Bảy pháp cần phải tránh

Nếu chúng ta muốn sống một đời sống thế tục, vui hưởng những thú vui trần thế và sau khi chết được sinh vào lạc cảnh thì chúng ta phải tránh làm 7 điều sau đây và có đức tin không thối chuyển vào Tam Bảo. Bảy pháp cần phải tránh là:

1- Chúng ta không muốn bị người khác giết hại. Người khác cũng vậy, họ không muốn ai giết hại họ. Vậy hãy tránh xa sự giết hại chúng sanh.

2- Chúng ta không muốn của cải tài sản của mình bị lấy cắp hay bị dùng vũ lực tước đoạt. Những người khác cũng vậy, họ không muốn tài sản của họ bị lấy cắp hay bị dùng vũ lực tước đoạt. Vậy hãy tránh xa sự lấy cắp hay dùng vũ lực tước đoạt của cải của kẻ khác.

3- Chúng ta không muốn người khác xâm phạm tiết hạnh vợ con, chị em và phụ nữ thân yêu của chúng ta. Người khác cũng vậy, họ cũng không muốn ai xâm phạm tiết hạnh vợ con, chị em và phụ nữ thân yêu của họ. Do đó, hãy tránh xa sự xâm phạm tiết hạnh của kẻ khác.

4- Chúng ta không muốn bị ai dối gạt. Người khác cũng vậy. Bởi thế hãy tránh xa sự nói lời không thật làm tổn hại đến lợi ích của kẻ khác.

5- Chúng ta không muốn ai nói lời nói xấu xa gây chia rẽ. Người khác cũng vậy. Bởi thế, hãy tránh nói lời nói xấu xa gây chia rẽ.

6- Chúng ta không muốn nghe lời thô lỗ cộc cằn. Người khác cũng vậy. Bởi thế, hãy tránh nói lời thô lỗ cộc cằn.

7- Chúng ta không muốn nghe những lời nói vô ích, làm mất thời giờ quý báu của chúng ta. Người khác cũng vậy. Bởi thế, hãy tránh xa sự nói lời nói vô ích, làm mất thì giờ kẻ khác.

Sau khi Đức Phật giảng dạy 7 pháp trên, Ngài dạy họ phải có đức tin vững chắc vào Tam Bảo, nghĩa là có đức tin vào Phật, Pháp, Tăng.

 

im lang hung trang

Chúng ta nên xem gương nầy mà răn mình. Đừng nói những việc không nên nói, hãy im lặng trong trường hợp nên im lặng, dầu biết rằng, điều mình sắp nói ra là đúng. Cho dù mình nói hơn người, nói đúng sự thật mà không hợp thời thì lời nói ấy cũng trở thành vô ích. Như chúng ta thấy rùa nói sự thật nhưng không hợp thời nên bị hại. Có câu phương ngôn Bắc phạn dạy: “Im lặng còn hơn là nói không hợp thời”.

Lời nói chân thật: Lời nói chân thật tuy rất nhiều nhưng gom lại chỉ có hai. Một là ta làm điều nào nói điều ấy, không ngại rằng, lời nói thật ấy có thể tai hại đến ta, vậy là ta đã không nói dối. Hai là nói lời chân thật còn có nghĩa là nói pháp Tứ diệu đế. Đức Thế Tôn có dạy: “Có một sự thật ở đời mà không mấy ai nhận thấy, đấy là: Đời đầy đau khổ, nào già, nào bệnh, nào chết; chúng sanh ở trong những cảnh già, bệnh và chết mà không nhận ra rằng mình sẽ già, sẽ bệnh, sẽ chết; trái lại cứ tìm phương thế che đậy cái già, tưởng mình sẽ không bệnh, không chết để sống đời dể duôi, xem thường, phóng túng trong lạc thú ngũ dục để tử thần và trầm luân đau khổ lôi kéo vào tứ ác đạo”. Chúng sanh chìm đắm trong khổ não mà đa số không nhận chân ra sự thật, đúng như lời dạy của đức Thế Tôn. Đức Phật thuyết tám vạn bốn ngàn pháp môn, toàn là lời chân thật, tức là chân lý; cho đến ngày nay vẫn còn giá trị nguyên vẹn; và đã có rất nhiều các bậc học thức uyên thâm quan tâm khảo cứu để học hỏi và thực hành theo, quả đúng như đức Thế Tôn đã dạy: “Saccvāmattavācā: Lời nói chân thật là lời nói bất diệt”. Lời chân thật đem đến cho ta những hạnh phúc là:

1- Lời nói chân thật thuộc về thập thiện, nguyên nhân sanh phước.

2- Lời nói chân thật là đại phúc khiến con người được an vui trong kiếp nầy và vị lai.

3- Lời nói chân thật sẽ đem đến lợi lộc, quyền chức, giàu sang, quyến thuộc và bạn lành.

4- Lời nói chân thật làm cho người gần gũi bên ta, thân cận với ta, đều tin tưởng nơi ta.

5- Lời nói chân thật làm cho người hạnh phúc từ bậc thấp là người, trời đến bậc cao là Niết-bàn.

