Các bài cảm tưởng khóa Bồi dưỡng đạo hạnh của Hệ phái lần 1

 

GIÁC ĐĂNG THỌ (TX. NGỌC VIÊN – VĨNH LONG)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch chư Tôn Hòa thượng chứng minh,

Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni trong Ban Quản chúng,

Kính bạch toàn thể đại chúng,

Thấm thoát mà bảy ngày đã trôi qua, hôm nay là ngày bế mạc khoá tu “Bồi dưỡng Đạo hạnh” dành cho Sa-di, tập sự do Hệ phái Khất sĩ tổ chức tại Pháp viện Minh Đăng Quang. Chúng con xin đại diện cho toàn thể khoá sinh, đối trước chư Tôn đức thành kính dâng lên đôi dòng cảm niệm.

Kính bạch quý Ngài, chúng con từng được nghe: “Phật pháp xương minh do Tăng già hoằng hoá”. Quả thật như vậy, trách nhiệm và bổn phận của chư Tăng rất quan trọng trong việc hoằng truyền Chánh pháp. Bởi thấy được tầm quan trọng ấy, với lòng bi mẫn, thương tưởng đến hàng hậu học chúng con, quý Ngài đã phương tiện khai mở khoá tu này, giúp cho chúng con từng bước hoàn thiện hơn về tri thức và hạnh đức của người xuất gia tu Phật. Với tâm niệm cao vời ấy, quý Ngài đã không quản ngại Phật sự đa đoan, dùng rất nhiều trí lực, tâm lực, sức lực và tài lực để tổ chức khóa tu thật đầy đủ và chu toàn để chúng con có được môi trường thuận tiện nhất an ổn tu học trong suốt một tuần lễ.

Kính bạch chư Tôn đức,

Bảy ngày trôi qua, đó là khoảng thời gian tốt đẹp và có ý nghĩa nhất trong đời sống xuất gia từ ngày mới cạo tóc cho đến thời điểm này của chúng con. Bảy ngày, khoảng thời gian ấy không quá dài, nhưng bấy nhiêu đó đủ để cho huynh đệ chúng con cảm nhận sâu sắc hơn lời dạy của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang: “Nên tập sống chung tu học”. Hằng ngày, chúng con được học điều này rất nhiều lần, nhưng đến nay chúng con mới được thực hành điều đó. Thật vậy, trong quãng thời gian này, huynh đệ Sa-di, tập sự Tăng Ni chúng con được cùng nhau tu học, công quả chấp tác và dùng cơm trong chánh niệm chung với nhau, trong tinh thần Lục hoà cộng trụ mà Đức Phật từng ca ngợi trong giáo Pháp của Ngài. Có sống chung với nhau, chúng con mới có thể chia sẻ và trao đổi cho nhau những kinh nghiệm hay phương pháp tu học. Cổ nhân có câu: “Học thầy không tày học bạn” hoặc “Một đêm trí thức chuyện trò, hơn là đọc sách lần mò mười năm”.

Kính bạch quý Ngài, bên cạnh những kiến thức Phật pháp quý báu mà chúng con tiếp nhận được từ các vị giáo thọ, chúng con còn học được rất nhiều bài học từ những huynh đệ đồng học đồng tu, đồng phạm hạnh của mình. Dẫu biết rằng, mỗi cá nhân còn nhiều khuyết điểm cần khắc phục, nhưng chính nhờ vào sự sống chung tu học như vậy mà chúng con sửa đổi được rất nhiều. Chúng con cảm nhận được tình pháp lữ sâu sắc khi được cùng nhau dùng điểm tâm và thọ trai trong chánh niệm, hoà chúng; rồi những lúc học pháp hay những thời hành thiền, tụng kinh; và nhất là trong những thời sám hối, chúng con đã trưởng thành thêm được nhiều hơn. Đây là cơ hội giúp cho mỗi khoá sinh chúng con tự ý thức được trong một ngày tu học được những gì và còn yếu kém ở những chỗ nào. Bên cạnh sự tự giác, được sự chỉ dạy thêm của chư Tôn đức, chúng con lại càng tiến bộ hơn trong những ngày tu học tiếp theo. Có thể nói trong quãng thời gian này, suốt cuộc đời chúng con không thể nào quên được.

Kính bạch quý Ngài, từng hành động, cử chỉ mà quý Ngài thể hiện trước chúng con, đó là bài pháp không lời quý báu đối với chúng con. Chúng con tự xét thấy sao mình có được phước báu lớn lao ấy, được xuất gia trong Chánh pháp của Đức Như Lai nói chung và giáo pháp của Đức Tổ sư nói riêng, điều quý báu hơn nữa là chúng con lại được sống trong sự bao bọc che chở của chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa và hội chúng Tăng-già, thuận duyên này giúp cho chúng con vững bước hơn về đức hạnh cũng như trí huệ trên con đường học Phật.

Chúng con không biết phải dùng ngôn từ như thế nào mới có thể diễn tả được hết lòng kính ơn sâu sắc đối với quý Ngài, chúng con chỉ biết tự hứa với lòng sẽ tinh tấn nỗ lực vun bồi đức hạnh, trau dồi trí huệ, tu tập tinh cần để sau này trở thành những người xuất gia chân chánh, giúp ích cho đời, cho đạo pháp dân tộc, quê hương đất nước để đáp đền công ơn to lớn mà quý Ngài dành cho chúng con. Chúng con xin nguyện hồng ân Tam Bảo gia hộ Tăng-già pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, cửu trụ Ta-bà, mãi là bóng cây mát cho chúng con nương tựa trên bước đường tu học.

Chúng con thiết nghĩ, trong bối cảnh Phật giáo có nhiều Tăng Ni trẻ xuất gia, các khóa tu như thế này cần được mở ra nhiều hơn nữa, để đạo đức của chúng con được vững chắc và hoàn thiện hơn. Đức Phật đã từng dạy:

Những ai hành trì pháp,

Theo Chánh pháp khéo dạy,

Sẽ đến bến bờ kia,

Vượt ma lực khó thoát”.

Chúng con tin chắc rằng, nếu được đào tạo và giáo dưỡng trong môi trường nghiêm tịnh như thế này, chúng con sẽ trở thành những Tăng Ni chân chánh ngay hiện tại và cả trong tương lai.

Để khóa tu diễn ra thành công, chúng con cũng không quên công đức của chư Tăng Ni và quý Phật tử tại Pháp viện Minh Đăng Quang đã rất chu đáo trong việc hỗ trợ tứ vật dụng cho chúng con an ổn tu tập trong bảy ngày qua. Xin cầu nguyện cho quý Ngài luôn khỏe mạnh và an lạc trong Chánh pháp. Nguyện cầu cho chư thiện nam tín nữ ngoại hộ luôn được bình an và tu tập tinh tấn trong pháp và luật của Đức Thế Tôn.

Kính bạch chư Tôn đức,

Lời cuối, một lần nữa, kính xin quý Ngài nhận nơi chúng con lòng biết ơn sâu sắc. Chúng con xin khắc ghi lời dạy của quý Ngài để làm hành trang trên con đường tu Phật.

Nam-mô Chứng Minh Sư Bồ-tát Ma-ha-tát tác đại chứng minh.

 

GIÁC ĐĂNG MẪN (GĐ. I -TỊNH XÁ NGỌC THỌ)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính bạch chư Tôn Hòa thượng, chư Thượng toạ, Đại đức Tăng trong Hệ phái,

Vừa qua chúng con được sự chỉ dạy của chư Tôn Hoà thượng Giáo phẩm Hệ phái, chư Tôn Hoà thượng Giáo phẩm Giáo đoàn I, chư Tôn đức trụ trì các miền tịnh xá, chỉ dạy đến Pháp viện Minh Đăng Quang để tham dự Khoá tu Bồi Dưỡng Đạo Hạnh Tập sự, Sa-di .

Mỗi ngày chúng con được chư Tôn đức: Hoà thượng Giác Giới, Hoà thượng Giác Toàn, Hoà thượng Giác Pháp… và chư Thượng toạ, Đại đức Tăng trong Hệ phái và trong Ban Quản chúng thuyết giảng. Chúng con được học “tu với trì”, Tổng quan về Luật nghi Khất sĩ, định nghĩa thuật ngữ Khất sĩ, Ý nghĩa của Kệ Giới, Lược sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đồng thời, chúng con cũng được học cách tu trong tứ oai nghi: ăn, mặc, nói, làm hết sức thiết thực. Chúng con mong rằng những khóa tu như vậy được tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa.

Chúng con chân thành, thành kính biết ơn và nhớ ơn chư Tôn đức Hòa thượng, chư Thượng toạ, Đại đức Tăng Hệ phái, đặc biệt trong Ban Quản chúng.

Kính chúc quý Ngài nhiều sức khoẻ, là những tàng cây đại thụ che mát cho chúng con trên bước đường tu nhân học Phật.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni phật.

 

SA DI GIÁC MINH ĐĂNG – GĐ. I

CHÚC MỪNG KHÓA TU BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH SA-DI TẬP SỰ ĐƯỢC THÀNH CÔNG TỐT ĐẸP

Chúc mừng Chánh pháp Thích-ca,

Mừng ngày tu học một nhà sống chung.

Khóa sinh phấn khởi hân hoan,

Tu thiền tỏ ngộ tâm chơn hiển bày.

Bồi vun trí huệ rạng ngời,

Dưỡng thân huệ mạng ngàn đời mai sau.

Đạo tâm kiên cố dồi trau,

Hạnh tu Khất sĩ mong cầu độ sanh.

Sa di, tập sự tu hành,

Di ngôn giáo huấn chí thành khắc ghi.

Tập ăn, tập nói, tập đi,

Sự sự, lý lý thực thi biết rành.

Lần theo Thầy Tổ tu hành,

Thứ thứ, lớp lớp đạo lành tiến tu

Nhất nhị tam tứ Diệu Đề,

Được nghe chơn lý si mê sạch dần.

Thành công, thất bại chẳng màng

Công viên quả mãn vào hàng Vô Sanh.

Tốt hay tâm tánh hiền lành,

Đẹp tình thầy bạn, chân thành đệ huynh.

 

GIÁC MINH BIỆN (TX. NGỌC TÒNG - GIÁO ĐOÀN III)

Đất trời hoà mình vào trong tiếng chuông chùa ngân vang, không gian và thời gian cũng trở nên lắng đọng cùng nhau, những viên sỏi gồ ghề vẫn im lìm nằm trên con đường vô tận, chỉ có con người đang vội vã đua nhau đi tìm một thứ gì hư ảo. Gió có bao giờ ngừng thổi hay cứ lặng lẽ đi qua, ta có xót xa tiếc nuối khi nghoảnh lại xem quá khứ đã đi, một chút ngậm ngùi, buồn vui đã mất, hay bỏ làm ngơ. Sự lạnh lùng của tạo hóa luôn là điều chân thật, không bao giờ thay đổi và muốn đổi thay chỉ có chính ở nơi ta.

Vậy thì hãy buông xả hết đi, thả trôi những gì không có ý nghĩa, mà lấy lại sơ tâm ban đầu xuất gia cầu đạo như một ngọn đèn thắp thêm ngàn ngọn nến xóa hết sự mơ hồ bước tiếp lên mục đích cao cả của mỗi hành giả trong mỗi ngày tu học.

Chính vì thế hôm nay, Tăng Ni sinh chúng con về đây Pháp viện Minh Đăng Quang rạng ngời nằm nghiêng mình giữa thành phố, sự oai nghiêm hùng vĩ, linh thiêng như một ngọn núi tỏa bóng mát hương trầm cho muôn loại. Nhìn thấy sự hình thành sâu sắc của Pháp viện, chúng con cảm thấy mình thật nhỏ bé trước công ơn to lớn của quý Ngài, của Giáo hội, đã tạo phương tiện điều kiện khai mở khóa tu sáu Giáo đoàn dành cho sa-di tập sự.

Thật kính mến thay cố Hòa thượng Pháp sư, người có đủ oai nghi đức hạnh đảm nhận nhiều trọng trách của Tăng đoàn, nhưng vẫn thương tưởng đến hàng hậu học chúng con, vẫn tiếp tục đảm đang lập nên môi trường tốt nhất cho chúng con tu học. Một Pháp viện rộng lớn, Minh Đăng Quang – nơi dừng chân của bao lữ hành Khất sĩ, dù nằm trong phương diện ở thời đại nào, nhưng nếp sống thanh bần thủ đạo luôn là nền tảng quan trọng mà quý Ngài thường nhắc đến. Vì Đạo là con đường trách nhiệm bổn phận oai nghi và đức hạnh, là sống trong một đoàn thể Lục hòa đơn sơ giản dị. Chúng con như những đàn ong bay đi tìm mật mới là mùi vị khác nhau nhưng chung vị ngọt và nhất là không trộn lẫn giữa hương vị cuộc đời, là niềm an vui hỷ lạc khi nương tựa vào giáo pháp Như Lai chẳng thể sai, chẳng thể chênh lệch mà hoàn toàn là chơn thiện mỹ.

Trong những ngày qua thời khắc của mỗi giờ tu học, từng hơi thở hòa đều trong buổi ngồi thiền, từng bước chân đi khoan thai, từng buổi trưa khi chúng con dùng ngọ. Sự nhẹ nhàng và tỉnh thức như thế, không còn trói buộc sự vận hành trong tâm trí:

Nhắm mắt lại vẽ nên một bức ảnh,

Màu vàng y buông xả từ bi,

Thả trôi đi buồn phiền mộng ảo,

Ta quay về tự tại là đây”.

Dù chỉ một chút trong tư tưởng, dù là một cảm giác thoáng qua nhưng chúng con trân quý biết chừng nào, đêm lại về tiếng chuông vẫn ngân đều như mỗi lúc, Tăng lữ hành cũng đến lúc rời đi, chúng con người xa lạ bỗng trở nên thân thiết, vì cùng chung bến giác giữa đời mê. Sự thật luôn trao đổi, luôn không có một giới hạn nhất định.

 

SA DI MINH ĐOAN

Kính lạy chư Phật Pháp Tăng mười phương ba đời

Kính lạy đức Tổ sư Minh Đăng Quang

Kính lạy đức Nhị Tổ Giác Chánh và giác linh chư đức Thầy

Kính bạch Hoà thượng Trưởng ban Tổ chức

Kính bạch chư Thượng toạ, chư Đại đức Tăng trong Ban Quản chúng

Con xin kính dâng bài cảm tưởng về Khoá “Bồi dưỡng Đạo hạnh” Sa-di và Tập sự lần đầu tiên do Hệ phái tổ chức tại Pháp viện Minh Đăng Quang.

Khi hay tin khoá tu bồi dưỡng đạo hạnh diễn ra tại Pháp viện Minh Đăng Quang từ ngày mùng 6 cho đến ngày 13/10 năm Ất Mùi (2015), con hân hoan tác bạch đảnh lễ Đại đức Bổn sư để vân tập về Pháp viện tu học vì biết rõ đây là khóa tu chính thức cho thế hệ Sa-di của mình.

Chúng con là hàng hậu học rất cần sự dạy dỗ của chư Tôn đức giáo thọ trong Hệ phái và chúng con thấy ấm lòngvì chư Tôn đức trong Hệ phái rất quan tâm chúng con mới tổ chức khoá tu học như thế để ươm mầm cho thế hệ mai sau. Các thế hệ mai sau sẽ tiếp nối các Ngài giữ gìn Phật Pháp được trường tồn mãi mãi và cuối cùng con xin cúng dường đến quý Hoà thượng và chư Tôn đức một bài thơ do con làm tác giả:

Nơi trú xứ trọn đời trao huệ mạng,

Ở hoá trường nguyện thúc liễm thân tâm,

Con nguyện luôn tinh tấn tu hành,

Mong báo đáp đền ơn sâu Thầy Tổ.

Ơn Thầy Tổ ngàn đời con ghi nhớ,

Nguyện viên dung giới thân mãn thành pháp thể,

Nguyện ngàn sau con cỡi gió mây ngàn

Được giải thoát qua bên bờ giác ngộ.

Mô Phật, bóng chiều tàn đã xuống khỏi ngọn cây, thời gian khóa tu đã đến hồi kết thúc, con Sa-di Minh Đoan xin cúng dường đảnh lễ chư Tôn Hoà thượng, Thượng toạ, chư Đại đức Tăng tam bái.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

SA DI MINH MẪN (GIÁO ĐOÀN V, TỊNH XÁ TRUNG TÂM, Q. 6)

Hiện tại, bối cảnh xu thế toàn cầu hoá đang diễn ra trên thế giới, và xã hội Việt Nam cũng không thoát khỏi xu thế này. Xã hội Việt Nam đã có những bước thành tựu quan trọng về kinh tế, văn hoá- giáo dục, khoa học – kỹ thuật. Tuy nhiên xu thế đạo đức trong thế hệ trẻ đang ngày càng đi xuống. Phật giáo Việt Nam là một tế bào của xã hội Việt Nam nên các Tăng sĩ trẻ cũng bị ảnh hưởng từ xu thế toàn cầu hoá. Giới hạnh oai nghi của các Tăng sĩ trẻ cũng đi xuống. Trong bối cảnh như vậy, chư Tôn đức giáo phẩm đã tổ chức “Khoá tu Bồi dưỡng Đạo hạnh tập sự Sa-di - Lần thứ I”, với tinh thần mong muốn tạo nếp sống có oai nghi và tế hạnh cho các Tăng trẻ ngày càng tốt đẹp.

Chính vì vậy, chúng con đã tập trung về Pháp viện Minh Đăng Quang để được chư Tôn đức dạy dỗ những lời pháp hay và oai nghi giới hạnh. Riêng con được tham dự khoá tu này, con cảm thấy mình còn rất nhiều hạn chế và cần phải tu sửa hơn nữa để ngày càng tinh tấn trên bước đầu tu học. Con tâm đắc nhất câu được treo giữa giảng đường “Nên tập sống chung tu học”. Mỗi lần nghe pháp, con đều nhìn thấy và chiêm nghiệm:

Nên tự thân vận động,

Tập tinh thần khiêm tốn và cầu học,

Sống cùng nhau Lục hoà,

Chung đường lối Khất sĩ thanh bần,

Tu hành ngày càng tinh tấn,

Học những lời pháp hay và chư Tôn đức chỉ dạy tận tình.

Kế đến là bảng “Khoá tu Bồi dưỡng Đạo hạnh Tập sự Sa-di lần thứ I” ở giảng đường.

Khoá thân khẩu ý vào cửa thiền,

Tu thế nào nhỉ?

Bồi thân tâm cùng oai nghi tế hạnh,

Dưỡng giới luật ngày càng tinh tấn,

Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam,

Hạnh du Tăng nối truyền Thích-ca Chánh pháp,

Tập Tam Vô lậu học Giới - Định - Huệ,

Sự lý thế gian tạm gác lại.

Bước vào thiền môn chốn thanh tịnh,

Di chuyển thân tâm hướng vào đạo,

Lần bước vào chuyên tu,

Thứ đến cùng nhau tu học,

Nhất tâm hướng đến an lạc.

Con không biết phải viết những cảm xúc thế nào đây để bày tỏ lòng biết ơn chư Tôn đức đã ân cần dạy bảo chúng con, từ lời pháp nhũ, đến dạy những oai nghi - đi, đứng, ăn, mặc, nói, làm …”. Đặc biệt, Đại đức Chánh Thư ký (Giác Hoàng) bề ngoài luôn tỏ ra nghiêm khắc để chúng con kính sợ giữ đúng quy tắc của khóa tu, để chúng con không phạm phải, thấy được lỗi sai của bản thân mình, nhưng qua lời nói và việc làm, chúng con thấy được nỗi lo âu của Đại đức đối với hàng hậu học Sa-di ,tập sự, trước biểu hiện oai nghi tế hạnh của chúng con ngày càng đi xuống. Qua đó, chúng con cảm nhận được nỗi lo của chư Tôn đức Giáo phẩm lãnh đạo Hệ phái. Trước khi trở về nơi bổn xứ tiếp tục tu học, chúng con kính chúc chư Tôn đức Giáo phẩm và chư Tôn đức trong Ban Quản chúng pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, mãi mãi là bóng cây đại thụ che mát cho chúng con trên con đường học Phật. Đồng thời chính bản thân con không thể quên hình bóng ân cần dạy bảo qua những giờ tu học của chúng con Đại đức Chánh Thư ký, mãi mãi con không thể quên.

 

MINH PHỤC (GIÁO ĐOÀN IV)

Nên tập gìn giữ hạnh từ bi,

Tập sống thanh cao chúng hòa y,

Sống chung tu học lòng thanh thản,

“Chung sống tu học”, nhớ thực thi.

