Bối cảnh ra đời của Hệ phái Khất sĩ

Dẫn luận

Vào thập niên 40 – 50 của thế kỷ XX, xã hội Việt Nam bước vào một giai đoạn lịch sử đầy biến động. Tình hình chính trị, xã hội bất ổn, nhiễu nhương, đời sống của người dân vô cùng khốn đốn. Tất cả như chờ đón một cuộc thay đổi triệt để, nhất là vận mệnh của đất nước và cuộc sống của người dân, vật chất cũng như tinh thần. Trước những bất an và biến động của đời sống xã hội, xu hướng chung của con người là tìm cho mình một chỗ dựa tinh thần, một điểm tựa tâm linh hầu vượt qua những cam khổ của cuộc sống. Trong lúc này, vai trò của các tôn giáo nói chung, đặc biệt là của Phật giáo – một tôn giáo đã gắn liền với lịch sử phát triển của dân tộc hàng ngàn năm – trong việc định hướng, dẫn dắt tâm linh con người là vô cùng bức thiết. Đây cũng là một áp lực đặt ra cho hàng Giáo phẩm của Phật giáo, những bậc chân tu ưu tư thao thức muốn chấn chỉnh cũng như muốn khai mở con đường tâm linh chân chính để dìu dắt tinh thần Phật tử nói chung và nhân dân Việt Nam nói riêng.

6

Trong bối cảnh đó, tại miền Nam Việt Nam (cụ thể là miền Tây Nam Bộ) xuất hiện một dạng Phật giáo mới, có hình thức bên ngoài tương tự với Phật giáo Nam tông, nhưng nội dung bên trong pháp thực hành thì đậm đà bản sắc của người miền Nam Việt Nam, yếu chỉ cũng khác với các tông phái Phật giáo đương thời tại Việt Nam. Các tu sĩ trong dạng Phật giáo này có hình tướng tam y nhứt bát, không an trụ một nơi cố định mà du phương khất thực và truyền bá Phật pháp đến người dân. Tuy khất thực hóa duyên tương tự Phật giáo Nam tông nhưng các vị Khất sĩ chủ trương ăn chay ngọ. Với tên gọi là Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, hệ thống Phật giáo này được khai sinh bởi một vị Tôn sư trẻ tuổi, có pháp hiệu là Minh Đăng Quang.

1. Thân thế Tổ sư Minh Đăng Quang

Tổ sư Minh Đăng Quang thế danh là Nguyễn Thành Đạt, xuất thân trong một gia đình Nho giáo tại làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Thân sinh của Ngài là cụ ông Nguyễn Tồn Hiếu và cụ bà Phạm Thị Nhàn. Lúc còn nhỏ, Ngài đã có những phẩm chất khác thường: thông minh, điềm đạm, giàu lòng nhân ái và thích trầm tư. Mới 14 tuổi, không giống như những thiếu niên cùng trang lứa, Ngài quan tâm nghiên cứu sách sử, thư tịch của Nho, Lão, Phật. Khi đủ cơ duyên, Ngài qua Campuchia tìm thầy học đạo. Qua một thời gian, chưa thỏa mãn với những gì do các vị sư Khmer truyền dạy, Ngài từ giã họ, trở về quê nhà và đến núi Tô Châu - Hà Tiên, lên Mũi Nai tham thiền nhập định suốt bảy ngày đêm, cuối cùng, Ngài đắc định, triệt ngộ chơn lý.

Sau khi thấu triệt được lẽ đạo, Ngài rời núi, xuống thôn làng hành trì Tứ y pháp, du hóa khắp đó đây, lấy pháp khất thực làm phương tiện tự độ, độ tha.