6- Lời nói chân thật đem lại cho người tất cả các sự hạnh phúc mà người ước mong.

7- Người hành theo lời chân thật là người đi theo đường của chư Phật.

Lời nói dịu ngọt: Lời nói dịu ngọt là lời nói không thô lỗ, cộc cằn, không làm cho người nghe xốn tai, khó chịu. Có hạng người nham hiểm, tuy họ không mắng chửi, không nói lời cộc cằn, thô lỗ mà lại nói lời rất dịu dàng, nghe như mật ngọt, mà ý nghĩa lại mỉa mai, cay độc làm nhức óc người nghe. Lời nói như thế ấy không được gọi là lời nói dịu ngọt. Bao giờ lời nói dịu ngọt, êm ái, mà ý nghĩa lời nói không làm cho người nghe phải khó chịu, khổ đau, lời nói ấy mới đúng là nội dung của Sahacavācā. Trên đời này không ai ưa nghe lời thô bỉ, chẳng ai ưa bị mắng nhiếc và bị chọc tức. Lời nói thô bỉ, mắng nhiếc sẽ có ảnh hưởng tai hại đến người nói như tích chuyện sau:

Tại xứ Takkasilā, một thầy Bà-la-môn có một con bò đực tên Nandavivāla, thầy thương như con. Bò lớn lên có sức mạnh vạm vỡ. Một hôm thầy Bà-la-môn cá cược với một người giàu có, với số tiền là một ngàn đồng tiền vàng, ông trưởng giả kia ưng thuận. Bắt ách con bò xong, thầy Bà-la-môn mới hét to lên: “Con bò chết bầm, hãy kéo đi”. Bò Nandavivāla nghe lời nguyền rủa thô bỉ ấy cảm thấy khó chịu, bất mãn, không chịu kéo xe để ông chủ thua cá độ cho bỏ tức. Thầy Bà-la-môn thua cuộc, về nhà buồn rầu, xót của, khuôn mặt dàu dàu. Thầy Bà-la-môn suy nghĩ lại thấy mình sai, đến nói lời ngọt ngào xin lỗi con bò, và thầy cá cược lần thứ hai. Bắt ách xong, thầy vuốt ve bò Nandavivāla và nói rằng: “Con ơi, con ráng kéo xe cho cha, không thì khổ cho cha lắm”. Bò nghe lời dịu ngọt như thế, phấn khởi trong lòng kéo trăm cỗ xe đi dễ dàng. Thầy Bà-la-môn thắng cuộc, lấy lại cả vốn lẫn lời. Đức Thế Tôn nhắc xong tích nầy rồi cho biết bò Nandivivāla là tiền thân của Ngài. Rồi Ngài nói với đại ý là những lời nhiếc mắng, chửi rủa, nhục mạ, thô bỉ thì không một ai ưa thích. Rồi Ngài đọc lên một câu kệ ngôn với nghĩa là: “Bao giờ ta cũng nên nói lời cho người khác vừa lòng, không nên nói lời làm phật lòng thiên hạ. Khi thầy Bà-la-môn nói dịu ngọt vừa lòng con bò Nandavivāla, nó liền kéo nổi xe nặng giúp thầy thắng cá độ”. Như vậy, loài thú, nó còn không ưa thích lời thô bỉ cộc cằn huống chi là con người; vậy ta không nên dùng lời thô bỉ với bất cứ ai, ta nên dùng lời dịu ngọt. Lắm lúc có người sẵn sàng giúp ích cho ta mà khi nghe ta nói lời không vừa lòng họ, họ liền đổi ý, từ chối hẳn.

Lời nói lợi ích: Lời nói lợi ích trái với lời nói vô ích. Lời nói vô ích chỉ làm mất thời giờ mà không lợi lộc cho ai, còn lời nói lợi ích là lời nói đem lại sự an vui cho người trong hiện tại và vị lai mà không hại kẻ khác, không hại mình.

Lời nói có năng lượng của tâm từ: Lời nói có năng lượng từ tâm là lời nói dịu dàng, mát mẻ, đã không ngụ ý biếm nhẽ, xuyên tạc lại còn thể hiện được tấm lòng không thù nghịch, oán ghét, cũng không vì tư lợi. Lời nói ngay thật phải có đủ tác ý lành, nội dung nói lành, hợp hoàn cảnh, còn phải vừa với trình độ và tâm lý của người nghe. Tuy nhiên, đôi lúc, lời nói có tác ý lành, có nội dung lành và hợp hoàn cảnh, đã không vừa lòng với người nghe, mà còn có thể bị hiểu lầm, bị xuyên tạc và có thể gây oán chuốc hờn, thì đây đúng là do oan cừu nghiệp báo đã có sẵn từ trước. Vậy, chúng ta là Phật tử chân chánh nên học theo năm điều đức Phật dạy để tránh oan trái oán thù, mặc dầu không hoàn toàn tránh khỏi hết được nhưng cũng giảm đi rất nhiều. Lời nói thuộc về khẩu nghiệp là do nơi tác ý, vậy trước khi nói ta nên để ý đến sự khởi tâm của ta đã, nó tốt hay xấu, lợi hay hại. Bấy lâu nay vì tham ăn, tham mặc tham chỗ ở, tham tiền tài danh vọng, sắc đẹp tình ái, nên con người quá lạm dụng ngôn ngữ, văn tự. Muốn cho thoả lòng được việc, ta dùng lời nói điêu ngoa xảo trá, vu oan, vu cáo, cộc cằn thô lỗ, chửi rủa, mắng nhiếc, ác ngữ hại người. Trau chuốt dua nịnh, miệng lưỡi hỗn xược, đâm thọc, gây tranh cãi hơn thua, tạo nghiệp không dứt, để rồi gặt hái quả khổ về mình.

