Các điểm Tự Tứ của Hệ phái Khất Sĩ năm 2014

Tự Tứ là một truyền thống đã được duy trì trong Phật giáo hơn 2.600 năm qua, cứ sau ba tháng an cư mùa mưa, hàng xuất gia đệ tử Phật lại hội lại tại trú xứ để làm lễ Tự Tứ. Tự Tứ tiếng Pāli là “Pavāraṇā”, là một pháp được Đức Phật chế định với hình thức và mục đích được ghi rõ trong Đại phẩm thuộc Luật tạng như sau: “Này các Tỳ-khưu, đối với các Tỳ-khưu đã sống qua mùa mưa ta cho phép thỉnh cầu dựa trên ba tình huống là do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ. Bằng cách ấy, các ngươi sẽ có được sự hòa thuận lẫn nhau, có được sự thoát ra khỏi tội, và có được sự hiểu rõ thêm về Luật”. Việc thỉnh cầu vị khác chỉ lỗi của mình là một cách kiểm điểm lại bản thân mình, từ những hành động do thân, đến những lời nói phát ra từ khẩu, thậm chí là những suy nghĩ từ ý, nếu thấy những lời chỉ dạy đó là đúng sự thật, mình sẽ thành khẩn sám hối để được thanh tịnh. Nhờ vậy, mọi thành viên trong Tăng đoàn đều trở nên hoàn thiện, xứng đáng là bậc phước điền của nhân thiên. Tại Việt Nam, gắn liền với lễ Tự Tứ là Đại lễ Vu Lan. Đại lễ có duyên khởi bắt nguồn từ tấm gương hiếu hạnh của Tôn giả Mục-kiền-liên sau khi chứng đắc lục thông tìm phương cứu độ mẫu thân đang chịu thống khổ trong A-tỳ địa ngục được lưu truyền trong hệ giáo điển Phật giáo Bắc truyền. Có thể nói Đại lễ Tự Tứ Tăng – Vu Lan Bồn mang một ý nghĩa và giá trị đặc biệt, tạo nên một nét đẹp cho văn hóa Phật giáo Việt Nam. Đối với người xuất gia, đây là dịp nhận diện lại thân tâm và quá trình tu học để nỗ lực sửa đổi, hành trì thêm tiến bộ. Đối với hàng Phật tử tại gia, đây là dịp thể hiện hiếu tâm, hiếu đạo với hai đấng sinh thành, là dịp thể hiện lòng cung kính với ngôi Tam Bảo cùng hiện tiền chư tôn đức Tăng Ni. Thể theo truyền thống quý báu đó, Đại lễ Tự Tứ Tăng – Vu Lan Bồn sẽ được diễn ra vào thời gian và địa điểm cụ thể tại các Giáo đoàn thuộc Hệ phái Khất Sĩ như sau:

1. Tịnh xá Ngọc Quang – Điểm Tự Tứ Giáo đoàn I

TX-NGOCQUANG

Tịnh xá Ngọc Quang tọa lạc tại 109 Lý Thường Kiệt, P. 1, TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp do ĐĐ. Giác Chơn trụ trì. Tịnh xá được thành lập năm 1951 trên mảnh đất có diện tích 3.000m2 do gia đình thí chủ Huỳnh Thủy Lê phát tâm hiến cúng, phát xuất từ lòng cảm mộ công hạnh cao quý của Tổ sư nhân dịp Tổ sư Minh Đăng Quang và đoàn Du Tăng Khất Sĩ hành đạo nơi đây. Từ ngày thành lập cho đến nay, tịnh xá đã trải qua 2 lần trùng tu. Lần đầu vào năm 1972 dưới sự chứng minh của Trưởng lão Tri sự Giác Như với nguyên liệu gỗ, lá đơn sơ. Năm 2010, dưới sự chứng minh của HT. Giác Nhường và HT. Giác Giới, tịnh xá được trùng tu kiên cố với nguyên liệu gỗ, ngói. Trải qua hơn nửa thế kỷ, tịnh xá vẫn còn lưu giữ được tấm bảng tịnh xá do chính tay Tổ sư viết cùng quang cảnh tịnh lạc chốn thanh tu.

