Biểu tượng hoa sen và ngọn đèn trong Phật giáo Khất sĩ - sự gặp gỡ giữa văn hóa và tôn giáo (kỳ 1)

Bài trình bày tại Hội thảo “Vùng ASEAN và Nam Á:
Nơi giao hòa của văn hóa và tôn giáo ở Đông Nam Á"
từ 9-11/7/2017

1. Giới thiệu

Hoa sen và ánh sáng là hai biểu tượng rất gần gũi trong văn hóa cũng như tôn giáo của các nước Châu Á. Theo huyền thoại Ấn Độ, hoa sen gắn với thần thánh. Loài hoa đẹp đẽ và cao quý này tượng trưng cho khả năng sáng tạo và hồi sinh. Sen còn tượng trưng cho sự tự do tâm linh, sự toàn thiện, thanh tịnh và mức độ chứng nghiệm tâm linh được hiển lộ đến mức toàn triệt trong mỗi cá nhân. Trong khi đó, ánh sáng tượng trưng cho sự cao cả, thiêng liêng, trí tuệ và tỉnh thức. Hình ảnh một đóa sen với tất cả các cánh nở tròn đầy dưới ánh sáng mặt trời tượng trưng cho sự tỉnh thức và viên mãn tất cả những tiềm năng của chúng ta, sự phát triển tâm linh vốn có trong mỗi người dưới ánh sáng của thần thánh (đối với tôn giáo hữu thần) và dưới ánh sáng của trí tuệ nơi mỗi cá nhân (đối với tôn giáo vô thần). Với ý nghĩa cao quý đó, biểu tượng của hoa sen và ánh sáng này đã đi vào trong văn hóa Phật giáo một cách tự nhiên và phổ biến ở mọi phương diện, từ kinh sách đến đời sống tâm linh, từ kiến trúc điêu khắc đến đời sống sinh hoạt hằng ngày. Với Phật giáo Việt Nam, biểu tượng hoa sen và ánh sáng trở thành quen thuộc từ bao đời nay và với Phật giáo Khất sĩ, hai hình ảnh này hòa quyện vào nhau thành biểu tượng “Hoa sen và ngọn đèn” rất đặc thù của hệ phái Phật giáo này.

1

2. Hoa sen trong văn hóa và tôn giáo

Hoa sen gắn liền với các tôn giáo Ấn Độ, đặc biệt là Ấn giáo và Phật giáo. Hoa sen có cả sắc lẫn hương, vươn lên khỏi bùn nhơ để nở hoa thơm đẹp cuộc đời đã làm cho loài hoa này mang một ý nghĩa đặc biệt. Trong Ấn giáo, hoa sen tượng trưng cho sức mạnh và là nguồn năng lượng để “tiểu ngã” hòa hợp làm một với “đại ngã”. Loài hoa đặc biệt này còn biểu trưng cho chân lý thánh thiện, không ô nhiễm, là nguồn gốc của mọi luật lệ và đạo đức, là tri thức tuyệt đỉnh thuộc về thần thánh.

Hầu như hình ảnh hoa sen xuất hiện bên cạnh tất cả các tượng thần Ấn Độ. Các vị thần Hindu đều đứng ngồi trên tòa sen, tay cầm hoa sen. Theo huyền thoại thì từ rốn của thần Vishnu mọc ra đóa sen, từ hoa sen này hóa sanh thần Brahma tức Phạm Thiên, rồi do tâm của Brahma đã sáng tạo ra đất trời và sự sống. Thần Vishnu, bảo tồn những thành quả sáng tạo, tọa trên tòa sen, tay cầm 4 yếu tố sáng tạo nên vũ trụ trong đó có hoa sen. (Ba yếu tố còn lại là cái tù và, cái vòng và cái búa). Hoa sen còn biểu tượng của sự viên mãn về tâm linh, thanh tịnh tuyệt đối của thần Vishnu và Ngài là nguồn cảm hứng để những tính chất linh thiêng vốn tiềm tàng trong mỗi cá nhân này phát triển trong sự kết nối với thần Vishnu. Thần Lakshmi (tượng trưng cho sự thịnh vượng, trong sạch và trẻ đẹp vĩnh hằng) ngồi trên tòa sen hồng và các cánh tay đều cầm hoa sen. Nữ thần Saraswati (tượng trưng cho trí tuệ, âm nhạc và nghệ thuật) cũng ngồi trên hoa sen.

