Tối 22/5/2025 (25/4/Ất Tỵ), khóa “Sống chung tu học” lần thứ 29 của Giáo đoàn VI Hệ phái Phật giáo Khất sĩ (PGKS), đã chính thức được khai mạc tại Tịnh xá Ngọc Chơn (thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước), trong không khí trang nghiêm trên tinh thần lục hòa.
Lễ khai mạc dưới sự chứng minh của HT. Giác Điệp – Trị sự phó GĐ.VI PGKS; TT. Giác Nhuận – Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Phó Ban thường trực Ban Trị sự Phật giáo Q.6, Trị sự phó GĐ.VI PGKS, Trưởng ban Tổ chức khóa tu; cùng chư Tông đức Tăng Ni trong Ban Chức sự khóa tu.
Được biết, khóa tu lần thứ 29 diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 23 – 25/5/2025 (26 – 28/4/Ất Tỵ), là dịp để hàng xuất gia cùng trở về tu tập trong tinh thần “Sống chung tu học” với thời khóa sinh hoạt tu tập mỗi ngày gồm: 4 thời thiền hành và thiền tọa, 2 thời thính pháp, 1 thời chấp tác… Khóa tu quy tụ 41 hành giả Tăng Ni trực thuộc GĐ.VI PGKS về tham dự (27 vị Tỳ-kheo, 3 vị Sa-di và 11 vị Tỳ-kheo-ni).
Phát biểu khai mạc khóa tu, TT. Giác Nhuận khẳng định, khóa tu là sự tiếp nối truyền thống của GĐ.VI PGKS và thể hiện lý tưởng tu học Giới - Định - Tuệ như lời Tổ sư Minh Đăng Quang đã dạy trong Chơn Lý “Y Bát chơn truyền” rằng: “Người Khất sĩ chỉ có ba pháp tu học vắn tắt là Giới, Định, Huệ. Bởi giữ giới y bát là giải thoát mọi điều trói buộc phiền não ô nhiễm rồi, nên hằng được thong thả rảnh rang ở trong cái thật, cái không xao động, chỉ còn có nhập định và tham thiền, tức là vừa tìm học trong trí não, vừa để tâm yên lặng đứng ngừng, gọi là tâm nghỉ ngơi và trí làm việc, khỏe làm, mệt nghỉ. Khi trí làm thì năng sanh huệ, lúc tâm nghỉ thì phát thần thông. Cho nên quả linh và đạo lý tiến triển nhiệm mầu, mà người Khất sĩ thì không có phút nào gọi là lêu lổng. Nhưng đối với sự làm việc định huệ ấy, không có tướng hình chi cả, nên xem bề ngoài như kẻ ở không. Vậy thế thì giới luật là y bát, là Khất sĩ. Khất sĩ là định huệ”.
Tại lễ khai mạc, Ban Tổ chức đã phổ biến chương trình tu học chi tiết, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng vị trong Ban Quản chúng, cũng như các Phân ban chuyên trách. Đồng thời, chư Tôn đức cũng sách tấn đại chúng giữ gìn chánh niệm, trang nghiêm đạo tràng, khép mình trong giới luật và tinh thần thiểu dục tri túc của người Khất sĩ, từ đó góp phần nâng cao năng lực tu học, ngày một phát triển hơn trên đạo lộ đi đến giác ngộ, giải thoát.
Đây cũng chính là ý nghĩa của khóa “Sống chung tu học”, một nét đặc trưng trong truyền thống tu tập của GĐ.VI PGKS. Tham dự khóa tu, mỗi hành giả thêm phần được củng cố đời sống phạm hạnh, giữ vững tinh thần Khất sĩ giữa dòng đời hiện đại, đồng thời tiếp nối chí nguyện hoằng truyền Chánh pháp của Tổ sư Minh Đăng Quang và các bậc Đức Thầy đi trước.
Ban đạo từ khép lại buổi lễ, TT. Giác Nhuận sách tấn chư hành giả, là đệ tử của Đức Phật, nên trở thành người thừa tự pháp hơn là người thừa tự vật chất, thông qua bài kinh Thừa Tự Pháp (Dhammadayāda Sutta), bài kinh thứ 3 thuộc Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikāya): “Đức Phật dạy rằng, đệ tử của Ngài nên thừa kế giáo pháp thay vì chỉ thừa kế vật chất. Thừa tự pháp nghĩa là tiếp nhận, học hỏi và thực hành giáo pháp của Đức Phật, hướng đến giải thoát và giác ngộ. Trong khi đó, thừa tự vật chất chỉ là quan tâm đến của cải, tài sản và những thứ thuộc về thế gian. Nếu đệ tử chúng ta chỉ thừa kế vật chất mà không thừa kế pháp, sẽ làm tổn hại đến danh tiếng của Đức Phật và giáo pháp. Như vậy, người đệ tử muốn trở thành người thừa tự pháp cần phải từ bỏ 16 pháp bất thiện (tham lam, giận dữ, hiềm hận, giả dối, não hại, tật đố, san lẫn, man trá, phản bội, ngoan cố, bồng bột, ngã mạn, tăng thượng mạn, phóng dật, kiêu mạn), đồng thời phải cần tu tập Bát Thánh Đạo, con đường đưa đến giải thoát và giác ngộ”.
Một số hình ảnh được ghi nhận: