Bế mạc và tổng kết khóa tu Truyền thống Khất Sĩ lần thứ 24

Ngày 11/11/Đinh Dậu (nhằm ngày 28/12/2017) tại Tịnh xá Ngọc Nhơn xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận đã diễn ra Lễ Bế mạc khóa tu Truyền thống Khất sĩ lần thứ 24.

Chư Tôn đức Tăng cùng chư vị hành giả đã một lần nữa hành cước khất thực hoá duyên trên cây số 19, quốc lộ 1A. Được biết, khất thực là truyền thống, là pháp môn tối thắng của chư Phật ba đời. Chính vì thế, dưới sự chỉ đạo của Ban Tổ chức, trong ngày khai mạc và bế mạc của mỗi khoá tu, chư Tăng đều thực hành pháp khất thực để giữ gìn truyền thống, làm gương sáng cho hàng hậu học và gieo duyên lành cho hàng Phật tử.

Đến chứng minh và tham dự Lễ Bế mạc có sự hiện diện của chư Tôn Hòa thượng hàng giáo phẩm chứng minh, chư Tôn đức giáo phẩm hệ phái, chư Tôn đức lãnh đạo các giáo đoàn: Hòa thượng Giác Ngộ, thành viên HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm chứng minh Hệ phái, Đệ tam Chứng minh kiêm Phó Thiền chủ khóa tu; Hòa thượng Giác Giới, Phó Thư ký HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm chứng minh Hệ phái, Đệ tứ chứng minh kiêm Thiền chủ khóa tu; Hòa thượng Giác Hùng, Giáo phẩm Hệ phái, chứng minh Ban Trị sự Giáo đoàn III; Hòa thượng Giác Tuấn, Giáo phẩm Hệ phái, Trị sự trưởng Giáo đoàn VI, Phó ban tổ chức kiêm Hóa chủ khóa tu; Hòa thượng Giác Phùng, Phó ban Tri sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa, Giáo phẩm Hệ phái, Phó trị sự trưởng Giaó đoàn III, Trưởng ban giám thiền khóa tu; Hòa thượng Giác Minh, Giáo phẩm Hệ phái, Phó trị sự trưởng Giáo đoàn II, Trưởng ban Giám luật khóa tu; Hòa thượng Giác Cảnh, Phó ban Tri sự GHPGVN tỉnh Lâm Đồng, Giáo phẩm Hệ phái, Phó trị sự trưởng Giáo đoàn V.

Và hơn 110 vị hành giả cùng sự góp mặt của trên 200 Phật tử về tham dự.

Thượng tọa Giác Nhuận đã thay mặt Ban Thư ký báo cáo tổng kết khóa tu lần thứ 24.

Ngày 1 (04/11/Đinh Dậu - 21/12/2017):

Sáng: 08g45 Khai mạc

Chiều: 14g00: Hòa thượng Giác Giới khai thị tổng quát và giảng Kinh Đại Bát Niết Bàn trong Kinh Trường Bộ (Bảy pháp bất thối). Hòa thượng khuyến khích mọi người xuất gia tu tập cần phải có chánh tri kiến. Bởi chưa kiến tánh thì tu hành luống công vô ích. Hòa thượng đã liên hệ lời dạy của Đức Tổ sư trong quyển Học Chơn lý: người tu cần phải học và học cho thấu đạt chơn lý để không phí sự học. Sự học tu của người xuất gia đạt đến chỗ rốt ráo của đạo, thấu đạt chơn lý để tu tập giác ngộ và giải thoát.

Ngày 2 (05/11/Đinh Dậu-22/12/2017):

Sáng, 8g30 - 10g00 và chiều: 14g -15g30: Hòa thượng Giác Toàn giảng Chuyên đề: Phương pháp tu tập thiền định - bài 2: “Soi quán tỏ rõ về khổ đế - những cảm thọ và thân chứng”.

Qua đó, Hoà thượng khuyến khích đại chúng phải thấu rõ, thông suốt về Khổ đế. Ngài ví dụ như cầu 4 bậc, muốn lên đến bậc trên cùng thì phải bước lên bậc đầu tiên. Cũng vậy muốn thông đạt được Tứ Diệu Đế, thì đầu tiên  thân và tâm phải chứng nghiệm rõ biết như thật về Khổ đế, từ đây mới xác lập con đường tu tập thiền định. Trong đó nêu lên nhiều loại cảm thọ mà khởi đầu là do vô minh và do nhiều nhân duyên sinh ra tập khởi. Do vậy con đường Tu Thiền Định làm sao vắng lặng các cảm thọ và viễn ly các tầng bậc thấp của hỷ ưu để đạt các tầng bậc cao hơn.

