Các phát biểu của chư Tôn đức trong ngày tọa đàm BGDTNTW

Ngày 3/4/2016, tại Tòa Bảo tàng Học viện PGVN tại Sóc Sơn, Hà Nội đã tổ chức tọa đàm: Giáo dục Trung cấp Phật học: Hiện trạng và giải pháp, nhằm chuẩn bị cho chương trình và nội dung Hội thảo do Ban GDTNTW tổ chức vào tháng 11 năm 2016, chào mừng kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN.

toadam 8

Ngày tọa đàm được sự chứng minh của: HT. Thích Thiện Pháp, HT. Thích Bảo Nghiêm, HT. Đào Như, HT. Thích Nguyên Đạt, TT. TS. Thích Đức Thiện. Chủ trì: TT.TS. Thích Thanh Quyết, TT.TS. Thích Phước Đạt, TT.TS. Thích Nguyên Thành, TT.TS. Thích Viên Trí, TT.TS. Thích Nguyên Đạt. Thư ký: ĐĐ.TS. Thích Giác Hoàng và GS. Lương Gia Tĩnh. Ngoài ra, còn có sự hiện diện của gần 50 vị đại diện các trường Cao- Trung Phật học các tỉnh thành.

Say đây là các ý kiến đóng góp tích cực, chân thành và thiết thực từ các vị đại diện các Trường Cao Trung Phật học các tỉnh thành. Với tư cách là Thư ký đoàn, xin ghi lại những phát biểu của chư Tôn đức đã trình bày trước đại chúng. Có những vị phát biểu hai lần, lần sau bổ sung cho lần trước. Những gì ghi lại dưới đây, chưa có dịp đối chiếu với file ghi âm, nếu có sự sai sót, rất mong chư Tôn đức hoan hỷ. Với lại, thời gian tuy là một ngày, nhưng không đủ để các vị đại diện các trường trình bày các ý kiến của mình một cách đầy đủ và chi tiết.

MinhThong

1. HT. Thích Minh Thông - Ủy viên Thường trực BGDTNTW, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học tỉnh Khánh Hòa

1.1. Giáo dục Phật giáo chủ yếu xoay quanh Giới – Định – Huệ, hướng Tăng Ni đến sự toàn chân thiện mỹ, đưa đến sự giải thoát, giác ngộ rốt ráo.

1.2. Hiện nay, nhiều Tăng Ni sinh (TNS) trẻ sau khi tốt nghiệp Trung cấp Phật học nói riêng và các trường khác nói chung vẫn còn  mơ hồ về giáo lý đức Phật.

1.3. Trường Phật học nên giáo dục TNS trẻ phải có tinh thần phụng sự. Hiện nay, nhiều Tăng Ni sinh sau khi tốt nghiệp các trường Phật học không có tinh thần dấn thân cống hiến, mà ở các nơi thuận lợi và tiện nghi.

1.4. TNS trẻ cần phải được hướng dẫn đi vào đời sống thực tế để cảm thấu nỗi khổ của quần chúng.

1.5. TNS lạm dụng quá mức các phương tiện truyền thông hiện đại, dẫn đến kết quả học tu bị hạn chế.

1.6. Xin Giáo hội đừng can thiệp quá sâu vào việc giáo dục của các trường.

1.7. Hiện nay, Ban Giám hiệu trường Trung cấp Phật học tỉnh Khánh Hòa tuyển sinh đầu vào phải là tốt nghiệp 12 (Trung học Phổ thông). Đối tượng tuyển sinh: Tăng Ni sinh có văn bằng lớp Sơ cấp  được miễn thi đầu vào Trung cấp.

1.8. Mặc dù như lời của TT. Viên Trí nói mỗi năm các Học viện đào tạo trung bình hơn cả 200 sinh viên tốt nghiệp cử nhân Phật học, nhưng các TNS sau khi tốt nghiệp các Học viện không chịu về các vùng sâu vùng xa, kinh tế còn khó khăn.

NguyenDuc 1

2. HT. Thích Nguyên Đức –Hiệu trưởng TTCPH tỉnh Phú Yên

2.1. Trường TCPH tỉnh Phú Yên được hình thành từ năm 1996 đến nay vừa tròn 20 năm (1996 – 2016). Số lượng tự viện tại tỉnh trên 250 cơ sở. Qua 4 khóa đào tạo, trường Trung cấp Phật học Liễu Quán – Phú Yên đào tạo chỉ được 113 vị, như vậy vẫn chưa đủ đáp ứng số tự viện có Tăng Ni đủ năng lực về đảm đương các Phật sự. 

2.2. Hòa thượng tâm đắc với cách giáo dục trước 1975.

2.3. Các TNS được giáo dục ra trường phải có bản lĩnh để lãnh đạo Tăng Ni và hội nhập xã hội, nhất là trong những khúc quanh lịch sử, khi Phật pháp lâm nguy, xã hội biến động.

