Bốn bộ phái Tây Tạng

Ánh Sáng Mật Tông

►Lời đầu sách

►Chương 1: Ba bánh xe pháp

►Chương 2: PG hướng sang Tây Tạng

►Chương 3: Bốn bộ phái Tây Tạng

Chương 4: Tiếng nói thời hiện đại

►Chương 5: Công cụ để chứng Chánh giác

►Chương 6: Âm thanh của Chánh giác

►Chương 7: Tâm thức ở tầng cao

      với pháp quán ảnh tượng

►Chương 8: Trí tuệ từ mặt nữ tính của chúng ta

►Chương 9: Sinh, Tử, và Cảnh trung ấm

►Chương 10: Suối Nguồn của Từ Bi và Trí Tuệ

Chương 3: Bốn bộ phái Tây Tạng

Ý tưởng cho rằng cả vũ trụ này cùng với sum la vạn tượng trong đó cấu tạo thành một chỉnh thể duy nhất, trong chỉnh thể này ngay cả một yếu tố nhỏ nhất cũng tác động đến cái lớn nhất, vì những sợi dây huyền bí đã kết nối cái nhỏ nhất đó với cái nền tảng vĩnh hằng của vũ trụ, đây là cơ sở thích đáng nhất của tất cả những nền triết học mật tông.

--Walt Anderson

 

Phật giáo Ấn Độ đã có tính biện giải khi du nhập vào Tây Tạng. Người theo Phật Giáo học hỏi cả hai truyền thống Tiểu thừa và Đại thừa, sử dụng tất cả nguồn tư liệu có được, kể cả kinh tạng và mật tạng có xuất xứ từ rất nhiều bộ phái Phật giáo khác nhau ở Ấn Độ. Người Tây Tạng đã đan kết những sở học này vào trong nền văn hóa của họ, thành lập nên những bộ phái riêng đậm đà hương vị Tây Tạng. Bốn truyền thống lớn xuất hiện để dìu dắt người dân tu tập theo Phật giáo: Ninh-mã (Nyingma), Tát-ca (Sakya ), Ca-nhĩ-cư (Kagyu), và Cách-lỗ (Geluk) [1]

Phái Ning-mã (Nyingma - 寧馬)

Ning-mã là bộ phái đầu tiên và thường được gọi là Cổ phái để phân biệt với ba phái còn lại hay ba Tân phái. Tân phái dựa trên những bản kinh và những bản chú giải được phiên dịch sau này. Vị tổ khai sáng phái Ning-mã là Liên Hoa Sanh, vị đạo sư Phật giáo đầu tiên có ảnh hưởng ở Tây Tạng, không chỉ hướng dẫn cho người Tây Tạng biết cách tu tập theo Phật giáo mà còn truyền bá pháp môn mà Ngài chuyên tu là mật pháp.

Phái Ning-mã có 9 chi phần mật pháp, được sắp xếp và trao truyền ngang qua nghi thức thực hành một số nghi quỷ nhất định: ba mật pháp phỗ thông, ba pháp ngoại mật, và ba pháp nội mật. Đó là những pháp môn dẫn dắt và gia lực hành giả trong tiến trình chuyển hóa và định hướng hành vi, niềm tin, tâm niệm và cảm xúc lên trên những cảnh giới tâm thức cao hơn. Sáu mật pháp đầu tương tự với những bộ phái khác. Ba mật pháp đầu thuộc về Thinh văn thừa, Độc giác thừa và Bồ-tát thừa. Ba pháp ngoại mật là Tantra nghi lễ, Tantra nhật hành, và Tantra thiền định[2]. Ba pháp nội mật là Đại Du-già, Tùy Du-già[3], và Vô thượng Du-già[4]. Ba pháp này giúp cho hành giả nhận ra thật tướng của tâm thức, xuyên phá những diện mạo bên ngoài của thực tại. Qua đó, trí tuệ bừng sáng hướng đến chánh giác. Mục tiêu trở thành đạo lộ, và đạo lộ lại không còn dựa vào những ảnh tướng hay quán tướng nữa.

