Cảm nghĩ về bộ môn của Thượng tọa Giác Pháp

THƯỢNG  nguồn giáo pháp mưa tuôn

TỌA          ở tâm ta khắp cảnh trần

THÍCH       thú vui say pháp vô lậu

GIÁC        ngộ luân hồ bớt khổ đau

PHÁP       vô sanh người người hướng thiện

GIẢNG      pháp môn tứ chúng đồng tu

DẠY         kinh luật ngày ngày công phu

KINH        Thiện Pháp gắng tu hành trì

THIỆN      lành nuôi lớn người trí giả

PHÁP      môn tu Phật dạy đúng thời

MÙA        kiết Hạ thúc liễm thân tâm

AN           trụ nơi Đại Bát Niết-bàn

         nghiệp cầu ta thời tri túc

NĂM        Hạ sau túc duyên gặp lại

GIÁP       một niên nguyện báo Phật lai

NGỌ       quy đầu cho ý định yên

Đức Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên đó là “Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”. Ngài đã chỉ dạy cho chúng sanh thấy được con đường nào nên đi và con đường nào nên tránh để thân tâm thật sự an lạc, hướng đến giác ngộ cao thượng.

Với mục đích đó, mùa Hạ năm nay Thượng tọa đã từ bi hoan hỷ quang lâm về Hạ trường Ngọc Phú chúng con để giảng dạy môn Kinh A Hàm.

Kinh A Hàm là bộ kinh cốt yếu và quan trọng của Phật giáo. Thượng tọa đã khai triển, phân tích một cách rõ ràng những lời kinh mầu nhiệm trong bảy thiện pháp Đức Phật đã tuyên thuyết. Đức Phật dạy: “Muốn đầy đủ thiện pháp Bồ-tát Ma-ha-tát phải trụ nơi Đại Bát Niết-bàn để tu thiện pháp”, đó là:

1. Biết pháp

2. Biết nghĩa

3. Biết thời

4. Biết tri túc

5. Biết mình

6. Biết người

7. Biết sự hơn kém của người.

Bằng sự nghiên cứu giáo điển và trải nghiệm của tự thân, với những ngôn từ giản dị, Thượng tọa đã phân tích và giải thích rõ ràng từng pháp cho chúng con dễ dàng thể nhập. Thượng tọa đã nói rõ: “Biết pháp là biết hiểu được những lời dạy của Đức Phật qua mười hai bộ kinh, bên cạnh đó cũng cần phải biết nghĩa của những bài kinh đó”. Ngài còn nhấn mạnh: “Ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết” (Lìa kinh một chữ đó là do ma thuyết). Vì vậy, Người đã luôn nhắc nhở chúng con phải nghiên cứu và tìm hiểu kinh điển của Đức Phật cho tận tường nghĩa lý mới được, như trong Quy Sơn Cảnh Sách có nói: “Giáo lý chưa từng để dạ, đạo nhiệm mầu không do đâu thành được”.

Qua bài kinh giảng, Thượng tọa cũng nhắc nhở chúng con phải biết thời trong mỗi lúc, nhất là trong nói năng phải biết nói lời ái ngữ, hòa nhã và tránh nói thô tục. Người còn dạy chúng con phải biết tri túc trong sự ăn, mặc, ở, bệnh, trong sự nói năng, nín nghỉ, trong các oai nghi hàng ngày, chẳng những vậy mà cả trong sự tu tập chơn lý cũng phải có tiết độ, phải biết tránh hai cực đoan thái quá và bất cập.

Biết mình, biết người và biết sự hơn kém của người cũng là những thiện pháp mà chúng ta cần nên hành trì. Nếu biết rõ những điều nói trên, chúng ta làm việc gì cũng thành công, dễ dàng hòa nhập và bắt nhịp cùng tất cả mọi người.

Qua lời dạy chân tình, mộc mạc của Thượng tọa, bài Kinh Thiện Pháp mà chúng con được học hôm nay tưởng chừng như đơn giản nhưng để thực hành là cả một quá trình. Vì vậy chúng con cần phải nỗ lực và tinh tấn hơn nữa trên con đường tu học của mình, mau chóng thành tựu đạo lành như những lời Thượng tọa đã truyền trao để không phụ lòng mong mỏi của bậc ân sư.

Trích "Kỷ yếu Hạ trường Tịnh xá Ngọc Phú - 2014"