2.4. TNS tốt nghiệp Trung cấp Phật học phải đủ khả năng để ứng phú đạo tràng, hoằng dương Phật pháp.

3. ĐĐ.TS. Thích Phước Chí – Hiệu trưởng Trường Cao - Trung Phật học Bạc Liêu

3.1. Ban Giáo dục TNTW nên cấp giấy phép hoạt động chính thức cho các Trường Cao – Trung Phật học. Cụ thể là trường Cao - Trung Bạc Liêu đã hoạt động từ lâu, nhưng khi cấp Văn bằng thì chỉ ghi là Trường Trung cấp Phật học. 

3.2. Đức dục, Trí dục và Thể dục nên được cân đối trong đời sống hằng ngày. Hiện nay, tình trạng thể dục của TNS rất hạn chế. TNS không có khả năng lao động nặng.

3.3. Vấn đề cấp đất xây dựng trường độc lập, không nằm trong quy hoạch của Tổ đình, tông phong, pháp phái là điều rất cần thiết. Vì như vậy, dù cho Tổ đình của một sơn môn có lễ lạc gì cũng không ảnh hưởng đến việc học của TNS.

3.4. Hiện nay các tỉnh đều mở các trường Phật học và đều nhận TNS từ các tỉnh thành khác qua, do đó rất khó kiểm soát tình trạng TNS phạm kỷ luật. Đề nghị: Một khi TNS nào phạm kỷ luật nên được đưa ra trước đại chúng và ra thông báo đến các trường khác để không nhận đương sự đó.

3.5. Bạc Liêu có đối tượng người học là Nam tông và Bắc tông. Xin Hòa thượng Đào Như gặp Hòa thượng phụ trách Nam tông ở Bạc Liêu, thống nhất chương trình đào tạo Phật học Nam tông cho người Khmer, để khi cần thiết, Ban giáo dục TN của tỉnh nhà có thể cấp giấy xác nhận, văn bằng cho các TNS tốt nghiệp tại các cơ sở học Phật tại chùa Nam tông.

4. ĐĐ.TS. Thích Chơn Phát – Hiệu trưởng TTCPH Bình Dương

4.1. Trường TCPH Bình Dương làm việc dưới sự chỉ đạo của TT. Huệ Thông (Ủy viên Thư ký HĐTS – VP2), nên việc điều hành rất là sát sao với sự chỉ đạo của Trung ương Giáo hội.

4.2. Các vị giáo thọ dạy ở các trường Trung cấp không đặt nặng về đồng lương. Do đó, đề nghị Ban Giáo dục TNTW nên cấp giấy TUYÊN DƯƠNG CÔNG ĐỨC hoặc một loại giấy gì để khích lệ các vị sau nhiều năm nỗ lực cống hiến, giảng dạy.

4.3. Các vị Giáo thọ hiện nay đảm đương nhiều chức vụ Giáo hội, dẫn đến việc đến lớp đôi khi bị bê trễ. Đề nghị các giáo thọ nên ít nhận chức vụ khác trong Giáo hội để đảm bảo việc giảng dạy cho có chất lượng. 

4.4. Hiện nay, mối quan hệ giữa thầy và trò (Bổn sư và TNS) không còn chặt chẽ như xưa. Đôi khi việc thọ giới của TNS được người thầy cho phép, nhưng trên thực tế, các vị TNS chưa đủ phẩm hạnh, tư cách lại được đi thọ giới. Có nên chăng, Trường Trung cấp Phật học, cơ quan chủ quản TNS đó có đề nghị cho hay không cho.

4.5. Tạo điều kiện cho TNS ở một môi trường có được sự bảo bọc, tình thương từ các vị Giám hiệu, Giáo thọ như là đang ở chùa mình để TNS an tâm tu học.

5. TT. Thích Thanh Dũng – Hiệu trưởng TTCPH Bắc Ninh

5.1. Thời lượng: Mỗi trường ở mỗi vùng khác nhau nên chắc chắn có tính đặc thù, tuy nhiên trường cũng nên theo khung của Ban GDTNTW để có sự thống nhất. Trường Cao đẳng hoặc Sơ cấp có thể linh động, uyển chuyển.

5.2. Những gì đã được học ở trường Trung cấp không nên lập lại ở các Học viện. Nếu môn đó được dạy lại phải được dạy rộng sâu hơn.

5.3. Học Phật phải đi đôi với thực hành. Vì Đạo Phật là đạo tu chứng, nên làm thế nào việc tu chứng ngày càng được thể hiện rõ nét hơn.

5.4. Đối với các giáo thọ đi dạy nhiều, Trường nên có cơ chế đảm bảo sinh hoạt thường nhật và chế độ nghỉ hưu ổn định để khích lệ chư Tôn đức giáo thọ tích cực cống hiến hơn.

6. ĐĐ. Thích Lệ Trí – Hiệu phó TTCPH Long An

6.1. Mục tiêu chính của việc đào tạo Trung cấp Phật học là ít nhất khi ra trường vị ấy phải đủ khả năng trở thành một sứ giả Như Lai / trụ trì.

6.2. Thời lượng lý tưởng là 4 năm đối với Trường Trung cấp Long An vì trường dạy luôn cho cả Sơ cấp. Những khóa đầu tiên chương trình dạy 6 năm (bao gồm Sơ cấp và Trung cấp).

