Bên dòng tâm thức

“Từ vô thủy ta luân hồi cát bụi
Vẫn miệt mài bám lấy cõi trần gian
Vẫn hít thở âm thầm yêu cuộc sống
Trần gian ơi! Nghe cát bụi mơ màng”

(Trần gian ơi nghe cát bụi mơ màng - Phổ Đồng)

Nhắm mắt lại hít thật sâu chợt nghe lòng bình yên đến lạ. Đã từ lâu ta quên đi sự tồn tại mầu nhiệm của hơi thở, quên đi sự hiện hữu của thân mình giữa cõi đời nhiều mối duyên ràng buộc này. Trong vòng lẩn quẩn ấy, chúng ta đã trôi lăn, lặn hụp nơi trần gian cát bụi. Bước giữa nghìn trùng, thở trong vọng niệm. Mặc sức thả trôi mình theo tám ngọn gió đời để rồi bị cuốn phăng vào biển thức mênh mông. Giật mình tỉnh giấc ngủ say, “Ta quay lại tìm ta ngàn năm cũ”. Giữa dòng đời đầy biến động thịnh suy, hôm nay đây bỗng phát hiện ra tấm thân này chỉ là phù du nên lựa chọn cho mình con đường sáng để đi dù là nhiều chông gai thử thách. Chí kiên cường hiên ngang như tùng bách, chưa bao giờ gió thổi cây nghiêng. Ấy vậy mà vương vấn chút não phiền lại nỡ làm tâm tư dao động. Có bao giờ ta dừng lại “Bên dòng sông tâm thức” giữa bao bộn bề vật chất để thấy mình nông sâu? Bước đi trên dòng nghịch lưu đã toàn tâm toàn ý?

Thế mới biết “cây muốn lặng mà gió chẳng dừng”. Thật sự ai đã từng lữ hành độc bộ trên đạo lộ giải thoát mới hiểu hết con đường gian nan khốn khó đến nhường nào. Con đường ấy không có tham dục khát ái và mê mờ, không có sự lười mỏi, nếu không bẫy tà lúc nào cũng chực chờ nằm sẵn dưới chân. Chỉ cần một niệm bất giác sanh khởi liền đi vào hẻm tắt, tức thì ma vương vỗ tay rào đón, vui vẻ hân hoan chúc mừng, ôi thôi đủ thứ kiểu loại hình thức! Chúng tìm đủ mọi cách lôi kéo chúng ta thuận xuôi theo dòng vô minh. Để thiết lập sự bình yên nơi nội tại tâm hồn cũng như xây dựng thành chánh niệm nơi sáu căn môn không phải là chuyện dễ. Bởi đôi khi những thú vui bên ngoài luôn hấp dẫn, mời gọi và quyến rũ chúng ta bất cứ khi nào. Ly rượu ái nhắm nháp bao đời không vơi cạn, càng uống càng mong rót thêm đầy, cơn men dục chưa từng suy giảm nồng độ nên chúng sanh vẫn mãi điên đảo, say mèm trong giấc mộng tử sinh. Và như thế, sóng nghiệp cứ cuồn cuộn, lốc xoáy vào chiếc thuyền đời mỗi chúng ta khiến nó chao đảo, lạc hướng bấp bênh, khổ đau chồng chất. Và cũng bắt đầu từ đây rơi vào ngõ cụt luân hồi.

Con người luôn hôn mê trong tư tưởng là vậy, chết đuối chính ngay nơi suy nghĩ của mình. Bởi không tìm được lối thoát một cách tích cực. Do vậy mà trong quá trình tu tập, suy tưởng quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc thực hành. Đây là hệ quả của việc không biết chọn cho mình những loại thức ăn bổ dưỡng cho đời sống tinh thần. Nhưng thật ra cũng chẳng chướng ngại gì nếu biết kết hợp với chánh tư duy, hướng suy nghĩ theo lối tư duy đúng đắn dưới sự soi sáng của chánh kiến thì tất cả đều mang lại hiệu quả thiết thực. Có điều là không phải lúc nào chánh kiến cũng có mặt đối với cái tâm nửa phàm nửa thánh này. Cho nên lỗi lầm đương nhiên phải va vấp, rồi kéo theo một mớ bòng bong phiền não ủ ê.

