Các nhà khảo cổ học đang làm sáng tỏ bí mật Bhamala

 quanthe

Quần thể Phật tích Bhamala. Photo: Hidayat Khan. The Express Tribune

Gần đây các nhà khảo cổ thuộc Bộ Khảo cổ Ấn Độ trở lại nghiên cứu khảo sát các di tích Phật giáo Bhamala, thuộc vùng Khyber-Pakhtunkhwa (K-P), Pakistan, cách Viện Bảo tàng Taxila ở Khanpur 25 km. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình làm việc, song công việc nghiên cứu của nhóm khảo cổ vẫn tiến triển khả quan.

Di tích Phật giáo này đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới và được khuyến khích sửa sang, bảo trì, đặc biệt là tháp Bhamala. Hiện nay, dưới sự điều hành của Khoa Bảo tàng và Khảo cổ thuộc chánh phủ Khuber Pakhtunkhwa, di tích Bhamala được xem là một trong những di tích ở thung lũng Taxila được bảo quản tốt nhất.

Chương trình Bảo tồn và Nghiên cứu Khảo cổ Ấn Độ - Pakistan (ARCPIP) đã hoàn tất phần nghiên cứu hai năm Quần thể Khảo cổ Phật giáo Bhamala. Trong suốt hai năm làm việc, nhóm nghiên cứu ARCPIP đã khai quật 5% di tích, phần chưa khám phá vẫn còn 60%, tuy nhiên các nhà khảo cổ học có nhiều phát hiện mới về khu Phật tích này. Tuy hiện nay di tích Bhamala chỉ mới được khai quật khảo sát 40% theo như lời trình bày của Tiến sĩ Abdul Samad, người tham gia công trình nghiên cứu và là Giám đốc Viện Khảo cổ học ở Khyber-Pekhtunkhwa, các phát hiện của ARCPIP đã cung cấp nhiều thông tin, chứng cứ, quan điểm, kiến thức hữu ích về cả hai phương diện khảo cổ và lịch sử của quần thể Phật tích.

khaocodanglamviec

Một nhà khảo cổ đang làm việc. Photo: Hidayat Khan/Express

Mục đích chính của ARCPIP là tìm ra các chứng cứ về niên đại của vùng đất cùng với nền văn hoá nghệ thuật Phật giáo trong thung lũng xa xôi này. Theo thông tin và tường trình của Giám đốc Samad với Nhật báo The Express Tribune cho biết niên đại xây dựng quần thể Phật tích đang bắt đầu hé mở. Việc khai quật nghiên cứu đã xác thực quá trình phát triển nền văn hoá trong các vùng biên giới như Gandhara, thung lũng Kashmir có liên quan tác động lẫn nhau, đặc biệt chịu ảnh hưởng của nghệ thuật kiến trúc Phật giáo khi Phật giáo truyền đến đây.

Sir John Hubert Marshall (1876 – 1958) là Tổng Giám đốc Bộ Nghiên cứu Khảo cổ Ấn Độ từ năm 1902 đến năm 1928. Chính nhờ Marshall, người Ấn lần đầu tiên được phép tham gia vào các cuộc khai quật trên đất nước mình. Năm 1913, ông bắt đầu khai quật khu vực Taxila và quá trình làm việc này kéo dài suốt 20 năm. Ông là người đứng ra đặt đá xây dựng Viện Bảo tàng Taxila năm 1918, và nơi đây lưu giữ rất nhiều di vật giá trị đồng thời cũng lưu một số dấu ấn của Marshall. Sau công trình khai quật ở đây, ông di chuyển chương trình làm việc đến các quần thể Phật tích Sanchi, Sarnath. Công việc khảo cứu của ông đã vén mở cho thế giới biết được niên đại thật của nền văn minh Ấn độ, đặc biệt Văn minh Thung lũng Ấn Hà và triều đại Mauryan (triều đại Ashoka). Ông đã nổi tiếng với những phát minh quan trọng trong việc khai quật tại Knossos và nhiều di tích khác ở Crete giữa những năm 1898 – 1901.