Tu tâm, tu hạnh, tu tam nghiệp,

Học hành giữ hạnh, giữ oai nghi,

Hành theo ý Tổ thật thanh tịnh,

Theo lời Tổ dạy dẫu đứng, đi.

Lời Thầy truyền dạy chớ lãng xao,

Tổ nối pháp Phật, hạnh thanh cao,

Thầytiếp bước gương hạnh ấy,

Minh tâm kiến tánh pháp Tổ trao.

Đăng đàn thuyết pháp độ nhân sanh,

Quang minh rạng chiếu cảnh an lành,

Dạy người tu tập qua biển khổ,

Nhớ ơn Phật Tổ, ráng tu hành.

Hành theo giáo pháp đã chỉ bày,

Trì giữ giáo pháp như chư Thầy.

 

SA DI MINH TẦN (GĐ. IV)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính lạy chư Phật Pháp Tăng mười phương ba đời,

Kính lạy đức Tổ sư Minh Đăng Quang,

Kích bạch chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa, chư Đại đức Tăng Ni,

Kính thưa toàn thể thiền đường đại chúng,

Kính bạch chư Tôn đức,

Tuy con không được sống chung tu học cùng đại chúng trọn vẹn bảy ngày qua, nhưng thời gian con được sinh hoạt cùng đại chúng quả thật là quý báu vô cùng.

Những ngày nay, con thật sự được sống chung cùng đại chúng, khép mình vào các thời khóa tu học, được chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng, dạy bảo về oai nghi tế hạnh của một vị xuất gia cần phải có như đi, đứng, ngồi, nằm, ăn, mặc, nói, làm, trong Kệ Giới cũng có đoạn: “Một người thay mặt cho Phật không phải dễ, mỗi cách hành động như đi, đứng, ngồi, nằm, ăn, mặc, nói làm, mỗi cách cư xử đều phải giống y như Phật, cho đặng thiện tín, hễ thấy Tăng cũng như thấy Phật, Tăng chúng chỉ giữ giới, tướng mạo trang nghiêm, ăn ở theo Phật, cũng đủ khêu gợi lòng tín ngưỡng của bá tánh, Tăng chúng thay mặt cho Phật, ít ra cũng phải học hỏi uyên thâm, ngõ hầu hiểu thông và giảng giải lại những lý thuyết rất cao siêu huyền - diệu mà Phật đã thấy khó cho chúng sanh, sau khi thành Chánh đẳng Chánh giác”. Thấy chúng con là hàng hậu học sơ cơ, chư Tôn đức mở ra Khóa tu Bồi dưỡng Đạo hạnh dành cho Sa-di, tập sự, để chúng con thúc liễm thân tâm, trao dồi giới đức. Hằng ngày, chúng con được nghe pháp của chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng trong Ban Quản chúng. Quý Ngài còn khuyên nhắc chúng con, luôn luôn phải giữ oai nghi tế hạnh, giữ giới cho chắc, trước là để trang nghiêm tự thân của chúng con, sau là trang nghiêm Giáo hội, duy trì mạng mạch Phật Pháp. Vì:

“Giới luật là mạng mạch của Phật Pháp,

Giới luật còn thì đạo Phật còn,

Giới luật mất thì đạo Phật mất”.

Thế nên chúng con cố gắng răn lòng mình, luôn hằng nhớ tưởng những gì chư Tôn đức truyền trao. Chúng con nguyện nghe theo và y giáo phụng hành, một phần để đền đáp công ơn dạy dỗ sâu dày của quý Ngài.

Ngày qua rồi lại qua ngày,

Cùng chư huynh đệ khép vào oai nghi.

Sống chung tu học hành trì,

Lời chư Phật, Tổ, khắc nghi vào lòng.

Bao năm quanh quẩn trong trần,

Bây giờ con thấy đạo phần gần bên.

Nghiêm trì giới luật tảng nền,

Sống chung tu học đáp đền thâm ân.

Tổ Thầy trao dạy ân cần,

Khuyên răn đệ tử phải hành từ bi.

Oai nghi tế hạnh xét suy,

Ấy thì đạo đức, đạo nghì chẳng xa.

Bao nhiêu ngày tháng đã qua,

Cùng chư huynh đệ gần xa hội về.

Và rồi,

Tháng mười (10) ngày sáu (6) lịch âm,

Khóa tu bồi dưỡng đạo tâm vững vàng.

Hành trì giới luật nghiêm trang,

Đền ơn Phật, Tổ, hàng ngàn năm qua.

“Nối truyền Chánh Pháp Thích-ca”,

Hạnh tu Khất sĩ Ta-bà sáng soi.

Để rồi,

Khóa tu kết thúc,

Bảy ngày đã qua thật nhiệm mầu,

Cùng chư huynh đệ sống dồi trau,

Sống trong tỉnh thức, trong chánh niệm,

Có lỗi điều chi sám hối ngay.

Để cho trong sạch trong lẫn ngoài,

Mới mong dồi trao bao đức hạnh,

Hành trì theo hạnh đức Như Lai.

Cổ đức có câu: “Có hợp ắt có ly”,

Chia tay huynh đệ đến rồi,

Làm sao cho tỏ lòng người nơi đây.

Cầu chư huynh đệ sáng nay,

Về nơi trú xứ, oai nghi giữ gìn .

Đừng quên lời dạy chứng minh,

Của chư Tôn đức thấm tình thâm ân.

Bảy đường đạo khéo suy tầm,

Tu hành cho chính đủ làm Phật tiên.

Vì mình có lắm phần duyên,

Bấy giờ mới thấy đạo thiêng cứu đời.

Diệt trừ phiền não xa rời vô minh.

Huynh đệ ơi! Nhớ giữ gìn,

Phật kia ở tại tâm mình mà thôi.

Chớ nên tìm kiếm xa xôi,

Đệ đây cũng có đôi lời gởi huynh.

Từ đây cố giữ luật nghi,

Chẳng nên so sánh, từ bi làm đầu.

Đệ đây bày tỏ đuôi đầu,

Mong chư huynh đệ ghi sâu vào lòng.

“Các pháp do tâm ta phát khởi,

Thiện hay ác cũng ở nơi đây,

Tịnh hay nhiễm cũng thế,

Hiểu rõ rồi hành trì,

Niết-bàn thẳng lối đi”.

Cuối lời con xin kính chúc chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa, chư Đại đức Tăng, pháp thể khinh an, chúng sanh dị độ, Phật đạo viên thành, mãi là tàng cây đại thụ che chở chúng con trên bước đường tu học Phật.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

SA DI MINH PHỤC – ĐOÀN IV

Mỗi ngày qua là những ngày tu học đáng quý nhất của hàng hậu học chúng con khi được sống chung tu học và làm theo lời Tổ sư Minh Đăng Quang dạy: “Nên tập sống chung tu học”.

Từ những ngày đầu bước vào khoá tu, lòng con thật hân hoan và vui sướng. Được nghe những lời sách tấn của chư Tôn Giáo phẩm Hoà thượng, Thượng toạ, chư Đại đức Tăng Ni, hàng hậu học chúng con cảm thấy ấm áp và thức tỉnh thật sự. Những lời pháp vi diệu khiến tâm chúng con cảm thấy thanh tịnh an vui vô cùng. Riêng con cảm thấy hạnh phúc khi được cùng sống chung và tu học trong đại chúng lớn gồm cả sáu giáo đoàn. Điều này cũng làm cho con nhớ lại lời của chư Tôn đức đã dạy:

Mỗi người mỗi nước mỗi non,

Bước vào cửa Đạo như con một nhà.

Mỗi người mỗi mẹ mỗi cha,

Bước vào cửa Đạo như là anh em”.

Từ những lời dạy trên, con cảm thấy chẳng có ngôi nhà nào hạnh phúc và an vui như ngôi nhà Đạo cả. Những vị lớn là những bậc thầy đã đi trước và trải qua bao thâm trầm trong sự tu tập và dùng những thâm trầm đã trải qua, các bậc thầy dạy lại bài học quý giá cho chúng con biết để chúng con có nền tảng vững bước hơn trong đường đạo.

Chúng con biết rất rõ, việc sống chung nương nhau, sống hoà hợp, không hơn thua, không cãi nhau, v.v… là những điều mà người thế gian không thể nào làm được. Chúng con nhận ra mình đã làm được những điều này cũng chính là mình đã bước thêm được một bước nữa trên con đường giải thoát. Chư Tôn Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức Tăng Ni đã truyền dạy cho chúng con lời Phật, ý Tổ để chúng con nương đó trau dồi, thúc liễm thân tâm, gìn giữ giới hạnh, biết thế nào là bổn phận của một người trò và biết sống thế nào cho hoà hợp cho đúng đường lối mà đức Tổ sư Minh Đăng Quang cũng như các bậc Trưởng lão, Thầy Tổ đã đi qua.

Chúng con, hàng bậc sơ cơ hậu học mới bước vào tu học được quý Ngài tạo điều kiện cho chúng con dạy cho pháp thành tâm sám hối tội lỗi từ tam nghiệp của chúng con mà nhiều đời bị vô minh che đậy. Pháp sám hối làm con lại nhớ lại, khi mới vào xuất gia con gặp rất nhiều khó khăn trong tu tập và một lần con đã phạm phải một lỗi lầm rất lớn, lại vì nghiệp duyên khiến tâm tu của con bị sa sút, thối chí vô cùng. May nhờ Đại đức Giác Hoàng chỉ dạy thức tỉnh giúp con mạnh mẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đại đức đã ân cần chỉ bảo: “Mỗi người ai cũng có lỗi lầm, nhưng biết lỗi còn phải biết sám hối và sửa đổi mới là quý - vấp ngã chỗ nào mình hãy đứng lên chỗ đó”. Từ câu nói ấy, con đã sống trở lại, thực hành pháp sám hối sửa đổi khiến thân và tâm được an lạc trở lại.

Qua bảy ngày tu tập, con đã học được nhiều điều và có biết bao nhiêu là kỷ niệm khi được sống chung hoà hợp cùng đại chúng. Chúng con đã hưởng được pháp thực vi diệu làm nền tảng quý giá trong cuộc đời tu tập của mình mặc dù mỗi ngày chúng con chỉ thọ thực buổi ngọ, không ăn chiều. Chư Tôn Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức Tăng Ni đã nhiều lần nhắc lời dạy của Tổ sư Minh Đăng Quang rằng:

Xin vật chất để nuôi thân, xin tinh thần để nuôi trí”.

Trong những ngày này, chúng con còn học được phương pháp thiền quán, niệm hơi thở. Lòng chúng con biết ơn vô vàn nhưng làm sao nói thành lời đến chư Tôn đức:

Ơn Thầy rộng lớn bao la,

Thiên sơn vạn hải khó qua ơn Thầy”.

Chúng con chỉ biết cầu nguyện cho chư Tôn Giáo phẩm Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức Tăng Ni pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chuyển, làm tàng cây bóng mát, làm ngọn hải đăng luôn soi sáng bước đường chúng con đi.

 

SA DI MINH Ý

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính gửi chư vị Đại đức trong Ban Tổ chức chứng minh cho con có đôi dòng cảm tưởng cúng dường Tam Bảo.

Hệ phái Khất Sĩ đã ra đời,

Đem đèn chơn lý sáng muôn nơi,

Nhân sinh sáng tỏ nguồn giáo lý,

Hạnh phúc bình an đến với đời.

Lạy Đức Tổ sư Minh Đăng Quang,

Chí nguyện thượng sĩ xuất thế gian,

Nối dòng “Thích-ca” truyền Chánh pháp,

Để đời thôi bớt khổ lầm than.

Vạch đường giải thoát cho nhơn loại,

Hậu học noi gương đạo hạnh lành

Mong sao đạo quả chóng viên thành

Các vị Tôn đức mở khoá học,

Cho tâm Bồ-đề mau phát sanh.

Bồi dưỡng tâm đạo cho Sa-di,

Định hướng con đường sẽ bước đi,

Giải thoát chơn truyền y bát pháp,

Giáo pháp cao siêu đạo từ bi.

Khai tâm, tâm trí bừng sáng tỏ,

Bỏ đi tâm ý thấp hèn nhỏ,

Giới hạnh nghiêm trang cùng tu học,

Muôn người hoà hiệp chung một đò.

Sau này về lại nơi trú xứ,

Kỷ niệm nơi đây còn in dấu,

Nguyện lòng tinh tấn gìn mối đạo,

Đền ơn Thầy Tổ - đức Tôn sư.

 

NHÓM TẬP SỰ PHÒNG 9 LỮNG 1 (GIÁO ĐOÀN III)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Ngưỡng bái bạch chư Tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức chứng minh.

Ngưỡng bái bạch quí Ni sư cùng quý Sư cô chứng minh.

Cùng toàn thể đại chúng chứng minh.

Bảy ngày tu học nơi đây,

Tổ đình Pháp viện nằm ngay Sài thành.

Tăng Ni tu hội rất nhanh,

Chắp tay đảnh lễ chung quanh đức Ngài.

Bảy ngày học đạo Như Lai,

Minh Quang Khất sĩ hoằng khai đạo mầu.

Chúng con đây những mong cầu,

Học được giáo pháp nhiệm mầu Tổ sư.

Bảy ngày đại chúng dường như,

Ham ăn mê ngủ lư đư cả ngày.

Trong khi gió thoảng người say,

Lắng nghe giáo pháp ngủ ngay tận bàn.

Bảy ngày nước uống tràn lan,

Café, sữa, bí, hỏi han món nào?

Phật tử kính cẩn gửi trao,

Tăng Ni Khất sĩ ra vào luôn luôn.

Bảy ngày xong, thấy buồn buồn,

Huynh Nam, đệ Bắc, chia buồn ra đi.

Gặp nhau chẳng có mấy khi,

Xa nhau chắc tới mùa mì trổ bông!

Bảy ngày hướng đến Tổ tông,

Sống chung tu học không không nhiễm trần.

Tăng Ni Khất sĩ lần lần,

Thâm quầng mệt mỏi chẳng phân đêm ngày.

Bảy ngày học những điều hay,

Tầng bốn xuống trệt loay hoay cả ngày.

Bảy ngày rồi lại bảy ngày,

Bảy ngày con muốn bảy ngày nửa cơ!

Ra về ai nấy thẩn thơ,

Hướng về Pháp viện ngẩn ngơ ngước nhìn.

 

SA DI MINH TRỤ - GIÁO ĐOÀN V

Kính dâng một tấm lòng thành,

Chúc cho đại chúng tâm lành từ bi.

Khoá thời đoàn thể Tăng Ni,

Tu tập giới đức, hành trì luật nghiêm.

Bồi vun tín thí ân triêm,

Dưỡng thân khẩu ý minh liêm trong lành.

Đạo tâm kiên cố cao thanh,

Hạnh Khất sĩ bước, rạng danh ánh vàng.

Tập tu trí huệ mở mang,

Sự lý thông thấu vẻ vang sáng ngời.

Sa la hương toả nơi nơi,

Di tích thành tựu dòng khơi pháp mầu.

Lần lần nhập Thánh cao sâu,

Thứ lớp huynh đệ sưa sau chứng tường

Nhất tri minh vật pháp vương,

Được xương minh kết nên chương Bồ-đề.

Thành tựu tánh giác thoát mê,

Công phu hạnh đức tìm về chơn như.

Viên dung rạng rỡ thái hư,

Mãn duyên rẽ sóng thuyền từ cập neo.

 

LIÊN BỬU (TX. NGỌC LÂM – LONG HẢI)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Ngưỡng bái bạch chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa, chư Đại đức Tăng Ni,

Hôm nay là ngày mãn khóa “Bồi dưỡng Đạo hạnh”. Trong suốt những ngày qua, con rất vui vì đây là lần đầu tiên con được sống tu học trong một đại chúng lớn. Khi bước vào chánh điện tụng kinh, con nghe chư Tôn đức Tăng Ni trong Ban Quản chúng và quý huynh đệ hòa âm vào tiếng kệ lời kinh thật hay và trầm lặng. Lên ngồi thiền, con thấy rất ấm áp vì được cùng chung tu học trong một đoàn thể Khất sĩ. Trưa độ ngọ, con được học nơi chư Tôn đức về các oai nghi và đạo hạnh, các Ngài hướng dẫn về cách ăn hòa chúng, con cảm thấy mình thật có phước duyên được về Pháp viện Minh Đăng Quang học lớp BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH GIÀNH CHO SA-DI TẬP SỰ.

Trong khóa tu các Ngài đã hết lòng lo lắng và chỉ dạy để chúng con có thể làm tròn bổn phận của một đệ tử Phật và những oai nghi của người xuất gia. Hàng ngày, chư Tôn đức đều ban cho chúng con những bài pháp rất vi diệu, rất bổ ích. Bài pháp đầu tiên do Hòa thượng Giác Giới giảng về: Luật nghi Khất sĩ. Bài thứ hai của Hòa thượng Giác Pháp, và những bài còn lại do chư Tôn đức trong Ban Quản chúng thuyết giảng. Tâm con vô cùng hân hoan khi được nghe những bài pháp, những kinh nghiệm của chư Tôn đức Tăng. Quý Ngài còn sách tấn cho chúng con về những kinh nghiệm làm người, nhờ thế mà con cảm thấy rất vững vàng và tinh tấn hơn khi hòa mình tu chung cùng đại chúng.

Khi lên ngồi thiền, chân con hơi đau và có những lúc con đã muốn bỏ cuộc rồi, song con kịp nghĩ lại rằng có những vị lớn tuổi còn chưa bỏ thời khóa nào cả, nhờ vậy mà con đã nổ lực cố gắng vượt qua khóa tu học. Khi nghe pháp con cũng bị hôn trầm và nhờ sự nhắc nhở của huynh đệ kế bên, con đã không hôn trầm nữa. Đến buổi chiều, quý Ni sư, Sư cô dò bài, chúng con cảm thấy rất sợ vì mình đang quỳ trước chư Tôn đức. Con run quá và trả lời nhầm, nhưng quý Ni sư, Sư cô đã trấn an nhắc nhở cho con. Một pháp hội trên 250 vị tu học, thời khóa rất khít khao, con rất sợ, sợ mình không vượt qua được bảy ngày tu học này, nhưng cuối cùng con cũng đã vượt qua.

Quý Ngài đã mở ra một khóa tu thật bổ ích và ý nghĩa cho chúng con. Chúng con xin thành kính cảm niệm và tri ơn ân đức của chư Tôn đức.

Hạnh Sa-di, Sư phụ đã dạy rằng:

Đi như gió, nhẹ nhàng không vội vã,

Đứng trang nghiêm như cây bách, cây tùng,

Không nghiêng ngã như liễu mềm trước gió.

Ngồi vững vàng như tượng đá nghe con,

Nằm trang nghiêm, nghiêng về bên tay phải,

Bốn oai nghi, con phải tập hàng ngày,

Ăn chậm rãi, đoan trang cùng đại chúng,

Mặc giản đơn, không trau chuốt thân mình,

Nói dịu dàng, không chậm cũng không nhanh,

Làm chánh niệm, không quên, không hư bể.

Những hạnh này, con ghi nhớ luôn luôn,

Hạnh xuất gia, chỉ như thế thôi mà.

Nếu con nhớ thực hành trong mỗi lúc,

Sẽ trang nghiêm thân tướng trở về sau,

Khi con lớn thành Ni sư hành đạo,

Đó sẽ là hành lý giúp cho con.

Hãy ghi nhớ đừng có quên con nhé!

 

PHÁP LIÊN (TỊNH XÁ NGỌC LÂM)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính lạy chư Phật Pháp Tăng mười phương ba đời

Kính lạy đức Tổ sư Minh Đăng Quang

Kính bạch chư Tôn đức Tăng, Ni trong Ban Quản chúng

Thời gian thấm thoát trôi, mới đây mà bảy ngày tu học đã trôi qua, chúng con hằng tưởng lại ân đức chư Tôn đức đã ban rải lòng từ, nghĩ đến hàng hậu học chúng con ngày nay mà mở khóa tu Bồi dưỡng Đạo hạnh.

Con cũng không quên tấm lòng bao la rộng mở của Sư phụ, khi ở chùa bận nhiều Phật sự, Thầy vẫn hy sinh và cho phép huynh đệ chúng con câu hội về Pháp viện để tham dự khóa tu học.

Thật là một duyên lành cho chúng con khi được tham gia khóa tu này. Chư Tôn đức không ngại tuổi cao sức yếu, Phật sự đa đoan quang lâm về Tổ đình hướng dẫn và chỉ dạy giáo pháp cho chúng con. Bản thân con cảm thấy thật hạnh phúc và tiến bộ rất nhiều. Quý Ngài đã chỉ dạy con về chánh niệm trong các oai nghi cũng như trong khi thọ thực. Quý Ngài hướng dẫn chúng con cách ngồi thiền như là phải ngồi thẳng lưng và những phương pháp để đối trị hôn trầm như thế nào.

