Báo cáo trường hạ TX. Ngọc Trung - Gia Lai

Tịnh xá Ngọc Trung tọa lạc tại 489 Quang Trung - thị xã An Khê - tỉnh Gia Lai do Ni trưởng Hiệp Liên làm Hóa chủ. Mùa An cư năm nay cũng như những năm trước được sự chỉ dạy của Ban Lãnh đạo Giáo đoàn và sự cho phép của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, Tịnh xá Ngọc Trung là điểm An cư cho chư Ni các miền tịnh xá trong Giáo đoàn III và chư Ni Hệ phái trong tỉnh. Số lượng hành giả An cư năm nay tổng số 79 vị, trong đó có 51 vị cấm túc An cư, 28 vị tùng hạ.

TX.NgocTrung

1. Về thời khóa tu học

Nhận thức được sự lợi ích của việc “Sống chung tu học”, chư hành giả dần dần đi vào nề nếp và tu tập tinh tấn, thực hành nghiêm túc theo thời khóa Hạ trường đã quy định. Mỗi ngày với hai thời công phu, 3 thời thiền tọa, 1 thời thiền hành, 2 thời học pháp. Hạ trường Ngọc Trung vẫn giữ truyền thống Phật Tăng xưa, buổi trưa hành giả ôm bát khất thực hóa duyên trong khuôn viên tịnh xá để nhận phẩm thực từ hàng cư sĩ áo trắng để họ có dịp gieo duyên vào ruộng phước. Sau đó hành giả dùng cơm trong chánh niệm và hòa chúng.

2. Về nội dung tu học

Được sự quan tâm dẫn dắt của chư Tôn đức trong Giáo đoàn, Hạ trường chúng con luôn được cung đón chư Tôn đức trong Ban Giáo thọ luân phiên về giảng dạy. Vì thế, ngoài các thời khóa tu tập, hành giả còn được nếm hương vị pháp lành của quý Ngài. Nhờ vậy mà pháp hành chúng con ngày thêm sáng tỏ.

HT. Giác Tần mặc dù sức khỏe không tốt, nhưng vì lòng từ bi Hòa thượng thường xuyên đến Hạ trường và khuyến tấn chư Ni chúng con. Hòa thượng giảng sơ lược về pháp môn Tịnh độ để đại chúng hiểu và tăng thêm tín tâm cho những hành giả thực hành pháp môn này. Hòa thượng còn nhấn mạnh việc tu hành cốt yếu là phải soi sáng chính mình, không nên tìm lỗi người. Ba tháng sống chung tu học này là thời gian tốt nhất để nhìn lại mình, sẵn sàng lắng nghe những lời nhắc nhở khuyên răn, được vậy mình mới sửa đổi lỗi lầm và hoàn thiện được bản thân.

HT. Giác Minh viếng thăm và khuyến tấn chư hành giả nên cố gắng tham gia những khóa tu, khóa Hạ như thế này để cùng nhau sống chung, chỉnh đốn lại Giới luật, tu tập cho tốt. Mặc dù tại mỗi tịnh xá, chúng ta vẫn tu tập nhưng không bằng tập trung lại một nơi tu học, năng lực của đại chúng sẽ giúp chúng ta tinh tấn hơn. Hòa thượng nhấn mạnh: “Tuy Tổ Thầy không còn, nhưng với những dấu ấn vàng son mà quý Ngài để lại, mình phải cố gắng giữ gìn tiếp nối, không được để cho tắt mất”.

