Bức thư hồi âm "tế nhị" của tiểu Pháp Đăng (Phần 5)

PDang p5Đêm nay những đám mây dày đặc đã che mất đi phần chiếu sáng vốn ít ỏi, thưa thớt của vầng trăng khuyết trong đêm cô quạnh buồn hiu dưới mái chùa lá nghèo nằm ngay dưới chân đồi. May mà ánh đèn phát ra từ căn phòng của tiểu Pháp Đăng cùng giọng cười nói inh ỏi của các chú tiểu đã làm cho không gian bớt đi vẻ trầm buồn và u tịch.

Pháp Bảo thì nằm trên chiếc võng móc ngang giữa hai chiếc giường tầng nằm tít trên cao mà đọc đi đọc lại bài thơ:

Khăn thương nhớ ai.
Khăn rơi xuống đất.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn vắt lên vai.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn chùi nước mắt.
Đèn thương nhớ ai,
Mà đèn không tắt?
Mắt thương nhớ ai,
Mắt ngủ không yên!
Đêm qua, em những lo phiền
Lo vì một nỗi không yên mọi bề. (Ca dao)

Vừa đọc to, vừa đong đưa chiếc võng một cách hì hục làm cho mấy chú nằm bên dưới phải liên tục lên tiếng:

- Pháp Bảo đưa võng gì mà mạnh quá vậy, làm rung chuyển cả cái phòng nè! Lát nữa nó đứt dây một cái là bay như chim về tổ luôn thì đừng có trách nha.

Pháp Bảo liền chống chân dừng lại và nhẹ nhàng xin lỗi các sư huynh trong sự ngường ngùng hết biết.

Để lấy lại sự tự tin và cũng để “đánh trống lảng” Pháp Bảo hô to:

- Ủa! Sư huynh Pháp Đăng sao không học thuộc bài thơ đi, ngày mai cô cho kiểm tra môn ngữ văn về phân tích bài thơ Khăn thuơng nhớ ai, này đó. À! Đừng ỷ lớp trưởng rồi muốn làm gì làm nha.

- Ừ! Thì đệ học trước đi, huynh có chút việc phải làm bây giờ. Pháp Đăng đáp.

Vốn cái tính “con nít” của Pháp Bảo, thì chuyện gì của sư huynh Pháp Đăng lại qua mặt được tiểu sư đệ này, khi cả hai huynh đệ gần nhau tuy không gọi là quấn quýt nhưng nửa bước cũng không rời.

- Ồ! Huynh cũng có chuyện nữa à, dạo này huynh Pháp Đăng trưởng thành rồi nha. Đúng y như lời cô giáo môn Sinh học sáng nay dạy: “Ở độ tuổi các em thì đang nằm trong giai đoạn tuổi mới lớn, trong y học gọi là tuổi dạy thì, là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ con thành người lớn nên có sự thay đổi rõ rệt về mặt sinh học, tâm lý đạo đức, người ta cũng gọi là “tuổi lưng chừng núi”.

Pháp Bảo nhắc lại lời cô nói sáng nay mà ôm bụng cười khoái chí làm các chú cùng phòng cười theo hớn hở nhìn Pháp Đăng đùa vui:

- Pháp Đăng! Nay đang ở “tuổi lưng chừng núi” á nha mấy chú. Rồi cùng cười vang.

Pháp Đăng ngượng đỏ mặt, ra hiệu cho Pháp Bảo im lặng để các chú không thừa thắng xông lên.

Pháp Bảo hiểu ý nên cũng im lặng và nhanh nhảu chạy đến ngồi bên cạnh sư huynh mà thủ thỉ:

- Ủa! Huynh làm gì vậy, cho đệ biết nữa nha.

Pháp Đăng im lặng vì cũng còn hơi giận Pháp Bảo đã gây hứng cho mấy chú kêu ghẹo mình. Một hồi lâu Pháp Đăng bảo:

- Pháp Bảo nè! Người ta viết thư cho mình, thì mình phải viết thư hồi âm lại hả.

Pháp Bảo lên giọng nói như một người từng trải:

- Thì đúng rồi sư huynh, người ta viết thư cho mình thì người ta đã bỏ công suy nghĩ và tốn tờ giấy thì mình phải bỏ công viết lại để trả lại tờ giấy cho họ chứ. Mà ai chứ Cái Út là “bà chúa” keo kiệt nha huynh. Lần trước tới giờ kiểm tra đệ xin Cái Út tờ giấy trắng để làm bài mà nhất quyết không cho đó nha. Bởi vậy không vì ly trà đá đường làm “lệ phí” thì làm gì đệ đồng ý giúp giùm Cái Út đưa thư cho huynh được.