Phái Ning-mã chủ trương tịnh hóa tự tâm, chú trọng những trực nghiệm của giây phút hiện tại mà không khái niệm hóa những đối tượng của trực nghiệm. Những khái niệm méo mó, thiên lệch về các hiện tượng được chuyển hóa thành những khái niệm chuẩn xác về thực tướng của hiện tiền. Đó là một nhất thể gồm ánh sáng và sự rỗng lặng, vượt ra khỏi mọi đối nghịch và đối cực, không hề có những phân cắt làm cho người ta u mê, lầm lạc. Giáo lý của phái Ning-mã được thiết kế nhằm giúp hành giả đạt đến trạng thái tỉnh thức trong đời sống hàng ngày.

Du-già thánh tướng là một pháp môn quan trọng của phái Ning-mã. Qua đó hành giả có thể đồng nhất bản thân với vị thánh và thể nhập vào những phẩm tính cao nhất của vị đạo sư và của chư Phật nhiều đời. Những vị thánh của bộ phái là Bồ-tát Phỗ Hiền, Đức Phật thời kiếp sơ, Bồ-tát Kim Cang Thủ, hóa thân của Bồ-tát Phỗ Hiền.

Mật giáo: Terma

Phái Ning-mã sử dụng terma[5] (báu vật): thánh điển, pháp khí và tranh tượng, được vị tổ khai sơn là Liên Hoa Sanh giữ kín. Terma sẽ làm cho đầy đủ và phát huy mạnh hơn nữa những khái niệm và pháp thức của phái Ning-mã.

Người ta tin rằng những báu vật sẽ được những vị đệ tử tìm thấy và hiển lộ những khi thời gian chín muồi. Vị đệ tử đó có danh hiệu là tertons, là những vị Bồ-tát, hiện thân của Ngài Liên Hoa Sanh. Dakinis, những vị nữ thánh trí sẽ giúp đỡ, dẫn dắt chư vị tertons tìm ra được bảo điển và những báu vật quan trọng. Một khi báu vật được tìm thấy thì vị tertons sẽ truyền thừa giáo pháp. Theo truyền thuyết, nhiều nơi ở Tây Tạng có termas được dấu kín và được phong tỏa bằng những câu linh chú khiến cho người ta không tìm thấy khi chưa đúng thời. Theo thời gian, những terma được những vị tertons tiếp tục tìm thấy và công bố bằng những chiếc chìa khoá bí mật để khám phá và giảng giải, rồi tái khám phá, tái luận giải cho phù hợp với thời đại và địa phương truyền đạo. Như vậy, giáo lý của phái Ning-mã tiếp tục phát triển và tiếp tục thích nghi để có thể tiếp tục soi đường dẫn lối cho nhân sinh dù trong thời hiện tại hay tương lai, trong hoàn cảnh này hay hoàn cảnh khác. Terma sẽ được tìm thấy và được truyền bá trong thời gian cần thiết.

Phái Tát-ca

Phái Tát-ca được truyền thừa từ dòng họ Khon, một bộ tộc tuyên xưng là con cháu của tiên nhân. Những người họ Khon là đệ tử của vị đạo sư Du-già Ấn Độ tên là Virupa. Virupa trước tiên dạy cho Drogmi Shakya Yeshe (992 - 1074). Drogmi Shakya Yeshe du hành từ Tây Tạng sang Ấn Độ để học đạo và mang về Tây Tạng những giáo pháp học được từ Virupa như pháp Kalachakra[6], pháp Lamdrey[7], và pháp của những vị đạo sư Ấn Độ khác. Bộ thánh điển uy tín nhất mà phái này gìn giữ là Kim Cang Chư Kệ Tụng (Vajra Verses) của Virupa. Hầu hết những giáo thuyết trong bộ phái đều được truyền miệng từ thầy sang trò như những truyền thống mật thừa khác.