2. Tịnh xá Ngọc Nhơn – Điểm Tự Tứ Giáo đoàn II

TX-NGOCNHON-GDII

Tịnh xá Ngọc Nhơn là ngôi tịnh xá đầu tiên tại miền Trung của Giáo đoàn II. Tịnh xá được thành lập vào 1958 trên mảnh đất 2.500m2 do bà Nguyễn Thị Tám phát tâm hiến cúng cho Đức Thầy Giác Tịnh. Lúc mới thành lập, tịnh xá được xây dựng với chất liệu gỗ, ván đơn sơ. Năm 1995, hội đủ duyên lành, Đức Thầy Giác Tịnh tiến hành trùng tu ngôi tịnh xá, đến năm 1999 thì hoàn mãn. Ngày nay, Tịnh xá Ngọc Nhơn một quần thể kiến trúc Phật giáo hài hòa tọa lạc tại 999 Trần Hưng Đạo, P. Đống Đa, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, bao gồm: Chánh điện, giảng đường, bảo tháp Phổ Chơn tôn thờ xá-lợi Đức Thầy Giác Tịnh (khánh thành năm 2010), nhà thờ Cửu Huyền và dãy am cốc ẩn mình trong tàng cây là chốn tịnh tu cho các vị Khất Sĩ đang tầm cầu giác ngộ, giải thoát.

3. Tịnh xá Ngọc Vạn – Điểm Tự Tứ Giáo đoàn III

TX-NGOCVAN

Tịnh xá Ngọc Vạn tọa lạc tại thôn Tân Phước Bắc, xã Vạn Phước (Tu Bông), huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, được HT. Giác Thảo thành lập năm 1992 theo lời di nguyện của Đức Thầy Giác An. Tựa lưng vào Hòn Xã (thuộc dãy Trường Sơn), ngưỡng diện vịnh Vân Phong, cách thành phố Nha Trang khoảng 60 km về hướng Bắc, với ngôi chánh điện khang trang, trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi và khuyết tật, Tuệ Tĩnh Đường cùng nhiều công trình kiến trúc. Ngày nay, tịnh xá Ngọc Vạn trở thành một trú xứ tu học thanh tịnh, đồng thời là địa chỉ của những tấm lòng vàng cùng chung tay hoạt động các công tác từ thiện xã hội được cả trong và ngoài nước biết đến. Hiện nay, Tịnh xá Ngọc Vạn do ĐĐ. Giác Hạnh trụ trì, hướng dẫn Tăng chúng và Phật tử địa phương tu học; các công tác từ thiện xã hội được chư Tăng trẻ điều hành, phụ trách hoạt động.

4. Pháp Viện Minh Đăng Quang – Điểm Tự Tứ Giáo đoàn IV

Pháp viện Minh Đăng Quang được Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên, Đệ nhất Trưởng Giáo đoàn IV sáng lập năm 1968 với dụng ý xây dựng nơi đây thành một trung tâm hoằng pháp của Giáo hội Tăng-già Khất Sĩ Việt Nam. Năm 2009, dưới sự chứng minh của Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên, chư Tôn đức lãnh đạo TƯ. GHPGVN, chư Tôn đức BTS GHPGVN TP. HCM và chư Tôn đức lãnh đạo Hệ phái Khất Sĩ, chư Tăng Ni trong Giáo đoàn đã tổ chức lễ khởi công đại trùng tu Pháp viện trên diện tích đất 37.490 m2, mặt tiền hướng ra xa lộ Hà Nội, bên hữu là đại lộ Đông Tây. Ngày nay, Pháp viện Minh Đăng Quang là một ngôi đại già-lam của Hệ phái Khất Sĩ với các hạng mục như: khối chánh điện, thiền đường, giảng đường với bề ngang 40m, dài 70m, cao 3 tầng; tòa nhà “Tây phương cực lạc”; bốn ngôi bảo tháp trấn ngự 4 phía của Pháp viện và các công trình kiến trúc, nghệ thuật Phật giáo đang trong giai đoạn hoàn thành. Đại lễ Tưởng niệm 60 năm Tổ sư Minh Đăng Quang (1954 - 2014) vắng bóng vừa qua với sự tham dự của chư Tôn đức Giáo phẩm Giáo hội của cả ba miền đất nước, được tổ chức trọng thể trang nghiêm suốt một tuần từ ngày 26 tháng Giêng đến mùng 2 tháng 2 năm Giáp Ngọ là một sự kiện minh chứng sức chứa và điều kiện tốt nhất của Hệ phái tổ chức các sự kiện trọng đại. Trải qua 45 năm hiện hữu tại cửa ngõ phía Bắc của TP. HCM, trên trục giao thông chính ra Bắc vào Nam, Pháp viện Minh Đăng Quang là một đóa sen trang nghiêm, là cõi già-lam tịnh địa cho bao người quay về nương tựa, tìm sự bình an trong tâm hồn.

