Bến giác

Vốc nắm cát sông Ni Liên Thiền trong tay, nắm chặt rồi chậm rãi xoa xoa để cát chảy thành những dòng nhỏ xuyên kẽ ngón tay rơi xuống lòng cát trắng mịn, rồi tôi sung sướng mân mê, những hạt cát rào rạo nhẹ trong tay như thể để ý thức trọn vẹn mình đã về đến mảnh đất Giác ngộ - Bồ Đề Đạo Tràng.

Bên kia là dãy Tượng Đầu, hai ông voi vẫn còn tựa đầu thì thầm trò chuyện mãi câu chuyện vị tằng hữu của đất trời từ thuở nào chưa nguôi. Thuở ấy xa lắm rồi…

 Dòng Ni-liên-thiền

Sự Giác ngộ của đức Phật

Hơn 2.550 năm về trước, một ẩn sĩ dòng họ Thích đã tu khổ hạnh nơi đây, vùng núi thuộc Uruvela xơ xác, chỉ trơ sỏi đá, cỏ dại không xanh nổi, nó cũng khổ hạnh như vị ẩn sĩ ấy vậy. Mỗi ngày chỉ ăn vài giọt xúp đậu khiến cơ thể Người gầy yếu xanh xao. “…Và này Aggivessana, trong khi Ta giảm thiểu tối đa sự ăn uống, ăn từng giọt một, như xúp đậu xanh, xúp đậu đen hay xúp đậu hột hay xúp đậu nhỏ, thân của Ta trở thành hết sức gầy yếu. Vì Ta ăn quá ít, tay chân Ta trở thành như những gọng cỏ hay những đốt cây leo khô héo; vì Ta ăn quá ít, bàn trôn của Ta trở thành như móng chân con lạc đà; … xương sống phô bày của Ta giống như một chuỗi banh; … các xương sườn gầy mòn của Ta giống như rui cột một nhà sàn hư nát; … nên con ngươi long lanh của Ta nằm sâu thẳm trong lỗ con mắt, giống như ánh nước long lanh nằm sâu thẳm trong một giếng nước thâm sâu; … da đầu Ta trở thành nhăn nhiu khô cằn như trái bí trắng và đắng bị cắt trước khi chín, bị cơn gió nóng làm cho nhăn nhíu khô cằn…”.[1]

Cái lạnh của sương đêm chỉ người đi trong đêm sương mới thấm hiểu. Ẩn sĩ Tất-đạt-đa cảm nhận những cảm giác đau đớn, nhức nhối, khốc liệt cùng cực từ sự tu khổ hạnh. Vô vọng, hoang mang, một dấu hỏi lớn dần trong tâm trí: “Ôi! Sự khổ hạnh mang đến khổ thọ tột độ, không thể có nỗi khổ nào hơn thế nữa nhưng đâu là pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh, đạo lộ nào khác đưa ta đến giác ngộ đây?”.


Ngài thực hành khổ hạnh cùng cực

Sự ý thức việc mình làm và con đường mình đang dẫn lối về đâu là khởi điểm giác ngộ của bậc trí tuệ. Cũng trong bài kinh này kể rằng vị ẩn sĩ dòng họ Thích ý thức việc tu khổ hạnh cũng như lối sống xa hoa dục lạc và con đường tu tập khổ hạnh không phải là phương thức tối thượng đưa đến giải thoát khổ đau, viễn ly sanh tử. Rồi Người nhớ lại một lần nọ trong buổi lễ Hạ Điền, trong khi phụ thân Tịnh Phạn vương đang cày và người ngồi dưới bóng mát cây Diêm-phù (Jambu), Người ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Lạc thọ này không có gì nguy hiểm vì đã thoát ly hoàn toàn tham dục và bất thiện pháp. Người suy nghĩ và nhận chân được chính đây là con đường đưa đến giác ngộ hoàn toàn.