Không nói dối: Theo chú giải thì tội nói dối không chỉ do khẩu mà phải tính luôn khi thân, tay, chân ra dấu hiệu hoặc dùng thư từ để dối gạt người khác nữa. Ngoài ra, sau khi đã nói dối, người khác hỏi đến, do sợ tội nên tìm cách chối quanh, cũng không thoát khỏi tội nói dối; bằng thú nhận thì sợ bị hành phạt, cứ nín thinh, như vậy cũng phạm tội nói dối. Nói dối nếu hại ít người thì nhẹ tội, bằng hại nhiều người thì nặng tội. Nói dối là vọng ngữ, tức nói không thật, là điều mà mọi người dễ phạm phải. Nhiều khi nói không đúng sự thật, nói lời dối ngụy, mà vô tình không hay biết. Lời nói dối là đáng khinh đáng ghét, nhất là nói dối trắng trợn “Ba voi không được bát nước xáo”, hứa hảo, nuốt lời “Nói dối hay cùng”. Như tích truyện xưa “Cổ học tinh hoa”, có người nước Sở làm nghề bán mộc vừa bán giáo (dao). Ai hỏi mua mộc thì anh khoe rằng: “Mộc này thật chắc không gì đâm thủng” ai hỏi mua giáo thì anh ta khoe rằng: “Giáo này thật sắc, cái gì đâm cũng thủng”. Có người nghe nói bèn hỏi rằng: “Thế bây giờ lấy giáo của bác đâm vào mộc của bác thì thế nào?” Anh ta không đáp được, vì cái mối lợi mà thành ra nói dối.

Đức Phật dạy: “Các người tự giữ gìn lời nói, đừng nói dối, nói lời vô nghĩa, nên nói hợp thời hợp pháp. Những lời nói ngoài việc lợi ích cho người, dù là nói chơi cũng không nên nói”.

Aristote nói: “Những kẻ ngu nhất là những kẻ hay nói dối nhất”. Nhân gian có câu: “Cái lưỡi của đứa câm quí hơn cái lưỡi của đứa dối trá ”, “Hình phạt của kẻ nói dối láo là họ không bao giờ được tin dù khi họ nói thật ”.

HT. Thiện Hoa dạy: “Người ta ở đời, dù nói đùa chơi, cũng không được nói dối, vì lẽ nói dối mà người ta biết mặt, về sau có nói thật người ta cũng không tin. Nhất là người tu theo Phật giáo lại càng không nên nói dối, vì nói dối cho rằng mình chứng Thánh, hay đắc đạo thì tội lỗi càng to lớn. Bởi nói như thế sẽ phạm tội đại vọng ngữ”. Tội đại vọng ngữ sẽ đọa vào ba đường ác. Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên có kể câu chuyện năm vị Tỳ-kheo giả làm người tu hành đắc đạo. Họ đến một vùng đất lạ, cất một cái bụt cao, che phướng, che lộng, rồi một người lên ngồi nghiêm trang, mắt lim dim, còn bốn người kia đi vào làng kêu gọi mọi người đến xem có một vị tiên tu hành đắc đạo, nếu ai đến lễ lạy, cúng dường sẽ được nhiều phước báu. Cứ thế mà họ thay phiên nhau đi quảng cáo đồng bọn của mình để được cúng dường. Kiếp sau đó, vào thời Đức Phật còn tại thế, có bốn người khiêng kiệu và một người bảo vệ kiệu của Hoàng hậu Mạt Lợi phu nhân, đến nghe Phật thuyết pháp. Khi Hoàng hậu đi nghe pháp thì cởi bỏ vòng vàng, nữ trang để trong kiệu. Năm người phụ trách kiệu xe thì nằm ngủ, ăn trộm đến ăn cắp tất cả nữ trang của Hoàng hậu. Quân lính cho tra khảo đánh đập tàn nhẫn 5 người khiêng kiệu. Bà thỉnh ý Phật về nhân duyên gì mà có chuyện như thế. Đức Phật đáp rằng năm ông đó kiếp trước là năm thầy tu giả mạo, còn bà là một tín nữ sùng đạo, hết lòng cung kính cúng dường họ. Bây giờ họ phải làm lính khiêng kiệu cho bà để đền nợ trước. Nghe xong, Hoàng hậu vô cùng kinh hãi, sợ mang tội với thầy nên bảo tha và không cho họ khiêng kiệu nữa. Nhưng họ khóc lóc, quì lạy, năn nỉ: “Xin lệnh bà rủ lòng thương xót, cho chúng con tiếp tục hầu hạ lệnh bà. Chúng con hứa từ nay sẽ cẩn thận không bao giờ dám ngủ quên như thế”. Hoàng hậu thỉnh ý Phật thì đức Thế Tôn trả lời: “Nghiệp báo, họ trả nợ chưa dứt thì làm sao mà họ ra đi dễ dàng được”. Khi tâm điên đảo xấu xa, tàn ác muốn mưu hại người khác, tâm sẽ khiến cho miệng lưỡi dùng đủ mọi mánh khóe, hoặc ngọt ngào, hoặc hung dữ, hoặc dối trá thêu dệt, nói xấu người khác và có thể làm tan nát cả cuộc đời của con người. Trong một bối cảnh rộng lớn hơn, lời nói có thể làm tạo nên hiềm khích giữa các quốc gia hoặc cộng đồng nhơn loại, tạo nên sự tàn sát giữa quốc gia, nhà tan cửa nát, nhân loại điêu linh.