Cuộc sống không giống như một hình vuông để bạn nép mình vào một cạnh nào đó mà trốn núp. Cuộc sống không phải là hình tam giác để ta thỏa thích trèo lên đỉnh chóp của nó để ngắm hưởng mây trời. Và càng không phải là hình chữ nhật để so đo dài ngắn hơn thua, tranh quyền đoạt lợi. Mà cuộc sống chính là hình tròn để ta đối diện với tất cả mọi thứ xung quanh. Cuộc đời là một vở kịch bi hài mà đôi khi chúng ta không thể diễn trọn vẹn vai trò mình muốn. Bởi ngay từ thuở hồng hoang gió bụi đã không khéo chọn cho mình các nhân tố lành, những hành động tốt để đời hiện sinh nhiều nỗi oan khiên túc trái... Cho nên lời Đức Phật dạy chỉ tóm gọn vài câu mà thâm thúy tột cùng:

“Không làm mọi điều ác

Thành tựu các hạnh lành

Tâm ý giữ trong sạch

Chính lời chư Phật dạy”

(Kinh Pháp Cú số 183 – Hòa thượng Thích Minh Châu dịch)

Có những biến cố xảy ra trong cuộc đời mà bạn không thể ngờ được và trở tay kịp lúc. Dù rằng là biến cố nào đi chăng nữa: thất vọng, hụt hẫng, chết chóc, chia ly, bệnh tật... cũng đều mang lại khổ đau nếu chúng ta không giác ngộ lẽ vô thường. Chính vì vậy, hãy sống trong phút giây hiện tại, không hoài niệm về quá khứ cũng đừng vọng tưởng đến tương lai. Đó chính là pháp “hiện tại lạc trú” mà Đức Phật đã dạy cho các hàng đệ tử. Cũng giống như khi bạn đang tụng một thời kinh, chữ trước đã là quá khứ bạn không thể dừng lại ở đó mà phải chánh niệm liên tục, nắm bắt và ghi nhận nếu không bạn là người tụt hậu đằng sau, lẽ tất yếu là bạn không thể nào hòa chúng.

Cũng chính vì thất niệm, đánh mất hiện tại nên cố sức để tranh đấu chống chọi với những bất công phi lý, cố móc moi và thu vét nơi cái não thu nhỏ này những kiến thức thu nhặt được  bấy lâu nay qua sách vở hòng làm sáng tỏ vấn đề, những vấn nạn mà ta gặp phải... mà chẳng có kết quả gì. Say mê làm người nhiếp ảnh rất điêu luyện phóng chụp tất cả những gì đang diễn ra và tùy chỉnh theo độ phân giải riêng mình nhưng nào ngờ chúng đều bị khúc xạ đi, hình ảnh nhận được trở nên gấp khúc, lệch lạc và méo mó với bản chất sự thật của vạn pháp. Thực ra chỉ là cái ngã kiến bảo thủ, cố chấp, cái nhãn quan bé nhỏ chỉ làm cho tăng thêm nỗi ức chế, ngột ngạt. Vô tư đem tấm thân cộc kệch này đương đầu với nghiệp báo trần gian, lại thêm sự mê muội đòi cải sửa luật nhân quả nữa chứ. Thật là phí công vô ích, phải nói là “tinh thần” chấp thủ quá cao! Cho  nên mới nói “dẫu ở không môn” nhưng “chưa thành vô ngã” là vậy. Làm sao sống trên đời trọn vẹn đôi đường, vuông tròn trách nhiệm mà thong thả giữa cuộc phù sinh:“Dùng ra thì muôn cảnh đều phô; Buông xuống thì mảy trần chẳng vướng”- (Khóa Hư Lục – Thiều Chửu dịch)