TT. Giác Duyên trình bày sơ lược về niềm tin trong tôn giáo. Thượng tọa nhấn mạnh sự tương đồng giữa Phật giáo và khoa học đồng thời dẫn chứng câu nói của một nhà nghiên cứu: “Đạo Phật đã cắm cây cờ nơi đích, khoa học ngày nay trên đường đi tới đích”. Câu nói này đã chứng tỏ Phật giáo là điểm đến của khoa học và khoa học càng phát triển, Phật giáo càng sáng tỏ. Thượng tọa còn mượn câu nói của Hòa thượng Thích Trí Thủ: “Cây Bồ-đề Phật giáo đã bị các nhánh chùm gởi bao phủ, trách nhiệm của chúng ta là phải gỡ các nhánh chùm gởi để cây Bồ-đề được sống”. Qua đó, Thượng tọa nhắn nhủ chúng ta không nên đem những văn hóa khác vào, như vậy Phật giáo dần dần sẽ bị biến dạng. Nhất là vấn đề hướng ngoại của Tăng Ni hiện nay. Ngày nay xã hội rất cần sự có mặt của Phật giáo đem đạo vào đời, nhưng không phải vì thế mà ta đi quá xa, quên cả truyền thống tốt đẹp của mình.

ĐĐ. Giác Hoàng: Với 4 buổi giảng, Đại đức đã trình bày 3 bài kinh nói về việc đức Phật giáo giới cho La Hầu La trong kinh Trung Bộ. Với phương pháp trực quan sinh động và qua những hình ảnh cụ thể, gần gũi, đức Phật đã nói lên sự nguy hại của việc nói dối và khuyên Tôn giả La-hầu-la nên phản tỉnh, trở về tịnh hóa thân, khẩu, ý. Ba bài kinh này chính là lộ trình tu tập về Giới Định Tuệ của một hành giả, nếu quyết tâm thực hành sẽ có lợi ích. Đại đức còn chọn bài kinh Tư Lượng trong Trung Bộ kinh để phân tích rõ 16 trạng thái tâm bất thiện thường chi phối chúng ta. Qua đó, Đại đức nhắc nhở hành giả nên tập hạnh lắng nghe, phải quán chiếu để soi sáng chính mình. Bởi có sự quán chiếu chính mình một cách sâu xa như vậy, ta mới thấy rõ các ác pháp và đoạn trừ chúng. Đây là một nghệ thuật sống để nâng cao tinh thần “Sống chung tu học” của hàng xuất gia giải thoát.

NT. Hiệp Liên là cội tùng vững chãi của chư Ni trong Giáo đoàn III. Mặc dù Phật sự đa đoan nhưng Ni trưởng vẫn đều đặn sinh hoạt với đại chúng. Sự có mặt của Ni trưởng trong đạo tràng rất quan trọng, đã tạo sự ấm áp và tăng thêm năng lượng tu tập cho hành giả. Với hoài bão giúp chư Ni trẻ nhận thức rõ giá trị Luật tạng cũng như có niềm tin vững chắc nơi giới luật, Ni trưởng chọn bộ Luật Tứ Phần chia sẻ cùng hội chúng. Vào những chiều không có Giáo thọ, Ni trưởng cùng chư Ni đọc Chơn lý của đức Tổ sư, sau đó Ni trưởng khai triển, dẫn chứng những câu chuyện làm sáng tỏ ý Tổ. Nhờ thế đại chúng hiểu được những ẩn ý cao siêu của Tổ sư, vì hàng sơ cơ như chúng con chưa thể 1, 2 lần đọc qua Chơn lý mà hiểu được.

NT. Cảnh Liên là hàng Giáo phẩm trong Ni giới Giáo đoàn, với tâm huyết của một bậc trưởng thượng, mặc dù tuổi cao, sức khỏe kém, Ni trưởng luôn quan tâm đến Hạ trường, thường xuyên tới lui thăm viếng, dạy dỗ, sách tấn chư Ni. Ni trưởng là bóng mát cho chư Ni trong Giáo đoàn, vì vậy sự hiện diện của Ni trưởng nơi Hạ trường khiến chúng con cảm thấy gần gũi, yên ổn như người mẹ chỉ cần ở bên là đàn con cảm thấy yên tâm rồi. Ni trưởng luôn nhắc nhở chư Ni phải cố gắng tu tập văn, tư, tu, để tâm cảnh giác nghiệp lực của mình, nên tập cho mình có những thói quen tốt, an trú trong Chánh pháp để tích trữ dần dần phước đức mới vuông tròn chánh quả. Điều cần nhất là phải tu tập Tứ niệm xứ để chuyển hóa các món căn bản phiền não và bước dần lên quả Thánh.