Buổi chiều cùng ngày, Hoà thượng giảng tiếp các đoạn kinh Phật dạy như: soi quán, tỏ rõ về các cảm thọ, để được thân chứng và niềm vui thù thắng. Trong đó có niềm vui của định Sơ thiền, Nhị thiền, cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, càng lên càng thù thắng hơn.

Cuối ngày, Hoà thượng nêu lên bốn thú lạc mà Thế Tôn đã dạy đó là: lạc ly dục, lạc viễn ly, lạc tịch diệt và lạc Bồ đề làm cho đại chúng hoan hỷ để tiến tu.

Ngày 3 (06/11/Đinh Dậu - 23/12/2017):

Sáng: 9g00 - 10g00: Hòa thượng Giác Ngộ giảng: “Như Lai Thanh Tịnh Thiền”; chiều: 14g00 - 15g00: Pháp hành và kinh nghiệm tu tập.

Hòa thượng đã thuật lại nhân duyên của việc hội ngộ và thọ pháp với Đức Nhị Tổ Giác Chánh. Hòa thượng khẳng định pháp tu này do Đức Phật giảng dạy, đức Tổ sư nối truyền và ghi lại trong bộ Chơn Lý. Qua đó, Hòa thượng nói lên đường lối, tông chỉ của Tổ sư là Nối truyền chánh pháp của Phật Thích Ca qua con đường tu tập Giới-Định-Tuệ. Hòa thượng cảm xúc nhất là bài kệ Huệ mà Ngài hành trì khi gặp khó khăn hay lúc hành thiền thấy được sự vô thường, giả tạm của các pháp để quyết chí vượt qua những thử thách, chông gai trên bước đường tu học và hành đạo nhằm đạt thành chí nguyện xuất gia. Hòa thượng căn dặn đại chúng hãy luôn tinh tấn tu tập, lấy pháp làm thầy để không hối tiếc về sau.

Ngày 4 (7/11/Đinh Dậu - 24/12/2017):

Sáng: 9g00 - 10g00 và chiều: 14g00 -15g00: Hòa thượng Giác Giới giảng tiêp: “Bảy Pháp Bất Thối” trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Ngài nói:

Tăng là đệ tử của bốn ngôi, tám vị.

Tỳ kheo phải có chánh tri kiến.

Tỳ kheo nên có chánh quả hình thành và phát triển.

Chúng Tỳ kheo nên tập có giới và định để hỗ trợ việc học và tu tập.

Chúng Tỳ kheo không ban hành những luật lệ không được ban hành, cấm hủy bỏ những điều lệ đã được ban hành.

Tăng già hưng thịnh nhờ Tăng trẻ biết nghe theo lời dạy của mình.

Khi nào chúng Tỳ kheo cưỡng được và không bị chi phối bởi tham ái trong ba cõi thì hưng thịnh nghiệp.

Khi nào chúng Tỳ kheo ưa thích nơi nhàn tịnh thì sẽ được cường thịnh, không suy giảm.

Khi nào chúng Tỳ kheo tự an trú trong chánh niệm thì an lạc, khiến các bạn đồng tu chưa đến ở thì muốn đến ở, đến ở rồi thì sống an lạc.

Khi nào Tỳ kheo được dạy bảy pháp bất thối này thì chúng Tỳ kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

Chúng Tỳ kheo sẽ hưng thịnh, không bị suy giảm khi:

Chúng Tỳ kheo không ưa thích thế sự.

Chúng Tỳ kheo không ưa thích ngủ nghỉ.

Chúng Tỳ kheo không ưa thích quần tụ, không hoan hỷ quần tụ.

Chúng Tỳ kheo không bị chi phối bởi ác dục vọng.

Tứ quả sa môn, không dừng và tự mãn ở nửa chừng.

Không nên lấy luận giải làm chính mà nên lấy kinh làm chính, xem kinh để rèn luyện tu tập.

Ăn cơm có canh, tu hành có bạn thì dễ tinh tấn hơn.