6.3. Khủng hoảng tu tập: Tình hình thực tế cho chúng ta thấy, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Phật học, chỉ có 1/3 TNS là đủ khả năng học tiếp ở các Học viện, còn lại phần lớn đi lang thang, không chịu về chùa tu tập.

6.4. Thống nhất chương trình do Ban GDTNTW đề xuất: 75% là chương trình cứng, và 25 % là phần mềm, để vận dụng các môn khác vào trong chương trình, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của địa phương.

6.5. Giáo khoa và Giáo trình: Các trường phần lớn tự phát. Trong thời gian qua, Ban GDTNTW đã có một vài cuốn, ví dụ như cuốn Phật học Cơ bản, Tứ thập nhị chương, Chính niệm trong đời sống tu tập. Cuốn Phật học Cơ bản phù hợp với chương trình Cử nhân Đại học từ xa hơn. Do đó, xin đề nghị: 1) Gom hết tất cả sách giáo khoa do các trường soạn lại gởi về Ban GDTNTW; 2) BGDTNTW đặt hàng sách giáo khoa từ các trường và yêu cầu các trường phải thực hiện; 3) Ban Giáo dục TNTW thẩm định lại các ấn phẩm đã biên soạn rồi ban hành.

6.6. Phân cấp Quản lý và kiểm soát: Các trường Trung cấp phải nộp Nội quy / Quy chế của bổn trường và sau đó Ban Giáo dục TNTW kiểm định rồi áp dụng.

6.7. Hiện nay TNS đang được đào tạo mang tính học giả hơn là hành giả. Do đó, BGDTNTW nên quan tâm đào tạo về pháp hành.

6.8. Trước khi kết thúc ngày tọa đàm này, chúng ta nên thống nhất hạn chót ngày gởi giáo trình về Ban GDTNTW.

6.9. Nếu chưa có ai đăng ký biên soạn cuốn Phật và Thánh chúng, Ban Giám hiệu Trường Trung cấp  Phật học tỉnh Long An xin đăng ký thực hiện.

6.10. Đề nghị trong thời gian tới, BGDTNTW tổ chức tọa đàm chuyên đề “Sách giáo khoa Trung cấp Phật học” để tất cả các vị giáo thọ có năng lực cùng vào cuộc.

6.11. TNS đầu vào dù là 20 hay là 60 tuổi cũng cần phải đào tạo cho đúng bài bản để có kiến thức và đạo hạnh.

6.12. Đề nghị Giáo hội đổi tên Ban GDTNTW thành: “Ban Giáo dục Phật giáo” vì đối tượng giáo dục  hiện nay bao gồm cả cư sĩ.

HanhBinh

7. TT.TS. Thích Hạnh Bình - Ủy viên Ban GDTNTW, Giảng viên Học viện PGVN tại TP. HCM

7.1. Chính phủ chúng ta hiện nay đang ủng hộ Phật giáo.

7.2. Hiện nay số lượng TNS của VN rất đông mà các nước khác trên thế giới ít có.

7.3. Chương trình tọa đàm này rất cần và rất ý nghĩa.

7.4. Phải xác định mục tiêu giáo dục là gì.

7.5. Một số loại thiền: Như sát hại chúng sanh, đánh hét... không phù hợp với văn hóa VN.

7.6. Nên tạo điều kiện cho TNS học luật cho kỹ trong nước và nên ra nước ngoài học thêm. Những vấn đề như đãy lọc nước, tọa cụ... có còn phù hợp với xã hội hiện đại không?

7.7. Thể chế: Lãnh đạo do Giáo hội suy cử, còn chuyên môn nên đúng theo người. Không nên mời giảng viên tùy tiện theo mối quan hệ cá nhân.

7.8. Giáo khoa do Ban GDTNTW định hướng, còn soạn thuật sách giáo khoa nên giao lại cho các thầy ở các trường Trung cấp Phật học thực hiện. Sau khi soạn xong, tác phẩm đó có thể được Ban GDTNTW mua hẳn bản quyền.

7.9. Chúng ta nên dịch lại những sách giáo trình chuẩn có nguyên tác từ tiếng Anh hoặc tiếng Hoa, để trong thời gian sớm nhất, chúng ta có thể có được bộ sách giáo khoa.

7.10. Ban GDTNTW nên tạo điều kiện hỗ trợ kinh tài cho các vị soạn thuật sách giáo khoa.

7.11. Mỗi trường Trung cấp nên có một thư viện, giúp cho TNS có được nguồn tư liệu tham khảo, không phải tốn tiền quá nhiều để mua sách.

7.12. Internet là một công cụ tìm kiếm hữu hiệu, phục vụ rất tốt cho việc nghiên cứu, học tập. Mặt trái của nó mới xấu, chứ không phải Internet là xấu.

7.13. Qua một số kỳ thi của Học viện PGVN tại TP. HCM: PG Đại thừa bị bỏ ngỏ.

Nhận xét của TT. Thanh Quyết: Cảm ơn TT. Hạnh Bình. Vấn đề sách giáo khoa là một vấn đề trọng yếu hiện nay của Ban GDTNTW. Chúng ta có thể 1) Gom các bài biên dịch lại để ấn hành thành sách; 2) Dịch các sách giáo khoa; 3) Nếu BGDTNTW biết rõ các sở trường của các Trường sẽ đề nghị. Đề nghị tất cả mọi người vào cuộc.

DaoNhu

8. HT. Đào Như - Ủy viên Thư ký HĐTS, Phó Viện trưởng Học viện PG Khmer

8.1. PG Khmer tham gia vào Giáo hội PGVN ngay từ những ngày đầu thành lập Giáo hội.

8.2. Các sư Nam tông Khmer phải học tiếng Khmer và kinh luật nhà Phật theo PG Nam tông.

8.3. Muốn giữ được Lớp Sơ cấp / Trung cấp, chư Tăng Nam tông Khmer phải trì bình khất thực để duy trì được sự sống và tu học.

8.4. HT. Đào Như đọc lại một vài đoạn trong bản tham luận của mình.

- Chương trình Trung cấp Phật học Nam tông Khmer các tỉnh / thành chưa thống nhất.

- Cơ sở và vật thực còn khó khăn, nên khó tập trung lại thành một điểm.

DucThien

9. TT.TS. Thích Đức Thiện – Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN, Phó Viện trưởng Học viện PGVN tại Hà Nội

9.1. Thượng tọa rất phấn khởi cho chương trình Phật sự trọng đại và cấp thiết này. Bởi lẽ, Giáo dục là quốc sách của Nhà nước và Giáo hội. Tổ chức Giáo hội có được vững mạnh hay đạo pháp có được xương minh hay không đều là nhờ vào hệ thống giáo dục Phật giáo.

9.2. Ý kiến của TT. Hạnh Bình, hệ thống giáo dục PGVN chưa bằng một số nước, nhưng cũng hơn một số nước như PG ở Trung Quốc. Các ý kiến khác của quý chư Tôn đức phản ánh thực trạng của hệ thống giáo dục PGVN hiện nay.

9.3. Sản phẩm của chúng ta là tạo nên những con người đầy đủ giới đức và tuệ đức. Nếu tiếp tục học ở các trường thì đủ khả năng học lên, nhưng nếu trở về trú xứ thì đủ khả năng hướng dẫn Phật tử tu hành. Với mục tiêu như vậy, nội dung cần phải tương thích với mục tiêu đề ra.

9.4. Trong niềm tự hào thành tựu, còn có những vấn đề cần phải khắc phục. Vừa qua, chư Tôn đức Ban GDTNTW đi thăm và khảo sát thực tế. Một trong những điều bất cập là đầu vào của Trung cấp Phật học không đồng đều.

9.5. Những ý kiến phát biểu của TT. Hạnh Bình có thể phù hợp với cấp học cao hơn như Đại học, Cao học; còn lớp Trung cấp phải học thuộc lòng với những định nghĩa, pháp số và chủ yếu hướng TNS về oai nghi, đạo hạnh, phép tắc sống chung trong một tùng lâm.

9.6. Khi mới học Phật, TNS phải học bằng những định nghĩa, từng từ, từng câu, không thể không học thuộc lòng. Sau khi TNS học nâng cao thì mọi vấn đề thắc mắc được giải nghi. Bằng không, khi mới học Phật đưa vào những vấn đề quá phức tạp của bộ phái, sẽ khiến cho TNS rơi vào chủ nghĩa hoài nghi.

9.7. Ban Thường trực HĐTS đề nghị: Nghiên cứu lại hệ thống Giáo dục PGVN. Ngày nay các BTS đều tích cực mở trường có thể bị xem là một hội chứng “mở trường”. Nhiều trường có số lượng TNS quá ít, giáo thọ lại không đủ, cơ sở lại ộp ẹp, v.v...

9.10. Thư viện cũng là một vấn đề chúng ta nên quan tâm, vì những thông tin đưa trên mạng chưa hẳn là đủ chuẩn.

9.11. Giáo trình: Thống nhất đưa ra một giáo trình chuẩn cho tất cả các trường Phật học các tỉnh / thành.

9.12. Thống nhất như lời phát biểu của HT. Đào Như. Chúng ta quan tâm tính đặc thù của từng Hệ phái, như Phật giáo Nam tông Khmer.

9.13. Đội ngũ giảng sư: Đặc biệt ở phía Bắc, thiếu một cách trầm trọng. Ban GDTNTW nên phân bổ  giáo thọ sư cho toàn quốc để thúc đẩy sự phát triển chung.

9.14. Hệ thống Sơ cấp Phật học nên thực hiện trong các Tổ đình.

9.15. Vấn đề chỉ tiêu tuyển sinh Trung cấp nên được thống nhất cụ thểđể chúng ta có hướng đi đúng và có sản phẩm tốt đẹp nhất, là Tăng Ni có tài đức.

9.16. Hình thành một form trước khi TNS ra trường: Địa chỉ, số điện thoại, nguyện vọng... Từ những thông tin này, Giáo hội có thể điều các TNS đến các nơi mà Giáo hội cần.

9.17. Hiện nay Sri Lanka có cho mấy học bổng cho TNS Giáo hội chúng ta. Vậy làm thế nào để cho TNS ?

9.18. Ban GDTNTW cố gắng đưa những ý kiến đóng góp ứng dụng vào thực tế để mỗi ngày việc đào tạo có hiệu quả hơn.

Tiểu kết: TT. Thanh Quyết phát biểu: 1) Có một số vấn đề cần nhờ sự hỗ trợ củaHĐTS GHPGVN.

* Nghỉ trưa thọ trai. 13 giờ 30 làm việc tiếp.

ChucTin

10. ĐĐ. Thích Chúc Tín - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Đà Nẵng

Đại đức Thích Chúc Tín và 2 vị Đại đức Hiệu phó nhận trách nhiệm 2 năm điều hành Trường TCPH Đà Nẵng. Kinh nghiệm Đại đức cũng chưa được nhiều, tuy nhiên Đại đức có một số ý như sau:

10.1. TNS còn trẻ, nên còn ham vui, rất dễ sai phạm các lỗi. Tuy vậy, TNS vẫn có những điều hết sức thánh thiện. TNS có thể ngồi nói chuyện riêng nhưng vẫn có thể tiếp thu lời dạy của chư Tôn đức. Nội lực của các vị giáo thọ sư cần phải cụ thể hóa, nghĩa là các vị giáo thọ phải đầu tư hết sức để có năng lực truyền tải kiến thức cho TNS. Các giáo thọ ở các trường Phật học phải là rất biểu tượng, rất chỉnh chu trong hành vi và nhận thức.

10.2. Sách giáo khoa: Các vị giáo thọ trường Trung cấp Phật học cần chung tay góp sức để hoàn thành bộ sách giáo khoa. Đại đức rất thống nhất với ý kiến của Đại đức Thích Lệ Trí. Đại đức hứa rằng trong 6 tháng còn lại của năm, Ban giám hiệu Phật học Đà Nẵng phát tâm 2 đầu sách do Ban GDTNTW giao phó.

10.3. Để đảm bảo năng lực của đầu ra, có nên chăng Ban GDTNTW tổ chức thi tốt nghiệp từng cụm / khu vực để bảo đảm chất lượng. Với cách này, việc đào tạo Tăng Ni hy vọng sẽ có kết quả hơn.

10.4. Có nên đưa ngay các kinh Phật giáo Nguyên thủy vào năm đầu của chương trình Phật học hay không? Vì như vậy, chúng ta sẽ giới thiệu Đạo Phật một cách có hệ thống: Phật giáo Nguyên thủy, Bộ phái và sau đó là Phật giáo Đại thừa.

10.5. Tại một số Thành phố chưa có điều kiện nội trú cho TNS. Ban GDTNTW có nên chăng có công văn gởi về các cấp Chính quyền để hỗ trợ quỹ đất.

10.6. Trong một học kỳ, có nên chăng có một tuần nghỉ hoàn toàn để trải nghiệm tâm linh.

Nhận xét của Chủ tọa đoàn: Ý kiến của Đại đức rất xác thực, giúp cho Ban GDTNTW thúc đẩy nhanh hơn.

11. ĐĐ. TS. Thích Trung San - Hiệu phó Trường Trung cấp Phật học Bến Tre

11.1. Trình độ học vấn TNS không đồng đều. Thông báo khi tuyển sinh là từ lớp 9 trở lên và Tốt nghiệp Lớp Sơ cấp, tuy nhiên trên thực tế thì mọi người đều được nhận.

11.2. Có những tỉnh chưa có Lớp Sơ cấp Phật học thì chương trình Phật học Trung cấp nên là 4 năm, vì như vậy đảm bảo về trình tự giảng dạy và có thời gian để TNS tiếp nhận giáo pháp.

11.3. Mỗi trường nên có một thư viện để TNS làm quen với việc tra cứu.

11.4. Ban GDTNTW mỗi năm nên đi thăm và thanh tra các trường Trung cấp Phật học để nắm vững tình hình thực tế khó khăn và thúc đẩy chương trình đào tạo giáo dục mỗi năm tốt hơn.

11.5. Ban GDTNTW trong một năm hoặc vài năm nên mở lớp Sư phạm trong từng khu vực để giáo thọ đều có kỹ năng giảng dạy. Các vị giáo thọ hiện nay phần lớn không nắm vững phương pháp giảng dạy và không bám sát vào giáo trình, do đó các TNS không tạo được sự hoan hỷ trong học tập.

12. Đại đức Thích Minh Thành – Chánh Thư ký Trường Cao Trung Phật học TP. Hồ Chí Minh

12.1. Hiện nay trường Cao trung Phật học TP. HCM có trên 1000 TNS và sống ngoại trú. Đề nghị hệ thống Trường TCPH cần làm học bạ để theo dõi quá trình học tập và tu tập.

12.2. Hiện nay Trường có 4 lớp, kiến thức không đồng. Có một số tốt nghiệp Cao đẳng hoặc Đại học, nhưng cũng có một số vị mới học lớp 9. Do đó, xin mở một lớp chuyên môn cao hơn để đáp ứng trình độ TNS có trình độ Cao đẳng và Đại học.

12.3. Giáo thọ giảng dạy tại Trường nên hạn chế các chức vụ Giáo hội. Vì thời gian qua, một số vị quá bận công tác Phật sự trong các Ban ngành Giáo hội, do đó việc giảng dạy cũng bị hạn chế.

Nhận xét Chủ tọa đoàn: Vấn đề học bạ là một vấn đề mới trong hệ thống học đường. Bên ngoài cấp Tiểu học đã làm. Cấp Trung cấp Phật học của chúng ta tuy đã lớn, nhưng cũng nên làm vì như vậy Ban Giám hiệu có thể theo dõi sự tu học của từng TNS.

DieuBan

13. Sư cô Thích Diệu Bản – Phó Văn phòng Học viện PGVN tại Hà Nội

13.1. Đa số Ban Giám hiệu các trường Trung cấp cũng có nguyện vọng như bản thân con. Sư cô cũng rất đồng cảm đến 2 vị đã phát biểu: TT. Thích Thanh Dũng và ĐĐ. Thích Chúc Tín.

13.2. Ban GDTNTW nên thường xuyên thăm các trường để khích lệ và giám sát việc dạy học của các trường.

13.3. Tạo nên Quỹ Ban GDTNTW để nuôi dưỡng tài năng trẻ trong giới TNS.

13.4. Tổ chức giao ban Ban GDTNTW và các Ban Giám hiệu các trường Cao/ Trung Phật học.

13.5. Mỗi năm tổ chức một lần cho các TNS các trường gặp gỡ để trao đổi, học hỏi và chia sẻ.

13.6. Ban Giáo dục cần nên thống nhất và hoàn thiện sách giáo khoa.

13.7. Nên thống nhất mẫu phôi văn bằng cho tất cả các trường.

13.8. Cần thống nhất các chức danh các Học viện, Trường Trung cấp hoặc Cao - Trung Phật học. 

13.9. Số lượng lãnh đạo và Nhân viên của từng Học viện, Trường Trung cấp cũng cần nên cân đối. Cụ thể là Học viện PGVN tại Hà Nội có tới hơn 10 vị Phó Viện trưởng, còn chỉ có 2 nhân viên.

13.10. Cần quan tâm và đãi ngộ kịp thời để các vị làm trong ngành Giáo dục còn nhiệt huyết và tiếp tục cống hiến. Giáo hội và Ban GDTNTW chưa quan tâm đúng mức các vị đã nhiệt tâm cống hiến trong thời gian qua. Lâu lâu Giáo hội mới cấp cho vài giấy khen. Người không làm được gì cũng nhận Bằng tuyên dương công đức, giấy khen tặng, người làm muốn chết thì không được khen. Chính do sự khen tặng không hợp lý, làm cho người nhận cảm thấy không vinh dự khi nhận được giấy khen.

13.11. Ban GDTNTW nên có kho đề thi chung cho các trường. Nếu Ban Giáo dục không quản lý được đầu vào và đầu ra thì chức năng của BGDTNTW xem như bị tê liệt.

ThienNghiem

14. ĐĐ.TS. Thích Thiện Nghiêm – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Cần Thơ

Đại đức chỉ vừa đảm nhiệm công tác được Giáo hội giao trong vòng 2 năm.

14.1. Cơ sở vật chất là yếu tố cần để dẫn đến thành công trong việc đào tạo Tăng Ni. Hiện nay, Trường Trung cấp Phật học Cần Thơ chưa có một cơ sở đúng tầm. Trường có 230 TNS, nhưng cơ sở lại rất hạn chế, nằm trong khuôn viên của một ngôi tự viện.

14.2. Dự kiến trong tương lai, Ban GDTN tỉnh thành lập một cơ sở giáo dục Phật giáo riêng để có khoảng không gian thông thoáng hơn, đáp ứng nhu cầu giáo dục Tăng Ni.

14.3. Nhân sự là yếu tố quyết định cho mọi sự thành công trong công tác giáo dục.

14.4. Thực tế hiện nay các trường, đầu vào không đồng đều. Do đó, việc đào tạo gặp nhiều khó khăn.

MinhDao

15. TT. Thích Minh Đạo – Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp Phật học Vĩnh Long

15.1. Từ ngày mở trường đến nay là 7 khóa. Mỗi khóa là 4 năm. Tuy nhiên, theo sự thống nhất của BGDTNTW, chương trình Trung cấp 3 năm đã và đang được áp dụng. Trong trường hợp chưa có Sơ cấp thì cần có 1-2 năm nữa thì tốt hơn.

15.2. Rất đồng tình với Đại đức Thích Chúc Tín, trong một học kỳ có 7 ngày nghỉ học để tu tập để tăng cường hành trì lời Phật dạy ngang qua thực nghiệm bản thân. Ngày nay TNS học nhiều mà ít hành, thiếu kỹ năng sống và hành trì nghiêm mật. Đề nghị BGDTNTW có sự chỉ đạo về vấn đề này một cách cụ thể hơn để các trường Trung cấp Phật học đồng thực hiện đồng bộ.

vienChon

16. ĐĐ. Thích Viên Chơn – Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Bình Định

16.1. Những ý kiến lớn phần lớn đều được các vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức trong các Trường đã nói đầy đủ trong buổi sáng và đầu giờ chiều.