Trong Phật giáo, sen là một loài hoa thanh tao, vừa thắm sắc, lại đượm hương tượng trưng cho đời sống thanh cao, vô nhiễm của bậc giác ngộ. Ví như sen sinh ra trong bùn nhơ nhưng không bị nhuốm bẩn, lại còn vươn lên đón ánh mặt trời tỏa hương, khoe sắc, ra hoa, kết quả, làm đẹp cho đời. Cũng như vậy, người giác ngộ tồn tại giữa chốn đời thường, đã nỗ lực vượt thoát tham lam, dục vọng, không bị dòng đời làm cho vấy bẩn, nhiễm ô. Những đặc tính của hoa sen thật tuyệt vời! Sen mọc chốn nào, nước đục sẽ được lắng trong, ví như con người giác ngộ có khả năng làm thay đổi hoàn cảnh sống. Sự cấu thành và sinh trưởng của sen theo quy luật nhân quả luân hồi như một hình ảnh sinh động nhắc nhở mọi người sống đúng theo quy luật nhân quả để có an lạc và hạnh phúc. Sen có cả nụ, hoa, hạt đồng thời tượng trưng cho sự tiếp nối liên tục luân hồi của quá khứ (hoa sen nở), hiện tại (gương sen) và tương lai (hạt sen). Chính vì ý nghĩa thanh cao ấy, hoa sen hiển hiện khắp nơi từ trong kinh điển cho đến đời sống tâm linh, từ kiến trúc điêu khắc đến các sản phẩm thờ cúng, từ tư thế ngồi thiền đến cách chắp tay... Hầu như ở đâu có Phật giáo, người ta sẽ tìm thấy ở đó có hoa sen, hay nói cách khác hoa sen là biểu tượng chính của Phật giáo.

Trong kinh điển Phật giáo, hình ảnh hoa sen được đức Phật sử dụng như một ẩn dụ sinh động trong rất nhiều bài kinh để tượng trưng cho các ý nghĩa: cao quý vượt khỏi tầm thường, thánh thiện vượt lên phàm phu, thanh tịnh từ nơi ô nhiễm, giác ngộ giữa cõi trần u mê. Hình ảnh hoa sen mang ý nghĩa giáo dục đích thực, là một sự khích lệ lớn lao nhằm tạo một động cơ tích cực cho người thực hành giáo pháp: mỗi người là sen sẽ ra khỏi bùn, vươn lên khỏi mặt nước, thắm sắc đượm hương. Hình ảnh sen xuất hiện rất nhiều trong các bài kinh ở Trung bộ kinh, Trường bộ kinh, Tương ưng bộ kinh, Tăng chi bộ kinh, Pháp cú, Trưởng lão Tăng kệ và Trưởng lão Ni kệ. Ví dụ câu kinh Pháp cú số 58: Như giữa đống rác nhớp, Quăng bỏ trên đường lớn, Nơi ấy hoa sen nở, Thơm sạch, đẹp ý người.

Hình ảnh hoa sen với tính chất thanh tịnh, vô nhiễm được dùng rất nhiều, nhất là trong kinh Pháp cú (Câu 55, 58, 59, 336 401), Kinh Tập (71, 547, 812 845), Trưởng lão Tăng kệ (401, 665, 700, 701 1090), Trưởng lão Ni kệ (379 382), Kinh Tăng chi (Chương V, phẩm XVIII, kinh số 175: Kẻ bị vứt bỏ; Chương V, phẩm III, phần VIII, kinh số 28: Năm chi phần).

Một đóa sen vươn lên khỏi nước, nở tròn đầy, không bị nước nhiễm ướt được ví cho đức Phật, một bậc Toàn Giác đã vươn lên khỏi đời, chinh phục đời và không bị đời ô nhiễm (Tương ưng bộ kinh, tập III, chương I, phẩm V, kinh số 2: Thỉnh cầu; Tăng chi bộ kinh, Chương IV, phẩm I, kinh số 36: Tùy thuộc thế giới).

Hoa sen còn được sử dụng để chỉ cho sự giác ngộ ở nhiều cấp độ: sen còn ở dưới mặt nước, sen vươn vừa tới mặt nước và sen vươn lên khỏi mặt nước (Kinh Thánh cầu, Trung bộ  kinh số 26; Tương ưng bộ kinh, tập I, chương VI, kinh số 1: Thỉnh cầu; Kinh Đại bổn, Trường bộ kinh số 14).