Nhìn thấy thân tướng trang nghiêm, lục căn tỏa sáng của Ngài, bá tánh vô cùng ngưỡng mộ, họ rủ nhau đến thưa hỏi Ngài về đạo lý mà Ngài đang hành trì. Ngài giảng giải thông suốt, khế lý, khế cơ, thỏa mãn sự tìm hiểu của mọi tầng lớp thính chúng. Trong số những người đến nghe Ngài giảng, có một số người phát tâm xuất gia, nguyện đi theo Ngài sống đời tu sĩ, những người chưa đủ duyên thoát tục, xin làm cư sĩ, vừa thực hành pháp dành cho cư sĩ, vừa hộ trì Chánh pháp.

2. Nhân duyên thành lập Đạo Phật Khất Sĩ

Vạn pháp trên thế gian này có ra đều nằm trong quy trình nhân quả. Kết quả xuất phát từ nguyên nhân. Có 3 nguyên nhân chính để Đạo Phật Khất Sĩ ra đời, đó là:

– Tình hình đất nước Việt Nam và Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ (1946 – 1954).

– Hưởng ứng phong trào chấn hưng Phật giáo với tất cả tâm huyết “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”.

– Đáp ứng nhu cầu của đại đa số quần chúng.

a. Tình hình đất nước Việt Nam và Phật giáo Việt Nam (1946 – 1954)

Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam ra đời, sau này là Hệ phái Khất sĩ, không tách rời bối cảnh Phật giáo Việt Nam đang trong phong trào chấn hưng, giai đoạn của những thập niên 40 – 50 như đã đề cập trong phần dẫn luận. Tình hình Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ như nhận định của TT. Thích Mật Thể trong Việt Nam Phật giáo sử lược: “Những bậc cao Tăng tuệ đức thì ít như sao mai, kinh điển còn nằm nguyên trong Hán tạng, người xuất gia thì quên chí nguyện cao cả của mình là: “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự” để hoằng hóa Chánh pháp, phổ độ chúng sanh, lại còn đồng hóa theo thế tục, đời sống bất tịnh, lấy sự cúng kiến làm kế sinh nhai. Người xuất gia như thế thì người tại gia làm sao còn biết được Phật pháp là gì. Ngay cả Phật Thích-ca làm gì, ở đâu, lịch sử ra sao cũng không biết nốt, thì còn nói chi đến việc học đạo tu tập. Nhìn chung thì cả bầu trời Phật giáo Việt Nam lúc đó đang chìm trong bóng tối âm u[1].

Thật ra, Phật giáo Việt Nam đã bắt đầu suy yếu từ thời Hậu Lê (thế kỷ thứ XV). Nhìn chung, hầu hết vua quan phong kiến đều chuộng giáo lý nhà Nho, vì đạo lý “tam cang ngũ thường” rất có lợi cho chế độ phong kiến. Mãi đến thế kỷ XIX – XX, nền công nghệ kỹ thuật Tây Âu du nhập vào Việt Nam, đạo lý Nho giáo trở nên lỗi thời. Các nhà trí thức Nho giáo ý thức được điều đó, thấy đạo Phật rất nhân bản và có tính khoa học thực tiễn, thích ứng với mọi thời đại, nên họ quay sang kêu gọi xương minh Phật giáo, hầu bảo vệ bản sắc dân tộc, hạn chế ảnh hưởng văn hóa Tây Âu. Tiêu biểu cho lớp trí thức này có các cụ Phan Khôi, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… Lời kêu gọi của các cụ như phát pháo hiệu lệnh, mở màn cho phong trào chấn hưng Phật giáo sau này. Một phần nữa, cũng do ảnh hưởng từ phong trào chấn hưng Phật giáo quốc tế ở Ấn Độ, Tích Lan, Trung Hoa...

Tại miền Nam có các HT. Khánh Anh, HT. Huệ Quang, HT. Huệ Định… thành lập Hội Lục liên hiệp Phật giáo Việt Nam và cho ra đời Tạp chí Từ Bi Âm (1932).

