Bước đầu tìm hiểu Hệ phái Khât sĩ

Từ duyên hạnh ngộ Sư Giác Toàn (1) …

Trung tuần tháng 4-2008, đoàn cán bộ, nhân sĩ, văn nghệ sĩ, nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh do bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM làm trưởng đoàn đến thăm hỏi, tham quan, chia sẻ, giao lưu động viên tinh thần, hỗ trợ thiết thực các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa (Biển Đông) thiêng liêng của Tổ quốc. Trên chuyến hải trình hàng ngàn cây số, hơn 7 ngày đêm này, lần đầu tiên có một nhà sư khả kính tham gia: Hòa thượng Thích Giác Toàn, nhà sư thuộc Hệ phái Tăng-già Khất sĩ, dáng người đậm thấp, từ tốn, hòa đồng với hơn 150 người đồng hành. Tôi vẫn còn nhớ câu chuyện Sư (2) kể cho chúng tôi nghe về “Bóng mát quê hương” khi Phật Thích Ca đứng ở biên cương, thuyết phục và ngăn cản đoàn quân xâm lược nước Ca Tỳ La Vệ - tổ quốc của Ngài. Ngay Đức Phật vẫn lưu giữ tình yêu đất nước, huống hồ mỗi con người chúng ta, đó là thông điệp Sư Giác Toàn nhắn nhũ chúng tôi.

Hòa thượng Thích Giác Toàn và đoàn tham quan Trường Sa (ghi ảnh ngày 12-4-2008)

Một lần khác, mùa Vu Lan, Sư thuyết pháp về đạo hiếu tại chùa Ấn Quang, về “Tứ trọng ân”, trọng tâm là ơn cha mẹ nhiều đời, nhưng tôi ấn tượng nhất khi Sư nói về ân vua tức ân “Tổ quốc”, hàm ơn với những người quản lý, người bảo vệ non sông, để mọi người được sống yên lành, được tu tập.

Đầu năm Canh Dần (17-2-2010), Sư Giác Toàn đưa đoàn hành hương hơn 400 Phật tử về chiêm ngưỡng Linh Bửu tự, nơi đây Giáo chủ Minh Đăng Quang khai sáng ra hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam, thực hành “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, theo con đường truyền thống mà Phật Thích Ca đã vạch ra, noi gương Phật Tăng xưa sống đời phạm hạnh của một "du phương khất sĩ". Theo Sư Giác Toàn giải thích; đây là "một sắc thái Phật giáo đặc thù, biệt truyền tại miền Nam Việt Nam". Lịch sử Phật giáo ghi nhận, thành quả hoằng pháp theo Hệ phái Khất sĩ đã hình thành khắp Nam Bộ; số Tăng, Ni xuất gia theo Ngài học đạo vào những năm đầu thập kỷ 50 thế kỷ XX có trên trăm vị, người quy y thọ giới tại gia hơn vạn người; Tịnh xá được thành lập hơn 20 ngôi tại các tỉnh miền Đông và đồng bằng sông Cửu Long. Ngài hành đạo thuyết pháp độ sanh được khoảng 10 năm thì thọ nạn và vắng bóng (2-1954).

Linh Bửu tự đang được xây dựng trên khuôn viên cũ, nơi Tổ sư Minh Đăng Quang trú trì hoằng pháp (ghi ảnh ngày 17-2-2010)

Sau ngày 30-4-1975, chủ trương thống nhất các hệ phái trong Phật giáo hai miền Nam - Bắc được tất yếu đăt ra đồng hành cùng cả nước; Hội nghị thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam được tổ chức tại chùa Quán Sứ, Hà Nội (11-1981), Hệ phái Khất sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng đã chính thức trở thành một trong 9 tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời đại đất nước hòa bình, độc lập và thống nhất (3). Đến nay, đúng một hoa giáp (60 năm, năm Giáp Ngọ 1954-2014) Tổ sư vắng bóng, Hệ phái phát triển không ngừng, hàng trăm ngôi tịnh thất, hàng ngàn Tăng Ni và hàng trăm ngàn cư sĩ Phật tử tu tập theo Hệ phái, gắn bó chặt chẽ với đạo lý và truyền thống, văn hóa thuần Việt.

… Đến chiêm bái tịnh xá và giáo lý Hệ phái Khất sĩ thuần Việt

Khởi đầu, theo sự điều động của Tổ sư Minh Đăng Quang, mỗi đoàn (khoảng 20 Tăng hoặc Ni), du phương khất sĩ hành đạo khắp các tỉnh Nam Bộ; không chấp giữ tiền bạc và của cải riêng tư, rất gần gũi và nhận được nhiều cảm tình thân thương của người Phật tử mộ đạo; về sau, được cúng dường đất đai và tiền bạc, các ngôi tịnh xá được dựng lên ở nhiều nơi để cho chư Tăng có nơi tạm trú tu học, và cho bá tánh có chỗ nương dựa tinh thần.

Tịnh xá ra đời, nơi thờ tự đức Như Lai, tiêu biểu trí tuệ Chánh đẳng Chánh giác. Khác với các chùa, kiến trúc tịnh xá hình bát giác, trung tâm là tượng Đức Cồ Đàm, như đang thuyết giảng, xung quanh là các Tăng Ni, cư sĩ lễ bái hoặc tịnh tâm lắng nghe pháp thoại. Hình ảnh quây quần nơi đức Giáo chủ thân cận và cung kính biết bao! Phía sau tượng Như Lai là bàn thờ Tổ sư Minh Đăng Quang rất khiêm nhường với thần thái của bậc chân tu trẻ, đức độ.