Trong kiến trúc, motif hoa sen không thể thiếu ở các đền thờ tôn giáo. Ngôi đền Ấn giáo tiêu biểu là đền Akshardham  ở Delhi, Ấn Độ có rất nhiều họa tiết hoa sen đẹp tinh xảo, tỉ mỉ, sắc sảo, lung linh với bàn tay khéo léo của các nghệ nhân. Ngôi đền nổi tiếng Bhagat Chajju của đạo Sikh ở Punjab có mái hình hoa sen rất ấn tượng. Mặc dù hoa sen không có một ý nghĩa đặc biệt nào trong đạo Hồi, nhưng do ảnh hưởng của Ấn giáo, các cấu trúc của đạo Hồi có nhiều motif hoa sen, như ngôi đền Taj Mahal nổi tiếng, là một đóa sen khổng lồ úp ngược. Motif hoa sen có thể tìm thấy ở các mái vòm và là motif chủ đạo trong các hoa văn trang trí ở đây. Qutub Minar là một đóa sen vĩ đại trên đỉnh tháp, đồng thời cũng có nhiều bức tranh chạm trổ theo motif hoa sen. Ở New Delhi - Ấn Độ, có một ngôi đền lộng lẫy của đạo Bahai được thiết kế theo mô hình vô cùng đặc biệt và độc đáo: một hoa sen khổng lồ và nổi tiếng khắp thế giới với tên gọi “Lotus Temple” (đền Hoa sen) với ba tầng cánh sen trông rất bắt mắt. Và ở đây, hoa sen được thể hiện rất đa dạng, có khi cánh sen được cách điệu làm mái vòm hành lang, có lúc hoa sen uyển chuyển, sinh động qua những đường nét hoa văn trên cửa. Các hồ nước bao quanh đóa sen khổng lồ cũng có hình dáng những cánh sen.

Trong các kiến trúc Phật giáo, hoa sen là hình ảnh chủ đạo. Ví dụ tháp Bharhut do vua Asoka xây dựng từ thế kỷ thứ III trước DL và một số hạng mục tiếp tục được thêm vào dưới thời đại Shunga vào thế kỷ thứ II sau DL. Bước vào tháp Sanchi (Bang Madhya Pradesh) - một ngôi tháp rất nổi tiếng được vua Asoka xây cùng thời với tháp Bharhut, ta bắt gặp hình ảnh hoa sen từ cổng vào cho đến các họa tiết tinh xảo, sắc sảo bao quanh ngôi tháp này.

Tháp Dhamek do vua Asoka xây vào năm 249 trước DL để kỷ niệm nơi đức Phật thuyết bài pháp đầu tiên tại Sarnath, Varanasi, Uttar Pradesh cũng đầy các hoa văn, họa tiết hoa sen rất sống động và hài hòa. Trên các vách đá, mái vòm ở các hang động Ajanta và Ellora, các tranh chạm khắc họa tiết sen rất tinh xảo, tỉ mỉ và vô cùng công phu.

Không những có mặt ở những kiến trúc tôn giáo ở Ấn Độ, hoa sen có mặt ở hầu hết các chùa tháp ở các nước. Tượng đức Phật ngồi, đứng hay nằm trên đài sen là motif chung ở nhiều nước Châu Á như Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Biểu tượng hoa sen còn đi vào đời sống văn hóa xã hội ở các nước Châu Á. Ở Ấn Độ, trường đại học Punjab có mô hình tổng thể là một đóa sen. Gandhi Bawan (Chandigarh) nằm trong khuôn viên trường đại học Punjab có mô hình như những cánh hoa sen trải rộng vươn mình trên hồ nước.

Không chỉ ở Ấn Độ, một số nước châu Á cũng rất quen thuộc với hình ảnh hoa sen. Trong khuôn khổ bài viết ngắn, người viết chỉ có thể đưa ra một số ví dụ điển hình. Ở Ma Cau, đài tưởng niệm, bia mộ, những họa tiết trang trí cho đến những điêu khắc trên đá trên gỗ, người ta đều có thể bắt gặp hình ảnh của hoa sen. Với hình dáng một đóa sen nở cách điệu, Grand Lisboa nổi bật giữa trung tâm Ma Cau hoa lệ. Trung tâm hội nghị của huyện Vũ Tiến, thành phố Thường Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc được xây dựng theo mô hình một đóa sen khổng lồ trên một hồ nước trông thật ấn tượng. Ngoài ra, hoa sen còn đi vào trong cuộc sống văn hóa đời thường của người dân Ấn Độ mà nghệ thuật vẽ Rangoli[1] họa tiết sen được ưa thích nhất là một ví dụ.