Đến giờ tu đại chúng phải tuân theo kẻng lệnh để tu học, nhưng có những lúc lên sau huynh đệ, lòng con cảm thấy rất áy náy và hỗ thẹn. Con không sao quên được những lời giảng dạy của chư Tôn Hòa thượng vào những buổi học pháp, quan trọng nhất là quý Ngài dạy chúng con rằng: Là Sa-di bé nhỏ phải biết cung kính các bậc Sa-môn, luôn luôn luyện tâm cho thuần túy và là người con Khất sĩ phải hiểu rõ đường lối của Khất sĩ, hiểu về cách đắp y, mang bát bước đi từng bước chậm rãi khoan thai để ra dáng là người con Khất sĩ.

Những ngày tu học này, con biết các Ngài đã lo lắng cho chúng con rất nhiều, chuẩn bị từng món dụng cụ cá nhân cho đến ăn uống, sinh hoạt mọi thứ… và nhất là in kinh ấn tống kinh sách để chúng con có đủ tư liệu học tập. Những nghĩa cử này khiến con vô cùng xúc động, và cố gắng tu tập nhiều hơn.

Được ăn cơm thiền, tắm sữa pháp của Như lai, con nguyện với lòng sẽ luôn tinh tấn tu học, vo tròn hạnh nguyện Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh, đáp đền công ơn của chư Phật, Tổ, Thầy đã ban cho con giới thân huệ mạng này.

Hàng Thích tử về Minh Đăng Quang,

Hân hoan con xếp vào hàng dự tu.

Ngày học pháp đêm sám hối,

Thì giờ còn lại bối rối trả bài,

Những bài con học hằng ngày,

Sa-di mười giới phải làu mới nên.

Thức-xoa phải học thêm bài,

Oai nghi đi đứng khoan thai dịu dàng…

 

THỨC-XOA BẢO LIÊN

Con có phước duyên được xuất gia vào Hệ phái Khất sĩ. Nay con lại còn được về Pháp viện Minh Đăng Quang tham dự Khóa tu Bồi dưỡng Đạo hạnh trong bảy ngày. Thời gian qua mau, hôm nay khóa tu đã đến ngày hoàn mãn.

Kính bạch chư Tôn đức,

Qua những bài giảng của quý Hòa thượng và chư Tôn đức, con thấy tầm quan trọng của giới luật đối với người xuất gia: “Giới luật còn thì đạo Phật còn, giới luật mất thì đạo Phật mất”. Chúng con là mầm non, là nền tảng của Phật pháp, là những con bê con cần sự chăm sóc của bò mẹ nếu không sẽ bị biến dạng.

Thật đúng như thế, chúng con về đây tham dự Khóa tu Bồi dưỡng Đạo hạnh, được chư Tôn đức chỉ dạy kỹ lưỡng về đạo hạnh của người xuất gia, phải luôn luôn chánh niệm tỉnh giác, tự thân ăn mặc nói làm và rõ biết bổn phận của mình, nhứt là dẹp bản ngã để sống chung tu học. Chúng con rất hạnh phúc khi được học chung, tu chung, ăn chung với nhau, còn có chư Tôn đức lúc nào cũng bên cạnh nhắc nhở làm chúng con tinh tấn hơn không dám trễ nải. Chúng con là người thay mặt cho Phật, đang tập mỗi cử chỉ hành động phải giống y như Phật mới đáng thọ hưởng sự cúng dường của bá tánh.

Chúng con vô cùng tri ân ơn đức của chư Tôn đức, nhứt là Đại đức Giác Hoàng thường xuyên dạy dỗ nhắc nhở chúng con trong giờ ngồi thiền, ăn cơm, đặc biệt là giờ sám hối. Đại đức chỉ dạy, khuyên bảo chúng con cố gắng tu tập, tự thân khắc phục khó khăn để tự chiến thắng chính mình: “Phải giữ thân khẩu ý, từ bỏ tham sân si, tu thiền định, giữ gìn giới luật, thì tâm các con mới định tỉnh thức trí huệ phát sanh trở thành hàng Tỳ-kheo xứng đáng, xây dựng Tăng đoàn vững mạnh”.

Kính bạch chư Tôn đức,

Khóa Bồi dưỡng Đạo hạnh hoàn mãn, chúng con xin hứa đem những lời quý Ngài dạy trở về trú xứ, thu thúc lục căn, giữ giới luật, chánh niệm tỉnh giác tự thân, cố gắng siêng năng tu tập để đền ơn chư Phật, Thầy Tổ để ngày một gần hơn đạo quả giải thoát.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.

 

LIÊN BỬU (TỊNH TÂN BỬU THÁP - LONG AN, PHÂN ĐOÀN 2 - GIÁO ĐOÀN IV)

Đèn huệ sáng tỏ từ đây,

Khóa tu Đạo hạnh bảy ngày dồi trau.

Sa-di, tập sự cùng nhau,

Hành theo những pháp bước đầu đường tu.

Noi gương hiền đức chư Tôn,

Tâm con gọt giũa, hạnh ôn nhu hòa.

Con tập đi, đứng, nằm, ngồi,

Nói năng, suy nghĩ lựa lời với nhau.

Làm cho trọn vẹn trước sau,

Vui lòng Thầy Tổ, ơn sâu vô nghì.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Chúng con rất vui khi có nhân duyên được về đây tu học, Khóa tu Bồi dưỡng đạo hạnh Sa-di tập sự, lần nhất tại Pháp viện Minh Đăng Quang. Được sự giáo huấn chỉ dạy của Hòa thượng và chư Đại đức, hàng hậu học sơ cơ tập sự Sa-di chúng con được tiến tu trong đường lối Khất sĩ. Các oai nghi cách đi, đứng, nằm, ngồi, cử chỉ, thái độ, hành động, bổn phận hầu Thầy và lễ nghi phép tắc đối với bậc Tôn túc bề trên đều được nhắc nhở thực hành. Đây là bước đầu tập tu của lớp học trò Sa-di tập sự, chúng con cần phải học hỏi và tinh cần thực tập trong từng giờ.

Dầu hằng ngày được nghe chư Hòa thượng, Đại đức chỉ dạy, chúng con vẫn không sao tránh khỏi những sai sót, vẫn phạm phải những lỗi như: ngủ gục trong giờ nghe pháp, trong giờ hành đường làm bể chén, vào trễ các giờ tu…Chúng con thấy thật hỗ thẹn vô cùng.

Những lời giáo huấn của chư Hòa thượng, Đại đức là dòng sữa ngọt dịu, làm thức ăn nuôi dưỡng tâm chúng con trên bước đường tu học, để chúng con một ngày mai chính thức bước vào hàng Sa-môn, hành trì Chánh pháp, tiến tu giải thoát

Hàng hậu học sơ cơ chúng con được tham dự Khóa tu Bồi dưỡng đạo hạnh lần này là một điều rất diễm phúc. Chúng con hiểu hơn về giáo lý của Tổ Thầy, tinh tấn thực hành sửa đổi những thói quen xấu trong oai nghi của mình.

Mai nay, về lại trú xứ, con nguyện luôn ghi nhớ những lời giáo huấn của chư Hòa thượng, Đại đức, và cố gắng hành trì để không phụ lòng mong mỏi của quý Ngài.

Trước khi trở về trú xứ, chúng con thành kính đảnh lễ ngưỡng chúc chư Tôn Hòa thượng, Đại đức, Sư bà, Ni sư, Sư cô, pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, mãi là ánh minh quang soi sáng để cho chúng con nương theo tiến tu giải thoát.

NAM MÔ CHỨNG MINH SƯ BỒ TÁT TÁC ĐẠI CHỨNG MINH.

 

LIÊN TẠNG

“Về đây nương ánh Minh Quang,

Về đây nghe pháp, tham thiền, học tu”.

Vậy là tuần lễ khoá “Bồi dưỡng Đạo hạnh” lần đầu tiên của Hệ phái Khất sĩ tổ chức cho hàng hậu học tập sự và Sa-di tại Pháp viện Minh Đăng Quang đã trôi qua.

Thời gian thật quá vô thường,

Trôi nhanh chẳng đợi chẳng thương cuộc người”.

Nhớ lại ngày này tuần trước, được Sư phụ cho phép cùng Sư huynh đi tham dự Khoá tu Bồi dưỡng Đạo hạnh dành cho tập sự, Sa-di, con vào Pháp viện lớ ngớ, sợ sệt như chú chim non chẳng biết phép tắc là gì, oai nghi ra làm sao, như thế nào cho phải phép đạo. Trước đó, con cứ suy nghĩ phân vân có nên đi hay không? Việc học lại đang trong thời kỳ kiểm tra, thi ải. Nhưng suy nghĩ kỹ, con thấy mình không nên bỏ lỡ mất cơ hội. Bởi làm một người tập sự, Sa-di mà không biết rõ bổn phận và oai nghi tế hạnh của thứ lớp mình là điều thiếu sót, lại không nắm lấy nhân duyên đi tu học chung cùng đại chúng như thế này lại là điều thiếu sót lớn gấp bội. Thế là con nhất định tạm gác lại việc học, khăn gói theo Sư huynh đảnh lễ Thầy Tổ và lên đường tham dự Khóa tu.

Bản thân con chỉ biết Pháp viện qua những lời kể hay thông tin đại chúng chứ chưa bao giờ được đặt chân đến. Giờ được đặt đến ngôi Pháp viện, được tận mắt chứng kiến công trình trang nghiêm, thanh tịnh và đồ sộ, lòng con tràn đầy ngưỡng mộ, đầy tri ơn công đức của Ngài Pháp chủ. Con thầm tri ân và nghĩ rằng các Ngài không những dựng lên ngôi Pháp viện khang trang mà còn thương tưởng hàng hậu học chúng con mở ra Khoá tu bảy ngày cho chúng con cả sáu Giáo đoàn câu hội về đây tu học.

Nghĩ đến công ơn lớn lao đó nên khi đặt chân vào Pháp viện, con luôn tự nhủ với lòng mình không được để xảy ra sai sót, không được buông lung, phải luôn gắng tinh tấn tu hành để không phụ ơn đức Tổ Thầy cho đi học, ơn đức Ngài cố Pháp chủ, Hoà thượng trụ trì, những vị Đại đức cùng quý Sư bà, Sư cô trong Ban Quản chúng đã ngày đêm chăm lo quan tâm, chỉ dạy cho chúng con suốt khoá học vừa qua. Chỉnh sửa từng li từng tí trong cử chỉ hành động đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc, nói, làm,… Nếu như không có những chiếc y vàng của chư Tôn đức luôn thầm lặng, dõi theo chúng con, cùng đồng hành chúng con trong suốt khoá tu, chúng con thật không biết phải làm sao?

Bóng y nhẹ nhàng bay trong gió,

Lo con thơ mệt mỏi hàng giờ,

Nhẹ nhàng đến bên thủ thỉ: “Này con ơi!

Ráng tu đi cho trọn đạo và đời”.

Nhớ những giờ nghe giảng hay những giờ hành thiền, đến những giờ thọ trai, chư vị Giáo thọ luôn bên chúng con, sách tấn, nhắc nhở chúng con tu học, chỉnh cho con những điều sai quấy, những tư thế đúng của người tu hành. Đôi lúc, con thấy khó, quý Ngài nhẹ nhàng nhắc nhở: “Ráng lên con, muốn tu là phải hành” mới đúng với hai chữ tu hành. Mỗi lần nghe lời khuyên nhủ, khuyên lơn của quý Sư bà, Sư cô, lòng con cảm thấy hổ thẹn vô cùng.

Phật dạy: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”, nay con được thân người, lại được xuất gia tu học, con thấy mình thật may mắn và hạnh phúc, không những thế, nay lại được nghe pháp, quý báu thay!

Bảy ngày qua, được đắm mình trong lời pháp vi diệu của chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa cùng chư Đại đức, tâm con được khai mở lần lần. Những bài giảng giúp con thêm kiến thức về con đường mình đang đi, cho con biết thế nào là Khất sĩ, thế nào là chơn lý, và biết về cuộc đời của đức Phật và đức Tổ sư, người khai sáng con đường giác ngộ cho thế hệ con trẻ tiếp bước theo sau. Không chỉ cho con biết về đạo pháp, còn giúp con hành pháp như thế nào để thức tỉnh mình, qua những giờ hành thiền tu tịnh, hòa mình trong đại chúng, cùng tu học theo phương châm của Tổ: “Nên sống chung tu học”. Con rất thích giờ hành thiền và thường ví đây là giờ thi đấu mà thiền đường là đấu trường. Một đấu trường, ở đó con chiến đấu với những ma tham, ma sân, ma si, ma quấy, ma thân, ma vọng động, ma hôn trầm. Bảy ngày vừa qua có đến 14 trận đấu mà sự thắng thua chưa phân định. Có những ngày con chiến thắng được thân con, những trận đau nhức, tê buốt. Cảm nhận nó, chịu đựng nó để rồi xem sức chịu đựng của mình đến đâu. Có những lúc con cũng bị đánh bại bởi ma hôn trầm hay những con ma nghĩ quấy dắt dẫn đến những nơi xa xôi… rồi bất giác tỉnh ra biết mình đang thiền định, cứ như vậy cho đến hết giờ thiền. Hạnh phúc nhất là giây phút được xả thiền, đúng là hạnh phúc không tìm đâu xa.

Được ăn cơm pháp, được uống sữa thiền, nghiền ngẫm giáo lý, được hoà mình trong đại chúng, cùng sống chung tu học, con trưởng thành hơn, chín chắn hơn rất nhiều. Tuy bảy ngày thôi nhưng tâm con đã được gọt giũa thêm sáng chói, đã tưới tẩm cho hạt giống Bồ-đề con nảy mầm, tiếp sức sống cho hạt giống thêm tồn tại và sinh trưởng để mai đây sẽ trở thành những tàng cây có ích cho đạo và đời.

 

THỨC-XOA HƯƠNG LIÊN

Kính bạch chư Tôn đức,

Hôm nay, con xin có đôi lời nói về suy nghĩ của mình khi tham dự Khoá tu Bồi dưỡng Đạo hạnh tập sự, Sa-di lần thứ I tại Pháp viện Minh Đăng Quang.

Mô Phật,

Từ hồi còn trong ba tháng Hạ, nghe khoá tu này bị hoãn lại, con nghĩ mình không có duyên được tham dự. Nhưng cái gì tới nó sẽ tới và khoá tu được diễn ra hôm nay dưới sự chứng minh và thương tưởng hàng hậu học của chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái. Được sự cho phép của Sư cô Bổn sư con theo Sư cô Phước đến Pháp viện Minh Đăng Quang để theo kịp tham dự khoá tu.

Ngày đầu đến chúng con sợ vô cùng vì đến chỗ lạ. Lần đầu được đi nên con lo đủ chuyện muốn bệnh luôn, nhưng rồi dưới sự hướng dẫn của Đại đức tận tình hết lòng vì chúng con còn non trẻ, con bớt lo sợ dần. Quý Đại đức đã từ bi dạy dỗ cho chúng con từ cử chỉ việc làm nhỏ bé, thiết thực. Qua một tuần tu học, con nhìn lại thấy mình trưởng thành trong giáo hơn và rồi thấy hối tiếc thời gian qua mau. Chúng con vẫn mong nhiều khoá tu này thường xuyên tổ chức để chúng con được tu tập nhiều hơn. Như câu nói trong giảng đường của Hoà thượng Viện chủ dạy:

Về đây gặp cửa gặp nhà,

Gặp anh, gặp chị, gặp bà con xưa”.

Và được chư Hoà thượng chỉ dẫn giáo huấn, chúng con học hỏi phẩm hạnh cao cả của Nhị Tổ, và các bậc Thầy để đường tu học ngày mai của chúng con tiến xa hơn, tốt đẹp hơn. Trong Khoá tu, vui nhất là thời sám hối. Dù là lỗi to lỗi nhỏ ai cũng giải bày ra, trình lên và được chư Đại đức hoan hỷ phân tích các lỗi lầm và chỉ dạy.

Khóa tu mở ra, chư vị Hoà thượng, tuy tuổi già sức yếu vẫn thương tưởng đến hàng hậu học về giáo giới, dạy dỗ. Ân đức này, chúng con mãi khắc ghi. Chúng con đê đầu đảnh lễ tri ân chư vị Hoà thượng, chư vị Tôn đức và chúng con cũng xin cầu thỉnh chư Tôn đức từ bi thương cho hậu học chúng con mở nhiều hơn các khoá tu như vậy, để chúng con có cơ hội học hỏi và tu tập dưới sự hướng dẫn, dìu dắt cả chư Hoà thượng và chư vị Đại đức Tôn túc.

 

LIÊN CHÂU (PHÂN ĐOÀN 2 - GIÁO ĐOÀN IV)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính bạch chư Tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, chư Đại đức Tăng Ni chứng minh,

Kính thưa chư huynh đệ đang có mặt trong thiền đường đại chúng,

Con kính nghe:

Mùi hương hoa quý tiết ra,

Khó bề ngược gió bay xa khắp cùng.

Mùi hương đức hạnh ngát lừng,

Tuy rằng ngược gió bay cùng bốn phương”.

Chúng con có duyên lành được hội họp nơi đây cùng nhau bồi dưỡng thêm cho chính mình những tố chất, hạnh đức của một người con Khất sĩ. Thấm thoát bảy ngày tu học trôi qua, đã đến ngày mà chúng con sẽ phải rời xa ngôi nhà chung Pháp viện này để về trú xứ của mỗi người và quay lại với cuộc sống thường nhật của mỗi người.

Hồi tưởng lại vào những ngày đầu khoá tu, chúng con thật sự rất bỡ ngỡ vì lần đầu tiên được sống chung với một hội chúng đông như vậy nhưng đều là lớp Sa-di, tập sự. Con cũng phải học cách để hòa nhập với chúng từ việc múc muỗng cơm, uống ly nước và cùng phân công việc chấp tác mỗi ngày… tất cả đều làm theo tinh thần “Nên tập sống chung tu học”. Điều đặc biệt là chư huynh đệ hành giả khoá tu đến từ sáu Giáo đoàn của Hệ phái Khất sĩ. Bất giác, con nhớ đến câu:

Mỗi người, mỗi nước, mỗi non,

Bước vào cửa đạo như con một nhà”.

Chư Tôn đức đang muốn truyền tải lời dạy của đức Tổ sư đến hàng hậu học chúng con đó là nên phải tập sống chung tu học, vì con được biết rằng: “Cái sống là phải sống chung, cái biết là phải học chung, cái linh là phải tu chung”. Đó là những gì mà Tổ sư đã dạy trong Chơn lý. Từ việc sống chung tu học, vô hình đã tạo nên sợi dây liên kết giữa huynh đệ chúng con và thể hiện tình đoàn kết qua sự giúp đỡ nhau trong những công việc hằng ngày. Trải qua những ngày sống chung tu học, con như quen dần với nếp sống có huynh đệ như cùng ăn cơm, cùng học kinh, cùng nghe pháp, cùng chấp tác v.v… Nhưng giờ lên lớp được chư Tôn đức giảng dạy thì lại sanh tâm chán nản rồi buồn ngủ giống như những liều thuốc gây mê, làm cho con không thể nào kiềm chế được con mắt của mình nữa. Dù con biết vạn pháp đều bị sự vô thường chi phối, nhưng con luôn mong rằng con có thể nghe lại những lời dạy của quý Ngài kỹ càng hơn nữa. Tất cả những lời tâm huyết của quý Ngài đều chỉ một mục đích là mong muốn cho hàng hậu học chúng con vững vàng hơn trên bước đường tu tập và trở thành những người có hạnh đức để tiếp nối quý Ngài, góp phần làm cho đạo pháp cũng như Hệ phái Khất sĩ được thêm hưng thịnh.

Nội dung những bài giảng được chọn lọc kỹ để phù hợp với hàng Sa-di, tập sự chúng con như: Tổng quan về Luật nghi Khất sĩ, Sa-di thờ thầy, Luật Khất sĩ, Chơn lý “Khất sĩ”, Lịch sử Đức Tổ sư để chúng con hiểu rõ hơn mà làm tròn đúng bổn phận của lớp học trò Sa-di và sau này có thể bước lên lớp xuất gia bình đẳng. Thật hạnh phúc khi con là một người con của Khất sĩ, ăn cơm Khất sĩ, hành hạnh Khất sĩ. Cao quý thay cho danh từ Khất sĩ, mượn cái xin thanh tịnh để làm gương và dạy đạo cho đời. Trong Chơn lý, Đức Tổ sư có dạy rằng: “Khất ấy là xin, sĩ đây là học, xin ấy rồi lại cho, học đây rồi lại dạy, xin phẩm thực để nuôi thân giả tạm, cho sự thiện lành, phước đức để bảo dưỡng lấy đời sau. Người Khất sĩ trên xin giáo pháp của chư Phật để nuôi huệ mạng, dưới xin phẩm thực để nuôi thân”. Thật trân quý biết bao và con cũng rất lấy làm hãnh diện khi được làm một người con trong ngôi nhà Khất sĩ.