Rốt cùng là phải thật tâm bước đi thôi bởi “hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân” (Lão Tử). Lý tưởng và hiện thực còn xa vời lắm nhưng nếu không khởi hành làm sao tới đích. Cũng giống như “…Anh nói mãi về thực phẩm nhưng không ăn... thì đói vẫn hoàn đói. Anh nói nhiều về trang phục nhưng không mặc... thì sao khỏi rét lạnh cóng xương? (Đỉnh cô liêu kỳ nhiệm, Thích nữ Minh Tâm dịch).

Dừng lại những ý niệm lao xao thường nhật để đọc lại lòng ta trong khoảng không lặng yên, cùng tìm lại bản tâm thanh tịnh chính mình của buổi sơ nguyên lồng lộng vì “Chỉ có một cuốn sách đáng đọc nhất, đó là tâm của chính mình” (Thiền sư Ajahn Chah). Là lúc cần phải bắt đầu ngay công việc dọn cho mình căn phòng tâm linh thật lý tưởng, trang hoàng lộng lẫy bằng hoa giới và được xây dựng bởi những trụ cột định vững chắc, kiên cố đừng để gió ngũ dục làm lung lay, xiêu ngã. Đừng quên tậu cho mình những loại nội thất cao cấp quý báu như ngũ căn, ngũ lực, tứ vô lượng tâm… Cũng từ đó, hãy thắp sáng ngọn đèn trí tuệ phá tan bóng tối vô minh khiến cho căn phòng rực rỡ, soi rọi tự thân và tha nhân. Hãy làm vơi cạn tham sân cho nước từ bi thấm nhuần hồ tâm thức tưới mát chúng sinh muôn loài. Cố gắng làm sạch bộ nhớ ký ức của quá khứ để dung lượng tâm được rộng mở và kích hoạt thì cuộc sống mới an lạc và hạnh phúc, bởi lẽ “cõi thiện chờ đợi một tâm không cấu uế” – (Vatthupama Suttam) là vậy.

“... Ôi dòng sông vẫn như xưa    
Dòng thời gian sao cứ phôi pha  
Nghiêng mình soi kiếm bên dòng cũ       
Buồn vui qua thấy lại bao giờ:”

(Trích Lời giới thiệu Sao tôi lại đến chốn này – Đào Chính, Đoan Nghiêm)

Rồi cuộc đời cứ thế đâu cũng vào đó, hiện thân giữa cõi vô thường đắp đổi, nhân thế vẫn oằn vai đắp xây lâu đài cát trong cõi ngàn năm mây bay. Bừng tỉnh trong giây phút rồi mơ vẫn hoàn mơ bởi không thắng nổi lực đẩy của nghiệp. Dấn thân vào cuộc hành trình tìm về bảo sở bằng con tim khối óc phàm phu, khi kinh nghiệm tu tập tự thân còn kém cỏi; dù chưa biết kết quả ra sao, chỉ mong tìm được chút gì đó dưới hạ nguồn sữa pháp của đấng Từ Phụ làm tư lương trong niềm vui chánh pháp trên chuyến ga cuộc đời ngắn ngủi này. Lại một gã cùng tử lang thang từ bao kiếp, đến nay cũng vẫn lang thang nhưng sự lang thang có mục tiêu và lý tưởng... Rồi cũng sẽ có ngày chúng ta bước vào “nhà Như Lai” để khai mở kho tàng pháp bảo, chứ không phải chỉ đứng “bên bờ tâm thức” mà ngẩn ngơ vẽ nên giấc mơ Tịnh độ bao lâu nay:

“Trong ảo sắc vẫn là chân sắc

Khiến phàm thân hóa thiệt pháp thân

Phá sáu giặc làm sáu phép thần thông

Biến tám khổ ra tám điều tự tại”.

(Khóa Hư Lục – Thiều Chửu dịch)