16.2. Ban GDTNTW nên xây dựng bộ Quy chế Đào tạo Trung cấp Phật học, áp dụng cho tất cả các trường, nhằm thống nhất toàn bộ các mặt thuộc hệ Trung cấp Phật học.

16.3. Đầu vào không đồng, dẫn đến chất lượng đào tạo không có kết quả cao. Ban GDTNTW có nên chăng cho phép những vị chưa tốt nghiệp Phổ thông Trung học học lớp Dự bị, hơn là chính thức.

16.4. Nên thống nhất về phiên âm và chú âm trong hệ thống sách giáo khoa của chúng ta.

16.5. Khi tốt nghiệp, có Trường Trung cấp tổ chức thi tốt nghiệp, có trường lại không. TNS có sự so đo chế độ thi cử và trình độ giữa các trường. Đề nghị BGDTNTW nên có Quy chế về chế độ thi cử tốt nghiệp để đảm bảo chất lượng đầu ra.

HanhThe

17. TT. Thích Hạnh Thể - Hiệu trưởng Trường TCPH Ninh Thuận

17.1. Một Tăng sĩ phải hội đủ 2 yếu tố: Giới đức và Trí đức. Muốn vậy, chúng ta phải đào tạo cả Nội điển và Ngoại điển. Nội điển: Học theo truyền thống. Ngoại điển: Học những môn nào đáp ứng kiến thức và nhu cầu cấp tiến của xã hội.

17.2. Ngày khai giảng: Nên được đồng bộ, thống nhất như trường thế học.

17.3. TNS nên được nội trú để có thời gian thực tập thiền môn quy củ. Các Phật học viện ngày xưa đều tổ chức nội trú.

PhuocTu

18. HT. Thích Phước Tú – Hiệu phó kiêm Chánh Thư ký Trường Trung cấp Phật học tỉnh Đồng Nai

Trường Trung cấp Phật học Đồng Nai được Hòa thượng Giác Toàn đánh giá là một trong những trường điểm của cả nước. Hòa thượng Thích Phước Tú đã làm 26 năm Chánh Thư ký của Trường.

Hòa thượng đọc văn bản báo cáo tóm lược lịch sử của trường để khẳng định sự ưu việt của trường trong việc quản lý và đào tạo Tăng Ni sinh.

18.1. Cở sở vật chất là yếu tố đầu tiên để quyết định thành công.

18.2. Buộc phải nội trú.

18.3. Thời khóa chặt chẽ, quả đường mỗi ngày.

18.4. Tăng sinh và Ni sinh có khu vực riêng để tập thể dục.

18.5. Đầu vào rất khắt khe: Tốt nghiệp 12/12.

Nói chung, Hòa thượng giới thiệu mô hình nội trú tại Trường Trung cấp Phật học Đồng Nai.

NguyenDat

19. HT.TS. Thích Nguyên Đạt – Phó Viện trưởng Học viện PGVN tại Hà Nội

19.1. Tán thán công đức lớn lao chư vị tôn túc lãnh đạo các tỉnh/ thành và Ban Giám hiệu trường Trung cấp Phật học

19.2. Hơn 30 năm thành lập Giáo hội, Giáo hội chúng ta có hơn 30 Trường Trung cấp Phật học. Hòa thượng đệ nhất Pháp chủ khi nhận chức có nguyện ước là mở trường đào tạo Tăng Ni.

19.3. Trong bối cảnh Phật giáo hiện nay, chúng ta phải thông cảm vì những bất cập của chúng ta hiện nay. Ví dụ, như các vị tôn túc phải vừa đi dạy, vừa đảm đương các công tác Giáo hội.

19.4. Chương trình 4 năm dạy Trung cấp cũng có thể được chấp nhận đối với các nơi không có lớp Sơ cấp.

LuongGiaTinh

20. GS. Lương Gia Tĩnh – Phó Viện trưởng HVPGVN tại Hà Nội

20.1. Giáo sư rất ấn tượng với lời phát biểu của một vị Thượng tọa phát biểu vào buổi sáng. TNS học xong bị thất nghiệp. Đó là một thực trạng có thật đang diễn ra ở ngoài đời và trong đạo. Chúng ta, BGDTNTW nên xây dựng khung chương trình và sách giáo khoa đáp ứng thực tế xã hội. Gần 4 năm, với lý do chủ quan hoặc khách quan, Ban GDTNTW ra được 3 đầu sách là quá khiêm tốn.

20.2. Đầu vào mới tốt nghiệp Phổ thông Cơ sở thì 4 năm, còn nếu tốt nghiệp Phổ thông Trung học chỉ nên 2 năm.

20.3. Chúng ta nên có một Ban chuyên ngành xây dựng sách giáo khoa, từ việc bản thảo thô cho đến bản thảo cuối cùng.

20.4. Ban GDTNTW nên lập Ban thẩm định sách giáo khoa, nhưng tên tác giả phải được tôn trọng.

20.5. Cần nâng cao năng lực sư phạm của các cấp: Học viện và Cao - Trung cấp. Do đó, chúng ta cần tổ chức đào tạo Nghiệp vụ Sư phạm. Chúng ta có thể mời 2 đối tượng: Các vị có khả năng đào tạo chuyên môn và các vị tôn túc có năng lực, có nghiệp vụ giảng dạytrong Giáo hội.