- Mà huynh ngồi suy nghĩ nãy giờ, không biết phải viết thế nào cho phải, vì Cái Út nói là “để ý” huynh, mà huynh đâu có biết Cái Út muốn gì ở huynh.

Pháp Bảo hô to:

- Trời! Đúng rồi, sáng nay cô giáo có nói thêm là ở tuổi mới lớn các em sẽ thường rất tò mò và muốn tìm hiểu mọi thứ xung quanh, thường có tâm trạng thích người khác và muốn hy sinh cái gì đó cho người mình thích. Huynh không nhớ là sáng nay tụi Tý Ngầu ghẹo huynh đệ mình khi to tiếng hỏi cô:

- Chú tiểu có dạy thì không cô!

Làm cả lớp ai cũng úa lên cười, huynh đệ mình ngượng đỏ mặt. À! hay là Cái Út đang ở "tuổi lưng chừng núi" không huynh.

Pháp Đăng giật mình nhanh chóng bịt miệng Pháp Bảo lại, kẻo các chú khác mà nghe được thì nguy. Pháp Đăng nói:

- Trời! Vậy huynh phải làm sao. Huynh sợ quá, chuyện này mà lọt đến tai thầy là tiêu đời huynh luôn.

Pháp Bảo trả lời trong vẻ thì thầm như một nhà tư vấn đầy kinh nghiệm và hiểu tâm lý người đối diện.

- Bây giờ! Huynh phải dứt khoát, viết thư hồi âm lại cho Cái Út là:

Cái Út thân mến!

Tôi là chú tiểu, nên chắc tôi không có tuổi dạy thì gì đó mà cô giáo nói đâu. Cái Út không được phép “để ý” tôi, tôi viết thư hồi âm để trả lại cho Cái Út tờ giấy và cũng thành thật xin lỗi khi Cái Út đã vì tôi mà bị muỗi chít và bị mẹ la. Mà lần sau Cái Út đừng nói dối mẹ nha, thầy tôi dạy nói dối là mang tội nặng lắm á.

Cái Út đừng buồn tôi nha, vì tôi không biết đã làm gì mà bị Cái Út để ý. Thầy tôi thường dặn: mấy chú đi ra ngoài đời học coi chừng bị cám dỗ và cọp dữ ăn thịt. Tôi sợ bị Cái Út để ý lắm, vì thầy tôi mà biết là bị đánh đòn á Cái Út.

Tôi trả lại bức thư mà Cái Út viết cho tôi luôn á. Một lần nữa cảm ơn Cái Út nha.

Kính thư! Lê Hoàng Hải Đăng. (Lớp trưởng lớp 8A1).

Vừa viết xong, cả hai huynh đệ thở dài, xếp cẩn thận vào trong cặp để chuẩn bị cho sáng mai đi học gửi lại cho Cái Út là coi như thở phào nhẹ nhõm.

Mấy ngày nay, từ ngày Cái Út nhận được bức thư hồi âm của Pháp Đăng. Cái Út đã tỏ ra vẻ giận dữ và thề không nhìn mặt Pháp Đăng nữa, đi đến đâu Cái Út cũng bêu xấu cho bạn bè cùng lớp: Pháp Đăng là người không có dạy thì, kẻ máu lạnh và vô tình.

Sự phản ứng đột ngột của Cái Út đã làm cho Pháp Đăng và Pháp Bảo buồn bã và lo lắng vô cùng.

Cũng chính vì chuyện này, mà đã xảy ra mâu thuẫn nghiêm trọng để dẫn đến cuộc đụng độ giữa tụi Tý Ngầu và các chú tiểu ở chùa trong một trận quyết chiến “sinh tử” để dẫn đến sự ra đi của sư huynh Pháp Tất.

CÒN TIẾP PHẦN 6: Trận chiến mới bắt đầu

Dựa trên câu chuyện có thật của chú tiểu Pháp Đăng.

* Câu chuyện buồn của chú tiểu Pháp Đăng (Phần 1)

* Bức thư "tế nhị" đầu đời của tiểu Pháp Đăng (Phần 2)

* "Phiên tòa" đột xuất trong đêm (Phần 3)

* Tiếng khóc của những đứa con không thừa nhận (Phần 4)