sẽ hưng thịnh.

9. TT. Minh Hóa: Cũng như hàng năm, trong vai trò Thư ký Hạ trường, Thượng tọa Minh Hóa giảng dạy cho đại chúng với nội dung được trích từ kinh tạng Nikaya và kinh Pháp cú. Năm nay, Thượng tọa trích giảng kinh Thất thánh tài, kinh Đại pháp hành, kinh Khu rừng, kinh Thừa tự pháp…

Thượng tọa đã trích những câu liên hệ đến sự nguy hiểm của tham, sân, si có thể làm chướng ngại sự giải thoát của hành giả. Để đoạn trừ chúng, Thượng tọa giới thiệu những câu liên hệ đến Giới-Định-Tuệ để đại chúng an cư tinh tấn tu hành, tăng trưởng đạo hạnh. Nổi bật trong đó, Ngài dạy chúng ta phải là những người có trí để mưu cầu pháp hiện tại lạc trú, tương lai quả báo lạc và phải là người thừa tự pháp chứ đừng thừa tự tài vật.

10. TT. Giác Tây: Là bậc Giảng sư nhiều năm kinh nghiệm, trong những năm qua, TT. Giác Tây luôn gắn bó với Hạ trường Tịnh xá Trung Tâm. Năm nay, Thượng tọa triển khai cho đại chúng đề tài Mục tiêu tu tập của người tu. Thông qua các kinh văn Đại thừa và A-hàm, Thượng tọa diễn giải nhiều góc độ giáo pháp đi từ căn bản đến thâm sâu. Có thể chia ra thành 3 mảng lớn như sau:

- Khái niệm về thiện ác: Phần này, Ngài dành nhiều buổi để trình bày tất cả các khái niệm theo đủ các trường phái Phật giáo để hành giả thấy rằng pháp ác làm chúng ta đau khổ, còn pháp thiện sẽ làm chúng ta đến an vui.

- Phương pháp tu hành: Trong phần này, các phương pháp tu hành như niệm Phật, hành thiền… đều được triển khai cụ thể. Nội dung chính của các pháp này gói gọn trong Giới, Định, Tuệ.

- Quả chứng: Mục tiêu tối hậu của người tu dĩ nhiên là thành Phật. Tuy nhiên, để thành tựu Phật quả không phải là chuyện giản đơn. Do đó, trong cuộc sống học tu hàng ngày, hành giả phải lấy sự an lạc ngay trong cuộc sống này làm nơi nương tựa cho mình.

11. TT. Minh Ngạn: Lần đầu tiên Thượng tọa đến giảng dạy cho Hạ trường Hệ phái nhưng sự thân quen vẫn hiển hiện rõ nét. Nội dung chính trong các bài pháp của mình, Thượng tọa truyền đạt kinh nghiệm về việc tu tập thiền chỉ và thiền quán theo tác phẩm Thiền căn bản của HT. Thanh Từ và Chỉ quán tọa thiền yếu lược của Trí Giả đại sư.

Nội dung chính trong các bài thuyết giảng gồm 2 phần chính:

- Sự lầm lạc trong ngũ dục. Đây là sự lầm lạc chung của chúng sanh ai cũng gặp phải. Ngay cả đức Phật khi chưa thành đạo cũng phải vướng mắc vào mà không thể thoát ra. Nhờ xuất gia tu hành, thành tựu đạo quả, đức Phật mới thấu rõ do vì đắm say ngũ dục nên chúng sanh mãi lầm lạc trong luân hồi.

- Phương pháp tu thiền: phương pháp tu thiền của nhà Phật gồm chỉ và quán. Chỉ là làm chặn đứng các vọng niệm, Quán là soi rọi để đoạn trừ vọng niệm. Hai phương pháp này đưa hành giả vào con đường an lạc và giải thoát.

12. TT. Giác Duyên: Với khả năng nghiên cứu chuyên sâu về triết học đương đại và triết học Phật giáo, Thượng tọa đã triển khai cái nhìn của Phật giáo về nhân sinh quan và thế giới quan. Trong đó, sự hình thành vũ trụ và con người dưới cái nhìn khoa học phù hợp thực tế được Thượng tọa triển khai rõ nét. Thông qua đó, sự hình thành con người và sự tái sinh ở ngày mai không đầu không đuôi, tất cả chỉ dựa trên nhân quả và biệt nghiệp của từng cá nhân. Chỉ có thấu hiểu tánh duyên sanh như huyễn và bản chất không của vạn pháp, con người mới giải thoát khỏi chính mình.

13. ĐĐ. Giác Hoàng: Luôn gần gũi đại chúng trong nhiều năm qua, Đại đức Giác Hoàng với tư cách Phó Thư ký Ban Chức sự kiêm Phó ban Quản chúng, rất chăm lo cho đời sống tu hành của hành gia An cư. Đại đức thường đến Hạ trường để sách tấn và động viên đại chúng chăm lo tu hành.

