Báo cáo trường hạ TX. Ngọc Viên PL.2560

An cư kiết hạ là điều kiện rất cần thiết cho người xuất gia phạm hạnh. Vì thời gian này, các vị chuyên nhất hơn cho việcthúc liễm thân tâm, trau dồi đạo hạnh,đẩy lùi các ác, bất thiện pháp theo như lời dạy của đức Thế Tôn qua Tiểu Bộ kinh: “Này các Tỳ-kheo, hãy cương quyết đứng lên! Hãy tinh tấn tự tạo cho mình một thành trì kiên cố để bảo vệ an toàn vương quốc của chính ta (tâm); chớ để tử thần rình rập theo dõi tìm thấy khuyết điểm trong từng sát-na bằng lối sống  buông lung phóng túng, chắc chắn nó sẵn sàng ra tay lôi ta vào cõi chết, làm cho ta không biết đâu là đường chánh nẻo tà và mãi khống chế lấy đời ta.” 

Vâng lời Phật dạy và nối tiếp chí nguyện của đức Tổ sư Minh Đăng Quang: “Sống chung tu học”, chư Tăng Ni giáo đoàn I nói riêng và Hệ phái Khất sĩ nói chung đã thực hiện trọn vẹn pháp An cư trong ba tháng. Tổ đình Tịnh xá Ngọc Viên là điểm An cư cho 94 vị hành giả (54 vị Tăng và 40 Ni).

ACNV2

Chương trình sinh hoạt thiết lập xuyên suốt một ngày bắt đầu từ 3g30 và kết thúc lúc 22g00, gồm có: Thiền hành 4 thời, thiền toạ 4 thời, học pháp 2 thời, độ ngọ theo truyền thống Hệ phái. Vào ngày Chủ Nhật hàng tuần, chư Tăng Ni kiểm thảo và học luật Tỳ-kheo. Mỗi ngày, chư Ni tham gia tu học cùng với đại chúng Tăng từ 7g00 sáng đến 17g00 chiều, và sau đó trở về Tịnh xá Ngọc Chơn (Tân Hoà, Vĩnh Long) tiếp tục tu học theo thời khoá đã ấn định.

1. Pháp học

Nhằm hỗ trợ cho chư hành giả thành tựu về giới hạnh, tâm định và tri kiến, chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội PGVN, HPKS và chư Tôn đức Giáo thọ đã quang lâm viếng thăm và sách tấn trong suốt mùa An cư kiết Hạ.

Về phía Giáo hội, gồm có: HT. Thích Trí Quảng – Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN; TT. Thích Thọ Lạc – Ủy viên Thường trực HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng ban Thường trực ban Văn hóa Trung ương; TT. Thích Minh Đạo - Uỷ viên Ban Hoằng pháp Trung ương, Trưởng ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Vĩnh Long.

Còn về Hệ phái: HT. Giác Toàn – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN; HT. Giác Hà - Phó Trưởng ban Từ thiện Trung ương, Phó ban Trị sự GHPGVN TP.HCM; HT. Giác Pháp –Ủy viên HĐTS, Phó Trưởng ban Nghi lễ TƯ, Chánh Thư ký Hệ phái; TT. Giác Nhân – Ủy viên HĐTS, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Tiền Giang, Phó Thư ký Hệ phái; ĐĐ. Giác Hoàng – Ủy viên HĐTS, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Học viện PGVN TP. HCM, Phó ban Thư ký Hệ phái.

Và chư Tôn đức trực thuộc Giáo đoàn: HT. Giác Giới – Ủy viên Thường trực HĐTS kiêm Phó Trưởng ban Tăng sự T.Ư. GHPGVN, Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái; TT. Giác Tây – Trưởng BTS GHPGVN huyện Gò Công Tây tỉnh Tiền Giang; TT. Giác Nguyên – Phó BTS GHPGVN tỉnh Long An; TT. Giác Minh – Trưởng Ban Trị sự GHPGVN huyện Châu Phú tỉnh An Giang; TT. Giác Hy – Chánh thư ký Giáo đoàn I; ĐĐ. Giác Tín – Uỷ viên BTS GHPGVN tỉnh An Giang; ĐĐ. Giác Thuần – Uỷ viên Ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Vĩnh Long; ĐĐ. Giác Cương – Trụ trì Tịnh xá Ngọc Chánh TP. HCM; ĐĐ. Minh Chơn – Uỷ viên Ban Hoằng pháp Giáo đoàn I.

Với nội dung giảng dạy đa dạng, phong phú và nhiều kinh nghiệm trong giáo pháp, chư Tôn đức đã hướng dẫn cho chư Tăng, Ni thông qua những bài kinh trong Trường Bộ, Trung Bộ, Tăng Chi, Tương Ưng, A Hàm, Pháp Hoa, các bộ luận của chư vị Tổ sư, và Chơn lý của đức Tổ sư Minh Đăng Quang. Và để hiểu rõ về quy tắc khai, giá, trì, phạm nhằm trang nghiêm cho tự thân, cũng như làm lợi ích cho Tăng đoàn, chúng Tăng còn được học về Luật Tứ Phần.