Tại miền Trung, HT. Giác Tiên thành lập Hội An Nam Phật giáo với sự cộng tác của quý HT. Phước Hậu, HT. Phước Huệ… và một số nhà trí thức cư sĩ như các cụ Lê Đình Thám, Nguyễn Khoa Toàn, Nguyễn Khoa Tân… xuất bản Tạp chí Viên Âm.

Tại miền Bắc có Hội Bắc Kỳ Phật học do quý HT. Thích Trí Hải, HT. Tâm Bảo... sáng lập và cho ra mắt Tạp chí Đuốc Tuệ do cư sĩ Nguyễn Năng Quốc làm chủ nhiệm.

Cả 3 miền Nam-Trung-Bắc đều rầm rộ hô hào chấn hưng Phật giáo bắt đầu từ năm 1923 cho đến năm 1935. Tuy nhiên, trong thời gian hơn mười năm hoạt động, phong trào chấn hưng vẫn còn nặng về mặt lý thuyết, chưa đi sâu vào thực hành như nhận định của TT. Thích Mật Thể: “Phật giáo hiện thời đã có phần chấn chỉnh. Nhưng có một trở lực mà chưa hội nào hay sơn môn nào giải quyết, là bằng cổ động thì hội nào cũng cổ động bằng quốc văn là nền văn hóa phổ thông, nhưng kho kinh điển triết lý nhà Phật vẫn còn nguyên khối bằng Hán văn. Vả lại, dấu tích đồi bại, điêu tàn của ngày qua, hiện nay vẫn còn lưu hành rõ rệt và có thế lực. Nên thật ra, cả mấy hội Phật học ấy, ngoài mấy việc xây hội quán, làm chùa và cổ động một số đông người quy y, còn chưa hội nào làm được việc gì vĩ đại có vẻ đỉnh cách cho nền Phật giáo cả.

Trong lúc này, đại đa số Tăng đồ trong sơn môn vẫn còn mơ màng thiêm thiếp, chưa làm một việc gì tỏ rõ là người thức tỉnh. Cho nên, tuy hiện giờ có phong trào chấn hưng mà kỳ thực mới là chấn hưng hình thức và danh hiệu [2].

Phản ánh thực tế này, Tổ sư Minh Đăng Quang trong Chơn lý “Tông giáo” cũng đã nói: “Đạo Phật ngày nay đã không còn giống y như xưa nữa; ai cũng gọi là đệ tử Phật, niệm tên Phật mà không giữ giới luật. Tông giáo càng rộng, sự tín ngưỡng càng nhiều thì giới lại càng mất, triết lý càng lu; Tăng đồ càng suy, thì vật chất càng thạnh. Tăng là giềng mối tâm hồn, là tinh thần sanh chúng, thế mà Tăng chia lìa, thất lạc, thì thần vật chất sao chẳng hoành hành, chôn lấp chúng sanh? Trần thế trách sao không nguy hại?[3]. Tình hình Phật giáo nói chung và tình hình Phật giáo miền Nam nói riêng, đặc biệt là miền Tây Nam Bộ, lại càng suy vi bi đát hơn. Nam Bộ vốn là vùng đất mới của Tổ quốc, Phật giáo ở vùng này có điểm khác biệt với Phật giáo miền Bắc và miền Trung, vốn có truyền thống lịch sử lâu đời. Phật giáo miền Tây Nam Bộ là sự pha trộn giữa tín ngưỡng dân gian mang đậm màu sắc mê tín, cùng với tâm thức con người còn in đậm yếu tố môi trường sống của một vùng đất mới khai phá còn hoang vu, đầy sơn lam chướng khí và thú dữ. Tính cách của người dân nơi đây vốn chất phác, nhân hậu, hào hiệp nhưng cũng rất dễ tin, nên họ dễ bị tiêm nhiễm những tư tưởng tiêu cực, ít bữa nghe nói chỗ này Phật về, vài hôm lại nghe chỗ kia Thánh hiện. Lắm người tự xưng mình là Phật mượn xác, là Thánh nhập hồn để cứu nhơn độ thế. Tà giáo ngoại đạo lợi dụng kẽ hở này để xâm nhập vào những nơi tín ngưỡng như chùa chiền, điện miếu, những bậc tuệ đức thì hiếm hoi, hoạt động tín ngưỡng thì lỏng lẻo, thiên về cúng bái quàng xiên, thiếu môi trường giáo dục. Vì vậy, cả tu sĩ lẫn cư sĩ mỗi ngày một ít, từ chỗ chánh tín chuyển thành mê tín, chánh mạng thành tà mạng là điều không tránh khỏi.