Song một thân thể tiều tuỵ không còn sức sống này làm sao có thể đạt được trạng thái chứng ngộ ấy? Người bắt đầu dùng lại sữa chua và những phẩm thực thô mặc cho những ẩn sĩ khổ hạnh cùng tu bấy lâu ngưỡng mộ Người bất mãn bỏ đi. Sau khi ăn uống trở lại, sức khoẻ Người dần dần phục hồi và Người bắt đầu thực tập ly dục, ly bất thiện pháp chứng và trú Sơ thiền. Lạc thọ khởi lên nhưng không hề chi phối tâm Người.

Người tiếp tục diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhứt tâm. Người ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm nguồn suối lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Rồi người xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Lạc thọ tuôn trào nhưng không chi phối tâm Người.

Với tâm bình tĩnh, thuần tịnh trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, Người hướng tâm đến Túc mạng minh, nhớ lại nhiều đời sống trong quá khứ cùng với các nét đại cương và chi tiết. Đó là minh thứ nhất người chứng được trong đêm canh một. Vô minh diệt, minh sanh. Ám diệt, ánh sáng sanh. Ngài nhứt tâm tinh cần chánh niệm hướng tâm đến sự sanh tử của chúng sinh. Với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy thấy rõ hạnh nghiệp, sự sống và chết của tất cả chúng sinh. Đó là minh thứ hai, Ngài chứng được trong đêm canh giữa. Và Người tiếp tục hướng tâm đến Lậu tận trí, biết như thật “Đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là diệt khổ và đây là con đường đưa đến sự diệt khổ. Đây là lậu hoặc, đây là nguyên nhân của lậu hoặc, đây là sự diệt trừ các lậu hoặc và đây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc”. Nhờ biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của Người thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy, Người khởi lên sự hiểu biết: "Ta đã giải thoát. Sanh đã diệt, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa". Đó là minh thứ ba mà Người đã chứng được trong canh cuối. Vô minh vĩnh viễn không còn, ánh sáng trí tuệ bất diệt rạng ngời, lạc thọ luôn hiện hữu như không chi phối tâm Người. Sau khi tâm giải thoát khỏi vô minh, nguồn gốc của tất cả khổ và tái sanh, tuệ giác đoạn trừ các lậu hoặc trở nên viên mãn.[2] Kể từ đây Ngài được tôn xưng là bậc Giác Ngộ, bậc Chánh Đẳng Chánh Giác hay Đức Phật.

Khái niệm Giác ngộ

Như vậy, Giác ngộ, trí tuệ viên mãn (ñāṇa) hay Bồ-đề (Bodhi xuất phát từ ngữ căn Budh tức thức tỉnh) chỉ cho sự thể nghiệm của cá nhân thấu triệt quy luật tất yếu - nỗi khổ trong vòng xoay thành trụ hoại diệt, song hành với chúng sinh. Từ vô thỉ, chúng sinh cưu mang phiền não, đầy ắp khổ đau, nước mắt nhiều hơn nước ngoài đại dương, song mấy ai là kẻ thức tỉnh, giác ngộ, thấy rõ khổ não, đoạn trừ hết khổ não? Chỉ những bậc trí tuệ nhận chân sự thật về khổ, hiểu rõ nguyên nhân đưa đến đau khổ, quyết chí tinh tấn đi trên con đường viễn ly hoàn toàn khổ và đoạn diệt rốt ráo khổ hải mới thành tựu đại sự ấy mà thôi. Giác ngộ được lý giải như là sự thấu suốt Bốn Điều Chân Thật Vi Diệu và thuật ngữ Bồ-đề không chỉ được dùng riêng cho trường hợp chứng đắc của đức Phật mà chỉ chung cho các bậc đã thấu suốt bốn điều chân thật cao quý ấy.