5. Tịnh xá Trung Tâm (Quận 6) – Điểm Tự Tứ Giáo đoàn V

Tịnh xá Trung Tâm (quận 6) được Đức Thầy Giác Lý xây dựng vào năm 1965 trên một khu đất yên tĩnh ven đô Sài Gòn với tâm nguyện đây sẽ là trụ sở chính, điều phối mọi hoạt động Phật sự của 30 ngôi tịnh xá thuộc Giáo đoàn V trải dài từ miền Nam đến miền Trung. Trải qua mưa nắng thời gian, tịnh xá dần xuống cấp. Năm 1996, HT. Giác Hà – Phó BTS GHPGVN TP. HCM, Trị sự trưởng Giáo đoàn V đã khởi công xây dựng mới tịnh xá. Ngày nay, Tịnh xá Trung Tâm tọa lạc tại số 367 Đặng Nguyên Cẩn, P. 13, Q. 6, TP. HCM là một đạo tràng có kiến trúc thanh nhã, góp thêm nét đẹp cho kiến trúc chùa Việt, đồng thời đáp ứng nhu cầu tu học của Phật tử và các Phật sự đang ngày càng phát triển.

6. Tịnh xá Lộc Uyển – Điểm Tự Tứ Giáo đoàn VI

TX-LOCUYEN-GDVI

Tịnh xá Lộc Uyển tọa lạc tại số 121 Kinh Dương Vương, P. 12, Q. 5, TP. HCM là trung tâm hoằng pháp và điều phối mọi công tác Phật sự của Giáo đoàn VI. Tịnh xá được TT. Giác Huệ thành lập vào năm 1965 sau khi nhận thấy mảnh đất này có đầy đủ thuận duyên để xiển dương đạo pháp. Ngày nay, Tịnh xá Lộc Uyển được HT. Giác Tuấn – Trưởng giáo đoàn VI trụ trì. Đây là địa chỉ thân thuộc để Phật tử vùng Chợ Lớn, Phú Lâm trở về nương tựa, tu học cũng như chung tay góp sức tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, giúp đỡ nhân sinh.

7. Tịnh xá Ngọc Phương – Điểm Tự Tứ Giáo đoàn Ni giới

Từ nhiều năm nay, Tịnh xá Ngọc Phương luôn là trú xứ được chư Tôn đức Giáo phẩm Ni giới và chư Ni trực thuộc Giáo đoàn Ni giới trở về tác pháp Tự Tứ. Tịnh xá tọa lạc tại số 498/1 Lê Quang Định, P.1, Q. Gò Vấp, TP. HCM là Tổ đình và Trụ sở Trung ương của Ni giới hệ phái Khất Sĩ do cố Đệ nhất Ni trưởng Huỳnh Liên thành lập vào năm 1957. Tịnh xá là nơi tu tập cho Ni giới Khất Sĩ qua các khóa an cư kiết hạ tập trung hàng năm. Đồng thời, đây cũng là địa điểm cư trú của chư Ni Khất Sĩ từ 2 miền Nam – Trung về nương tựa tu học khi có duyên được theo học các trường Phật học tại TP. HCM.

DSC 0020