Sự suy vi xuống dốc của Phật giáo Việt Nam là do ảnh hưởng từ bên ngoài xã hội Việt Nam.

b. Bối cảnh lịch sử và xã hội Việt Nam

Như trong phần dẫn luận đã đề cập, bước vào giai đoạn nửa cuối của thế kỷ XX, xã hội Việt Nam đứng trước những biến động, xáo trộn dữ dội trên mọi lĩnh vực của đời sống, chuẩn bị cho một cơn chuyển mình của lịch sử dân tộc.

- Về tình hình chính trị, những mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việt Nam đến giai đoạn này phát triển một cách gay gắt, quyết liệt, không thể điều hòa được. Đó là mâu thuẫn giữa dân tộc bị trị và đế quốc cai trị, mâu thuẫn giữa giai cấp địa chủ phong kiến và nhân dân lao động. Thời kỳ đất nước tạm ổn định để thực dân Pháp khai thác thuộc địa vào đầu thế kỷ không còn nữa. Vào giai đoạn này, xã hội Việt Nam ngoài sự tồn tại của guồng máy thống trị thực dân Pháp còn có sự hiện diện của bộ máy phát xít Nhật. Người dân Việt Nam phải sống trong tình cảnh “một cổ đôi tròng”: Thực dân – Phát xít, có thể kể thêm bộ máy phong kiến mục ruỗng của triều đình nhà Nguyễn ở Trung và Bắc Kỳ. Ngược lại, đây cũng là giai đoạn mà các phong trào yêu nước và cách mạng của nhân dân bùng phát mạnh mẽ dưới nhiều xu hướng chính trị nhằm mục tiêu độc lập dân tộc.

- Về văn hóa, xã hội Việt Nam vào giai đoạn này cũng diễn ra những thay đổi toàn diện và sâu sắc: Từ những thập niên đầu của thế kỷ XX, cùng với công cuộc bình định và khai thác thuộc địa, thực dân Pháp đã mở mang đường sá, chợ búa, trường học, bãi bỏ lối học và chế độ khoa cử phong kiến, cho ra đời ngày càng đông tầng lớp trí thức tân học, hấp thụ văn hóa và văn minh phương Tây. Phong trào Âu hóa bên cạnh những yếu tố tích cực về quan niệm tự do, giải phóng cá nhân ra khỏi chế độ đại gia đình phong kiến, xây dựng hoài bão phục vụ xã hội… làm mai một nhiều phẩm chất đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Những đòi hỏi tự do cá nhân cực đoan dễ dẫn đến lối sống ích kỷ, phóng túng, sa đọa. Xã hội ngày càng thiên về những giá trị vật chất tầm thường, thì các giá trị tinh thần dần dần bị phá sản. Thực dân Pháp lại nuôi dưỡng bộ máy thống trị phong kiến lạc hậu ở nông thôn để làm chỗ dựa kìm kẹp đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân.

- Về kinh tế, quan hệ kinh tế hàng hóa và kinh tế tiền tệ theo tư bản công nghiệp của thực dân Pháp từng bước đẩy lùi và thu hẹp phạm vi kinh tế tự túc tự cấp tiểu nông phong kiến để hình thành một nền kinh tế thuộc địa nửa phong kiến. Hình thái kinh tế này đã đẻ ra tầng lớp tiểu thị dân và tư sản thành thị bên cạnh tầng lớp địa chủ phú nông vẫn được duy trì để làm chỗ dựa cho chính sách bóc lột của thực dân Pháp. Trước tình hình đó, đại bộ phận nhân dân ta và người lao động nói chung ngày càng bị đẩy vào con đường bần cùng, bế tắc.