Khon Koncheck Gyelpo[8], một đệ tử của Virupa thành lập chùa đặt tên là Sakya, có nghĩa là chùa Đất Lam; lam là màu sắc của đất trong tỉnh Tsang, Trung phần Tây Tạng, nơi ngôi chùa tọa lạc. Gyelpo xem đây là một điềm tốt dựa theo hình tượng mà trước đó Atisha đã thiền quán thấy được: màu lam của đất và hai con trâu yaks hoang màu đen đang gặm cỏ bên hiên chùa. Phái Tát-ca theo đó mà đặt tên ngôi chùa, và phái Tát-ca tiếp tục truyền thừa.

Phái Tát-ca từng có truyền thống cầm quyền Tây Tạng trước những vị Đạt-lai Lạt-ma. Vị lãnh đạo của phái Tát-ca Gurga Gyeltsen Bel Sangpo[9] (1182 - 1251) nổi tiếng về trí tuệ; Goden Khan[10], cháu của Genghis Khan từng thỉnh rước sang Mông Cổ để thuyết giảng giáo pháp của Đức Phật. Năm 1253, sau khi Sangpo viên tịch, Kublai Khan thỉnh rước cháu của Sangpo là Drogen Chogyal Phagpa[11] sang cung điện của mình. Phagpa đã triển khai một dạng mẫu tự để viết tiếng Mông Cổ, qua đó càng được Kublai Khan kính trọng và vinh danh. Kublai Khan đã tuyên bố Phật giáo là quốc giáo của Mông Cổ và đã sắc phong Phagpa làm vương hầu lãnh đạo chính trị và tâm linh của ba tỉnh Tây Tạng. Phái Tát-ca đã duy trì cương vị này suốt 100 năm sau đó.

Giáo lý cốt lõi của bộ phái Tát-ca có tên là Lamdrey (phát âm là Lam - bras), có nghĩa là “Đạo lộ và Quả chứng. ” Đây là một dung hợp giữa con đường đạo và những quả vị đạt được thuộc cả nội pháp lẫn ngoại pháp. Giáo lý Đạo lộ và Quả chứng hướng dẫn hành giả tiếp nhận sự hiện hữu của thực tại hiện tiền mỗi ngày, luân hồi, không tách biệt khỏi Niết-bàn. Giáo lý Đạo lộ và Quả chứng dạy rằng khi tâm thức bị che ám thì dựng lập luân hồi; khi tâm thức trong sáng thì hiển lộ Niết-bàn.

Tâm là một nhất thể trong sáng và rỗng lặng. Vì tâm hiện hữu mọi nơi cho nên tìm là không thấy -- không ở trong thân, không ở ngoài thân, không phải trong suy nghĩ. Khi tìm tâm, không chỗ nào là không tâm. Vì vậy tâm không ở một chỗ đặc biệt nào cả. Điều này được gọi là ‘vô sở trụ’, vô sở trụ là một trong những đặc điểm của tâm. Người ta không thể biết tâm là những gì mà chỉ có thể biết tâm không phải là những gì. Yếu tính của tâm vượt khỏi mọi định tính và ngang qua đó người ta có thể thấy các pháp. Đặc điểm trong sáng có thể dùng để nói về tâm, cái nhất thể trong sáng và rỗng lặng này là cơ sở để xây dựng giáo nghĩa của phái Tát-ca.

Phương pháp tu tập của phái Tát-ca dẫn đến ba tầng bậc tu chứng, tương tự như những học viện tăng già. Tầng đầu tiên là học về giáo nghĩa, kiến thức, sau đó là những tầng cấp mật pháp cao hơn.

Phái Ca-nhĩ-cư (Kagyu - 迦爾居)

Pháp môn của phái Ca-nhĩ-cư của Phật giáo Tây Tạng bao gồm cả hai: học thuyết và thiền định. Những hành giả của phái Ca-nhĩ-cư triển khai, phát huy tâm thức và những năng lực quán chiếu.