Ngoài việc thọ học bằng ngôn thuyết mang đầy chất liệu thanh cao, hướng thượng trên giảng đường, đại chúng hành giả còn được học tậpqua thân hành trang nghiêm, đỉnh đạc từ chư Tôn đức.

2. Pháp hành

Theo thời khoá sinh hoạt, Hoà thượng Trụ trì hướng dẫn đại chúng trải nghiệm thực tế qua những giây phút thực tập lắng tâm ghi nhận niềm hỷ lạc cũng như cảm giác bất an. Thiền hành để huấn luyện oai nghi vững chãi, thảnh thơi trong lúc đi và quán niệm từng giai đoạn sinh khởi, chấm dứt một chu trình qua từng bước chân tỉnh thức, “Khi bước tới bước lui, biết rõ việc mình đang làm”.

Giờ thiền toạ, chư hành giả ngồi trong tư thế vững vàng, an trú chánh niệm trước mặt và bắt đầu thực tập hít vào, thở ra ngắn dài, sâu cạn hay toàn bộ quá trình hít thở bằng tâm tỉnh giác. Khi tiến sâu hơn trong quá trình thực tập là quán về thân ngũ uẩn để nhận biết rõ ràng chúng không có tính chất cố định mà viễn ly, không chấp thủ. Mỗi hành giả nỗ lực tùy theo trình độ, căn cơ, duyên nghiệp khác nhau vượt qua 5 trở ngại lớn khi hành thiền để mang lại kết quả thù thắng nhất.

Lãnh cơm độ ngọ, đại chúng Tăng, Ni tái hiện lại hình ảnh Phật Tăng xưa qua hạnh trì bình nhận lãnh thức ăn, vật uống do tín chủ phát tâm trong sạch cúng dường. Chính dung nghi thanh thoát của hội chúng đã làm niềm tin của thiện tín được kiên cố và tăng trưởng hơn.

Sau khi lãnh cơm, chư Tăng, Ni hành giả chánh niệm dò xét phẩm hạnh của người tu có đủ phước nhận lãnh món ăn của đàn việt dâng cúng, từ đó khuyến nhắc bản thân nên kiên trì, nỗ lực tu tập cho thấu đạt lý chân báo đáp ân nặng cho trọn vẹn.

Giờ kiểm điểm,chư hành giả tự phát lồ hay nhờ các vị đồng tu chỉ dùm chỗ sai phạm do vô tình hoặc cố ý mà tạo nên từ ba nghiệp chưa được chọn lành. Sau khi lắng nghe và tỏ tường mọi việc, Hoà thượng hướng dẫn chi tiết để hành giả thấy được sự nguy hiểm trong các lỗi mà phát lồ sám hối trước đại chúng, và thực hiện chỉnh chu hơn từng lời nói, việc lành, ý nghĩ để không hối tiếc về sau.

3. Sinh hoạt

Ngoài việc chuyên cần thực hành pháp Phật, chư hành giả còn hướng tâm phục vụ đại chúng qua những giờ lao tác, công quả nhằm trang nghiêm ngôi đạo tràng để mọi người sanh tâm hoan hỷ.

Và chư hành giả còn tiếp đón các phái đoàn từ các nơi do chư Tôn đức hướng dẫn Phật tử đến viếng thăm và cúng dường trường Hạ, hỗ trợ về mặt tứ sự để chúng Tăng an tâm tu học. Ngoài ra, hàng cư sĩ bạch y tín tâm đến nấu thức ăn cúng dường hộ bát hàng ngày.

Để đảm bảo sức khoẻ, y bác sĩ Phật tử quan tâm, thăm khám định kỳ để việc học tu của Tăng chúng được hiệu quả hơn.

Việc học tu cũng như sinh hoạt thường nhật của chư vị hành giả đều cố gắng y như lời Phật, Tổ, Thầy chỉ dạy, phải có chánh niệm, tỉnh giác, phòng hộ, thu thúc, tiết chế,… để ngăn ngừa phiền não, nhiễm ô xâm chiếm ngự trị và chi phối làm cho trí tuệ lu mờ.

Tóm lại, ba tháng An cư hỗ trợ cho việc tu học của người xuất gia về nhiều mặt, từ oai nghi tế hạnh đến giới luật, thiền định, trí tuệ. Nhưng muốn thành tựu như ý nguyện, chư hành giả không chỉ thoả mãn và dừng lại ở đây, vì ba tháng chỉ là khoảng thời gian rất ngắn so với lộ trình giác ngộ, giải thoát dài vô tận phía trước. Chúng ta phải tiếp tục nỗ lực tu tập không ngừng vì vô thường, phiền não, khổ sầu vẫn còn đeo bám, đầy nguy hiểm, ví như tội nhân sợ hãi, bất an đứng trước cửa tử, như trongkinh Tăng Chi, đức Phật dạy: Này các Tỳ-kheo, cần phải quán sự khổ do vô thường: Tỳ-kheo muốn thấy rõ khổ do vô thường thì phải quán: sự hiểm nguy sẽ chờ đợi ta vì lúc nào thân tâm còn lười biếng, thụ động, sống buông lung phóng túng; càng ham ăn mê ngủ, lười nhác, thụ động, không khác nào lưỡi gươm bén nhọn đang chờ đợi tên đao phủ rút gươm ra trong phút giây hành quyết tội nhân !”