Có thể nói rằng, xã hội Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX là một giai đoạn cực kỳ xáo trộn và khủng hoảng. Tất cả yếu tố trên trở thành một tiền đề tất yếu cho những cải cách triệt để, cách mạng nhất, không chỉ về mặt chính trị mà còn cả về đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.

Hoàn cảnh Phật giáo và xã hội Việt Nam lúc bấy giờ là nhân tố quyết định cho Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam ra đời để “dựng lại những gì đã bị nghiêng đổ, khêu tỏ ngọn đèn đã lu mờ”.

2. Hưởng ứng phong trào chấn hưng Phật giáo với tất cả tâm huyết “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”

Theo quan điểm của Tổ sư Minh Đăng Quang, sự chấn hưng Phật giáo phải đặt nặng trên phương diện thực hành chớ không phải hô hào suông. Từng cá nhân Tăng sĩ phải ý thức trách nhiệm của mình trước sự suy vong của đất nước và đạo pháp, phải làm một cái gì đó để đóng góp vào công cuộc chấn hưng này. Nghĩa là hơn ai hết, bản thân của tu sĩ phải gương mẫu chấn hưng trước, phải nghiêm túc thực hành Giới – Định – Huệ, lấy Tứ y pháp và nếp sống Lục hòa kỉnh làm nền tảng cho sự tu học. Trong Chơn lý “Tông giáo”, Tổ viết: “Tăng chúng phải đủ giới luật để quy hợp cư gia, để gắn liền tông giáo, hầu vẹt bóng mê tín, đem cõi đời trở lại ban ngày y như Phật hồi xưa khi trước”.

“… hãy nghĩ đến Đạo, đến Phật, đến chúng sanh,… phải nâng cao giới luật, đó mới là phận sự của Tăng bảo,… Phải tạo nấc thang cho người lên, phải chỉ bờ mé cho người đến, phải sắm tàu ghe vớt người nguy, đó mới là phận sự chánh của Tăng-già… Thật vậy, chỉ có Tăng chúng mới lập đạo đặng”.[4] Thiết nghĩ, những lời nhận định ấy không gì xác đáng và minh triết hơn. Những bình luận của Tổ sư cho đến bây giờ vẫn còn đáng cho giới tu hành suy ngẫm và dường như nó vẫn còn nguyên vẹn giá trị và tính thời sự.

Đau xót trước bối cảnh đất nước và đạo pháp suy vi như thế, Tổ sư Minh Đăng Quang muốn làm một cái gì đó để “kịp thời cứu nguy” cho đạo pháp và dân tộc. Ngài xác tín giáo pháp của Đức Từ Phụ Thích-ca Mưu-ni là vô cùng quý báu, là phương pháp “ly khổ đắc lạc” chắc thật, miên viễn, Bát chánh đạo là con đường tối ưu để giải thoát chúng sanh ra khỏi mọi khổ ách của trần thế.

Cùng với phong trào chấn hưng Phật giáo của các bậc Tôn túc đang phát động, Tổ tư duy chín chắn rồi dũng cảm thực hành ngay và động viên hàng môn sinh thực hành triệt để những giáo điều của nhà Phật, khôi phục lại nếp sinh hoạt của Tăng đoàn ngày xưa. Sự có mặt của Đạo Phật Khất Sĩ trong những năm 1946 – 1954 là vô cùng cần thiết, là hết sức kịp thời cho phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, để làm gương sáng cho giới Tăng sĩ và để củng cố niềm tin chân chính cho giới cư sĩ tại gia. Bởi vì Tổ nói Giới luật còn thì đạo Phật còn, ở đâu có giới luật ở đó có đạo Phật. Đức Phật cũng nói Giới là thọ mạng của Tăng-già, ở đâu có Bát chánh đạo (Giới, Định, Huệ) ở đó có Sa-môn (Sramana): “Sau khi Ta nhập Niết-bàn, các người phải lấy Giới làm thầy, nếu Ta còn sống thì cũng vậy thôi, không khác. Nghĩa là phải triệt để tôn trọng giới luật(Kinh Di giáo).