20.5. Nếu những quyết định lúc trước có gì chưa chuẩn, sai sót thì chúng ta nên mạnh dạn sửa sai và quyết định lại.

Vientri

21. TT.TS. Thích Viên Trí – Phó ban GDTNTW, Trưởng ban Trung cấp Phật học

21.1. Từ ngày thành lập Tiểu ban Trung cấp Phật học đến nay chỉ gần 2 năm.

21.2. Chương trình khung là 75%, còn 25% là chương trình mềm. Điều này thể hiện tính ổn định và linh động trong mỗi trường.

21.3. Thời gian vừa qua, Tiểu ban biên soạn sách giáo khoa đã nỗ lực hết sức mình. Các vị tham gia Ban này làm việc cũng không có lương. Điều đó thể hiện sự nhiệt tâm cống hiến của những vị có trách nhiệm đối với sự nghiệp Giáo dục.

21.4. Xin những bản thảo các môn của chư vị tôn đức trong Ban Giám hiệu các trường để Ban GDTNTW xét duyệt, nếu được thì cho in để phát hành, phổ biến đến các trường, rút ngắn thời gian biên soạn sách giáo khoa.

21.5. Học viện PGVN tại TP. HCM sẽ tổ chức “Lớp Bồi dưỡng Thư viện” trong vòng một tuần. Do đó, các Ban Giám hiệu gởi nhân sự đến để học.

ThanhQuyet

ĐÚC KẾT của TT. Thích Thanh Quyết, Chủ tọa đoàn. Hôm nay chúng ta tổ chức Tọa đàm này để làm chất liệu hội thảo khoa học toàn quốc vào tháng 11 năm 2016. Sau đây là vài nhận xét, trước khi bản tóm tắt của Ban Thư ký đúc kết và công bố:

1) Chư Tôn đức trình bày rất chân thành, thẳng thắn, nhiệt tình, cởi mở.

2) Thời gian đào tạo Trung cấp là 3 năm, nhưng nếu nơi nào chưa có lớp Sơ cấp thì có thể 4 năm.

3) Đào tạo Tăng Ni có tài đức là một việc vô cùng thiêng liêng và khó khăn. Tăng Ni tốt nghiệp là những vị có đức thật tu, do đó đằng sau học viện phải là tu viện.

4) Sức khỏe là yếu tố cần để tạo tiền đề cho việc học tu. Do đó, việc văn thể mỹ cũng là điều tất cả chúng ta cần quan tâm.

5) Trong tương lai, chúng ta có thể tiến tới việc thi chung giữa các trường trong từng khu vực để đảm bảo chất lượng đầu ra của các trường.

6) Trong tương lai, Ban GDTNTW tổ chức giao ban từng khu vực, tỉnh/ thành để chia sẻ, học hỏi lẫn nhau trong quá trình đào tạo và quản lý.

7) Trong tương lai, nếu có thể được thì các Trường Trung cấp khai giảng một ngày.

8) Ngân hàng đề thi có thể thực hiện được khi và chỉ khi chúng ta có hệ thống sách giáo khoa.

9) Lớp Thư viện và Lớp Sư phạm sẽ được thực hiện trong nay mai.

10) Giáo khoa và giáo trình cần phải có thời gian. Các vị tôn túc soạn nhiều khi cũng rất bận. Đó là một thực trạng hiện nay. Nhưng chúng ta sẽ cố gắng. Một cuốn sách đạt 70% là đủ chuẩn, sau đó chúng ta sẽ sửa chữa khi tái bản.

11) Nội trú là một yếu tố cần phải có để đào tạo một người thành Thánh nhân. Quy trình đào tạo: Đầu vào là con người, giai đoạn giữa cũng là con người, đầu ra cũng là con người. Do đó, việc đào tạo là một việc làm “khó của khó”.

12) Các ý kiến này sẽ tổng hợp lại và trình lại Hòa thượng Trưởng ban và tất cả chúng ta sẽ đồng thực hiện trong thời gian tới.

13) Các trường Cao – Trung Phật học lập hồ sơ để Thượng tọa trình lên Thủ tướng để ký giấy hợp thức hóa Trường Cao – Trung Phật học.

14) TT. Thanh Quyết phát biểu rằng, Thượng tọa sẽ cùng với chư Tôn đức đồng hành trong chương trình Đào tạo và Giáo dục Tăng Ni mà Giáo hội giao phó.

Trên đây là các ý kiến phát biểu của chư Tôn đức Ban Giám hiệu các Trường Cao – Trung và chư Tôn đức Giáo phẩm Trung ương vào ngày Tọa đàm. Kính trình lên đại chúng để dễ theo dõi và bổ sung các ý kiến của mình cho ngày hội thảo toàn quốc vào tháng 11 năm 2016, nhằm chào mừng kỷ niệm 35 năm ngày thành lập GHPGVN.

Hình ảnh do Ban Tổ chức cung cấp