Những ngày sống chung trong khoá tu, đa phần chúng con đều tuổi đời còn nhỏ nên không tránh khỏi việc ngủ quên mà bỏ bữa, giỡn cười lớn tiếng hay những lúc thất niệm làm hư hao đồ của Tam bảo… Tất cả những việc nhỏ ấy đều được chúng con trình lên, nhưng vì lòng thương tưởng của quý Ngài đến với hàng hậu học chúng con mà luôn hoan hỷ thứ lỗi cho chúng con. Cũng nhờ có thời gian sám hối cuối ngày ấy, chúng con mới có thể bày tỏ hết được tấm lòng của mình, dẹp trừ được bản ngã. Qua sự tỏ bày của chúng con, quý Ngài đã đưa ra những lời dạy cũng rất nghiêm khắc nhưng cũng là những lời dạy rất sâu sắc, con nguyện luôn y giáo phụng hành đạo từ của quý Ngài.

Bảy ngày trôi qua, tuy ngắn ngủi nhưng để lại trong con nhiều ấn tượng sâu sắc. Sẽ không còn nữa những buổi học ngủ gục trong lớp, hay hạnh phúc nhất khi nghe báo hiệu xả thiền, hay nằm “nướng” thêm một chút khi nghe công phu để rồi đến muộn… Tất cả giờ đây chỉ còn trong hồi ức, để rồi chúng con luôn khắc cốt ghi tâm những gì mà chúng con được dạy bảo trong suốt bảy ngày qua. Chúng con cũng mong rằng quý Ngài sẽ tiếp tục mở ra những Khoá Bồi dưỡng Đạo hạnh để chúng con lại được nghe đạo từ của quý Ngài ban dạy. Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo luôn gia hộ cho quý Ngài pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu và luôn là ánh đuốc soi đường dẫn lối cho hàng hậu học chúng con. Cùng cầu nguyện cho chư hành giả khoá tu luôn được an lạc, tu hành tinh tấn và luôn hưởng được niềm hỷ lạc trên con đường tu tập, và sẽ là hàng Tăng chúng thay Phật truyền bá giáo pháp cho chúng sanh để được liễu sanh thoát khổ.

NAM MÔ HOAN HỶ TẠNG BỒ TÁT MA HA TÁT.

 

LIÊN DIỆP (PHÂN ĐOÀN 1 - GIÁO ĐOÀN IV)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch chư Tôn đức,

Thời gian thấm thoát trôi qua mau, mới đó mà Khóa tu Bồi dưỡng Đạo hạnh tại Pháp Viện Minh Đăng Quang đến ngày kết thúc. Giờ đây, chúng con phải nói lời chia tay.

Lần đầu tiên, được sống và tu học cùng đại chúng, con cảm nhận được sự ấm áp, an lạc và tinh thần vững chãi, “dù khó khăn cách mấy cũng phải cố gắng vượt qua”. Chư Tôn đức thương lo cho hàng hậu hậu mà lao tâm khổ trí, mở khóa tu cho chúng con nhằm mục đích bồi dưỡng đạo hạnh, hoàn thiện oai nghi tế hạnh, nhân cách, kiến thức Phật học căn bản và đặc biệt là truyền thừa cho chúng con tôn chỉ của Hệ phái Khất sĩ:

Nối truyền Thích-ca Chánh pháp, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”.

Vì sứ mạng thiêng liêng “Truyền đăng tục diệm, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”, quý Ngài tìm phương cách hướng dẫn, nuôi dưỡng mong chúng con – hàng Tăng Ni trẻ – sẽ thay quý Ngài dẫn dắt chúng sanh. Chư Tôn đức Giáo phẩm tạo cơ hội cho huynh đệ chúng con đến từ sáu Giáo đoàn gặp gỡ nhau, đồng học và cùng tu tập, chia sẻ kinh nghiệm Phật pháp. Chúng con hòa trong màu y vàng rực trong ngôi nhà Khất Sĩ, được ăn bát cơm thiền, tắm mình trong dòng sữa pháp, cảm nhận được cái tinh túy, vi diệu của giáo pháp qua bộ Chơn Lý gồm 69 tập của Đức Tổ sư. Chúng con còn học nhiều bài học tinh hoa từ những trải nghiệm của chư Tôn đức.

Cũng nhờ Khóa Bồi dưỡng Đạo hạnh này giúp cho ba nghiệp, sáu căn của con được gội nhuần trong mưa pháp, trở về với sự an tịnh, thanh lương, đúng với câu:

“Tôi là kẻ ăn xin truyền thống,

Không ngửa tay và chẳng mở lời,

Nhưng tôi nhận của khắp muôn nơi,

Từ thành thị đến đầm lầy nước bạc”.

Tình thương của chư Tôn đức dành cho hàng Tăng Ni chúng con thật vô bờ bến. Dù quý Ngài đã tuổi cao sức yếu nhưng vẫn lo cho chúng con từng chút một, từng miếng ăn, ngụm nước và sắp xếp hời khóa tu học rất khít khao để chúng con tập trung vào việc tu không động tâm nhiều. Con nhớ ngày đầu khóa tu, Hòa thượng Giác Giới đã dạy chúng con rằng: “Khi chúng ta trở thành người xuất gia cầu giải thoát, từ bỏ gia đình, sống đời sống không gia đình, chúng ta phải giữ cho tâm thật tốt luôn được thanh tịnh. Cửa lễ nhà hạnh là hạnh đầu tiên của người học Phật”. Sau mỗi thời sám hối buổi tối, quý Ngài thường nhắc nhở sách tấn chúng con.

Khi nghe những lời nói ấy, con xúc động vô cùng và nghĩ rằng, các Ngài đã tận tâm trao giáo pháp cho mình như vậy, mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để không phụ lòng của các Ngài. Thật khó để diễn tả hết được những cảm xúc tận đáy lòng con. Hòa thượng Giác Toàn - Trưởng ban Tổ chức khóa tu tuy sức khỏe chưa tốt lắm nhưng cũng dành thời gian đến dạy dỗ đại chúng. Ngài giảng cuốn Chơn lý “Khất Sĩ” cho chúng con hiểu được rằng bổn phận của một người con trong truyền thống Khất Sĩ - đó là phải trung thành với mục đích xuất gia nhập đạo của chính mình, biết buông bỏ phiền não, trì giới thanh tịnh, nuôi sống mình một cách trong sạch. Nhờ sự thanh tịnh, chánh niệm trong mỗi oai nghi, cử chỉ hay mỗi lúc hành thiền mà tâm con rất an lạc tuy con biết rõ với một người mới vào đạo như con làm sao tránh khỏi được lỗi lầm, sái quấy.

Mới hôm nào đây, chúng con quỳ dưới chân quý Ngài cầu học giáo pháp để làm hành trang trên bước đường tu nhân học Phật. Giờ phút thiêng liêng ấy, chúng con sẽ không bao giờ quên. Dẫu cho vạn vật có biến đổi, vô thường ra sao, lời dạy của quý Ngài vẫn có giá trị trong chúng con cho đến ngày sau. Công ơn của quý Ngài thật vô cùng tận, con không thể dùng từ ngữ nào để diễn tả hết thành lời chỉ có thể bày tỏ qua đôi dòng ít ỏi này.

Kính chúc quý Ngài pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu và luôn là những bậc Thầy cao quý nhất trong lòng của mọi người. Kính chúc các huynh đệ đồng tu luôn được an lạc, kiết tường, luôn tinh tấn tu học để không phụ lòng của chư Tôn đức đã dạy dỗ trong bảy ngày vừa qua, và sẽ noi gương các Ngài để trở thành những vị kế thừa sự nghiệp của Tổ Thầy, đó là “Kế Tổ khai lai, báo Phật ân đức”, sẽ trở thành những ngọn đuốc sáng cho lớp hậu lai.

 

SA DI NI LIÊN HIỆP (TỊNH XÁ NGỌC VÂN – GĐ. IV)

Vậy là chỉ còn một ngày nữa, khoá tu sẽ kết thúc, chúng con lại trở về tịnh xá của mình với thân tâm đầy an lạc, hoan hỷ. Tuy mới sống chung với nhau chưa đầy một tuần lễ nhưng chúng con đã cảm thấy thật gắn bó trong tinh thần “sống chung tu học” như anh em một nhà. Cảm ơn quý Hoà thượng, Thượng toạ, chư Đại đức cùng quý Ni sư, Sư cô trong Ban Tổ chức đã thương tưởng đến hàng hậu học mà tạo cho chúng con có những ngày sống chung tu học. Con thành tâm cảm niệm ân đức của Sư phụ và quý Sư cô đã chỉ dạy cho con biết về oai nghi bổn phận của người xuất gia học Phật và hôm nay cho con được đến dự khoá tu này.

Tuy chỉ một tuần, thời gian không lâu nhưng cũng đủ để chúng con làm hành trang cất bước, làm đôi cánh cho chúng con bay cao, bay xa hơn nữa. Nghĩ lại trước khi đến dự khoá tu này, khi Sư phụ và quý Sư cô dạy cho con đến đây nhưng lúc đó con không muốn đi lắm vì thấy Sư phụ và quý Sư cô ở nhà đã lớn tuổi lại nhiều bệnh mà phải làm việc thay cho chúng con, và một phần phải nghỉ học nhiều nên con cứ do dự.

Ngày đầu tiên đến đây, con chưa có cảm giác hoan hỷ gì ngoài việc thấy chân mình rất đau, và buồn ngủ, nên lúc nghe Đại đức nói ai đi học thì được đi nên con cũng xin đi học. Nhưng ngày hôm sau, buổi sáng nghe Sư giảng về oai nghi và bổn phận của người Sa-di, con đã suy nghĩ lại và quyết định nghỉ học để được chú tâm vào khoá tu này, vì con thấy ở đây con sẽ học được những điều cần thiết cho mình trên bước đường học Phật, dù ở trường cả đời con cũng chưa học được. Tuy là chưa thực hành được bao nhiêu so với cái con được học ở đây, nhưng con nguyện ghi vào tâm để làm hành trang trên con đường dài phía trước. Để mai đây khi trở về trú xứ của mình con sẽ luôn ghi nhớ và thật hành những gì mà con đã học ở khoá tu này. Con xin ghi nhớ tấm lòng cao cả của quý Sư vì tương lai của đàn em hậu học, chỉ từng cách đi, đứng, ngồi, nằm, tu tập, và thật cảm động khi thấy sự vất vả cả buổi chiều chuẩn bị kiến thức cho chúng con trước kỳ khảo thí, tuy vất vả nhưng quý Ngài vẫn giữ nụ cười hoan hỷ.

Con xin cảm tạ công ơn quý Ngài đã tạo cho chúng con một môi trường để cùng tu học. Cầu xin hồng ân Tam bảo gia hộ quý Ngài thân tâm thường an lạc, pháp thể khinh an để dẫn dắt đàn hậu học chúng con trên con đường tu học Phật.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.

 

LIÊN KHANG (TX. NGỌC BAN)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính bạch chư Tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni trong Ban Quản chúng

Hôm nay trong khung cảnh trang nghiêm, chan hòa ánh đạo của ngày Tổng kết Khóa tu Bồi dưỡng Đạo hạnh - Lần thứ 1, con xin đầu thành đảnh lễ hướng về chư Tôn đức dâng đôi lời cảm tưởng.

Kính bạch chư Tôn Thiền đức,

Thời gian lặng lẽ trôi qua như dòng nước bạc, mới đó mà 7 ngày trôi qua, Khóa tu Bồi dưỡng Đạo hạnh đã khép lại, đây là dấu ấn thời gian quan trọng, đánh giá sự thăng trầm tiến tu trên lộ trình tu tập của hàng tu sĩ, cũng là mốc thời gian quý báu, cho chúng con cơ hội nhìn lại chính mình, nương tựa đức lớn của quý Ngài, phát triển đời sống tâm linh và cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm trong tinh thần tu tập thanh tịnh và hòa hợp.

Chúng con kính nghe:

Vui thay chư Phật ra đời,

Vui thay Giáo pháp khắp nơi hoằng truyền.

Vui thay Tăng lữ đoàn viên,

Vui thay Tứ chúng kết duyên tu hành.

Trong suốt bảy ngày qua, mỗi ngày chúng con được nghe được học giáo pháp từ lời giảng của các Ngài. Con cảm nhận:

“Bài học Sa-Sdi”, “Sa-di thờ Thầy”, nếu không nhờ quý Ngài không triển khai rộng, hàng hậu học chúng con chỉ hiểu học để mà học. Nhưng hôm nay con nghe Hòa thượng và Đại đức giảng, quả thật là quý báu, bổn phận làm trò?

Chư Tôn đức triển khai đường lối tu tập của Tổ. Tiểu sử của Đức Phật. Con nguyện đem pháp bảo này để áp dụng trong đời sống tu học hằng ngày và siêng năng đọc Kinh, Luật, Luận, để trang bị Tâm đức, Giới đức, Hạnh đức và Trí huệ được sáng suốt.

Tu có học mới rạng ngời Chánh pháp,

Học có tu mới lợi đạo tốt đời.

Sau cùng con xin cầu chúc cho quí Ngài pháp thể khinh an, Bồ-đề tâm kiên cố để làm tàng cây che mát cho chúng con.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

NƠI SỐNG VÀ TU - LIÊN KỈNH

Như những cánh én nhỏ bay đi khắp nơi tìm mùa xuân, chúng con, những người con Khất sĩ đi khắp nơi xa gần tìm cầu giới pháp. Nhưng có một điều chắc chắn rằng dù ở nơi đâu, dù được an lạc hay không thì thâm sâu trong lòng của người con tha hương vẫn một lòng tha thiết nỗi nhớ quê hương và mong có ngày trở về.

Chúng con mang trên vai tấm y vàng giải thoát thanh bần, lại còn mong mỏi hơn được quay về nơi quê cha đất tổ, nơi không chỉ có mái ấm gia đình nhỏ thân bằng quyến thuộc mà còn có cả một đại gia đình cùng tình thương yêu bao dung rộng lớn.

Nhớ lắm thời khắc được làm lễ xuất gia “tóc vừa cạo tơ lòng đoạn phủi, cuốn sổ đời tuổi đã bôi”, nhớ lắm nụ cười hiền và ánh mắt thân yêu đầy hy vọng của Thầy khi con cất bước ra đi, lúc con trở về, nhớ lắm những giây phút thầy trò làm nhang làm bánh, nhớ lắm những buổi mấy chị em lén Sư phụ hái xoài trên cây rồi hít hà ăn với muối ớt…

Khi đi xa rồi tất cả trở thành kỷ niệm, bài học quý báu là ánh lửa hồng sưởi ấm con tim người xa xứ. Lúc đó, con mới thấy thương thấy nhớ về những khoảnh khắc sống chung với Sư phụ, bên huynh đệ, dẫu có khó khăn hay vui sướng.

Hôm nay có duyên phước về thăm quê hương, may mắn hơn nữa là con được tham gia khóa tu BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH, một lần nữa niềm vui sướng ấy được gia tăng gấp bội. Vì nơi đây con được gặp các bậc Tôn túc trong Giáo hội, được lắng nghe những lời dạy bảo bằng cả tấm lòng, tâm huyết bao năm tu học của quý Ngài, sau đến là được gặp lại chư huynh đệ trong giáo đoàn khắp mọi miền tịnh xá.

Mỗi người mỗi nước mỗi non,

Bước vào nhà đạo như con một nhà”.

Một lần nữa con lại được sống trong bầu không khí cùng học giáo lý cùng tu, cùng độ ngọ, cùng sám hối… của những khóa tu ngày trước. Nay có khác hơn là được chăm sóc nhiều hơn của Hòa thượng Viện chủ cùng chư Tôn đức trong Ban Quản chúng và toàn thể huynh đệ nhiều hơn.

Mỗi lần tham dự khóa tu là mỗi lần con được hiểu rõ hơn về Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, về Ân Đức Tổ sư, chư đức Thầy cũng như lối sống GIỚI-ĐỊNH-TUỆ theo gương đức Từ phụ Bổn sư. Đây là cơ hội quý báu để ý chí tu tập trong con được cũng cố qua những lời sách tấn của quý Ngài. Có như vậy mới thấy được sức mạnh to lớn của đại chúng sống chung tu học, nhìn lại bản thân con thấy được trí mình còn ít ỏi, lực tu mình còn kém đến chừng nào.

Nay khóa tu đã gần hoàn mãn, mai này chư Tôn đức, chư huynh đệ, ai nấy trở về trú xứ với phận sự và cuộc sống tu học thường nhật của mình. Con tin chắc rằng ai nấy cũng giữ trong mình chút ít gì đó để học để sửa, để nhớ và lưu luyến thời Sa-di tập sự. Mai sau biết có về tụ tập đông đủ như vậy được hay không, được sống chung tu học theo lời dạy của Tổ sư hay không? Bởi đời vô thường, con người cũng theo dòng thời gian mà tiếp bước.

Riêng con, hành trang tiếp bước con đường tu học của mình là những lời dạy với niềm tin yêu, hy vọng vào thế hệ tương lai của quý Ngài. “Chúng ta phải nhớ chúng ta là con cháu của Khất Sĩ, phải sống theo đúng đường lối “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, chữ “Trí đứng kế chữ Tâm”, “Tu là phải biết khiêm tốn, bao nhiêu bằng cấp cũng không bằng hai chữ “bằng lòng”, “ráng tu nghen con”.”

Vâng, kính bạch quý Ngài, con vẫn luôn hãnh diện là người con Khất Sĩ Việt Nam, dầu đi đâu đi nữa, dù chưa thể thành tựu đạo quả ngay trong kiếp này đi nữa, con xin nguyện giữ trên vai mảnh y vàng Khất Sĩ, xin được trở về tu học với mái nhà đạo, xin được nương tựa nơi Tăng-già giải thoát.

Xin cho con một lần nữa thành kính tri ân chư Tôn đức Hệ phái, chư Đại đức Tăng Ni cùng toàn thể đại chúng được trở về hôm nay chung sống hòa hợp.

Việt Nam Khất Sĩ là đây,

Sống vui tu học sum vầy vui thay !

 

LIÊN NGÔN (TX. NGỌC LÂM – BÀ RỊA VŨNG TÀU)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính lạy đức Tổ sư Minh Đăng Quang,

Kính bạch chư Tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, chư Tôn đức khóa tu,

Kính lạy quý Ni trưởng, quý Ni sư, quý Sư cô trong Ban Quản chúng,

Con đã được về Pháp viện nhiều lần để làm công quả như: lễ Vu Lan hằng năm, lễ tang của cố Đại lão Hòa thượng Pháp sư… Nay tại Pháp viện Minh Đăng Quang tổ chức mở Khóa Bồi dưỡng Đạo hạnh lần thứ 1 của Hệ phái, được sự cho phép của Sư phụ, con tham dự vào khóa tu. chắc đây cũng là thiện duyên từ nhiều kiếp trước, con đủ nhân duyên làm người xuất gia, được tắm mình trong giáo pháp của Đức Phật.

Đây là lần đầu tiên con tham dự khóa tu. Trước đó con nghe nói vào khóa tu rất nghiêm khắc nên con cũng sợ, lo lắng và lúc nhập chúng con càng sợ hơn khi phải đối diện với nhiều huynh đệ chưa quen mà bản tánh của con thì rụt rè nhút nhát. Nhưng con cũng dần dần khắc phục được để cùng đại chúng tu học.

Đêm trước khi khai mạc khóa tu, Đại đức Thư ký cùng Ban Tổ chức phổ biến nội quy và thời khóa biểu để hội chúng biết làm theo, con rất hoan hỷ.

Khi tiếng kẻng thức chúng ngày tu đầu tiên vang lên, con cảm nhận cái buồn ngủ vẫn còn và con muốn ngủ lại, nhưng con không nuông chiều bản thân nữa, phải rèn luyện nó ngay thôi.

Tựu hội trên giảng đường đông đủ, cả đại chúng hòa âm tụng kinh, bài kinh Pháp cú vang lên trong sự trầm bổng của đại chúng nghe ấm áp vô cùng, làm tâm tu của con mạnh mẽ hơn.

Lễ khai mạc được diễn ra trang nghiêm dưới sự chứng minh tham dự của chư Tôn đức lãnh đạo Hệ phái. Quý Hòa thượng dạy rằng: Hạnh Khất sĩ được khoác y vàng vai mang bình bát đất, phải làm hạnh Như Lai, vì chúng con là đệ tử Phật, là ngôi nhà nương tựa cho chúng sanh lễ bái cúng dường ở mai sau.