Tứ quả sa môn:

Đệ nhất quả: Tu đà hườn

Đệ nhị quả: Tư đà hàm

Đệ tam quả: A na hàm

Đệ tứ quả: A la hán

Ngày 5 (mùng 8/11/Đinh Dậu - 25/12/2017):

Sáng: 9g00 - 10g00: Hòa thượng Giác Sơn giảng: “Ngừa bệnh và cách trị bệnh”. Hòa thượng trình bày kinh nghiệm trị bệnh thân qua việc thực dưỡng. Ngài cho rằng: cơ thể con người là một vũ trụ quan hết sức tinh tế cần phải khám phá, ứng dụng tu hành. Nếu biết quan tâm chăm sóc đến thân thể đúng mức thì chúng ta sẽ có được một cơ thể cường tráng, hết bệnh hoặc không bệnh. Vì theo kinh nghiệm Hòa thượng, khi thân thể suy yếu, bạc nhược, bệnh hoạn thì việc tu hành sẽ gặp nhiều trở ngại, khó mà thành tựu đạo quả. Điều thứ hai, người tu hành phải hiểu rõ luật nhân quả, không mê muội nhân quả, để rồi áp dụng tu hành cho có hiệu quả.

Cuối cùng, Hòa thượng khuyến khích chư Tăng tinh tấn tu tập thiền định trong Lục diệu pháp môn: Sổ, tùy, chỉ, quán, hoàn, tịnh để đạt được Chánh tri kiến, chứng nhập đạo quả.

Chiều: 14g00 - 15g00  Hòa thượng Giác Hùng và Hòa thượng Giác Minh (GĐ 2) giảng: “Pháp hành và kinh nghiệm tu tập bản thân”

Hòa thượng dạy: Sự tu hành có trải qua nhiều khó khăn, thử thách, gian truân mới trui rèn ý chí, nghị lực, thành tựu mục đích.“Có lửa nung mới biết đá vàng. Có ra trận mới biết ai là người thắng trận”. Ngài khuyên các hành giả phải nỗ lực tu tập, kham nhẫn với mọi khó khăn trở ngại ở mọi hoàn cảnh trên bước đường tu để không bị các ác bất thiện pháp chi phối. Nếu không thì:“Ô hô sự nghiệp tan tành, Lại thêm báo hại chúng sanh khổ sầu”. Hòa thượng cho rằng: Người tu hành phải nên học hỏi nhiều, học để biết, để tu cho đừng sai đường lạc lối. Nhưng người học đạo phải thường quán sát tâm mình, phải lái cái tâm không cho lệch đường bay về nẻo giác. Đừng vì sở học mà xem thường người khác, cứ nghĩ mình hơn, mình thắng mọi người. Phải luôn khắc ghi lời Đức Phật dạy: “Thắng ngàn vạn quân địch không bằng tự chiến thắng mình, tự chiến thắng mình là chiến công oanh liệt nhất”.

Thế nên, mỗi hành giả phải luôn hun đúc lý tưởng, hướng đến mục đích của người xuất gia để đạt thành sở nguyện. Có như thế mới không phụ chí xuất trần thượng sĩ và tiếp nối con đường mà đức Phật và đức Tổ sư cũng như quý đức Thầy để lại. 

Ngày 6 (9/11/Đinh Dậu - 26/12/2017):

Sáng: 9g00 - 10g00: Hòa thượng Giác Giới giảng: “Bốn Đại Giáo Pháp, Gương Chánh Pháp” trong Kinh Đại Bát Niết Bàn.

Ngài khẳng định: vị nào chưa liễu tri được sự “Khổ” trong Tứ Thánh Đế thì như kẻ bị bệnh mà chưa nắm được tình trạng bệnh lý của mình, chưa rõ được bệnh lý thì không thể chữa được. Nguyên nhân của bệnh “khổ” là do “ái”, dứt ái mới hết khổ. Ngài tỏ rõ về niềm tin nơi Phật, Pháp, Tăng, trong đó tin Phật là tin nơi mười công đức (10 danh hiệu của Phật), đó là điều kiện tiên quyết để kiến tánh thành tựu pháp nhãn. Hoà thượng nhắc nhở đại chúng phải siêng năng học tập kinh điển, truy tìm mối đạo, đừng xem nghe những chuyện mênh mông. Thời pháp chấm dứt bởi lời dạy của Đức Phật “Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật”.