Ở Việt Nam, sự hòa quyện văn hóa người Việt và văn hóa Phật giáo đã thể hiện ở những họa tiết sen khắp các nơi chùa, đình, miếu, mộ. Chùa Một Cột (còn gọi là chùa Diên Hựu), biểu tượng văn hóa của người Việt, có cấu trúc trông giống như một đóa sen vừa mới  nở soi bóng xuống hồ Linh Chiểu.

Trong nghệ thuật kiến trúc (đặc biệt là kiến trúc Phật giáo thời Lý-Trần) và điêu khắc, biểu tượng hoa sen được sử dụng rất phổ biến: trang trí ở từng bộ phận của công trình (như trên các bức phù điêu đá tảng kê chân cột, bệ tượng Phật, gạch lát nền, diềm ngói…) hoặc là biểu trưng của toàn bộ công trình (chùa Một Cột thời Lý). Hầu như tất cả các ngôi chùa ở thời kỳ này dưới mỗi chân cột là một hoa sen nở. Những bệ sen dưới tượng Phật A-di-đà, bệ sen ở tháp Chương Sơn (thuộc chùa Ngô Xá - Nam Hà), họa tiết sen trên lư đá và bệ đá chùa Khám Lạng (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang), ông sấm và bệ sen chùa Hương Lãng (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên)  là một trong những kiệt tác thời bấy giờ. Ở chùa Thầy (huyện Quốc Oai, Hà Nội) có hình con chim thần đang đứng trên hoa sen chứng tỏ một tài năng nghệ thuật cực kỳ khéo léo. Ngoài ra, hình tượng hoa sen còn xuất hiện dày đặc trong các phù điêu, đá tảng kê chân cột, bệ tượng Phật đến các dáng gốm nung và họa tiết trang trí.

Ngày nay, motif sen vẫn là họa tiết được ưa chuộng khi trang trí trong chùa, ví dụ chùa Vạn Đức (Thủ Đức), Tịnh xá Ngọc Phương  là một vài điển hình.

Trong tâm thức người Việt là biểu trưng cho sự thanh cao, cho tính chất “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” nên rất được ưa chuộng.  Biểu trưng hoa sen là nơi gặp gỡ của nhiều tôn giáo, triết thuyết, vừa đượm màu sắc triết lý Lão - Trang, vừa chứa đựng phong vị Phật giáo và cũng là sự tự tôn của các bậc “hiền nhân quân tử” của đạo Nho. Chính vì vậy, không chỉ ở những nơi trang nghiêm như chùa, đình, miếu, mộ mà hoạ tiết sen thường xuất hiện ở các hoa văn trên các vật dụng hàng ngày.

Ngày nay, hình ảnh hoa sen gắn liền với tổ chức giáo hội Phật giáo Việt Nam khi logo của giáo hội và huy hiệu của đoàn sinh gia đình Phật tử đều chọn hoa sen tám cánh làm biểu tượng.

3. Biểu tượng “ngọn đèn” và ánh sáng trong văn hóa và tôn giáo

Bên cạnh hình ảnh hoa sen, một hình tượng rất quen thuộc trong văn hóa và tôn giáo Á Đông là ánh sáng. Trong Ấn giáo, ánh sáng tượng trưng cho Phạm thiên, đại Ngã, thánh thiện, thanh tịnh tuyệt đối, năng lực tối thượng của thần linh. Thế giới ánh sáng là thế giới của Phạm thiên, của tự do, thông thái, sáng suốt, hạnh phúc, thịnh vượng. Trong khi đó, bóng tối là thế giới của quỷ thần, của xấu ác, nặng nề, ngu muội, tối tăm. Khi ánh sáng có mặt, bóng tối không có lý do tồn tại và thế giới trở nên an lành, hạnh phúc nhờ vào sự có mặt và hộ trì của chư thần linh Agni và Indra. Với niềm tin này, đốt đèn dâng ánh sáng lên chư vị thần linh để cầu trí tuệ và bình an là truyền thống của người theo Ấn giáo.