Năm nay, Đại đức soạn giảng một số bài kinh như: 3 bài Giáo giới La Hầu La, Tư lượng, Đại kinh Xóm ngựa. Nội dung chính của ba bài kinh đầu là đức Thế Tôn dạy pháp cho Tôn giả La Hầu La khi mới bước chân tu hành phải đoạn trừ tâm phóng dật, tôn trọng sự thật để tăng trưởng giới hạnh; khi trưởng thành phải tăng trưởng tâm định và tuệ giác để chứng đắc A-la-hán quả. Kinh Tư lượng dạy hành giả phải đoạn trừ 16 ác pháp, tu tập 16 thiện pháp, tạo nên sự hòa thuận trong đại chúng và đó cũng được xem như là nghệ thuật của sống chung tu học.

14. ĐĐ. Minh Liên: Trong vai trò Chánh Thư ký của Ban Quản chúng, Đại đức chia sẻ kiến thức của mình cho đại chúng mỗi tuần một lần. Có thể chia nội dung giảng thuyết đó ra một số nội dung như sau:

- Giáo dục Phật giáo Khất sĩ: Đi tu, sự dạy đạo của Tổ sư Minh Đăng Quang đến các đức Thầy và chư Tôn đức cao hạ bằng con đường gia giáo đến thế hệ Tăng Ni trẻ hôm nay qua con đường học tập các trường Phật học trong và ngoài nước.

- Giáo dục Phật giáo Trung Quốc: Sự hình thành và phát triển nền giáo dục Phật giáo Trung Quốc qua nhiều biến cố thăng trầm trải dài hàng ngàn năm và hiện nay đã hoàn chỉnh.

- Giáo dục Phật giáo Việt Nam: Đặt nặng về gia giáo. Tuy nhiên, đầu thế kỷ 20 đến nay có hướng phát triển nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh.

Đặc biệt, Ban Chức sự đã thành tâm cung thỉnh HT. Giác Tường – Đạo sư Chứng minh Hệ phái quang lâm Hạ trường ban đạo từ sách tấn hành giả tu hành thanh tịnh xứng đáng là người kế thừa tông môn Khất sĩ hôm nay và mai sau. Ngoài ra, Hạ trường còn được tiếp đón TT. Khánh Hỷ và TT. Chánh Kiến quang lâm giảng thuyết Phật pháp. Bên cạnh đó, Ban Chức sự còn mời ông Lê Hoàng Vân – Phó ban Tôn giáo TP. Hồ Chí Minh đến viếng thăm và thuyết trình về đường lối chính sách Tôn giáo của nhà nước.

NỘI DUNG PHÁP HÀNH

Ngoài việc học giới và kinh sách ra, Ban Quản chúng còn hướng dẫn hành giả tu tập đều đặn theo thời khóa với 3 nội dung chính:

1- Tụng kinh

Buổi sáng và tối, Ban Quản chúng hướng dẫn hành giả trì tụng các bài kinh trong Nghi thức Tụng niệm, kinh Pháp cú, các bài Văn uyển và các bài Kệ tụng trong Luật nghi Khất sĩ. Đây là những bài kinh tụng quen thuộc và mang đậm bản chất của Hệ phái do chính đức Tổ sư Minh Đăng Quang và các đệ tử của Tổ sư soạn thảo. Thông qua các buổi tụng kinh, Ban Quản chúng hướng dẫn cách bắt nhịp và tụng bằng chất giọng thuần Việt theo cách thức biệt truyền của Hệ phái. Cách chắp tay, kỉnh xá, đảnh lễ và oai nghi an tọa cũng được hướng dẫn chu đáo. Đây là định hướng để thuần nhất nghi thức tụng niệm của Hệ phái cho cả Giáo đoàn Tăng và Ni.

2- Hành thiền

Thiền là linh hồn của Phật giáo. Nhờ thiền mà thái tử Tất-đạt-đa chứng đắc quả Chánh đẳng giác. Nhờ thiền mà đức Tổ sư thể nhập chơn lý để nối truyền Thích-ca Chánh pháp. Do đó, trong khóa An cư này, Ban Quản chúng hướng dẫn các khóa sinh thực tập thiền tọa vào buổi sớm mai và chiều hôm. Đại chúng tu tập thiền qua đề mục hơi thở. Với tâm tư lắng dịu, hành giả ghi nhận hơi thở vào ra hoặc hoặc qua điểm xúc chạm bằng tâm chánh niệm. Những gì xao động trong tâm ý, khó chịu hay đau nhức về thân đều phải ghi nhận rồi trở về hơi thở ra vào. Đây là phương pháp hành thiền các huynh đệ thực hành gặt hái được kinh nghiệm trong việc làm chủ tâm ý của mình.

3- Cúng ngọ

Với 150 hành giả, Ban Quản chúng hướng dẫn toàn thể đại chúng hòa âm tụng kinh chú nguyện và thực hiện phép ăn chánh niệm. Đây là thời khắc tiếp xúc với nguồn hạnh phúc từ phẩm vật, tuy nhiên cần phải thực tập chánh niệm để ghi nhận các trạng thái tâm tham, tâm sân, tâm si trong từng muỗng cơm đều đặn. Thực hiện cách ăn này là thực hiện nề nếp mà Tổ Thầy đã từng thể hiện trên đường du phương hành đạo.