Sau đây là câu chuyện từ quyển quốc văn giáo khoa thư. Một người khách cưỡi ngựa qua một làng nọ, tiếng vó ngựa làm giật mình một con chó đang nằm ngủ bên đường. Con chó hoảng sợ sủa vang, người khách tức giận, bèn la lên “chó dại, chó dại” người đi đường tưởng thật bèn rượt theo đập chết con chó. Nguy hiểm thay! Chỉ vỏn vẹn mấy tiếng để vu cáo con chó mà có thể giết chết được con vật. Còn trong lịch sử, ta cũng thường thấy nhiều vị hôn quân nghe lời dèm xiểm của kẻ nịnh thần mà giết kẻ tôi trung. Về phương diện nhân sinh, khi người khác nhận ra những lời giả dối, lường gạt hại người, họ sẽ không còn tin tưởng, mà trái lại sẽ khinh miệt, ghê tởm và sợ hãi những người giả dối. Không còn ai muốn giao tiếp với người giả dối, và họ sẽ nhận nhiều đau khổ từ hậu quả của những việc mình làm. Tôn giáo coi nói dối là một tội lỗi, và là một giới cấm mà ta có thể thấy trong bất cứ tôn giáo nào, từ Phật giáo, đến Khổng giáo, Thiên Chúa giáo. Bởi vậy chư Thánh Nho nói rằng: “Khi nhơn tức khi tâm”, “Hoạch tội ư thiên, vô sở đảo dã”. Như khi ta nói dối, trước chưa dối với người, thì ta đã nói dối với lương tâm, tức là chơn tâm ta rồi. Nói dối là một tội lỗi, không phải đối với người mà đối với chính mình. Bất cứ cái gì xây đắp trên giả dối đều phải suy đồi. Sự dối trá không làm cho người nghe chán chường bằng chính người nói dối.

Con đường tu hành có nhiều giai đoạn, giai đoạn đầu tiên là Giới, có giữ Giới được mới có thể bước qua giai đoạn kế tiếp tức là Định, Huệ, Tri kiến và Giải thoát. Mà nếu ta không giữ Giới được thì mong gì tiến tới trên con đường tu hành, còn mong gì được giải thoát như Phật. Ngoài ra, nói dối có thể gây nên tội ác, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp. Mà đã gây nên tội tình thì lương tâm dày vò cắn rứt làm cho mình bị đau khổ triền miên.

Kinh Đại Tập ghi: “Thiệt Ngữ Đồng Tử hỏi Phật rằng: Thiệt là gì? Phật đáp: Thiệt có ba, là chẳng dối Phật, chẳng dối mình, chẳng dối chúng sanh. Lại hỏi thế nào là nói thiệt? Phật đáp: Chẳng nói nhiều, giữ gìn lời nói và chẳng nên nói lời thô. Ấy là thật ngữ”. “Bỏ vọng ngữ, được người đời hoặc thấy hoặc nghe, thảy đều tin kính, dù phải nghèo cùng không của cải cũng được tất cả người đời cúng dường như vua”

Trong tất cả loài người, người thật ngữ là ánh sáng rực rỡ, giống như ánh sáng mặt trăng rực rỡ hơn các vì sao. Trong các thứ ngọc, ngọc thiệt ngữ là quý hơn hết. Trong các thứ đèn, đèn thiệt ngữ là sáng hơn hết. Những kẻ giỏi dẫn đường đi trong ác đạo, kẻ dẫn đường thiệt ngữ là giỏi hơn hết. Tất cả vật thọ dụng trong đời, vật thiệt ngữ là hơn hết. Hết thảy các món thuốc trị bịnh, món thuốc thiệt ngữ là hay hơn hết. Trong tất cả các thế lực mạnh mẽ, thế lực thiệt ngữ là mạnh hơn hết. Trong các nơi nương về, nương về thiệt ngữ là hơn hết. Trong tất cả bạn bè trí thức, bạn thiệt ngữ là hơn hết. Nếu mọi người biết thu lấy của thiệt ngữ, thì trong thế gian không ai đọa vào cảnh nghèo nàn và tàn ác, được sánh ngang với các bậc trời. Như vậy, không vọng ngữ là phải tránh xa ác khẩu nghiệp bất thiện, không nói dối, mà luôn luôn nói lời chân thật.