John Marshal lần đầu tiên khai quật quần thể di tích này vào những năm cuối thập niên 1920, đầu thập niên 1930 đã khám phá ra ngôi tháp và nhiều phần của một tu viện Phật giáo. Công trình nghiên cứu sau này nhờ dựa vào những nghiên cứu nền tảng của ông và mở rộng khai quật có thêm nhiều phát hiện mới. Theo khảo cứu hiện tại, hình dáng của tháp Bhamala có dạng như chữ thập và cả quần thể là di tích lớn nhất ở Taxila và vùng Gandhara còn được bảo tồn cẩn thận. Xung quanh tháp Bhamala, còn có 19 tháp thờ Phật và chư Thánh Tăng nhưng có kích thước nhỏ hơn.

daithap

Đại tháp Bhamala.

Trong lúc khai quật, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy một số đồ sành, nhiều mảnh vỡ của tượng Phật, những đồng tiền bằng đồng. Một di vật dường như là mô tả chân dung thần Gajalaskshmi, một trong tám hoá thân của nữ thần Ashata Lakshmi theo Ấn giáo được tìm thấy. Ngoài ra, việc khám phá còn chứng minh nét ảnh hưởng của nền văn hoá Kashmiri trong các đồ vật, đây còn được xem là khuynh hướng mới trong tư tưởng nghệ thuật Phật giáo ở vùng đất này.   

suachuaphuchoi Sửa chữa phục hồi lại phần đầu tượng Phật. Photo: Hidayat Khan/Express

“Hiện nay, đoàn khảo cổ sử dụng kỹ thuật Harris Matrix lần đầu tiên thay vì các kỹ thuật Wheeler và Marshall thông thường vẫn được áp dụng trong Ngành Khảo cổ học ở Pakistan trước đây. Các sinh viên Pakistan cũng được các chuyên gia khảo cổ hướng dẫn, đào tạo tận tình. Việc nghiên cứu cho thấy quần thể Phật tích Bhamala có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 4-5CE, cách triều đại Kidara-Kushan (2CE) khá xa và nghệ thuật kiến trúc rất gần với nghệ thuật kiến trúc Taxila. Trải qua hàng trăm năm nay, người dân quanh vùng thường lui tới thăm viếng và tôn kính di tích Bhamala, chính vì vậy di tích vẫn còn được bảo trì rất tốt. Các dữ liệu được tìm thấy ở Bhamala có thể được sử dụng để tìm câu trả lời cho vô số câu hỏi về sự thay đổi, sự phát triển và mối liên hệ của Phật giáo và nền văn hoá trong khu vực này mà từ bao lâu nay vẫn chưa được trả lời”. Ông Samad cho biết.

Nhiều năm trở lại đây tình hình an ninh ở đất nước này không ổn định, tuy nhiên, theo ông Samad, an ninh không phải là điều đáng lo ngại. Ông nói: “Bhamala là một nơi yên bình, vì vậy, các nhà khảo cổ ở đây không phải đối mặt với các mối đe doạ về an ninh, nhờ vậy nhóm nghiên cứu an tâm tập trung vào công việc. Chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng phạm vi nghiên cứu và thực hiện công việc khai quật ở khu vực này”.

Công việc nghiên cứu Bhamala thuận lợi trôi chảy cũng là một dấu hiệu đáng mừng, đáng khích lệ cho các nhà khảo cổ từ khắp nơi trên thế giới, mặc dù trong vài năm qua, vấn đề an ninh đã làm họ gặp chút trở ngại trong việc gia hạn visa, và vì vậy họ phải sắp xếp tổ chức nhiều hội nghị ở nhiều nơi khác thay vì ở tại Ấn Độ.

(Theo Buddhistartnews, đăng ngày 16 – 10 – 2014 và Wikipedia)