Tôn vinh ánh sáng còn thể hiện ở nhiều hình thái khác nhau trong các nền văn hóa Châu Á. Ánh sáng trở thành biểu tượng thiêng liêng không chỉ trong tôn giáo mà còn trong sinh hoạt đời sống văn hóa người Ấn Độ. Với ý niệm ánh sáng là trí tuệ, là hòa hợp, thành tựu, may mắn và bình an, nghi thức đốt đèn trong các lễ hội quan trọng để mong ước những gì tốt đẹp nhất là một phần không thể thiếu của buổi lễ.

Tất cả các gia đình theo Ấn giáo đều đốt đèn mỗi sáng và tối để dâng lên thần linh, gởi gắm vào đó những lời nguyện ước. Ngọn lửa là yếu tố không thể thiếu trong lễ cưới theo truyền thống đạo Ấn giáo. Nghi thức lễ cưới phải diễn ra quanh ngọn lửa, dưới sự chứng giám của thần ánh sáng Agni.

Trong lễ cưới, chỉ khi nào thực hiện nghi thức chàng rể dắt cô dâu đi quanh ngọn lửa thiêng 4 vòng và cầu nguyện những gì tốt đẹp nhất đến với cuộc sống thì hôn nhân thành tựu và được mọi người công nhận.

Lễ hội Diwali, một lễ hội quan trọng nhất của người Ấn Độ, diễn ra suốt 5 ngày vào cuối tháng 10 âm lịch là lễ hội ánh sáng. Trong đêm lễ chính, mọi người đốt hàng trăm ngọn đèn dầu với niềm tin rằng ánh sáng từ những ngọn đèn dầu này tượng trưng cho ánh sáng trí tuệ và thiện lành để xua tan bóng tối ngu muội và xấu ác nơi mỗi con người chúng ta.

Trong Phật giáo, hình ảnh ánh sáng và ngọn đèn là biểu trưng cho ánh sáng chánh pháp, cho ánh sáng trí tuệ. Trong kinh điển, hình ảnh “ngọn đèn” được người nghe pháp dùng để tán thán việc đức Phật chỉ rõ con đường giải thoát mà lâu nay chúng sanh sống trong mê mờ không hay biết, khi Ngài nói điều chưa từng được nghe trước đó: Người dựng đứng lại những gì bị quăng xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc”. Nội dung này được lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong các kinh, nhất là trong Trung bộ kinh và Trường bộ kinh (Trung bộ kinh 21 lần, Trường bộ kinh 13 lần).

Hình ảnh “ngọn đèn” được đức Phật dùng để chỉ cho ánh sáng trí tuệ, giải thoát (Tăng chi bộ kinh, chương II, phẩm IX, kinh số 89: Học pháp; Kinh Tập, câu số 235 ). Đức Phật còn dùng hình ảnh “ngọn đèn để chỉ đời sống phạm hạnh viên mãn, khả năng thấu nhập chân lý giải thoát thâm sâu để có thể nơi hướng về, nơi nương tựa vững chắc trên con đường hành trì. Ngài tuyên bố “Ta thuyết pháp thuần thiện, trình bày đời sống Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, thanh tịnh. Do đó, họ sống lấy Ta làm ngọn đèn, lấy Ta làm hang ẩn, lấy Ta làm chỗ che chở, lấy Ta làm chỗ nương tựa ” (Tương ưng bộ kinh, tập IV, chương VIII, phần 7: Thuyết pháp).

Cùng trong ý nghĩa này, đức Phật khuyến tấn “hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình y tựa chính mình, chớ y tựa một cái gì khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một cái gì khác” (Trường bộ kinh số 16: Đại bát Niết-bàn; Trường bộ kinh số 26: Kinh Chuyển luân thánh vương sư tử hống; Tương ưng bộ kinh, tập III, chương I, phẩm V, kinh số 1: Tự mình làm hòn đảo; Tương ưng Bộ Kinh, tập V, chương III, phẩm I, kinh số 9: Bệnh; Tương ưng Bộ Kinh, tập V, chương III, phẩm II, kinh số 13:Cunda; Tương ưng Bộ Kinh, tập V, chương III, phẩm II, kinh số 14:Celam; Tăng chi bộ kinh, Chương III, phẩm VI, kinh số 51: Hai người; Pháp cú, câu số 146).