Môn phái này chú trọng việc truyền thừa và tiếp thọ tuệ nhãn từ người thầy xuống học trò, gọi là pháp Đạo Sư Du-già. Vị đạo sư truyền đạt cho đệ tử những điều cần học hỏi, những giá trị và những hướng dẫn cần thiết, khai mở cho đệ tử nguồn tuệ kiến sâu thẳm. Pháp Đạo Sư Du-già đòi hỏi người đệ tử thờ phụng, đồng nhất với vị thầy tâm linh trong thời gian dài. Qua đó vị đạo sư có thể ‘tâm ấn tâm’ trực tiếp truyền pháp cho đệ tử. Như vậy, những hành giả phái Ca-nhĩ-cư xem trọng những pháp được truyền thọ trực tiếp từ thầy tổ.

Danh xưng Ca-nhĩ-cư có nghĩa là “dòng truyền thừa.” Marpa Choyi Lodae (1012 - 1099) và Khyungpo Nyaljor (978 - 1079) là những vị đạo sư khai sơn bộ phái. Marpa là vị dịch giả đã từng du hành Ấn Độ 3 lần, Nepal 4 lần để học đạo. Ông đã cầu học với 108 vị đạo sư tâm linh và những vị chuyên tu, trong đó nổi tiếng nhất là Naropa.

Dòng truyền thừa khởi nguồn ở Ấn Độ, sơ tổ là vị đạo sư Ấn Độ Vajradhara mà đệ tử truyền pháp là Tilopa (988 - 1069). Đệ tử truyền pháp của Tilopa là Naropa, một đệ tử đã vượt qua những thử thách và gian khó suốt 12 năm dưới sự trui rèn của thầy. Tuệ giác mà Naropa chứng được giúp cho Naropa phát huy một sức tỉnh giác rõ ràng thông suốt như bầu trời. Sáu giáo nghĩa Du-già mật pháp đã được Tilopa truyền dạy cho Naropa, Nalopa truyền dạy cho Marpa, gồm: Du-già truyền tâm, Du-già huyển thân, Du-già mộng cảnh, Du-già ánh sáng, Du-già hoả quang, và Du-già trung hữu (bardo). Naropa còn truyền dạy cho Marpa mật pháp Thời Luân bao gồm phương pháp thiết lập một Mạn-đà-la chi tiết, biểu thị thế giới hiện tượng và thế giới chánh giác. Mạn-đà-la hay linh đồ là một đồ biểu mã hóa hầu hết những tuệ kiến căn bản của Phật giáo Tây Tạng.

Milarepa (1040 -1123), đệ tử của Marpa, đã trở thành một trong những vị đạo sư vĩ đại nhất của Phật giáo Tây Tạng. Hồi còn trẻ Milarepa đã bị chiếm đoạt gia tài nên quyết học tà thuật để trả thù. Sau một thời gian, Milarepa nhận ra rằng mình đã hành động sai trái nặng nề. Ông tìm về tu học theo Phật giáo mật thừa, mong rằng nhờ đó mà thoát khỏi những nghiệp bất thiện đã trót gây tạo. Ông đã học được 6 mật pháp Du-già do vị nữ phối của Marpa truyền lại. Ông kết hợp những giáo pháp đã được Marpa truyền dạy với pháp Du-già Đại thủ ấn hay Du-già Đại biểu tướng. Ông đã vang danh khắp Tây Tạng là một anh hùng văn hóa, đồng thời nổi tiếng là một người có những thần lực Du-già vĩ đại. Ông đã viết những bài ca miêu tả tuệ kiến của mình.

Núi đồi là nơi thỏa thích, nở đầy bông hoa.

Những chú khỉ vui chơi với cây rừng.

Chim muông ca hót với dàn nhạc đệm của côn trùng.

Một sắc cầu vồng soi chiếu cả ngày đêm.

Mùa Hè và mùa Đông mang theo cơn mưa êm mát.

Mùa Xuân và mùa Thu mang theo làn sương trắng lững lờ.