Tổ sư Minh Đăng Quang

Tất cả các tịnh xá đặt tên chữ Ngọc ghép cùng một từ chọn lựa, như Ngọc Quang, Ngọc Mỹ, Ngọc Định, Ngọc Tín… Tịnh xá Ngọc Quang (Sa Đéc), nơi Tổ sư Minh Đăng Quang chia tay với các đệ tử, du phương về Vĩnh Long, Cần Thơ và lâm nạn thất tung ở Bình Minh từ 2-1954 đến nay (tròn 60 năm).

Giáo lý Hệ phái Khất sĩ bắt nguồn từ các tạng kinh của Phật giáo chính thống, điểm nhấn là đạo đức làm người, căn bản của hành trạng giáo hóa và tự trao dồi phẩm hạnh của mỗi người. Tổ sư Minh đăng Quang truyền dạy triết lý sống gần gủi với dân trí và văn hóa thuần Việt, nhất là Nam bộ thời bấy giờ.

Mỗi người phải biết chữ
Mỗi người phải thuộc giới
Mỗi người phải tránh ác
Mỗi người phải (học đạo) làm thiện.

Hiện nay, xóa mù và phổ cập đã xong, “biết chữ” không chỉ là đọc thông, viết thạo mà là tri thức xã hội, thấu hiểu kinh tạng ngày một sâu sắc hơn để ngộ về “Đạo”, ứng xử người với người vị tha, nhân bản hơn.

Việc nhuần nhuyễn giáo lý Phật-đà được Tổ sư Minh đăng Quang ghi lại trong bộ Chơn lý (69 tiểu luận); dung hợp hai tông phái Phật giáo (Bắc tông và Nam tông), đưa ra con đường trung đạo gần gũi với dân chúng, giúp cho mọi tầng lớp trong xã hội tiếp cận với chân giá trị của Đạo Phật thuận lợi hơn trong tu tập. Tổ sư chủ trương và thường khuyến hóa chư đệ tử với quan niệm “Ta là tất cả, tất cả là ta, ta sống cho tất cả thì tất cả sống cho ta, tiếng ta đây là tất cả, đó tức là chơn lý vũ trụ” với phương châm hành đạo do Sư đề ra, cụ thể hóa tinh thần tam tụ - lục hòa (4) mà chư Phật đã dạy từ ngàn xưa là:

Cái Sống là phải sống chung,

Cái Biết là phải học chung,

Cái Linh là phải tu chung.

Về mục đích và phương thức tu tập theo lối "khất sĩ" được lưu truyền: "Sự xin ăn không phải là hèn kém, chẳng qua việc ấy nhắc nhở người tu hành phải biết nhẫn nhục và chịu đựng những thử thách, để lòng tự ái, dục vọng... chóng tiêu dần. Đồng thời qua đó, nó còn giúp người tu luyện trí, tạo cho mình những niềm lạc quan siêu thoát hơn. Về phần người bố thí, qua hình ảnh của người "khất sĩ", họ sẽ hiểu được phần nào là "an vui thanh sạch", là "trầm luân khổ ải" để sớm thức tỉnh, tìm đến con đường giải thoát phiền muộn. Tóm lại, đối với người tu, nếu không làm "khất sĩ" để vừa hóa trai, vừa tu học thì không dễ gì đạt được đạo quả vô thượng”.

Qua quá trình khất sĩ, chính cái xin, cái học, cái dạy, cái cho; nương sanh mở ra con đường tiến bước. Con đường ấy được Tổ sư gọi là Đạo: Đạo của sống là xin nhau sống chung. Đạo của biết là học chung, Đạo của Linh là tu chung. Ý nghĩa triết lý của cuộc sống tu tập giá trị bền vững lâu dài, không chỉ cho giới tăng lữ, mà có thể vận dụng trong cuộc sống hiện tại của mọi người, hội nhập vùng miền, dân tộc, quốc gia, quốc tế.

Tóm lại, là người cư sĩ Phật giáo tự nguyện, chúng ta có thể tự hào với Thiền phái Trúc lâm thuần Việt do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập; đây là tâm vĩ mô trong Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Nam bộ nói riêng và cả nước còn có thể tự hào với Hệ phái Khất sĩ thuần Việt với giáo lý và triết lý sống đạo hạnh, thân dân, yêu nước và tiến bộ.

---------------------------

Chú thích:

(1) Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì Tịnh xá Trung tâm (quận Bình Thạnh, TP.HCM)

(2) Hòa thượng Giác Toàn khi thuyết pháp hoặc trò chuyện tự xưng là “Sư” rất khiêm tốn, thân thiện

(3) Theo Thượng tọa Thích Giác Toàn, "Tổ sư Minh Đăng Quang với chí nguyện nối truyền Thích Ca chánh pháp" in trong kỷ yếu Hội thảo khoa học “300 năm Phật giáo Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh”, Nxb Tổng hợp TP. HCM, 2002, tr.42-48.

(4) Tam tụ là: 1/ Dứt các điều ác. 2/ Làm các điều lành. 3/ Từ bi tế độ tất cả chúng sinh. Lục hòa là: 1/ Thân cùng nhau hòa hiệp ở chung. 2/ Miệng không tranh đua cãi lẫy. 3/ Ý ưa nhau không trái nghịch. 4/ Giới luật đồng cùng nhau tu theo. 5/ Kiến thức riêng chỉ giải cho nhau. 6/ Tứ sự chia đồng với nhau.

Nguồn: chuaxaloi.vn