SC. Hòa Liên: Là một vị Ni cần phải biết rõ lịch sử của các vị Thánh Ni - Đại đệ tử thời đức Phật, thế nên, Sư cô Hòa Liên đã đến với Hạ trường nhiều buổi trình bày tập “Trưởng lão Ni kệ” để chư hành giả hiểu được cuộc đời và đạo hạnh cao quý của chư vị Thánh Ni. Sư cô trình bày rất chi tiết về quá trình thành lập Ni đoàn, tấm gương sáng về công hạnh tu tập, sự hy sinh và trí tuệ trong việc hướng dẫn Ni chúng tu học của Di mẫu Kiều-đàm-di, đồng thời bày tỏ lòng tri ân của Ni chúng đối với vị Tổ của chư Ni. Cũng nhân mùa An cư này, đại chúng được học và hiểu nhiều hơn về cuộc đời và đạo nghiệp của chư vị Thánh Ni thời kỳ đầu đã để lại nhiều bài học cao quý cho hàng hậu học.

Cũng như những năm trước, chúng con được cung đón Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Gia Lai quang lâm. Vì lòng thương tưởng Ni giới chúng con quý Ngài đã đến thăm viếng khuyến tấn chư hành giả tinh tấn tu tập, vì đây là thời điểm tốt nhất để nuôi lớn giới thân huệ mạng của mỗi người con Phật.

Đặc biệt năm nay đủ duyên chúng con được cung đón Phân ban Ni giới Trung ương do Ni trưởng Tố Liên - Ủy viên Phân ban Ni giới Trung ương đã hướng dẫn quý Ni sư, quý Sư cô cùng nam nữ Phật tử đến viếng thăm và cúng dường trường Hạ. Được sự ủy thác của Ni trưởng Trưởng đoàn, Ni sư Tịnh Nghiêm - Ủy viên Thường trực Phân ban Ni giới Trung ương đọc bức “tâm thư” của Ni trưởng Trưởng Phân ban Ni giới Trung ương và chia sẻ những trăn trở, tâm huyết của quý Ni trưởng trong Phân ban đối với hàng Ni giới. Sau đó Ni sư Tuyết Liên – Phó Phân ban Ni giới tỉnh Tiền Giang, thay lời Ni trưởng Trưởng đoàn có lời khuyến tấn đến hội chúng. Ni sư đã trích dẫn những lời dạy của đức Tổ sư trong Chơn lý nhằm nhắn nhủ chư hành giả rằng chúng ta hiện đang là những mầm xanh của Giáo hội hãy nỗ lực tu tập để mầm xanh ấy được phát triển lớn mạnh. Và một ngày nào đó, thay thế chư Tôn đức nghiêng vai gánh đạo vào đời, làm rạng danh Thầy Tổ, đạo pháp được xương minh.

Ha NgocTrung 3

3. Về tinh thần tu học

Qua ba tháng khép mình trong khuôn khổ giới luật, tinh tấn tu tập, niềm an lạc hạnh phúc đã trở thành chất liệu nuôi lớn tâm mỗi hành giả. Bởi ba tháng An cư chính là thời điểm hành giả rèn luyện “cái ý” cho thuần thục, khoác cho nó chiếc áo yên tĩnh vắng lặng, bồi dưỡng cho nó sữa pháp Giới Định Huệ. Như vậy mỗi năm chúng ta thực hành nghiêm mật hơn, tâm hành giả sẽ lớn mạnh và vững chãi hơn trong Chánh pháp.