Đức Phật còn mượn hình ảnh ngọn đènđể minh họa cho giáo lý duyên khởi: do cái này có, cái kia có, do cái này sinh, cái kia sinh. Do duyên dầu, duyên tim, một cây đèn dầu được cháy sáng. Nếu dầu và tim của ngọn đèn ấy đi đến tiêu diệt, nhiên liệu không được mang đến, thời ngọn đèn sẽ tắt (Tương ưng bộ kinh, tập II, chương I, phẩm VI, kinh số 3: Kiết sử; Tương ưng bộ kinh, tập III, chương I, phẩm IV, kinh số 6: Assaji; Tương ưng bộ kinh, tập IV, chương II, phẩm I, kinh số 7: tật bệnh;  Tương ưng bộ kinh, tập V, chương X, phẩm I, kinh số 7-8: Ngọn đèn). Cũng trong ý nghĩa này, nữ tôn giả Uppalavannā khi đốt đèn dầu để có ánh sáng dọn dẹp phòng ốc, đã lấy ngọn đèn làm đề mục thiền quán và chứng quả A-la-hán (Trưởng lão Ni kệ). Như vậy, hình ảnh ánh sáng được cụ thể hóa qua ngọn đèn là hình ảnh quen thuộc trong kinh điển cũng như trong cuộc sống hành trì của đệ tử Phật.

Ý nghĩa của ánh sáng và ngọn đèn từ kinh điển đã đi vào đời sống văn hóa Phật giáo. Tục lệ đốt đèn cúng Phật đã có từ lâu đời ở các nước châu Á. Câu chuyện về bà lão nghèo đốt đèn cúng Phật với tâm chí thành và thanh tịnh mà ngọn đèn ấy cháy suốt đêm, trong khi đó, nhà vua cúng nhiều ngọn đèn mà đều tắt sớm được ghi lại trong kinh Hiền Ngu là một điển hình. Ngày nay, ở rất nhiều nước trên thế giới, dâng đèn cúng Phật với ý nghĩa tượng trưng cho ánh sáng trí tuệ soi đường giải thoát là một truyền thống quen thuộc lâu đời.

Ngoài ra, ánh sáng thông qua ngọn đèn là một biểu tượng quen thuộc trong hầu hết các ngôi chùa và tháp ở Việt Nam dưới hình thức các trụ đèn đá, vừa đáp ứng nhu cầu biểu trưng ánh sáng trí tuệ của đạo Phật trong tinh thần “truyền đăng tục diệm”, vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng thực tế là tỏa sáng không gian chùa tháp. Tường thành và rào chắn cũng được trang trí biểu tượng ngọn đèn.

Logo của hệ thống thiền viện Trúc Lâm là ngọn đèn pháp (Pháp đăng). Bên cạnh hoa sen, ngọn đuốc được Hòa thượng trưởng lão Thích Trí Tịnh chọn làm motif chính trong cách trang trí những những trụ đèn và hoa văn trong chùa Vạn Đức, Thủ Đức.

Biểu tượng ánh sáng đã đi vào trong nguồn mạch tâm linh của người Phật tử Việt Nam. Như những nước Châu Á khác, hầu như bàn thờ Phật ở chùa hay tại gia đều không thể thiếu ngọn đèn. Tại các lễ hội lớn như Phật đản, Vu Lan, Vía Di-đà, Vía Quán Âm, hàng ngàn người tham gia lễ Hoa đăng trên các dòng sông hoặc tham gia lễ đốt nến cầu nguyện rất trang nghiêm và thanh tịnh là điều thường thấy ở Việt Nam. Đốt 49 ngọn đèn dầu trong lễ hội Dược Sư vẫn được thực hiện phổ biến ở hầu hết các ngôi chùa Việt Nam. Người Nhật thường thắp lồng đèn sáng ở trước nhà và dọc đường vào nhà để rước người thân về sum họp với gia đình nhân ngày lễ O-bon (Lễ Vu lan). Vào ngày cuối dịp lễ, mọi người tham gia lễ hội hoa đăng – thả hàng trăm, hàng ngàn chiếc đèn lồng trên các dòng sông để tiễn đưa linh hồn người thân trở về lại với thế giới của họ.

(Còn nữa)

Nguồn:https://hang-nhu.blogspot.com/


[1] Rangoli là nghệ thuật trang trí nhà truyền thống của người Ấn cho những dịp lễ hội lớn. Đó là những mô hình trang trí vẽ trên sàn nhà, được làm bằng bột gạo, vôi tôi và các thuốc nhuộm thực vật khác. Rangoli chủ yếu được phụ nữ nội trợ sử dụng để vẽ các họa tiết phức tạp được nghi thức hóa trên sân nhà hay xung quanh các vị thần trong các lễ hội tôn giáo.