Buổi chiều, Thượng toạ Giác Nhuận giới thiệu đến chư vị hành giả quyển “Những phương pháp căn bản cho khoá tu Giới Định Tuệ”. Về khoá tu truyền thống, Thượng Tọa còn nhiều thao thức, muốn gởi gắm đến chư Tôn đức và đại chúng như: Phương pháp căn bản cho khóa tu. Thượng tọa khẳng định: đường hướng tu tập thì đã được Hòa thượng Thiền chủ và chư Tôn đức vạch ra, chỉ dạy; nhưng những hướng dẫn cụ thể, chi tiết thì chưa được triển khai một cách đồng bộ. Theo Ngài, cần phải khiến cho mỗi hành giả khi tham dự khóa tu phải ý thức rõ về chủ trương, đường lối, những phương pháp thực hành căn bản của khóa tu để mỗi hành giả nói riêng, đại chúng nói chung đạt được mục đích cao khi đến với khóa tu. Có như vậy mới đáp ứng mong mỏi của Hòa thượng Thiền chủ và chư Tôn đức lãnh đạo Hệ phái đã dày công gây dựng khoá tu. Đồng thời không cô phụ ân đức cao dày, lòng thương yêu của chư tôn đức Ban tổ chức và sự kính tín hộ trì của cư sĩ. Thượng toạ nhắc nhở mỗi hành giả phải cố gắng dụng công tu tập để tự mình mang lại an lạc-hạnh phúc thực sự cho bản thân và chúng sinh.

Ngày 7 (10/11/Đinh Dậu - 27/12/2017):

Sáng: 8g30 - 10g00, Hòa thượng Giác Toàn giảng: “Thể hiện tính kế thừa qua phương châm: Nối truyền Thích Ca chánh pháp – Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”.

Ngài nói Tam bảo là Phật – Pháp - Tăng, ba ngôi báu luôn thường trụ ở đời, dù trẻ hay già, khoẻ hay bịnh, dù là bất cứ ở Quốc độ nào, niềm tịnh tín Tam bảo luôn là bất biến không di dịch. Chẳng những vậy, càng sống lâu trong đạo, càng rạng rỡ phong quang. Tam bảo luôn là bóng mát lớn, niềm an trú hạnh phúc thật sự cho người tu; đặc biệt là hành giả tu tập thiền định.

Khẳng định phương pháp tu tập thiền định căn bản, thực tiễn và thân chứng. Hành giả tu tập thiền định luôn kiên định, mài miệt trong sự hành trì. Không bỏ phí thời gian, không xa rời mục đích. Phương pháp tu tập mà nhận thức chính là định vị lộ trình. Những hành giả tu tập, luôn kiên nhẫn theo định hướng, nhất định một ngày sẽ đạt đến mục tiêu.

Soi quán, tỏ rõ nhân và quả của khổ đế và tập đế để đoạn tận gốc rễ sanh tử.

Soi quán tu tập đạo đế một cách bền vững, thực tiễn để đi đến thân chứng thành tựu, an trú diệt đế Niết bàn.

Chiều: 14g00 – 15g30: Hòa thượng Giác Ngộ, Hòa thượng Giác Giới, Hòa thượng Giác Toàn: chủ trì buổi pháp đàm đã giải đáp thắc mắc cho hành giả liên quan đến chủ trương, đường lối, tư tưởng và quan điểm của Tổ sư Minh Đăng Quang và hệ phái Khất sĩ.

BAN NGOẠI HỘ

Đạo tràng Tịnh xá Ngọc Nhơn được thành lập khang trang về hạng mục chánh điện, Trai đường, Tăng xá, tịnh cốc… nhờ công lao rất lớn của Thượng tọa Minh Nhơn, hiện là đương kim trụ trì. Với đầy đủ điều kiện như thế, nên chư Tôn đức Ban Trị sự Giáo đoàn VI tin tưởng giao trọng trách đăng cai khóa tu lần thứ 24 cho đạo tràng Tịnh xá Ngọc Nhơn. Trải qua nhiều năm mở rộng ngôi Tam bảo và kiến tạo các công trình, Thượng tọa Minh Nhơn đã đổ nhiều công sức, thời gian và tâm huyết để mang đến cho khóa tu được mọi điều kiện tốt đẹp nhất. Dưới sự lãnh đạo của chư Tôn đức giáo phẩm Giáo đoàn và lời kêu gọi của Thượng toạ trụ trì, chư thiện nam tín nữ nơi địa phương và các miền tịnh xá trong Giáo đoàn khắp các tỉnh thành đã đóng góp kẻ công người của phát tâm cúng dường để Ban tổ chức thuận lợi trong việc ngoại hộ.