Đức Phật dạy: “Ở đây, người giữ giới không nói lời giả dối. Người ấy nói lời chân thật, tận tâm sống chân thật, chắc chắn, đáng tin cẩn, không làm cho người khác hiểu sai sự thật. Giữa buổi họp hay giữa đám đông, trong giới thân bằng quyến thuộc hay ngoài xã hội, hoặc trước triều đình khi được gọi làm nhân chứng cho một việc gì, người ấy sẽ nói “tôi không biết “nếu thật sự không biết; và nếu biết, người ấy nói “tôi biết”. Người ấy nói “tôi không thấy gì “nếu thật sự không thấy, và nói “tôi thấy ”, nếu thật sự thấy. Như vậy người ấy không bao giờ nói lời giả dối vì lợi ích cho mình, vì lợi ích cho một người thân, hoặc vì bất cứ lợi ích nào” (Kinh Tăng Chi).

Thế gian ai cũng ưa người ăn ngay nói thật. Lời nói chơn chánh, chân thực, biểu hiện đức độ, sức mạnh nội tâm, đem đến sự tin tưởng, tin cậy, tín cẩn ngọt ngào và dễ mến giữa cuộc đời nầy. Những người chuyện có nói không, chuyện không nói có, bóp méo sự thật, xuyên tạc lẽ phải thường đem đến nhiều nguy hại, khổ đau và bóng tối cho trần gian biết là ngần nào.

Có lời nói dối đưa đến chém giết, hận thù. Có lời nói dối làm cho người tán gia, bại sản. Có lời nói dối phá vỡ bình yên, hạnh phúc của người khác. Có lời nói dối đưa kẻ khác đến tội tù, gia đình người ta phân ly tan nát. Có lời nói dối chận đứng sự tiến thân, danh vọng hoặc sự nghiệp của người khác. Có lời nói dối làm cho người ta tức uất ức thổ huyết mà chết. Có lời nói dối đưa đến ganh ghét, đố kỵ, tỵ hiềm. Có lời nói dối làm cho người thân, huynh đệ bạn bè suốt đời không nhìn mặt nhau. Có kệ rằng:

“Lời nói chẳng mất tiền mua

Tự tâm có sẵn, vốn xưa đầy bồ

Lìa xa dối vạy quanh co

Ngữ ngôn chân thật, thước đo đạo tràng”.

thankhauy

Lại nữa, lời nói chân thật phát sanh từ suy nghĩ chơn chánh (chánh tư duy), suy nghĩ chơn chánh phát xuất từ thấy biết chơn chánh (chánh tri kiến). Chánh kiến và chánh tư duy thuộc về tuệ phần, quan trọng nhất trong Bát chánh đạo, con đường đưa đến giác ngộ, giải thoát. Khi “nói dối mà chơi” nhiều quá, ta sẽ dần dần đánh mất sự đứng đắn, chững chạc cần thiết của một nhân cách trưởng thành, sẽ không còn ai tin cậy để giao phó những công việc quan trọng có tính mô phạm, giáo dục. Tốt nhất, có sao nói vậy, sự thật sao nói vậy, để tự rèn luyện phẩm chất đứng đắn, cao đẹp của con người.

Có nhiều loại nói dối: Nói dối vì đùa vui, nói dối với mục đích lừa phỉnh, nói dối để khoe khoang, nói dối vì sợ hãi khiếp nhược, nói dối để thu lợi bất chính, v.v…Tùy theo mục đích của nói dối mà tạo ra nghiệp tội nặng nhẹ khác nhau. Tuy nhiên, có những trường hợp nói dối với mục đích cứu khổ, độ sinh, giải cứu nguy nan tính mạng cho chúng sinh, cho người và vật thì mới không phạm tội.

A- Người hay nói dối không ác ý mà chỉ có tính đùa vui cũng gây ra nghiệp quả không tốt vì nó làm cho họ quen với thói xấu ấy, và làm cho người chung quanh không tin ở lời nói của họ nữa, dù đôi khi họ nói thật. Đức Phật có lời dạy rất sâu sắc về ngôn ngữ rất đáng để ta ghi nhớ “Nếu con biết chuyện đó có hại không đúng sự thật thì con đừng nói ra; còn nếu con biết chuyện đó có ích, nhưng không đúng sự thật, con không nên nói ra; nếu con biết chuyện đó có ích và đúng sự thật hãy đợi đúng thời điểm con hãy nói ra”.