Con đường đưa đến Giác ngộ

Đức Phật dạy rằng: “Con đường đưa đến tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí giác ngộ, Niết bàn đó là con đường Trung đạo, từ bỏ hai cực đoan mà người xuất gia không nên thực hành. Một là say đắm dục lạc đối với các dục vọng hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng Thánh hạnh, không liên hệ đến mục đích. Hai là hành hạ tự thân, khổ đau, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích”.[3] Và Ngài giải thích rõ hơn: “Thế nào là con đường Trung đạo ấy? Đây là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Đây là con đường Trung đạo, này Thôn trưởng, được Như Lai giác ngộ, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn”.[4]

Để mọi người hiểu rõ hơn phương pháp tu tập đoạn trừ khổ và gốc rễ của khổ chính tham ái, cũng trong Kinh Tương Ưng, đức Phật nhấn mạnh: “Con đường nào, đạo lộ nào, này các Tỷ-kheo, đưa đến đoạn tận khát ái, hãy tu tập con đường ấy, đạo lộ ấy. Đạo lộ ấy chính là Bảy giác chi. Thế nào là bảy? Niệm giác chi, trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an giác chi, định giác chi và xả giác chi”. Đây chính là điều kiện cần và đủ để một hành giả khởi tâm và thành đạt ý nguyện, mục đích giải thoát. “Bảy giác chi này liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ, quảng đại, to lớn, vô lượng, không sân. Đối với vị tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ, quảng đại, to lớn, vô lượng, không sân thì khát ái được đoạn tận. Do khát ái được đoạn tận nên nghiệp được đoạn tận. Do nghiệp được đoạn tận nên khổ được đoạn tận”.[5]

Một lần nọ, khi đức Thế Tôn đang trú tại rừng Ambapàli, thuộc Vesàli, Ngài đã dạy chư Tỳ kheo: “Có con đường độc nhất này, này các Tỷ-kheo, khiến cho các loài hữu tình được thanh tịnh, vượt qua được sầu bi, chấm dứt khổ ưu, chứng đạt chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn. Tức là Bốn niệm xứ. Thế nào là bốn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời... trú, quán thọ trên các cảm thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm... trú, quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác... trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Đây là con đường độc nhất này, khiến cho các loài hữu tình được thanh tịnh, vượt qua được sầu bi, chấm dứt khổ ưu, chứng đạt chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn”.[6] Như vậy độc lộ này vẫn không ra ngoài Bảy giác chi.

Khả năng Giác ngộ

Tấm bản đồ tu tập hướng đến an lạc đã được đức Đạo Sư nhiều lần tuyên thuyết nhắc nhở. Những ai đi theo đúng sự chỉ dẫn trong tấm bản đồ, kiên trì bước đi không “bán đồ nhi phế” đều đi đến đích một cách tốt đẹp. Không phân biệt kẻ sang người hèn, nam hay nữ, kẻ thuộc bất cứ tôn giáo nào, kẻ xuất gia hay tại gia đều có thể đạt được miễn là đi trên đạo lộ này.