Khi khóa tu diễn ra, trực tiếp lãnh đạo và điều hành Ban hộ khoá là Thượng tọa Giác Nhuận và Thượng tọa Minh Nhơn. Ngoài ra, chư Tăng và Phật tử trong Giáo đoàn VI đều tham gia phục vụ trong ban hộ khóa. Các khâu như sắp đặt chỗ ở, chỗ hành thiền, học pháp, thọ trai, ẩm thực v.v… đều được chu toàn.

Trong công tác phục vụ, Ban tổ chức đã chọn ra các vị Đại đức, Tỳ kheo, Sa di trong Giáo đoàn VI để hộ khoá nên mọi việc diễn ra tốt đẹp. Bên cạnh đó, chư Ni Tịnh xá Phước Hưng – Đồng Nai, Tịnh xá Ngọc Sanh – Bình Thuận và các nhóm Phật tử Tịnh xá Lộc Uyển, Tịnh xá Ngọc Nhơn, và một số các tịnh xá đã phát tâm công quả vô cùng tích cực trong suốt khóa tu này.

Các Tịnh xá phát tâm sớt bát cúng dường trong khóa tu: Tịnh xá Lộc Uyển, Tịnh thất Kỳ Viên - TP. HCM,  Tịnh xá Ngọc Chơn, Tịnh xá Ngọc Long – Bình Phước, Tịnh xá Ngọc Châu – Tân Châu, An Giang, Tịnh xá Ngọc Thành – Cần Thơ, Tịnh xá Trúc Lâm – Tây Ninh, Tịnh xá Ngọc Nhơn, Tịnh xá Ngọc Sanh – Bình Thuận, Tịnh xá Phước Hưng – Đồng Nai.

Ngoài ra còn có các miền Tịnh xá thuộc Giaó đoàn I: Tịnh xá Ngọc Viên – Vĩnh Long, Tịnh xá Ngọc Chánh – Q.Bình Thạnh, TP.HCM, Tịnh xá Ngọc Tường, Tịnh xá Ngọc Huệ - Tiền Giang, Tịnh xá Ngọc Trung, tịnh thất Bình Đẳng – Cần Thơ cũng đã phát tâm cúng dường hộ pháp.

Đặc biệt, còn có các y Bác sĩ Phật tử Tịnh xá Ngọc Nhơn – Bình Thuận, Tịnh xá Phước Hưng – Đồng Nai phát tâm khám chữa bệnh và cúng dường thuốc đến chư Tôn đức hành giả; Phật tử Tịnh xá Lộc Uyển, Tịnh xá Ngọc Nhơn và gia đình Phật tử Phương Ngọc, Hoa Ngọc cúng dường tứ vật dụng: mùng, mền, chiếu, gối, điểm tâm và thức uống cũng như tịnh tài trong suốt khoá tu.

NHN XÉT CHUNG

Trong khoá tu nhờ vào khung cảnh tĩnh lặng, không gian thoáng mát, rộng rãi và ban ngoại hộ phục vụ đầy đủ nên chư Tôn đức hành giả tu tập tinh tấn, an lạc trong từng phút giây chánh niệm. Nhờ việc thực hiện tốt nội quy nên mỗi hành giả ý thức chánh niệm tỉnh giác cao nên ít vi phạm lỗi lầm, kiểm thúc oai nghi trong đi, đứng, ngồi, nằm, ít nói năng xao động, ít tạo lỗi lầm nào nên giờ sám hối rất ít hành giả tác pháp sám hối. Đặc biệt, với những lời giảng dạy thâm sâu của Hòa thượng Thiền chủ, đại chúng được hiểu sâu sắc về ý nghĩa Bảy Pháp Bất Thối của Tăng già. Những lời chia sẻ kinh nghiệm tu hành mấy mươi năm của Ngài đã làm cho chư hành giả có cảm giác được trở về nguồn cội.

Bên cạnh những thuận lợi đó, khoá tu cũng gặp một vài trở ngại là do những ngày đầu chư hành giả còn bỡ ngỡ trong việc tập trung đông đảo và thời khoá vô cùng sát sao. Thời tiết tương đối lạnh nên vài vị bị cảm nhẹ.