Có câu chuyện kể về một anh chàng thích trêu đùa người khác để mua vui, anh nói dối làm nhiều người bị lừa. Một lần, hai lần rồi nhiều lần bị lừa làm người ta không tin những lời anh nói ra nữa. Cho đến một lần nhà bị cháy, anh kêu cứu nhưng mọi người cho rằng anh lại nói đùa và không ai đến cứu, kết quả là ngôi nhà anh cháy ra tro. Đó là cái quả báo của lời tà khẩu trong kiếp nhân sinh của hiện tại ngay trong đời nầy. Người hay nói dối dù chỉ để đùa vui cũng tạo ra nghiệp ác, họ làm nhiều người không tin tưởng, dễ bị xếp vào hạng người lừa lọc, không đạo đức. Người đời thường xa lánh những người ăn nói không có nhân cách đúng đắn gây bất lợi cho cuộc sống bình thường.

B- Người nói dối vì sợ hãi khiếp nhược thường là người thiếu bản lĩnh. Những người như thế thường không có chí khí, thiếu nghị lực. Họ bị khuất phục trước uy quyền hoặc trước sức mạnh nên phải nói dối, nói không đúng sự thật gây ra nhiều tội lỗi cho mình và cho người khác như trường hợp bị người xấu ép khai khống hoặc vu khống đổ tội cho người khác. Trái lại, những người chiến sĩ chiến đấu vì chính nghĩa không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù nên không bao giờ khai sự thật những hoạt động của tổ chức của mình. Và nếu có khai thì khai không đúng sự thật, đó tuy cũng là nói dối, nhưng việc nói dối này là chính nghĩa đã cứu nguy cho biết bao tính mạng của đồng bào đồng chí. Sự nói dối này không có tội mà lại còn có phúc. Người hay nói dối vì sợ hãi khiếp nhược luôn tạo ra nghiệp ác, tự làm cho họ quen tính che giấu tội lỗi và không chịu sửa chữa, làm cho người chung quanh không tôn trọng và tin tưởng.

C- Người nói dối vì khoe khoang thường là kẻ ham danh, thích địa vị, thích mọi người nể phục mình, cho là mình thông minh, tài giỏi, hơn người. Nói dối vì khoe khoang xuất phát từ lòng tham (tham danh) là phạm vào điều thứ 4 (không nói dối) mà cũng phạm vào điều thứ 8 (tham lam) trong Hành Thập thiện. Khoe khoang tài giỏi ngoài đời để được tiếng thơm giả tạo cũng tạo ra nghiệp ác. Và theo kinh Phật nếu người theo Đạo mà nói dối mình đã thành Pháp sư, đã chứng quả Thánh, hay đã đắc đạo để cho mọi người kính phục, sùng bái mình thì lại càng mắc tội đại vọng ngữ và sẽ bị đọa vào ba đường ác.

D- Người nói dối vì vụ lợi thường là kẻ tham lam, thích tiền tài, ham làm giàu một cách không chính đáng, làm giàu không bằng sức lao động và tài năng trí óc của mình. Họ ham lợi, chỉ vì lợi nhuận mà mắc tội nói dối, tội lừa lọc. Nhẹ là tội buôn bán gian tham, cân điêu, nói thách. Nặng là tội kết bè kéo cánh lừa dối chiếm đoạt của cải của tập thể hoặc của công. Tội dối trá trong thanh quyết toán công trình, rút ruột công trình, tội lợi dụng lòng tin lừa lọc người ngay để chiếm đoạt tiền của đều là tội nặng. Tội nói dối lừa gạt chiếm đoạt tiền bạc, của cải của người khác đều xuất phát từ lòng tham cũng là một điều phạm vào nghiệp thứ 8 trong Hành Thập thiện nghiệp.

E- Trường hợp nói dối vì lợi ích cho chúng sinh, cứu khổ độ nguy là không mắc tội. Ví dụ trong trường hợp câu chuyện có nhóm thợ săn rượt đuổi con hươu chạy qua trước mặt một người đang ngồi thiền. Người đang ngồi thiền đó là một hành giả có chính pháp, ông đã đứng lên trả lời toán thợ săn: “Từ khi tôi đứng đây, tôi không thấy con hươu nào chạy qua”. Toán thợ săn đã bỏ đi không truy đuổi con hươu nữa. Vị hành giả đó không nói dối vì ông vừa mới đứng lên và từ lúc ông đứng lên ông không thấy con hươu nào chạy qua thật. Như vậy, ông đã cứu được một sinh mạng. Đó là cái trí của người tu hành theo chính pháp. Sự nói dối ấy cứu được một sinh mạng sẽ được hưởng phước cứu mạng mà không mắc tội nói dối.

Để giải trừ khẩu nghiệp đối với tất cả các loại hình nói dối trên đây, theo giáo lý đạo Phật, Đức Phật dạy nên thực hành theo chính pháp tức là theo chính ngữ cụ thể là để giải trừ khẩu nghiệp (tội do lời nói gây ra), hành giả phải thực hành Giới Định Tuệ. Giới là giới luật để ngăn trừ các tội đã được ngăn cấm. Định là lắng tâm định tĩnh, để suy xét xác định tâm và ý của mình khi nói. Tuệ là sự hiểu biết sáng suốt nhận định, nhận thức chính xác, để nói lên những lời, những điều nói đúng đạo lý đúng chánh pháp.