Với tâm nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, Tổ sư Minh Đăng Quang quyết tâm khôi phục lại pháp hành của Tăng-già khi Phật còn tại thế, lấy Tứ y pháp và nếp sống Lục hòa kỉnh làm pháp hành căn bản. Tứ y pháp là 4 chỗ nương tựa thiết yếu: Ăn, mặc, ở, bệnh. Con người được tồn tại không thể thiếu 4 nhu cầu này. Nhưng nếu con người không biết giới hạn thì cũng chính 4 nhu cầu này sẽ thiêu đốt, nhận chìm con người trôi lăn trong vòng luân hồi vô lượng kiếp, mất hết tự do, mất hết chủ quyền và chịu khổ đau đến vô cùng vô tận. Thế nên đối với người xuất gia, muốn đi trọn con đường tâm linh để đạt đến giác ngộ giải thoát thì phải ý thức đâu là nhu cầu cần thiết và đâu là tâm tham lam hưởng thụ để không rơi vào 2 cực đoan thái quá (ép xác) và bất cập (hưởng thụ). Tổ dạy: “Tứ y pháp là Chánh pháp của chư Phật mười phương ba đời, là giáo lý Y bát Khất sĩ vậy[5]. Tổ nhận xét: “Phật giáo Bắc tông tuy ăn chay nhưng không ăn ngọ và không đi vân du khất thực. Ngày ăn nhiều bữa thì bận rộn về vấn đề ẩm thực, mất thì giờ tu trì, không du phương hoằng hóa thì khó giải thoát chỗ ở và tiện nghi”.

Phật và chư Tăng ngày xưa giữ giới ăn ngọ rất kỹ. Bởi vì sự sống của Tăng sĩ chỉ bằng phương tiện khất thực, trong chùa không được phép nấu nướng, và chư Tăng Ni chỉ đi khất thực vào buổi sáng, độ cơm vào buổi trưa, chiều nghe Phật thuyết pháp và học kinh (Phật ngôn), tối tham thiền và nghỉ ngơi. Nếu ăn vào buổi chiều tối thì chiều phải đi khất thực, mất thì giờ nghe pháp, học kinh, ban đêm bị thức ăn làm nặng bụng, khó nhiếp tâm thiền định. Ngày xưa cũng có hàng cư sĩ vì quý kính Phật và chư Tăng, nên họ thỉnh Phật ăn thêm bữa sáng (điểm tâm) để cho có sức khỏe. Nhưng Phật dạy: “Ngày ăn một bữa, ta thấy có sức, ít bịnh, nhẹ nhàng, an vui”. Dầu vậy, Ngài vẫn khai giới cho những người già, bịnh được ăn thêm bữa sáng bằng thức ăn loãng, nhẹ. Tổ sư Minh Đăng Quang cũng vậy, mỗi ngày Ngài chỉ dùng một bữa duy nhất vào giờ ngọ, nhưng Ngài vẫn “mở ngoặc” cho những vị già, bịnh.

Như vậy, ta thấy bữa ăn chiều là không cần thiết. Khoa học ngày nay cũng xác nhận là bữa ăn chiều tối không sinh năng lượng mà chỉ sinh mỡ, không phù hợp với phép dưỡng sinh. Đức Phật rất minh triết trong việc chế giới ăn ngọ, căn bản là chế ngự tâm tham ăn, vì trong ngũ dục: tài, sắc, danh, thực, thùy (những chướng ngại lớn cho việc phát triển tâm linh), thì cái dục ẩm thực cũng rất nặng nề, rất khó khắc phục. Phòng hộ được 6 căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý thì giới lớn (Cụ túc Tỳ-kheo giới) và giới nhỏ (Sa-di thập giới) đều không phạm.