Giờ độ ngọ, Phật tử sớt bát cúng dường với lòng thành kính. Chúng con được quý Ni sư hướng dẫn đi chánh niệm từng hàng vào trai đường.

Nhìn hình ảnh Tăng đoàn trang nghiêm y vàng bay phất phới dưới làn gió nhẹ làm tăng thêm oai nghi của người con Khất sĩ. Đại đức Thư ký dạy rằng: “Chén cơm vàng ngọc của đàn na nặng như núi Tu-di, chúng ta ăn mà không lo tu thì khó tiêu lắm”. Nghe lời dạy mà lòng con xúc động khó tả.

Trong giờ thọ pháp quý Hòa thượng thay phiên nhau giảng giải cho chúng con từng bước một. Hòa thượng Giác Giới dạy tổng quan về Luật nghi Khất sĩ.

Hòa thượng Giác Pháp dạy Sa-di tập sự phải làm tròn xong bổn phận hầu Thầy, phải khiêm cung, hòa kính, nhịn nhường đó là nấc thang, là công phu tu tập. ĐĐ. Giác Hoàng dạy hạnh chánh niệm tỉnh thức là năng lượng thông suốt các pháp, vì thân ở đâu thì tâm ở đó sẽ nhận thấy được mọi vật xung quanh ta. Đại đức Minh Điệp dạy ý nghĩa bài kinh Cúng Ngọ. Nghe xong, con mới hiểu bài kinh mà bấy lâu nay con vẫn đọc hằng ngày vào buổi cơm trưa rất thuộc nhưng con không hiểu được ý nghĩa cao đẹp, sự hòa hợp thân ái mà đã bao đời qua Tổ sư đã truyền lại, một sự gắn kết chặt chẽ giữa những người Khất sĩ ở các miền khác nhau nhưng khi tụng đọc, các vị ấy đều tụng theo một thể, dù muôn người mà như một đang tụng vậy. Tỉnh thức trong từng muỗng cơm để biết được sự vận hành của tâm mình, đây cũng là phương pháp tu tập để theo dõi cái tâm.

ĐĐ. Minh Viên chia sẻ những kinh nghiệm trong sự tu học của mình. ĐĐ. Minh Khải giảng giải về sáu chữ “Nên tập sống chung tu học” mà Ban Tổ chức đã treo ở giảng đường. TT. Giác Tây dạy cho chúng con về bài “Kệ Giới”, những giới luật mà chư Phật đã dạy và ví dụ về những lợi ích của biển cho hàng đệ tử dễ hiểu. HT. Giác Toàn dạy cho chúng con về Chơn lý của Tổ sư thông qua bài “Khất sĩ”.

Ôi! Giáo lý của chư Phật, chư Tổ sao mà thâm sâu vi diệu quá. Chúng con nhờ ân đức của các Ngài đã giảng giải cho chúng con hiểu biết rộng hơn. Oai nghi đức hạnh được tăng trưởng, Bồ-đề tâm được tưới tẩm trong dòng sữa pháp ngọt ngào của chư Tôn đức. Con xin tri ơn ân đức chư Phật ba đời và Tổ sư đã khai sáng ra con đường chánh đạo, cao cả. Con xin tri ơn các bậc Thầy đã dìu dắt chúng con phần oai nghi đạo hạnh để xứng đáng là Thích tử của Như Lai.

Bảy ngày trôi qua rất nhanh, những vui buồn rồi cũng tan theo năm tháng, chỉ còn đọng lại trong con Pháp bảo mà chư Tôn đức đã truyền trao.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

HOÀI NIỆM KHÓA TU

Ngây thơ con bước vào chùa,

Không lo, không sợ sống đời Ni cô.

Bài đầu con học, con tu,

Là hai thời khóa công phu sớm chiều.

Hai năm rồi lại ba năm,

Hôm nay lại được về thăm Phật đường.

Lần đầu tham dự khóa tu,

Bồi dưỡng Đạo hạnh cho hàng hậu lai.

Kinh khuya, sáng học, tối thiền,

Hân hoan một thoáng bâng khuâng một tuần.

Ngày đầu ổn định chia ban,

Ngày hai được học những câu răn lòng.

Ngày ba Chơn lý Tổ sư,

Sáng chiều đều phải ưu tư học hành.

Sáng nay ngày sáu bâng khuâng,

Thế là sắp hết bảy ngày chuyên tu.

Ân thâm dạy dỗ quý Ngài,

Lòng con ghi khắc suốt đời không quên.

Tiến tu mong được đáp đền,

Suốt đời tu học, không quên ân này.

 

LIÊN TRINH (TX. NGỌC LÂM)

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính lạy Đức Tổ sư Minh Đăng Quang,

Kính bạch chư Hòa thượng, chư Thượng tọa, chư Đại đức Ban Tổ chức,

Kính bạch quý Ni trưởng, Ni sư, Sư cô trong Ban Quản chúng,

Đây là khóa tu đầu tiên được tổ chức tại Pháp viện Minh Đăng Quang, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh, mà con cũng có đủ duyên lành về đây tham dự.

Ngày đầu tiên tham dự Khóa tu Đạo hạnh dành cho lớp Sa-di, con vô cùng bỡ ngỡ trước đại chúng và con thầm nghĩ rồi đây con sẽ được học và được nghe những lời khai thị của nhiều vị Tôn túc và giảng sư nhiều kinh nghiệm sau nhiều năm tu học. Thời pháp đầu tiên con được nghe là “Khái niệm Luật nghi Khất sĩ” do Hòa thượng Giác Giới giảng. Ngày sau, Hòa thượng Giác Pháp khai thị môn Oai nghi giúp cho con hiểu thêm về bổn phận và vai trò của Sa-di. Kế đến, Đại đức Minh Điệp triển khai phần mở đầu là những bài kệ Cúng ngọ trước khi ăn cơm. Những bài kệ này hằng ngày con đọc một cách vô tư, nhưng giờ đây, nghe Sư giảng, con mới hiểu lời kệ mang một ý nghĩa vô cùng sâu sắc và mầu nhiệm. Mầu nhiệm đến đôỗi con phải thầm lo sợ, bởi vì khi thọ lãnh thức ăn vật thực của tín thí là phải dốc tâm và sức lực cầu nguyện cho tín chủ vẹn phần công đức mặc dầu con cũng biết “người dâng vật quý là mong phước lành”.

Buổi trưa đến giờ thọ trai, con lại được sự hướng dẫn của Đại đức Thư ký về cách ăn cơm hòa chúng, ăn chậm rãi và chánh niệm. Chiều đến, chúng con còn có giờ ngồi dò bài để trả bài. Chúng con ai cũng lo lắng sợ không trả bài được, nhưng nhờ sự sống chung tu học nên sự lo lắng đó cũng tan loãng trong không gian. Tối đến, chúng con lại được quý Sư dạy ngồi thiền, lại một lần bỡ ngỡ nữa, bởi vì chúng con biết ngồi thiền nhưng chúng con không biết tìm cái gì trong lúc thiền tọa. Giờ đây, chúng con biết theo dõi hơi thở, quan sát cơn đau của cơ thể, xua đuổi vọng tưởng. Con còn biết vọng tưởng không bao giờ diệt, chỉ đoạn mà thôi; con nghĩ vọng tưởng giống như một người khách quý đến nhà thì tiếp đãi niềm nở, vui vẻ, rồi trong giây lát khách ra về chớ không ở mãi với mình. Cũng vậy, khi vọng tưởng đến con để nó đến tự nhiên rồi nó cũng tự tan biến, con trở về trạng thái theo dõi hơi thở, nhận rõ sự ra vào của hơi thở, và hoan hỷ khi được ngồi thiền. Sau giờ tụng kinh là sám hối chung cho Sa-di và tập sự. Sám hối việc đã làm, đã phạm trong một ngày tu học. Hay thay, ai ai dù phạm một lỗi nhỏ nào cũng đều được quý Sư dạy lên sám hối để tiêu nghiệp, tiến triển trên đường tu, nhất là được thân tâm thanh tịnh sau khi sám hối xong. Nhiều khi con cũng phạm nhiều lỗi từ tam nghiệp của mình, nhưng con chưa có đủ can đảm để phát lồ sám hối. Nhờ năng lực của chư Tôn đức và đại chúng đã làm cho con nhận ra cái ngã, tuy vô hình mà vô cùng to lớn không dám nhìn nhận tội lỗi sai lầm mà mình đã phạm phải trong thời gian qua. Giờ đây, con được tắm mình trong bể pháp, gột rửa thân tâm ngày một thêm nhiều.

Mới đó mà đã bảy ngày trôi qua. Bảy ngày đã trôi qua nhưng để lại trong lòng con rất nhiều sự giáo huấn nhắc nhở khêu đèn trí huệ cho con hiểu thêm giáo lý nhà Phật, vậy:

“Khóa thời giờ giấc công phu,

Tu trong mọi lúc, để rồi sửa tâm.

Bồi công bồi đức cho đời,

Dưỡng nuôi huệ mạng rạng ngời pháp đăng.

Đạo Phật là đạo cứu đời,

Hạnh tu Khất sĩ lữ hành du phương.

Tập ăn tập nói tập làm,

Sự lý đôi đàng phải hiểu cho thông

Sa chân lỡ rớt xuống hầm đồng

Đi mà chẳng động sen vàng điểm tên.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.

 

LIÊN NHÀN (TX. NGỌC LÂM - Q. 6; Phân đoàn 2, Giáo đoàn IV)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính lạy chư Phật Pháp Tăng mười phương ba đời.

Kính lạy đức Tổ Sư Minh Đăng Quang.

Kính lạy giác linh đức Nhị Tổ cùng các bậc thầy quá vãng.

Kính bạch chư Tôn Hòa thượng, chư Đại đức Tăng chứng minh.

Kính bạch quý Ni trưởng, Ni sư, qúy Sư cô cùng toàn thể đại chúng.

Vậy là bảy ngày tu học đạo hạnh đã trôi qua trong niềm an lạc. Hôm nay là ngày mãn khóa tu, con có đôi dòng cảm niệm để bày tỏ lòng tri ân sâu xa đến thâm ân cao cả của chư Tôn đức.

Kính bạch quý Ngài !

Chúng con vô cùng diễm phúc và đủ thiện duyên hôm nay được về đây tham dự Khóa tu “Bồi dưỡng Đạo hạnh Tập sự Sa-di - Lần thứ I” này do chư Tôn đức trong Hệ phái tổ chức.

Tuy tuổi già sức yếu với nhiều bệnh duyên và Phật sự đa đoan trong Giáo hội, nhưng Hòa thượng Trưởng ban Tổ chức, Trụ trì Pháp viện Minh Đăng Quang đã vì lòng từ bi thương tưởng đến hàng hậu học sơ cơ chúng con, mở khóa tu nhằm bồi dưỡng đạo hạnh cho chúng con tu học. Mỗi ngày chư Tôn đức thuyết giảng kinh pháp để chúng con thêm hiểu biết về được lối tu học trong hiện tại và tương lại.

Kính bạch quý Ngài!

Chúng con kính nghe:

Trong mắt người có con ngươi mới tỏ,

Sách không thầy biết ngõ làm sao?

Xưa nay giáo pháp truyền trao,

Không thầy há dễ trò nào nên danh.

Thật đúng như vậy, nếu không có quý Ngài, không biết chúng con có thể trưởng thành trong đạo pháp được hay không? Chồi non cần chăm bón mới thành cây đại thụ, chúng con cũng vậy mới chập chững vào đạo làm tập sự Sa-di, tâm đạo còn yếu kém, chính quý Ngài sẽ là những bàn tay vững chắc nâng đỡ, dìu dắt chúng con từng bước vững vàng hơn trong đường tu của mình.

Thầy chuyển tải vào dòng đời bất diệt,

Những tinh hoa và đường lối tu hành,

Lòng bi mẫn rải khắp cả chúng sanh,

Cùng tu tập trưởng thành trong Chánh pháp.

Thật vậy, bảy ngày tu học qua, quý Ngài đã chuyển tải vào tâm chúng con biết bao điều lợi ích. Là một tập sự Sa-di, oai nghi hạnh kiểm luôn là vấn đề quan trọng và luôn được quý Ngài quan tâm. Vì vậy những bài giảng của chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa , chư Đại đức luôn nhấn mạnh vào vấn đề oai nghi và bổn phận của mình.

Và quý Ngài cũng cho chúng con thấy rõ đường lối Khất sĩ qua ý pháp trong Chơn lý của Tổ sư, và dạy chúng con phải “Nên tập sống chung tu học”.

Chúng con như thấy được mình qua những giờ sám hối với những lời sách tấn nhẹ nhàng và đầy lòng từ bi của chư Đại đức đã giúp chúng con dẹp bỏ được bản ngã của mình, để nói lên những lỗi lầm lỡ gây tạo, giúp chúng con chỉnh sửa mình trong từng oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc ,nói, làm…

Kính bạch quý Ngài !

Mưa dầu tạnh nhưng pháp âm còn mãi,

Lời chơn như muôn thuở vẫn còn nghe,

Thuyết chánh pháp cho đời thanh thoát,

Cho đạo mầu muôn thuở vẫn bay xa.

Thật vậy, những nghĩa cử cao quý với hạnh nguyện và lòng vị tha cao cả trong tinh thần vô ngã vị tha của Bồ-tát hành, với những pháp âm vi diệu của quý Ngài, chúng con xin khắc cốt ghi tâm để lấy đó làm hành trang trên bước đường tu học.

Chúng con vẫn biết:

Lời lẽ nào nói cho tròn tâm khảm,

Bút mực nào viết cho trọn ân sư,

Đến khi nào đáp trả nghĩa từ bi,

Nguyện dũng tiến trên con đường tu học.

Bảy ngày qua thật ý nghĩa vô cùng! Có lẽ sẽ không có lời nào có thể nói hết được lòng thành kính tri ân của chúng con, chúng con chỉ biết nguyện tinh tấn tu học thật tốt để đền ơn chư Phật, chư Tổ và không phụ lòng dạy dỗ của quý Ngài.

Cuối cùng, chúng con xin kính chúc quý Ngài pháp thể khinh an, huệ đăng thường chiếu, mãi là tàng cây bóng mát che chở chúng con và là ngọn hải đăng soi đường dẫn lối cho chúng con và chúng sanh trên lộ trình giác ngộ.

Thành tâm kính chúc bậc ân sư,

Ngọc ngữ kim ngôn rạng đức từ,

Pháp nhũ gội nhuần muôn vạn vật,

Phước như đông hải, phước tràn dư.

Và chúng con cũng xin tri ân đến chư thiện nam, tín nữ đã góp công, góp của cho khóa sinh được nhiều sức khỏe, Bồ-đề tâm được kiên cố, tinh tấn trên bước đường học Phật và luôn luôn được an lành trong ánh hào quang của chư Phật.

Nam Mô Chứng Minh Sư Bồ Tát Ma Ha Tát.

 

LIÊN HẠNH (TX. NGỌC VĂN - CỦ CHI) - PHÂN ĐOÀN 1 GĐ IV

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính lạy đức Tổ sư Minh Đăng Quang;

Kính bạch chư Tôn đức Tăng trong Ban Quản chúng;

Kính bạch quý Ni trưởng, quý Ni sư, quý Sư cô trong Ban Quản chúng chứng minh;

Kính bạch chư Tôn đức Tăng, Ni trong thiền đường đại chúng;

Thời gian bảy ngày thấm thoát trôi qua thật nhanh để trong lòng những cảm xúc khó quên, đó chính là những hành trang quý giá nhất trong cuộc đời tu học của chúng con. Hôm nay là ngày mãn Khóa tu Bồi dưỡng Đạo hạnh tại Pháp viện Minh Đăng Quang, giữa không khí trang nghiêm thanh tịnh, chúng con xin thành kính đảnh lễ dâng lên chư Tôn đức Tăng trong hàng Giáo phẩm đôi dòng cảm niệm chân thành.

Buổi đầu học hạnh

Lần đầu tiên được dự,

Một khóa tu bảy ngày,

Bồi dưỡng đạo và hạnh,

Cho những người Sa-di

Tập sự, người mới tu,

Đều được học cả thảy,

Nuôi lớn đạo hạnh người,

Trở thành người tốt thay.

Qua bảy ngày tu tập,

Học được biết bao điều.

Pháp học và hành đó,

Cho mọi người hành theo.

Bao nhiêu niềm an lạc,

Được phát khởi lần lần,

Tâm từ bi cũng được,

Dần được tiến cao thêm.

Bao nhiêu niềm cảm kích,

Khó diễn hết nỗi lòng.

Mong chư Tôn đức được

Sức khỏe và tinh thần.

Luôn là bóng đại thụ,

Cho chúng con nương vào,

Đuốc tuệ luôn ngời sáng,

Thắp nối Phật Tăng xưa.

 

LIÊN ĐẠT

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính lạy chư Phật Pháp Tăng mười phương ba đời,

Kính lạy Đức Tổ sư Minh Đăng Quang,

Kính bạch chư Tôn Hoà thượng, chư Tôn đức trong Ban Chứng minh,

Kính bạch quý Ni trưởng, quý Ni sư, cùng toàn thể đại chúng,

Lần đầu tiên huynh đệ Sa-di và thức-xoa chúng con có cơ duyên về Pháp viện Minh Đăng Quang tham dự khoá tu “Bồi dưỡng đạo hạnh” trong một tuần lễ.

Ngày đầu khi bước vào giảng đường, đối diện với 266 Tăng Ni, con rất lo ngại, e dè bỡ ngỡ. Con chưa quen với cuộc sống tu học đông như vậy nên tâm hồi hộp. Trong không khí trang nghiêm thanh tịnh, uy nghi, ngồi trong giảng đường con suy nghĩ miên man. Chư Hòa thượng, chư Tôn đức trong Ban Quản chúng đã không ngại gì đến sức khoẻ và đường xá xa xôi, quang lâm về Pháp viện Minh Đăng Quang thuyết giảng và truyền trao giáo pháp Khất sĩ cho chúng con. HT. Giác Pháp đã giảng về oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc, nói, làm, người xuất gia của chúng ta ai cũng phải hành trì để xứng danh Thích tử thiền môn. Nhờ tham dự khóa tu mà chúng con tinh tấn hơn, thức khuya dậy sớm để học và thực hành giáo pháp của Như Lai, Tổ sư.

Mỗi ngày trên giảng đường, Tăng Ni lắng lòng nghe giáo pháp như đang được tắm mình trong dòng pháp chư Hoà thượng thuyết giảng. Sau đó, trong mọi sinh hoạt, chúng con đều tập giữ chánh niệm lúc đi, đứng, ngồi, nằm. Chỉ vì không dám nhận lỗi đó thôi, chúng con vẫn biết tự thân còn rất nhiều khuyết điểm. Khoá tu đạo hạnh này giúp việc công phu tu tập của chúng con tốt đẹp hơn, biết khép mình trong khuôn khổ, ý chí này chỉ có người xuất gia mới làm được mà thôi. Tổ sư Minh Đăng Quang đã khai mở truyền thống: “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, chư Tăng Ni thế hệ sau sẽ tiếp nối gìn giữ kho tàng giáo pháp của Như Lai.

Sau này dù đi đâu hay làm gì, chúng con cũng sẽ nhớ Khoá tu Bồi dưỡng Đạo hạnh lần đầu tại Pháp viện Minh Đăng Quang vào ngày 6/10/ 2015 này.

 

LIÊN TRÂN (TX. NGỌC THIỀN – GĐ. III)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Ngưỡng bái bạch chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng chứng minh,

Ngưỡng bái bạch quý Ni trưởng, Ni sư, Sư cô chứng minh,

Kính thưa toàn thể đại chúng,

Thắm thoát 7 ngày đã trôi qua, Khóa tu Bồi dưỡng đạo hạnh cho Sa-di, tập sự Hệ phái Khất sĩ tổ chức tại Pháp viện Minh Đăng Quang đang dần khép lại, để lại trong tâm mỗi vị hành giả bao nhiêu cảm xúc như muốn chực trào nơi khóe mắt. Dẫu biết rằng:

Trong hội ngộ đã nảy mầm ly biệt,

Trong sự đến đã chứa mầm sự đi”.

Nhưng sao con muốn nắm thời gian lại, gió ngừng thổi, mây thôi bay cho con nói đôi lời.

Kính bạch chư Tôn đức,

Thật hữu duyên khi chúng con giác ngộ xuất gia theo giáo pháp Khất sĩ, là bỏ gia đình, quyến thuộc, thú vui dục lạc trên cõi đời để nhận lấy chiếc y vàng, tay ôm bình bát đất, chân trần đi khất thực.