Vọng ngữ là nói dối trá, là một giới cấm đối với người Phật tử. Khi bước vào con đường học Phật, muốn trở thành Phật tử cần phải thọ tam quy ngũ giới. Tam quy là quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Ngũ giới là năm giới cấm trong đó giới cấm thứ tư là không nói dối. Người Phật tử thọ giới này thì không nên nói sai sự thật mà phải nói đúng sự thật. Đừng dựng đứng câu chuyện mà nói. Đừng đặt điều, thêm thắt khác xa với sự thật. Đừng nói vu oan, vu cáo để hại người, đưa người vào tù tội, hoặc sự thật ấy nói ra có thể gây oan trái, oán thù, gây ngộ nhận, bất mãn thì nên giữ im lặng tốt hơn. Lại còn có những sự thật có vẻ nhạt nhẽo, vô duyên, dung tục, phù phiếm thì cũng không nên nói làm gì?

Sống ở đời với công ăn việc làm, với phải trái, đục trong, phức tạp, người Phật tử khó giữ giới này cho trọn vẹn, nên có thể linh động chút ít. Nói dối để đùa vui, nói dối mà không hại mình, hại người thì có thể châm chước. Tuy nhiên, nếu thiếu tỉnh giác thì sự nói dối ấy có thể đưa đến thói quen nguy hại, trở thành “thường nghiệp” thì rất nguy hiểm!

Người xuất gia thì cần phải giữ giới này nghiêm túc hơn, vì rằng, tội nói dối sẽ bị trục xuất khỏi Tăng đoàn. Ví dụ mình chưa đắc pháp bậc cao nhơn mà nói rằng mình đã đắc pháp bậc cao nhơn! Đây là một trong bốn tội bất cộng trụ (không cho ở cùng với Tăng - Ni). Không nói dối theo nghĩa rộng của Tam quy Ngũ giới bao gồm không nói đúng sự thật, không nói lưỡi hai chiều, không nói lời độc ác và không nói lời thêu dệt. Theo nghĩa hẹp chỉ là nói dối, tức là nói không đúng với sự thật. Người nói dối để cứu người hay vật thì không phạm tội. Trong kinh có kể chuyện tiền thân Đức Phật là một vị sa môn, đang ngồi thiền trong rừng. Khi nhà vua và quân lính đi săn, đuổi theo con nai, đến chỗ Đức Phật thì mất dấu. Họ đến hỏi vị Tỳ-kheo: “Ông có thấy con nai chạy về hướng nào không?” Vị thầy tu lẳng lặng, không nói. Quân lính nổi giận la hét và lôi thầy tu đến trước mặt nhà vua. Vua lập lại câu hỏi trên thì thầy ấy đáp như sau: “Thưa Đại vương, tôi là kẻ tu hành, giữ gìn giới luật thì không được nói dối và cũng không được sát sanh. Nếu tôi nói không thấy là tôi nói dối, và phạm tội khi quân. Nếu tôi nói thật để Đại vương giết con nai thì tôi phạm giới sát sanh. Xin Đại vương tha thứ và cho tôi miễn trả lời câu hỏi này. Nếu Đại vương bắt tội thì tôi sẵn sàng chịu chết không thể nào trả lời cho Đại vương được”. Vua kính phục sa môn là bậc chơn tu, kính lạy và cúng dường rất hậu.

Lại nữa, lời nói chân thật phát sanh từ suy nghĩ chơn chánh (chánh tư duy), suy nghĩ chơn chánh phát xuất từ thấy biết chơn chánh (chánh tri kiến). Chánh kiến và chánh tư duy thuộc về tuệ phần, quan trọng nhất trong Bát chánh đạo, con đường đưa đến giác ngộ, giải thoát. Nói dối là một tội lỗi, không phải đối với người, mà đối với chính mình. Bất cứ cái gì xây đắp trên giả dối đều phải suy đồi. Sự dối trá không làm cho người nghe chán chường bằng chính người nói dối. Nếu không giữ giới mà Vọng ngữ thì tuyệt giống Chân Thật.

