Các học giả Trung Quốc sẽ biên dịch từ điển chuyên ngành dành cho việc nghiên cứu các văn bản Phật giáo cổ

Các học giả Trung Quốc đang có kế hoạch biên dịch một từ điển Phật giáo gồm bốn ngôn ngữ - Sanskrit, Tây Tạng, Trung Quốc và tiếng Anh. Drongbu Tseringdorje, thành viên của Ủy ban Quốc gia Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc, ông cũng là một học giả và cũng là nhà cố vấn chính trị quốc gia Tây Tạng đã trình bày cho hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc biết kế hoạch này vào hôm mùng 02 tháng 03 rằng bộ từ điển sẽ được biên dịch để hỗ trợ trong việc nghiên cứu các văn bản kinh điển Phật giáo cổ và nhiều văn bản giá trị khác được viết trên lá buông. 

BanTamKinh

Bản “Tâm Kinh” tiếng Phạn. Từ wikipedia.org

Các bản văn viết trên lá buông, một số chứa đựng những văn bản cổ về văn hóa, triết học, lịch sử và khoa học ở Nam và Trung Á phần lớn được viết bằng tiếng Sanskrit. Rất nhiều tài liệu hiện đang được lưu giữ tại Tây Tạng. Một cuộc khảo sát khu vực do chính phủ trung ương phát động bắt đầu vào năm 2006 thống kê khoảng 60.000 trang có niên đại hơn 1000 năm, giai đoạn kế tiếp của cuộc khảo cứu đã và đang được chuẩn bị. Học giả Drongbu Tseringdorje, người đứng đầu của viện nghiên cứu đầu tiên và duy nhất tại Trung Quốc chuyên về các bản văn viết trên lá buông - Viện Nghiên cứu Văn bản Viết trên Lá Buông tại Khoa Khoa học Xã hội của Viện Hàn lâm Tây Tạng nói rằng các học giả đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu của Bắc Kinh sẽ được tư vấn về dự án sau khi kết thúc phiên họp lập pháp quốc gia năm nay.

Theo báo cáo của Trường Đại học Bắc kinh từ tháng 5 năm 2011, ngành Phật học được quan tâm trở lại trong giới học giả Trung Quốc với việc gần đây đã khám phá ra các văn bản mà từ lâu đã rơi vào quên lãng ở Tây Tạng đóng góp cho việc phục hưng công trình nghiên cứu cổ ngữ Sanskrit. Hơn nữa, một vài bản văn đang có trong tiếng Tây Tạng - Trung Quốc, và trường đại học đang hy vọng dịch chúng trở lại trong ngôn ngữ nguyên gốc. Hơn 60 sinh viên Trung Quốc đang được bồi dưỡng môn cổ ngữ Sanskrit với mục đích đặc biệt này.

Theo học giả Drongbu Tseringdorje, có một nhu cầu cấp thiết đối với các chuyên gia trong ngành nghiên cứu các bản văn viết trên lá buông ở Trung Quốc. “Chính vì vậy, một từ điển chuyên ngành rất cần thiết để hướng dẫn việc nghiên cứu các văn bản viết trên lá buông tốt hơn”, ông trình bày trực tuyến trên trang China Tibet, nói rõ rằng các viện như Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, Trung tâm Nghiên cứu Tây Tạng học, Trường Đại học Bắc Kinh và trường Đại học Thanh Hoa đều sẽ tham gia công trình soạn thảo này.

Đạo Phật du nhập vào Trung Quốc qua đường bộ và cả đường hàng hải, với sự suy vi Khổng giáo sau sự sụp đổ của triều đại nhà Hán là một nguyên nhân chính cho sự phát triển của Phật giáo Đại thừa ở đất nước Trung Quốc. Chư Tăng đi hành hương từ Ấn Độ sang Trung Quốc trong vai trò là hướng đạo sư hoặc nhà dịch thuật và một số truyền thống đặc biệt cũng bắt đầu xuất hiện. Thiền tông và Tịnh Độ Tông cũng như trường phái Kim Cang thừa là một số trong những hình thức Phật giáo nổi bật vẫn còn được duy trì và thực tập cho đến ngày nay.

Phật pháp đầu tiên được viết trên lá buông, một số vẫn còn tồn tại ở các nước như Miến Điện, Ấn Độ, Tích Lan, và Thái Lan cũng như ở Trung Quốc trong cả hai dạng nguyên bản hoặc đã được phiên dịch. Tuy nhiên, nhiều văn bản vẫn không nhận được sự quan tâm từ các học giả, do vì sự hạn chế trong việc thiếu chuyên môn về mặt ngôn ngữ liên quan. Điều này cũng làm trở ngại cho các bậc thầy và các học giả Phật giáo Trung Quốc trong việc nghiên cứu kinh văn Phật giáo Đại thừa trong cổ ngữ Sanskrit. Kết quả là các nghiên cứu hay tác phẩm dịch thuật mới từ những kinh văn này ít được thực hiện.

(Theo Staff Reporter, Buddhistdoor International, 17/03/2015)