Nhất bát thiên gia phạn,

Cô thân vạn lý du,

Dục cùng sinh tử lộ,

Khất hóa độ xuân thu”.

Và hạnh phúc hơn nữa khi hàng hậu học chúng con được các bậc Tôn túc lãnh đạo trong Hệ phái quan tâm, chăm sóc tạo điều kiện tốt nhất cho chúng con về “Văn, Tư, Tu”. Quý Ngài đã lao tâm khổ tứ xây dựng đạo tràng Pháp viện Minh Đăng Quang tạo môi trường tu học tốt nhất cho hàng hậu học của Hệ phái. Nhận thấy những ưu, nhược điểm của lớp trẻ xuất gia, quý Ngài thống nhất tổ chức khóa tu dành cho Sa-di, tập sự, để rèn luyện oai nghi tế hạnh dựa trên nền tảng cơ bản “Nên tập sống chung tu học”.

Lần đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn, con choáng ngộp trước vẻ đẹp xa hoa tráng lệ nơi phố thị. Pháp viện Minh Đăng Quang không nằm ngoài trung tâm thành phố mà thuộc vùng ngoại ô. Pháp viện mang đậm kiến trúc Khất sĩ pha lẫn nét hiện đại. Chánh điện hình bát giác và cột tứ chúng, thiền đường, giảng đường, rộng rãi khang trang. Cấu trúc nội thất hiện đại xen lẫn các dãy thất dành cho chư Tăng Ni. Tất cả mội vật dụng đều chuẩn bị sẵn sàng cho khóa tu.

Khóa tu khai mạc dưới sự chứng minh của các bậc Tôn túc lãnh đạo, Hòa thượng chứng minh tuy tuổi cao sức yếu vẫn hoan hỷ ban đạo từ khuyến tấn chúng con tinh tấn tu tập và chấp hành tốt nội quy khóa tu đã đề ra. Cảm giác vừa lo lắng hồi hộp, nhìn ai ai cũng thấy lạ nhưng lại trao cho nhau những nụ cười thân thiện.

Về đây gặp cửa gặp nhà

Gặp anh gặp chị gặp bà con xưa”.

Tuy chúng ta khác nhau nơi trú xứ, khác nhau về giáo đoàn nhưng chúng ta giống nhau đều đầu tròn áo vuông, là đệ tử của Phật, của Tổ Thầy, là con của dòng họ Thích. Tuy sáu nhưng là một.

Huynh đệ giúp đỡ nhau trong giờ chấp tác, hành đường, nói với nhau bằng những lời yêu thương trong tình đạo pháp. Con nhớ mãi khi chư Ni được phép nghỉ giờ trả bài Luật, chúng con làm công quả ở thiền đường, giảng đường, dọc các dãy hành lang, nhà vệ sinh. Ai ai cũng vui vẻ chung tay làm không lời phiền giận, lau chùi từng kẻ bụi, chân dung các bậc thầy, từng cái bàn, chiếc ghế nơi giảng đường mong sao chư huynh đệ ngồi nghe pháp tinh tấn hơn.

Ông bà xưa có câu “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”, bỗng một ý nghĩ thoáng qua trong con nếu Sư ông Trụ trì thấy được việc làm này của chúng con, chắc Sư ông vui lắm, hoan hỷ lắm. Pháp viện được sạch sẽ gọn gàng để đón chào quan khách và Phật tử viếng thăm.

Trong những giờ học pháp, quý Ngài đã thương tưởng hàng hậu học, khuyến tấn chúng con phải làm tốt bổn phận người học trò, thờ thầy, “cả thân tâm ý phải dâng cho thầy”, lấy giới luật làm đầu vì giới luật là hàng rào để bảo vệ người xuất gia. Niềm tin nơi con càng vững vàng, kiên cố thêm lên khi Sư ông Trụ trì khẳng định cho chúng con biết mình là ai? Là con cháu thuộc dòng dõi quý tộc, được sự bao bọc chở che của mọi người trong ngôi nhà Khất sĩ.

Vì thế nên ta phải biết giữ gìn sắc thái “Khất sĩ” xứng đáng với những gì Thầy Tổ dày công tô đắp. Phải biết: “Ăn cây nào rào cây đó”. Tập đức tính khiêm cung, nhường nhịn, có vui cũng vui chút chút, có buồn cũng như gió thoảng mây bay. Xả bỏ tham, sân, si, tập sống chung đoàn kết đừng nặng lòng ai cả, nuôi dưỡng hạt giống Bồ-đề trong tâm để mai này thành cây Bồ-đề đứng vững hiên ngang trước phong ba bão táp của cuộc đời:

Nếu không có bậc Tôn sư khai ngộ,

Ai là người dẫn lối con đi,

Để hôm nay con phát nguyện tu trì,

Sống an lạc trong ngôi nhà Phật Pháp”.

Kính bạch quý Ngài,

Chúng con thật hạnh phúc được tắm mình trong biển pháp bao la, được dự vào hàng Ni chúng xuất gia, vững chân bước trên con đường tu học. Cha mẹ cho con hình hài cốt nhục, Thầy Tổ cho chúng con pháp thân huệ mạng, trưởng dưỡng đạo tâm, tìm cầu giải thoát. Ấy vậy mà chúng con cứ hững hờ ham ăn mê ngủ làm cho quý Ni trưởng, Ni sư, Sư cô trong Ban Quản chúng phải khổ tâm vì chúng con. Hình ảnh Ni sư quản chúng với dáng đi an lạc và khoan thai, nụ cười hiền luôn hiện mãi trên môi khi nhắc nhở: “Thôi con đừng ngủ nhé! Ôi, thương quá nghiệp của tụi con, ráng lên con, con ơi đừng nản chí”.

Có những tình thương chẳng bến bờ,

Làm sao con chép được thành thơ,

Con như hạt cát vùng sa mạc,

Thầy sáng tợ trăng chiếu lững lờ”.

Ấn tượng mãi trong tâm con là giờ thọ trai cùng đại chúng, giữa không khí trang nghiêm thanh tịnh, mỗi vị hành giả như một vị Phật tương lai, chúng con được chư Tôn đức hướng dẫn từ những điều vi tế nhất: cách trải ngọa cụ, đặt bát, ăn sao cho đồng chúng, luôn luôn chánh niệm và tỉnh thức. Con nhớ lại bài pháp của Hòa thượng Giác Thành về ý nghĩa bài Kinh Cúng dường với câu chuyện 4 hạt cơm đặt nơi 4 góc y, tấm y sẽ chìm xuống sông ngay. Con càng trân quý hơn từng hạt cơm mình đang thọ lãnh, dặn lòng phải tu tập siêng năng mới có đủ phước đức đền đáp công ơn cúng dường của bá tánh, cảm nhận được từng vị ngon ngọt chứa đầy tâm vị của cô chú Phật tử nơi nhà bếp.

Những niềm vui pha chút nỗi buồn trong giờ sám hối khiến cho các vị hành giả quên đi sự mệt nhọc suốt cả ngày dài tu học và được trải lòng trước đại chúng về những lỗi lầm của mình để được quý Ngài khuyến tấn thêm lên, ngày mai sẽ tốt hơn hôm nay.

Kính bạch chư Tôn đức,

Xin cho phép con thành kính tri ân các bậc Thầy khả kính, kính chúc quý Ngài pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, mãi là tàng cây đại thọ che mát chúng con.

Chúng con thành kính tri ân chư Đại đức Tăng Ni trong Ban Quản chúng sức khỏe dồi dào, đã dành hết tâm huyết lo cho chúng con từng miếng ăn, giấc ngủ.

Con xin cám ơn cô chú Phật tử nơi nhà bếp cũng như các vị tín chủ hảo tâm đã cúng dường sớt bát trong bảy ngày qua. Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, sở cầu sở nguyện đều được thành tựu viên mãn, là người Phật tử có tín tâm hộ trì Tam Bảo.

Một lần nữa, kính chúc chư huynh đệ trong khóa tu luôn luôn tinh tấn và an lạc trong từng ý niệm, xứng đáng là một người Khất sĩ đầu đội trời, chân đạp đất.

Nam Mô Chứng Minh Sư Bồ Tát Ma Ha Tát Tác Đại Chứng Minh.

 

SA DI NI LIÊN THUẬN (GIÁO ĐOÀN I)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính bạch chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức chứng minh,

Kính thưa chư Tôn đức Ni chứng minh,

Kính thưa toàn thể đại chúng,

Hôm nay, con được về ngôi đạo tràng Pháp viện Minh Đăng Quang để tham dự Khoá “Bồi dưỡng Đạo hạnh” dành cho Sa-di, tập sự lần thứ nhất. Con rất vui vì được chư Tôn đức Giáo phẩm của Hệ phái tạo điều kiện cho hàng hậu học chúng con được trở về tham dự khoá tu chung của sáu Giáo đoàn.

Trong những ngày đầu, chư Tôn đức đã ân cần nhắc nhở, sách tấn đại chúng về đường lối tu tập, đặc biệt là giáo lý Khất sĩ mà đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã sáng lập ra và truyền thừa cho đến ngày nay.

Những ngày đầu chưa quen với thời khoá tu học, con không được tinh tấn lắm. Qua ngày thứ hai, con chú ý lắng nghe chư Tôn đức chỉ dạy cho con, để con được học pháp tinh tấn hơn.

Tuy thời khoá tu học có hơi khít khao đối với tập sự và Sa-di nhưng chúng con rất hoan hỷ hành theo. Đúng 4 giờ sáng, đại chúng đồng nhau lên tụng kinh và ngồi thiền. Trong giờ hành thiền, chư Đại đức trong Ban Quản chúng đã ân cần nhắc nhở đại chúng về lợi ích của việc ngồi thiền. Quý Ngài hướng dẫn đại chúng nên tập ngồi kiết già lưng thẳng, an trú chánh niệm tỉnh giác trước mặt, theo dõi hơi thở của mình. Hơi thở vô, ra biết hơi thở vô, ra; thở vô dài, ngắn biết thở vô dài, ngắn. Sau những buổi hành thiền tâm con rất an lạc.

Sau hai thời khoá công phu đến giờ học pháp, chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức đã hết lòng chia sẻ những kinh nghiệm quý báu cho chúng con về nền tảng giáo lý. Đặc biệt, trong những bài học Chơn lý “Luật nghi Khất sĩ”, con tâm đắc nhất là “Bài học Khất sĩ” và “Bài học Sa-di” do Hòa thượng Ngọc Viên giảng. Hòa thượng dạy Sa-di phải biết “trọn lễ hầu thầy và phải tham thiền có ấn chứng”, Sa-di hầu thầy là để trau tâm.

Hoà thượng Viện chủ Pháp viện Minh Đăng Quang dạy về Chơn lý “Khất sĩ”. Hoà thượng dạy: “Khất sĩ là chơn lý võ trụ. Đạo Khất sĩ là chơn lý võ trụ. Kẻ hành đúng thì thành Phật, kẻ hành trật thì thành ma. Người Khất sĩ có ba phép tu vắn tắt đó là Giới, Định, Tuệ”.

Sau những buổi học pháp đến giờ cúng ngọ và độ cơm, Thượng tọa và Ban Quản chúng đã nhiều lần nhắc nhở đại chúng trong khi ăn phải giữ chánh niệm, nhất là khi mở hộp cơm ra phải nhẹ nhàng và chậm rãi trong mọi oai nghi, múc gì độ cái đó không được lựa chọn món ăn. Đến năm giờ chiều, Ban Quản chúng dạy chúng con lên trả bài trong “Luật nghi Khất sĩ”. Mỗi khi nghe trả bài con rất run vì ở tại trú xứ khi nào đến thọ giới con mới chịu học bài. Mỗi khi thấy các huynh đệ trả bài Chơn lý con rất ngưỡng mộ, con tự hứa với mình sau khi trở về trú xứ con sẽ cố gắng tinh tấn tu học nhiều hơn để không có phụ tấm lòng của chư Tôn đức dày công dạy dỗ, thật là:

Ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng

Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền.

Sau những thời khóa tu học, buổi tối đến giờ sám hối, để đại chúng kiểm điểm trong một ngày “sống chung tu học”. Con rất xúc động và cảm kích Ban Quản chúng đã từ bi chỉ dạy cho chúng con những lỗi lầm từ nhỏ đến lớn, từ vô ý hay cố ý. Vì tiền đồ của Phật pháp, các Ngài đã hết lòng chỉ dạy chúng con. Giờ sám hối là một bài pháp sinh động nhất đối với con, để chúng con tu tập tốt hơn.

Lời cuối, con xin kính chúc chư Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức và toàn thể đại chúng được dồi dào sức khoẻ, vô lượng an lạc, vô lượng cát tường.

 

TẬP SỰ LIÊN NHÂN (TX. NGỌC TÂN - GIÁO ĐOÀN I)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính Lạy Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang

Kính Bạch Chư Tôn Đức Chứng Minh

Kính Bạch Chư Tôn Đức Trong Ban Quản chúng.

Trong bảy ngày của Khoá tu Bồi dưỡng Đạo hạnh vừa qua đã dạy cho con rất nhiều điều. Con học từ các bậc Tôn đức về oai nghi tế hạnh đi, đứng, ngồi, nằm, cách ăn, cách nói của một người xuất gia, như con thơ học bài học vỡ lòng từ cha mẹ. Bài học người Khất sĩ có cách sống thanh bần và quí Ngài đã chỉ dạy cho con định hướng người xuất gia Khất sĩ phải giữ giới luật của người tu giải thoát.

Chư Tôn đức rất lo cho hàng hậu học của chúng con trước sự biến đổi vật chất trong xã hội hiện đại hoá ngày nay và những sa đoạ lợi dưỡng làm cho con người đổi thay trong khi chúng con chưa hiểu được đó là những chướng ngại trên con đường tu học.

Trong bảy ngày qua con vui nhất là được học hỏi ở chư Tôn đức cũng như Đại đức Giác Hoàng đã chỉ dạy nghiêm khắc và cặn kẽ cho chúng con về mọi mặt và chúng con luôn ghi nhớ những lời mà Đại đức đã dạy, sẽ lấy đó làm nền tảng để vững bước hơn trên con đường trung đạo.

 

VÈ CẢM NGHĨ (SDN. LIÊN PHƯƠNG. PĐ. 2. GĐ IV)

Nghe vẻ nghe ve,

Nghe vè con nói,

Lòng không gian dối,

Con đây nói thật.

Nói thật phải mà…nói thật!

Học thì lôi thôi,

Ngủ thì số dách,

Giảng sư tất bật ,

Đã đến lớp rồi,

Con vẫn còn ngồi,

Ngủ gà ngủ gật,

Giật mình thức dậy,

Trễ học mất thôi,

Lật đật hụt hơi,

Đến nơi vừa kịp.

Chuông reo một hiệp,

Cửa trước thầy vào,

Cửa sau con đến,

Gặp nhau kính mến,

Cùng nhau bàn bạc,

Lời thầy dõng dạc,

Văng vẳng bên tai,

Con cứ gật hoài,

Khen thầy đáo đễ.

Thêm chuyện đáng kể,

Phượng múa rồng bay,

Chữ bay theo gió,

Chữ có chữ không,

Chữ nọ tùm lum,

Ngang dọc một chùm,

Đọc không ra chữ.

Ai mà xem thử,

Không nín được cười,

Quyển tập gà bươi,

Nhìn mà phát ngán.

Thôi thì cũng ráng,

Chép lại đàng hoàng,

Khỏi bị chê bai,

Ni sinh lười biếng.

Nói chuyện thị phi,

Không chịu nghe pháp,

Giáo thọ ngồi trên,

Hết lòng thuyết giảng.

Ở dưới gật gù,

Nếu ai chăm chú,

Lời pháp vi diệu,

Sách tấn tiến tu,

Gần ba trăm vị.

Tập sự, Sa-di,

Sống chung tu học,

Nếp sống Lục hòa,

Tất cả mọi người,

Đều được hoan hỷ.

Những lời giáo huấn,

Của chư Tôn đức,

Mọi người lắng nghe,

Gìn giữ giới hạnh,

Trao dồi thân tâm.

Tất cả chúng con,

Thấm được ý mầu,

Nguyện giữ trọn đời,

Đạo hạnh thanh cao.

Thật quý biết bao,

Thế là bảy ngày,

Cũng đã trôi qua.

Khóa sinh sẽ về,

Trú xứ của mình,

Sẽ mãi không quên,

Khóa tu đạo hạnh,

Đã giúp chúng con,

Học hỏi rất nhiều.

Con nguyện mai nầy,

Dù có ra sao,

Trọn đời vẫn giữ,

Đạo hạnh Khất sĩ,

Y bát chơn truyền.

 

LIÊN THƠ (TX. NGỌC ĐỨC – GĐ III)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Ngưỡng bái bạch chư Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức chứng minh,

Ngưỡng bái bạch Ni sư cùng quý Sư cô chứng minh,

Kính bạch đại chúng chứng minh,

Con rất hạnh phúc khi được tham gia Khoá “Bồi dưỡng đạo hạnh” dành cho Sa-di, Sa-di-ni và tập sự nam nữ. Một tuần lễ không quá dài và cũng không ngắn. Một ngày trôi qua là những bài pháp vô cùng quý báu đối với mỗi hành giả chúng con. Đó cũng là hành trang để chúng con mang theo trên lộ trình phía trước. Chỉ còn vài giờ nữa thôi. mỗi hành giả chúng con phải về lại trú xứ của mình, con không biết nói gì hơn trong giờ phút chia tay chư huynh đệ mà chỉ biết mượn những vần thơ để nói lên nỗi lòng của con qua những ngày tu học. Bài thơ có tựa là:

Bài học đầu tiên

Khoá tu đạo hạnh diễn ra,

Ở ngôi Pháp viện là nhà tu chung.

Lần đầu kết hợp lại cùng,

Sáu đoàn một thể là chung cội nguồn.

Đầu tròn chân đất áo vuông,

Cùng là con Phật một khuôn nắn thành.

Bảy ngày trôi thật quá nhanh,

Làm con muốn cố níu dành thời gian.

Nếu không có luật tuần hoàn,

Thì giờ con được ngồi bàn nghe kinh.

Nghe thầy chỉ dạy tận tình,

Nào là khất thực trì bình hóa duyên.

Nhận cơm tín thí mọi miền,

Phải nên tưởng nhớ đồng tiền đàn-na.

Người đời cực khổ bôn ba,

Làm ra vật chất để mà cúng dâng.

Khi ăn phải niệm hồng ân,

Từ bi che chở kẻ gần người xa.

Sư ông khuyên nhắc thật thà,

Khi ngồi tĩnh tọa đừng mà ngủ say.

Ta ngồi lưng thẳng đầu ngay,

Ngồi để hồi tưởng một ngày trôi qua.

Quán tưởng thấy rõ tâm ta,

Hay buồn hay giận vạy tà sân si.

Ai mà phát khởi lên thì,

Phải nên đoạn diệt mỗi khi ngồi thiền.

Oai nghi đi đứng trang nghiêm,

Khi ăn lúc nói phải kiềm chế tâm.

Đi thì tâm phải niệm thầm,

Sanh vật bé nhỏ đang nằm dưới chân.

Lỡ như có chết bỏ thân,

Cầu cho cảnh Phật sẽ gần kề sang.

Chân đi bước phải nhịp nhàng,

Còn khi lúc đứng hàng hàng thẳng nhau.

Đứng theo thứ lớp trước sau,

Đứng cho ngay thẳng khi vào khóa tu.

Mỗi ngày chấp tác công phu,

Siêng năng tinh tấn phước chu viên thành.

Chúng con Khất sĩ lữ hành,

Nghiêm trì giới luật thực hành tinh chuyên.

Giáo thọ dạy dỗ nhủ khuyên,

Sa-di còn nhỏ phước duyên chưa đầy.

Vậy nên phải biết hầu thầy,

Lúc đem cơm nước khéo bày kính dâng.

Chúng con xét thấy bản thân,

Phát nguyện sửa đổi lỗi lầm đã sai.

Giờ đây quỳ trước Phật đài,

Từ bi gia hộ quý Ngài sống lâu.

Để cho thế hệ về sau,

Có thuyền Bát-nhã nương nhau qua bờ.

Chúng con tuổi trẻ sơ cơ,

Nhờ có học pháp bây giờ mở khai.

Nguyện rằng tất cả ai ai,

Phải nên nắm vững tương lai cho mình.

Mai này độ tiếp chúng sinh,

Về miền an lạc tâm minh quả tròn.

Cuối lời, con xin kính chúc quý Ngài pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, Phật sự viên thành và mãi là cây cao bóng cả để che mát cho chúng con trên bước đường tu học Phật.