Con đường giác ngộ

Câu chuyện của Tôn giả Udàyi cho chúng ta tự tin và tin sâu vào giáo pháp hơn. Sau khi chứng đạt quả vị tịch tịnh giác ngộ, Tôn giả Udàyi đã tâm sự với đức Thế Tôn: Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Xúc động nhiều thay (bahukatam), bạch Thế Tôn, là lòng ái mộ, tôn kính, lòng tàm và quý của con đối với Thế Tôn. Bạch Thế Tôn, trước khi con còn là người tại gia, con không có nhiều xúc động (bahukata) đối với Pháp, không có nhiều xúc động đối với Tăng. Nhưng, bạch Thế Tôn, khi con cảm thấy (sampassamàno) lòng ái mộ, tôn kính, lòng tàm và quí đối với Thế Tôn, thời con xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Và Thế Tôn thuyết pháp cho con: "Đây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt, đây là con đường đưa đến sắc đoạn diệt. Đây là thọ, đây là thọ tập khởi, đây là thọ đoạn diệt... Đây là thức, đây là thức tập khởi, đây là thức đoạn diệt, đây là con đường đưa đến thức đoạn diệt". Rồi, bạch Thế Tôn, con đi đến chỗ nhà trống, và trong khi tùy quán (samparivattento) theo sự sanh diệt của năm thủ uẩn này, con như thật thắng tri: "Đây là khổ". Con như thật thắng tri: "Đây là khổ tập khởi". Con như thật thắng tri: "Đây là khổ diệt". Con như thật thắng tri: "Đây là con đường đưa đến khổ diệt". Pháp, bạch Thế Tôn, được con hoàn toàn chứng tri (abhisamito). Con đường được con chứng đắc, con đường này được tu tập, được làm cho sung mãn, sẽ dắt dẫn con, với sự an trú như vậy, như vậy, đạt đến sự chứng đắc như vậy (tathattàya). Nhờ vậy, con rõ biết rằng: "Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa". Bạch Thế Tôn, con chứng được niệm giác chi, trạch pháp giác chi… xả giác chi và con rõ biết được Bảy giác chi này được tu tập, được làm cho sung mãn, đã dắt dẫn con, với sự an trú như vậy, như vậy, đạt đến sự chứng đạt như vậy. Sau khi nghe Udàyi tâm sự, đức Thế Tôn đã khen ngợi, tán thán và xác nhận: “Lành thay, này Udàyi, chính nhờ tu tập tinh tấn Bảy giác chi đã đưa con đạt được “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”. Sự thật là như vậy”.[7]

Bồ Đề Đạo Tràng - miền đất Giác ngộ xưa và nay

Trong Kalinga Bodhi thuộc Chuyện Tiền Thân Đức Phật (số 479), đức Phật đã tuyên bố rằng không nơi nào trên địa cầu chịu nổi sức mạnh khi mà Ngài nhập định và chứng đắc đạo quả như dưới cội Bồ-đề tại Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya). Quả thật, nơi đây đã ghi dấu giờ phút vi diệu đức Phật chứng đắc quả vị Chánh Đẳng Giác, khởi nguyên khai phóng đạo lộ giác ngộ cho chúng sinh vạn loại.

Theo thạch ký của vua Asoka, vào năm thứ 10 sau khi lên ngôi, nhà vua đã viếng thăm Bồ Đề Đạo Tràng và cho xây dựng một bảo toà Kim cang bằng sa thạch đỏ, với đường nét chạm trổ công phu dưới cội Bồ-đề, nơi đức Phật toạ thiền 49 ngày đêm và thành đạo.

Từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 12, Bồ Đề Đạo Tràng vẫn là nơi có nhiều Tăng chúng tu học và vua chúa, Phật tử thập phương thường xuyên đến đảnh lễ chiêm bái.

Tuy nhiên từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 18, di tích Bồ Đề Đạo Tràng không vượt ra khỏi định mệnh của lịch sử Phật giáo Ấn Độ. Di tích bị bỏ hoang dường như không còn ai nhớ đến nữa.

Đến đầu thế kỷ 19, ông A. Cunningham - nhà khảo cổ, Phật tử đồng thời là một kiến trúc sư người Anh cùng các vua Miến Điện đã vực Bồ Đề Đạo Tràng sống dậy. 

Đầu thế kỷ 20, ông Edwin Arnold, tác giả quyển Ánh Sáng Á Châu (The Light of Asia) là người có công đầu kêu gọi chính quyền Ấn Độ chuyển giao Bồ Đề Đạo Tràng cho Phật giáo. Có thể nói người có công lớn nhất trong phong trào kêu gọi đòi quyển quản lý Bồ Đề Đạo Tràng cho Phật giáo từ tay những người Ấn giáo là cư sĩ Anagarika Dhammapala. Về sau ông xuất gia, sống trọn vẹn cho lý tưởng giác ngộ giải thoát.


Bồ Đề Đạo Tràng

Năm 1949, một đạo luật về Bồ Đề Đạo Tràng ra đời, nhằm khẳng định đây là một di sản thiêng liêng của Phật giáo mặc dù Ban Quản trị Bồ Đề Đạo Tràng vẫn có sự tham gia của tín đồ Ấn giáo.