Một mình, y áo đơn sơ, nơi này ta hạnh phúc.

Bởi vì ta thấy được nguồn sáng trong veo.

và quán chiếu tính rỗng lặng.

Ta cảm thấy vui thích với những ảnh hiện

Bởi vì thân hành không còn quấy ác.

Tâm thức thong dong tự tại

và cứ thế mà hân hoan.

(Milarepa in Freke 1998, 74)

Đệ tử của Milarepa là Gampopa (1079 - 1153); những đệ tử của Gampopa lại khai sáng những dòng truyền thừa riêng nhưng hầu như đều có chung những giáo nghĩa căn bản. Gampopa thiết lập một dung hợp lớn gồm: pháp Đại thủ ấn, 6 mật pháp Du-già của Naropa và những tầng bậc tu chứng của sơn môn Ca-đương (Kadampa). Nhiều chi phái do những thế hệ đệ tử nối tiếp khai sáng, tạo nên phong phú những dị biệt tinh tế trong nội bộ của phái Ca-nhĩ-cư, nhưng tất cả đều dựa trên nền tảng: Giáo nghĩa Đại thủ ấn áp dụng theo 6 mật pháp Du-già của Naropa.

Cốt lõi của phái Ca-nhĩ-cư là pháp Du-già Đại thủ ấn, một dạng quy phạm thiền tập, hiện thực hóa những triết thuyết của Trung Quán và Du-già. Vì tất cả đều là Tâm mà Tâm là rỗng lặng nên tất cả những khả thể đều là rỗng lặng trong ý nghĩa tuyệt đối và cả trong hiện thực. Nhiều phương pháp tu tập khác nhau đều có thể dẫn đến chánh giác; cũng vậy những trải nghiệm với giấc mơ, với độ ấm áp của thân thể, ngay cả với cái chết đều là những cơ hội để thực hiện chánh giác, tức là trải nghiệm trạng thái tỉnh thức, sống với trạng thái tỉnh thức. Đó là cách mà mật pháp Du-già có thể đưa đến trạng thái chánh giác ngay tại đây và bây giờ, ngay trong thân này, cuộc đời này. Phái Ca-nhĩ-cư dùng sức tỉnh giác đã được trao luyện tinh tế để chuyển hóa thân này thành Phật. Và, Phật quả sẽ trở thành phương tiện để cứu giúp tha nhân.

Phái Cách-lỗ (Geluk - 格 魯)

Phái Cách-lỗ do Tông-kha-pa (1357 - 1419) khai sáng là một bộ phái giải luận dựa trên sơn môn Ca-đương của Atisa. Phái Cách-lỗ dung hợp tinh túy của tất cả những bộ phái có trước; trong đó tân phái Ca-nhĩ-cư là một bộ phận quan trọng trong hệ thống giải luận của phái Cách-lỗ bao gồm pháp Đại thủ ấn, 6 mật pháp Du-già của Naropa để cơ cấu thành những nghi quỹ tu luyện song song với mật pháp Thời luân (Kalachakra). Phái Cách-lỗ là một dung hợp gồm năng lực tư duy kết hợp với thiền quán và triết học.

Tống-kha-pa thọ giới tại gia lúc 3 tuổi, thọ giới sa-di lúc 7 tuổi! Ông thọ học nhiều sơn môn, học thuyết khác nhau, kể cả ngành y dược, có hơn 100 vị thầy ở khắp Tây Tạng và Ấn Độ. Sau đó ông lại dạy hàng ngàn đệ tử và biên soạn phong phú những thể loại và sưu tập 18 quyển sách đề cập đến mọi phương diện của Phật giáo. Đệ tử trong sơn môn đã đứng đầu những tu viện lớn mà sau này trở thành những học đường của Phật giáo, kết hợp giữa học tập trường lớp với việc rèn luyện tâm linh.