NGOẠI HỘ

1. Đạo tràng Pháp viện Minh Đăng Quang

Là đạo tràng lớn nhất Hệ phái, ngôi Pháp viện sừng sững uy nghiêm như ngọn Thái Sơn phủ bóng che mình cho chư hành giả cư ngụ. Trở về nơi đây, chư hành giả hoàn toàn được an tâm về nơi ăn chốn ở. Mặc dù đang là cuối xuân, giai đoạn đất trời đang chuyển mình vào hạ, thời tiết có phần oi bức, nhưng lòng người hành giả được dịu mát đi bởi mọi công tác phục vụ đều hết sức tốt đẹp. Với sự chuẩn bị chu đáo của Ban Ngoại hộ, khóa An cư đã diễn ra thành công viên mãn.

2. Chư Tôn đức Giáo đoàn IV

Với sự chỉ đạo của Hòa thượng trụ trì và chư Tôn đức lãnh đạo, huynh đệ Giáo đoàn IV đã bỏ nhiều công sức và tâm huyết phục vụ đại chúng từ nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt, nơi tu tập…Đây là một ân phước vô cùng to lớn mà chư hành giả có được từ lòng từ bi và đức hy sinh của đơn vị đăng cai.

3. Các phái đoàn, các đạo tràng Phật tử cúng dường

Góp phần cho sự chu viên của khóa An cư, có 73 đạo tràng tịnh xá đã hướng dẫn Phật tử khắp nơi trong và ngoài thành phố trở về phát tâm cúng dường tịnh tài, tịnh vật, hộ trì khóa tu. Mỗi ngày, Ban Ngoại hộ đều tiếp nhận rất nhiều lễ phẩm cúng dường nên việc phục vụ chư hành giả vô cùng chu đáo.

NHẬN XÉT

Trải qua 3 tháng tu học, nhìn chung, các hành giả đã có nhiều tiến bộ đáng kể về giới hạnh trang nghiêm tự thân, góp phần tạo nên những nhân tố kế thừa tông phong Hệ phái sau này. Tuy nhiên, có một số huynh đệ sơ cơ bước đầu tu học, nên vẫn còn nhiều thiếu sót trong việc tu tập của mình. Sau một thời gian sống chung hòa hợp, Ban Quản chúng có nhận xét và đánh giá như sau:

a. Ưu điểm

1. Nhờ sự kiểm soát chặt chẽ của Ban Quản chúng nên các khóa sinh tham gia các thời khóa đông đủ.

2. Thời khóa tu học khít khao giúp đại chúng tu học tinh tấn không bị xao lãng bởi ngoại duyên.

3. Nội dung giảng dạy phong phú, tập trung vào những bài học căn bản về pháp và luật cho hàng sơ cơ nên các hành giả tiếp thu dễ dàng.

4. Các huynh đệ có cơ hội sống chung nên thể hiện được tinh thần hòa hợp và học hỏi sách tấn lẫn nhau.

5. Điều kiện ổn định về nơi sinh hoạt, tu tập và sự chăm sóc tận tình của Ban Ngoại hộ nên các hành giả có được sức khỏe dồi dào, tinh thần an lạc để tu học.

b. Khuyết điểm

1. Do bận học ở các trường văn hóa nên một số huynh đệ không tham gia xuyên suốt thời khóa trong ngày.

2. Một số hành giả tùng Hạ vừa mới xuất gia nên chưa thể bắt nhịp được với tinh thần tu chung của đại chúng.

3. Do khoảng cách về độ tuổi và trình độ văn hóa nên sự tiếp thu các buổi học có sâu cạn khác nhau rõ rệt, điều này thể hiện qua bài kiểm tra thu hoạch cuối khóa.

4. Một số huynh đệ còn giải đãi không theo một số thời khóa của Ban Quản chúng.

5. Đa phần chưa thuộc rành luật nghi và chưa thông hiểu giáo lý căn bản trong giờ khảo giới.

KẾT LUẬN

Đại diện Ban Thư ký kính trình phần nội dung tu tập khóa An cư năm 2016. Với những thành quả đạt được xin thành kính cúng dường lên mười phương Tam bảo, đức Tổ sư và chư đức Thầy thùy từ chứng minh. Xin cúng dường thành quả này lên chư Tôn đức tùy hỷ cho chư huynh đệ trong sáu Giáo đoàn đã thực hiện trọn vẹn tâm nguyện và yếu chỉ của Tổ Thầy.

Kính nguyện chư Tôn đức pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu để mãi là ngọn đèn chơn lý soi đường cho chúng con đi trọn lộ trình giác ngộ giải thoát. Kính chúc chư hành giả trang nghiêm tự thân, công hạnh tu hành viên mãn. Kính chúc quý Phật tử thân tâm an lạc, tu hành tinh tấn.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.