Về bên Phật giáo Nam tông, ăn ngọ và dùng “tam tịnh nhục”. Tổ nói: “Tam tịnh nhục là thịt của người ta, hay là thịt của thú vật, tự họ chết bỏ, không có ai giết hại[6]. Phật xưa khi hành đạo qua những vùng nhiệt đới, đất đai khô cằn, rau cỏ không mọc được, dân chúng ở nơi đây chỉ sống bằng thịt thú vật, nhưng họ rất mến mộ Phật, muốn học giáo lý của Ngài và muốn đi theo con đường tâm linh của Ngài. Vì muốn dìu dắt họ để cho họ có được sự lợi ích lớn, nên Phật linh động chế ra giới tam tịnh nhục. Đó là pháp tu phương tiện quyền xảo, không phải pháp tu căn bản.

Việt Nam ta vốn là một đất nước rất dồi dào rau quả, người dân Việt Nam có thể sống bằng rau quả, không cần đến huyết nhục chúng sanh mà vẫn đủ bổ dưỡng, để khỏi cộng nghiệp sát.

Tổ sư Minh Đăng Quang nói: “Vẫn hay rằng: giữ một cái ăn không cũng là chưa đủ, nhưng mà thiếu một điều thiện, thì cũng khó trông thành Phật đặng!”.[7]

Bằng tuệ giác của bậc chơn tu, Tổ sư Minh Đăng Quang rút tỉa ưu điểm của mỗi bên: Ăn chay của Bắc tông và ăn ngọ của Nam tông cộng với Tứ y pháp của Đức Phật. Tam y nhứt bát vân du khất thực, tự độ, độ tha, không trú xứ cố định, không cất chứa bạc tiền, không đi giày dép, không sở hữu chùa chiền, tín đồ bổn đạo (vô ngã và ngã sở) và ăn chay ngọ rồi hình thành Đạo Phật Khất Sĩ, đó là điểm nổi bật, là nét đặc trưng, là bản sắc của Khất sĩ mà những tông phái Phật giáo khác không chú trọng.

3. Đáp ứng nhu cầu quần chúng

Trước những bất an và biến động của đời sống xã hội như đã nói ở phần dẫn luận, xu hướng chung của con người là tìm cho mình một lối thoát, một điểm tựa tinh thần hầu vượt qua những khốn khổ của đời sống. Do vậy, Phật giáo là đối tượng cho con người quay về nương tựa. Nhưng Phật giáo miền Tây Nam Bộ lúc bấy giờ cũng bi thảm, không khác chi tình hình xã hội bên ngoài.

Sự xuất hiện của Đạo Phật Khất Sĩ tại miền Nam Việt Nam vào thời điểm này như ngọn đèn sáng giữa đêm tối mịt mùng, như trận mưa rào giữa trời hè khô cháy, như luồng gió mát rượi giữa khí trời oi bức, thỏa mãn khát vọng tâm linh của nhiều người.

Bước chân du hóa của chư Tăng, Ni Khất sĩ lúc bấy giờ đi đến đâu được dân chúng hưởng ứng đến đó, không có thời pháp nào của Tổ sư Minh Đăng Quang mà không có người phát khởi thiện tâm, nguyện sống đời tịnh hạnh, vâng giữ theo lời Tổ dạy. Những người chưa đủ cơ duyên thoát tục thì nguyện làm cư sĩ, vừa tu tập pháp vừa hộ trì Chánh pháp. Bóng y vàng xuất hiện ở nơi nào thì tịnh xá Khất sĩ mọc lên ở đó, như thơ của HT. Giác Toàn:

“Mỗi bước chân là mỗi đóa sen,

Sáng ngời chân lý ánh hoa đèn”.