Con xin tri ân đến quý Hoà thượng cùng quý Sư ở tại trú xứ đã tạo điều kiện cho chúng con về đây tu học.

Con cũng không quên tri ân và kính chúc quý Phật tử thân tâm được an lạc và mãi sống trong ánh hào quang của chư Phật.

Kính chúc chư hành giả luôn tinh tấn tu hành để mãi là Thích tử của Như Lai.

 

TẬP SỰ NGỌC HƯỞNG

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính bạch chư Tôn Hoà thượng, quý Thượng toạ, quý Đại đức chứng minh,

Kính bạch quý Ni sư, quý Sư cô cùng toàn thể đại chúng chứng minh,

Sau một đêm dài đi xe, chúng con chính thức đặt chân đến đất Sài Gòn, hoà mình vào cái nóng nơi đây. Xung quanh nhìn đâu cũng thấy mỗi xe và người ồn ào đến khó chịu. Thế nhưng khi bước chân vào ngôi Pháp viện Minh Đăng Quang, tất cả khác hẳn, không giống như sự hối hả, náo nhiệt bên ngoài. Nơi đây khá yên tĩnh, tuy có chút bề bộn nhưng cũng không làm mất đi sự trang nghiêm vốn có. Nhiều tượng Phật được điêu khắc rất tỉ mỉ, sắc thái hiện thực, không khí trong lành chứ không nhiều bụi bặm như hè phố.

Vẻ mệt mỏi sau chuyến đi dài hiện hữu trên gương mặt mỗi hành giả nhưng cũng không làm mất đi vẻ vui mừng hớn hở của mỗi người khi đến đây. Nghỉ ngơi một chút tất cả bắt tay vào dọn dẹp các dãy phòng. Việc tuy nhiều nhưng người khá đông cùng với sự nhiệt tình nên chỉ trong một buổi sáng tất cả đã hoàn tất, phòng cốc đều sạch đẹp đón mời những hành giả tham dự khóa tu. Tối đến, tất cả Tăng Ni từ sáu giáo đoàn đã tụ hội về đầy đủ ở thiền đường, ngồi nghiêm trang lắng nghe chư Tôn đức triển khai chương trình chuẩn bị cho một khoá tu bảy ngày đầy hứa hẹn.

Ngày tu thứ nhất bắt đầu, phần vì lo lắng hồi hộp, phần vì thay đổi chỗ ở nên phòng chúng con dậy từ rất sớm. Ngồi trong phòng nhìn dòng chảy thời gian cứ chầm chậm trôi qua trong tĩnh lặng. Đúng 3 giờ 45, tất cả đã tập trung đầy đủ ở thiền đường, chuẩn bị cho thời công phu đầu tiên. Tụng kinh xong thì ngồi thiền, con sợ nhất là khoảng thời gian này bởi con ngồi thiền không được bao lâu nhưng chỉ có 30 phút, tất cả đều trở nên nhẹ nhàng hơn.

Trong sự trong lành của buổi sớm mai, màu áo vàng chỉnh chu nổi bật trong thiền đường tĩnh lặng, an nhiên thiền định. Gương mặt hiền lành an lạc của các hành giả làm cho nơi đây lan toả một cảm giác giải thoát đến xung quanh phần nào tạo nên sự linh thiêng cho ngôi Pháp viện này.

Hạnh phúc nhất trong các thời tu có lẽ là thời học pháp. Chúng con được chư vị Hoà thượng dạy bảo nhiều điều bổ ích. Từ những đạo hạnh cơ bản của lớp học trò tập sự Sa-di, môn oai nghi, Sa-di thờ thầy đến những chia sẻ của chư Tôn đức về sự khó trong buổi đầu vào đạo. Chúng con được học về lịch sử của Phật, học về cuộc đời của đức Tổ sư, những bài học ngàn vàng đưa chúng con quay về với cội nguồn của mình thực rất quý giá. Ngoài ra, chúng con còn học được cách chú tâm khi hồi hướng trong mỗi bữa cơm cho tín chủ cũng như chúng sanh và ý nghĩa của những bài Kinh Cúng ngọ.

Nhiều điều lắm từ lớn đến nhỏ, chúng con được chư Tôn đức dạy bảo tận tình, không quản công nhọc.

Ơn thầy rộng lớn bao la

Thiên sơn vạn hải khó qua ơn thầy.

Quả thật vậy, quý Hoà thượng đến dạy bảo chúng con, vị nào cũng đã lớn tuổi, có vị đi lại cũng khó khăn, nhưng không vì vậy mà quý Ngài bỏ mặc chúng con. Quý Ngài đã mở ra khoá tu cho chúng con có cơ hội học hỏi, mở ra những trang sách để chúng con được bước vào. Quý Ngài quan tâm từng chút một từ chỗ ở đến đồ ăn nước uống… Bên cạnh đó, chư Tôn đức tuy công việc Phật sự rất nhiều nhưng vẫn hàng ngày lui tới quan tâm dạy bảo chúng con. Lòng từ bi, yêu thương của chư Tôn đức thật cao thượng, chúng con tự thấy hổ thẹn với lòng mình khi đã phụ công ơn ấy vì học hành không tinh tấn, thường xuyên ngủ gục lại đi trễ, bổn phận học bài cũng không xong, chúng con thật có lỗi vô cùng! Ấy thế mà chư Tôn đức vẫn quan tâm chúng con hết mực. Y như lời Hoà thượng Giác Toàn chỉ dạy, chúng con dường như được bước vào hoàng cung. Chư vị Hoà thượng giống như ông nội; quý Ni trưởng, quý Ni sư giống như là bà ngoại; quý Đại đức như người cha, còn chúng con lúc học trò tập sự Sa-di giống như anh em một nhà quan tâm chăm sóc cho nhau. Chúng con vào đây chỉ việc tu học, ăn và ngủ nghỉ, thật sung sướng nào bằng.

Đến giờ ăn, chúng con được hoà mình vào chúng, từng muỗng cơm được đưa lên đồng loạt, không một tiếng động, tạo nên một sự trang nghiêm, uy nghi cho bữa ăn, rất nhẹ nhàng mà thanh tao, từ tốn nhưng cũng rất mực hoà đồng. Không chỉ trong lúc ăn những điều ấy còn được thể hiện rõ qua giờ tụng kinh, đồng xá, đồng lạy, đồng tu… Đứng trước chánh điện lộng lẫy những sắc màu xanh, đỏ, vàng từ ánh đèn led và hào quang, chúng con cùng chắp tay đảnh lễ đức Phật. Chúng con gửi bao niềm tin hy vọng, lý tưởng của mình, cùng cầu nguyện và tụng kinh. Tiếng tụng của chư hành giả ngân vang khắp chánh điện, lan toả ra khắp không gian trầm bổng, thanh trong đến lạ kỳ và vi diệu.

Thế là sắp hết ngày, lớp học trò Sa-di, tập sự chúng con ngồi tĩnh lặng quán xét lại những việc làm của mình trong ngày, sau đó từng người sẽ lên đảnh lễ trước Phật mà sám hối, trước sự chứng minh của chư Hoà thượng hoặc chư Đại đức. Cảm giác khi quỳ giữa đại chúng sám hối rất run sợ và lo lắng nhưng với sự thành tâm của mình, chư vị hành giả đã rất dũng cảm cùng với sự hoan hỷ của chư Tôn đức cổ vũ chúng con rất nhiều. Không ngần ngại, không e sợ, qua đó chúng con còn được khuyến khích chỉ dạy thêm nhiều điều bổ ích khác.

“Bao nhiêu lỗi lầm đều do tâm,

Tâm tịnh còn đâu dấu lỗi lầm,

Sám hối xong rồi lòng nhẹ nhõm,

Ngàn năm mây bạc vẫn thong dong”.

Hạnh sám hối cao đẹp là thế, hỗ trợ cho con đường tu học của chúng con rất nhiều. Và đây cũng là thời khoá cuối cùng kết thúc một ngày tu tập.

Ngày nào cũng vậy, thấm thoát mà đã sắp hết bảy ngày tu học. Vui có, buồn có, biết bao kỷ niệm, biết bao tấm gương để chúng con học hỏi, biết bao điều hay chúng con được học, biết bao cảm xúc mệt mỏi, lo lắng lẫn thích thú… Hàng đêm, chúng con hay nhìn xuống những ánh đèn trên đường phố, chúng rất đẹp, xe cộ nối đuôi nhau chạy, đèn đường lấp lánh trải dài, nhà cửa cũng lung linh ánh sáng. Tất cả tạo nên một bức tranh huyền ảo bộn bề tất bật với dòng chảy của cuộc sống. Giữa nơi đó, ngôi Pháp viện hiện lên, khoác cho mình một sắc thái rất khác hẳn, yên lặng an lạc, hiện lên một vẻ đẹp truyền thống giải thoát nhưng cũng không bị lãng quên giữa đời hiện tại:

“Mái chùa che chở hồn dân tộc,

Nếp sống muôn đời của tổ tông”.

Chính nơi đây đã đào tạo, nuôi dưỡng bao lớp người. Chính nơi đây nhắc nhở chúng con gắng tu học tinh tấn bởi chúng con là Khất sĩ; bởi chúng con là những búp sen trong hồ nước đục. Khi hội tụ về nơi đây chúng con nhớ đến ơn người, nhớ đến nụ cười từ bi cùng nguồn chơn lý sáng trong soi bóng cho nhơn loại.

 

TẬP SỰ LIÊN HỘI

Nghĩ lại sao mình nhiều tội thế,

Tập sự chẳng tròn những ngày qua,

Chạnh lòng rơi lệ con sám hối,

Những tội lỗi xưa đối với Thầy.

Bảy ngày gặt hái được những gì,

Càng học càng thấy mình ngu si,

Vọng tưởng lao xao cùng tham giận,

Chiếm lấy tâm con những tháng ngày.

Hỡi ai tự buộc mau mở lấy,

An lạc trong tâm sẽ hiện tiền,

Ơn cha, ơn mẹ, ơn Thầy Tổ,

Ơn cỏ, ơn cây, ơn muôn loài.

Xin từng hơi thở để sinh tồn,

Xin pháp, xin ăn, xin tất cả,

Để tròn đạo quả kiếp tu hành.

 

NGỌC PHỔ (TX. NGỌC TÚC - GIA LAI)

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính bạch quý Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng chứng minh,

Kính bạch quý Ni trưởng, Ni sư, quý Sư cô chứng minh,

Kính bạch toàn thể đại chúng chứng minh,

Con là Ngọc Phổ trú xứ tại Tịnh xá Ngọc Túc, xin kính dâng lên vài dòng cảm tưởng của con khi tham dự khoá tu.

Lúc con vừa bước chân vào ngôi Pháp viện rộng lớn, nghiêm trang, cũng là lúc bình minh vừa lên, những chú chim nhỏ hót líu lo chào ngày mới. Và chính tại nơi đây, đạo tràng Pháp viện Minh Đăng Quang ngày 6/10 Ất Mùi đã long trọng khai mạc khoá tu “Bồi dưỡng Đạo hạnh” dành cho Sa-di, Sa-di-ni & tập sự lần thứ 1 do Hệ phái tổ chức diễn ra trong 7 ngày với hơn 200 hành giả tham dự. Khoá tu đầu tiên này sẽ là dấu ấn đậm nét trong lòng mỗi người, là một điểm son lịch sử đánh dấu sự trưởng thành của Tăng Ni trẻ Hệ phái Khất sĩ, vững bước trên con đường tu học và sự nghiệp hoằng pháp của đức Như Lai.

Khất sĩ hạnh Ta-bà,

Tiêu diêu đường tự tại,

Không danh lợi cửa nhà,

Không của tiền con cái”.

(Kệ Khất sĩ)

Thật vậy, chúng con được Hòa thượng Trụ trì Tịnh xá Trung Tâm dạy cho chúng con biết mình là ai? và cần phải làm gì? Hoà thượng đã nhắc đi nhắc lại cho chúng con rõ mình là một vị hành khất, một người đi xin ăn nuôi sống bản thân bằng tâm thanh tịnh. Cái xin cao cả tốt đẹp nơi người cho, dưới xin vật chất để nuôi thân, trên xin tinh thần các pháp để nuôi tâm trí, Khất sĩ không phải như kẻ khất cái tầm thường.

Trong suốt thời gian diễn ra khoá tu, chúng con may mắn được chư Tôn đức trong Ban Lãnh đạo các giáo đoàn và quý Đại đức trong Ban Giáo thọ luân phiên về giáo huấn, khuyến tấn và hướng dẫn phương pháp tu tập cho chúng con. Mặc dù hầu hết chư vị đã tuổi cao sức yếu, bận các công việc Phật sự trong giáo đoàn ở nơi trú xứ xa xôi, nhưng vì lo cho đàn hậu học còn chưa vững bước trên con đường tu học nên các Ngài vẫn cố gắng sắp xếp thời gian về Pháp viện hỗ trợ dạy bảo cho từng hành giả còn quá non trẻ chúng con.

Quý Ngài đã dạy cho chúng con những bài học đầu tiên khi chập chững bước vào cửa đạo như bài Sa-di thờ thầy, rồi môn oai nghi, ý nghĩa của bài Kinh Cúng ngọ mà mỗi bữa thọ trai chúng con đều đọc. Qua đó, chúng con hiểu được rằng không chỉ đơn giản là đọc kinh xong rồi độ ngọ mà trong mỗi muỗng cơm, có thể đang tiếp xúc với tham sân si mà mình không biết. Ngoài ra quý Ngài còn nêu lên tầm quan trọng của giới luật đối với mỗi Tăng Ni trẻ chúng con và đối với Phật pháp.

Bên cạnh đó, trong thời khoá hành thiền, chúng con được Đại đức Giác Hoàng hướng dẫn về lộ trình tu tập thiền định và Sư bà Quản chúng dầu tuổi cao nhưng vẫn đi lên xuống xem có ai ngủ gục, lưng không thẳng là Sư bà tới bóp vai, sửa tư thế cho chúng con. Nhưng thật hổ thẹn! Thay vì báo đáp công ơn ấy là ráng nhiếp tâm ngồi yên lặng, chúng con lại cứ gục lên, gục xuống, đau nhức toàn thân, hai chân tê cứng, bởi chúng con đã quen với các hoạt động đi đứng trong ngày nên khi đến giờ toạ thiền, chúng con chỉ cảm thấy chán nản. Tệ hại hơn là ngồi đã không xong, chúng con còn không sao chế phục được con mắt, bảo nó nhìn xuống dưới, nó cứ ngó lên, xem thử tiếng khánh xả thiền của Đại đức Minh Viên vang lên chưa mà thôi.

Khoá tu bảy ngày thời gian tuy không nhiều nhưng rất ý nghĩa vì đã làm sống dậy lời dạy của đức Tổ sư, sống lại hạnh nguyện cao cả của chư vị Đức Thầy.

Người Khất sĩ mới bước chân vào đạo,

Nhớ mang theo Giới Định Huệ bên mình”.

Thật vậy, Tổ sư đã dạy rằng: “Người Khất sĩ chỉ có ba phép tu học vắn tắt là Giới Định Huệ” (Chơn lý “Y bát chơn truyền”). Đó là con đường mà chư Phật đã đi qua, Tổ sư đã truyền dạy, quý Đức Thầy và chư Tôn đức đã và đang hành trì, chỉ dạy để cho hàng hậu học nắm được tông chỉ đường lối tu tập của Hệ phái và nối tiếp tâm nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang. Nhân khóa tu, chư Tôn đức cũng nhắc nhở lại pháp tu này với tâm nguyện truyền thừa Phật pháp mong muốn chư Tăng Ni trẻ chúng con không những nắm vững về giáo lý pháp bảo, đi kèm theo đó là sự hành trì rút ra sau mỗi bài học cũng là điều rất quan trọng.

Khoá tu này là cơ hội để chúng con nuôi lớn Phật tâm đang hé mở của mình, buông bỏ bớt phiền não, bụi trần, và thời gian này là thời gian chúng con ngồi lại với nhau chia sẻ những kinh nghiệm tu học. Nhờ sự trải nghiệm “Sống chung tu học”, chúng con cảm thấy hạnh phúc nhiều khi được khép mình trong khuôn khổ của giới luật sống trọn vẹn với hạnh Khất sĩ thanh bần.

Thời gian lặng lẽ trôi qua trong Chánh pháp an lành, một ngày, hai ngày, ba ngày, rồi lại đến bảy ngày, khoá tu đến ngày kết thúc. Sau Lễ Bế mạc khoá tu, giờ phút chia ly đến, chúng con không còn được nghe chư Tôn đức giảng dạy mỗi ngày nữa, chư huynh đệ đồng tu, ai nấy sẽ về lại trú xứ của mình. Dẫu biết rằng đời là vô thường, có hiệp sẽ có ly, nhưng sao nghĩ đến sự ly biệt, con lại chạnh lòng.

Qua khóa tu này, chúng con hiểu rõ rằng chúng con là những người may mắn được sinh ra trong nhà đạo, được Giáo hội Tăng-già che chở từ lúc mới bước chân về đạo. Cho nên mỗi huynh đệ chúng con đồng phát nguyện tinh tấn, chánh niệm trong mọi lúc, giữ đạo hạnh và áp dụng những gì đã học được để tu, không phụ công quý Ngài đã dày công dạy dỗ.

Ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng,

Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền”.

Con đường cầu đạo mênh mông,

Gắng sao cho khỏi phụ công ơn Thầy”.

Giờ đây, chúng con xin cúi đầu đảnh lễ, kính lời tri ân đến chư Tôn đức trong hàng Giáo phẩm, chư Tôn đức trong Ban Lãnh đạo đã tổ chức Khoá tu Bồi dưỡng Đạo hạnh nhằm nung đúc trí tâm và trau dồi phạm hạnh cho các vị tân tu chúng con. Ngoài ra con xin gửi lời tri ân đến quý Sư bà, Sư cô đã không quản nhọc nhằn đã sát cánh bên chúng con trong suốt thời gian diễn ra khoá tu. Và qua đây, chúng con cũng xin gửi lời tri ân đến quý Phật tử gần xa đã không ngại hy sinh thời gian, công việc gia đình, cả công sức nữa để về đây hộ trì cho khoá tu đến ngày kết thúc.

Cuối cùng, chúng con xin kính chúc quý Hòa thượng, Thượng toạ, Đại đức, quý Ni trưởng, Ni sư, Sư cô pháp thể khương an, đạo nghiệp viên thành và quý Ngài sẽ mãi là tàng cây bóng mát che chở dìu dắt cho chúng con trên bước đường tu học.

 

TẬP SỰ LIÊN THỊNH (GIÁO ĐOÀN I)

Con nay bỗng có duyên lành,

Được về Pháp viện tu hành cùng nhau.

Giáo hội thương chúng đi sau,

Mở khóa tu học rèn trau đức hiền.

Sa-di, tập sự các miền,

Lần đầu tụ hội kết duyên đạo lành.

Dầu là danh nghĩa phân rành,

Các đoàn hậu học nội thành, Nam - Trung.

Nhưng khi đã đến tu cùng,

Đều là huynh đệ sống chung một nhà.

Cùng Thầy, cùng Tổ, cùng cha,

Cùng nhau tu học hiệp hòa chẳng phân.

Cùng nhau trau đức dồi tâm,

Và cùng học hỏi pháp lành Như Lai.

Pháp xưa Người đã giải bày,

Chỉ cho lối thẳng lối ngay đường về.

Tinh thần “Khất sĩ” cao xuê,

Lại nhờ Chơn lý đường về lạc chi!

Nay nhờ Giáo phẩm từ bi,

Chúng con nhỏ dại biết gì pháp tu.

Trong từng tế hạnh oai nghi

Khi ăn, lúc nói, đứng, đi, ngồi, nằm.

Phải nên trụ ý lưu tâm,

Chớ cho thân ý tung hoành tự do.

Dạy con lịch sử Tổ Thầy,

Khơi nguồn giáo lý nhiệm mầu cao siêu.

Dạy con hãy gắng sớm chiều,

Tham thiền nhập định diệt trừ vọng tâm.

Ví khi ai có lỗi lầm,

Lòng từ ta phải khoan dung cho người.

Để khi ta lại như người,

Làm điều sái quấy mong người thứ tha.

Phải xem tất cả như là,

Thân bằng quyến thuộc là bà con xưa.

Lòng thương nhưng chẳng dây dưa,

Kết vào chữ ái, khổ chưa luân hồi?

Lối đi người đã vạch rồi,

Quyết tâm trì chí trau dồi gắng công.

Đạo người như thế mới xong,

Mới là Chơn lý hòa đồng xưa nay.