Uy tín của dòng truyền thừa thuộc phái Cách-lỗ tỏa sáng khi vị tổ thuộc thế hệ thứ ba của môn phái là Sonam Gyatso được Hoàng đế Mông Cổ (Mongol Khan (xem chương 2) phong tặng danh hiệu Đạt-lai-Lạt-ma. Được xem là hóa thân của vị thánh bảo hộ cho Phật giáo Tây Tạng: Bồ-tát Quán Thế Âm, mỗi vị Đạt-lai Lạt-ma từ bé đã được tìm kiếm dựa trên những dấu hiệu và trực giác. Đến thời điểm thích hợp vị Đạt-lai Lạt-ma sẽ trở thành vị lãnh đạo chính trị và tâm linh của Tây Tạng.

Người học trò trải qua từ 15 đến 20 năm học tập để đạt được ba cấp độ học nghiệp mà một người có thể thành tựu. Trong chương trình học, năng lực tranh biện giáo nghĩa và mật pháp là một bộ phận quan trọng. Một vị tốt nghiệp có học vị tương đương với tiến sĩ triết học Phật giáo với danh hiệu Geshey. Vị Geshey tốt nghiệp có thể tiếp tục nghiên cứu, giảng dạy hay độc cư thiền định. Chính phủ Tây Tạng lưu vong ở Ấn Độ có 4 tu viện của phái Cách-lỗ và một học viện mật giáo để duy trì truyền thống học nghiệp vinh quang này.

Những tăng sĩ Cách-lỗ tin tưởng rằng mỗi người bẩm sinh đều có một chút chánh giác, dạng trí tuệ trực cảm từ thuở bé thơ. Từ vốn liếng nhỏ bé này người ta phát triển, tu học và trở thành toàn giác. Vị Đạt-lai Lạt-ma đầu tiên khuyên rằng: “Hãy tu tập với tâm không thiên lệch hướng về các đề mục; hãy ôm vào lòng tất cả và thật tâm trân quý tất cả.” (Druppa 1993, 158)


[1] Những chữ Hán ở đây dựa theo Tự Điển Phật Học của Đạo Uyển.

[2] Thánh Nghiêm gọi là Tác mật, Tu mật và Du-già mật.

[3] Theo A Dictionary of Buddhism by CBOST, Bangkok, 1976, trang 155.

[4] Theo A Dictionary of Buddhism by CBOST, Bangkok, 1976, trang 155.

[5] ... Trong Phật giáo Tây Tạng Terma là kinh sách của thế kỷ thứ 8, trong thời gian đầu lúc truyền bá Phật pháp, phải được dấu kín để được khám phá ra lúc cơ duyên chín muồi... Tương truyền Liên Hoa Sanh giấu các tác phẩm này trong 108 chỗ bí mật tại Tây Tạng, trong các hang cốc hay tranh tượng. (Tự điển Phật Học của Đạo Uyển, Nxb Tôn Tiáo, 2006, trang: 575)

[6] Nghĩa đen là “bánh xe thời gian”. Tantra Phật giáo cuối cùng và phức tạp nhất (thế kỷ X)... bắt đầu từ ông vua huyền thoại Suchandra ở Sambhala. Biên niên sử và Thiên văn học đóng một vai trò quan trọng trong Kalachakra; việc du nhập Kalachakra Tantra vào Tây Tạng (1027 dương lịch) là nguồn gốc của lịch Tây Tạng. Một trong những đặc điểm của hệ thống thiền định theo Kalachakra Tantra là nêu lên một vị Phật thời kiếp sơ (Adi Buddha) khiến cho số dòng dõi Phật tăng từ 5 lên 6. (theo Tự Điển Minh Triết Phương Đông do Lê Diên dịch, Nxb KHXH, Hà Nội, 1997, trang 344.

[7] Pháp Đạo lộ - Quả vị.

[8] Không-già-ninh-bảo.

[9] Khổng-già gia tán

[10] Khố-đằng Hản (Ứng Nguyên Đế).

[11] Mạc-tư-ba (Phát-tư-ba).