PHƯƠNG HƯNG KHOÁ TU LẦN THỨ 25 NĂM 2018

Để tiếp tục cho sự ổn định và phát triển của hệ phái, cũng như nâng cao kinh nghiệm pháp hành cho chư Tăng, chư Tôn đức Giáo phẩm lãnh đạo Hệ phái tiếp tục khai mở các khoá tu truyền thống như 8 năm qua. Năm 2018 khoá tu sẽ được đăng cai tổ chức lần lượt qua Giáo đoàn II, Giáo đoàn III và Giáo đoàn I. Thời gian và địa điểm tổ chức khóa 25 sẽ được đại diện chư tôn đức Giáo đoàn … tuyên bố sau lễ bế mạc cũng như trong những phiên họp của Hệ phái và đăng trên trang web: daophatkhatsi.vn, Tập văn ĐUỐC SEN.

Đại diện 6 Giáo đoàn, Đại đức Minh Giải trực thuộc Giáo đoàn I đã nêu cảm tưởng của chư hành giả trong khóa tu.

Được sanh thân làm người là nhờ công ơn cha mẹ, được giới thân, huệ mạng là do công đức vô lượng của Tổ Thầy tạo nên.

Chúng con nhờ có túc duyên đời trước nên được làm người, được xuất gia trong giáo pháp của Đức Phật, lại được tu học theo Tông chỉ: “Nối truyền Thích Ca, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam” của đức Tổ sư Minh Đăng Quang. Tuy nhiên, do vì tập khí nhiều đời của mình cùng với những điều kiện khách quan tác động nên chúng con rất khó trở nên hoàn thiện được đức hạnh một người Khất Sĩ. Nhờ được tham dự Khoá tu Truyền thống của Hệ phái, được gần gũi chư Tôn Giáo phẩm chúng con như được tìm về với cội nguồn huyết thống tâm linh của mình cùng với công hạnh của một người Khất Sĩ chơn truyền.

Trong suốt khoá tu, nhìn giới hạnh trang nghiêm của Hoà thượng Thiền chủ và chư Tôn đức, chúng con cảm thấy quý Ngài là sự tiếp nối trọn vẹn suối nguồn diệu giác từ Tổ Thầy. Từ đó chúng con tăng trưởng thêm niềm tin vào mạng mạch của tông môn Khất Sĩ sẽ luân lưu mãi trong dòng chảy cuộc đời.

Bên cạnh đó, trong mỗi thời khoá thiền hành, thiền toạ đã giúp chúng con kiểm soát được thân tâm, làm cho thân và tâm trở về trong sự tỉnh giác mà bấy lâu nay chúng con đã để cho chìm đắm nơi biển sóng nghiệp thức lao xao, lặn hụp trong đại dương luân hồi vô tận.

Cứ đến mỗi buổi trưa, chúng con được theo quý Ngài để hành pháp trì bình khất thực nhằm thực hành lại đúng truyền thống của Phật Tăng xưa đã truyền thừa qua biết bao thế hệ. Chúng con hiểu rằng: giáo pháp như biển cả bao giờ cũng lài, cũng thấp nên nước của muôn sông đều xuôi nguồn về biển. Cũng vậy, pháp khất thực là một đức hạnh khiêm hạ khiến cho muôn điều tốt đẹp quy tụ về làm tô điểm hạnh người con Phật. Chính điều này đức hạnh chúng ta sẽ mỗi ngày một tăng trưởng và toả ngát khắp muôn phương.

Những bài học trong giờ thiền đàm đã giúp chúng con học hỏi được nhiều kinh nghiệm của chư Tôn đức về thiền định để thân tâm quy về một mối. Giờ học Chơn Lý đã giúp con hiểu rõ hơn về những lời dạy của đức Tổ sư. Đặc biệt, giờ sám hối chư Tôn đức đã soi sáng cho chúng con được thanh tịnh tiến bước trên lộ trình giải thoát.

Trong khoá tu, các huynh đệ thuộc sáu Giáo đoàn cùng trở về dưới mái đạo tràng để cùng tu học những phương pháp hành trì truyền thống của Hệ phái giúp chúng con thể hiện đúng tinh thần sống chung tu học. Và từ đây tình huynh đệ trong tông môn mỗi ngày thêm gắn kết.

Dòng thời gian cứ mãi cuốn trôi, khoá tu cũng đi đến ngày bế mạc. Mỗi huynh đệ sẽ trở về trú xứ các Giáo đoàn khác nhau nhưng trong tâm chúng con sẽ vẫn còn lan toả mãi hương vị tu tập. Gương đức hạnh của Hoà thượng Thiền chủ cùng chư Tôn đức sẽ mãi soi đường cho chúng con trên mọi nẻo đường tu học.