 

TỊNH LÀNH (TX. NGỌC CHUNG) – PHÂN ĐOÀN 2 GĐ. IV

Pháp viện Minh Đăng Quang

Ôi! Khung cảnh tịnh an

Chiều chiều chuông ngân tiếng

Lời kinh chở khách sang.

Hương trầm đưa trong gió,

Đây thật cõi Lạc bang.

 

KHẤT SĨ ĐỘ CƠM (TỊNH HÂN, TX. NGỌC VÂN - THỦ ĐỨC)

Mỗi ngày một bữa ngọ chay,

Trang nghiêm thanh tịnh đi ngay lối hàng.

Bát không đặt xuống nhẹ nhàng,

Tọa cụ trải lót đàng hoàng thiền môn.

Kỉnh xá đức Phật Thế Tôn,

Cùng chư Tôn đức rồi vào thời trai.

Chầm chậm mở nhẹ nắp khay,

Sao cho thật khéo chẳng gây ồn ào.

Đưa cơm vào bát hòa nhau,

Trộn đều tất cả nào còn dở ngon.

Mỗi muỗng cơm, mỗi niệm an,

Tém cho thật khéo rồi hòa chúng ăn.

Khoan thai từng bước nhịp nhàng,

Đều đều, tỉnh tỉnh lặng an tâm thiền.

Độ xong cùng rửa miệng tay,

Cùng đưa nước uống chẳng hay vội vàng.

Bát cơm, ly nước thẳng hàng,

Độ xong hồi hướng khắp đàng mười phương.

Bữa cơm Khất sĩ tỏ tường,

Vững tin tiếp bước con đường Như Lai.

 

TẬP SỰ TỊNH KHÁNH (TỊNH XÁ NGỌC THÀNH - PHÂN ĐOÀN 2 GIÁO ĐOÀN IV)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nhớ lại ngày xưa, bắt gặp TÂM HỒNG MƯỜI PHƯƠNG của Tha Phương Khách:

Ta dạo gót từ phương trời xa thẳm,

Hy-lạp sơn về Bắc Ấn chuyển dòng,

Trung Hoa đó tứ xuân ngàn vạn dặm,

Cõi đất nào ngăn cách được tim hồng!

Tim hồng hoá mười phương mây ngọc nổi,

Đoá sen xưa Ca-diếp mỉm môi cười,

Nay trần thế rạng ngời chân lý mới,

Minh Đăng Quang: Khất Sĩ sáng danh người!

Danh người đẹp: Gương lành y giải thoát,

Bát Từ bI, gom chứa khắp muôn nhà,

Dư âm pháp, truyền lưu hương toả ngát,

Đấng siêu nhiên kỳ diệu nở đèn hoa.

Đèn hoa thắp trùng trùng tam thiên giới,

Ánh lửa thiêng bừng triệu triệu tâm linh.

Triệu tâm linh, triệu tâm linh: Tương hội vườn Ta-bà tinh tấn chuyển Vô minh.

Vườn Ta-bà tinh tấn chuyển Vô minh.

Khi con đọc bài thơ này của Hoà thượng (từ lúc con còn trôi lăn trong dòng đời ngoài nhân thế), con đã có cảm xúc dâng trào. Không hiểu những lời thơ trong bài này cảm hoá con như thế nào nữa, nhưng con đã dạt dào cảm tác thành bài hát để hát lên tận trái tim con hơn 30 năm nay. Con không có duyên gặp Hoà thượng nhưng bài hát này lúc nào cũng cho con cảm tưởng Hoà thượng đang ở gần bên con. Cho đến một hôm tình cờ con gặp được Hoà thượng ở dưới Tịnh Xá Mộc Chơn mà trước đó con đang nghĩ đến sức khoẻ của Hoà thượng. Dẫu biết rằng Hoà thượng không hề nhớ đến con vì hơn 30 năm xa cách, nhưng bên con lúc nào cũng có bài hát Tâm hồng mười phương này.

Hình ảnh Hoà thượng tận tuỵ với công việc, Phật sự đa đoan mà vẫn còn thời gian hoà tâm vào dòng thơ ca ngợi Đức Tôn sư - Người khai sáng con đường Khất sĩ, cho tất cả chúng con (tất cả Trưởng bối nói chung và các con trò nói riêng) đi theo.

Ta dạo gót từ phương trời xa thẳm,

Hy-lạp sơn về Bắc Ấn chuyển dòng…”

Ôi tha thiết truyền cảm làm sao!

Con kính chúc Hoà thượng luôn có sức khoẻ để hoá độ chúng con.

Kính dâng Lên chư vị Hoà thượng, chư vị Đại đức Tăng Ni,

Tấm Lòng tha thiết của con trò,

Bồi dưỡng khoá tu trong bảy ngày,

Dưỡng dục dạy răn cho tương lai,

Đạo đức trau dồi nung chí lớn.

Hạnh nguyền Khất sĩ thế hệ sau,

Sa-di phấn đấu cùng tiến bước,

Di tích Tổ sư còn không lui!

Tập học tinh tấn không giải đãi.

Sự đời buông bỏ: Cuộc cờ vui!

Hệ phái Minh Quang vang khắp chốn,

Phái Khất sĩ có mặt nơi nơi…

Khất thực bát y Tổ sư dạy

Sĩ phu giới tử nguyện y lời.

Ngày về Pháp viện Minh Quang,

Học Khoá Đạo hạnh của hàng Sa-di.

Trò nghe nước mắt trào mi,

Nào ngờ mình có phước lành thế ni.

Kính dâng các đấng Sư Thầy,

Và thầm tự hứa sẽ tròn nguyện tâm.

Học sao thành đạt mới mong,

Công thành dưỡng dục Ân Sư đáp đền.

Con trò nguyện cố đứng lên,

Ta-bà dạo khắp độ hoằng chúng sanh…

 

CẢM TƯỞNG CỦA TẬP SỰ LIÊN THỊNH (GIÁO ĐOÀN I)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính lạy chư Phật Pháp Tăng mười phương ba đời,

Kính lạy đức Tổ sư Minh Đăng Quang,

Kính lạy đức Nhị Tổ cùng giác linh chư vị đức Thầy,

Kính bạch chư vị Hòa thượng, Thượng tọa,

Kính bạch quý Ni sư cùng chư Tôn đức Tăng Ni trong Ban Quản chúng,

Kính thưa toàn thể đại chúng,

Hôm nay, ngày 13/10 năm Ất Mùi là ngày kết thúc Khóa tu “Bồi dưỡng Đạo hạnh” - Lần thứ I, được tổ chức tại Pháp viện Minh Đăng Quang. Trong không khí trang nghiêm thắm tình đạo vị và trước chân dung từ hòa của quý Ngài, chúng con xin phép được thay lời hàng Sa-di, tập sự cung kính dâng lên chư Tôn đức đôi dòng cảm tạ tri ân sâu sắc nhất.

Kính bạch chư Tôn đức cùng toàn thể đại chúng,

Thật là diễm phúc thay cho hàng hậu học chúng con được trở về đây sống chung tu học trong vòng tay ân cần, dạy dỗ và bảo bọc của quý Ngài. Mặc dầu đường xa khó nhọc, tuổi cao sức yếu, Phật sự đa đoan, nhưng với lòng bi mẫn vì thế hệ mai sau mà quý Ngài đã quang lâm đến đây để chỉ dạy và truyền trao giáo pháp của chư Phật, chư Tổ cũng như những kinh nghiệm tu tập vô cùng quý báu của quý Ngài đã trải qua, để chúng con lấy đó làm hành trang trên bước đường tu học.

Học ăn học nói học cười,

Học đi học đứng học thôi giận hờn.

Học quên hai chữ thua hơn,

Thị phi, nhân ngã… cung đàn vô thanh”.

Quả thật, chúng con đây là đàn con nhỏ dại khờ, là kẻ sơ cơ bước vào đạo vẫn còn đeo mang nhiều tập nghiệp và trong tâm còn đầy thế sự, tục trần. Cho nên, từ cách sống để sống chung cùng nhau tu học, từ những oai nghi tế hạnh được thể hiện ở cách ăn, cách nói, cách đi đứng, ngồi, nằm… mỗi mỗi chúng con đều phải được học. Nhờ đó mà giúp cho chúng con được trưởng thành hơn và tạo cho mình oai đức của một Sa-di, tập sự. Vì đó là những đạo hạnh căn bản của người xuất gia, là nền tảng để có thể trở thành người “Khất sĩ”.

Không những thế, giới hạnh và đức trí mới là hai món cần thiết cho người xuất gia, nó ví như đôi cánh để giúp cho chúng con bay cao và bay xa hơn trên bước đường tầm cầu giác ngộ giải thoát.

Thật vậy, “tu là trau sửa, hễ tu hành thì đức hạnh làm đầu, mà đức hạnh do giới luật phát sanh, nếu nghiêm trì giới luật tu hành chín chắn tức là con đường giải thoát” vậy.

Thấm thoát bảy ngày đã trôi qua, dầu là thời gian quá ngắn ngủi nhưng đã để lại trong lòng chúng con biết bao dấu ấn với sự chỉ dạy tận tình của chư Tôn đức trong Ban Quản chúng. Tuy với những thời khóa tu học và sự răn dạy rất nghiêm túc nhưng luôn ẩn chứa tình thương, sự che chở mà quý Ngài đã dành cho đàn hậu học chúng con, cũng chỉ vì đàn con trẻ dại khờ, vì tương lai giống nòi Sa-môn Khất sĩ.

Những diễm phúc ấy chúng con có được chính là nhờ hồng ân chư Tôn giáo phẩm trong Ban Lãnh đạo đã tạo cho chúng con có được những khóa học vô cùng thiết thực như ngày hôm nay. Chúng con còn nhớ trong ngày đầu khai giảng khóa học, chư vị Hòa thượng đã giáo giới cho chúng con biết được tầm quan trọng của khóa học này. Thật sự đây là cơ hội là duyên may để có thể trở thành một người “Khất sĩ” trong tương lai.

Chúng con xin chân thành kính kỉnh trọng ân của Hòa thượng Trụ trì Pháp viện Minh Đăng Quang. Tuy tuổi cao sức yếu cùng là Phật sự đa đoan nhưng Ngài đã đến với chúng con bằng lòng từ ái bi mẫn và dành cho chúng con cả sự quan tâm, lo lắng, ân cần đầy tình thương và trí huệ. Thật quá đỗi kính thương.

Chúng con cũng xin thành kính kỉnh trọng ân của các chư Tôn đức trú xứ nơi đây đã sắp đặt chỗ ở và tạo điều kiện thuận lợi cho chúng con an tâm tu học. Và thành kính kỉnh trọng ân quý Ni sư cùng chư Tôn đức trong Ban Quản chúng đã hết lòng yêu thương, quan tâm nhắc nhở động viên chúng con tu học.

Trước những ân đức cao vời ấy, chúng con xin nguyện sau khi rời khỏi nơi đây trở về trú xứ, mỗi chúng con phải nỗ lực tinh tấn tu tập trau rèn giới đức để đền đáp công ơn của quý Ngài.

Ân dưỡng dục một đời nên huệ mạng,

Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền”.

Chúng con mong sao khóa tu này được bảo trì mãi cho chúng con cũng như thế hệ sau này có được cơ hội sống chung tu học.

Giờ phút này đây, chúng con không biết nói gì hơn, chúng con xin nguyện hồng ân Tam Bảo gia hộ cho quý Ngài có đầy đủ sức khỏe, mãi là ngọn đuốc thiêng soi đường cho chúng con.

Bên cạnh đó, con xin gởi lời tri ân đến toàn thể chư huynh đệ đồng môn của các Giáo đoàn trong Hệ phái đã quan tâm, nhắc nhở sách tấn nhau trong tu học cũng như đã nhiệt tình hỗ trợ giúp đỡ nhau trong công việc. Mặc dầu trên danh nghĩa mỗi người đều đến từ các Giáo đoàn khác nhau nhưng khi đã đến đây đều là huynh đệ một nhà. Mỗi ngày cùng nhau trao đổi kinh nghiệm để cùng nhau hướng đến mục đích tầm cầu học đạo giải thoát. Bởi vì chúng ta đều là những người con của Phật và mang trong mình dòng họ Thích. Khóa học kết thúc, huynh đệ chúng ta sẽ trở về trú xứ của mình. Thay lời chia tay, xin cầu chúc chư huynh đệ được nhiều sức khỏe, tinh tấn tu hành, gặp được nhiều thắng duyên và đạt được nhiều thành tựu lớn trên bước đường tu học.

Ngoài ra, cũng không quên tri ân tấm lòng quý Phật tử đã chăm lo thực phẩm cho Tăng Ni trong suốt khóa tu. Cầu chúc quý Phật tử thân tâm thường an lạc tu hành tinh tấn.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

MỸ KHƯU (TX. NGỌC NGÔN – PHAN RANG)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch ân trên chư Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức chứng minh,

Kính bạch ân trên Ni trưởng, Ni sư, quý Sư cô chứng minh,

Kính thưa toàn thể hội chúng chứng minh,

Con là Mỹ Khưu, trú xứ Tịnh xá Ngọc Ngôn trực thuộc Giáo đoàn III.

Con xin kính dâng đôi dòng cảm tưởng khi về tham dự khóa tu.

Thời gian lặng lẽ trôi đi như một làn gió thoảng. Mới ngày nào hành giả chúng con hân hoan bước vào đạo tràng Pháp viện Minh Đăng Quang thế mà giờ đây khóa tu bảy ngày đã trôi qua và cũng đã sắp đến giờ chia tay.

Thời gian không bao giờ dừng lại, lịch sử cứ lặng lẽ sang trang, kiếp sống nhân sinh dần tàn theo năm tháng bởi định luật ngàn thu và chúng con là những chồi non, những hạt giống tương lai, tiếp nối lối đi của người con Khất sĩ.

Đóa hoa nào tuy đẹp,

Nhưng phải đến lúc tàn,

Cuộc vui nào có hợp,

Rồi cũng sẽ ly tan.

Nhưng để lại vô vàn,

Biết bao điều lưu luyến,

Con không dám lên tiếng,

Trong giờ phút chia ly.

Sợ nước mắt tràn mi,

Trên mỗi người hành giả,

Nỗi lòng con khó tả,

Chỉ biết lặng nhìn nhau.

Hẹn khóa sau gặp nhau!

Con nghe trong tim thổn thức một nỗi niềm khó tả, phải chăng là thương, là mến và không thể nói lên hai tiếng “tạm biệt” để kết thúc một khóa tu, một chặng đường. Con thiết nghĩ suốt bảy ngày tu học trôi qua, chúng con được tiếp nhận những lời pháp, những lời lành, tiếng kệ của quý Ngài truyền trao, đó là những tư liệu vững chắc cho chúng con trên suốt bước đường tu học.

Và chúng con vô cùng cảm kích, ân đức của quý Ngài ở Pháp viện Minh Đăng Quang đã tạo điều kiện, tạo duyên lành cho hàng hậu học chúng con được hội ngộ cùng nhau tu học.

Chúng con xin tri ân quý Hòa thượng, Giáo thọ sư đã không quản tuổi già sức yếu, Phật sự đa đoan, quang lâm đến khóa tu để dạy dỗ, sách tấn chúng con trong suốt bảy ngày qua. Chúng con luôn tưởng nhớ ơn Tổ Thầy, những vị đã thành lập và tạo nên truyền thống Khất sĩ để chúng con tiếp nối theo. Quý Ngài đã tận tình chỉ dạy cho chúng con những kinh nghiệm sống, những kinh nghiệm tu tập. Quý Ngài đã nung đúc cho chúng con “sức mạnh” tinh thần để vượt qua bao chướng duyên trên con đường tu học của mình.

Nơi đầu tiên con dự khóa tu

Và cũng nhớ những lời chỉ dạy”.

Thật xứng đáng những người con Khất sĩ đã thể hiện chí nguyện xuất trần giải thoát. Nhất là được tiếp thu những kinh nghiệm tu hành của quý Ngài.

Chúng con như những mầm non, được cơn mưa đầu mùa tưới tẩm. Trong khóa tu bảy ngày, chúng con mới được tiếp thu những lời vàng, tiếng ngọc. Những pháp âm vi diệu đúc hết từ tấm chân tình bao la, lòng từ bi của quý Ngài. Với tình thương bao la đó, đã tạo cho chúng con sự mở mang kiến thức, được nghe nhiều, hiểu rộng những ý kiến thâm sâu.

Sau bảy ngày mầm non ấy giờ đã dần dần lớn dậy. Tuy chưa có thể đem lại nguồn lợi lạc cho mọi người, hay tự đứng vững trước phong ba bão táp, nhưng chúng con đã tự thấy tâm của chúng con càng ngày vững chãi hơn, như rễ cây kia đã đi sâu vào lòng đất mẹ.

Thời gian lặng lẽ trôi, bảy ngày tu học rồi cũng đi đến lúc kết thúc. Mỗi huynh đệ chúng con sẽ trở về trú xứ, nhưng trong tâm cảm mỗi người, chắc chắn rằng, ai ai cũng vẫn còn cảm giác lâng lâng, chuyện vui, chuyện buồn lan tỏa mãi trong lòng mọi người một hương vị tu tập, được sống trong giáo pháp và thể hiện đúng tinh thần sống chung tu học của tông môn Hệ phái Khất sĩ.

Ơn quý Ngài hết mực khuyên răn,

Bao cảm xúc hòa cùng trong giấy”.

Dưới mái đạo tràng Pháp viện Minh Đăng Quang, hàng hậu học chúng con không chỉ có phước duyên nhận lãnh được giáo pháp Như Lai mà chúng con còn học được những kinh nghiệm thực tế của quý Ngài truyền trao. Đây chính là hành trang quý báu cho chúng con trên con đường tu học Phật. “Sống chung tu học” này trước là để nhớ ơn thầy Tổ đã dày công xây dựng tiếp nối truyền thống của chư Phật Tăng xưa, kế là duy trì nếp sống đạo đức cao thượng, hướng đến nguồn hạnh phúc giác ngộ và sau là để nêu gương truyền thừa cho hàng hậu học có thể vững tin tiếp bước bảo tồn Chánh pháp.

Chúng con nguyện sống chung tu học, nỗ lực cống hiến cho lý tưởng cao cả mà quý Ngài đã dày công khai mở.

Để không hỗ thẹn với công ơn chỉ dạy tận tình của chư Tôn đức, hành giả chúng con sẽ cố gắng nỗ lực, tinh tấn học hỏi tu tập, trở thành vị sứ giả của Như Lai, mang giáo pháp truyền trao, làm tốt đời đẹp đạo và chúng con không sao quên được công ơn to lớn của quý Hòa thượng và cùng quý Đại đức tại Pháp viện này. Các Ngài lo cho chúng con từng miếng ăn, giấc ngủ. Làm sao chúng con có thể đền đáp công ơn to lớn ấy!

Nếu ngày mai đây, dầu cho chúng con ở phương trời nào đi chăng nữa, trong tâm trí với ý thức của chúng con, không thể quên được Khóa tu Bồi dưỡng Đạo hạnh - Lần thứ nhất này.

Chúng con thật là hữu phước đa duyên được gặp Phật pháp, tức là đến với ánh sáng từ bi trí tuệ. Quý Ngài đã cho chúng con nhận thức được bản tánh tâm linh trong mình. Những lời nói có phần mộc mạc nhưng chứa đựng cả nỗi lòng sâu nặng, con xin kính dâng cả tấm lòng biết ơn vô hạng đến với quý Ngài, những vị thầy khả kính của chúng con. Chúng con vẫn biết đời gập ghềnh, chông chênh đầy thử thách, nhưng chúng con nguyện quyết chí tu hành, gửi tâm tĩnh lặng đối diện với nghịch cảnh cuộc đời đem lại an lạc cho tự tâm chúng con.

“Ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng

Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền”.

Giờ đây, chúng con không biết làm thế nào để đền đáp công ơn của quý Ngài, chúng con nguyện luôn luôn tinh tấn tiến tu trên con đường đạo, theo gót quý Ngài để hoằng dương Phật pháp. Chúng con thành kính tri ân những bậc Thầy khả kính đã nuôi lớn giới thân huệ mạng cho bao thế hệ hành giả trẻ.

Chúng con kính chúc quý Ngài thân tâm thường lạc, pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, Phật sự viên thành, mãi mãi là cội cổ thụ che bóng mát cho đàn hậu học chúng con.

Cuối cùng chúng con cũng không quên cảm niệm tri ân công đức của chư thiện nam tín nữ gần xa đã về đây hộ trì khóa tu suốt bảy ngày, tạo điều kiện thuận lợi về thức ăn, vật uống đầy đủ. Ngưỡng cầu hồng ân Tam bảo gia hộ tất cả quý vị thân tâm an lạc, tu hành tinh tấn trong ánh hào quang của chư Phật.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.