Vào ngày 27 – 06 – 2003, Tổ chức UNESCO chính thức công nhận Bồ Đề Đạo Tràng vào danh sách Di Sản Văn Hoá Thế Giới, đứng hàng thứ 23 trong tổng số các công trình văn hoá tôn giáo ở Ấn Độ.

Ngày nay, hàng năm có hàng ngàn đoàn hành hương trong và ngoài nước đến chiêm bái thánh địa Bồ Đề Đạo Tràng. Sự kính ngưỡng, thành tâm đối với bậc Đạo Sư trong lòng người thật bất khả tư nghì. Trên mỗi nẻo đường những người con Phật đi qua ngày nay bằng phương tiện di chuyển tối tân như phi cơ, tàu điện, xe chất lượng cao mà tận thẳm sâu trong lòng vẫn bùi ngùi thương kính khi hồi tưởng người cha hiền và đoàn du tăng y vàng nhẹ bay trên những đường quê thuở ấy. Khách hành hương về nơi cội Bồ-đề đảnh lễ mỗi người mỗi hoàn cảnh, không ai giống ai, song có một sự đồng nhất như thể sợi dây vô hình kết nối những mảng đời lại với nhau, đó là chịu cùng một quy luật bất biến của kiếp người - nỗi khổ. Chính vì vậy, lời cầu nguyện đầu tiên vẫn là cầu xin sự bình an đến cho chính mình và cho những người thân thương vượt qua đau khổ. Và lời cầu nguyện sau đó là: “Xin cho con chí tu học vững bền, hầu mong một ngày được đến bến Giác như Ngài đã đến”. Từ thuở hồng hoang cho đến bây giờ và mãi về sau, chắc chắn không một ai tự cho mình chưa một lần khổ. Nguyện đi theo con đường của Ngài đã mở lối để được đến đích như Ngài và chư vị Thánh Tăng, đó là tâm nguyện của hết thảy mọi người thành tâm khi đặt chân trên miền đất Giác ngộ này.

Nhiều Phật tử cho rằng, giác ngộ ở nơi ta, đâu phải cầu nơi nào cho xa vời, có duyên đi đất Phật một lần, không có duyên thì tu ở nhà cũng được vậy. Anh có cái lý của anh, chị có cái lý của chị, nếu thật sự trở về, tinh tấn tu tập thì Bồ Đề Đạo Tràng đã ở đây rồi; điều này ai cũng đồng ý. Song tâm cảm chung của mọi người đến đây, được ngồi bên cạnh Kim Cương toà, dưới bóng mát thanh tịnh của cội Bồ-đề không ai không xúc động, niềm tôn kính đối với đấng Đạo sư tuôn trào khó tả, niềm tin Tam Bảo kiên cố hơn, và dõng mãnh phát nguyện nỗ lực tu tập hành trì giáo pháp tinh tấn hơn vậy.

Viết tại Bodhgaya – Vaishali, Ấn Độ


[1] Kinh Trung Bộ, Đại Kinh Saccaka, số 36

[2] Kinh Trung Bộ, Đại Kinh Saccaka, số 36

[3] Kinh Tương Ưng, Phẩm Tương Ưng Thôn Trưởng, Phần 42, Mục XII. Ràsiya

[4] Kinh Tương Ưng, Phẩm Tương Ưng Thôn Trưởng, Phần 42, Mục XII. Ràsiya

[5] Kinh Tương Ưng, Phẩm Tương Ưng Giác Chi, Phần 46, Phẩm Núi, Mục 26, VI. Đoạn Tận

[6] Kinh Tương Ưng, Phẩm Tương Ưng Niệm Xứ, Phần 47, Mục I. Ambapàli (Tạp 24,20, Đại 2,174a)

[7] Kinh Tương Ưng, Phẩm Tương Ưng Giác Chi, Phần 46, Phẩm Núi, Mục 30. X. Udàyi