Cảm nghĩ về khóa tu truyền thống

Chư Phật thị hiện ra đời đều vì đại sự nhân duyên “khai thị chúng sanh, ngộ nhập Phật tri kiến”. Chư Tổ sư tiếp nối hạnh nguyện chư Phật, mỗi vị có một tông chỉ, lập hạnh riêng biệt tùy duyên nhiếp hóa chúng sanh. Đến thập niên 40 của thế kỷ XX, đức Tổ sư Minh Đăng Quang cũng tâm hạnh ấy, phát đại nguyện dõng mãnh “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” sáng lập “Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam”.

TSMDQ027

Mười năm hành đạo với đức hạnh cao vời của đức Tổ sư, ánh đuốc sen thiêng, hạnh khất sĩ biệt truyền của Hệ phái được thắp sáng khắp miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Nhưng rồi trăng Lăng-già khuất bóng, đỉnh Linh Thứu mây che, tiếp nối hạnh nguyện Tổ Thầy, chư Tôn đức Tăng Ni đại đệ tử của đức Tổ sư tiếp nối hạnh y vàng bát đất, Khất sĩ du phương, chánh pháp giáo truyền, lý chơn giảng rộng, tịnh xá đạo tràng xây dựng, tứ chúng tu tập đông vầy.

Đến thời kỳ nước nhà độc lập, Giáo hội thống nhất mối giềng, hạnh khất sĩ chân truyền hòa nhập vào cộng đồng Giáo hội, tùy duyên hành đạo, nếp truyền thống có phần thay đổi, hòa mình vào sinh hoạt, phai nhạt nếp biệt truyền, hàng tân học rõ đâu đường lối.

BM2

Chư Tôn đức lãnh đạo Hệ phái nhận thấy điều này, nên đã có kế hoạch tổ chức khóa tu truyền thống giúp cho thế hệ tân học phần nào cảm nhận được tôn chỉ của hệ phái, nếp truyền thống, hạnh thanh bần của Tổ Thầy.

Thời gian qua từ năm 2010, các Giáo đoàn Tăng đã trải qua 18 khóa, Ni giới cũng đã trải qua 21 khóa, bên cạnh chư Ni trực thuộc các Giáo đoàn Tăng cũng tổ chức các khóa tu, khơi dậy tinh thần sống chung tu học, củng cố Tăng đoàn, khơi rạng đèn chơn lý. Qua thời gian chư Tăng Ni được sống chung tu học trong các khóa tu, kết quả có phần khởi sắc, các hành giả tinh tấn tích cực tham gia, tinh thần đoàn kết các Giáo đoàn được nâng cao, pháp hành của Hệ phái được ứng dụng, bộ Chơn lý pháp bảo của Hệ phái được đưa vào chương trình học tập, chư Tăng Ni tân học được hướng dẫn thu thúc oai nghi trong mọi sinh hoạt.

Tiếp cận nghe chư vị hành giả tân học bộc bạch: “Chúng con rất hoan hỷ khi được tham gia các khóa tu, chúng con thấy được sự mới mẻ trong sinh hoạt tập thể so với sự tu tập tại trú xứ. Nhờ thời gian sống chung tu học chúng con tiếp nhận được sự an lạc nên thêm phần tinh tấn. Cảm nhận được ân đức cao rộng của đức Tổ sư, sự lao nhọc của các bậc Thầy lãnh đạo, nhất là hiểu được tôn chỉ của Hệ phái. Chúng con cũng biết rõ mình phải có trách nhiệm hoàn thiện phẩm hạnh của người xuất gia, bảo vệ lý tưởng giải thoát của mình, nên chúng con rất mong các khóa tu được liên tục tổ chức để chúng con, được học, được tu, được sinh hoạt với tập thể tăng đoàn, những ngày này thật là hạnh phúc”.

Không phải tất cả hành giả đều có được sự nhận thức như vậy, nhưng đây cũng là điểm ưu việt trong chương trình khóa tu truyền thống, chúng ta có thể đặt trọn niềm tin vào kết quả của khóa tu. Tinh thần Hệ phái được nâng cao, phẩm hạnh của hành giả tân học được hoàn thiện, tôn chỉ của Hệ phái được xác lập và truyền thống biệt truyền của Hệ phái được bảo vệ, ngọn đèn chơn lý được khêu cao cho bá tánh gần xa được thấm nhuần chánh pháp.

Ktu8 pd2a 3 Copy

Tóm lại, theo quy luật tự nhiên, vạn vật có thịnh ắt có suy, nhưng tinh thần giáo pháp có được truyền thừa một cách tốt đẹp trường cửu hay không là do nơi cá nhân mỗi Tăng Ni được thấy rõ, biết được trách nhiệm của chính bản thân, xả ly các duyên triền phược, bảo vệ lý tưởng giải thoát hoàn thành tâm hạnh “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh, báo Phật ân đức”.

Khóa tu truyền thống mở khai,

Giúp cho hành giả biết rày tâm cơ.

Lý chơn Hệ phái tôn thờ,

Truyền thống cao quý chớ hờ bỏ quên.

Thanh bần là hạnh cao trên,

Phẩm hạnh giải thoát móng nền đời tu.

Tứ y là hạnh điều nhu,

Học và ứng dụng công phu hành trì.

Vô thường, sinh diệt, thịnh suy,

Ngọn đèn Chơn lý quang huy rạng ngời.