Hàng cư sĩ thọ năm giới, tám giới, ăn chay trường và tu thập thiện, mỗi tháng 4 ngày, quy tụ về các tịnh xá rất đông, như nhà thơ Trụ Vũ miêu tả:

Như hướng dương theo mặt trời,

Một người đi cả vạn người theo chân.

Nền móng đạo đắp xây dần,

Tăng-già Khất sĩ truyền chân Phật thừa”.

Buổi ban sơ, Tổ ra đi hành đạo có mỗi một mình (nhứt bát thiên gia phạn, cô thân vạn lý du), nhưng chẳng bao lâu, số người xuất gia mỗi ngày một đông, cư sĩ tại gia cũng tăng nhanh gấp bội. Mỗi sáng, Tăng Ni đi khất thực, hình bóng y vàng bay lượn trên khắp các nẻo đường Nam Bộ, làm sống lại hình ảnh Tăng đoàn thời Đức Phật còn tại thế, quần chúng vô cùng hân hoan.

Từ thực tế đó, Tổ sư Minh Đăng Quang tùy duyên thành lập Đạo Phật Khất Sĩ để đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của quần chúng, cụ thể là nhân dân Nam Bộ Việt Nam.

Kết luận

Sinh ra và lớn lên trong thời buổi Phật giáo nước nhà trong cơn nguy biến, tình hình đất nước cũng suy thoái trầm trọng, Tổ sư Minh Đăng Quang muốn làm một điều gì đó để chấn chỉnh đạo pháp, giải phóng tâm linh con người, góp phần làm cho Giáo hội Phật giáo được hưng thạnh và xã hội trở nên bình an. Qua kinh nghiệm thực chứng, Ngài thấy giáo pháp của Đức Phật vô cùng quý báu, Bát chánh đạo là con đường duy nhất đưa chúng sanh vượt thoát khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn.

Tam tạng Kinh, Luật, Luận của Phật giáo là di sản vô cùng vĩ đại mà Đức Phật đã để lại cho chúng sanh, hiến tặng con đường đạt đến giác ngộ giải thoát, là nền giáo lý đồ sộ, là một cống hiến lớn lao cho hạnh phúc nhân loại, giá trị của nó vượt không gian thời gian. Cho đến nay, Đức Phật nhập Niết-bàn đã 2557 năm song ảnh hưởng của giáo pháp giác ngộ, giải thoát vẫn còn bao trùm khắp năm châu bốn biển, đem lại lợi ích lớn lao và thiết thực cho tất cả chúng sanh vô cùng vô tận. Vì thế, thế gian tôn vinh Đức Phật là “Tứ sanh chi từ phụ” (cha lành của bốn loài: Noãn sanh, thai sanh, thấp sanh và hóa sanh).

Cùng với phong trào chấn hưng Phật giáo đang phát động, với tất cả tâm huyết và lòng từ bi, Tổ tự hành trì và động viên hàng đệ tử thực hành triệt để những giới pháp nhà Phật, nhằm phục hưng Chánh pháp, Tổ cho đó là lối thoát duy nhất cho đạo pháp và dân tộc mà hàng Tăng sĩ có thể thực hiện được.

NT. Ánh Liên
Giáo phẩm Ni giới Hệ phái Khất sĩ


[1] TT. Thích Mật Thể, Việt Nam Phật giáo sử lược.                                                   

[2] TT. Thích Mật Thể, Việt Nam Phật giáo sử lược.

[3]Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý, tập II “Tông giáo”, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2009, tr. 110-111.

[4]Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý tập II, “Tông giáo”, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2009, tr. 111-112.

[5] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý tập II, “Chánh pháp”, Hà Nội, Nxb . Tôn giáo, 2009, tr.7.

[6] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý tập I, “Ăn chay”, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2009, tr. 321.

[7] Sđd, tr. 338.