Tội lỗi gây ra bởi khẩu nghiệp sâu nặng không gì sánh bằng. Người tu hành nếu không dứt đoạn được khẩu nghiệp thời vĩnh viễn phải bị đọa vào đường ác, gánh chịu “khổ khẩu vô lượng” không có ngày ra khỏi. Cũng có trường hợp nói dối không hại người, mà nhiều khi nói dối có thể giúp người và được gọi là thiện nghiệp. Khẩu nghiệp có thể tốt hoặc xấu, tùy theo sự nói dối làm hại hay là làm lợi cho người. Những lời nói tốt đẹp dạy dỗ hướng dẫn người đời sống hợp theo đạo lý là một hành động đạo đức tốt đẹp và cao thượng và được coi như là thiện nghiệp. Những lời nói tốt đẹp hay xấu xa đều do nơi tâm của con người mà ra. Người ác tâm nói lên lời lẽ ác độc có hại cho người, nhưng nhiều khi lời nói ác độc trở thành thói quen và sẽ duy trì hoặc tạo thêm tánh ác. Do đó, con người muốn tu tâm sửa tánh trước phải cẩn thận lời ăn tiếng nói, đừng để lời nói của mình gây nên ác nghiệp. Phật giáo coi thân, khẩu, ý là ba trở ngại lớn trong con đường tu hành và khuyến khích người tu nên tịnh thân, tịnh khẩu, và tịnh ý. Muốn tịnh khẩu để tu hành con người phải quyết chí. Sau đó là tĩnh lặng. Tĩnh lặng là một trạng thái tự nhiên của mọi vật. Âm thanh là sự náo động, nhiễu loạn. Sự nhiễu loạn của tư tưởng và âm thanh làm tiêu hao khí lực của con người. Đạo giáo có dạy rằng “khẩu khai thần khí tán, thiệt động thị phi sanh”, nghĩa là mở miệng thì thần khí hao tán, lưỡi động thì sanh thị phi. Do đó tịnh khẩu nghiệp là một biện pháp bảo vệ khí lực, phục hồi sức khoẻ bản thân và làm cơ thể trở nên trẻ trung. Hơn nữa nếu ta muốn chứng nghiệm về Đạo để đi vào cốt lõi bên trong của sự sống thì không có cách nào tốt hơn là im lặng.

Đức Phật dạy những điều sau đây để hướng dẫn Phật tử về cách nhận xét một người qua lời nói của người đó. Người nào có 4 điểm dưới đây coi là người không chân chính:

1- Người nào nói xấu người khác ngay cả khi không ai hỏi. Nếu có dịp nói, người đó sẽ nói người khác trọn vẹn, với chi tiết mà không dè dặt.

2- Người nào không nói tốt cho ai, dù có người hỏi, đừng nói gì lúc không ai hỏi. Nếu phải nói người đó nói tốt một cách miễn cưỡng và sơ sài.

3- Người nào không nhận lỗi lầm của mình dù được hỏi đừng nói gì tới trường hợp không có ai hỏi. Khi phải nói, người đó nhận lỗi của mình một cách miễn cưỡng dè dặt và không rõ ràng.

4- Người nào nói tốt cho chính mình dù không được hỏi. Khi có dịp nói, người đó ca tụng chính mình đầy đủ không dè dặt. Vậy với bốn điều nầy, người đó được hiểu là người không chân chính.

Ngược lại:

1- Người nào không nói người khác, ngay cả khi không ai hỏi. Nếu có dịp nói người đó sẽ không nói.

2- Người nào luôn nói tốt cho mọi người dù không có người hỏi, nếu có ai hỏi, người đó nói tốt một cách thật lòng không ganh tỵ.

3- Người nào biết nhận lỗi của mình dù không được hỏi, khi phải hỏi người đó nhận lỗi của mình một cách chân thành và hối cải.

4- Người nào không nói tốt chính mình dù được hỏi. Khi có hỏi người đó nói sơ sài dè dặt về cái tốt của chính mình. Trong Luận Trí Độ, Bồ-tát Long Thọ dạy: “Lời nói thiệt, chẳng cần bố thí trì giới, hay học vấn đa văn gì cả mà chỉ tu thiệt ngữ vẫn được phước khôn lường”. Người học Phật cần phải cẩn trọng trong việc gieo nhân, nếu không chu tất thì kết quả sẽ thất thu và mang nợ về sau. Không nói dối, mà luôn luôn nói lời chân thật.

Thiền Sư Pannanada ở Thiền viện Pa-Auk (Miến Điện) nói: “Chúng ta thấy trên đời có một số người bị nghiệp hôi miệng, khi nói chuyện quí vị không thể đứng gần họ được vì mùi hôi. Đó là vì trong kiếp trước họ nói dối nhiều. Có một số người làm nghề bói toán coi số mệnh hoặc phán đoán chuyện tương lai, họ nói dối rất nhiều, họ mang nghiệp rất nặng, chết chắc chắn họ sẽ đọa địa ngục. chúng ta không nên tin họ. Tất cả mọi chuyện đều do nhân quả vận hành”.

Vọng ngữ có 10 tội:

1. Hơi miệng thúi hôi.

2. Các vị thiện thần tránh xa, ác quỷ dễ làm hại.

3. Dù có nói thiệt, người chẳng chịu tin.

4. Kẻ trí dư luận, thường chẳng tham dự.

5. Thường bị chê bai, tiếng tăm xấu xa đồn khắp thiên hạ.

6. Người chẳng kính trọng. Khi có việc sai khiến họ chẳng vâng theo.

7. Thường lắm lo buồn.

8. Trồng nghiệp nhơn chê bai

9. Thân hư mạng chết phải đọa địa ngục.

10. Nếu được sanh làm người, thường bị chê bai.

Không vọng ngữ, tức không nói lời giả dối sai quấy, không tạo khẩu nghiệp bất thiện, luôn nói lời chân chính và đồng thời trau dồi khẩu nghiệp thiện lành.

Trích sách "Tu cái miệng"