Phật tử Diệu Anh đã đại diện hàng Phật tử nội – ngoại hộ đọc cảm tưởng trong 7 ngày hộ trì khóa tu.

Dù có vạn lời ân nghĩa cũng không thể nào nói hết nỗi lòng tha thiết của hàng Phật tử chúng con. Chúng con chỉ biết đại diện huynh đệ kính dâng lên chư Tôn đức lòng tri ân sâu sắc và mong ước Khoá tu này trường tồn để chúng con làm chỗ nương tựa tâm linh giữa cõi đời.

Chúng con xin kính chúc chư Tôn Hoà thượng, Thượng toạ, chư Đại đức Tăng sư pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, đạo quả viên thành để mãi mãi là ánh nắng ban mai toả sáng thế gian và sưởi ấm tâm hồn chúng con giữa đêm dài sanh tử.

Chúng con sẽ mãi là những sân ga đón đợi đoàn tàu Du Tăng Khất Sĩ quang lâm tu tập và hành đạo trên khắp nẻo quê hương Việt Nam đất mẹ kính yêu này.

Hòa thượng Thiền chủ ban đạo từ. Hoà thượng nói lời ghi nhận báo cáo tổng kết khoá tu của Ban thư ký. Ngài tâm nguyện rằng để giáo pháp luôn luôn trường tồn, vĩnh cửu thì cần có sự vun đắp của chư vị xuất gia lẫn tại gia, ngoài ra phải có sự ủng hộ nhiệt tình từ các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi cho chúng ta tu học và phát triển Phật pháp. Hoà thượng nhắc lại ngày nào chư Tăng còn họp thường xuyên trong tinh thần đoàn kết thì chúng chúng Tỳ kheo còn hưng thịnh, chính vì lẽ đó mà chư Tôn đức lãnh đạo đã hội ý với nhau gây dựng lên các khoá tu Truyền thống. Ngài nói lên tâm nguyện cùng đại chúng rằng khi nào chưa thành tựu đạo pháp thì chưa rời bỏ Giới - Định – Tuệ. Trước khi dứt lời Ngài cầu chúc chư Tôn đức, chư hành giả cùng Phật tử được nhiều sức khoẻ, luôn được niềm tin kiên cố để góp phần phụng sự đạo pháp, làm cho chánh pháp đựng tiến tới, để mang lại hạnh phúc an lạc cho muôn loài, cho đời, cho loài trời và loài người.

Đại đức Giác Minh thay lời Thượng tọa Minh Nhơn đại diện Ban tổ chức khóa tu gửi lời cảm tạ đến Chư Hòa thượng, Thượng tọa cùng nhiều Chư Tôn Đức trong Ban trị sự GHPGVN tỉnh Bình Thuận, Ban trị sự GHPGVN huyện Hàm Thuận Nam, Chư Tôn Đức Giáo phẩm hệ phái, Giáo phẩm các giáo đoàn cũng như chính quyền địa phương – Phật tử nội - ngoại hộ đã giúp khoá tu thành công thành công tốt đẹp.

Hòa thượng Giác Minh đại diện chư Tôn đức Giáo đoàn II phát nguyện đăng cai khóa tu lần thứ 25 tại Tịnh xá Ngọc Giáng – Thành phố Đà Nẵng.

Hoà thượng Giác Ngộ, Phó thiền chủ đã lưu tâm cung thỉnh chư Tôn đức các giáo đoàn về tại Tịnh xá Ngọc Giáng, TP. Đà Nẵng vào ngày mùng 4 tháng 3 năm Mậu Tuất để tham dự khoá tu tiếp theo.

Ngài nhấn mạnh tinh thần sống chung tu học mang lại lợi lạc lớn. Qua đó Ngài khuyến tấn đại chúng tinh tấn tu hành, hằng giải thoát khỏi khổ đau, đem lại sự an lạc không chỉ cho bản thân mà còn cho nhân loại. Cuối cùng, Ngài thay mặt cho hàng Giáo phẩm Hệ phái, chứng minh cho lời tác bạch đăng cai khóa tu lần thứ 25 và tán dương công đức của chư Tôn đức Giáo đoàn II.

Cúng dường trai Tăng